Dịch giả: Văn Hoà – Nhất Anh
P 1- Chương 8

Màn đêm đã rủ bóng và những người từ trên sân đi xuống nói rằng các bờ sông Danube được chiếu sáng bởi những ánh hoả châu màu đỏ. Đó là cách quân Nga vạch giới hạn những nơi mà họ sắp phóng vào. Cái tin ấy không làm cho ai xúc động. Chúng tôi đã kiệt sức rồi. Bị một phen hú vía lúc ban chiều, chúng tôi không còn chút sức lực nào nữa.
Vào khoảng tám giờ, chiến sự bùng nổ dữ dội. Toà nhà của chúng tôi nhận được đạn trái phá liên tiếp và của máy bay oanh tạc ném bom khắp cả khu vực.
Đến mười giờ, nước lai bắt đầu chảy ra trong hầm. Chúng tôi thấy mực nước tăng lên từng giây. Không thể nào giải quyết tình trạng này với những cái xô, chỉ còn giải pháp là đi trốn. Nhưng đi đâu? Tìm ở đâu ra một nơi có thể ẩn núp tương đối an toàn? Chúng tôi không có thì giờ suy nghĩ, nước đã lên tới đầu gối. Tất cả mọi người hối hả mang đi những gì cần thiết hơn như thể. Chúng tôi nhét vào túi vải nắm đậu khô còn lại và cứu các chăn mền bằng cách đưa chúng lên thật cao để chúng khỏi ướt. Ông Radnai lật đật mặc áo và nước đã lên đến vạt áo sơ mi. Ilus quấn con bà trong một cái mền. Bà vợ goá của ông chủ nhà băng vừa kêu vừa múa tay. Eve và Gabriel giúp đỡ tất cả chúng tôi, vì họ chẳng có gì để mang đi.
Chúng tôi vác quần áo của chúng tôi lên vai và đi tới cầu thang. Nước đã lên tới thắt lưng. Ông biện lý leo lên ngồi trên vai ông Radnai, bỏ hai chân ra hai bên, mỗi người chúng tôi cầm một cây đèn mỡ.
Một người lính Đức muốn đuổi chúng tôi đi xuống lại trong hầm, nhưng rọi đèn pin xuống phía dưới cầu thang, thấy nước đen ào ào tràn lên các tầng cấp. Anh ta chỉ cho chúng tôi một cửa của tầng trệt và nói rằng ai dám đi ra khỏi nơi đó sẽ bị bắn chết ngay lập tức.
Chúng tôi ở trong phòng của người gác cổng. Ông biện lý già và đứa con của Ilus được nằm trên cái giường duy nhất trong phòng.
Tia sáng đầu tiên của bình minh xuất hiện khi một sự yên tĩnh tuyệt đối xảy ra như có phép lạ. chúng tôi không dám tin vào lỗ tai của chúng tôi  và chúng tôi áp tai vào tường để nghe ngóng.
Ông bác sĩ nói để ông đi xem những gì xảy ra ở bên ngoài. Tất cả mọi người phản đối, vì chỉ cẫn mở hé cửa ra là nhận được một tràng đạn súng tiểu liên. Nhưng ông ta nhún vai:
Kể từ bây giờ chết là điều không thể tránh được và tôi thấy thà chết vì một viên đạn còn hơn là bị thiêu sống bởi các súng phóng hoả.
Ông đã tới phía cửa, vặn tay nắm và bước qua ngưỡng cửa. Toàn thân tôi run rẩy, tôi bịt tai lại, nhưng những tiếng súng nổ tôi chờ đợi với biết bao nhiêu hãi hùng đã không vang lên. Vài lát sau, tiếng của ông bác sĩ vang lên trong sự yên tĩnh:
Ai nấy có thể đi ra được rồi, chúng nó đã đi hết rồi!
Một nỗi vui mừng điên dại xâm chiếm chúng tôi. chúng tôi reo hò. Ông biện lý nhảy cà tưng như đứa trẻ con và la hét om sòm:
Quân Đức rút đi hết rồi, thế là chúng ta thoát chết!
Chính ông ta là người vui mừng hơn như thể với niềm hy vọng được còn sống, ông, người đã tám mươi tuổi.
Ông Radnai, mặt mày còn tái xanh vì sợ, nhưng chưa chi ông đã khẳng định bằng một giọng quả quyết:
Tôi biết rõ chúng nó sắp cút đi. Các người biết không, tôi dự cảm được những điều thuộc loại ấy.
Nhưng không ai quantâm đến những gì ông ta nói.
Chúng tôi lảo dảoddi ra ngoài sân. Trời đã bắt đầu sáng và ở đâu đó phía đông, mặt trời đã leo lên phía trên chân trời để rọi ánh nắng khắp thành phố Budapest đổ nát.
Sân đầy súng liên thanh, khí giới đủ loại, đạn dược và đầu đạn rải khắp nơi. Trước cổng ra vào có một cái mũ kêpi Đức và hai két đạn trái phá còn nguyên nằm bên khẩu đại bác.
Trong ánh sáng lạ lùng và đầy khói ấy, các vật không còn cái hình thức thực tế của chúng nữa, cái sân này, con đường này, toàn thể thành phố, mờ ảo lẫn lộn trong một thứ ánh sáng phi vật chất, có vẻ như một phong cảnh ở mặt trăng khắp nơi đều có những khí giới bỏ lại. Tước mặt chúng tôi, một toà nhà, họ chết dần chết mòn vì ngộp. Ở đó, bên phía tay mặt, là một mảnh của tầng  bốn nơi một chiếc đàn dương cầm chỉ còn nằm trơ ra đó nhờ vài viên gạch, gian phòng kế cận, chắc là phòng tắm, chỉ còn lại một bức tường với một cái giá vắt khăn.
