Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
Phần 2 - Chương 1
Sống không phải là dễ

Sau cuộc vây hãm Budapest, gia đình chúng tôi chẳng còn gì lại cả. Mặt tiền ngôi nhà bị thủng nhiều chỗ vì đạn trái phá. Tôi có thể ngồi trên sàn nhà, trước kia được chăm sóc rất chu đáo, mà đung đưa hai chân trong khoảng không. Ngôi nhà mà tôi ở mười lăm năm đã trở thành một chỗ nguy hiểm cho mọi người. Khi tình hình ở Budapest đã ổn định, khi không còn xác chết trên đường phố, những người đi bộ muốn đi qua trước ngôi nhà của gia đình tôi, phải đi tránh raxa để khỏi sợ bị đè bẹp nếu nó đổ sụp xuống. Các bức tường của phòng tôi đều bị nứt và những chỗ nứt nẻ đã làm cho tôi đau đớn như thể nó là những vết thương của chính mình.
Không còn lại gì cả, không còn một đồ vật  gì còn nguyên vẹn. Các tàn tích cuộc sống của gia đình tôi đều phủ một lớp cặn bã ghê tởm. Dòng thuỷ triều lên mênh mông của cuộc vây hãm đẫm máu ấy đã rút xuống, nhưng thành phố Budapest hình như đã bị vấy bẩn suốt cuộc đời.
Dì của mẹ tôi có một viên kim cương hình hoa hồng gắn trên chiếc trâm cài trên mái tóc khi bà còn trẻ, nhưng nay chẳng còn một cái ảnh nào của bà. Quan tài của bà là một đống gạch đổ nát, một đống những mảnh vỡ của ly chén. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, ngôi nhà bà ở đã sụp đổ và chôn vùi những người ở trong đó.
Dì tôi – tôi đã luôn luôn gọi bà như thế - đã sáu mươi lăm tôi và chồng bà bảy mươi khi tôi mới lên sáu – Sinh ra quá muộn, tôi  chỉ biết ông bà của tôi qua các tấm ảnh của họ. Ngày tảo mộ, tôi sợ hãi khi bố mẹ dẫn tôi đến nghĩa địa. Mùi hương nhạt nhẽo của hoa cúc, những cây nến thắp sáng lung linh mà mỗi người cầm trên tay làm cho tôi sợ hãi, một nỗi sợ hãi không thể nào diễn tả được. Những đêm sau đó, tôi chiêm bao thấy toàn là yêu ma.
Bảy tuổi, tôi có cảm tưởng rằng chung quanh tôi chỉ toàn là những người già. Tôi nhìn rất lâu những đường chân chim nơi khoé mắt của mẹ tôi  và đầu tóc bạc hoa râm của bố tôi.
Bác tôi và dì tôi sống một cuộc đời rất thanh nhàn. Ngôi nhà của họ ở trên một ngọn đồi thoai thoải của Buda có rất nhiều pho sách kỷ niệm các chuyến du hành. Bác và di tôi không có con. Tôi thường đến ở với họ vào ngày thứ bảy và Chủ nhật. Tôi có một phòng nhỏ tại ngôi nhà ấy. Trong phòng có giường và một cái tủ lớn đầy vải trải giường viền ruy băng lụa màu đỏ chung quanh giữa các lằn xếp, dì tôi có để những gói oải hương, những giấc mơ thời thơ ấu của tôi đã thấm đẫm rất lâu trong mùi hương bí ẩn này.
Đường Đức Bà số 3. Đó là địa chỉ nhà của bác và dì tôi. Luôn luôn mặc y phục màu đen, dì tôi không bao giờ nhìn tấm bảng mang tên con đường ấy mà nét mặt không tỏ nỗi ác cảm. Một lần, tại phòng xưng tội, người ta đã xúc phạm đến danh dự của bà và từ đó bà có ác cảm với toàn thể giới cha cố. Rất lâu sau này, tôi mới biết bác tôi là người đã ly dị vợ, dì tôi không thể kết hôn với ông theo nghi lễ tôn giáo. Bồng bột với một mối tình lớn, dì tôi muốn được hưởng hạnh phúc thế gian và đồng thời cũng được làm phép cưới ở nhà thờ. Nhưng bà đã nhận được lệnh như một tối hậu thư, phải từ giã người đàn ông mà bà yêu.
Thời thơ ấu, ngoài bố mẹ tôi, tôi chỉ biết có bác và dì tôi. Tôi sống hồn nhiên trong sự thương yêu và đùm bọc của những người thân ấy. Bố mẹ tôi hiền lành, vui vẻ, sống bên cạnh dì tôi, tôi tập được tánh thương yêu người già cả.
