Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 1- Chương 11

Trước khi rời Budapest, chúng tôi muốn đến thăm những người bạn mà chúng tôi đã cho ở trong biệt thự Huvosvolgy của chúng tôi. Chúng tôi thèm chảy nước miếng khi nghĩ đến tất cả số lương thực mà chúng tôi đã tích trữ ở đó và chúng tôi tự nhủ rằng sau hai tháng, cuối cùng rồi bây giờ chúng tôi sẽ được ăn hả hê. Sự nguy hiểm duy nhất là đi lại trong thành phố. Quân Nga có thể tập trung người ta đi làm tạp dịch bất cứ lúc nào và một khi đã bị bắt thì rất khó thoát ra được.
Nhưng cuối cùng bố tôi và tôi quyết định mạo hiểm một chuyến. Hai tháng Budapest bị vây hãm đã để lại dấu ấn nơi con người bố tôi. Ông đi hơi khom lưng xuống. Với râu ria để mọc dài không cạo, vẻ mặt ông thật thê thảm, đáng thương, nhưng bây giờ đó là một điều hay. Ông xách hai cái xô rỗng và chúng tôi xé rách hai chỗ nơi áo vét tông của ông, như thế ông không lạc điệu giữa các đống đổ nát và đáp ứng những đòi hỏi của chế độ mới. Mẹ tôi cho tôi ăn mặc như con trai, đeo kính cận, lại thêm một cái băng treo tay mặt giả bị thương. Cải trang như thế, chúng tôi đi, đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Dọc đường Bem, chúng tôi đi đến đại lộ Margit, lội bì bõm trong bùn lầy dơ bẩn lên đến tận mặt cá chân. Lính Nga đi chậm rãi trên lề đường. Họ đã tập trung lại một chỗ những người đi đường mà họ đã bắt được để lập thành đội ngũ đi làm tạp dịch. Họ đã để cho chúng tôi đi qua. Một ông già còm cõi và một thằng nhóc bị thương thì làm sao có thể dọn dẹp được các đống đổ nát, nên họ đã tha cho chúng tôi đi. chúng tôi đi ngang qua một rạp chiếu bóng. Những người làm tạp dịch khiêng ra xác một con ngựa chết. Tại miền phụ cận Széna Tér, có nhiều lính Đức chết. Tại đây, chúng đã mở một đường xâm nhập hai ngày trước. Tất cả chúng đã bị bắn hạ, đường rầy tàu điện ngập trong máu của lính Đức.
Đột ngột, bàn chân của tôi đặt trên một vật gì mềm nhão. Đó là một cánh tay người tách rời khỏi thân thể, nó còn mang quân phục Đức, chiếc nhẫn đính hôn lóng lánh nơi một ngón tay. Hai hàm răng tôi đập vào nhau cầm cập vì quá hãi hùng. Kể từ lúc đó, tôi bước đi, mắt chăm chú nhìn xuống đất. Gần trạm tàu điện Budagyongye, một quân nhân chết nằm sấp, hai cánh tay giang ra hai bên, như bị đóng đinh trên cây Thánh Giá. Gần bàn tay mặt của ông ta, rải rác có những tấm ảnh.
Trong cơn hấp hối, phải chăng người ấy đã cố gắng gửi một tin tức tối hậu cho những người thân bằng cách nhìn chăm chú vào nét mặt của họ? Và cũng như thế, ở trạm Budagyongye người ấy đã đợi một chiếc tàu điện từ trên trời xuống để rước linh hồn mình…Linh hồn người ấy hình như đã ở rất xa cái thân xác bỏ lại trên lề đường.
Bây giờ chúng tôi đã đi qua những khu phố mà nhà cửa ít đổ nát hơn rất nhiều, quân Nga đã chiếm được vùng ngoại ô rất nhanh. Chính ở đây, chúng tôi đã phải thối lui và đi trở về,  cách đây hai tháng. Hai tháng mà thật sự đối với chúng tôi dài bằng hai mươi năm.
