Chương V

Hải vào  Sài gòn, em ở lại Huế buồn tênh. Từ hôm Hải sang tìm em, mệ Ngoại cứ để ý đến em luôn. Buổi chiều em ra vườn học bài, mệ cũng đi theo, luẩn quẩn cạnh em rồi lại lóng ngóng sang vườn nhà bác Thuấn. May mà Hải đã đi rồi, nếu không em  cũng mệt với mệ. Nếu không, chắc thế nào Hải cũng sang vườn tìm em. Hải đã nói với em, mà em cũng thấy như vậy, một ngày vắng nhau là cả hai đứa buồn thiu. Mệ chỉ thăm dò em bằng cử chỉ dòm ngó, chứ mệ chưa nói gì với em. chắc là mệ đang lựa lời để nói, hoặc có thể là mệ chưa có dịp giảng luân lý cho em nghe.
Sáng nay, cô Tịnh Hương bàn đến việc hoàn thành tờ báo Tết cho lớp. Cô hối thúc học sinh sáng tác thơ và văn nhanh lên rồi đưa cho Như Mai, cô bé là trưởng ban báo chí của lớp em đó. Cô hỏi Như Mai:
Như Mai, việc ni cô đã dặn trước, rứa có ai nộp bài cho em chưa?
Dạ thưa cô, mới có mấy bài thơ thôi.
Cô Tịnh Hương có vẻ không bằng lòng:
Em phải cổ động làm răng cho các bạn nộp bài đi chớ.
Như Mai đề nghị:
Thưa cô! Theo ý em, cô nên bắt buộc các trò nộp bài hơn là kêu gọi thiện chí, chẳng hạn như nếu ai không có bài, cô cho zéro.
Cả lớp nhao nhao:
Không chịu mô, Như Mai làm tàng qúa.
Ngọc Minh nguýt dài:
Lỡ người ta không có khiếu văn chương thì răng.
Hồng Hạnh nói to với Minh Tâm ngồi bên cạnh:
Con Như Mai ỷ nó viết văn làm thơ hay nên nó mới đề nghị độc đoán rứa, dễ ghét.
Cô Tịnh Hương đập bàn:
Các em yên lặng. Như Mai nói có lý chứ không phải sai. Các em phải hăng hái hưởng ứng viết bài, thì tờ báo của lớp mình mới thu gặt được kết quả tốt đẹp chớ. Tôi nghe theo lời đề nghị của Như Mai, gia hạn từ nay đến hết tuần tới, em nào không có bài sẽ bị trừ điểm.
Ngọc Minh đưa tay lên phản đối:
Thưa cô, lỡ tụi em không có khiếu thi văn thì răng, cô xử như rứa oan quá.
Cô Tịnh Hươnb nghiêm nghị:
Nếu viết văn làm thơ không được, thì các em giở sách báo ra tìm những bài sưu tầm, chuyện vui cười hoặc tranh dí dỏm, không có việc chi khó cả, chỉ tại các em không  có thiện chí mà thôi.
Chuông reo ra chơi, em bảo Như Mai:
Mi ác ghê, mi xúi cô mà ác rứa, vài bửa cô trừ điểm chắc tao thù mi lắm.
Như Mai nói:
Thì mi gắng sức sáng tác đi.
Em chu môi:
Tao ăn chớ sáng tác.
Rồi  em nhìn Mai:
Mai ơi, thôi mi làm dùm tao một bài thơ nghe Mai, tội nghiệp tao mà.
Như Mai nheo mắt:
Mi làm bộ, tao biết chừ mi làm thơ còn hay hơn tao nữa.
Em véo vai Như Mai:
Thôi mi đi, đừng có chọc tao, tao cù lần bắt chết mà thơ với văn chi.
Như Mai nói nhỏ vào tai em:
Thôi cô nương ơi, đừng có giấu tôi nữa, tui khai ra chừ, tui mà khai ra là cô dị lắm.
Em ngạc nhiên nhìn Mai:
Khai chi? Tao dốt văn chương lắm mi chưa biết răng.
Như Mai cười ý nhị:
Nhưng mà… một khi đã yêu rồi… thì ai cũng trở thành thi sĩ cả.