Tám tuổi, tôi là một đứa trẻ khôn sớm để cảm nhận được, trong cử chỉ và trong nét mặt của bác và dì tôi, tình yêu vô cùng, vô hạn của họ. Họ có một bà giúp việc rất giỏi vê mọi phương diện, nhưng luôn luôn chính dì tôi giúp bác tôi mặc áo măng tô khi bác dẫn tôi đi dạo. Dì tôi đứng nơi ban công đợi cho đến lúc chúng tôi đã đi xuống dưới nhà và bà còn đưa mắt nhìn theo trong lúc chúng tôi đi theo con đường khuất khúc xuống đồi. Bác tôi có một bộ râu ngạnh trê được săn sóc rất tỉ mỉ, nhưng màu hơi vàng vì khói thuốc ống điếu ông hút thường xuyên. Mặc comlê đen và cầm một cây gậy thật đẹp, ông ngừng lại nơi những chỗ quẹo để giải thích chàng hotôi  hiểu rằng với bệnh đau tim phải đi cẩn thận như thế. Tôi nghe một cách ngoan ngoãn, nhưng tôi quá vui mừng khi, đồ chơi của tôi như cái vòng hay quả  bóng rơi xuống và lăn, tôi phải chạy theo để chụp lại.
Hai bên đường Đức Bà có những cây lật. Mùa xuân hoa thơm ngát, màu thu trái lật rụng xuống.
Sau bữa ăn trưa, bác tôi và dì tôi nghỉ ngơi. Dì tôi nằm trong phòng của bà, bác tôi, đắp cái áo choàng màu xám, nằm trên ghế đi văng trong phòng giấy của ông. Trong thời gian ấy, ngồi thu mình trong chiếc ghế phô tơi, tôi đọc các tác phẩm của Dickens. Tôi làm quen với các nhân vật David Cooperfield, và Pickwich. Bà giúp việc ra về lúc ba giờ chiều. Bà đóng cửa nhẹ nhàng đến nỗi chỉ có một mình tôi nghe tiếng động nhỏ ấy. Có một lần tôi nhón chân đi ra tận ban công để nhìn bà ấy ra về. Có một quân nhân đứng đợi trước nhà. Hai người nắm tay nhau đi xuống đồi và bỗng nhiên tôi thấy ngôi nhà quá vắng vẻ.
Khi trời tối, buổi tối bác tôi và dì tôi đánh bài ngoài ban công. Các cây phong lữ thảo hoa màu đỏ tươi toả hương thơm ngát. Lũ côn trùng từ các vườn chung quanh bay tới như đã hẹn hò gặp nhau gần bên cây đèn bằng pha lê của dì. Trong khi đánh bài, luôn luôn hai ông bà nói bằng tiếng Anh. Tôi, nửa thức nửa ngủ, nghe họ nói chuyện với nhau.
Sáng chủ nhật, đến đón tôi, rồi cùng mẹ tôi, chúng tôi đi nhà thờ. Dì tôi đóng cửa sổ, bà không thích nghe tiếng chuông nhà thờ ngày chủ nhật. Suốt buổi sáng ngày hôm ấy, bà đánh đàn piano. Ở trong phòng giấy, bác tôi khẽ hát bản nhạc dì đang chơi.
Dì tôi có một gia tài riêng, bác tôi thì chỉ có tiền hưu, nhưng ông có rất nhiều bà con mà những người bà con ấy lại có tính tham lam. Dì tôi thuộc giòng dõi quý tộc và hơi kiêu, bà phiền muộn vì không thể quý trọng họ khi họ đến thăm. Còn có một điều nữa làm cho bà buồn, đó là tôi cương quyết không chịu học đàn piano. Khi dì tôi chơi nhạc Chopin, bác tôi ngồi trong một chiếc ghế phô tơi, nhìn các ngón tay dài và mượt mà của dì lướt nhẹ trên các phím đàn.
