Dịch giả: Trịnh Xuân Hoành
CHƯƠNG BA

Một hôm chủ nhật. Gino bảo chủ anh ra ngoại thành, cho phép người hầu kẻ hạ ai được về nhà nấy, chỉ để lại độc anh với người làm vườn ở biệt thự. Liệu tôi có muốn thăm ngôi nhà không? Anh thường thán phục kể tôi nghe về ngôi nhà đến nỗi tôi những muốn đến thăm xem sao nên sẵn sàng nhận lời ngay. Nhưng đúng lúc tôi đồng ý nhận lời, một nỗi xúc động mạnh mẽ tràn ngập lòng tôi và tôi nhận thấy rằng ý muốn thăm ngôi biệt thự chỉ là cái cớ mà thôi, còn thực ra thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Song tôi cố lừa dối cả bản thân mình lẫn anh ấy, làm ra vẻ tin vào cái cớ đó, hẵn như vẫn thường thấy khi người ta muốn một vật cẩm.
- Em biết mình chẳng nên đến đó – Tôi nói khi lên xe – Song chúng mình chẳng nấn ná ở đấy lâu làm gì, phải không anh?
Tôi cố lấy giọng tự nhiên nói, nhưng vẫn để lộ một niềm khiếp sợ. Gino nghiêm trang đáp.
- Ta chỉ tham quan ngôi nhà thôi... sau đó sẽ đi xem phim.
Ngôi nhà nằm trên sườn đồi, tại khu phố mới giàu có giữa các biệt thự khác. Đấy là một ngày đẹp trời. Tất cả những ngôi biệt thự nằm rải rác trên đổi có mặt trước lát gạch đỏ và đá trắng, hành lang được trang trí bằng tượng, mái lợp kính, có sân thượng và bảo lơn bày cây cảnh thiên trúc quỳ, ngoài vườn trồng những cây cao râm mát nổi bật trên nền trời xanh lơ đã gây cho tôi một ấn tượng mới lạ như tôi bước vào một thế giới tự do và tuyệt vời, được sống ở đây thật thú vị biết bao. Tôi bất giác nhớ tới khu chúng tôi, đường phố của chúng tôi nằm chạy dọc bức tường thành, những ngôi nhà của các nhân viên đường sắt.
- Em thấy ân hận là đã tới đây – Tôi nói.
- Tại sao vậy? – Gino hỏi giọng xuề xòa tự nhiên – Chúng mình không nấn ná lâu ở đây mà... đừng ngại.
- Anh không hiểu ý em, em ân hận là vì em bây giờ thấy ngượng cho căn nhà và đường phố của mình – Tôi đáp.
- Chuyện – Anh nói giọng an tâm - biết làm sao được. Em phải sinh ra là một bà triệu phú cơ... sống ở đây toàn là những triệu phú cả.
Anh mở cánh cửa sổ trong hàng giậu rồi dẫn tôi đi trên con đường rải sỏi, hai bên trồng cây ngọn xén hình răng cưa hoặc hình cầu. Chúng tôi bước vào biệt thự qua một chiếc cửa lớn bằng kính và vào ngay căn tiền sảnh sạch sẽ và rộng thênh thang lát đá hoa vạch đen vạch trắng, sàn nhẵn bóng như gương. Sau đấy dt vào một căn phòng rộng, sáng trưng, cửa các phòng ở tầng một đều trổ ra đây. Cuối phòng là một chiếc cầu thang trắng dẫn lên tầng trên. Tôi trở nên rụt rè trước tất cả những cái được thấy tận mắt, nên bất giác cứ đi rón rén. Nhận thấy vậy, Gino vui vẻ bảo tôi có thể tự nhiên vì không có ai ở nhà.
Anh bảo tôi xem phòng khách – một căn phòng rộng với nhiều cửa sổ lớn, vô số ghế bành và đi-văng, dẫn tôi đi phòng ăn, trông nhỏ hơn phòng khách, có kê một chiếc bàn hình bầu dục, ghế và loại tủ buýp-phê bằng loại gỗ tốt sẫm màu đánh nhẵn bóng, dẫn tôi vào phòng quần áo có những tủ lẫn trong tường trắng toát. Tại căn phòng nhỏ tiếp theo, có chỗ tường xây lõm vào trong để đặt bàn uống trên các giá để chai lọ, một ấm cà phê mạ kền và thậm chí có cả một quầy bọc kẽm để đựng thức ăn. Do cánh cửa con lắp chấn song mạ vàng nên căn phòng này trông từa tựa như nhà nguyện. Tôi hỏi Gino chỗ nấu nướng ở đâu, amh giải thích nhà bêp và các phòng của người hầu nằm tại tầng hầm. Lần đầu tiên trong đời tôi bước vào một căn nhà như thế này, và không thể kìm được, lấy đầu ngón tay lần lượt chạm vào hết vật này đến vật kia, tôi hầu như không tin vào mắt mình nữa. Tôi cảm thấy mọi cái đều mới mẻ và quý giá: kính, gỗ, đá hoa, kim loại và vải vóc. Tôi không thể không ngầm so sánh những sàn này, những bức tường này, đồ đạc này với sàn nhà bẩn thỉu, tường lem luốc, đồ đạc thô kệch của chúng tôi, và tự nhủ mẹ tôi quả không sai khi bảo rằng cái chủ yếu ở trên đời là tiền.
Ngoài ra, tôi còn cho rằng những người sống giữa những đồ vật tuyệt vời này hiển nhiên sẽ là những người tuyệt vời và nhân hậu. Họ không uống rượu say, không chửi bới, không gầm gào, không nói tục, nói chung không làm những chuyện mà ở nhà chúng tôi và các nhà tương tự thường làm.
Trong khi đó Gino kể đi kể lại hàng trăm lần cho tôi nghe về cuộc sống trong ngôi nhà của chủ anh. Anh nói, giọng đầy tự hào tựa hồ sự sang trọng này và sự giàu có này phần nào thuộc về của cả anh nữa.
