Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 2 - Chương 13

Bà Saulner, bà chủ mới của chúng tôi, mập mạp nhưng không đến nỗi thô tháp, bà thích ăn những món ăn bổ dưỡng và uống một ly sữa chua sau bữa ăn, luôn luôn có một nụ cười nửa miệng trên khuôn mặt của bà. Ở đây, công việc ngập đầu. Một ngôi nhà mươi hai phòng, tám đứa con thân hình cao lớn, trong đó có sáu đứa con trai, con mắt tròn vo như mắt của mẹ chúng, một nhà bếp hoàn toàn được trang bị để phục vụ cho tất cả những cái lỗ miệng háu ăn ấy. Cái bàn ăn luôn luôn là một vấn đề nan giải đối với tôi khi tôi phải lau chùi nó. Nó rộng như một cái sân trượt tuyết, tôi phải leo lên một cái ghế để lau những vết rượu ở chính giữa bàn – các đứa con có thể uống một ly rượu mỗi bữa ăn. Như thế tốt cho sức khoẻ của chúng, còn chúng tôi, ăn trong nhà bếp, chỉ được uống nước máy. Bà chủ rất tằn tiện và bà cũng có tinh thần trách nhiệm rất cao. Bà không muốn để những người giúp việc cho bà sa vào cái thói hư tật xấu nhậu nhẹt.
Khi chúng tôi đến lần đầu tiên trong ngôi nhà giàu sang này, bà gác cổng đã vọt ra khỏi phòng của bà ta, bà ta hỏi chúng tôi với giọng gắt gỏng:
Các người đi đâu?
Đến nhà bà Saulner…
Bà ta lại hỏi một cách lơ lửng:
Các người đến nhà bà Saulner? Đến xin giúp việc nhà hay có việc riêng?
Đến xin giúp việc nhà.
Đắc thắng, bà ta chỉ cho chúng tôi cái cầu thang dành cho người giúp việc ở phía bên trái cửa chính.
Thế là chúng tôi đến nhà bà Saulner theo ngả nhà bếp. Bà bếp đưa chúng tôi vào phòng khách.
Em có nhận xét gì không? – Georges đã hỏi tôi. Anh muốn biết ý kiến của tôi rồi mới nói ý kiến của anh.
tôi không thể trả lời, bởi vì bà Saulner đã bước và bắt tay chúng tôi thật mạnh, bà nói:
Tôi bằng lòng thuê các người, vì các người có lý lịch tốt.
Bà bếp đem đến một cái khay với ba cái ly, một hộp cà phê bột và một bình nước nóng.
Bà Saulner rót cà phê cho chúng tôi và bằng một cử chỉ đột ngột, đẩy lọ đường về phía tôi;
Đường? Bao nhiêu?
Và nhìn tôi, bà nói thêm:
Cô cũng là người trí thức?
Chữ "củng" ấy như một cái tát đối với tôi, nhưng tôi không có tiền để mua giày mới, mặc dù giày cũ đã hỏng và tôi cũng muốn tiếp tục thuê cái máy đánh chữ, tôi trả lời rất dịu dàng.
Thưa bà, tôi không biết.
Bởi vì cậu – bà ta nghiêng về phía Georges nói tiếp – cậu muốn tiếp tục học, phải không?
Georges thật thà một cách lạ lùng:
Thưa bà, tôi muốn tiếp tục học.
Bà ta lộ vẻ không bằng lòng:
Tôi không biết cậu có thể làm như vậy ở đây được hay không. Nhà có rất nhiều việc…
Georges vẫn cố chấp:
Thưa bà, tôi sẽ tìm được một ít thời giờ rảnh rang.
Bà ta cười khẩy:
Cậu biết những gì cậu muốn..
Bà ta xoay về phía tôi như con chó có hai miếng xuống, khi thì nó gặm miếng này, khi thì gặm miệng kia.
Cô đã bỏ xứ sở ra đi năm nào?
Thưa bà năm 1948
Học lực?
Tú tài, tám năm học tiếng la tinh ở trường trung học…
Thế à..
Ngạc nhiên, một lúc sau bà ta nói tiếp:
Thế thì cô sẽ có thể giúp Patricia, con gái đầu lòng của tôi, nó hơi kém môn la tinh.