Năm tôi mười tuổi, mừng sinh nhật tôi, bác tôi làm quà cho tôi ba quyển sách. Một quyển tiếng Hungari, hai quyển khác tiếng Anh. Và dì tôi đã đích thân làm cho tôi một món kem lạnh thật thơm ngon. Trong lúc bác tôi và dì ngủ trưa, tôi nhìn ba quyển sách đẹp của mình. Vì ghế của tôi ngồi gần chiếc đi văng của bác nằm, tôi thấy bác ngủ rồi. Khô và nhăn nheo như vỏ hạt đậu, hai bàn tay to của bác để trên cái áo choàng màu xám. Nơi bàn tay mặt, bác có đeo một chiếc nhẫn cưới, trên bàn tay trái, một chiếc nhẫn mặt khắc hai chữ cái tréo nhau. Tôi thấy trên đồng tay của bác, lúc đó là bốn giờ mười phút. Tôi nghe tiếng bước chân nhè nhẹ của dì đang pha trà trong phòng khách. Tôi biết trong vài phút nữa bà sẽ đến đánh thức bác tôi dậy và sau đó chúng tôi sẽ cùng nhau uống trà một cách vui vẻ. Tôi bèn ăn cho xong món kem của tôi. Bỗng tôi chợt có ý nghĩ rằng hôm nay kỷ niệm ngày sinh nhật của tôi (một sự kiện quan trọng đến với tôi) tôi có quyền đánh thức bác dậy. Thế là tôi tụt xuống khỏi ghế và đến sờ vào bàn tay của bác tôi. Nhưng bác tôi ngủ rất say, mặt quay vào trong tường. Tôi nghe tiếng nước để pha trà sôi. Lúc ấy mạnh dạn hơn, tôi nâng bàn tay bác tôi lên. Âm ấm, nặng một cách lạ lùng, bàn tay ấy tuột khỏi tay tôi và rơi xuống bất động. Trái tim tôi đập dữ dội đến nỗi tiếng đập làm tôi cảm thấy ngực đau nhói.
"Bác ơi!...Bác ơi!..."
Chắc là tôi đã kêu to lắm  vì chỉ một lát sau, dì tôi đã có mặt tại cửa.
 Không bao giờ tôi thấy dì tôi cao lớn và đồng thời lại mảnh mai như trong chiều tà mùa đông năm ấy. Tôi có cảm tưởng rằng dì sẽ không bao giờ có thể đi vào phòng giấy của bác tôi. Bà nhìn chồng và bắt đầu gọi to:
Anh yêu, anh có muốn dậy uống trà không? Uống trà nhé, anh yêu?
Một lát sau, bà ngồi xuống bên chồng và đưa cả hai tay nắm lấy tay ông.
Sao anh lại như thế này? – bà kêu lên – Sao anh có thể bỏ em mà đi như thế này? Sao anh không đợi nói với em lời từ giã?
Tôi không dám nhúc nhích. Tôi chỉ thấy hình như đôi môi của bác tôi hơi hé ra để nói lời vĩnh biệt.
Dì tôi chỉ còn có những cử chỉ xốc nổi. Nhưng rồi bà cũng trấn tĩnh lại. Bà đi vào trong phòng, lấy ra một cái chăn và đắp cho bác tôi. Sau đó bà muốn gọi điện thoại. Nhưng ngón tay của bà run đến nỗi không bấm số được. Bà bảo:
Hãy gọi bố mẹ cháu đến đây ngay.
Tôi gọi điện thoại. Trong lúc tôi nói với mẹ tôi, dì tôi bật sáng tất cả đèn trong nhà.
Bỗng tôi cảm thấy buồn nôn. Mùa đông, các chậu hoa phong lữ thảo ở ngoài ban công được đem vào phòng ăn và buổi chiều hôm ấy mùi buồn nôn của chúng tràn lan khắp nhà. Tôi muốn mở một cửa sổ nhưng tôi không vặn được tay nắm. Vì sao bố mẹ tôi còn chưa đến?
Dì tôi đi thờ thẫn trong các gian phòng, vừa đi vừa lẩm bẩm những lời không mạch lạc về tiệc trà và về sự chết chóc. Đèn sáng trưng, tôi không rõ mặt của bác tôi. Khuôn mắt ấy, sáng nay còn đầy sinh khí biết bao, bây giờ đã trở thành màu vàng và nhẵn thín. Các nếp da nhăn đã biến mất và trên khuôn mặt trẻ lại ấy, có một bộ râu ngạch trê khó hiểu.
Bây giờ tôi có thể hình dung được rằng ngay cả bác tôi, xưa kia, cũng đã có một thời  trẻ trung.
Chuông cửa reo vang. Tôi chạy ra cửa và ngã vào vòng tay của mẹ tôi. Tôi khóc nấc lên, nhắm mắt lại và cứ muốn giấu mình trong vòng tay của bà.
Bác tôi đã ra đi vĩnh viễn, trước mắt tôi. "Luôn luôn phải coi chừng với bệnh tim…" bác đã nói. Nhưng đâu là linh hồn? Tôi tự hỏi. Đâu là tư tưởng của bác? Bác có nằm mơ trước khi chết không? Bác còn có muốn nói gì nữa không?
Khi tôi hôn bàn tay bác, bàn tay ấy đã lạnh ngắt.
Sau đám tang của bác tôi, tôi nhận được một bức thư của dì tôi. "Cháu yêu quý của dì – bà viết – dì muốn cháu biết rằng khi đến lượt, như bác cháu, dì từ giã cuộc đời này, tất cả tài sản của dì sẽ thuộc về cháu. Dì muốn cháu giữ chiếc đàn piano của dì trong phòng của cháu…".