Càng đến gần ngôi biệt thự, các con đường càng lúc càng trở thành quen thuộc với chúng tôi hơn. Lạy Chúa, miễn là ngôi nhà còn nguyên vẹn! nếu còn lại một ít lương thực, chúng tôi sè thoát khỏi vòng khó khăn. Và còn chàng ó những người thân, những người bạn tốt của chúng tôi, chắc họ đã băn khoăn lo âu vì chúng tôi. Lúc ấy chắc đã giữa trưa…Chúng tôi xây xẩm mặt mày vì đói quá.
Cuối cùng chúng tôi đã đến trước ngôi nhà. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Nó vẫn còn nguyên vẹn. chúng tôi vượt qua hàng rào song sắt của khu vườn trước nhà. Trên sân trước mặt nhà, có vài cái bàn ghế. Chúng tôi đi vào tiền sảnh. Chúng tôi nghe có tiếng nói chuyện ở xa xa. Như những người mù, chúng tôi đi dần xuống nhà bếp. tất cả những người bạn tốt của chúng tôi đều ở đó và đang ăn. Họ ngồi ăn chung quanh một cái bàn đầy ắp lthức ăn. Mùi thơm của rượu của thịt phảng phất trong gian phòng. Dì Julia, cao lớn và mập mạp, ngồi yên bất động khi trông thấy chúng tôi, xúp đổ ra khỏi thìa của bà.
Bà hỏi:
Các người chưa chết hết cả sao?
Chúng tôi còn sống – tôi trả lời một cách rụt rè, như thể để xin lỗi.
Sự kinh ngạc cực điểm của mọi người còn lâu mới tiêu tan, nhưng rồi họ cũng mời chúng tôi vào bàn.
Dì Julia hỏi tôi:
Cháu yêu dấu, cháu có muốn ăn một chút gì không?
Tiếng "yêu dấu" thoát ra khỏi miệng bà như một lời nguyền bí mật. Bà ghét chúng tôi vì chúng tôi còn sống. Bà đinh ninh chúng tôi đã chết, cũng có thể bà đã thương tiếc chúng tôi đôi chút và bây giờ bà giận dữ vì đã khóc một cách vô lối.
Một trong mấy đứa con của bà, miệng bê bết mỡ, nói:
Từ trên sân thượng, chúng tôi xem máy bay ném bom bờ sông Danube.
"Từ trên sân thượng" tôi nghĩ thầm và thìa xúp trong miệng tôi đột nhiên trở thành mật đắng.
Khi đề cập đến chuyện bị đói khát hai tháng trời trong hầm, bố tôi nói:
Chúng tôi sẽ mang đi một ít lương thực.
Lương thực? Ông bạn thân mến của tôi ơi – dì Julia kêu lên – có còn gì nữa đâu để ông mang đi. Với một gia đình đông người như gia đình tôi đây, chúng tôi đã tiêu thụ gần hết lương thực dự trữ rồi, vì nói cho cùng, người ta không thể bớt quá nhiều khẩu phần của con cái ở độ tuổi đang lớn. Vả lại, chúng tôi chạy trốn từ Kolozsvar, cho nên khi đến đây, lương thực của chúng tôi đã cạn rồi…
Không nói một lời, chúng tôi đứng dậy và đi xem xét trong nhà. Chúng tôi thấy họ dùng vải trải giường và chăn mền của chúng tôi.
Dì Julia lăng  xăng chung quanh chúng tôi, bà nói:
Chúng tôi tưởng tất cả gia đình anh đã chết rồi, không còn cần dùng gì nữa.
Chỉ cần một cái quan tài thôi, phải không? – bố tôi nói thêm, một cách gay gắt.
Dì Julia giải thích:
Chẳng còn lại gì nhiều. Cứ mỗi lượt quân  Nga đến đây, lương thực của anh trong các bao lại vơi đi. Họ đã lấy đi gần hết.
Chúng tôi gói ghém và mang đi những gì còn lại. Lương thực của chúng tôi đựng trong hai cái bao to, chỉ còn lại chưa đầy ba ký bột. Nhưng còn một ít đường và vài hộp thịt hộp. Tối nay, chúng tôi sẽ đánh một bữa tiệc.
Chúng tôi lên đường trở về, tâm hồn nhiều phiền muộn, thể xác mệt mỏi. mặt trời chói lọi chiếu thẳng ánh sáng xuống thành phố chết trải dài trước mặt chúng tôi. Chúng tôi gần như run sợ khi nhận thấy mùa xuân đã đến, nhưng lần này tân xuân đã làm cho những mầm non dâm lên giữa hai ngón tay của một xác chết.
