Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 2 - Chương 16

Sáng hôm ấy, tôi quyết định phải từ giã cái tầng trệt này và những con chuột cống của nó trong một thời hạn càng ngắn càng tốt. Và muốn được như vậy, tôi phải làm một torng những công việc khó khăn hơn hết, đó là đi tìm thuê một căn phòng nhỏ. Bây giờ tôi đi đứng rất cẩn thận, tôi do dự lâu hơn trước khi băng qua đường và tôi phải cố gắng ăn uống, mặc dù món ăn gì cũng làm cho tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi cũng muốn viết cho xong cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi xem sự sinh nở như biên giới của cuộc đời nơi mà tôi phải vượt qua với một bản thảo. Tôi sẵn sàng yêu Georges với một tình yêu mới, được nuôi dưỡng bởi cái phép lạ tôi đang mang trong người. Tôi muốn quên đi tất cả những sự phiền muộn lớn và nhỏ mà anh đã gây ra cho tôi. Tôi xem tình yêu như một bổn phận cao cả đối với con tôi. Georges và tôi đã thoả thuận với nhau rằng anh sẽ tiếp tục làm việc tại nhà bà Saulner còn tôi sẽ tìm một công việc nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi không hề nói đến từ "Căn hộ" vì đó là một điều quá viển vông, nhưng chúng tôi luôn luôn nói đến một căn phòng nhỏ, ở đó tôi có thể nấu ăn mà không bị ai quấy rầy và nhất là ở đó, tôi sẽ có được một góc phòng để đặt cái nôi. Tôi nhìn các lời rao tìm người làm, tôi chờ đợi một niềm hạnh phúc trong mấy hàng chữ này, cần một cặp vợ chồng trẻ, chồng sẽ là thư ký và vợ sẽ là người đánh máy chữ.
Trong cái phòng nhỏ tối tăm của khu phố cổ Passy ấy, tôi làm việc với lòng nhiệt thành, nhưng tiếng kêu của các con chuột cống làm cho tôi sợ đến nỗi mất tinh thần. Tôi luôn luôn trở về đó vào lúc năm giờ chiều khi trời còn sáng, tôi bấm nút cái máy đồng hồ để đèn điện đỏ trong khoảng mấy phút và tôi bước đi nện gót giày trên nền nhà. một buổi tối chủ nhật, - tôi đã ở trong cái toà nhà sang trọng đó được một tuần rồi – Georges và tôi về đến trước cửa ra vào. Lúc đó là mười giờ đêm, trước đó chúng tôi đã đi xem xi nê và tôi muốn khoe với anh những trang tôi đã viết được trong suốt tuần ấy. Nhưng cái máy đồng hồ điện hỏng, tôi  bấm nút mãi, nhưng không có hiệu quả, hành làng chìm trong cảnh tối tăm hoàn toàn, dễ sơ; như một cái đầm lầy sẵn sàng nhận chìm người ta.
Em sẽ không bao giờ dám đi tới căn phòng với cái hành lang tối thui như thế này – tôi khẽ nói với Georges như thể sợ lũ chuột cống nghe được.
Georges có một ý nghĩ tài tình:
Nếu có một tờ báo, chúng ta có thể đốt lên làm một cái đuốc…
Nhưng tìm đâu ra một tờ báo? Từ tám giờ tối, tất cả kiốt chung quanh đây đều đóng cửa. Chúng tôi đợi có một người nào khác ở cùng tầng trệt này trở về để chúng tôi cùng đi với họ. Nhưng tối chủ nhật tất cả đều đi vắng. chúng tôi lại phải đi tàu điện ngầm đến tận sân ga Saint Lazare mới tìm mua được một tờ báo. Một giờ sau, chúng tôi trở về toà nhà và Georges đốt tờ báo làm đuốc. Cuối cùng chúng tôi đã tới được cửa phòng của tôi.
Ngày hôm sau tôi tìm một cái phòng nhỏ khác. Tôi đã quyết định hỏi các người gác cổng cho những toà nhà giàu có, trong đó chủ nhà có thể có một vài phòng cho thuê bớt. Sáng hôm ấy, một buổi sáng thứ hai, không khí bão hoà mùi ét xăng. Tôi đi theo hướng tới lâu đài Trocadero và trên đường đi, tôi đã đếm được ít nhất sáu trạm bán xăng, ở đó các nhân viên đang bơm xăng vào xe cộ. Tôi đi ngang qua các trạm xăng ấy, lấy khăn tay bịt mũi lại và nín thở. Nhưng khi tôi không còn ngửi thấy mùi xăng, tôi lại tưởng tượng có nó và tôi lại buồn nôn dữ dội.
