Chương VII

Vỹ Dạ ngày…
Hải ơi thôi đừng tìm cách gặp Khuyên nữa, khổ sở cho Khuyên lắm. mệ giữ Khuyên như giữ tù, mệ canh Khuyên như canh tội phạm. Anh ở vườn bên tê, Khuyên ở vườn bên ni, có thấy nhau cũng chỉ ngậm ngùi. Sau buổi chiều bác Thuấn ra về trong thất bại, mệ đã đắc thắng gọi Khuyên ra giảng cho Khuyên điều hay lẽ thiệt. Nhưng Khuyên không biết gì cả, Khuyên không nghe gì cả, Khuyên như người câm, người điếc, Khuyên lọan trí mất rồi. Mệ đóan được phản ứng mãnh liệt của Khuyên nên mệ đã trở thành người gác Khuyên khắt khe còn hơn cai ngục. Suốt mấy ngày gần tết, mệ không cho Khuyên đi đâu cả, có viện cớ ra chợ Đông Ba ngắm hoa mai, mệ cũng mặc áo lò dò đi theo, hết hy vọng tìm gặp anh rồi, dù đã nhiều lần nghe Như Mai nói anh đứng chờ Khuyên suốt buổi trước cổng nhà nó, mong Khuyên sẽ tới gặp nó để anh được gặp; dù đã nhiều từ vuông cửa phòng Khuyên, Khuyên thấy anh thấp thóang dưới những tàn nhãn rậm, đôi mắt tuyệt vọng hướng sang vườn Khuyên… Khuyên lòng đau như muối xát kim châm. Nhưng làm sao mà ra với anh đây, khi mệ ngồi ngay bậc cửa chắn mất đường đi. Khuyên như chim lồng cá chậu, cảm nhận dần nỗi sầu đang gặm nhấm buồng tim.
Vỹ Dạ ngày…
Khuyên nhận được thư anh do Như Mai đưa lại, buổi chiều mồng một tết hoa nở khắp vườn nhưng mưa buồn lại phong kín hồn Khuyên. Khuyên cũng nhớ anh như anh đã nhớ Khuyên vậy, nhưng có lẽ còn quay quắt hơn nữa, bởi anh còn được đi đây đi đó chứ còn Khuyên, chân tay như bị xiềng xích gông cùm. Mệ tàn nhẫn đến nỗi ngày tết cũng cấm Khuyên ra khỏi nhà. Sáng mồng một tết, biết không ai dám qua lại nhà nhau, nên mệ mới mặc chiếc áo đi chùa một tí thôi, rồi mệ về tiếp tục canh gác Khuyên. Anh ở bên kia vườn,mệ xem như một đại họa chực chờ gieo xuống đời Khuyên. Mệ đi lui đi tới, bước ra bước vào, luôn mồm lẩm bẩm:”Mong cho mau hết tết để thằng đó vô lại Sài Gòn cho rồi”. Khuyên thì lại khác, Khuyên mong cho thời gian đừng trôi nữa, mặc dù Khuyên biết, khi anh đi rồi, Khuyên sẽ được tự do, Khuyên sẽ được tung tăng khắp vườn, Khuyên sẽ được ung dung ngồi trên cầu ván nhúng bàn chân vào lòng nước để nghe hơi mát lạnh lan khắp châu thân. Những thú vui đó mệ đã tước mất của Khuyên, nhưng nếu vắng anh rồi, thì còn chi sung sướng nữa mà bay mà nảy, tuổi hồn nhiên trong Khuyên đã tung cánh bay cao, đã theo tình mình mà vở tan như bọt nước. Cho nên Khuyên mong, chiều đừng phai, đêm đừng hết, để chúng mình còn gẩn gủi nhau, dù Khuyên bên ni anh bên nớ, dù Khuyên quay quắt trong lòng anh khốn đốn bên ngòai mà vẫn không biết làm sao để giải thóat cho Khuyên… Mong thời gian đừng qua cho Khuyên vẫn thấy không gian này có anh hiện diện cho Khuyên đỡ buồn tủi với mặc cảm cô đơn đang vây bủa bên mình. Đọc xong thư anh, Khuyên khóc không thành tiếng. Khuyên hiểu anh, Khuyên biết anh đang mong muốn gặp Khuyên, nhưng làm sao được khi mệ ngọai Khuyên luôn luôn cấm cửa, không cho Khuyên ra khỏi nhà.