Bị thúc đẩy theo bản năng tự nhiên, tôi nói bồi thêm một câu:
Tôi cũng có học sáu năm ở viện âm nhạc, tôi suýt trở thành nhà danh cầm piano..
Bà Saulner lặp lại:
Viện âm nhạc..Patricia cũng chơi piano, cô có thể thay thế giáo sư dạy đàn của nó.
Georges nói thêm một cách ngây thơ:
Christine còn đang viết một cuốn tiểu thuyết nữa đấy, cô ấy có rất nhiều tài.
Ngòi đã cháy quá gần thùng thuốc súng. Bà Saulner la lên:
Tôi muốn thuê một cô hầu phòng, một cô hầu phòng giỏi! Chiều chủ nhậgt, cô sẽ có thể làm bất cứ gì, ngay cả việc viết tiểu thuyết, nhưng trong tuần, tôi cảnh cáo cho cô biết trước, tôi không chấp nhận bất cứ một sự lệch lạc nào trong công việc. Christine, cô có biết khâu vá áo quần không?
Tôi không thích tên của tôi trên đôi môi của bà ta, tôi muốn nói với bà ta rằng tôi tên là Catherine hay là Rose.
Nhưng thấy tôi im lặng, bà ta đã hỏi:
Christine, cô đang mơ mộng đấy à?
Đó là lời tuyên chiến của bà ta, "Christine, cô đang mơ mộng?"
Chúng tôi đã trải qua tháng mười một như những người bị đắm tàu chỉ còn thò đầu ra khỏi nước biển trong khi đợi một chiếc tàu khác đến cứu. Nhưng không có tàu nào đến cứu cả. Chỉ có bà Saulner và giọng nói của bà ta, một giọng nói ngọt ngào giả dối, một giọng nói làm cho tôi run lên vì sợ:
Christine, cô đang làm gì đó? Cô đang mơ mộng phải không?
Georges có một cái tạp dề xanh, còn tôi, tôi có một cái tạp dề trắng. Hélène, bà bếp, không ra khỏi nhà bếp. Bà Saulner đích thân đi mua sắm, bà ta không muốn Hélène làm giàu quá mau, bằng cách ăn bớt tiền chợ. chúng tôi phải thức dậy từ lúc bảy giờ sáng và đến mười một giờ tối mới đi ngủ, sau khi rửa một đống bát đĩa cao như núi. Georges xanh xao như một con ma, tôi, tôi không biết mình như thế nào, tôi tránh không dám soi gương. Hélène là một người tốt, bà đã tổn thọ mất vài năm kể từ khi vào giúp việc cho bà Saulner. Bà giúp đỡ tôi hết lòng, đỡ đần tôi về cả mặt tinh thần và thể xác, bà không có chồng, không có cuộc sống riêng tư, số kiếp của bà là làm đầy tớ, nhưng bà có lòng tốt tuyệt vời. Làm sao tôi có thể chịu đựng nổi cuộc sống ấy, nếu không có bà? Georges ủi vô số quần áo của ông chủ. Ông chủ là con người vô vị. Người ta chỉ biết ông có nhà là nhờ những cái quần của ông. Trong các bữa ăn, tôi đóng vai bồi bàn. Tôi thường nghĩ đến một bà bồi phòng mà chúng tôi đã có thuê vài tháng ở Budapest. Bà ta không bao giờ cười. Phải chăng bà ta cũng khổ sở như tôi? Bà Saulner thường bắt tôi phải đứng chờ một lúc lâu, khi tôi bưng khay đồ ăn nặng trịch đến hầu bà.
Bà giả vờ như không biết có tôi ở phía sau bà, bà ghét tôi và cảm thấy cần  bỉêu lộ sự ác cảm ấy khi có dịp. Mãi đến khi bà chiếu cố đến miếng thịt, bà lại lập tức liệng cả đĩa thịt xuống trên cái khay:
Nguội tanh! Cô không thể cho chúng tôi ăn đồ nóng được sao?
Tôi mang thịt xuống nhà bếp. Hélène giận đỏ mặt tía tai, bà kêu lên:
Nóng hổi như thế này mà bảo là nguội sao?