Em hơi giật mình, nhưng nói cứng:
Mi thiệt a. Úp úp mở mở có trời mà hiểu.
Như Mai kéo em ngồi xuống bậc thềm:
Thiệt có trời hiểu không? Thiệt mi không hiểu không? Không hiểu tao kể cho mà nghe.
Thử để cho như Mai nói, xem nó biết những gì, xung quanh đây có ai lén nghe đâu mà sợ. Em làm mặt tỉnh bơ.
Kể đi, kể thử tao nghe đi.
Như Mai ghé môi vào tai em nói lớn:
Ngày xưa hỉ, có hai người nớ hỉ, hẹn nhau ở Hồ Tịnh Tâm hỉ, rồi chở nhau về nhà hỉ…
Em hoảng hồn bịt miệng Như Mai:
Thôi mi ơi, tốp cái miệng lại…
Như Mai vênh mặt:
Mi đã hiểu chưa?
Em cười cầu hòa:
Răng mi biết tài rứa Như Mai?
Như Mai không đáp,nó ôm lấy vai em lay lay:
Chà, Bảo Khuyên của tui bữa ni tiến bộ quá ta. Bảo Khuyên của tui bửa ni bay bướm ngoài sức tưởng tượng của tui rồi đó.
Em thẹn quá, ấp úng:
Mô có, tao mô có hẹn hò, tao đi hốt hụi cho mệ Ngoại, giữa đường tao gặp Hải mà, chớ có hẹn hò chi mô.
Như Mai vẫn cười:
Chà không hẹn, không hẹn mà dẫn nhau lên cầu Tịnh Tâm ngắm sen…
Biết bàu chữa Như Mai cũng không tin nên em nói lảng sang chuyện khác:
Nghe Mai, mi làm giùm tao một bài thơ hỉ.
Như Mai gật đầu:
Ừ, nhưng mi cũng phải gắng sáng tác cho quen nghe, nếu bí quá thì tao sẽ “cứu bồ” dùm cho. Nì tao bày cho, mi ra ngoài vườn nghe, nhìn sang nhà chị Lộc rồi nhắm mắt lại úm ba la Hai ơi, Hải ơ hú ba hồn bảy vìa… là mi làm thơ được liền.
Em đấm thùm thụp vào vai Như Mai giữa tiếng chuông reo vào lớp rộn rã, đám học sinh xếp hàng nói cười xôn xao.
Em đang ngồi ăn cơm trưa với mệ Ngoại thì chị Lộc tìm sang, trên tay cầm cuốn truyện “đỉnh gió Hú”. Chị gật đầu chào mệ lễ phép:
Dạ bẩm bà.
Mệ Ngoại gật đầu hờ hững. Em cười với chị:
Chị Lộc qua chơi với em đó hả, chị ngồi chơi chờ em một chút nghe.
Chị Lộc nói nhanh:
Chị sang trả cho em cuốn truyện, chị về chừ, bên chị cũng chưa ăn cơm nơi.
Em ngạc nhiên nhưng cố trấn tỉnh lại được, chị Lộc đưa cho em cuốn truyện chắc có ẩn ý gì đây. Bởi vì… em đâu có cho chị mượn truyện… bởi vì… em cũng chưa đọc truyện đó nơi, dù đã có lần em được nghe Như Mai khen hay và hỏi em có mượn không.
Trước mặt mệ Ngoại, em thản nhiên đưa tay đón lấy cuốn truyện chị Lộc vừa trao:
Cám ơn chị hỉ, chị uống nước đã rồi về.
Thôi chị về kẻo mạ chị chờ cơm.
Chị Lộc gật đầu chào mệ Ngoại, mệ Ngoại cũng gật đầu chào lại như khi chị đi rồi mệ lườm theo:
Ngó cái tướng dễ gai.
Em đến bàn lấy tăm xỉa răng:
Mệ răng à. Chị Lộc dễ thương rứa mà mệ chê hoài.
Mệ Ngoại bỏ đũa đứng lên:
Mi khi mô cũng bênh nó. Phải mà nó làm chim xanh cho mi, nó làm ông tơ bà nguyệt cho mi mà.
Mệ lại chướng, nhìn mặt một người con gái sắp bước chân lên xe hoa là mệ bứt rứt khó chịu.