Tôi băng ngang qua quảng trường Trocadero, đi vào một toà nhà lớn. Tôi đột ngột cảm xúc vì các viên đá lát bằng cẩm thạch trắng và tôi gõ nhẹ vào cửa kính, có che một tấm màn lụa vàng đậm. Một giọng nói đàn bà chói tai nhức óc, trái ngược với khung cảnh lộng lẫy của toà nhà hét lên:
Cái gì thế?
Làm sao có thể trả lời vắn tắt, xuyên qua một cửa kính có che màn?
Tôi trả lời:
Thưa bà, tôi có một điều xin hỏi bà…
Tôi nghe có tiếng cằn nhằn sau tấm màn, những tiếng khó hiểu… bên trong phòng gác cổng.
Cuối cùng, với một tiếng động chát chúa, một người đàn bà mở cửa ra và tôi thấy bà ta đang lau mình với tay trái. Bà ta cầm một cái khăn lông to để che mình và với tay mặt, bà ta lau khô nước ở nách trái của bà ta.
Tôi nói ấp úng:
Thưa bà, không biết có phải là tình cờ mà trong nhà này có một phòng nhỏ cho sinh viên thuê không?
Bà ta tỏ vẻ ngạc nhiên đến nỗi bà ta cũng trả lời lắp bắp:
Cái gì?..Cái gi..một phòng cho thuê! Thật là xấu hổ! Cô có điên hay không mà dám quấy rầy tôi như thế hả?
Bà ta đóng mạnh cửa một cái rầm. Tôi còn nghe được một câu nhận xét chua cay:
Cái thứ phụ nữ Ăng lê ấy, tất cả đều điên điên, khùng khùng…
Tôi mỉm cười, lẩm nhẩm so sánh giấy đi đường của tôi được gia hạn mỗi ba tháng một lần, với một hộ chiếu Ăng lê mà trên bìa của nó chắc chắn có in một cái vương miện.
Tuy nhiên, tôi có đủ can đảm để tiếp tục đi hỏi nữa bởi vì người ta tưởng tôi là người Ăng lê. Cái nhà thứ hai cũng lớn bằng cái nhà thứ nhất, nhưng phòng của người gác cổng, cửa ki;'nh không có tấm màn che. Trong phòng, ở chính giữa có một cái bàn tròn, chung quanh có ba cái ghế. Trên bàn có một tờ báo và trên tường có tấm hình phóng to của một cậu con trai mặc đồng phục. Tôi gõ cửa và một người đàn ông xuất hiện, ông ta nhìn tôi qua cửa kính và mở cửa ra:
Cô?
Ông ta vừa mới uống cà phê xong! Tôi thụt lùi khi ngửi thấy hơi thở nặng mùi cà phê của ông ta.
Chào ông…Tôi xin phép được hỏi ông trong nhà này có một phòng cho thuê không? Tôi là sinh viên và…
Ông ta lắc đầu và đóng cửa lại. Ông ta biến mất trong phòng của ông ta.
Khi vào ngôi nhà thứ ba, tôi gặp một người đàn bà nghiêm nghị, sắp đi ra với một cái túi lưới để đựng đồ. Tôi không thấy phòng của người gác cổng nên quay về phía bà ta, tôi hỏi:
Thưa bà, xin bà cho tôi biết, tôi có thể gặp người gác cổng ở đâu?
Bà ta hỏi lại với vẻ ngờ vực:
Cô muốn gì? Tôi chính là người gác cổng.
Tôi mừng rỡ. Lần này tôi gặp được một bà gác cổng ở bên ngoài cái phòng kín của bà ta, chắc chắn bà ta sẽ tử tế hơn. Tôi hỏi ngay với một giọng lịch sự:
Thưa bà, tôi không dám làm mất thì giờ của bà, tôi thấy rõ ràng bà sắp đi mua sắm…Xin hỏi bà trong nhà này có một phòng nhỏ cho thuê không? Tôi là sinh viên.
Bà ta trả lời cụt ngủn:
Không, không có.
Bà ta mở cửa chính và đợi tôi quay lưng bước ra. Tôi bước đi nhanh vì cảm thấy bà ta nhìn chòng chọc sau lưng tôi.