Cách xử sự của các người bạn chúng tôi hợp với quang cảnh hiện tại của thủ đô. Nó không còn gì là kỳ lạ và cũng không có gì là khó hiểu. tất cả những khái niệm về luân lý đều bị đảo lộn trong thành phố đổ nát này. Điều xấu được cho là điều tốt và những trái tim sắt đá đã có cơ may sống sót hơn những trái tim dễ cảm.
Một chiếc xe cam nhông chạy qua, trên xe chở đầy người mặc áo vét da và mang súng tiểu liên. Chiếc xe chỉ xóc một cái nhẹ nhàng khi cán lên một xác chết. Những con người giống như ma hiện hồn đi ngược chiều với chúng tôi trên lề đường, họ đều giả trang như chúng tôi như thể tất cả, họ và chúng tôi đều là những vai chính trong một vở kịch của Shakespeare, những người sống ngoài vòng pháp luật, sống bên lề một thế giới bình thường.
Những người ở trong ngôi nhà đổ nát của chúng tôi, ở Buda, hồi hộp đợi chúng tôi trở về. Họ nói với chúng tôi rằng họ đã trông thấy nhiều phụ nữ Nga mặc quân phục ở ngoài đường. Những người đàn bà này lắc đầu với vẻ động lòng trắc ẩn và nói rằng Budapest ở trong một tình trạng còn bi thảm hơn Stalingrad[1]. Chúng tôi cũng đã có thấy những nữ quân nhân Nga. Họ mang những cái yếm lớn bằng cao su rất cao to và bắp chân giống như những cộg trụ. Chắc là họ có đủ sức mạnh để nâng một chiếc xe tăng lên vai.
Cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn, mỗi ngày lại có một vấn đề mới nổi lên. Trái bom không nổ đã đâm xuyên qua chiếc đàn dương cầm của tôi, vẫn còn găm vào sàn nhà, không ai dám động đến nó. Phòng thư viện chẳng còn cửa lớn cửa sổ, gió lùa thổi bay sách vở. Nơi phòng khách, lính Nga đã làm vấy bẩn các ghế phô tơi. Chúng tôi cứ để mặc như thế. Không có cách gì có thể ở lại đây được, đâu đâu bất luận là trong phòng ngủ kín đáo nhất hay ở trên đại lộ, tất cả đều đầy phân người, rác rưởi va mảnh vụn – cho nên chúng tôi quyết định rời khỏi Budapest để về ở tại ngôi biệt thự của chúng tôi ở thôn quê, vùng Transdancebis.
Vì bên bờ này của sông Danube không có xe lửa, chúng tôi bắt đầu phải tìm cách qua Pest [2] ở bờ bên kia. Quân Đức đã làm đổ sập tất cả các cây cầu trên sông Danube, nhưng người ta đã cho chúng tôi biết rằng một cây cầu nổi đã được bắc ngang qua sông ở Baja, miền hạ lưu thủ đô.
Tại ga Soroksar, chúng tôi leo lên được một toa tàu nguyên trước kia dành để chở súc vật. chúng tôi quét dọn tàm tạm các đống phân khô và chúng tôi chờ đợi. một đámg đông chừng ba ngàn người cũng chờ đợi như chúng tôi từ buổi sáng. Mãi đến khoảng mười một giờ tối, chúng tôi thấy rõ ràng là không có chuyến tàu nào khởi hành. Răng đập lập cập trong đêm lạnh, bụng đói cồn cào, người ta chạy ùa vào làng nhỏ ở gần đó để tìm chỗ trú ẩn qua đêm. Hoảng hồn, các người nhà quê đóng chặt cửa và từ bên trong cửa sổ, họ kêu lên rằng chính họ cũng chẳng còn một chút gì, quân đội đã lấy đi hết, lấy đến tận các cái gối. Tuy nhiên, một người thợ mộc đã thương hại chúng tôi, cho chúng tôi vào trong xưởng mộc của ông ta. Chúng tôi nằm dài trên một đống diêm bào. Tảng sáng, chúng tôi uống nước nơi giếng của ông ta trước khi đi ra ga.
