Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 2 - Chương 6

Tôi đã báo trước cho bà Bruller biết để bà đợi tôi tại sân ga. Tôi cũng đã gởi ảnh của tôi, để bà có thể nhận ra tôi một cách dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng, không có ảnh bà cũng sẽ không nhận lầm tôi với một người nào khác. Tôi đã chuẩn bị để có điệu bộ của một người bảo mẫu tận tâm, nghiêm nghị và rất chú ý đến những người chung quanh mình, đúng như thế, một người khiêm tốn nhưng đứng đắn, không để mình bị dụ dỗ bởi những lời lẽ phỉnh gạt. Nhưng mặt mày nhăn nhó vì một đêm thức trắng và hai bàn tay rịn mồ hôi vì sợ hãi, tôi nhìn thành phố Paris đang đến gần. Trên sân ga lúc nhúc những phu khuân vác, tôi thấy khó lòng mà chen lọt vào giữa đám đông ấy. Tôi chần chờ trước căn buồng trên toa tàu của tôi với cái măng tô cũ may ở Budapest khoác trên cánh tay và chiếc va li các tông cứng để dưới chân. Trái tim tôi đập thình thịch, tôi đinh ninh có một vết đen dài trên trán tôi vì tôi đã ngồi gần cửa sổ. Hồi sáng, tôi thấy mép cửa sổ đầy mồ hóng. Tôi nhìn người ta đi ngang qua trước mặt tôi và trong lúc tôi còn chần chờ, đến nỗi tôi không thấy người thiếu phụ sờ vào cánh tay tôi và nói:
Cô Christine?
Tôi giật nẩy người, đáp:
Vâng, chào bà.
Xe của tôi ở trước nhà ga, cô hãy đi theo tôi…Có mệt lắm không?
Tôi thở dài và đáp:
Mệt kinh khủng…
Chắc chắn tôi có một vết mồ hóng ở đâu đó nơi mặt, vì thế bà Bruller mới hỏi tôi câu ấy. Tôi cố nhìn mặt tôi trong kính chiếu hậu xe hơi, nhưng không nhìn thấy được.
Bây giờ bé Monique đang ở đâu, thưa bà? Chắc bé đang ở trường học?
Không. Ở trong giường của nó. Nó bệnh…Cô đã có lên sởi chưa?
Dạ thưa bà, tôi đã có lên sởi rồi, lúc còn ở Budapest.
Đột ngột bà ta nhìn tôi, bà có thể làm điêu đó, trong khi xe đang chạy trên xa lộ.
Ở Budapest?
Bà ta nói điều đó với vẻ ngờ vực, đến nỗi một cách vô ý thức, tôi sờ vào cái lỗ nhỏ gần núp tai mà bệnh thuỷ đậu đã để lại cho tôi.
Vâng, ở Budapest.. – tôi trả lời.
Sau vài phút im lặng, bà ta nói tiếp:
Cô sẽ có khá nhiều việc phải làm trong những ngày đầu. phải ngăn không cho con bé gãi…ngứa dữ lắm.
Bà ta nói với tôi bằng giống một nhà giáo mệt mỏi nhắc lại nhiều lần cùng một điều với một người đần độn. Tôi muốn nói ở Budapest bệnh sởi cũng làm cho ngứa ngáy, nhưng tôi nghĩ rằng nên im lặng thì tốt hơn.
Bà ta lại nói tiếp:
Tôi đã giữ hai bàn tay của con bé suốt đêm, chồng tôi đã phải thức luôn hai ngày…
Còn người giúp việc? Tôi đã không hỏi câu đó. Tôi lại nói:
Khi tôi lên sởi, tôi đã mang găng tay….
Giữ tay nó thì chắc ăn hơn… - bà ta nhún vai nói.
Tôi đã thấy xuất hiện các ngôi nhà của khu phố Versailles, nhưng trước khi vào trong thành phố, bà Bruller cho xe chạy theo một con đường nhỏ và một lát sau xe ngừng lại trước một ngôi nhà cũ có một tầng lầu, tường bao phủ bởi giống cây leo trường xuân, với một cái vườn đầy cỏ dại, cửa rào song sắt, đã rỉ sét vì mưa.