Gần mười hai giờ trưa, tôi đã cảm thấy tràn ngập lòng cay đắng. Đi trên đường, đôi khi tôi nhìn các ngôi nhà lớn, với tất cả các cửa sổ của chúng và tôi nghĩ rằng ở Paris phải sinh ra trong một căn hộ mới có được căn hộ ấy. Nhưng đứa con tội nghiệp của tôi mà tôi đang chờ đợi, chắc chắn nó muốn được sinh ra trong một căn hộ ấm áp. Lúc này, thật không có hy vọng gì. Bữa trưa ấy, tôi uống một ly nước và ăn hai lát bánh mì. Sau đó, tôi tiếp tục đi tìm để thuê một căn phòng nhỏ, tôi gặp rất nhiều người gác cổng cho đến chiều tối. Những người gác cổng nóng nảy, nhẫn nhục, ngạc nhiên hay cau có, gắt gỏng. Có một lần một bà già nói với tôi, gần quảng trường Étoile "Tội nghiệp cô bé dễ thương. Một cô bé ngộ nghĩnh..làm như thể có được một cái phòng nhỏ để thuê là chuyện dễ lắm!"
Chán nản và mệt muốn chết, tôi đi trở về theo hướng đến quảng trường Trocadéro và đột nhiên, tôi thấy tôi ở trước một nghĩa trang rất sang trọng. Thúc đẩy bởi sự tò mò buồn bã, tôi đi vào trong đó. Một người bảo vệ tận tâm báo cho tôi biết trước:
Tôi gật đầu. Không khí ở đây ngột ngạt. Tôi thở một cách khó khăn. Tôi ngồi xuống một cái lăng đồ sộ được bảo trì rất chu đáo. Tôi không có một tư tưởng buồn bã hay thờ ơ nào. Đầu óc tôi trống rỗng sau cái ngày cay đắng vô hiệu quả ấy.
Tôi đứng dậy một cách chậm chạp, tôi ra khỏi nghĩa trang và đi dọc theo một con đường nhỏ yên tĩnh. Tôi sẽ thử thêm một lần nữa, tôi nghĩ thầm và cắn chặt răng, tôi đi tới một ngôi nhà lớn. Tôi gõ cửa phòng của người gác cổng, không có ai trả lời. Tôi rụt rè đi vào. Một người đàn bà tươi cười xuất hiện trên ngưỡng cửa một gian phòng khác kế cận phòng nơi tôi đang đứng. Bà ta hỏi:
Cô muốn hỏi gì?
Tôi nói với bà, giọng không mấy lạc quan và cũng không quá lễ phép, rằng tôi tìm thuê một cái phòng nhỏ.
Cô ngồi xuống đây đã – bà ta nói với tôi và lấy tay phủ bụi trên cái ghế
Tôi tưởng tôi nghe nhầm.
Cô ngồi xuống đây đã – bà ta lặp lại,  và nói thêm – có một phòng trống ở tầng thứ tám, một phòng rất xinh với những tâm màn nhung, với một khăn phủ giường bằng lụa, một cái tủ lớn bằng gỗ trạm, âm áp vì trong toàn ngôi nhà đều có hệ thống sưởi đốt bằng dầu mazút. Và có một cửa sổ nhìn ra phía Tháp Eiffel..
Thấy tôi im lặng, bà hỏi:
Như thế có hợp với sở thích của cô không?
Dạ có, dạ có!
Bà ta nói thêm với vẻ thân mật hơn:
Cô hãy đi lên lầu một, ông bà chủ nhà ở trong phòng ngay phía trước thang máy. Họ rất tử tế, nhất là bà chủ, mà ông chủ cũng thế, tôi không có điều gì phàn nàn về ông…
Tôi thấy bây giờ đã quá bảy giờ tối rồi, không biết lên gặp o bà chủ có tiện hay không?
Bà ta trề môi:
Cái phòng ấy trống đã hai ngày rồi, cô nên lên gặp họ để thu xếp việc ấy ngay bây giờ thì tốt hơn. Cô biết không, ở Paris, khó khăn lắm mới tìm được một căn phòng xinh đẹp như thế…
Tôi lên lầu một và bấm chuông. Một bà quản gia mặt mày hiền lành và có vẻ hơi mệt mỏi mở cửa.
Tôi nói:
Tôi muốn nói chuyện với bà chủ.
