Dịch giả: Nguyễn Thị Thanh Thư
Truyện thứ tư
Hội chứng lời nguyền Undine

Mãi cho tới khi mẹ bảo rằng không có Chúa, nó mới thôi không tin vào Chúa nữa.
Nó còn nhớ chính xác buổi tối hôm ấy, khi mẹ kể cho nó nghe bằng một giọng hơi bực bội và sốt ruột:
- Nhưng mà chúng ta đâu có tin vào những thứ mê tín kiểu như Chúa. Và con cũng đừng có nhắc lại điều này với bố đấy.
Khi ấy nó mới lên sáu. Anita, đứa bạn gái ngồi cùng bàn kể về đám ma của ông nó, ông nó chết ở Ba Lan, và nhớ lại là cha đạo đã đặt một cây thánh giá lên xác của ông nó nằm trong quan tài. Tối đến nó hỏi mẹ, cha đạo là ai và ông ta làm thế để làm gì. Và đó là lần đầu tiên mẹ nó nói về những trò mê tín ấy. Cho tới lúc ấy nó vẫn tin là có một người vô cùng tốt, để mình có thể tối tối nằm trong chăn và kể thật khẽ cho người ấy nghe về tất cả - khẽ đến nỗi không ai có thể nghe thấy - kể cả những gì xảy ra trong nhà và ở ngoài sân. Chúa chính là như thế.
Nhưng mẹ có lý. Bao giờ mẹ cũng có lý. Mẹ chưa hề nói dối nó.
Vì vậy mà sau đấy nó không nằm trong chăn để kể cho Người nghe bất cứ chuyện gì nữa. Khi ấy nó chưa hiểu chính xác “mê tín” là cái gì, nhưng nó cảm thấy đó là một cái gì rất xấu, bởi vì không được nhắc đến điều đó với bố cơ mà.
Giờ đây nó cảm thấy thiếu Người vô cùng, khi bố nó cứ tối đến mới về nhà, say khướt. Bao giờ cũng bắt đầu giống nhau. Những người bạn của ông đỡ ông xuống từ chiếc xe cảnh sát màu đen mà cả khu ai cũng biết, thỉnh thoảng bố tự xuống xe, thỉnh thoảng có hai người xốc nách. Ông đạp hoặc lấy chân đá cửa ầm ầm làm cả tầng thức giấc, sau đó thì lăn vào bếp, nơi mẹ đang sợ hãi ngồi chờ, và quát. Đơn giản là ông quát. Mẹ ngồi rúm ró trên cái ghế gỗ xiêu vẹo ở bên cạnh tủ lạnh, lặng lẽ nhìn xuống sàn nhà, tay nắm chặt, còn ông đứng bên mẹ và quát. Những khi ấy nó trốn trong chăn, quấn chăn thật chặt để không nghe thấy gì. Nó nói chuyện với Người để át tiếng la hét của bố, nó cầu xin để bố nó dừng lại. Bố nó càng quát mẹ to bao nhiêu, nó càng run rẩy và ngạt thở ở trong chăn nhiều bấy nhiêu, nó cầu xin Người giúp đỡ.
Nhưng chưa bao giờ Người nghe thấy lời cầu xin của nó.
Chưa bao giờ.
Do đó mà chắc chắn là mẹ có lý, rằng hoàn toàn không có Chúa, mà chỉ có những trò mê tín mà thôi.
Sau đấy nó thôi không lên giường và nói chuyện với Người nữa. Nó đã tự học cách trải qua những trận lôi đình của bố ở trong bếp. Đầu tiên nó vặn những đồ chơi phát nhạc mà lần sinh nhật nào ông ngoại cũng mang đến cho nó, rồi đến cái đài xách tay, nó lấy ở trên bàn xuống và ngồi nghe ở đằng sau tủ, tai ghé sát vào loa. Nhiều khi ngay cả thế cũng chẳng giúp được gì. Vì giọng của bố nó vừa to vừa khỏe. Ngoài ra ông ấy lại còn la hét suốt ngày ở chỗ làm. Ông quát tháo mọi người. Ông đã học được thói quát tháo.
Nó nhớ có lần, không thể chịu nổi, nó đã mở máy hút bụi mà mẹ nó để ở tủ trong phòng nó. Thế mà có tác dụng. Trong bếp bỗng nhiên im lặng. Bố vào phòng nó, tay cầm chai rượu và đang trong cơn thịnh nộ, ông giựt cái dây điện của máy hút bụi, làm cái dây bật ra cùng với cả ổ cắm và một mảng vữa. Bố quật cái ổ cắm vào đầu mẹ khi đó đang chạy theo sau.
Tối hôm đó, lần đầu tiên mẹ cùng với nó đi khỏi nhà. Hai mẹ con lang thang vô định ngoài phố ở Rostock, sau đó, khi trời quá lạnh, hai mẹ con lên tàu điện và đi suốt đêm. Nó trong bộ pizama bằng vải flanen, bên ngoài là cái áo khoác bông hóa học màu tím, chân đi đôi dép nỉ, còn mẹ mặc một cái áo khoác da thùng thình, đội mũ len mầu mận dính máu. Mẹ không đi băng bó vết thương ở đầu. Vợ của những cảnh sát ở Rostock, đặc biệt là vợ các sĩ quan STASI(1) không băng bó vết thương.
Đêm hôm ấy, nó đã biết chắc chắn rằng Người, đó là mê tín.
Sau đó nó thường xuyên cùng mẹ chạy trốn trên những chuyến tàu điện và những phố đêm. Hai mẹ con có tuyến đường yêu thích của mình và chương trình cho cả một đêm, đến tận sáng. Khi ánh sáng mờ mờ của ban ngày bắt đầu thế chỗ cho màn đêm, cả hai mới quay về nhà. Họ khẽ mở cửa, vội vàng vào phòng nó, lên giường và ôm chặt lấy nhau. Mẹ khóc. Khi ấy thì bố ngủ lâu rồi, thường là gục đầu lên bàn bếp hoặc nằm trên giường trong phòng ngủ, để nguyên quần áo và giầy.