- Họ ăn trưa bằng đĩa sứ... còn hoa quả và các thứ tráng miệng dọn trên bộ đồ bằng bạc... toàn bộ bộ đồ ăn đều bằng bạc tuốt... bữa trưa gồm năm món, rượu ba loại... signora mặc áo dài hở vai đen, sg mặc toàn đồ đen... Cuối bữa ăn, có người hầu bưng bảy loại thuốc lá, tất nhiên đều là thuốc ngoại, trên chiếc khay bằng bạc... Sau đó bà chủ rời bàn ăn và ra lệnh đưa lên gác chiếc bàn con có gắn bánh xe và rượu mùi... Nhà hầu như lúc nào cũng có khách... thường thi hai vị, có khi bốn vị... signora có những hạt kim cương to như chừng này này... còn chuỗi hạt trai thì đúng là tuyệt diệu... báu vật ấy, giá tới vài triệu chứ chẳng ít đâu.
- Anh nói với em chuyện đó rồi – Tôi sẵng giọng ngắt lời anh.
Song do mải kể, anh không để ý đến giọng tôi và nói tiêp:
- Signora chẳng bao giờ xuống chỗ bọn anh... bà ra lệnh qua điện thoại... trong bếp đầy những đồ dùng bằng điện, còn sạch sẽ thì khỏi phải nói, đến như phòng ngủ của một số nhà cũng chẳng sánh được, bếp thế mới gọi là bếp chứ! Thậm chí hai con chó của signora còn sạch sẽ và được chăm chút hơn cả nhiều người nữa.
Gino kể về chủ mình với giọng đầy khâm phục và khinh người nghèo khổ ra mặt và qua câu chuyện của anh, tôi cảm thấy mình đúng là một con ăn mày ăn xin, hơn nữa lúc nào tôi cũng so sánh ngôi nhà này với ngôi nhà chúng tôi.
Chúng tôi bước trên cầu thang lên tầng hai. Ở cầu thang, Gino ôm ngang thắt lưng tôi và ghì chặt vào người anh. Lúc đó, không hiểu vì sao tôi lại hình dung mình là chủ ngôi nhà này và sau buổi chiêu đãi hoặc bữa tiệc, đang cùng chồng mình lên tầng hai để cùng nhau chăn gối. Như đoán được ý nghĩ của tôi (và Gino thường đoán rất đúng), anh bảo:
- Bây giờ ta đi ngủ... sáng mai có người mang cà phê lên tận giường cho chúng ta.
Tôi cười xòa, những hầu như tin rằng cũng có thể như thế.
Chiều tối hôm đỏ, để chuẩn bị đi gặp Gino, tôi đã mặc bộ đồ đẹp nhất, đôi giày tốt nhất, chiếc áo cánh tuyệt nhất và đôi bít tất lụa sang nhất. Tôi còn nhớ, tôi mặc chiếc áo vét đen và váy kẻ đen trắng. Vải không đến nỗi nào, xong thợ may khu tôi đã cắt và may chẳng đẹp hơn mẹ là bao. Váy ngắn cũn cỡn đặc biệt là ở phía sau, nên che khuất cả gối, còn mông thì bị hớt. Áo vét ve to, eo hẹp, tay chật cứng, nách bị bó. Mặc bộ đồ này, tôi thấy nghẹt thở, ngực lộ rất rõ tựa hồ may đến đây, thợ may hết vải. Áo cánh màu hồng rất đơn sơ, bằng loại vải trơn rẻ tiền, trông thấy rõ cả chiếc áo lót bằng vải batit trắng. Tôi đi đôi giày da đen bóng lộn, nhưng không hợp thời trang. Tôi không đội mũ, làn tóc lượn sóng màu hạt dẻ sẫm của tôi thả xuống ngang vai. Bộ này tôi mặc lần đầu nên rất tự hào. Tôi có cảm giác mặc bộ đồ này trông tôi có vẻ trang nhã và còn mang một ảo tưởng rằng như khi đi ngoài phố, ai nấy đều chú ý đến tôi. Nhưng vừa bước chân vào phòng ngủ của bà chủ Gino và thấy một chiếc giường rộng, thấp và êm, có chăn trần lụa, khăn thêu giường bằng vải gai, diềm đẹp buông từ trần nhà xuống giường, thấy bản thân mình soi trong ba chiếc gương ở bàn trang điểm nằm sâu trong phòng, tôi liền nhận ra rằng mình ăn mặc tồi tàn quá, trông thật nực cười và đáng thương, lúc đó tôi nghĩ chừng nào chưa được ăn mặc cho ra trò và sống trong một ngôi nhà như thế này thì vẫn còn chưa cảm thấy hạnh phúc. Tôi những muốn khóc và lòng buồn rầu lẳng lặng ngồi xuống giường.
- Em sao vậy? – Gino ngồi xuống bên tôi, rồi cầm tay tôi hỏi.
- Không sao cả, anh ạ, chẳng qua là em vừa nhác thấy một con người kỳ quái – Tôi đáp.
- Ai vậy – Gino ngạc nhiên hỏi.
- Kia kìa – Tôi vừa nói vừa chỉ vào chiếc gương soi bóng tôi ngồi bên Gino. Cả hai chúng tôi trông như hai kẻ lang thang đáng thương tình cờ lọt vào ngôi nhà giàu có này. Thậm chí trông tôi còn giống hơn Gino.
- Lần này Gino nhận ra rằng tôi đang bị nỗi hổ thẹn, lòng ghen ghét và đố kỵ giày vò. Anh ôm lấy tôi, rồi nói:
- Đừng nhìn vào gương nữa, em!
Anh sợ tâm trạng của tôi gây trở ngại cho anh thực hiện rắp tâm của mình, chứ không nhận thấy rằng trong tình trạng tự hạ mình mà tôi đang lâm vào đúng là tạo thêm điều kiện thuận lợi. Chúng tôi hôn nhau, và cái hôn truyền cho tôi thêm dũng cảm vì dẫu sao tôi đang yêu và được yêu. Nhưng khi chờ đợi trong giây lát, Gino dẫn tôi tới xem căn phòng rộng mênh mông lát gạch men trắng bóng, có nhà tắm được trang bị những vòi sáng loáng, và đặc biệt, khi anh mở một chiếc tủ cso treo vô số áo dài của bà chủ thì lòng đố kị và ý thức về sự nghèo khổ của mình lại kéo đến và làm tôi tuyệt vọng. Bỗng tôi chẳng muốn nghĩ tới tất cả những thứ ấy, và lần đầu tiên, tôi tự giác muốn trở thành người tình của Gino để lãng quên tình cảnh gian nan của mình, để thoát khỏi cảm giác sượng sùng nặng nề và để tỏ rõ tôi được tự do trong hành động. Tuy tôi không thể mặc đẹp, không thể có một ngôi nhà như ngôi nhà này, song ít ra tôi cũng có thể yêu như những người giàu sang đang yêu và có lẽ còn mãnh liệt hơn.