Ngày hôm ấy, quân Nga bảo chúng tôi lên một chiếc xe lửa khác với chiếc hôm qua. Chúng tôi hỏi một nhân viên hoả xa có biết họ sẽ làm gì chúng tôi không và khi nào tàu sẽ khởi hành.
Người nhân viên ấy nhún vai:
Tôi không biết gì hết!
Trong lúc chờ đợi, lính Nga và đàn bà Nga lên chật ních toa tàu của chúng tôi.
Một người đàn ông mặt mày tái mét, mang một đứa bé con trong một cái túi đeo sau lưng nói:
Đó là một dấu hiệu tốt, nếu người Nga lên, chắc chắn tàu sẽ khởi hành.
Một thiếu phụ mặt đánh phấn, môi tô son, không biết bao nhiêu tuổi với bốn đứa con của bà và một ông già rậm râu cùng đi với chúng tôi. Tất cả chúng tôi che nchúc trong một xó góc tao tàu để nhường thêm chỗ cho các người lính, càng nhiều càng tốt, đồng thời cũng để thoát khỏi sự chú ý của họ. Chuyến tàu chật ních ấy còn đợi thêm vài giờ nữa, rồi bắt đầu chuyển bánh một cách chầm chậm sau một cái xóc đột ngột. Những người còn lại ở trên sân ga nhốn nháo chen lấn, xô đẩy nhau chạy theo. Có người la hét và tìm cách bám vào các chỗ nhô ra của các toa.
Đoàn tàu tiến tới dọc theo một cái bệ cao bên cạnh đường sắt để xếp dỡ hàng hoá,  đột ngột một người đàn ông tách ra khỏi đám đông và nhảy lên cái bậc chân của một toa dành cho quân đội Nga nhưng còn để trống, cửa vào toa đóng kín mít. Người đàn ông ấy lay cái tay nắm của cửa toa một cách điên cuồng, nhưng vô ích. Đám đông hét lên, cái bệ để xếp dỡ hàng hoá rất sát vào đường sắt, nếu người nào đứng trên cái bậc chân để bước lên xe, ắt sẽ bị gạt mạnh xuống.
Người đàn ông kia mải miết cố gắng mở cửa toa, nên không thấy sự nguy hiểm. Cái gờ bệ xi măng gạt ông ta xoay lộn đập vào thành toa. Đám đông khiếp đảm sững sờ, im lặng. Người ta có thể nghe thấy rõ tiếng vỡ răng rắc ghê rợn của những đốt xương bị nghiền nát. Mặt tím thẫm và sương phủ lên, máu miệng chảy ra lai láng, người đàn ông ấy xoay quanh như một con gụ, lên cao, xuống thấp. Chúng tôi hy vọng cuối cùng rồi ông ta cũng rớt xuống. Nhưng cái gờ bê tông không nhả ông ta ra mà tiếp tục nghiền nát ông ta khoảng chừng vài mươi mét.
Những người chứng kiến cảnh tượng ấy hét lên đau đớn và phản đối. Nắm tay đưa lên trời, người ta nguyền rủa. "Chúa ơi, vì sao Ngài để cho một con người bị nghiền nát như thế này?" Vài người lính Nga cố gắng kéo nạn nhân về phía họ, nhưng vô hiệu quả. Đàn bà khóc nức nở, nước mắt chảy trên mặt những người đàn ông lòng dạ sắt đá, một người lính Nga che mắt và bắn chỉ thiên như thể để báo động. Số phận bi thảm của một người Hungari vô danh đánh thức những tình cảm thương hại và khủng khiếp của họ. Đến mút đầu kia của cái bệ xếp dỡ hàng hoá, người đàn ông bị nghiền nát ấy, rớt xuống bên cạnh đường sắt như một cái giẻ rách màu vàng đầm đìa máu. Tàu lửa đi vào một đường cong và lòng chúng tôi tan nát trước cảnh tượng bi thảm ấy.
Đoàn tàu chạy với tốc độ từ hai mươi lăm đến ba mươi cây số một giờ, những người ngồi trên trần các toa xe ban ngày bị nóng như thiêu như đốt, ban đêm lạnh run cầm cập. Sau hai mươi bốn giờ ở trên chiếc tàu này, tất cả chúng tôi đều muốn chết đói chết khát. Đêm đầu tiên ở trong toa xe dàn hcho súc vật này quả thật vô cùng khổ cực.
