Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 1- Chương 7

Có tin loan truyền rằng lúc bình minh quân Nga đã chiếm được cái đồn binh ở đường kế cận. Trong đồn binh có chừng mười quân Đức đã cố thủ, từ mười lăm ngày nay, chống lại một đám đông quân vây hãm đồn. Như thế thì ngày chúng tôi được giải phóng không còn lâu lắc gì nữa. Một khi quân Nga có mặt ở đây, chúng tôi  sẽ có thể lên trên các tầng lầu và từ  bỏ cuộc sống ô nhục như những con chuột cống dưới hầm.
Khoảng bảy giờ sáng, bốn lính Đức vũ khí tận răng, thình lình đột nhập vào trong sân. Họ để tiểu liên xuống và cố sức đem lên một súng bazoca trong cầu thang. Rồi mang những két đạn nặng, họ chiếm mấy gian phòng còn ít nhiều nguyên vẹn của lầu một.
Những hành động ấy làm cho chúng tôi rất hoang mang. Hình như họ có ý định biến toà nhà này thành một pháo đài và cố thủ cho đến cùng.
Nếu thế thì chúng tôi khó mà thoát chết vì một khi toà nhà này bị vây hãm, các súng phóng hoả sẽ nhanh chóng thiêu sống chúng tôi.
Mặc dù đang sốt nặng và đuối sức, ông biện lý nhổm dậy trong giường của ông, vừa nấc cụt vừa nói với giọng khàn khàn:
Quân ngạo nghễ, vô nguyên tắc! Chúng muốn bắn ra từ căn hộ của tôi, vợ tôi quốc tịch Thuỵ Sĩ, một người trung lập, tôi sẽ khiếu nại với ông bộ trưởng…
Râu ria bạc phơ, loà xoà trên áo sơ mi đẫm mồ hôi của ông. Giơ tay lên múa may, trong ánh sáng nhấp nháy của các đĩa đèn mỡ, ông ta giống như một bộ xương. Những tiếng khóc nấc của bà gác cổng làm cho chúng tôi lùng bùng lỗ tai, trong lúc ông Radnai phải hạ thấp giọng nói với chúng tôi:
Xin mọi người hãy bình tĩnh. Hễ quân Nga đến đây thìtôi  sẽ đeo ngay huy hiệu ngôi sao vàng để họ biết rằng tôi là người Do Thái, và tôi sẽ che chở cho các người, như bây giờ các người che giấu tôi không cho quân Đức  biết.
Bà vợ ông chủ nhà băng phản đối ngay lập tức:
Với một ngôi sao vàng mà ông dám đối diện với các toán quân đang đánh nhau hay sao? Ông tin là cái huy hiệu ấy sẽ có ích hay sao?
Chắc chắn là có ích, ngôi  sao ấy là một biểu trưng, đó là dấu hiệu của những người bị tàn sát, vì khì quân Nga đến đây, nó sẽ là dấu hiệu của sự tôn sùng và đón rước những người đã chịu khổ nhục hy sinh.
Ilus đi vào, bồng đứa bé bọc trong chăn. Một tình cảm không thể giải thích được thúc đẩy người ta xum họp, người ta sợ sự cô đơn.
Bố tôi, ngồi trầm tư trong một xó góc, đột ngột kêu lên:
Kìa, lạ chưa, nước ở đâu chảy ra từ trong tuờng!
Chúng tôi vây quanh ông và đến lượt tôi thấy từ bức tường có những giọt nước lóng lánh rịn ra.
Có thể uống nước ấy không? – một người lên tiếng hỏi – phải có một cái xô để hứng nước này.
Không có ai trả lời, chúng tôi nhìn bức tường như bị thôi miên, nước chảy ra càng lúc càng nhiều, chúng tôi kinh khủng khi thấy dưới đất đã có một lớp nước mỏng, nhưng luôn luôn tăng thêm. Nước lan tràn khắp nơi trong phòng.
Ông bác sĩ vội nói:
Phải lập tức múc nước này đổ ra đường. Chúng ta phải sắp hàng chuyền các xô nước cho nhau…nhưng phải nhanh lên, nếu không chúng ta sẽ bị ngập nước!
Đóng vòi nước lại! – ông biện lý kêu lên – hay gọi thợ ống nước đến…
Mệt lử, ông ngã người xuống trên đống gối.
Chúng tôi chạy đi tìm xô và Ilus đặt đứa bé nằm trên giường của ông biện lý để tham gia múc nước.
Chúng tôi sắp hàng từ hầm ra đến cổng xe và chuyền các xô nước cho nhau thật nhanh. Người cuối cùng đổ nước ra ngoài đường.