- Tại sao anh lại cho em xem những chiếc áo dài ấy, chẳng liên quan gì tới em? – Tôi hỏi Gino.
- Anh cho rằng em thích thế - Gino lúng túng đáp.
- Chẳng mảy may nào đâu – Tôi ngắt lời - Tất nhiên, trông chúng đều đẹp, nhưng em đến đây đâu phải để ngắm áo dài.
Tôi nhận thấy mắt anh sáng lên trước những lời nói vừa rồi của tôi, nên nói thêm, giọng ngạo mạn:
- Tốt nhất anh cho em xem phòng của anh thì hơn.
- Nó ở tầng hầm – Anh đáp – Em muốn tới đó à?
Tôi im lặng nhìn anh, sau đó, với vẻ suồng sã mà bản thân tôi cũng không hài lòng, bảo:
- Thôi đừng làm bộ ngốc nghếch nữa.
- Nhưng anh... – Gino lúng túng và ngạc nhiên mở đầu.
- Anh biết rất rõ rằng chúng ta đến đây hoàn toàn không phải để xem nhà, ngắm áo chủ anh mà để lọt vào phòng anh, hiến thân cho tình yêu... Thôi nhanh nhanh lên và chẳng có gì để trò chuyện nữa đâu.
Thời gian ngắn khi chúng tôi đi xem ngôi nhà mà tôi đã thay đổi như vậy. Tôi chẳng còn là cô gái rụt rè và thơ ngây mới đây lòng những nao nao và hồi hộp khi qua nguỡng cửa ngôi nhà này, chính tôi cũng không nhận ra mình và ngạc nhiên vì bản thân. Chúng tôi bước ra khỏi phòng và đi xuống thang. Gino ôm ngang lưng tôi và mỗi bậc thang chúng tôi lại dừng lại để hôn nhau. Tôi cho rằng chẳng bao giờ thấy ai xuống thang lại chậm như vậy. Đến tầng một, Gino mở cánh cửa nắm khuất trong tường và dẫn tôi đi xuống phía dưới, anh vẫn ôm ngang lưng và hôn tôi. Đã xế chiều, ở dưới đấy tối om om. Không thắp đèn, chúng tôi đi dọc theo hành lang, vẫn ôm nhau hôn, mãi cho tới phòng Gino. Anh mở khóa, chúng tôi vào phòng và tôi nghe tiếng cứa đóng sầm lại. Mọi vật chìm trong bóng tối và chúng tôi hôn nhau một hồi lâu. Những cái hôn của chúng tôi không thể dứt được, mỗi lần tôi định bứt ra, Gino lại bắt đầu và khi anh định ngừng hôn tôi lại hôn tiếp. Sau đó, Gino xô tôi tới chỗ giường, tôi ngã ngửa ra.
Gino thì thầm bên tai tôi những lời êm dịu và ngọt sớt, rõ ràng đánh lạc hướng sự chú ý của tôi để tôi không nhận thấy anh đang cởi áo tôi, nhưng chẳng cần phải như vậy, vì thứ nhất, tôi đã quyết định trao thân cho anh, thứ hai, tôi không ưa cái áo dài đang mặc, tuy lúc đầu rất thích, lúc này tôi cứ muốn cởi phăng nó ra. Tôi nghĩ rằng trần truồng tôi đẹp không kém gì bà chủ của Gino, không kém gì một người đàn bà giàu có trên đời, biết đâu, còn xinh đẹp hơn thế. Hơn nữa, mấy tháng nay thể xác tôi chờ mong giờ phút này và tôi cảm thấy mình bất giác run lên vì sốt ruột và vì dục vọng bị ghìm nén, tựa như một con vật bị trói và bị bỏ đói run lên khi cuối cùng sau những thống khổ dài lâu đã được cởi gông xiềng và được cho ăn.
Vì vậy tôi muốn mọi việc diễn ra hoàn toàn tự nhiên và ý thức rằng mọi sự việc bất thường xảy ra với tôi không hề xen vào niềm khoái cảm của thể xác. Thậm chí tôi còn cảm thấy một điều gì đó đại loại như thế này đã đến với tôi, ở đâu và bao giờ, tôi cũng không biết nữa, có lẽ một cuộc đời khác, như khi ta tới một chốn xa lạ và ta cho rằng mình đã ở đây hồi nào, nhưng thật ra đây là lần đầu tiên ta thấy cảnh vật này. Tát cả những ý nghĩ ấy không ngăn cản được tôi trao thân cho Gino một cách say đắm và thậm chí cuồng nhiệt, tôi hôn và siết chặt anh trong vòng tay mình. Rõ ràng Gino cũng đắm say như tôi. Trong căn phòng ối nằm sâu dưới hai tầng ngôi nhà vắng bóng người và tĩnh mịch, chúng tôi điên cuồng quyện chặt người nhau một hồi lâu nữa, ghì chặt nhau như hai kẻ thù sống mái vật lộn và cố gây cho nhau thật đau đớn.
Nhưng khi cơn dục vọng của chúng tôi vừa nguôi và nhược người, mệt lử nằm bên nhau, thì một nỗi khiếp sợ liền xâm chiếm tôi, chiếm được tôi rồi, thế nhỡ Gino chần chừ không chịu cưới thì sao? Do đó, tôi bắt đầu nói về ngôi nhà chúng tôi sẽ dọn tới sau khi lấy nhau.