Chúng tôi ngồi co ro trong một xó góc của toa xe, trên các túi xách của chúng tôi, một người lính nằm dài trước chúng tôi, kề vai trên chân bố tôi, suốt đêm, bố tôi không dám rút chân ra.
Chúng tôi đón bình minh với một tiếng thở dài nhẹ nhõm. Chúng tôi nghĩ đến ngôi biệt thự nhỏ của chúng tôi ở thôn quê, chốn yên thân mà chúng tôi đang đến gần. chúng tôi sẽ thấy nó còn nguyên vẹn hay chúng tôi sẽ chỉ thấy một đống đổ nát?
Vào khoảng giữa trưa có tin lan truyền rằng chuyến tàu sẽ đổi hướng đi và thay vì đến Baja, nó sẽ rẽ trái để đưa chúng tôi sang Nga, băng qua Rumani. Tin ấy do người đàn ông mặt mày xanh xao cho biết, ông ta nói rằng những quân nhân Nga ở trên tàu được về nhà nghỉ phép. Kể từ lúc ấy người ta đào óc suy nghĩ để tìm cách trốn. Nhưng chuyến tàu, cho đến nay chạy chậm như rùa bò, đột ngột tăng tốc độ, lính Nga ca hát và bắn súng qua cửa sổ.
Buổi chiều, thật sự chúng tôi không còn biết chúng tôi là hành khách tự do hay là tù nhân bị lưu đày. Khi màn đêm đã rủ xuống, đoàn tàu giảm tốc độ và ngừng lại trong một ngôi làng nhỏ. Chúng tôi vây quanh người Nga và xin họ cho chúng tôi xuống để đi đại tiểu tiện. Để họ khỏi nghi ngờ, chúng tôi để lại tất cả hành lý của chúng tôi lại trên toa tàu rồi xuống xe, trốn vào trong rừng cây và chạy đi càng xa càng tốt. Cũng may là nơi đó có nhiều bụi rậm. mười lăm phút sau, chúng tôi nghe có tiếng kêu và tiếng súng bắn để cảnh cáo, nhưng chúng tôi tiếp tục chạy và không một ai quay trở lại con tàu.
Mãi đến bây giờ, tôi vẫn không biết lúc bấy giờ nỗi lo của chúng tôi có căn cứ hay không. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thà chịu cực khổ trên đường chạy trốn còn hơn là mạo hiểm ở lại trên tàu để cuối cùng đi vào một trại tập trung ở Sibéri.
Sau khi ngừng lại một lát để bàn bạc, tất cả đoàn chúng tôi quyết định đi bộ đến Baja. Một người nhà quê cho chúng tôi biết Baja cách đây năm mươi kilô mét.
Chúng tôi phải mất ba ngày mới đến đó được. Đêm đầu tiên, người nông dân cho chúng tôi ở trong nhà ông ta, hai đêm sau người ta cho chúng tôi ở trong chuồng bò. Người ta còn cho chúng tôi bánh mì và sữa. Khi chúng tôi đến Baja thì đã bảy giờ tôi. Một nhân viên hoả xa cho chúng tôi biết những khả năng vượt sông Danube để qua bờ bên kia. Ông ta nói:
một chuyến tàu nhà binh Bungari sẽ rời ga trong nửa giờ nữa. Nó chở súng đại bác trên những toa trần. Các người có thể leo lên các toa ấy. Đó là cơ may duy nhất của các người, vì cầu nổi chỉ được dùng cho các chuyến tàu nhà binh.
Sau khi cảm ơn nhân viên hoả xa ấy, chúng tôi quan sát chiếc tàu điện nơi nhà ga. Thật là một quang cảnh đầy ấn tượng, vì hình như các bánh xe lửa không thể chịu đựng nổi trọng lượng của những khẩu đại bác to tướng. Một người lính Bungari vác súng đi bách bộ dọc theo ke ga. Bố tôi trình bày bằng tiếng Đức với người lính ấy rằng chúng tôi đã cuốc bộ trong năm ngày trên một chặng đường, nếu đi tàu chỉ cần năm giờ. Và bây giờ nếu chúng tôi không thể về nhà chúng tôi ở bờ bên kia sông, chúng tôi đành phải chết, vì không còn tiền và cũng không còn đủ sức để cuốc bộ trên con đường cũ theo chiều ngược lại.