Em không dám đứng lại lâu, ôm quyển truyện bước vào phòng. Đúng như em dự đoán, phong thư của Hải, phong thư màu xanh gói ghém bao ân tình rơi ra ngay khi em giở qua trang đầu. Hải ơi, Hải ơi, em ôm lá thư vào lòng thoang thoảng men yêu dấu tràn khắp không gian.
Sài Gòn ngày…
Con chim Vành Khuyên yêu dấu của anh.
 
Bây giờ là 11 giờ rưỡi đêm, anh vào đến đây hồi bốn giờ chiều mệt ngất ngư Khuyên ạ. Thấy anh vào, cả nhà xúm lại hỏi thăm, nói là cả nhà cho oai vậy chứ anh chỉ còn me và một đưa em gái thôi, nó hơn Khuyên một tuổi, hiện học đệ Nhị C Gia Long đó Khuyên (Khuyên đừng ngại, Khuyên nhỏ hơn nó nhưng Khuyên vẫn có quyền đánh nó vì Khuyên sắp là chị của nó mà) Khuyên ơi, me và Loan (cô em gái anh) hỏi anh sao nghỉ hè ở Huế lâu vậy, có chi vui không, có chi lạ không, anh chỉ cười không nói. Anh định chỉ nói riêng với me chuyện của chúng mình htôi, nhất định không cho con Loan biết, tính nó bép xép ranh mãnh chứ không dịu dàng dễ thương như Bảo Khuyên đâu.
Khuyên ơi, anh đã nói với me ngay sau bữa cơm chiều, khi con Loan vào phòng học bài và me dắt ghế ra ngồi hóng mát trươc hiên. Me hỏi thăm Khuyên nhiều lắm. Me hỏi Khuyên có đẹp không, có dễ thương, có nết na hiền hậu không? Có đàm thắm dịệu dàng không? Anh chỉ biết gật đầu, gật đầu và… gật đầu, bởi những đức tính me nêu ra Khuyên đều có cả. Hình như bao nhiêu cái đẹp của người con gái, tạo hoá đã tập trung nơi Khuyên, chẳng hiểu anh nghĩ như vậy có chủ quan không, tuy nhiên đối với anh cái gì ở Khuyên cũng… toàn mỹ. Khuyên là giòng suối dịu hiền, là bóng cau xanh rợp mát hồn anh.
Khuyên ơi, me chịu rồi, me bảo anh nghe anh ca một hồi me muốn bay ra Huế ngay để xem mặt cô con dâu tương lai của me quá. Khuyên vui chưa, anh đã nói rồi mà, Khuyên dễ thương, Khuyên hiền hậu như vậy ai mà không thương. Nhưng mà này, anh dặn Khuyên nghe, có ai thương Khuyên thì mặc kệ, Khuyên phải chỉ thương một mình… anh thôi đó, không thôi anh… khóc cho mà xem.
Thôi cho anh dừng bút nơi đây, anh phải nghỉ sớm để lấy sức, cả ngày nay ngồi trên máy bay mệt quá.
 
Thương yêu, Hồ Hải.
T.B: Khuyên ơi, vậy là Tết nay chắc chắn me về Huế thăm mệ đó, nhớ lựa lời thưa qua với Mệ trứơc và nhất là nhớ viết thư cho anh liền nghe.
 
Em để lá thư trên ngực, thiếp đi trong sung sướng, trong lòng phân vân, vừa mừng vừa lo, làm sao mà nói với mệ đây. cứ tưởng tượng đến vẻ hung hãng của mệ khi nhắc đến chuyện cưới xin là em ơn luôn. Nhưng thế nào cũng phải thưa chuyện trước với mệ, chứ sắp Tết đến nơi rồi, nếu để Hải đưa me của anh thình lình sang, mệ nổi chướng, mệ nói nhiều câu mất lòng có phải là tình hai đứa em sẽ vỡ tan không. Trời ơi, chỉ nghĩ đến sự đổ vỡ đó là em muốn chết đi cho xong.