Sau một lát do dự, bà ta đưa tôi vào trong một phòng khách trang trí tao nhã, được chiếu sáng bởi những ánh đèn dịu dàng che sau những cái tán bằng lụa.
Bà chủ nhà tiếp tôi với câu:
Chào cô.
Chào bà.
Bà ta có vẻ đẹp giống như đồ sứ Sèvres, thân mình thon mảnh, y phục màu xám với một cái dây đăng ten trắng trước ngực áo sơ mi, bà bước tới phía tôi, đưa bàn tay ra và mỉm cười:
Cô hãy ngồi xuống đi. Cô muốn gì?
Tôi cảm thấy ngượng ngùng vì từ xa xa có mùi thịt rôti phảng phất lên đến tận phòng khách, với giọng dịu dàng, tôi bắt đầu giải thích mục đích vì sao tôi đến đây vào giờ này. Lời nói của tôi, hầu như là thì thầm, vẽ ra những vòng tròn nhỏ trong sự yên tĩnh của phòng khách, giống như những vòng tròn tạo thành bởi những hòn sạn mà người ta liệng xuống một hồ nước phẳng lặng.
Chắc bà ta đã nghe nói nhiều về những khổ nạn của cuộc đời. Tôi là người trí thức tị nạn mà người ta thấy được ngay tôi đã xuất thân từ một gia đình danh giá. Việc tôi đến đây vào giờ không hợp lý được bà chủ nhà thông cảm và tha thứ. Bà ta hỏi tôi rất ân cần. Tôi kể lại cuộc vượt biên của gia đình tôi, bố mẹ tôi hiện còn ở trại tị nạn Kufstein, các dự định của tôi, nhưng tôi không dám nói đến đứa con trong bụng mình.
Ngồi trong một vạt ánh sáng màu hồng, đối diện với bà chủ nhà, tôi không muốn nhìn qua bên phải hay bên trái. Nhưng tôi cảm thấy có sự hiện diện của những người khác. Một cái liếc mắt lén lút làm cho tôi thoáng thấy một cậu con trai cao lớn, tóc đen, đứng tựa vào cửa phòng khách và khuôn mặt lo âu của bà quản gia ẩn hiện trong một gian phòng khác. Chắc bà ta lo lắng sợ thức ăn tối nguội lạnh đi.
Đột ngột, ông chủ nhà đi vào phòng khách. Là người lịch thiệp, không ngạc nhiên một chút nào, ông ta hôn bàn tay tôi vì ông tưởng tôi là một bà bạn được vợ ông mời ăn tối, một bà bạn mà ông còn chưa biết. Nhưng khi bà chủ nhà giải thích với ông "trường hợp" của tôi, ông liền đồng ý ngay lập tức:
Nếu điều đó giúp ích gì được cho cô, cô có thể có gian phòng ấy…
Bà chủ nhà đã không nói thêm cái chữ mà tôi sợ hơn hết, bà đã không nói: tạm thời.
Ông bà chủ nhà hứa sẽ giao chìa khóa phòng cho tôi vào ngày mai và khi từ giã, tôi có cảm giác rằng cái áo măng tô mùa đông của tôi trở thành chật hẹp, rằng tôi được chắp cánh bay bổng với niềm hạnh phúc lạ lùng ấy.
Nằm trên giường, khi tôi nghe tiếng ríu rít vĩnh biệt của những con chuột cống trong hành lang, tôi nhớ lại một câu mà tôi đã nghe một bà gác cổng giận dữ thốt ra "Bọn sinh viên ấy, chúng sống một cuộc đời Vadrouille!" Tôi không biết chữ Vadrouille nghĩa là  gì. Tôi đứng dậy và bật đèn lên, tra tự điển. Vadrouille:
Chổi bằng sơ len dùng để quét tàu
cuộc đi chơi lang thang, tìm thú ăn chơi (nghĩa bóng)
Tôi nằm xuống giường để ngủ lại, và nóng lòng chờ đợi đến lúc có thể báo cho Georges biết cái tin mừng tôi đã thuê được phòng.
Căn phòng ở lầu tám thật tuyệt vời và tôi đã don đến ở đó vào một ngày tháng Hai trời nắng tốt. Georges không ngạc nhiên một chút nào về sự thành công của tôi, anh nói:
Em luôn luôn thành công kh iem muốn một điều gì.