Dinh cơ của chủ Gino đã làm cho tôi hết sức sững sờ và tôi tin chắc chỉ có thể có hạnh phúc trong ngôi nhà tuyệt vời và sạch sẽ. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có được ngôi nhà như thế này, mà ngay cả căn buồng như căn buồng ấy cũng chẳng thể có nữa, song tôi một mực cố không suy nghĩ đến bao khó khăn và khẳng định rằng một ngôi nhà nghèo khổ cũng có thể trở nên sang trọng nếu nó sạch sẽ và mọi vật bóng như gương. Sự hoa lệ và sự sạch sẽ quanh mình đã làm trỗi dậy trong tôi bao nhiêu suy nghĩ. Tôi cố thuyết phục Gino về sự sạch sẽ cải biến được hoàn cảnh tồi tệ nhất, song thực ra lại tuyệt vọng trước cảnh nghèo túng của bản thân và đồng thời nhận ra một lối thoát duy nhất đối với tôi là lấy Gino, tôi cố thuyết phục chủ yếu là bản thân mình.
- Ngay như hai phòng đi chăng nữa, nếu sạch sẽ, nếu lau chùi hàng ngày, - Tôi giải thích - nếu quét sạch bụi đồ đạc, đánh bóng các tay cầm bằng đồng và chỗ nào cũng rất ngăn nắp, bát đĩa, áo quần, giày dép, tóm lại mọi thứ đâu vào đấy thì ngay cả hai phòng cũng vẫn ấm cúng... Chủ yếu là phải quét dọn và lau sàn cho thật sạch, và ngày nào cũng phải lau chùi mọi thứ... Anh chớ nên nghĩ rằng anh và em sống với nhau như em sống với mẹ em bây giờ... mẹ em không được gọn gàng lắm và sau nữa, tội nghiệp, mẹ chẳng có thời gian... nhưng nhà chúng ta, em hứa với anh, sẽ sạch bóng như gương.
- Tất nhiên, tất nhiên rồi – Gino khẳng định - Trước hết phải sạch sẽ... Em biết signora thấy góc nào có bụi thì sẽ ra sao không? Bà gọi ngay người hầu lại, bắt quỳ xuống, lấy tay hót bụi. Chó ỉa đái bậy cũng bị đối xử như vậy đấy... signora làm thế là phải thôi.
- Em tin rằng nhà của em sẽ sạch sẽ hơn và ấm cúng hơn nhà này – Tôi nói - Rồi anh xem.
- Nhưng em đi làm người mẫu suốt ngày thì trông nom nhà của vào lúc nào? – Anh phản đối, giọng giễu cợt.
- Lại còn làm mẫu nữa! – Tôi sôi nổi đáp – Em sẽ không làm người mẫu nữa... em ngồi nhà suốt ngày, sẽ chú ý giữ sạch sẽ và ngăn nắp, sẽ nấu nướng cho anh... Mẹ bảo em chẳng mấy nỗi sẽ trở thành một con hầu... nhưng nếu yêu ai thì hầu hạ người đó càng thích.
Chúng tôi còn trò chuyện với nhau về vấn đề ấy một hồi lâu, và tôi cảm thấy nỗi khiếp sợ của tôi dần dần qua đi, nhường chỗ cho lòng cả tin thơ ngây va tha thiết trước đây. Vả lại làm sao tôi có thể nghi ngờ được nhỉ? Gino không những ủng hộ tất cả các kế hoạch của tôi, mà còn bàn bạc một cách rất tỉ mỉ vả bổ sung thêm. Tôi cảm thấy như tôi đã nói, lúc ấy anh có thái độ chân thành lừa dối tôi, anh tin vào lời dối trá của chính mình. Chuyện phiếm như vậy độ hai tiếng, tôi khoan khoái ngủ thiếp đi, nghĩ rằng Gino cũng ngủ. Ánh trăng lọt vào căn hầm qua cửa sổ, rọi lên giường và thức tỉnh chúng tôi. Gino bảo trời đã khuya, quả đúng thế, kim đồng hồ báo thức trên bàn con chỉ một giờ đêm.
- Có trời mới biết rõ bây giờ mẹ sẽ làm gì em – Tôi nói khi đứng bật dậy khỏi giường và vội xỏ áo.
- Tại sao vậy?
- Lần đâu tiên em về muộn thế này... Với lại có bao giờ em đi tối một mình đâu?
- Thì bảo mẹ em chúng mình đi dạo chơi bằng xe ôtô, sau đó xe bị gãy một bộ phận nào đấy nên bị kẹt dọc đường - Mẹ sẽ tin như vậy đấy.
Chúng tôi vội rời biệt thự và gn đưa tôi về nhà. Tôi biết mẹ chẳng tin câu chuyện bịa đặt của chúng tôi, nhưng không dự đoán được rằng qua linh cảm mẹ có thể biết rõ chuyện xảy ra giữa tôi và Gino. Tôi đem theo chìa khóa cổng và các cửa ra vào. Tôi vào nhà, lao lên cầu thang, cứ leo mỗi bước hai bậc tối om om và mở cửa. Tôi hy vọng rằng mẹ đã ngủ và khi thấy trong căn hộ không có ánh đèn thì yên tâm.
Không bật đèn, tôi rón rén bước về phòng, bỗng có người túm mạnh tóc tôi. Mẹ - đúng là mẹ - lôi tôi vào căn buồng của tôi, đẩy tôi xuống đi-văng, rồi lẳng lặng đấm tôi thình thịch. Tôi cố giơ tay đỡ đầu, nhưng như đoán được ý định của tôi, mẹ tìm cách nện liên tiếp vào mặt tôi. Sau cùng, mẹ mệt, ngồi xuống cạnh tôi trên đi-văng và thở hổn hển. Rồi mẹ đứng dậy, thắp đèn lên, đứng chống nạnh ở cạnh tôi và nhìn tôi chằm chằm. Cái nhìn của mẹ đã làm tôi cảm thấy lúng túng và ngượng ngùng, tôi cố kéo váy xuống và sửa lại đầu tóc, áo xống gọn gàng sau khi xảy ra “cuộc xung đột” giữa chúng tôi.
- Tao là cứ xin đưa đầu ra cam đoan rằng mày đã ăn nằm với thằng Gino - Mẹ vẫn lấy giọng bình thường bảo.