Có một đêm, hai mẹ con đi tàu điện đến tận cuối thành phố, dọc theo mộ: con phố bên bờ biển và ngắm mặt trời lên. Họ ngồi trên những tấm bê tông chắn sóng trồi lên ngay bên cạnh những đống gạch vụn bao quanh lâu đài cổ đã từ lâu ai cũng sợ vì phần chân thành đang hư hỏng. Hồi trước, ở chỗ bây giờ là nhà máy đóng tàu, là một cảng cá. Bác lái tàu điện, người biết rất rõ về hai mẹ con vì vẫn thường đi với họ khắp Rostock đã kể như vậy. Bác ấy dừng tàu, cho dù đấy không phải là bến, ngay đầu con đường nhựa ven biển và hứa sẽ chờ họ. Đêm ấy hai mẹ con về nhà muộn hơn thường lệ. Khi nó ngủ, nép sát vào mẹ như mọi lần, điều ấy đã xảy ra lần đầu tiên. Đúng là đêm hôm ấy, thực sự là lần đầu tiên, nó đã chết giấc một lúc trong khi ngủ. Khi ấy nó lên tám.
Matylda biết rằng mình không bao giờ một mình qua đêm với bất cứ một người đàn ông nào. Không bao giờ.
Từ này đã hoàn toàn không còn tác động gì đến cô nữa. Vì từ lâu cô đã biết rằng hầu như mỗi “không bao giờ” nào cũng có thể được hiểu theo một cách nào đó. Bởi nếu không thế thì cô đã chết khi còn là một đứa trẻ, vậy mà hôm qua cô đã tròn hai mươi tư tuổi.
Ngoài ra, tại sao ngày với đàn ông lại đẹp hơn đêm nhỉ?!
Cô căm thù đêm. Cô không thể chịu nổi những buổi hoàng hôn, bóng đêm và chòm sao Đại Hùng tinh trước một ngày nóng bức. Ngày bao giờ cũng đẹp hơn đêm. Đêm sẽ không bao giờ được như vậy.
Không bao giờ.
Khi người ta đã có vài chục lần “không bao giờ”, thì một lần nữa sẽ chẳng tạo được ấn tượng gì.
Chỉ có một lần đã gây được ấn tượng.
“KHÔNG BAO GIỜ” duy nhất mà cô không thể hình dung ra được.
Đó là Jakob có thể không bao giờ đến nhà cô vào buổi tối nữa.
Jakob là quan trọng nhất. Jakob ở bên cô và có mặt khi cô thức dậy.
Jakob bảo cô quay người lại. Nhắc cô để hai tay dọc theo người. Jakob nhắm mắt lại khi cô cởi nịt vú và quần lót để thay váy ngủ hay pizama.
Jakob mở và đóng cửa sổ phòng cô. Jakob lo sao cho đèn ngủ của cô đêm nào cũng sáng. Và anh bao giờ cũng có một cái bóng điện dự trữ.
Nhưng quan trọng nhất là jakob không bao giờ ngủ.
KHÔNG BAO GIỜ.
Thực sự là không bao giờ.
Nghĩa là cho tới lúc này anh chưa bao giờ ngủ. Mà anh ở bên cô khi cô ngủ và khi cô thức dậy đã mười sáu năm nay.
Hàng đêm.
Cô lên tám, khi lần đầu tiên anh đến nhà cô.
Và anh đã ở lại.
Bây giờ cô hai mười tư tuổi. Jakob có mặt trong tất cả những sự kiện quan trọng nhất. Khi buổi đầu tiên đến trường trung học cô đã không ngủ được vì hưng phấn. Khi bố cô bỏ đi để hai mẹ con ở lại. Khi đêm đầu tiên mẹ cùng với dượng ở phòng bên cạnh, người đàn ông mà cô rất ghét mặc dù ông ta thật tốt và rất chăm sóc mẹ. Anh cũng có mặt vào cái đêm đứa em gái cùng mẹ khác bố của cô ra đời, cả cái đêm cô đi cùng với Madona đến Dachau nữa.
Cái đêm khi lần đầu tiên cô thấy kinh, anh cũng ở đấy. Cô bị vào ban đêm. Jakob đã để ý thấy điều đó, vì anh không bao giờ ngủ khi cô ngủ. Không bao giờ. Cô thức giấc vì thấy ướt và cảm thấy bụng dưới quặn lên rất khác. Khi ý thức được chuyện vừa xảy ra, cô bắt đầu khóc. Vì xấu hổ. Lúc ấy Jakob đã cầm tay cô rất nhẹ, hôn lên má cô, lau nước mắt cho cô và gọi thầm tên cô.
Cũng đã có lần bố bế cô và gọi thầm tên cô. Lâu lắm rồi. Khi cô còn là một đứa bé. Vào cái ngày nào đó, ông đưa cô ra sân, đặt cô lên gạc ba ga cái xe đạp cũ kĩ của mẹ và chở cô đi quanh khu, trên những con đường đầy ổ gà. Cô ngồi, lấy hết sức để ôm thắt lưng bố. Đến một cái ổ gà, chân cô vướng vào nan hoa bánh sau. Chỗ sát gót chân, thịt bị bóc đến tận xương, chiếc tất trắng thấm đỏ máu cho đến tận mắt cá. Cô gần như ngất đi vì đau. Khi biết chuyện gì xảy ra, ngay lập tức bố dừng xe, bế cô trên tay, gọi thầm tên cô và chạy đến khu nhà cạnh bưu điện, nơi taxi vẫn hay đỗ. Ở bệnh viện người ta khâu cho cô mấy mũi. Vết sẹo tím bầm, cứ đến mùa hè là chuyển sang màu đỏ, đến bây giờ vẫn còn. Nhưng cái thực sự còn lại trong trí nhớ cô từ lần ấy, chính là giọng nói run rẩy của bố khi bế cô ra chỗ taxi và gọi thầm tên cô.