Bà Bruller mở cửa vào nhà. Tiền phòng nhỏ hẹp một cách lạ lùng, với hai cửa phòng bên tay mặt, một cửa phòng bên tay trái và cái cầu thang lên lầu một. Tôi để va li và áo măng tô xuống và đi theo bà ta. Ở lầu một, có bốn phòng, mà một phòng là của Monique, con bé đang ở trong đó với một bà láng giềng của bà Bruller, có nhiệm vụ canh chừng nó.
Cám ơn bà chị - bà Bruller nói và cúi xuống đứa bé.
Tôi bước tới gần và thấy một khuôn mặt sưng tấy, đỏ và hoàn toàn biến dạng vì những mụn nhọt đang nổi lên và lan ra khắp mặt.
Bé Monique đó – bà Bruller nói với tôi.
Nghe tiếng của mẹ nó, con bé hét lên một tiếng và rồi rên rỉ.
Tôi cúi xuống nhìn nó và tôi có cảm giác hai người đàn bà kia đang nhìn tôi để dò xét. Không một cử chỉ nào của tôi được lọt ra khỏi sự dò xét của họ. Tôi cảm thấy mình vụng về và nặng nề, như thể họ đã cột vào tay chân tôi những vật nặng vô hình trước khi tôi bước vào trong gian phòng này. Tôi tìm hai con mắt của đứa  bé. Tôi muốn cảm nhận được sự tiếp xúc đầu tiên ấy giữa nó và tôi. Và nếu tôi có thể, bằng một nụ cười, làm cho nó im đi không rên rỉ nữa, thì đó sẽ là một sự thành công. Tôi còn chưa yêu mến nó. Không thể yêu mến vì bổn phận nhưng tràn đầy thiện chí và đè nén một cái rùng mình ghê tởm, tôi sờ nhè nhẹ vào một bàn tay của nó. Trên khuôn mặt bị biến dạng, hai con mắt được thay thế bởi hai kẽ hở đầy nước mắt. Bà láng giềng thì thầm nói chuyện với bà Bruller. Tôi đứng lúng túng gần  bên giường. Tôi phải làm một cái gì đó để cho họ vừa lòng. Con bé không ngừng rên siết. Nó rên với nhịp độ đều đều, tôi hy vọng cố làm quen với tiếng rên ấy như tiếng tích tắc của cái đồng hồ báo thức. Tôi ngồi xuống mép giường, con bé nín thinh, có lẽ vì ngạc nhiên và hai người đàn bà kia lặng lẽ đi ra thật mau. Họ chỉ đợi tôi ngồi xuống, bị giam ở đó trong một thời gian vô định. Khi Monique muốn sờ mặt nó, tôi giữ hai bàn tay của nó lại, tôi chụp bàn tay của nó khi nó nó vừa mới giơ lên, tôi không thể rời con mắt khỏi nó, những cử chỉ của nó thật bất ngờ, nhưng tôi luôn luôn nhanh tay hơn nó. Cửa sổ của gian phòng ấy được đóng lại một cách cẩn thận. Bức màn  chỉ để lọt vào một thứ ánh sáng lờ mờ. Tôi không có đồng hồ. Tôi cố gắng phân biệt những tiếng động xa xa ở trong nhà, người ta đóng và người ta mở cửa ở tầng trệt. Có tiếng đàn bà, có thể là bà Bruller, nói chuyện bằng  điện thoại, tôi nghe vài tiếng "chắc chắn" và "lẽ tất nhiên". Tôi như lềnh bềnh trong ánh sáng lờ mờ ngột ngạt ấy. Monique mau mệt hơn tôi. Tôi thấy nó đối chọi với một tia sáng như một con ruồi nhỏ trên một tờ giấy diệt ruồi. cuối cùng, Monique ngủ thiếp đi, nó không rên nữa. Tôi đứng lên và lúc ấy tôi mới nhìn gian phòng, như một người mộng du được người ta thức dậy một cách thình lình và ngơ ngác thấy mình mặc áo ngủ trên nóc một ngôi nhà năm tầng. Gian phòng ấy khá rộng. Bên cạnh tủ có một cái đi văng, vài thứ đồ chơi để rải rác trên một cái kệ, một cái tủ nhiều hộc mà hai cái hộc ở dưới cùng mở toang. Những tia sáng mặt trời lọt vào khắp nơi và trong các tia sáng ấy là vũ điệu thường xuyên của bụi bặm, bức màn không che kín hoàn toàn cửa sổ. Tôi rón rén đi đến gần cửa sổ. vườn ở bên dưới yên tĩnh. Một con gà mái trắng lặng lẽ bước đi và tìm sâu bọ.