Mai Hải đi rồi, lần ra đi vĩnh viễn không trở lại Huế. Nghe Như Mai nói vậy, mình chỉ biết tấm tức khóc, Khuyên yếu đuối quá Hải ơi. Nghe Như Mai mách, bá Thuấn có vẻ giận mệ quá xưa và hơi bất lịch sự. Mình thì chưa được hân hạnh biết mặt mẹ của Hải, nhưng nghe Như Mai nói thì bà ta trông quý phái phúc đức lắm. Mình tức mệ ghê, mình giận mệ ghê, mình giận mệ không bút mực nào tả xiết.
Nhất định phải liều, phải trốn mệ sang nhà chị Lộc gặp Hải mới được. Mệ có biết mệ chửi một trận là cùng, cái đau của thể xác đâu bằng nỗi đau đớn của tâm hồn khi hai kẻ yêu nhau muôn đời không thấy mặt.
Mệ đang ngủ khò trên bộ ván gần cửa ra vườn. Buổi trưa thanh vắng tỉnh mịch, gió thôi rì rào qua những khóm cây cao. Em rón rén bước đến gần cửa, nhìn ra sân sau. Ruộng bắp vẫn bao la chạy dài đến ven sông, khóm tre quen thuộc, cây sung già trìu mến xanh tươi. Đã hơn một tuần rồi em không được dịp ra đó, ngồi vắt vẻo trên cành cây ngắm dáng dấp mình soi bóng trên mặt sông. Nhưng giờ đây, em không thể ra đó được, em còn một việc phải làm, gấp rút lắm, thời giờ cấp bách, mệ có thể thức dậy và gọi em bất ngờ, đó là việc em tìm gặp Hải để từ giả anh, để thấy mặt anh lần cuối, để tạ lỗi cùng anh vì em quá yếu đuối, không dám cãi lời mệ để đi chơi cùng anh được. Nếu quả như lời Như Mai nói, Hải sẽ đoạn tuyệt hẳn Huế luôn… Thì làm sao… Khuyên sống được Hải ơi.
Em đi men theo hàng rào dâm bụt và tìm được một lổ hổng để chui qua, nhưng một gương mặt từ vườn bên kia ló ra trước em:
Khuyên.
Anh Hải.
Em giật mình nhưng tim đập mạnh vì niềm vui cũng vừa òa vỡ. Gương mặt người em yêu dấu trông xanh xao đến thảm hại:
Bảo Khuyên
Em lại nghẹn ngào:
Anh Hải.
Sang đây với anh.
Như có một hấp lực huyền bí, em chui theo Hải sang vườn nhà chị Lộc. Hải nắm chặt lấy bàn tay em run rẩy như sợ em tan biến đi trong thóang chốc:
Bảo Khuyên.
Em xúc động quá:
Dạ, anh Hải kêu chi Khuyên?
Khuyên ơi, sáng mô anh cũng đợi, trưa mô anh cũng đợi, chiều mô anh cũng đợi, răng Khuyên không ra vườn cho anh gặp?
Em nghẹn ngào:
Mệ cấm, mệ giữ Khuyên như giữ tù.
Khuyên có nhận được thư anh không?
Có, Như Mai có trao lại cho Khuyên, đọc thư anh Khuyên đứt cả ruột, những Khuyên không biết làm răng.
Em ôm mặt khóc òa:
Khuyên còn nhỏ quá, Khuyên yếu đuối quá Hải ơi.