Em ngủ không được, trăn qua trở lại, ngồi dậy rồi nằm xuống. Làm sao bây giờ, nên thưa với mệ Ngoại câu nào trước, câu nào sau? Khổ em ghê, sao em lại hoàn toàn mù tịt về vấn đề này, biết hỏi ai bây giờ? Chị Lộc chăng? Thôi, chị cười em chết, hy là Như Mai, ừ đúng? Như Mai tuy nhỏ hơn chị Lộc nhiều nhưng nó khôn ngoan lắm, đã bao lần Mai làm “quân sư” cho em bất cứ vấn đề gì, hơn nữa, nó đã biết mối tình giữa em và Hải, em khỏi sợ nó chọc thêm một lần nữa.
Nghĩ là làm, em dậy mặc quần áo đạp xe đến nhà Như Mai. Em không quên mang theo lá thư Hải, phải cho Như Mai đọc thư của Hải, phải thố lộ “tâm sự” với nó thật nhiều, nó mới sẳn sàng giúp mình. Tính Như Mai là vậy, nó không thích những người ưa giấu quanh đâu.
Như Mai đang xắt chuối cho heo ăn sau vườn, thấy em vào, nó mừng rỡ:
Qua tao sớm rứa mi? Chà bữa ni  làm chi mà mặt mày tươi rói rứa?
Em ngồi xuống bên nó:
Tao muốn cho mi coi cái ni, rồi hỏi mi một chuyện luôn:
Chuyện nhờ tao làm thơ hả?
Em lắc đầu:
Không. Quan trọng hơn nhiều.
Như Mai hốt mớ chuối vừa xắt bỏ vào chiếc rổ tre dẹp qua một bên.
Vô nhà đi, rồi hai đứa nói chuyện.
Em bảo:
Mi cứ làm việc đi, tao còn ở chơi lâu mà.
Như Mai đứng lên:
Tao xong rồi. Mi chờ tao rửa tay một chút hỉ.
Hai đứa cùng bước vào nhà, em hỏi:
Cả nhà đi mô vắng hết rứa?
Mấy đứa nhỏ đi học, mạ tao đi bán, ba tao đi làm.
Mi ở nhà một mình thôi à?
Chớ còn mấy mình nữa.
Như Mai lôi em ngả xuống giường:
Nằm một chút cho khoẻ mi. Tao mỏi lưng vô hậu. Mô, mi cho tao coi cái chi mô?
Em hơi thẹn, rồi ngập ngừng lôi trong tập vở lá thư Hải.
Cho mi  coi thư Hồ Hải đó.
Như Mai chớp lấy:
Chà, mùi quá ta. Ủa anh chàng vô lại Sài Gòn khi mô rứa?
Bữa thứ bảy a.
Như Mai vừa mở phong bì vừa nói:
Mới thứ bảy mà chừ đã có thư, ngó bộ anh chàng si mi nặng hỉ.
Em nói nhỏ:
Si chi mà si, hai đứa thương nhau thiệt mà.
Như Mai đọc xong lá thư, nó hỏi em:
Chừ mi ưa hỏi chi tao?
Em ôm ngang lưng Nhu Mai:
Tao muốn mi bày cho tao lời lẽ để thưa chuyện với mệ tao, mệ tao khó lắm Mai ơi.
Như Mai trợn mắt:
Khó thì cũng có cái chớ, đây người ta muốn cưới hỏi mi đàng hoàng mà, mệ khó răng được.
Em tâm sự:
Mệ tao không ưa tao lấy chồng mô.
Như Mai ngồi nhổm dậy:
Chi lạ rứa, bộ để mi mà làm mắm à, bộ chờ mi già đóng thùng gửi qua Ấn Độ à?
Tao nói thiệt mà, không phải giỡn mô. Mi ngó dì Bảo Châu của tao tề, mệ ngăn cấm đến nỗi dì phải bỏ Huế mà đi.
Như Mai rùn vai:
Thiệt tao chưa thấy ai như mệ Ngoại mi.
Em nắm lây tay Mai:
Mi giúp tao với Mai.
Ừ để tao nghĩ đã.
Một lát sau, Như Mai có vẻ nản, nó bảo em:
Không còn cách chi hơn là nên nói thật với mệ mi.
Em dẫy nẩy:
Không được mô, mệ tao chửi chết.