Và cái đêm hôm ấy, khi lần đầu tiên cô thấy kinh, Jakob cũng cầm tay cô, cũng thầm thì nhắc tên cô: “Matylda”. Rồi anh lấy cái ga trải giường sạch trong tủ ra. Cô xấu hổ quá. Xấu hổ kinh khủng. Sau đó cô đã khóc trong chăn vì xấu hổ. Anh biết là cô khóc. Bởi anh theo dõi tất cả. Đặc biệt là nhịp tim của cô. Khi người ta khóc, tim co bóp khác hẳn. Jakob quan tâm đến tim cô hơn cả. Anh biết tất cả về nó. Anh mang theo trong ví cái máy đo điện tâm đồ. Bên cạnh ảnh của cô. Bao giờ cũng là cái ảnh mới nhất. Được ép plastic. Để không thể hỏng được.
Đêm ấy là một đêm đặc biệt. Cô nhớ là cô không ngủ được cho đến sáng. Khi nỗi xấu hổ qua đi, cô thấy hưng phấn và sốt ruột. Cô không thể chờ được cho đến sáng. Đương nhiên là Jakob ghi nhận được điều này, rằng cô không ngủ, nhưng không để lộ một thái độ gì. Sáng ra, cô chạy đến trường sớm hơn thường lệ. Cô đứng ở nơi gửi đồ để chờ Anita. Cô muốn kể cho Anita ngay. Cô nhớ là cô cảm thấy tự hào như thế nào đấy và muốn chia sẻ điều đó với đứa bạn thân nhất. Cô cảm thấy cái điều xảy ra đêm qua hơi giống như sự vượt qua một ranh giới nào đấy. Ranh giới giữa sự trưởng thành và tuổi thơ. Mặc dù cô đã được chuẩn bị cho chuyện này - ở trường, họ đã tranh luận với nhau rất chi tiết từ hồi học phổ thông cơ sở - nhưng cô hoàn toàn không có cảm xúc rằng đây chỉ là một hiện tượng sinh học đơn thuần, chỉ là một bước tiếp theo tự nhiên, và khi đó cô đã nghĩ – mặc dù bây giờ nghĩ lại cô vẫn buồn cười mình – rằng đây không phải là bất cứ một hiện tượng sinh học nào, mà chỉ là một biểu hiện của ý chí, nhờ đó mà cô hồi sinh và biến đổi. Tất nhiên khi đó, mới mười ba tuổi, cô chưa đủ thông minh để diễn đạt điều đó như “ một biểu hiện của ý chí”, nhưng bây giờ thì cô biết đó chính là cách diễn đạt chính xác nhất cái mà lúc đó cô cảm thấy.
Ngoài ra, cho dù điều này có vẻ rất lạ lùng, hiện nay cô nhớ chính xác cái cảm giác của của lần có kinh đầu tiên ấy hơn là nụ hôn đầu tiên. Cũng có thể vì sự có mặt của Jakob đã làm cô xấu hổ. Cô còn nhớ là những tháng đầu, cô đã rất sốt ruột chờ đợi “những ngày ấy”, chúng đến đều đặn một cách đáng kinh ngạc, chúng cho cô cảm giác của sự trưởng thành và nữ tính và khẳng định cô trong anh. Khi đó, trong ba bốn tháng đầu tiên, mọi thứ trong cái nghi lễ hàng tháng ấy đều làm cô thích thú. Kể cả cái bụng dưới đau đau cũng đem đến cho cô cảm giác đặc biệt, rằng “mình đã, còn những đứa bạn gái khác thì chưa”. Cách đây không lâu, đọc lại nhật kí của Anna Frank, cô hoàn toàn không thấy ngạc nhiên khi bà viết về những kì kinh đầu tiên của mình với niềm tự hào đến thế. Về sau, sự hài lòng với diện mạo đàn bà tất nhiên cũng qua đi và cô bắt đầu cảm thấy khó chịu vì đau đầu, đau ngực, mặt nổi mụn và nhiều khi muốn khóc.
Jakob cũng nhận thấy cô đã bước qua một ranh giới vào cái đêm hôm ấy. Ngày hôm sau, anh đến thăm, chính thức, từ sáng, chứ không phải chiều tối như mọi khi. Anh mang theo hoa. Mặc complê. Thắt một cái cravát da nhỏ lỗi mốt. Và anh tỏ ra trịnh trọng đến tức cười. Mùi thơm của anh cũng khác. Anh mang đến một bó hoa đừng-quên-em màu da trời vĩ đại. Vì khi ấy đang là mùa xuân. Anh chẳng nói gì, chỉ để hoa vào bình rồi đặt lên vệ cửa sổ trong phòng cô. Và hôn tay cô. Cô đã xúc động một cách thông thường nhất trên đời này.
Và từ đêm ấy và ngày hôm sau, cô đã cùng với những bông hoa trên bệ cửa sổ chờ Jakob đến vào buổi tối khác hơn. Giờ đây thậm chí cô không biết phải giải thích điều đó như thế nào, nhưng cô biết rằng lúc đó cô đã muốn nằm ngủ bên anh, thơm tho, với mái tóc xõa trên gối và trong bộ đồ ngủ thật đẹp.
Jakob không chỉ biết tất cả về trái tim cô. Anh còn biết cả về máu của cô nữa. Anh biết trong đó có bao nhiêu oxy, bao nhiêu carbonic. Bao nhiêu hemoglobin, bao nhiêu creatin. Anh còn biết cả nhiệt độ là bao nhiêu. Cho nên khi cô yêu, Jakob có thể nhận ra và ghi lại, thậm chí đo nữa.