Mấy người Đức đã đi xuống và nhìn  chúng tôi làm việc.
Một người trong bọn họ nói:
các người làm việc mệt nhọc một cách vô ích. Các cây cầu sụp đổ, các tảng băng lớn dồn đống lại làm nghẽn dòng nước sông Danube, làm cho nước dâng lên trong các ống cống thoát nước, như bên trong một cái đập. Các người tưởng tượng có thể cho thoát hết nước sông Danube ra khỏi căn hầm của các người với những cái xô ấy sao?
chúng tôi nhìn người Đức ấy mà không muốn hiểu và chúng tôi tiếp tục chuyền các xô nước đầy tràn một cách máy móc.
Trong lúc ấy khẩu đại bác trước nhà đã bắt đầu khạc đạn trở lại. Điều ấy có nghĩa là các máy bay khu trục của Nga cũng sắp xuất hiện.
Chúng tôi thay luân phiên những người đứng ở những chỗ nguy hiểm, chỉ có hầm và cầu thang là những nơi tương đối an toàn. Chúng tôi tiếp tục công chàng nặng nhọc của chúng tôi mà không ngừng nghỉ suốt năm tiếng đồng hồ liền, luôn luôn bị đe doạ bởi các tràng đạn cối và các vụ mìn nổ. chúng tôi không có sự lựa chọn giữa công việc nguy hiểm ấy và viễn cảnh căn hầm bị ngập lụt trong thứ nước hôi hám ấy.
Vào khoảng giữa trưa, nước trong hầm đã hạ, chắc là đã tìm được một đường thoát khác và sự nguy hiểm hình như đã tạm thời gác qua một bên.
Chúng tôi đi xuống hầm, kiệt sức, đầm đìa mồ hôi và nhất là bị giày vò vì quá đói. Tầng hầm lâu nay đã là nơi nương náu duy nhất của chúng tôi, bây giờ chúng tôi thấy nó thật ghê tởm. Mùi hôi thôi của các cống nước bẩn hẳn đã thấm vào chăn mền, bàn ghế và một ít bột còn lại mà chúng tôi thỉnh thoảng mới ăn một nhúm cầm hơi.
Chúng tôi cố sức làm như thể chẳng có gì xảy ra. Sự nguy hiểm bị ngập nước không còn nữa, căn hầm còn bảo vệ được chúng tôi, nhưng một nỗi hãi hùng không thể tả làm chúng tôi nghẹn ngào. Bà gác cổng khóc không ngớt.
Vào xế trưa, cửa hầm đột ngột mở ra và một người lính Đức tay đang cầm tiểu liên xuất hiện.
Ông ta hét:
Mau lên! Tất  cả mọi người hãy lên sân ngay lập tức!
Đã xảy ra điều gì? Vì sao chúng tôi phải ra khỏi hầm? – chúng tôi hỏi.
Nhưng ông ta chỉ lập lại là phải mau lên không được chậm trễ.
Bà vợ ông biện lý nói:
Tôi, tôi bằng lòng đi ra, nhưng chồng tôi mới bị sưng phổi nặng, và ông ấy đã tám mươi tuổi rồi. Ít ra ông cũng phải để cho chồng tôi được yên thân.
Tất cả mọi người phải đi ra, không trừ một ai hết – người lính Đức đáp – tôi không muốn bị trừng phạt khi cấp chỉ huy thấy có người còn ở lại trong hầm.
Chúng tôi phải tuân theo lệnh của ông ta. Ông biện lý được vợ ông ta và ông bác sĩ dìu đi ra khỏi hầm. Ông Radnai đã lật ve áo lên và bước đi, đầu cúi xuống. Bà vợ ông chủ nhà băng vội vã tô môi son. Ilus bồng con. Eve và Gabriel cặp tay nhau bước đi, mặt mày rạng rỡ một niềm hạnh phúc mà dù có chết cũng không sao.
Tên lính Đức đạp tung cửa phòng của hai vợ chồng người gác cổng. Bà vợ không thèm ngẩng đầu lên nhìn. Sau khi thôithúc ba lần, tên lính Đức nắm cánh tay bà ấy và lôi bừa ra ngoài sân.
Tất cả chúng tôi tập trung và im lặng chờ đợi. Ông bác sĩ có vẻ lo âu. Bốn người Đức tay cầm tiểu liên đứng đối diện chúng tôi. Viên chỉ huy nói:
Số lương thực còn lại của chúng tôi bị ăn cắp. chúng tôi sẽ cho lục soát trong hầm.
Hai tên lính được chỉ định đi xuống hầm. Nhiều người trong chúng tôi muốn nói và ông biện lý, bất bình, cho rằng lời tố cáo ăn cắp là một sự nhục mạ. Nhưng viên sĩ quan cắt đứt với giọng nghiêm khắc:
Im ngay!