Tôi thường đến nhà dì tôi. Trên bàn ăn luôn luôn có đặt bộ đồ ăn của bác tôi và chai rượu hảo hạng để bên cạnh.
Chiếc đàn piano – dì tôi không còn đụng đến nó nữa – nằm im lìm và có vẻ hoang lạnh ở giữa phòng khách lớn, như một cỗ quan tài.
Lần cuối cùng tôi với bố mẹ tôi đi đến căn nhà bị tàn phá của chúng tôi, dưới những quyển sách dơ bẩn tôi đã tìm thấy, hầu như nguyên vẹn trong cái khung của nó, một bức tranh khắc đồi Buda đầu năm 1900. Khi đi vào phòng ăn, tôi chợt thấy trên tường có một cái đinh và tôi treo bức tranh lên trên đó.
Ra ngoài đường, chúng tôi còn quay mắt lại nhìn một lần cuối cùng căn nhà. Xuyên qua mặt tiền nhà bị bắn thủng toang hoác, chúng tôi còn thấy bức tranh treo hầu như lơ lửng trong khoảng không. Đột ngột, một ngọn gió dữ dội thổi đến làm bụi bặm rơi xuống mù mịt. Thế là chúng tôi cất bước ra đi, mắt đầy bụi và nước mắt.
Trong ngôi nhà nhỏ ở vùng quê Fongod, nơi tôi sống một cuộc sống mộng du, tôi chỉ tìm cách tỏ ra là một cô gái đang lớn và chóng quên. Tôi không muốn làm cho bố tôi phiền muộn vì tôi mà tổn hao sức khoẻ. Tôi ca hát khe khẽ để bố mẹ tôi vui lòng. Với sự giúp đỡ của mẹ tôi, tôi đã cắt may một chiếc áo mặc mùa hè từ một tấm màn hoa. Khi bố tôi nói rằng, đối với những người còn trẻ tuổi, mọi sự dễ dàng hơn, tôi nói "Vâng, đúng như thế". Với hai tấm vải trải giường, tôi tậu được một con dê cái để vắt sữa cho bố mẹ tôi uống. Bà già nhà quê, người đã bằng lòng trao đổi với tôi bằng hiện vật, đã dạy cho tôi cách vắt sữa.
Nhưng ban đêm, một mình trong phòng riêng của tôi, tôi cất bỏ ngay cái mặt nạ vui vẻ và trở lại với các quyển sách. Ở đây, ở thôn quê, chúng tôi chỉ có những tác phẩm của những nhà văn Bắc Âu,vài quyển sách của Balzac, một quyển duy nhất của Flaubert "Bà Bovary".
Tôi ngủ thường mộng mị. Pista, người quân nhân tươi cười chết trong lúc Budapest bị vây hãm thường hiện ra với tôi. Nhưng tôi không sợ anh ta. Tôi cũng không sợ bác tôi. Tôi đã biết cái chết điềm nhiên của một ông già, nhưng tôi chưa hình dung ra được cái chết dữ dội của một người trẻ tuổi, tươi cười, can đảm.
Mỗi buổi sáng, cuộc đời bắt đầu lại. Những mùa hè kéo dài, vô tận, ngột ngạt, những mùa đông giá rét, tuyết rơi.
Tôi nhớ một ngày tháng Bảy, tôi đi bơi. Hồ Balaton mang tôi trên cái lưng màu xanh rực rỡ ánh mặt trời của nó. Rồi khi nhìn lui phía sau, tôi chợt thấy những làn nước xanh do tôi tạo ra trên mặt nước phẳng lặng khi tôi bơi. Người đời xa cách tôi đến nỗi tôi có một cảm giác cô đơn tuyệt đối. Trong khi tiếp tục bơi, tôi đã ngẩng đầu lên, như thể để khám phá ra Chúa Trời vô hình. Đột ngột, một làn sóng bất ngờ quất vào mặt tôi. Và cái tát ẩm ướt, trong suốt dưới ánh mặt trời ấy đã làm người tôi rung chuyển như bị điện giựt. Nhờ nó mà tôi nhận thức được thân thể của tôi.
Rùng mình một cái, tôi ý thức được làn sóng ấy là do chính các cử động tôi làm để bơi. Lo sợ, vụng về, tôi kéo cái áo lót lên che kín bộ ngực mình.
Hầu như hụt hơi, tôi vội vã bơi vào bờ, tôi trở thành nặng trịch vì mệt lử và trong một lúc vô ý, tôi đã bị uống nước.
Cuối cùng rồi khi cảm thấy đã có sỏi đá dưới chân, tôi ngã nhào xuống trên bờ hồ.
Tôi thở hổn hển.
Một lát sau, trên đường trở về nhà, tôi biết rằng tình trạng cô đơn của tôi là không thể nào chịu đựng nổi.