Khắp nơi, tận xa lắc xa lơ, là những đống đồ đổ nát, những đống đổ nát và nhiều những đống đổ nát…
Trước hàng bán mứt nơi góc đường, có xác chết của ba con ngựa. Mùi thịt mới thối rữa bốc lên từ mọi phía. Lúc ấy chúng tôi chưa biết bầu không khí của thành phố sẽ còn ô nhiễm vì mùi hôi thối rùng rợn ấy trong nhiều tuần lễ nữa.
Vậy thì quân Đức đã đi đâu? Người ta có thể tin là chúng đã rút lui khỏi vị trí này. Nhưng không chắc chắn là như thế.. Vì sao có sự yên tĩnh này? Sự hãi hùng xâm chiếm chúng tôi. Bà vợ ông chủ nhà băng cho rằng quân Nga chắc đã có mặt ở đây vì h. đã chiếm được vùng kế cận từ ba tháng nay rồi. Nhưng thế thì họ đi đâu?
Sự phân vân ấy thật là khó chịu! chúng tôi có cảm giác như có những người đang canh chừng chúng tôi sau các bức tường, sau các đống đổ nát, ngay cả sau xác con ngựa. Quân Nga chắc ở rất gần đây, có thể họ đã ở trong toà nhà kế cận, hay họ tin là quân Đức còn hiện diện trong toà nhà của  chúng tôi, và chuẩn bị một cuộc đột kích mới?
Quá khủng khiếp, chúng tôi không dám đứng trong sân, chúng tôi rút lui trước hết vào dưới cửa lớn và sau đó vào trong các gian phòng của tầng trệt.
Sau mười lăm phút chờ đợi trong sự lo âu hồi hộp, Ilus thở hổn hển chạy vào và cho biết người ta vừa khám phá ra có một người Đức bị thương trong cầu thang. Chúng tôi chạy ngay tới đó. Quả thật, phía sau cái cầu thang lớn bằng đá cẩm thạch, nơi trước kia chúng tôi cất các xe đẩy trẻ con, một người lính Đức còn trẻ nằm sóng sượt trong một vũng máu.
Ông Radnai nói:
Chúng ta chỉ còn thiếu điều đó, nếu quân Nga thấy anh ta ở đây, tất cả chúng ta sẽ bị hành quyết.
Chỉ một lát sau tất cả chúng tôi tập trung quanh người bị thương đang mất máu rất nhiều.
Ilus đề nghị với giọng phân vân:
Phải săn sóc cho anh ta, tôi đi kiếm cái gì để làm băng..
Bà đừng có hấp tấp như thế - ông Radnai phản bác – người này sẵn sàng để chúng ta chết đói trong hầm không một chút e ngại. Và nếu quân Nga biết được chúng ta đã săn sóc cho một người Đức, coi chừng, chêt không kịp ngáp đấy!
Ông biện lý, vịn vai vợ đi tới.
Các người này, phải băng bó cho anh ta, chính quân Nga cũng sẽ làm như thế, vì theo luật quốc tế, săn sóc cho thương binh là một bổn phận.
Ông bác sĩ nhún vai:
Ông già lại nói quàng nói xiên nữa rồi. Ngày nay ở đâu người ta còn tôn trọng những hiệp ước quốc tế? Tành phố xinh đẹp của chúng ta đã ra sao rồi? Mt đống rác hôi thối với hàng ngàn xác chết bỏ bê ra đó.
Bà vợ ông chủ ngân hàng nóng nảy kêu lên:
Nhưng quyết định gì thì quyết định ngay đi chứ! Quân Nga có thể đến đây bất cứ lúc nào, thế mà các người còn đứng đây mà bàn cãi mãi. Về phần tôi, tôi rút lui khỏi nơi này và tôi không nghe không thấy gì hết.
Anh thương binh trẻ tuổi đã chống cùi tay một cách mệt nhọc, ngẩng đầu lên và luôn luôn quay mặt về phía người đang nói. Anh ta nhìn đăm đăm vào miệng chúng tôi như thể anh ta điếc, anh ta không hiểu được tiếng Hungari. Tuy nhiên chắc anh ta biết điều sống chết của anh ta đang được quyết định.
Nét mặt của anh ta trở thành khó chịu đối với chúng tôi, đến nỗi mọi người im lặng, một sự im lặng hoàn toàn, giọng như một đám sa mù dày đặc nhận chìm tất cả ý nghĩa của thực tế.
Tôi cảm thấy không còn đủ sức để quay mắt khỏi những giọt máu chảy ra càng lúc càng nhanh hơn xuyên qua bộ đồng phục rách nát.
Đột ngột tôi có cảm giác rằng các đống đổ nát ở bên trên đầu chúng tôi biến mất và từ trời cao, Chúa nhìn chúng tôi để xem bằng cách nào chúng tôi vượt qua sự thử thách hiểm nghèo này. Chúng tôi sẽ có đủ khả năng hay không, để nhìn mạng sống của một con người bị cướp đi bằng cách để máu chảy ra từng giọt từng giọt cho đến hết? Tôi chắc rằng Chúa nhìn chúng tôi với lòng trắc ẩn và dưới sức nặng của ánh mắt người, ông bác sĩ phấn chấn một cách đột ngột.
Tôi đi tìm băng..
Một lát sau ông ta trở lại và băng bó cho anh thương binh.
Anh ta bị thương nơi háng nặng lắm – ông bác sĩ nói với chúng tôi – không còn sống được bao lâu nữa. Chắc anh ta đau đớn lắm.