Chúng tôi bắt đầu ăn bữa trưa trong nhà bếp khi họ đã ăn xong. Tiếng bước chân của bà Saulner vang lên trong hành lang và chúng tôi buộc lòng phải ăn cho nhanh.
Một hôm bà ta đi vào trong bếp, mặt hầm hầm:
Tôi thấy các người mất quá nhiều thì giờ cho các bữa ăn. Các người ăn lâu hơn cả chúng tôi!
Tôi không muốn nhìn mặt bà ta, tôi nhìn đăm đăm vào cái đĩa của tôi, nhưng tôi cảm thấy hai chân tôi đang run rẩy. Tôi ấn mạnh bàn chân trên nền nhà, tôi muốn thôi không run nữa, nhưng toàn thân tôi run rẩy. Từ lâu lâu rồi, tôi đã không cầu nguyên. Tôi nói thầm "Lạy Chúa, xin Chúa làm cho bà ta đi ra đi, bà ta biến mất đi! lạy Chúa, xin Chúa làm cho bà ta bớt độc ác đi!"
Bà Saulner bày đặt ra để giao cho tôi làm những công việc bề ngoài có vẻ nhàn nhã. Bà ta có một cái áo ngủ bằng lụa, xếp nếp từ vai đến mắt cá. Bà ta mặc cái áo ấy một đêm và giao nó cho tôi ủi ngay sáng hôm sau. Trong suốt một tuần lễ, tôi làm công việc vô ích ấy. Trong thời gian làm công việc ấy, tôi ghi tóm tắt trên những mẩu giấy nhỏ vài câu cho cuốn tiểu thuyết Wanda của tôi. "Những người đàn bà liệt âm thích mặc những chiếc áo ngủ xa hoa. Đối với họ, lụa dệt bằng tơ tằm, mỏng, mềm và mịn là một thứ để làm thoả mãn nhục dục. Cô bạn gái của Wanda cao lớn và mạnh mẽ như một con ngựa, ban đêm cô ta đắp cái cơ thể đồ sộ của mình với một cái mền đăng ten mịn và đẩy chồng cô ta ra xa một cách chán ngấy".
Nhưng vì phòng tôi không có chìa khoá, mỗi ngày tôi phải dấu bản thảo trong va li của tôi và đẩy cái va li vào dưới gầm giường.
Trong phòng khách của bà Saulner, có một tủ sách. Khi lau bụi, tôi nhìn các tên sách và tác giả. Nhiều nhất là tác phẩm của Henry Bordeaux, sau đó là Duvernois, Pierre Benoit và nữ bá tước Ségur. Cũng có những tác phẩm của Cholokhov, Gogol và Tchékov mà tôi rất muốn đọc lại, nhưng tôi tự an ủi mình, ngay cả trong trường hợp người ta đem dâng cho tôi những quyển sách ấy trên một cái khay bằng bạc, tôi cũng không thể nào đọc được, đêm nào cũng đến mười một giờ, tôi mới ngã người xuống giường, mệt muốn chết.
Bà Saulner rất thích nói chuyện với Georges, Georges có khí lực mạnh mẽ hơn tôi nhiều và anh nói chuyện với bà chủ rất lễ phép.
Mùa đông, cả gia đình chủ nhà đi nghỉ tại một ngôi nhà ở đồng quê của họ mà tôi và Georges phải quét dọn lau chùi suốt một buổi sáng mới xong. Hélène nói cho chúng tôi biết rằng mỗi khi họ đến ở trong ngôi nhà này, họ có mới một người khách, người Anglê, bởi vì có một người khách đàn ông trẻ trung, lại là một người Anh, làm bạn trong lúc đi nghỉ mùa đông, là một điều rất oai!