Nó ngủ rồi à?
Tiếng thì thầm của bà Bruller ở sau lưng tôi làm cho tôi giật mình, thiếu đường hụt hơi.
Dạ, nó ngủ…
Nhưng cô còn đợi gì nữa? Cô hãy đi ăn trưa, chắc cô đói bụng rồi.
Tôi đi với bà ta xuống tầng trệt. Mùi dầu đun nóng và thịt rôti phảng phất trong nhà. Tôi nói:
Tôi muốn đi rửa tay một chút.
Bà ta thấy điều đó là đương nhiên, nên chỉ cho tôi một cái cửa. Mãi tới bây giờ tôi mới thấy tôi trong một tấm gương. Tôi chà xát hai bàn tay với một miếng xà phòng và tôi nhìn mặt tôi trong tấm gương. Không có vết đen trên trán của tôi, nhưng hai con mắt tôi thâm quầng vì mệt mỏi. Những đêm chờ đợi ở Kufstein và chuyến xe lửa, trong đó tôi đã trải qua mười tám giờ không chợp mắt, đã để lại những nét hốc hác và mệt mỏi trên khuôn mặt tôi. Tôi nhìn phòng tắm. Có hai cái áo choàng để mặc sau khi tắm xong. Cả hai cái đều đã sờn vì dùng quá lâu, men bồn tắm đã bị tróc lở. Trên kệ có một ống kem đánh răng, những bàn chải đánh răng đã mòn vì được dùng khá lâu, một số ly nhựa màu hồng có dấu son môi. Nhưng ở đây cũng có một cửa sổ trông xuống vườn. Tôi cũng thấy có hai đôi giày vải. Tôi đi ra khỏi phòng tắm và bà Bruller dẫn tôi đến phòng ăn, ở đó có một người đàn ông mảnh khảnh, đang đọc một tờ báo.
Đây là Christine – bà Bruller nói và tôi cảm thấy hơi lo bởi vì bà ta không nói cho chính xác Christine người bảo mẫu. Chỉ còn được gọi là Christine, phạm vi công việc của tôi trở thành rộng lớn, không có giới hạn.
Cô đi chuyến tàu đêm có mệt lắm không?
Ông Bruller hỏi tôi và đưa tay ra cho tôi bắt. Nhưng ông ta không đợi câu trả lời của tôi mà cúi xuống đọc tờ báo trở lại.
Bà Bruller chỉ chỗ cho tôi ngồi và nói với tôi:
Cô hãy ngồi ăn với chúng tôi, như một người trong gia đình…
Rồi bà ta nói với chồng:
Anh yêu, anh có vui lòng để tờ báo của anh xuống không?
Ông ta ngồi tỉnh bơ, không nhúc nhích. Cái giọng nhỏ nhẹ của bà đối với ông, vì có sự hiện diện của tôi, bất ngờ đến nỗi ông không nhận thấy rằng bà đang nói với mình.
Hãy để tờ báo xuống đi…
Cái giọng nói thật sự ấy làm ông giật nảy mình, như thể đó là tiếng nổ của đạn trái phá. Ông ta để tờ báo xuống bên cạnh đĩa thức ăn của ông, và chúng tôi bắt đầu ăn món ragu và khoai tây hấp.
Chritine, cô hãy vui lòng đi lấy muối.
Tôi đứng dậy:
Thưa bà, nhà bếp ở đâu?
Cửa bên phía tay trái, cô sẽ tìm thấy muối để trên bàn.
Tình trạng trong nhà bếp thật là bừa bãi. Soong chạo bát đĩa, ly chén, tất cả đều để ngổn ngang dưới đất. Hình bóng thoáng qua của người nữ tì nhìn tôi một cách khinh khỉnh. Nhưng đó chỉ là một ảo ảnh mà tôi đã có trong khi tôi tìm muối.
Khi trở lại phòng ăn, tôi giả vờ như tôi chẳng thấy gì trong nhà bếp hết.
Bà Bruller hỏi:
Cô rời khỏi Hungari vào lúc nào?
Tính đến nay đã bảy tháng…
Vì sao chậm thế? Vì sao cô đã đợi đến năm 1948 mới đi?
Ông Bruller muốn xen vào câu chuyện:
Ở bên đó chắc mọi sự không được vui vẻ lắm.