Như Mi nói lớn:
Chửi chi mà chửi, Hồ hải đàng hoàng xứng với mi bắt chết mà chủi chi.
Em lắc đầu:
Mi chưa hiểu chi hết a. ệ tao đâu có kén chọn chi, mệ tao nhất định không cho tao lấy chồng mà thôi.
Như Mai nhìn thẳng vào mặt em:
Bảo Khuyên, mi yêu Hồ Hải thật chớ?
Em gật đầu, đôi mắt nhìn nó van lơn. Như Mai vuốt má em bằng cửa chỉ của một người  chị.
Thôi được, để tao lựa lời htưa chuyện với mệ dùm mi.
Em dục:
Mà mau nghe, Hồ Hải đang chờ thư tao đó.
Ừ tối tao qua.
Như Mai ngồi nói chuyện với mệ Ngoại thật lâu, em nằm dí trong phòng hồi hộp chờ kết quả. Gần mười giờ tôi, em mới nghe tiếng xe Như Mai đạp qua cửa sổ phòng em:
Tao về nghe Khuyên.
Em chưa kịp ừ, thì đã nghe mệ kêu:
Bảo Khuyên ơi.
Em rón rén đi ra, mệ chỉ vào phản:
Ngồi xuống đó đi, rồi mệ nói chuyện cho cháu nghe. Chờ mệ chút.
Mệ đi ra sau nhổ bã trầu, em ngồi một mình trên phản, tay mân mê những ngọn lát chiếu, hồi hộp ghê. Không biết Như Mai đã nói gì với mệ, có thành công không mà xem mệ có vẻ quan trọng quá. Mệ đi vào ngồi xuống cạnh em ánh mắt hiền lành chứ không dử dằn như em đã tưởng tượng.
Khuyên nì.
Dạ.
Cháu còn nhỏ lắm. Nhưng thôi, mệ sẽ kể cho cháu nghe để cháu khỏi thắc mắc, để cháu thấy rõ cái tâm địa tàn nhẫn vô nghĩa của đàn ông con trai, để cháu hiểu tại răng mệ không muốn Châu lấy chồng, mệ không muốn cháu quen với bạn trai và mệ ghét cay ghét đắng những ai nói đến chuyện đám cưới.
Mệ nói như say sửa, mệ đang chìm hồn vào quá khứ.
Mệ lấy chồng từ năm mười sáu tuổi, ông ngoại cháu ngày xưa là quan lớn tại triều nên những ngày đầu tiên làm vợ về phương diện vật chất, mệ đầy đủ vô cùng. Hồi đó, có biết bao nhiêu người con gái thèm muốn địa vị của mệ. Nhưng chỉ mấy năm đầu thôi cháu, ông ngoại cháu đã bắt đầu chán mệ và cưới thêm hầu thiếp. Hồi đó không như chừ, đàn ông có thể lấy nhiều vợ, hơn nữa, ông ngoại cháu là quan lớn, nên cả chục người muốn đem con gái mình dâng lên để xin bổng lộc. Mệ khổ từ đó, mệ căm thù ông ngoại từ đó và cũng từ đó mệ sống âm thầm như một cái bóng giữa nhà rộng lầu cao, giữa tiền muôn bạc vạn. Ông ngoại không còn ngó ngàng chi đến mệ dù khi đó mẹ cháu đã ra đời. Ông ngoại cưới một lúc mười nàng hầu, xây cả mười căn nhà rộng cho những người con gái đó ở mà không thèm hỏi qua mệ một tiếng dù mệ là vợ chính thức của ông. Rồi dần dần ông ngoại cháu càng rượu chè trụy lạc, bao nhiêu tiền bạc dần vơi đi như núi lở sông mòn. Do đó, đường thăng quan tiến chức của ông cũng bị nghẽn lối, cấp trên dần dần mất lòng tin tưởng ông ngoại cháu và cuối cùng, ông bị cách chức. Gia tài chỉ còn lại ngôi nhà và mảnh vườn ni. Mệ đem… ông ngoại cháu về đây cùng nhau nương tựa sinh sống làm ăn, khi đó mệ đã sinh thêm dì Bảo Châu. Nhưng ông ngoại cháu ngựa quen đường cũ, không chịu nổi nếp sống an phận mà mệ đã