Người lính Bungari ấy hiểu và suy nghĩ rất lâu. Đó là một chàng thanh niên nhiều lắm là hai mươi tuổi, nhưng lưng anh ta đã hơi còng xuống như dưới sức nặng quá chừng mà định mệnh đã bắt buộc thế hệ của anh phải chịu đựng.
Anh ta lại nhìn chúng tôi rất kỹ lưỡng và ra dấu cho chúng tôi leo lên trên các toa.
Bố tôi hỏi:
Anh cần gì chúng tôi xin biếu để đền ơn anh?
Không cần gì hết – anh ta nói một cách dịu dàng và giúp bố tôi, mẹ tôi và tôi leo lên toa tàu. Rồi anh ta nói – dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, các người hãy cứ bình tĩnh. Tôi sẽ thu xếp với các bạn đồng đội của tôi.
Ngồi trên giá súng đại bác, một lần nữa, chúng tôi lại chờ. Độ hai mươi phút sau, chừng mười lăm người lính Bungari lên và nằm dài trên sàn toa chẳng bận tâm đến sự có mặt của chúng tôi.
Đoàn tàu  bắt đầu chuyển bánh. Chẳng mấy chốc đã đến cầu nổi. nhưng trông nó có vẻ mỏng manh một cách bước cười, đến nỗi chúng tôi có cảm thấy rằng cuộc đời chúng tôi sắp chấm dứt dưới đáy sông Danube cùng với  các khẩu đại bác. Đoàn tàu chở nặng di qua trên cầu nổi một cách cẩn thận, sông rộng gió lộng, nước sông màu lục lam chảy cuồn cuộn. Lúc ấy, các binh sĩ bắt đầu ca hát. Âm điệu du dương vang lên một cách xót xa trong đêm tối. Chung quanh chúng tôi nước vỗ đều đều và gầm thét trong lúc đoàn tàu chạy chầm chậm qua cầu và rung rinh nhẹ.
Từ lúc ấy, cái lúc đã tụ họp chúng tôi lại với nhau, những thường dân run cầm cập và những quân nhân nước ngoài ngồi trên những giá súng đại bác, cách nước sông Danube hơn nửa mét trong một đêm không sao, từ cái lúc ấy  bốc lên một bầu không khí thanh cao diệu vợi.
Đoạn đường ấy có thể dẫn chúng tôi tới chốn cực lạc vô  biên, chúng tôi, những người bị đày ải, phiêu bạt ở giữa hai bờ sông. Tiếng hát càng lúc càng cất lên cao hơn, như thể nó đập vào cánh cửa nhà trời, để cầu xin cho vài linh hồn được thu nhận vào trong đó. Thân xác sẽ ở lại với các khẩu đại bác trong bùn lầy dưới đáy dòng sông.
Một cái xóc ngắn ngủi, đoàn tàu bắt đầu leo lên bờ dốc một cách mệt nhọc. Chúng tôi đã đến được bờ bên kia.
Sáng hôm đó, chúng tôi cám ơn các binh sĩ đã sốt sắng giúp đỡ chúng tôi. Và chúng tôi lại lên đường để đi tiếp đoạn đường cuối cùng. Sau vài lần dừng chân ngắn ngủi, chúng tôi đã đến đích, sau ba ngày cuốc bộ trên đường trường. Ngôi nhà của chúng tôi còn nguyên vẹn và hồ Balaton trải dài phẳng lặng trong vắt dưới chân những ngọn đồi xanh biếc, như thể nó không muốn biết gì đến những sự kiện bi thảm đã xảy ra trên hai bên bờ của nó.
Chú thích
[1] Stalingrad: một đô thị lớn của Nga trên bờ sông Volga, ở đây đã xảy ra trận đánh lớn giữa Nga và Đức, quân đội  Đức thất bại lớn năm 1943
[2] Budapest, thủ đô của Hungari gồm hai phẩn: Buda ở bên hữu ngạn sông Danube, và Pest ở bên tả ngạn