Ô, không…
Cô đã luôn luôn ở Budapest?
Cho tới khi tôi đậu tú tài.
Ở bên đó, chắc là buồn, buồn lắm – bà Bruller nói, rồi thêm – Cô sẽ giúp tôi rửa bát đĩa sau bữa ăn nhé?
Tôi vui lòng làm việc ấy, thưa bà.
Ông Bruller nói với tôi một cách lịch sự:
Tôi không tin là có những phụ nữ Hungari tóc vàng nâu..Tôi đã hình dung họ với những bím tóc đen, đôi khi dài đến tận mắt cá.
Hiếm có những phụ nữ như thế - tôi đáp để lảng tránh.
Hai ông bà rời khỏi bàn ăn rất nhanh. Bà Bruller giải thích với tôi rằng bà lợi dụng giấc ngủ của con gái bà để nghỉ ngơi một chút.
Chồng tôi trở lại văn phòng của ông ấy ở Paris..Thôi, tôi để cô làm việc. Cô sẽ tìm thấy những gì cần thiết để rửa chén bát. Tôi sẽ chỉ cho cô phòng của cô sau. Nhưng, trong những ngày khó khăn sắp đến, cô sẽ ngủ trên đi văng trong phòng của Monique.
Tôi nghe tiếng xe của ông Bruller rồ máy và tôi còn lại một mình, lúng túng, chán nản với một đống soong chảo, bát đĩa, ly chén.. cao như núi trong một ngôi nhà lạnh ngắt như tờ, giữa một khu vườn đầy cỏ dại.
"Con hãy viết thư cho bố mẹ ngay lập tức, mẹ tôi đã căn dặn. Ngay trong ngày con tới nơi!"
Nhưng nào tôi có được một phút rảnh rang! Tôi phải bắt đầu tìm kiếm và tập trung những thứ cần thiết để rửa soong chảo, bát đĩa cho sạch sẽ. Tôi đun nước sôi trong một cái thùng nấu giặt áo quần. Tôi tìm được một cái bàn chải, nhưng nó đã cũ và xác xơ như một con chó bị bệnh rụng lông. Tôi phải nấu nước sôi đến ba lần. Khi tất cả mọi thứ đều sạch sẽ và sáng ngời, tôi muốn ngồi xuống nghỉ ngơi một chút thì bà Bruller đã lên tiếng gọi:
Christine hãy lại đây mau lên… - tôi chạy tới câu thang, từ trên lầu một, bà nói:
Cô vui lòng pha cho tôi một bình trà thật loãng và một cốc sữa nóng cho Monique.
Sau khi đã cật lực làm việc rửa ráy dọn dẹp bề bộn ấy, tôi đã biết tìm ở đâu ra  trà, sữa và sự thất vọng.
Mãi cho đến tối, bà Bruller không ngớt ra lệnh:
Christine, cô vui lòng dọn dẹp giúp phòng ngủ của tôi, tôi đã kéo chăn mền ra khỏi giường rồi, cô có thể sắp đặt giường nệm lại cho ngay ngắn…Nếu cô có rảnh thì giặt giúp áo quần của Monique. Tôi đã chất đống trong phòng tắm. Thường thường, tôi giao tất cả cho tiệm giặt ủi, nhng áo sơ mi của con bé mỏng manh quá. Cô không thấy trong phòng sinh hoạt chung có quá nhiều bụi bặm sao? nếu cô có thói quen ăn quà vặt buổi chiều thì cứ tự nhiên.
Tôi bắt đầu sắp đặt lại giường nệm của bà và ông chủ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một cái giường rộng kiểu Pháp. Trước tiên tôi lột các tấm vải trải giường. Bà chủ cho rằng vải trải giường đã bẩn rồi, bà đưa cho tôi tấm vải mới. Tấm nệm khổng lồ, nặng trịch khi tôi giở nó lên và nó mềm oặt đến nỗi tôi không thể lật nó xuống lại được, nó cứ nằm xếp đôi lại ở chính giữa giường như một người khổng lồ đau bụng. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng thành công và gian phòng đã trở nên có ngăn nắp. Trong một phút không chú ý của bà chủ, tôi liếc mắt nhìn xuống dưới vườn và thấy con gà mái đang ở phía trước cửa sổ. Hoàng hôn đã nhuộm vàng bộ lông trắng của nó. Nó ngẩng đâu lên và nó nhấp nháy mắt trái để tỏ lòng thân thiện với tôi. Tôi và nó nhìn nhau, chúng tôi đã trở thành đồng loã  v` tôi quyết định sẽ gọi nó là Odine. Nó giống như một nàng tiên trên đám cỏ xanh đậm.