Sau mười lăm phút, hai tên lính Đức đi lên và báo cáo chúng đã không tìm ra được gì hết. Viên chỉ huy nói chúng tôi sau khi lấy đồng hồ ra xem:
Tất cả mọi người hãy nghe đây! Tầng gác xép giữa tầng nhà thứ nhất và tầng trệt chất đầy đan dược. nếu trong năm phút, các người không trả lương thực cho chúng tôi, tôi sẽ cho nổ sập toà nhà này. Tôi không cần phải biện giải hành vi với bất cứ ai, vì tôi sẽ không ra khỏi Budapest mà còn sống. Và nếu các đống đổ nát của toà nhà này làm nghẽn đường thì đó sẽ là một chướng ngại vật mà quân Nga khó có thể vượt qua…Tôi bắt đầu đếm năm phút đây!
Tôi cảm thấy thân thể tôi cứng đờ, trở thành lạnh toát và lạ lùng như thể tôi đã chết rồi.
Ông bác sĩ khóc nức nở. Ông đã từng lột da xẻ thịt những con ngựa chết một cách hoàn toàn thản nhiên, bây giờ ông khóc vì xúc động và sợ hãi. Ông rên siết:
Tôi không ăn cắp gì cả, hãy để cho tôi đi!
Ilus mệt lử vì đã phải bồng đứa bé quá lâu, nhè nhẹ ngồi chuồii xuống đất, ngồi bệt trên tuyết dơ bẩn, bà hà hơi trên mặt đứa bé để cho nó bớt lạnh.
Viên sĩ quan Đức nói:
Còn bốn phút nữa.
Bà gác cổng, người trước kia ở trong số những người đàn bà to béo, lực lưỡng nhất thủ đô và vì con trai bà chết, bà đã gầy đi đến nỗi người ta không còn nhận ra được  bà, bây giờ bà nhìn chúng tôi như thể bà đang đếm các người bị kết án tử hình trên bãi đất thi hành án. Nỗi đau đớn của bà hình như đã dịu bớt. Cho đến nay, bà ôm ấp một mối hận thù cay đắng đối với những người sống, nhưng  bây giờ chúng tôi chỉ còn sống được vài phút nữa thôi, nên tất cả hận thù hình như được hoá giải.
Bà vợ goá của ông chủ nhà băng có một cử chỉ đột ngột. Bà giựt cái bao da nhỏ đựng nữ trang đeo nơi cổ và bước tới, bà đưa cho các người lính Đức và nói:
Các ông hãy để cho tôi ra đi, cái gia tài này sẽ thuộc về các ông.
Những người lính Đức đứng yên không nhúc nhích, chẳng tỏ vẻ quan tâm gì đến tiền  bạc. Người ta có thể nói họ không còn là những con người bằng xương bằng thịt, mà đó là những con người máy.
Bố tôi và mẹ tôi nắm tay tôi và siết các ngón tay tôi càng lúc càng mạnh hơn.
Ông biện lý kêu lên rằng ông còn muốn sống. Tôi tự nhủ rằng ông đã sống tám mươi năm rồi, còn tôi, tôi mới mười lăm tuổi, tôi có nhiều lý do hơn ông để mà khóc.
Tôi cảm thấy hình như các bức tường của toà nhà bắt đầu rung rinh. Tôi chỉ còn trông thấy những hình ảnh quá mờ của những tên lính Đức trước mặt tôi. Chỉ các bàn tay của bố tôi và mẹ tôi siết chặt bàn tay tôi giữ cho tôi còn sống ở giữa cái sân đầy đổ nát này… Rồi, tôi nghe một câu nói bằng tiếng Đức và tôi cảm thấy tôi bị ném xuống dưới đáy một vực sâu tối tăm.
Khi tôi hồi tỉnh, tôi lại thấy tôi ở trong căn hầm đáng căm thù xiết bao và đồng thời cũng thân thương xiết bao, tôi khóc oà. Người ta vây quanh tôi, người ta lăng xăng chung quanh tôi. Những tiếng nấc làm người tôi rung chuyển như một dòng điện. Người ta kể cho rằng hay rằng trước khi hết hạn năm phút, một người lính Hungari đã kêu to lên từ một trong những cửa sổ lầu hai rằng anh ta sẽ trả lại các lương thực cho quân đội Đức, nhưng yêu cầu họ để cho các thường dân được bình an.
Chắc chắn đó cũng là một người lính trong các toán quân tán loạn, như Pista. Không ai biết số phận của người lính ấy ra sao sau lời thú nhận của đương sự.