Có lẽ vì cô vẫn chưa yêu thực sự. Đó là với Krystian, tám năm trước đây. Mặc dù hồi ấy, với chính Krystian cô đã hôn lần đầu tiên trong đời. Chính xác là ngày hai tám tháng Sáu, vào thứ bảy. Krystian thì đã yêu cô từ hồi tháng Ba. Điều này thì bọn bạn gái của cô đứa nào cũng biết. Chỉ mỗi cô là không. Anh thật tình cảm, tinh tế và nhạy cảm. Mặc dù anh đã vào trường học nghề, còn cô học ở một trường trung học tốt nhất ở Rostock. Và anh đã có một sáng kiến là, để chứng minh cho tình yêu của mình, anh đã dập điếu thuốc lá ngay trên tay. Và tặng cô thẻ học sinh của mình. Có lần cô nhìn thấy anh say rượu, thế là cô không muốn gặp anh nữa. Anh không chấp nhận điều đó. Anh đến. Đứng hàng giờ dưới khu nhà cô. Và viết. Một lần anh gửi một lá thư, trong đó có vẽ một trái tim, ở giữa trái tim là tên cô “Matylda” được viết bằng chì đỏ. Ở một góc trái tim có chữ “Cha mẹ”, còn ở góc kia là tên đội bóng đá của Rostock. Anh viết cho cô trong vòng hai năm. Chưa bao giờ cô trả lời.
Mà cô lại muốn yêu vô cùng. Và luôn ở bên người ấy và không nhận được một thư nào của người ấy cả. Bởi khi người ta không xa rời nhau thì không có những lá thư.
Và làm sao để người ấy hơi giống với Jakob.
Từ khi biết nhau, Jakob mới chỉ có một lần duy nhất là mặc complê. Là lần họ đi cùng Madona đến Dachau. Đó là vào thứ bảy. Sinh nhật cô. Sinh nhật quan trọng nhất, sinh nhật lần thứ mười tám. Dường như chẳng có gì khác mọi năm. Ăn sáng, hoa, những lời chúc mừng của mẹ và dượng. Vài cú điện thoại chúc mừng vào buổi sáng. Chỉ không có gì của bố. Và khi đó cái ôtô ấy đến. Chính xác vào ban trưa. Jakob xuống xe. Trong bộ complê với chiếc cravát da nhỏ ấy. Anh đi đến chỗ cô, chúc mừng sinh nhật và nói rằng sẽ đưa cô đi xem Madona biểu diễn. Ở Berlin. Chỉ đơn giản vậy. Cứ như là Berlin ở ngay cạnh công viên ở Rostock ấy.
Cô rất muốn được một lần nào đó xem biểu diễn ca nhạc. Và cô rất thích Madona. Cô đã không dám tin khi Jakob rất tự nhiên đứng trước cô ở sảnh và tươi cười hỏi:
- Thế nào? Chúng mình đi chứ?
Mẹ và dượng đã biết mọi chuyện từ lâu, chỉ có điều họ giữ bí mật. Cô không cầm được nước mắt.
Jakob nói rằng sau buổi biểu diễn, họ sẽ phải ngủ lại ở Berlin. Suốt ba tháng trời anh phải liên hệ với quỹ dành cho người bệnh và một phòng khám ở Berlin để mượn thiết bị. Hai ngày trước sinh nhật cô, anh phải đi Berlin từ sáng sớm để lắp đặt mọi thứ trong khách sạn. Tối anh lại về và ở bên cô như mọi đêm.
Có bốn mươi ngàn người đến xem buổi biểu diễn. Jakob đứng cạnh cô trong bộ complê và với cái cravát buồn cười ấy và cũng nhảy cẫng lên cùng đám đông hệt như cô. Khi Madona bước ra chào khán giả đang vỗ tay không ngớt, cô quay lại và hôn vào má anh. Chưa bao giờ cô hạnh phúc như buổi tối hôm đó.
Hôm sau, họ đi cùng với Madona đến Dachau. Mặc dù biết rằng báo chí vẫn khuyếch trương mọi chuyện, nhưng cô vẫn cảm động thế khi đọc rằng “Madona đã đến thăm Dachau”. Thực ra không hoàn toàn chính xác là họ đi cùng Madona: chị ấy bay trên chiếc trực thăng của mình, còn họ đi bằng ôtô cùng ngày hôm đó. Đó là sáng kiến của Jakob.
Tất nhiên là cô đã biết về các trại tập trung từ hồi còn ở trường. Lần nào đọc nhật kí của Anna Frank theo gợi ý của bà nội, cô cũng khóc. Từ khi bức tường Berlin sụp đổ, họ nói về điều đó ở trường thường xuyên hơn và cụ thể hơn rất nhiều. Cô đọc về chúng mỗi khi có thể, nhưng sự trừu tượng của chúng cho phép cô phần nào đồng ý với điều đó và không nghĩ rằng người Đức đã làm điều đó cho thế giới. Nhưng ở đây chẳng có gì là trừu tượng. Những ngôi nhà lụp xụp, những bức tường lỗ chỗ vết đạn với những hình thập tự và những ngôi sao David được khoét ra, những ngọn nến màu trên từng bước chân, những bông hoa trên những chiếc xe cạnh lò sưởi, những bông hoa được bó lại bằng những sợi dây màu ngay trên cành gai, những ống khói và hàng ngàn bức ảnh trên tường. Những cái đầu cạo trọc, những khuôn mặt gầy guộc, những hốc mắt to, và tuổi, và số ở góc dưới bên trái. Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi, năm mươi tư tuổi, mười hai tuổi, mười tám tuổi...