Nắng trưa soi vào đỉnh đầu, xoay xoay tâm hồn hai đứa. Hải dẫn em vào bóng mát tàn cây vải trạng:
Bảo Khuyên, vào đây đứng kẻo nắng, Khuyên ra vườn tìm anh phải không? Mệ mô rồi? Mệ không còn cấm Khuyên nữa hả?
Em lắc đầu:
Mệ ngủ trưa, Khuyên lén ra đây gặp anh, Khuyên nghe như Mai nói, mai anh đi rồi.
Hải cúi mặt buồn buồn:
Phải, mai anh đi rồi, chuyến máy bay sớm. Bảo Khuyên, anh tưởng không còn được thấy Khuyên lần cuối.
Em chảy nước mắt:
Anh đừng nói đến chữ lần cuối, Khuyên sợ lắm.
Hải ngắt một nhánh lá vải quay trong không khí:
Khuyên sợ và anh đau lòng, nhưng sự việc đã xảy ra như rứa, mệ Khuyên không những từ chối tiếp mệ anh, mà còn nói những câu chạm đến tự ái bác Thuấn anh nữa.
Em nhìn Hải:
Anh Hải, chắc me anh giận mệ Khuyên ghê lắm? Chắc bác Thuấn ghét mệ Khuyên lắm?
Hải vứt nhành lá xuống đất:
Anh không biết nữa, nhưng có lẽ cũng gần như rứa. Sau ngày bác Thuấn sang gặp mệ Khuyên, bác chỉ nói sơ với anh là mệ Khuyên không chịu rồi thôi. Mai lại me anh xuống, bác nói với me anh cái gì anh không rõ, nhưng me gọi anh vào, me bảo anh nên bỏ ý định cưới Khuyên đi vì mệ của Khuyên …
Hải ngập ngừng, em giục:
Anh cứ nói thẳng ra đi, đừng ngại chi hết a.
Khuyên đừng giân.
Khuyên không bao giờ biết giận sự thật.
Me anh nói, mệ của Khuyên quá xưa nên hơi bất lịch sự, không bằng lòng gả Khuyên cho anh thì thôi, tại răng lại ưa nói mỉa nói mai làm chạm tự ái bác Thuấn rất nhiều.
Em cúi đầu:
Khuyên hiểu, bữa nớ khuyên núp trong buồng, Khuyên cũng có nghe nữa, Khuyên rất ân hận.
Hải âu yếm nhìn em:
Khuyên đừng buồn nữa. Bác Thuấn vẫn thương mến Khuyên, Bác chỉ buồn mệ Khuyên thôi.
Em hỏi Hải:
Em nghe Như Mai nói, anh định bỏ Huế đi luôn hả anh?
Gịong Hải buồn thật buồn:
Anh không đủ can đảm trở lại vườn cau xanh mát khi không gian xưa đã vắng hẳn dáng Khuyên.
Trong một phút giây xúc động, em nói lên tiếng nói thật lòng mình:
Khuyên sẽ đợi chờ anh ở đây, cho đến già, cho đến chết..
Đôi mắt Hải sáng lên:
Bảo Khuyên, Khuyên nói thật? Khuyên không sợ mệ? Khuyên dám vượt qua sự cấm đóan của mệ?
Em nhẹ gật đầu:
Khuyên sẽ cố gắng thuyết phục mê, hãy cho Khuyên một thời gian, hãy giúp Khuyên can đảm bằng một lời hứa của anh.
Hải run run:
Khuyên ơi, anh hứa, chắc chắn anh hứa điều chi mà Khuyên muốn, Khuyên nói đi, nói ngay đi cho anh mừng.
Em nói thật nhỏ:
Hải, hãy hứa với Khuyên là anh sẽ trở lại Huế, nghe anh.
Hải gật đầu. Anh nói thật gấp:
Anh sẽ trở lại Huế, hè này thì xong anh sẽ trở lại Huế. Anh tin rằng, ngày đó mệ sẽ hiểu và thương chúng ta. Hải âu yếm nhìn em:
Khuyên, cố gắng thuyết phục mệ nghe, anh sẽ trở về Huế, anh sẽ không bao giờ quên nổi Bảo Khuyên.