Tôi những muốn đáp: “Vâng ạ”, muốn nói sự thật, nhưng vì sợ mẹ lại đánh, mà tôi hãi không hẳn chỉ vì đau mà chủ yếu là có ánh sáng, mẹ dễ nện vào mặt tôi hơn. Tôi chẳng bao giờ muốn giơ bộ mặt thâm tím trước bàn dân thiên hạ, đặc biệt là Gino.
- Không... Chúng con không làm gì đâu ạ... đang đi đường xe bị hỏng, nên đành phải dừng lại ạ - Tôi đáp.
- Tao bảo là mày đã ngủ với nó.
- Không đúng.
- Không, đúng thế... cứ ngó vào mặt mày trong gương mà xem, mặt tái mét.
- Con bị mệt đấy thôi... nhưng không phải con ngủ với anh ấy.
- Không, mày đã ngủ với nó.
- Không, không phải mà.
Tôi ngạc nhiên và hơi sờ sợ qua sự kiên tâm của mẹkhông thấy để lộ một vẻ căm giận thực sự, mà, nói cho đúng hơn, đó là một sự chăm chăm tò mò mãnh liệt. Nói một cách khác, mẹ muốn biết tôi đã hiến thân cho Gino hay chưa, do một nguyên nhân nào đó, mẹ chỉ yêu cầu biết vậy thôi chứ không phải để đánh đập hoặc chửi mắng tôi. Song rút lui đã muộn và tuy biết lúc này mẹ không đánh nữa, tôi vẫn khăng khăng chối tuốt.
Sau đó, mẹ bỗng xô đến nắm tay tôi. Tôi lại định chống cự, song mẹ bảo:
- Đừng sợ, tao không đụng đến mày đâu, đi... đi với tao.
Tôi không rõ mẹ định lôi tôi đi đâu, nhưng tất cả những sự việc vừa qua làm tôi hoảng lên, nên lẳng lặng đi theo mẹ. Mẹ cứ nắm tay tôi, lôi ra khỏi căn hộ và kéo xuống cầu thang đi ra phố. Vào giờ này, ngoài đường vắng tanh vắng ngắt. Tôi nhận thấy mẹ săm săm tiến thẳng về phía ngọn đèn đỏ của hàng thuốc thường trực, nơi đặt điểm sơ cứu thương. Tôi cố kháng cự lần cuối cùng trước lối ra vào cửa hàng thuốc, chân bám xuống đất, nhưng mẹ xô mạnh đến nỗi bị bật vào cửa hàng rồi, tôi suýt ngã khuỵu xuống. Trong phòng thấy có một ông bán thuốc và một người bác sĩ trẻ. Mẹ bảo ông bác sĩ:
- Đây là con gái tôi, nhờ ông khám cho nó.
Ông bác sĩ dẫn chúng tôi ra phòng khám ở phía sau, tại đây có một chiếc đi-văng có gối dùng để sơ cứu bệnh nhân và hỏi:
- Trước hết bà cho biết cô ấy bị làm sao mà phải khám bệnh?
- Cái đồ khốn kiếp này đã ngủ với chồng chưa cưới thế mà còn cứ chối đây đẩy - Mẹ gào lên – Tôi muốn ông khám cho nó và cho biết sự thật.
Ông bác sĩ thấy chuyện đến là khôi hài, nên mỉm cười và vân vê ria mép.
- Nhưng bác cần một sự giám định, chứ không phải khám bệnh – Ông ta nói.
- Tùy ông muốn bảo sao thì bảo - Mẹ lại gào lên – Những tôi muốn ông khám cho nó... Chẳng nhẽ ông không phải là bác sĩ à?... Chẳng nhẽ ông không có trách nhiệm khám người được yêu cầu làm việc đó à?
- Bình tĩnh... bình tĩnh nào – Ông bác sĩ nói – Tên cô là gì?
- Adriana ạ - Tôi đáp.
Tôi ngượng chín người. Tính gây gổ của mẹ cũng như phong cách dịu dàng của tôi cả phố ai cũng đều biết rõ.
- Nếu thậm chí cô ấy xử sự như vậy – Ông bác sĩ nói, chắc hẳn ông hiểu được nỗi ngượng ngùng của tôi và cố tránh không khám – thì có gì xấu đâu? Họ sẽ cưới nhau và mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp.
- Đấy không phải là công việc của ông!
- Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào, - Ông bác sĩ mềm mỏng nhắc lại. Sau đó ông quay lại bảo tôi – Cô thấy đấy, mẹ cô cứ muốn khám cho cô, cô cởi áo ra đi... cô có thể rời đây trong vài phút thôi.
Cố đánh bạo, tôi bảo:
- Vâng, con đã ăn nằm với Gino... về đi, mẹ.
- Không, không, con thân yêu - Mẹ nói với giọng không để cho phản đối – Con phải để ông bác sĩ khám, con ạ.
Tôi cởi áo và ngoan ngoãn nằm xuống đi-văng, ông bác sĩ khám xong liền tuyên bố với mẹ:
- Bà đã nói đúng, quả như vậy. Bây giờ bà hài lòng rồi chứ?
- Bao nhiêu? - Mẹ rút ví tiền ra và hỏi.
Trong lúc đó tôi ngồi dậy và mặc áo quần. Ông bác sĩ không lấy tiền và hỏi tôi:
- Cô yêu chồng chưa cưới của cô chứ?
- Tất nhiên ạ - Tôi đáp.
- Thế bao giờ hai người cưới nào?
- Thằng ấy sẽ chẳng bao giờ lấy nó đâu! - Mẹ gầm lên.
Nhưng tôi bình tĩnh lại:
- Sắp thôi ạ... sau khi tích góp được một khoản nào đấy.
Chắc hẳn trong ánh mắt của tôi để lộ một niềm tin ngây thơ đến nỗi ông bác sĩ bật cười, vỗ nhẹ vào má tôi rồi tiễn chúng tôi.