Cô nhớ rằng chỉ cần vừa đi qua cổng Dachau, cô đã cảm thấy không được phép nói, vì tất cả những linh hồn kia vẫn quanh quất đâu đây. Lúc nào cô cũng run vì sợ và cảm giác có lỗi. Cô. Mười tám tuổi. Và Jakob lúc đó không để ý đến cặp mắt mở to đầy sợ hãi của cô, đứng trước cô và kể về những đứa trẻ và những thiếu niên bị chết ngạt ở Dachau. Anh đọc cho cô nghe con số và ngày tháng. Cuối cùng anh nói rằng linh hồn những thiếu nữ và những cậu thiếu niên bị chết vì hơi ngạt đó chắc chắn không bao giờ già. Anh nói chính xác như vậy. Rằng chúng luôn trẻ và rằng tối hôm ấy chúng gặp nhau ở đâu đó sau những ngôi nhà lụp xụp hoặc cạnh lò thiêu xác và nói với nhau đầy tự hào rằng: “Các bạn hãy nghe đây, hôm nay Madona đã đến chỗ chúng ta. Madona...”.
Tôi tên là Matylda.
Cái gì Jakob cũng biết. Về những vì sao, những đầu cảm biến, hóa học, cầu chì và tâm lý bạn gái đang trưởng thành. Nhưng tốt nhất vẫn là về giấc ngủ. Cho dù từ mười sáu năm nay anh chỉ ngủ vào ban ngày, nhưng anh biết hầu như tất cả về giấc ngủ ban đêm. Cả về điều này, rằng Giấc Ngủ là chị em của Cái Chết. Thỉnh thoảng, hồi tôi còn trẻ, anh kể cho tôi nghe về điều đó. Anh tắt đèn, thắp nến và đọc cho tôi nghe thơ của Ovid về Giấc Ngủ được phản chiếu trong chiếc gương có Cái Chết đứng ở đằng sau. Khi ấy là tự tôi bảo anh kể. Còn tự anh thì không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ làm điều đó. Nhưng bác sĩ tâm lí trị liệu của tôi, người mới chuyển từ Tây Âu về Rostock đã cho rằng tôi “phải trải qua một cuộc thử thách nghịch lý”. Khi tôi nói lại điều này với Jakob, anh rất bực mình và bắt đầu nguyền rủa bằng thổ ngữ vùng miền nam nước Đức. Jakob chỉ nói bằng thổ ngữ này khi nào anh mất tự chủ. Hôm sau, anh không đi làm ở nhà dưỡng lão, mà đến chỗ bà bác sĩ tâm lý trị liệu kia và chờ ở phòng chờ bốn tiếng, để nói với bà ấy rằng bà ấy là một người “cực kỳ ngu xuẩn, ngạo mạn như hầu hết những dân Tây Âu huyênh hoang và thêm vào đó còn vô cùng tàn nhẫn”. Bà ta nghe anh nói hết, sau đó thì anh ở lại đó hai tiếng. Anh về nhà thay đổi hẳn và mấy đêm sau đó bắt đầu đọc cho tôi nghe Ovid. Thỉnh thoảng anh còn đến thư viện của trường đại học tổng hợp và thay vì Ovid, anh mang về những truyện cổ tích Đức. Trong đó có cả Giấc Ngủ và Cái Chết là hai chị em.
Chưa bao giờ Jakob đến nhà tôi mà lại không có hai túi đầy cầu chì. Lần cuối anh còn mang đến cả hai chiếc điện thoại di động.
Bao giờ cũng hai cái. Vì Jakob là người rất cẩn thận.
Anh còn lắp đặt dưới tầng hầm một trạm biến thế. Suốt hai tháng anh chở đến những bộ phận gì đó, anh treo lên tường những bản sơ đồ và chăm chú nghiên cứu. Sau nhiều đêm không ngủ, anh ở lại và tự nhốt mình dưới đó để lắp ráp. Để “dự phòng”, nhỡ đâu họ cắt điện hai lần. Một lần ở khu và một lần ở trạm biến thế của chúng tôi. Bởi sau hai năm xin xỏ của Jakob, thành phố đã đồng ý để anh lắp cho chúng tôi một trạm biến thế đặc biệt. Nhưng như vậy rồi, Jakob vẫn chưa tin. Kể cả thành phố, kể cả trạm của mình.
Đơn giản là Jakob muốn đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi thức dậy cùng nhau.
Hai người. Và rằng những truyện cổ tích của Ovid và cổ tích Đức mà hồi nào anh đã đọc cho tôi nghe, chỉ là truyện cổ tích. Bởi bao giờ cả hai chúng tôi cũng cùng thức dậy.
Rất nhiều khi chúng tôi hoàn toàn không ngủ, mà chỉ kể cho nhau nghe đủ các thứ chuyện. Thỉnh thoảng, theo yêu cầu của tôi, anh kể về một ngày của anh và các ông, bà, các cụ của anh ở nhà dưỡng lão. Những người ở các khu chung cư – Jakob nói – khổ hơn nhiều, kể cả khi họ có ba phòng, vô tuyến màu, người giúp việc, giường nâng hạ bằng điện và phòng tắm có tay vịn. Họ cô đơn. Cô đơn vô cùng. Họ bị những đứa con suốt ngày bận bịu công việc và sự nghiệp bỏ rơi, thậm chí không có cả thời gian để đẻ và nuôi dạy những đứa cháu, những đứa có thể thỉnh thoảng vào thăm ông bà và xua đuổi giúp họ bớt nỗi cô đơn. Ở trong nhà dưỡng lão cũng không có những đứa cháu, nhưng lúc nào cũng có thể cãi nhau, và khi đó người ta không cô đơn.