Em gật đầu và em gật đầu. Em vẫn còn hy vọng, chúng ta vẫn còn hy vọng chưa mất nhau.
Mặt trời đã chếch bóng, mặc kệ. Chắc mệ ngọai đã thức giấc, mặc kệ.
Mai Hải đi rồi, em sẽ tiếp tục sống những ngày dài cô đơn, buồn biết thuở nào nguôi. Cần đừng bên nhau một vài giây phút nữa, thế nào mệ cũng hạch hỏi, thế nào mệ cũng la mắng, em chán ngấy cuộc sống ngục tù này quá rồi, thôi đành “uống thuốc liều” vậy, kéo dài giây phút tạ từ lâu chừng nào qúi chừng đó, trứơc sao gì rồi cũng nghe những lời luân lý cũ rích của mệ.
Mà thật vậy, kihi em về bóng chiều đã ngả, mệ Ngọai đứng chống tay nơi bực cửa nét mặt hầm hầm:
Mi đi mô chừ mới về? Đồ con gái hư.
Em chẳng nói chẳng rằng, nỗi chán chường dâng cao tận cổ, có phân trần cũng vô ích. Lửa giận đã bốc rực cả đôi mắt già nua của mệ, em đi vòng cửa trước để vào nhà, như mệ như con hổ dữ, chạy thật nhanh đến chận em lại:
Đứng lại, đứng lại, mi đừng hòng trốn chạy, mi phải trả lời cho tao rõ, mi đi mô từ trưa tới chừ?
Em nói giọng bình thản:
Cháu ra cầu ván chơi cho mát.
Một cái tát như trời giáng làm em tối tăm mặt mũi:
Nói láo, O Cam có ra cầu ván rửa chén, không thấy mi.
Em im lặng, cố nén không cho nước mắt trào ra.
Mệ Ngọai rít lên:
Răng tao hỏi mà mi câm miệng hến? Mi khinh tao hả? Tao nhà quê không xứng đáng nói chuyện với mi chắc?
Em cúi đầu đau tủi, sang vườn gặp Hải lần cuối mà là một trọng tội như vậy sao? Biết nói gì với mệ đây, biết phân bua lời gì khi đã trót nói dối và bị lộ tẩy. Mệ hỏi tới tấp:
Mi đi mô? Mi phải nói, mi không nói tao cạy răng, tao cán miệng.
Em nhăn mặt:
Mệ làm chi mà dữ rứa?
Mê Ngọai nhảy dựng cả người:
Ri mà mi cũng chưa sợ nữa chứ đừng nói là hiền, tao mà dễ dãi là mi phóc (nhảy) lên đầu tao mà ngồi chễm chệ rồi.
Em nói nhỏ:
Mệ nói chi mà tội cháu rứa.
Mệ Ngọai nắm lấy vạt áo em day mạnh:
Mi đi mô? Mi đừng có đánh trống lảng.
Em hất mạnh tay mệ, òa khóc:
Cháu đi gặp anh Hải, mệ đừng chia rẽ cháu, mệ đừng ác nữa mệ ơi.
Em chạy u vào phòng, nhòai mình lên giường, úp mặt vào gối. Hải ơi, sao Khuyên khổ đến thế này.
Mệ giận em suốt mấy ngày, gương mặt lạnh lùng, đôi mắt nghiêm nghị. Nhưng em cũng bất cần, dù mệ có giận hay lành, dù mệ có thương hay ghét, em vẫn là con bé Bảo Khuyên tháng ngày vò võ cô đơn. Em đã lớn rồi, tình thương yêu bảo bọc của mệ đã đến lúc không còn đủ với em nữa, em đang cần một thứ tình cảm khác hơn, thứ tình cản nhận bằng ánh mắt, bằng môi cười, bằng từng lời nói dịu dàng chăm lo săn sóc cho nhau. Đó là Hải, đó là bóng mát của tuổi trăng tròn đang soi sáng hồn em. Dù có cam tội bất hiếu vong ân, em đành chịu chứ thật lòng mà nói, hiện giờ em đang cần Hải hơn mệ rất nhiều.