Tôi chờ đợi là vừa về đến nhà, mẹ tôi sẽ nhẩy bổ vào tôi mà chửi rủa, có lẽ còn đánh cho tôi một trận nữa. Nhưng về nhà, mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng, nhóm bếp chuẩn bị thức ăn cho tôi, tuy trời đã khuya. Đặt chảo lên bếp, mẹ vào phòng dọn những mẩu vải ở một đầu bàn, rồi bày bàn ăn. Tôi ngồi trên chiếc đi-văng mới đây mẹ đã kéo tóc tôi ấn xuống và lẳng lặng nhìn mẹ. Tôi vô cùng bối rối vì mẹ không những không trách mắng tôi, mà thậm chí còn tỏ ra rất vui mừng, hớn hở về một điều gì đó. Bày bàn xong, mẹ vào bếp và lát sau bưng chảo quay trở lại.
- Ra ăn đi, con.
Thật tình, tôi đói cào cấu. Tôi ngượng ngùng đến bên bàn và ngồi xuống chiếc ghế mẹ đã ân cần kéo ra cho tôi. Trong chảo có một món đặc biệt: thịt và trứng.
- Nhiều quá, mẹ ạ - Tôi nói.
- Ăn đi, bổ lắm đấy... Con phải ăn đi - Mẹ đáp.
Tôi thấy sự chú ý này của mẹ đối với tôi cứ lạ lùng thế nào ấy, nó hơi có vẻ giễu cợt, nhưng không hề mang tính chất thù ghét nào cả. Ngồi im một lát, mẹ lại lên tiếng hỏi, giọng để lộ một chút cay độc:
- Thế Gino không nghĩ ra chuyện cho con ăn à?
- Chúng con ngủ thiếp đi – Tôi đáp – Sau đó thì trời đã khuya.
Mẹ không nói năng gì, mà chỉ đứng nhìn tôi ăn. Như mọi khi, mẹ lấy thức ăn cho tôi, nhìn tôi, rồi vào ăn ở bếp. Mẹ không bao giờ ngồi ăn cùng một bàn với tôi, mẹ ăn ít hoặc ăn những thứ tôi ăn còn lại, hoặc ăn những thứ dở hơn. Mẹ nhìn tôi như nhìn một vật quý dễ vỡ, một vật quý duy nhất mẹ có và cần phải giữ gìn cho thật chu đáo. Sự chăm chút ân cần và ngưỡng mộ này từ lâu chẳng làm tôi ngạc nhiên nữa. Song lần này, sự bình tĩnh và dáng vẻ hả hê của mẹ gây cho tôi một nỗi lo ngại bâng quơ.
- Mẹ giận con vì con và anh Gino đã... Nhưng anh ấy hứa sẽ lấy con... Chẳng bao lâu nữa chúng con sẽ cưới nhau mẹ ạ.
Mẹ liền đáp luôn:
- Mẹ không còn giận con nữa... Mẹ tức là phải chờ đợi con suốt tối và rất lo... Thôi đừng nghĩ tới chuyện đó nữa, ăn đi con.
Giọng hoạt bát giả dối và câu trả lời quanh co của mẹ - Tựa như khi nói chuyện với trẻ con ta không muốn trả lời các câu hỏi của chúng – đã gây cho tôi một sự hoài nghi lớn.
- Sao lại không nghĩ, mẹ? Mẹ không tin anh ấy sẽ cưới con à? – Tôi gạn hỏi.
- Tất nhiên là tin chứ, nhưng bây giờ tốt hơn hết là ăn đi.
- Không, mẹ không tin.
- Đừng sợ, mẹ tin mà, ăn đi.
- Mẹ chưa nói thật thì con sẽ không ăn đâu – Tôi tức giận tuyên bố - Tại sao mẹ có dáng vẻ hài lòng như vậy?
- Đâu có chuyện ấy?
Mẹ cầm chảo không mang vào bếp. Tôi đợi mẹ quay vào lại hỏi:
- Mẹ hài lòng phải không?
Mẹ im lặng nhìn tôi một lúc lâu rồi đáp giọng rất nghiêm chỉnh:
- Ừ, mẹ hài lòng.
- Tại sao cơ?
- Vì bây giờ mẹ tin chắc thằng Gino sẽ chẳng bao giờ chịu lấy con và bỏ con thôi.
- Không đúng, anh ấy bảo là anh ấy sẽ cưới mà.
- Không cưới. Cái mà nó muốn, nó đã giành được rồi... Nó sẽ không lấy con và sẽ bỏ rơi con.
- Thế nhưng tại sao anh ấy lại không lấy con?... Mẹ làm ơn giải thích cho con xem nào.
- Nó không lấy và sẽ bỏ rơi con... Nó chỉ vui chơi với con rồi nó sẽ bỏ rơi, con sẽ không nhận được một đồng xu mẻ nào của cái tên quần manh áo mảnh ấy đâu.
- Tại sao mẹ lại vui?
- Tất nhiên, bây giờ mẹ tin chắc bọn bay sẽ không lấy nhau.
- Nhưng như thế thì mẹ được lợi lộc gì? – Tôi tức giận và cay đắng thốt lên.
- Nếu nó muốn lấy con, nó đã chẳng ngủ với con - Mẹ bỗng tuyên bố - Mẹ là vợ chưa cưới của bố mày trong suốt hai năm, mãi đến cận ngày cưới bố mày mới hôn tao, còn cài thằng này nó chơi bời với mày rồi sẽ bỏ rơi thôi. Tao nói chớ có sai... Mẹ mừng vì đã xảy ra như vậy, nếu không mày lấy nó thì khổ một đời.
Thâm tâm tôi cảm thấy mẹ nói đúng, nước mắt tôi trào ra.
- Con biết mẹ chẳng muốn con có gia đình. Mẹ muốn con có cuộc sống như Angelina – Tôi bảo.
Angelina sống ở khu phố chúng tôi. Thoạt đầu cô ta thay đổi chưa cưới cứ xoành xoạch, sau đó công khai làm điếm.
- Mẹ muốn con sung sướng - Mẹ làu bàu, rồi thu dọn bát đĩa, bưng vào bếp rửa.