Bà Saulner rất vui vẻ trong ngôi nhà ở đồng quê này. Bà lăng xăng chạy lên chạy xuống cầu thang, bà lấy làm tiếc rằng chúng tôi không thấy được ngôi nhà với vườn hoa của bà vào mùa xuân và bà nói rằng gia đình bà sẽ thường về nghỉ tại đây. Ở Paris, chúng tôi còn được nghỉ buổi chiều Chủ nhật, bắt đầu từ ba giờ. Ở đây, không còn hy vọng gì được nghỉ ngơi. Chẳng có hàng xóm láng giềng gì ở gần đây, chúng tôi phải làm việc vất vả hết ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên, ngày Chủ nhật bà Saulner cũng cho chúng tôi đi dạo chơi một giờ đồng hồ, bà nói "Các bạn hãy đi hít thở thật sâu không khí trong lành ở đây…"
Một hôm, ngồi trong nhà bếp, tôi rửa bát đĩa với bộ điệu uể oải vì quá mệt mỏi.
Hélène đặt bàn tay lên vai tôi:
Cô mệt lắm phải không?
Hélène, tôi mệt quá!
Cô không phải sinh ra để làm công việc này. Cô sẽ kiệt sức…cô không kiếm được một việc gì khác để làm sao?
Tôi không biết, tôi chóng mặt quá, tôi không còn biết gì nữa…
Hai ngày sau, khi vào dọn dẹp trong phòng của người khách Anglê kia, tôi ngửi thấy có một mùi hôi lạ lùng. Tôi đã mở cửa sổ, đã quét dọn, lau chùi và sắp đặt lại giường nệm, nhưng mùi hôi vẫn còn. Tôi đã tưởng đó chỉ là do tôi tưởng tượng mà thôi. Tuy nhiên, ngày hôm sau, tôi cũng đã ngử thấy lại mùi hôi ấy.
Trước hết, tôi gọi Hélène đến, bà hít ngửi với tôi và nhún vai nói:
Bà chủ đã cư xử xấu đối với những thợ nề khi tu bổ ngôi nhà này. Có thể họ đã dấu một vật gì đó trong các viên gạch để trả thù. Một con chuột chết..
Bà tin rằng một con chuột nhỏ bé có thể gây một mùi như thế sao?
Tôi không biết, nhưng cô biết, thịt thối rữa hôi thối lắm…
Sau đó buộc lòng tôi phải cho bà chủ biết. Bà ta đến xem trong lúc vị khách Anglê đi chơi với ông chủ.
Bà ta đứng ở ngay chính giữa phòng, bà ta cố đoán đó là mùi gì. sau đó, không nói không rằng, bà ta tới các đồ đạc của vị khách người Anh, bà mở tủ và lấy hết đồ đạc trong đó ra. Chẳng có gì cả. Bà lấy chiếc va li để trên tủ xuống, đặt nó xuống dưới chân bà và mở nó ra. Với một tiếng reo đắc thắng, bà lấy ra một cái hộp tròn có trang trí một hình vẽ màu đỏ, một hộp pho mát Camembert. Bà chủ, Hélène và tôi, chúng tôi bật cười. chúng tôi cười như nắc nẻ, đến nỗi nước mắt nước mũi chảy ra trên mặt và khi chúng tôi trở lại nghiêm chỉnh, chỉ cần nhìn cái hộp chúng tôi lại bật cười trở lại. Bà chủ trông có vẻ dễ thương khi bà cười một cách vui vẻ. Nhưng bà ta đã thôi không cười nữa và nói: 
Ô, tất cả những người nước ngoài ấy! Lố bịch đến nực cười…
Rồi bà ta không nói gì thêm và đi ra với hộp pho mát.
Ngày hôm sau, trong bữa ăn trưa, vị khách Anglê thú thật rằng ông ta muốn đem về một hộp Camembert cho gia đình của ông ta, ông ta có vẻ ngượng nghịu trước sự vui cười của mọi người.
Tôi hầu như không còn có dịp nói chuyện với Georges nữa. Cả hai chúng tôi, người nào cũng công việc lút đầu. Anh lau nhà suốt ngày  và mấy đứa con chủ nhà được thả lỏng chạy nhảy với chân đầy tuyết trên nền nhà láng bóng. Bà Saulner không muốn tôi khâu vá những đôi tất của chúng trong gian phòng nơi Georges đang lau chùi các đồ dùng hàng ngày bằng bạc.
Vừa làm việc vừa nói chuyện, thì công việc bao giờ mới xong? Hai người có suốt cả một đêm mà!
Nói xong, bà ta biến mất khỏi gian phòng.