hết lòng buôn tảo bán tần đem đến cho ông. Ông đâm ra cờ bạc, rượu chè nghiện ngập và mỗi lần mệ khuyên lơn, là ông hành hạ đánh đập mệ tàn nhẫn. Rồi chỉ vài năm sau thôi, ông ngoại cháu viện cớ rằng, mệ không có con trai, ông đã bỏ nhà ra đi theo một người đàn bà trẻ đẹp hơn mệ nhiều… và ông đi biệt luôn mặc cho vợ con côi cút bơ vơ. Mệ buồn nhiều nhưng rồi cũng nguôi đi. Năm me cháu được mười tám tuổi, cũng đẹp đẻ dễ thương như cháu bây chừ, me cháu yêu một người họa sĩ và mệ, tuy dạo đó, mệ có ghét đàn ông thật, nhưng thấy hai người thương nhau quá mệ chia rẽ không đành. Rồi mệ đứng ra làm đám cưới cho hai người, ba cháu ngày đó mồ côi cha mẹ nên mệ bao bọc tất cả, kể cả những lễ nghi cần thiết nhà trai phải có, mệ đều cho thông qua. Mệ thương con rể, nhưng dần dà, mệ thấy rõ tâm địa của ba cháu. Ba cháu còn tệ hơn ông ngoại cháu nữa, nó chỉ lợi dụng mẹ cháu, chứ chẳng có yêu thương chi cả. Nó lấy mẹ cháu với ý định đào mỏ vì nó thấy mệ giàu, lợi tức ngôi vườn này đủ sức bao bọc nó trọn đời, cho nên sau vài tháng đóng kịch thương yêu giả dối, ba cháu đã để rơi cái mặt nạ của nó ra, nó đi nhảy nhót, cờ bạc suốt ngày. Ban đầu, sợ mệ biết mệ buồn, mẹ cháu còn lén lút đưa tiền, nhưng sau thấy ba cháu tiêu tiền phung phí qua, me cháu ngăn cản và từ đó cuộc sống địa ngục của mẹ cháu bắt đầu. Ba cháu túng tiền liền giở thói vũ phu, đánh đập mẹ cháu tàn nhẫn. Không ai ở đó mà can hoài, mệ bận buôn bán, dì Châu thì còn nhỏ qua, đôi lúc dì còn bị ba cháu đánh lây nữa. Mệ nói không được, mệ chỉ biết âm thầm khóc khi thấy những vết bầm hằn trên da thịt của đứa con gái thân yêu.
Đến khi me cháu mang thai, ba cháu đã bỏ nhà ra đi sau một trận gây gổ lớn, chung qui cũng chỉ là vụ khảo tiền đánh bạc. Mệ nghe nói, ba cháu đã theo môt vũ nữ, tuy không đẹp bằng me cháu, nhưng cô ta lắm tiền lắm bạc và sẳn sàng đưa cho ba cháu rất nhiều tiền để nướng vào những sòng bài to lớn, những trận vui suốt sáng nụ cười thâu đêm.
Tội nghiệp me cháu, me cháu yêu ba cháu thật tình nên sau ngày ba cháu ra đi, me cháu gầy guộc hẳn. Mệ khuyên mãi, dỗ hoài me cháu mới gượng vui để sống chờ ngày cháu ra đời. Nhưng vi trùng tâm bệnh đã đục khoét lần mòn thân xác me cháu cho đến năm cháu lên bốn thì me cháuđã mòn hơi kiệt sức, me cháu đã khóc rất nhiều với mệ để gửi gắm cháu trước phút lâm chung.
Mẹ cháu chết đi để lại cho mệ một mối hận ngàn đời. Mệ căm thù tất cả đàn ông con trai từ đó, mệ thề với lòng nhất định không chấp nhận bất cứ người con trai mô đến với dì Châu, với cháu sau này. Nhưng dì Châu đã cãi lời mệ rồi nó sẽ khổ. Khuyên nợ.
Mệ ngừng nói, nâng ly trà nhấp một chút rồi rut khăn trong túi ra lau nước mắt:
Đừng Khuyên ơi, có chồng khổ lắm cháu ơi.
Em nói một cách yếu ớt:
Nhưng anh Hải.. Anh Hải thương cháu thiệt mà mệ.