Ngồi lại một mình, tôi suy ngẫm một hồi lâu lời mẹ. Tôi nhớ lại những lời hứa của Gino, hành vi của anh và cố từ thuyết phục là mẹ nhầm. Nhưng tôi lúng túng trước thái độ tin tưởng, bình tĩnh của mẹ, trước những nét vui vẻ hài lòng của mẹ. Trong lúc đó mẹ rửa bát đĩa ở trong bếp. Sau đó tôi thấy mẹ xếp đĩa vào chạn và vào buồng ngủ. Đợi một lát, tôi tắt đèn, và mệt mỏi rã rời chân tay, tôi nằm xuống cạnh mẹ.
Cả ngày hôm sau, tôi cứ đắn đo xem có nên nói với Gino về nỗi ngờ vực của mẹ không, nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy không yên. Lúc này, thật ra tôi sợ Gino bỏ rơi tôi như mẹ bảo và sợ nói lại với anh như lời mẹ để khỏi vấp phải những suy nghĩ tương tự. Lần đầu tiên tôi nhận thức rằng là đàn bà con gái đã trao thân cho đàn ông thì hoàn toàn phục tùng họ và không thể buộc họ hành động theo ý mình nữa. Song, dẫu sao tôi vẫn tin Gino sẽ giữ lời hứa và hành vi của anh trong buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai người củng cố niềm tin cho tôi.
Tôi biết Gino sẽ ân cần và rất dịu dàng với tôi, nhưng sợ anh sẽ không nói đến chuyện cưới xin hoặc cùng lắm nhăng cuội mấy lời chung chung. Nhưng khi xe vừa dừng lại tại một chỗ ở gần xa lộ, Gino bảo tôi rằng anh có ý định tổ chức đám cưới trong thời hạn không quá năm tháng. Niềm vui của tôi lớn tới mức không kìm được, tôi buột miệng nói ra những lời mẹ bảo:
- Thế anh có biết em đang nghĩ gì không?... Em nghĩ rằng sau sự việc xảy ra tối qua, anh sẽ bỏ rơi em.
- Thế em cho anh là một thằng đểu à? – Anh tức giận hỏi.
- Không, nhưng em biết rằng nhiều người đàn ông đã xử sự như vậy.
- Em ạ, anh có thể phật ý đấy – Gino không để ý trả lời câu hỏi của tôi, nói tiếp – Ý kiến của em về anh nghe kỳ nhỉ? Em yêu anh như thế đấy.
- Em yêu anh – Tôi đáp, giọng lạc đi – Nhưng em lo anh không yêu em nữa.
- Lẽ nào anh lại để cho em có lý do nghĩ như vậy?
- Không, nhưng...
- Em ạ - Anh bỗng nói – Em đã xúc phạm anh như vậy, anh sẽ đưa em đễn xưởng họa ngay bây giờ - Và anh làm ra vẻ nổ máy xe ôtô.
Tôi hốt hoảng ôm chặt lấy cổ Gino và van nài:
- Thôi, đừng giận nữa, anh, ấy là em nói thế thôi... Bỏ qua những lời vừa rồi của em đi.
- Nói sao có nghĩa là nghĩ vậy... nghĩ vậy thì nghĩa là không yêu.
- Nhưng em yêu anh.
- Thế có lẽ anh thì không đấy – Anh ác miệng nói – Em cho rằng anh lăng nhăng với em xong rồi bỏ rơi đấy... Kỳ cục thế mà mãi tới lúc này em mới nhận thấy điều đó.
- Gino, sao anh lại nói với em như vậy? – Tôi hỏi, mắt nhòa lệ - Em đã làm gì anh nào?
- Chẳng làm gì cả - Anh đáp và nổ máy xe – Bây giờ anh sẽ đưa em tới xưởng họa.
Xe chuyển bánh, Gino nghiêm mặt và cau có ngồi sau tay lái, còn tôi không kìm được nước mắt, ngó nhìn cột cây số thấp thoáng ngoài cửa xe, ngó nhìn những hình bóng các ngôi nhà trong thành phố nổi lên trên đường chân trời nơi cuối cánh đồng. Tôi nghĩ mẹ hân hoan vui mừng khi biết chúng tôi đã xích mích với nhau và biết rằng, như mẹ dự đoán trước, Gino muốn bỏ tôi. Trong cơn tuyệt vọng, tôi mở cửa xe, nhoài ra ngoài và bảo:
- Dừng xe lại ngay, nếu không em lao xuống đấy.
Đưa mắt nhìn tôi, Gino giảm tốc độ và cho xe chạy ở lề đường rồi đậu sau một đống đá dăm. Sau đó anh tắt máy kéo phanh tay và quay lại bảo tôi, vẻ sốt ruột:
- Nào, nói gì thì nói đi, nhanh nhanh lên.
Tôi thấy anh đúng là muốn bỏ rơi tôi, nên đã hăng hái thuyết phục, đến tận bây giờ, khi nhớ lại nỗi xúc động của tôi dạo ấy, tôi thấy nó vừa buồn cười vừa cảm động. Tôi đã thổ lộ tôi yêu anh biết bao thậm chí còn bảo rằng cưới hay không cũng không quan trọng, được làm tình nhân của anh là tôi vui rồi. Anh nghe tôi nói, vẻ buồn bã và lắc đầu bảo:
- Thôi..., thôi, hôm nay thế đủ rồi... Có lẽ ngày mai anh sẽ bỏ đi xa.
Chúng tôi cãi nhau một hồi lâu trước thái độ rất mực chín chắn của anh, tôi đã mấy lần không kìm được nước mắt và vô cùng tuyệt vọng. Dần dần tâm trạng buồn rầu của anh qua đi và cuối cùng, sau những cái hôn lâu vô tận và những cái vuốt ve tôi đã phung phí một cách vô ích, tôi nghĩ rằng mình đã thắng anh. Tôi rủ anh xuống hàng ghế phía dưới và hiến thân cho anh. Lẽ ra tôi phải hiểu rằng hành động như vậy, tôi không những không giành được thắng lợi mà càng phụ thuộc vào anh, ấy là chưa kể tôi để lộ rõ mình sẵn sàng thuộc về anh không thuần túy do dục vọng, mà chỉ là lấy lòng anh bằng mọi giá khi thấy lời nói chưa đủ sức thuyết phục. Tất cả đàn bà con gái đang yêu mà nghi ngờ chuyện họ được yêu đều hành động như vậy. Dạo đó tôi còn mù quáng cho rằng anh tế nhị và có phẩm hạnh mực thước và không nhận ra tất cả những điều đó đều thuộc tính đạo đức giả bẩm sinh của anh. Anh làm và nói điều anh thấy cần phải nói và làm đúng lúc.