Thỉnh thoảng Jakob kể về những chuyện không thể tin được về các ông bà của mình. Có lần anh nói rằng có lẽ Chúa đã nhầm khi sắp đặt mọi thứ ngược chiều thời gian. Theo anh, con người phải được sinh ra ngay trước cái chết và sống cho đến lúc thụ thai. Theo chiều ngược lại. Bởi anh cho rằng quá trình chết đi, về mặt sinh học cũng mạnh mẽ chẳng khác gì cuộc sống. Do đó cái chết không có gì khác với sự ra đời. Và do đó con người, về mặt lý thuyết, có thể được sinh ra trước cái chết chỉ vài miligiây. Khi đó, ngay khi bắt đầu cuộc sống, họ đã có sẵn trí thông minh, kinh nghiệm và cùng với tuổi tác là toàn bộ lý trí và sự yên tĩnh. Họ đã phạm mọi sai lầm, phản bội và nhầm lẫn của cuộc đời. Họ đã có tất cả những vết sẹo và nếp nhăn, và tất cả những kỷ niệm, và họ sống theo chiều ngược lại. Da của họ ngày một mịn màng hơn, mỗi ngày lại nảy sinh trong họ trí tò mò hơn, tóc ngày một ít bạc hơn, mắt ngày càng sáng hơn và tim ngày một khỏe hơn và cởi mở hơn để đón nhận những cú sốc mới cũng như tình yêu mới. Và cuối cùng, ở đầu tận cùng bên kia, tức là sự khởi đầu, họ biến mất khỏi thế giới này không buồn, không đau, không thất vọng, nhưng lại trong trạng thái ngây ngất của sự thụ thai. Nghĩa là trong tình yêu.
Những chuyện tưởng tượng ấy, Jakob của tôi đã kể cho tôi nghe những khi tôi không ngủ được.
Tôi có thể nói với Jakob về tất cả. Chúng tôi cùng trò chuyện với nhau về mọi thứ. Có lần tôi ở trong một tâm trạng như thế nào đấy và chúng tôi đã nói chuyện về bố mẹ tôi. Đó là cái buổi tối khi mẹ bảo là tôi sẽ có em cùng mẹ khác bố. Tôi đã nói với anh rằng tôi không thể tưởng tượng nổi là mẹ tôi lại có lúc phát điên lên vì yêu người đàn ông đã là bố tôi. Rằng thậm chí bà có thể yêu ông ngay trên thảm. Và cũng có thể ở ngoài bãi cỏ. Và rằng bà đã thề thốt với ông là bà sẽ ở bên ông mãi mãi. Và rằng họ sẽ luôn luôn cùng đi dạo, tay trong tay. Và rằng sau đấy, sau tất cả những cái đó, ông có thể quát tháo bà như vậy, khi bà ngồi rúm ró trên cái ghế gỗ nhỏ cạnh tủ lạnh trong bếp.
Và đêm ấy Jakob bảo tôi rằng vì ông ta bị què.
Jakob là một nhà vật lý thiên văn. Anh biết rất rõ các vì sao được sinh ra như thế nào, chúng nở ra và nổ tung như thế nào, chúng biến thành các sao siêu mới hoặc trở thành các pulsar ra sao. Anh còn biết cả chúng chết đi, co lại thành các lỗ đen khủng khiếp và nguy hiểm đối với các dải thiên hà ra sao. Jakob biết hết về những điều đó. Anh có thể nhắm mắt mà vẫn kể được tên các tinh vân, tên và mã số các ngôi sao quan trọng và khoảng cách tính bằng năm ánh sáng đến những ngôi sao đẹp nhất hoặc quan trọng nhất. Và anh kể về điều đó hay đến nỗi khiến tôi như bị ngạt thở. Và nếu như anh có mất tự chủ, thì có nghĩa là với những câu chuyện ấy, anh phấn khích đến mức không biết rằng mình đang nói bằng cái thổ ngữ rất buồn cười của mình. Sao siêu mới và pulsar bằng thổ ngữ của vùng Saksonia hạ!
Jakob nghiên cứu những vì sao của anh trong trường đại học ở Rostock. Anh đến đài quan sát trên dốc cạnh Baltic và ngày đêm quan sát bầu trời qua kính thiên văn và kính viễn vọng vô tuyến, sau đó anh viết các bài báo và làm luận văn tiến sĩ về thiên văn. Anh không thể chấp nhận việc mình không thể đến Arecibo để xem chiếc kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới ấy, đến dự các hội nghị ở Mỹ, thậm chí chỉ ở Pháp. Anh cũng không thể chấp nhận cả việc ở viện của anh không có máy sao chụp và rằng trong các buổi seminar vào thứ năm hàng tuần, họ chỉ nói về FDJ(2) và về hệ tư tưởng, thay vì nói về thiên văn học. Do đó anh đã đồng ý để đám bạn cùng hội Tin lành lắp đặt một trạm phát nhỏ trong hệ thống điện tử của đài quan sát và thỉnh thoảng gây nhiễu ở mức độ rất yếu cho những chương trình địa phương về “NRD tự do”.
Một kiểu phản đối trẻ con buồn cười, vớ vẩn, và chẳng hại gì đến ai như vậy đấy. Không một ai có thể nghĩ rằng lại có trạm phát trong đài quan sát. Vì rằng họ phát đi những tín hiệu mạnh đến nỗi những người giám sát sóng của STASI không bao giờ tách những tín hiệu của họ ra khỏi tín hiệu nghiên cứu.
Song, chúng đã tách. Chính xác là ngày hai mốt tháng Mười một. Trong ngày Lễ Tạ Ơn, một trong những lễ quan trọng nhất của đạo Tin lành. Chúng vào đài quan sát ngay sau mười chín giờ. Chúng đánh bác bảo vệ đã bảy mươi tuổi, trói tất cả bằng còng tay, dỡ bình cứu hỏa xuống và phá hủy tất cả những gì có trên màn hình. Monitơ thì bị đập bằng cái bình cứu hỏa màu đỏ, hết cái này đến cái khác nổ tung. Chúng lôi băng từ ghi các số đo từ các bộ đọc ra, chúng kéo những băng ghi dữ liệu giống như kéo những dải giấy trang trí giao thừa. Luận văn tiến sĩ, chương trình, những bản tham luận, những bài báo, những năm tháng lao động và toàn bộ tương lai của bao nhiêu người bị chúng kéo từ những máy đọc ra như kéo những băng giấy màu rồi xé vụn.