Christine, cô làm gì đó?
Nói cho đúng, tôi làm gì đó? không làm gì cả. và tôi lập lại như tiếng dội lại của chính tôi:
Thưa bà, không làm gì cả.
Cô mệt?
Thưa bà, hơi mệt.
Cô hãy đi theo tôi, chúng ta đi nấu cơm tối. Nửa giờ nữa ông nhà tôi sẽ về.
Trước khi xuống tầng trệt, tôi đi vào trong phòng Monique. Ngồi dựa lưng vào các cái gối chồng lên nhau, nó đang đọc một quyển sách  nhi đồng. Thấy tôi vào, nó nói:
Cô kể cho em nghe một chuyện cổ tích đi.
Tôi muốn ở lại, nhưng bà Bruller đã thúc giục:
Christine, cô không xuống sao?
Cô hãy ở lại đây – Monique khóc vờ - cô hãy kể chuyện cổ tích đi.
Tôi đi xuống và bà Bruller nói:
Không nên làm cho một đứa bé khóc.
Tôi không muốn làm cho nó khóc, nó gọi tôi và tôi đã đi vào trong phòng nó. Nó muốn tôi kể cho nó nghe một chuyện cổ tích.
Nét mặt bà Bruller trở nên nghiêm nghị:
Đừng quá cưng chiều mà làm hư nó, nhất là đừng làm cho nó hư.
Tôi lặt rau, gọt vỏ trái cây, tôi dọn bàn, trải khăn.
 Bà Bruller cho tôi một cơ hội tốt:
Cô ra vườn đi, đi vòng ra phía sau nhà, ở đó có một cái chuồng, chúng tôi có một con gà mái đẻ mỗi ngày một quả trứng, cái trứng đó là của Monique.
Tôi hân hoan đi ra vườn với một cái thở phào khoan khoái. Con đường nhỏ quanh nhà vắng vẻ, bóng tối đã phủ các gốc cây, không khí ấm áp mơn trớn mặt tôi. Tôi tìm thấy cái chuồng gà gần hai bụi cây. Cửa chuồng mở. Tôi bước tới gần và  thấy trên lớp rơm màu vàng một quả trứng trắng sáng ngời, tôi sờ thấy nó còn nóng, chắc Odine ở đâu đó không xa lắm. Nó xuất hiện. Tôi ngửa bàn tay đưa tới phía nó những mẩu nhỏ bánh mì, nó nhìn thức ăn ấy một cách cẩn thận, nhưng lưỡng lự, từ chôi không ăn, và bước vào chuồng. Tôi đóng cửa chuồng và trở vào nhà với quả trứng tươi.
Trong  bữa ăn tối, tôi phải lên lầu thăm chừng Monique hai lần và sau đó tôi phải nuốt nhanh những gì đã nguội lạnh trong đĩa thức ăn của tôi. Bà Bruller đưa cho tôi vải trải giường, chăn mền…và rất buồn rầu, tôi chuẩn bị chỗ ngủ của tôi trên cái đi văng ở trong phòng của Monique. Ôi! Tôi muốn có một cái phòng riêng cho tôi xiết bao! Nhưng có lẽ vài ngày nữa tôi sẽ có cái phòng của người giúp việc. Tôi không hề nghe họ nói gì đến người giúp việc cả.
Tôi không có áo mặc trong nhà, nên tôi phải mặc lại áo quần trong phòng tắm, trước khi trở lại phòng của Monique chỉ cách đó vài bước. với một viên thuốc an thần Monique lại ngủ ngon giấc và bà Bruller nói rằng tôi rất hên là đã đến đây khi con bé đã gần hết bệnh.
Ông chủ về rất trễ. Tôi nghe tiếng thắng xe của ông trong khi tôi đang ngủ chập chờn. Cái mền của tôi quá ngắn, tôi phải nằm co để cho ấm và từ cái gối phảng phất một mùi mốc. không biết bà Bruller đã lấy cái gối từ đâu ra để đưa cho tôi. Tôi buồn ngủ để nên đã không khóc.