Sự tin cậy hoàn toàn vào khả năng ấy của tôi làm cho tôi đâm ra lo sợ về khả năng của anh. Càng lúc tôi càng bị ám ảnh hơn với cái ý nghĩ rằng tôi phải làm cho anh thay đổi cái thái độ ỷ lại ấy đi mới được. Tôi nôn nóng chờ đợi lúc anh chín chắn, già dặn hơn. Anh có những quan niệm cứng nhắc về cuộc đời.
Anh nói với giọng rất khinh bỉ nghề làm chính trị, một nghề mà gia đình anh đã theo đuổi từ mấy thế hệ nay. Văn học cũng làm cho anh chán nản và khi tôi gợi lại thi phẩm Baudelaire, anh lại nói với tôi về động cơ, máy ép, máy hơi nước. Tôi có nghe người ta nói rằng những người có bản tính khác nhau rất thông cảm nhau theo một định luật hấp dẫn mà tôi không am hiểu. Vả lại tôi cũng tin cậy vào tuổi trẻ của chúng tôi. Tôi rất muốn chú ý đến công việc của anh, nhưng tôi không thể ngăn mình ngáp ngắn ngáp dài khi anh giải thích cho tôi hiểu hệ thống vòng bi làm cho máy chạy trơn hay sự ích lợi của các xú pắp. Vào những chiều Chủ nhật, trong lúc tôi nằm dài trên ghế đi văng, anh ngồi một bên với tôi với những tờ giấy đầy những con số li ti. Anh nhân và cộng với một tốc độ làm cho tôi chóng mặt, tôi phải cố gắng lắm mới không nhắm mắt lại.
Đã thật rõ ràng với em chưa? – anh hỏi tôi và tôi đè nén một cái ngáp dài, trả lời:
Ừ, cũng gần rõ ràng rồi.
Tôi sợ làm anh nhụt chí bằng cách thú thật với anh rằng anh làm cho tôi chán ngấy, nhưng, một hôm anh đã nói với tôi rằng tương lai của chúng tôi sẽ tuỳ thuộc vào sự thành công của một trong những phát minh của anh, một chiếc phi cơ đồ chơi. Tôi cũng đã lo âu nói:
Anh nên ghi danh học đại học và cố gắng để có được học bổng. Anh sẽ là một kỹ sư có bằng cấp. Anh sẽ làm việc trong vài năm, tương lai sẽ mở rộng trước mặt anh…
Em tin như thế à? – anh hỏi tôi với một vẻ trầm ngâm – em tin như thế chứ?
Em tin chắc như thế.
Anh có vẻ ngây thơ đến nỗi, đột ngột tôi có cảm giác rằng tôi là Léa[1]. Tôi năm mươi tuổi, và anh, bên cạnh tôi, là đứa con trai út trong mười hai đứa con của tôi.
Em yêu dấu?
Tôi giật nảy người lên khi nghe anh thốt ra mấy lời ấy.
Anh đặt tay lên vai tôi:
Em hãy bớt nóng nảy…
Anh muốn nói gì thế?
Anh vươn vai như một người muốn thổ lộ một ý nghĩ nào đó mà anh đã ấp ủ:
Anh sẽ tiếp tục học ở bên Mỹ. Anh sẽ là một kỹ sư trong một trung tâm nguyên tử
Gương mặt tinh anh và thanh nhã của anh làm cho tôi lo âu. Tôi có cảm tưởng rằng tôi có hai đứa con, anh, đứa con lớn, mơ mộng, và đứa con mà tôi còn mang trong bụng.
Tôi thở dài.
Anh cúi xuống phía tôi:
Em nghĩ gì thế?
Anh rất ít quan tâm đến những suy nghĩ của tôi, tôi cho rằng đây là một cơ hội để nói ra sự thật. Nhưng trong đôi mắt tràn trề sự tò mò chân thật ấy, tôi không thấy có một chút lo âu nào và tôi không muốn làm cho anh rối loạn tâm thần.
Em không nghĩ gì cả.
Anh mỉm cười vui vẻ:
Anh có thể tiếp tục chứ?
Tôi gật đầu.
Thế là anh lại bắt đầu giải thích với tôi, nếu dự tính làm máy bay đồ chơi của anh thành  công, thì trong bao nhiêu tháng chúng tôi sẽ trở thành triệu phú.
Chú thích
[1] Léa, vợ của Jacob. Theo Thánh kinh Jacob có mười người con trai và những người này là tổ tiên của mười hai bộ tộc Isarael