Sau đó chúng đưa tất cả những người bị xích bằng còng tay xuống phòng giam dưới tầng hầm cạnh tháp trung tâm Rostock. Bác bảo vệ thì chúng thả sau bốn mươi tám giờ, khi bác đã kiệt sức và đằng nào cũng phải đưa bác đi bệnh viện. Ba ngày sau chúng mới thả giám đốc đài quan sát, một người bị bệnh tiểu đường vì đã hết insulin. Những người còn lại bị chúng giam hai tuần. Không có lệnh bắt giữ, không được phép liên hệ với luật sư, không được gọi điện cho vợ hoặc mẹ. Tròn hai tuần.
Lấy khẩu cung Jakob là ông trưởng phòng. Say xỉn từ sáng, nhưng lại rởm đời hết chỗ nói. Ông ta coi công việc của mình cũng như mọi người khác. Chỉ có điều “mọi người” ở đây là ông kế toán hay thợ đào(3) than. Còn ông ta thì đá(4) tù nhân. Đầu tiên là quát. Ông ta nhảy từ trên ghế xuống tấm thảm trải nền bằng nhựa xám bẩn thỉu, đầy những vết cháy vì đầu mẩu thuốc lá cháy dở và đá. Vào vùng thận. Vào lưng và vào đầu. Cả vào hông nữa. Tháng Mười một ấy rất lạnh. Ngày hôm ấy ông trưởng phòng đi đôi giày đông nặng trịch và Jakob đã nhận những cú đá vào khớp hông và vùng thận. Họ đã cầm được máu chảy bên trong, nhưng với khớp hông thì không thể cứu vãn, sau đó các bác sĩ phẫu thuật đã nói như vậy. Do đó mà anh bị đi cà nhắc và rất đau, như người ta nói, “mọi đốt xương”, mỗi khi trở trời. Sau hai tuần thì mọi người được thả. Nhưng bị thu tất cả giấy ra vào, bị đuổi việc và được lệnh về nhà, còn sau đó thì “tốt nhất là hưởng chế độ trợ cấp”.
Ông trưởng phòng từ ngày đầu cho tới khi bức tường sụp đổ đó là cha tôi. Chính ông vào cái ngày hai mốt tháng Mười một năm ấy đã đá Jakob, đã đẩy anh vĩnh viễn rời xa những kính thiên văn vô tuyến và những ngôi sao, đã hủy hoại không thể khắc phục khớp xương hông và tiểu sử của anh, sau đó về nhà trong trạng thái say khướt và quát tháo mẹ tôi trong bếp.
Và khi đó, thất nghiệp và bị “đánh dấu”, Jakob đã bắt đầu làm thuê cho quỹ dành cho người bệnh và các trại phúc lợi xã hội ở Rostock để chăm sóc những bệnh nhân nằm liệt giường. Chỉ có ở đấy là muốn nhận anh vào làm mà cũng phải có bảo lãnh đặc biệt. Một nhà thiên văn học với luận án tiến sĩ dở dang như vậy đi đổ bô. Và anh đã gặp tôi theo cách đó. Mười sáu năm trước đây. Và đã mười sáu năm nay chúng tôi cùng nhau đêm này qua đêm khác.
Liệu tôi có phải biết ơn cha tôi, ông trưởng phòng, vì điều đó?
- Jakob à, em có cần phải cám ơn cha em vì em có anh? Hãy nói cho em biết đi – tôi hỏi anh khi anh kể xong câu chuyện của mình. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Anh quay đầu lại, vờ như đang nhìn vào một cái kính hiển vi nào đó, và trả lời hoàn toàn lạc đề:
- Bởi vì chúng ta, Matylda ạ, chúng ta được tạo ra để phục sinh. Như cô ấy. Kể cả bị xe tải đi qua, chúng ta vẫn cứ lớn lên.
Vì Jakob đôi khi vẫn nói chệch đề. Anh nói chệch đề mới hay làm sao. Giống như vào một tối nào đó, khi chúng tôi trở lại đề tài Dachau, anh bỗng nhiên nắm chặt tay và rít qua kẽ răng:
- Em biết anh đang mơ ước điều gì không? Em có biết về cái gì không hả Matylda? Anh ước gì có ngày người ta nhân bản Hitler rồi dẫn hắn ra tòa. Một thằng ở Jerusalem, một thằng ở Vacsava và một thằng ở Dachau. Và anh sẽ có mặt trong phiên tòa ở Dachau.
Đêm đêm Jakob cứ kể cho tôi nghe những câu chuyện như thế. Bởi chúng tôi trò chuyện với nhau về mọi thứ. Chỉ riêng về chuyện có kinh của tôi là không. Nhưng từ cái lần ấy, Jakob không nắm tay tôi khi tôi ngủ nữa. Vì Jakob không phải là người yêu của tôi.
Về chuyện Jakob gặp gỡ với cha cô thì mãi mấy năm sau đó cô mới biết. Chuyện xảy ra vào đêm bức tường bị đổ và tất cả mọi người sửn sốt chạy sang phía Tây, cho dù chỉ để chắc chắn rằng chẳng có ai bắn họ. Một nửa giờ tham dự vào lịch sử châu Âu và thế giới và sau đó quay về nhà cho chắc. Đổi mác Đông Đức sang DM, mua một ít chuối, vẫy tay với cái camera của một đài truyền hình nào đó rồi nhanh chóng về nhà ở phía Đông. Bởi phía Tây, ngay cả hiện nay vẫn cứ thực sự là một đất nước khác và chỉ ở phía Đông người ta mới thực sự cảm thấy như ở nhà.