Thật là kinh khủng, sự sâu kín của con người. Tôi ở đây bốn tuần rồi và tôi đã biết mặt họ, đã biết những tiếng họ thường dùng, được biết cái lối kín đáo của họ bước đi khiến đôi giày vải của họ bị biến dạng, được biết vẻ mặt cau có của họ lúc sáng sớm và được biết những thức ăn mùi vị lạt lẽo mà họ ăn.
Monique mới khỏi bệnh, mặt mày còn xanh xao, trợn mắt nhìn tôi đăm đăm trong các bữa ăn và nó nói rằng tất cả những gì mà bố mẹ nó không dám nói, nó hoàn toàn tự do vì nó chỉ là một đứa trẻ. Tôi không nói rằng nó ghét tôi, tình cảm của nó đối với tôi tế nhị hơn. Nó nhìn tôi một cách lạnh nhạt, nó kêu la và khóc lóc, rồi nó nín thinh và chờ đợi.
Nó hỏi tôi:
Vì sao cô nói tiếng Pháp giọng hơi khác chúng tôi? Nước Hungari, có phải như đất nước Trung Hoa không? Vì sao cô ăn chung bàn với chúng tôi? Những người giúp việc luôn luôn ăn ở nhà bếp mà…
Bố nó can thiệp như một nhà ngoại giao và một người theo nhân bản chủ nghĩa:
Coi kìa Monique, con biết rõ rằng Christine không phải là một người giúp việc trong nhà chúng ta, cô ấy là bảo mẫu của con.
Monique cứ nói tự nhiên, không chút ngại ngùng:
Cho đến bây giờ con không có bảo mẫu, mà chỉ có người giúp việc…Vì sao ba lại gọi cô ta với một cái tên khác?
Con còn nhỏ mà nói quá nhiều, không tốt – mẹ nó nói – Con hãy ăn cho ngoan và sau đó Christine sẽ đưa con đi ngủ.
Đưa nó đi ngủ. Để cởi những gì Monique mang trên người nó là cả một cuộc vật lộn. Để mở nút các áo thun và tháo giày của nó, tôi phải quỳ gối xuống trước mặt nó. Tôi cũng phải kể chuyện cho nó nghe, tôi không có tài kể chuyện, tôi ngáp dài ngay khi tôi bắt đầu kể một chuyện. không phải là lỗi tại tôi, nhưng những chuyện kể cho con nít làm cho tôi buồn chán muốn chết. Giá như tôi có thể kể chuyện Wanda! Wanda sẽ có một tình nhân người da đen…
"Không biết có tình nhân thì có vui vẻ, có dễ chịu không?" nhưng nét mặt nghiêm khắc của mẹ tôi cấm tôi dùng từ "tình nhân", tôi trong sạch hoá các tư tưởng của tôi và tôi đặt lại câu hỏi "Không biết có chồng có vui vẻ, dễ chịu không?"
Monique thúc giục:
Cô kể chuyện đi chứ…
Ngày xửa ngày xưa…
Tôi hình dung Georges đang đứng trong cái mỏ bạc của anh. Tôi thấy anh đi ngập tận mắt cá trong bạc lỏng, như lội trong một con suối. Moniqua lại nói:
Nếu cô không kể, em sẽ mách má cho mà xem.
Con sẽ mách má điều gì, cục cưng của má? – Bà Bruller hỏi, bà xuất hiện trước cửa phòng, mặt trát đầy kem láng bóng. Bà mặc áo choàng hơi hở ngực sau khi tắm, bà đã mặc áo ngủ. Tôi cũng nghe tiếng chân đi tới đi lui của ông Bruller. Tôi hầu như thương hại cho ông khi tôi nhìn thấy vợ ông. Hôn bà, là hôn một miếng thịt mỡ!
Bà nói với tôi:
Christine, cô không có óc tưởng tượng sao? Con bé tội nghiệp này thích nghe chuyện thần tiên lắm…
Cuối cùng mọi người đều đi ngủ. Ngày mai họ tha hồ dậy trưa, còn tôi, tôi được tự do. Ngày mai, Chủ nhật, tôi đi Paris. Hình như tại đó có một buổi lễ trong nhà thờ dành cho cộng đồng người Hungari. Kể từ khi đến đây, tôi không có ngày chủ nhật, và ngày mai tôi sẽ có trọn một ngày. Tôi sẽ ra đi ngay vào lúc chín giờ, để đến kịp xem lễ vào lúc mười một giờ.