Mệ giận rồi cũng hết. Không lẽ trong nhà chỉ vỏn vẹn có hai mệ cháu mà cứ hục hặc với nhau mãi. Hơn nữa, mệ cũng biết Hải đã trở vào Sài Gòn rồi, không còn lý do gì để lo sợ, canh giữ em nữa. Nên mệ làm lành, mệ gọi em lại mệ giảng “luân lý” vuốt tóc em, nâng má em nựng nịu.
Cháu giỏi, nghe lời mệ hỉ.
Em vẫn ngồi im, vẫn yên lặng lạnh lùng từ ngày không gian này vắng Hải. Mệ tưởng em đã thấm nhuần luân lý của mệ, đứng dậy, bảo:
Mệ thấy con Như Mai mặc cái áo lục vàng đẹp đó, cháu có ưa mệ cho tiền may.
Mệ định dỗ dành em như lấy lòng một đứa con nít, sao mệ không ra đường mua vào cho cháu vài cây cà rem để cháu mút, cho nỗi khổ đau của cháu rã rời theo những giọt kem tan dần trên đầu lưỡi. Cháu đã lớn rồi mà, mệ quên sao? Dù mệ may cho cháu một trăm cái ao, dù mệ mua cho cháu hàng vạn cây kẹo, cháu vẫn không khao khát bằng một lời nói của mệ: “Ừ, mệ bằng lòng cho Hải đến với cháu…”
Dù nghĩ vậy những em vẫn giả vờ đón nhận tiền trên tay mệ lên phố mua áo, em đang lấy lòng mệ, em đang nghe lời Hải. Hải đã dặn em trước nên ở ngoan với mệ, đừng bướng bỉnh, đừng làm phật lòng mệ, rồi chờ đến một cơ hội nào đó, khi mệ vui thật vui, hãy van lơn cầu khấn mệ, gợi lòng thương của mệ, thế nào mệ cũng dễ dài hơn là Khuyên cãi lời mệ trốn ra vườn gặp anh. Can đảm lên Khuyên, hè ni anh sẽ trở lại Huế.
Nhưng cơ hội tốt đẹp chưa đến thì mộng vàng trong em đã vỡ, đó là ngày về của dì Bảo Châu. Dì xanh xao tiều tụy trong chiếc áo dài màu rêu buồn như mây trời mua đông, dù gục đầu vào gối mệ ngọai:
Mạ ơi tha tội cho con.
Mệ sững người, Mệ ngồi im như pho tượng, gương măt bình thản, không buồn mà cũng không vui. Một lát sau mệ mới nói được:
Cá không ăn muối cá ươn, con cãi “lời” mẹ trăm đường con hư.
Thấy dì mà em chết điếng trong lòng!
Dì Bảo Châu khóc nấc lên:
Mạ ơi, tha tội coh con.
Mệ vuốt mái tóc của dì:
Không tha cũng phải tha, chẳng lẽ mạ lại hất hủi con một lần nữa răng. Chồng con đã tệ bạc như rứa, thôi bỏ hết về đây sống với mạ, có dưa ăn dưa, có muối ăn muối.
Mệ sai O Cam dọn lại căn phòng ngày xưa của dì Châu ở. Căn phòng đó từ ngày dì đi đã trở thành nhà kho chứa những đồ phế thải, bụi bậm tràn đầy. Em bảodì:
dì sang nghỉ tạm nơi phòng cháu ít bữa, phòng ni còn dọn dẹp bơm thuốc, chắc vài ngày nữa mới ở được.