Mệ Ngoại lắc đầu nhìn em:
Cháu nói y hệt như me cháu ngày xưa.
Em bối rối:
Nhưng anh Hải.. anh Hải đàng hoàng lắm mà mệ.
Mệ Ngoại vuốt tóc em:
Cháu còn dại lắm. Đừng nên xét đoán lòng người ở bề ngoài. Hồi đó, ba cháu cũng đẹp, cũng sáng sủa như cậu Hải rứa.
Em cúi đầu, chả biết nói sao. Mệ gằn mạnh từng tiếng:
Cháu nên luôn tâm niệm là, một trăm phần trăm đàn ông con trai bất cứ ở thời đại mô cũng đểu giả như nhau, cũng cá mè một lứa hết.
Em cố cãi:
Nhưng răng… cháu thấy có nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc thương yêu nhau suốt đời mà mệ.
Mệ ngoại gạt đi:
Cháu chỉ thấy bên ngoài thôi mà, không có mô cháu ơi, trong những cuộc hôn nhân người vợ sẽ là người bất hạnh.
Rồi mệ vuốt tóc em:
Đừng cháu, đừng dại dột nữa, hãy mở mắt cho sáng, hai cái gương đau khổ trước mắt của mệ và của me cháu cháu không thấy sao?
Em úp mắt vào đôi tay:
Nhưng… nhưng cháu không tin anh Hải sẽ xử tệ với cháu, anh Hải thương cháu lắm mà.
Mệ vẫn thản nhiên:
Cháu nói y như me cháu. Ngày xưa, me cháu đặt hết lòng tin nơi ba cháu nhưng rồi ba cháu cũng tàn nhẫn dứt áo ra đi.
Em khóc rấm rứt, không biết nói sao để lay chuyển lòng mệ. Đàn ông có thể phần dối gian qủi quyệt, nhưng chắn chắn trong số đó không có Hải của Bảo Khuyên. Hải ơi, Khuyên tin anh, Khuyên tin anh…
Mệ lại vỗ về em:
Nín đi cháu Bảo Khuyên, đừng thèm nghĩ ngợi đến ai nữa, nên nghĩ đến bản thân mình là hơn. Không ai htương mình bằng mình cả.
Rồi mệ kết luận:
Tu là cội phúc, tình là dây oan.
Em trố mắt nhìn mệ Ngoại, không lẽ mệ ngoại muốn em đi tu thật sao, xa Hải là em chết, là đời em hết mà thôi, Hải ơi.
Em cố gắng lắm mới hỏi được mệ:
Mệ ơi, con Mai có nói với mệ là Tết ni anh Hải đưa me của anh ấy ra thăm mệ không?
Đôi mắt của mệ đang dịu dàng bỗng long lên:
Tao nghe hết rồi, tao biết hết rồi, mi nhờ nói chừng mô con Mai nói chừng nấy, nhưng tao bịt lỗ tai gài con mắt, tao không biết chi hết, tao đui tao điếc rồi.
Em cầm tay mệ lay nhẹ:
Mệ ơi, tội cháu mà, mệ bằng lòng tiếp me của anh Hải nghe mệ.
Mệ Ngoại nhìn em như quái vật:
Trời ơi, bộ câu chuyện tao mới kể cho mi nghe như nước đổ lá môn răng, Bảo Khuyên?
Em khổ sở:
Mệ ơi… cháu tin là anh Hải không tệ như rứa mô.
Mệ đứng bật dậy thật mạnh:
Tao hết hơi hết sức với mi rồi Khuyên ơi, thiệt đúng là con cháu bất hiếu bất mục, thôi cuốn gói theo dì Châu của mi luôn cho rồi. Tao không cần thiết đến ai nữa.
Mệ Ngoại bỏ đi vào phong nói như khóc:
Tao già rồi, để tao chết một thân một mình cũng được, cứ rủ nhau đi lấy chồng hết đi, đừng bịt chế (để tang) cho tao nữa.
Em chạy theo:
Mệ ơi, mệ thương cháu mà.
Mệ Ngoại nhìn em lạnh băng:
- Mi mù quáng vì tình rồi, Bảo Khuyên nợ.