Cha cô biết rằng chưa thể kết thúc ở nửa giờ tự do và những quả chuối đó. Nên ông sợ. Ông sợ lắm. Từ lúc nhìn thấy những chiếc xe traban chạy qua Check Point Charly và cổng Brandenbur thì cái điện thoại di động nào cũng làm ông sợ. Đêm ấy ông đã uống say – không phải vì nghiện, mà vì sợ – và không hiểu vị khán giả say khướt ấy, do thói quen cũ hay do nỗi nhớ cũ, lại quay về “gầm chạn” với vợ. Điều đó không quan trọng, vì từ bao năm nay đó chẳng phải là chạn của ông, chẳng phải vợ của ông. Ông bấm chuông. Jakob, người đến trước đó với những chiếc máy hiện sóng và những đầu cảm biến của cô, ra mở cửa. Với khớp xương hông bị đá, anh khập khiễng đi ra và mở cửa. Và nói: “Xin mời vào”. Và tay trưởng phòng đê tiện đó bước vào và như thường lệ không nói một lời, đi xuống bếp. Và hắn ngồi trên cái ghế gỗ xiêu vẹo cạnh tủ lạnh ấy và khóc. Và khi đó Jakob hỏi hắn có uống trà không “vì ngoài trời lạnh thế”, rồi đặt nước.
Tôi tên là Matylda.
Tôi bị bệnh nhẹ.
Jakob bảo là tôi không nên nói thế. Anh cho rằng tôi chỉ “tạm thời bị khó thở” và rằng rồi sẽ qua thôi.
Tôi đã bị như vậy từ mười sáu năm nay, nhưng Jakob bảo là rồi sẽ qua. Anh vẫn nói thế từ mười sáu năm nay. Thậm chí anh còn tin vào điều đó. Bởi bao giờ anh cũng chỉ nói những gì mình tin tưởng.
Khi không ngủ, tôi cũng thở như Jakob. Khi thiếp đi, cơ thể tôi liền “quên” thở. Đó có lẽ là do di truyền, nếu nói theo định nghĩa của Jakob.
Tôi không thể ngủ mà không có thiết bị kích thở cho phổi.
Do đó mà họ đã khéo léo mổ bụng tôi, luồn vào đó một bộ khởi động điện tử. Không lớn lắm. Có thể cảm nhận được nó khi chạm tay vào bụng tôi. Nó gửi các xung điện đến thần kinh trong cơ hoành của tôi. Do đó mà nó nâng lên hạ xuống cả khi tôi ngủ. Nếu bạn không có Undine, thì bạn chẳng cần đến bộ khởi động. Tôi không may mắn lắm về bộ gien nên tôi cần bộ khởi động.
Bộ khởi động cần phải được kiểm soát liên tục. Và điều khiển nó bằng xung.
Và phải kiểm tra hoạt động của nó. Cho nên tôi có đủ các loại cảm biến trên người. Ở các ngón tay, quanh cổ tay, dưới ngực, chỗ cơ hoành và ở bụng dưới. Jakob còn lo để các đầu cảm biến này không bị xỉn màu. Anh mua sơn móng tay đủ các màu và sơn các đầu cảm biến của tôi, để chúng hợp với quần áo hoặc bộ đồ ngủ của tôi. Những đầu cảm biến của tôi nhiều màu sắc. Thỉnh thoảng, khi chúng lạnh quá, anh ủ chúng trong lòng bàn tay mình hoặc hà hơi cho chúng ấm lên rồi mới mang sang giường tôi. Và anh nhắm mắt lại, khi tôi kéo cao nịt vú hoặc quần lót để đặt cảm biến phía dưới tim hoặc phần bụng dưới. Sau đó anh lại lo sao cho những bộ cảm biến màu xanh lá cây, đen, đỏ hay ôliu ấy truyền xung động.
Tôi không thể ngủ trên tàu hỏa, không thể ngủ cạnh tivi. Tôi không thể ngủ trong vòng tay của bất cứ ai. Tôi không thể ngủ nếu thiếu Jakob. Tôi cũng không thể ngủ với người đàn ông của mình nếu Jakob không có mặt ở phòng bên, cạnh các monitơ. Bởi anh theo dõi những thiết bị ấy. Mười sáu năm rồi. Hàng đêm.
Có một nữ thần nào đó đã tung ra lời nguyền đối với người yêu không chung thủy của mình. Nữ thần không chịu nổi sự phản bội của chàng. Chàng sẽ không còn nhận thấy gì nữa và đơn giản là sẽ ngừng thở trong giấc ngủ. Và chàng đã ngừng thở. Và chàng đã chết. Và nữ thần đã khóc và sẽ khóc cho đến ngày tận thế.
Nữ thần đó tên là Undine.
Bệnh của tôi tên là hội chứng lời nguyền Undine.
Ở Đức, mỗi năm trung bình có năm người bị mắc bệnh này. Tôi bị bệnh năm lên tám tuổi, vào cái ngày mà tôi nép vào người mẹ và gần như đã chết trong giấc ngủ.
Jakob, khi thỉnh thoảng chúng tôi thắp nến và nghe nhạc và Jakob bị xúc động, thì anh đùa và nói rằng với anh tôi như một công chúa. Tôi cũng biết điều ấy. Tôi giống như là nàng công chúa bị nhốt trong chiếc quan tài thủy tinh. Cho đến khi chàng hoàng tử của tôi đến, nhấc nắp lên và đánh thức tôi bằng một nụ hôn. Và ở lại qua đêm. Nhưng thậm chí cả khi đó Jakob vẫn sẽ ngồi ở phòng bên để theo dõi monitơ.
Jakob của tôi.