Từ ngày có thêm dì Châu, không khí trong nhà vẫn chẳng vui vẻ gì hơn. Em vẫn viết nhật ký đều cho hải, đợi htư anh và trả lời. em sống một mình trong thế giới riêng tư và tìm niềm vui trong những giờ đến trường, bên thầy bên bạn. Hình như lứa tuổi của mệ và dì Châu không còn thích hợp với em nữa.
Mệ thì ốm hẳn đi, và càng ngày càng ít hỏi han đến em, đến dì Châu. Thay vào đó, mệ đi chùa nhiều hơn và ăn chay trường. Em nhận thấy mệ có vẻ chán đời kinh khủng lắm.
Dì Châu lại càng thảm hại hơn nữa. em nghe nói dì vừa bị phản bội một cách tàn nhẫn, người chồng mà dì viết thư nhờ em xin mệ dùm hồi năm ngòai, thật rađã có vợ con trên Ban Mê Thuột. Anh chàng đó từ Ban Mê Thuộc đổi về Sài Gòn, làm cùng chỗ với dì Châu. Dì Châu tuy quá tuổi xuân những vẫn còn đẹp nên anh chàng đã si mê mà không ngận ngại theo đuổi dì. Dì Châu nhẹ dạ, dễ xiêu lòng nên một  đám cưới đơn giãn đã cử hành tại Sài Gòn hợp thức hóa mối tình của hai người. Không I biết anh chàng đó đã có vợ con, cho đến một hôm, cách đây gần một tháng, vợ y từ Ban Mê thuộc lặn lội về Sài gòn, cùng hai đứa con tay bồng tay dắt, tìm đến nhà dì Châu khóc lóc năn nỉ dì hãy buông tha chồng của bà ta. Dì Châu lặng người, nghẹn họng. Nhưng với tân hồn cao thượng, với lòng dạ thẳng ngay, dì Châu không muốn mang tiếng cướp chồng người nên dì lặng lẽ ra đi dù dì đang mang thai hai tháng. Suốt hai tuần lễ dì sống như người mất hồn, nay nhà người bạn này, mai nhà người bạn khác và cuối cùng dì quyết định về Huế. Không có tình nào bao la bằng tình mẫu tử, không có nơi nào nòng ấm êm đềm bằng mãnh đất quê hương. Trước mặt dì Châu, mệ ngọai không la không mắng, mệ sợ dì quá sầu tủi mà làm những chuyện liều lĩnh thiệt hại đến thân, nhưng khi vắng dì Châu, mệ cứ tìm em mà nói:
Đó mi thấy chưa, lòng dạ đàn ông con trai làm răng mà tin cho được. Bỏ ý định lấy chồng đi, không rồi mi cũng thân tàn ma dại như con Bảo Châu rứa.
Mệ nói rồi mệ khóc làm em cũng mủi lòng theo.
Thôi tao cũng đành chịu nhục nhã chớ biết nói răng. Con dại cái mang, mai mốt tao lại nuôi thêm một đứa cháu ngọai không chờ không đợi. Thôi vái trời cho con Châu sinh con trai đi, để tao khỏi phải lo, phải sợ. thiệt già rồi mà chưa yên thân, chắc là kiếp trước tao cũng là đàn ông ăn ở bất nhơn nên kiếp ni tao mới bị quả báo như rứa.
Mệ càng nói càng gây hoang mang cho em, không lẽ đàn ông ai cũng tàn tệ như vậy sao? Dù em đang yêu và tin Hải nhưng em vẫn lo lo.
Hy vọng của em dần lụi bại theo những tiếng than dài thở vắn của mệ. Em vẫn nhận và trả lời thư cho Hải đều đều. Em có kể chuyện dì Châu cho Hải nghe và nói lên nỗi lo sợ của mình.  Hải vẫn dùng những lời lẽ ân cần để an ủi, trấn an em. Hải nói không phải tất cả đàn ông đều như vậy, em tin Hải, nhưng chắc chắn mệ sẽ chẳng bao giờ tin Hải đâu.