Ngày cưới đã được ấn định và tôi liền bắt tay vào việc chuẩn bị. Tôi và Gino quyết định thời gian đầu sau khi cưới nhau thì tạm thời sống cùng với mẹ. Ngoài phòng lớn, bếp và phòng ngủ, còn có mộtphòng nữa, do không có tiền, mẹ đã bỏ không, chẳng bày biện đồ đạc gì cả. Chúng tôi tống vào đấy những thứ đồ cũ, vô dụng, ta thử hình dung mọi cái trong nhà tôi đều cũ kỹ và chẳng đáng giá thì thử hỏi những thứ tống vào đấy là những đồ như thế nào. Sau những cuộc trao đổi triền miên chúng tôi phác họa được một kế hoạch như sau: chúng tôi sẽ trang bị đồ đạc cho căn phòng ấy rồi sẽ về ở đấy. Ngoài ra cần phải may quần áo cho tôi. Hai mẹ con tôi rất nghèo, nhưng qua lời mẹ tôi tôi biết được rằng mẹ có dành dụm được một chút ít, mẹ đã tích cóp cho tôi khoản tiền ấy để có khi cần đến. Khi nào tôi không rõ, nhưng tất nhiên phải để chi dùng cho đám cưới của tôi lấy một người nghèo khổ và bấp bênh. Tôi gặp mẹ và bảo:
- Tiền mẹ có, mẹ đã tích góp cho con, đúng không mẹ?
- Đúng.
- Nếu mẹ muốn thấy con hạnh phúc, mẹ hãy cho con số tiền ấy, con sẽ trang bị vào căn phòng trống ở nhà ta và sẽ cùng anh Gino sống tại phòng ấy... Nếu mẹ để dành số tiền đó cho con thì đây là lúc mẹ cho con.
Tôi chờ đợi những lời chửi bới, cảnh om xòm và cuối cùng là lời khước từ. Nhưng cứ lẳng lặng nghe tôi xin xỏ, vẻ mặt mẹ bình tĩnh một cách giễu cợt, làm tôi chán nản chẳng khác gì như khi tôi từ biệt thự trở về vào cái đêm nọ.
- Thế nó không cho gì à? - Mẹ chỉ hỏi có vậy.
- Tất nhiên là có chứ ạ - Tôi nói dối – Anh ấy đã trao đổi về chuyện đó... Nhưng con cũng phải đóng góp chứ mẹ.
Mẹ ngồi bên cửa sổ, ngước mắt nhìn khỏi công viên và bảo:
- Con vào phòng ngủ, mở ngăn kéo tủ trên ra... trong có một chiếc hộp bằng bìa đựng cuốn sổ tiết kiệm và ít đồ nữ trang bằng vàng... Cầm lấy cuốn sổ đó và chỗ vàng, mẹ tặng con đấy.
Vàng chẳng có bao lăm: một chiếc nhẫn, một đôi hoa tai và sợi dây chuyền. hồi còn nhỏ, tôi đã trông thấy mấy thứ đồ quý thảm hại này được bọc giấu trong mấy mảnh vải vụn, dạo đó, tôi cho rằng đây là một kho báu. Tôi ôm hôn mẹ thắm thiết. Mẹ đẩy tôi ra, tuy không thô bạo nhưng lạnh lùng và bảo:
- Cẩn thận... mẹ đang cầm kim... khéo bị đâm đấy.
Dẫu sao, tôi cũng tự cảm thấy áy náy thế nào ấy. Mơ ước thì nhiều, nhưng đạt được lại chẳng là bao, tôi những muốn đạt được nhiều hơn nữa để cả mẹ cũng vui sướng.
- Mẹ ạ, chẳng qua mẹ chỉ muốn chiều lòng con thì con sẽ không nhận một thứ gì đâu – Tôi nói.
- Đúng, tất nhiên không phải để làm vừa lòng nó - Mẹ đáp và lại bắt tay vào công việc.
- Quả thật mẹ không tin rằng con và anh Gino sẽ lấy nhau à? – Tôi dịu dàng hỏi.
- Mẹ chẳng bao giờ tin có chuyện ấy cả, huống hồ là bây giờ.
- Thế sao mẹ lại cho con tiền để mua sắm?
- Đấy có phải là tiền vất đi đâu, đồ đạc, áo xống vẫn là của con cơ mà, đồ vật hoặc tiền bạc, có gì khác nhau?
- Thế mẹ có cùng con ra cửa hàng chọn các thứ không?
- Lạy Chúa - Mẹ gầm lên – Tôi không muốn biết gì hết... Tự mà lo liệu lấy, đi mà chọn, tôi không biết gì để mà khuyên với bảo cả.
Mẹ tỏ ra đặc biệt trái tính trái nết trong tất cả những vấn đề liên quan đến đám cưới của tôi, tôi biết sự trái tính trái nết này của mẹ không phải do đạo đức, tính tình và địa vị của Gino nảy ra, mà do quan niệm của chính bản thân mẹ về cuộc sống. Điều người khác cho là kỳ cục thì chính mẹ coi là hoàn toàn tự nhiên: Mọi phụ nữ chăm chăm bảo con gái mình lấy chồng sớm thì mẹ cố mong cho tôi vẫn là gái chưa chồng.
Do đó giữa mẹ con tôi đã nẩy nở cuộc đấu tranh thầm lặng... mẹ muốn đám cưới của tôi không thành và tôi phải thú nhận lý lẽ của mẹ đúng, ngược lại, tôi muốn đám cưới của tôi thành và mẹ phải công nhận quan điểm của tôi về cuộc sống là đúng. Vì vậy, tôi cho rằng toàn bộ sự tồn tại của tôi phụ thuộc vào điều tôi có lấy được Gino hay không. Tôi cay đắng nhận thấy mẹ hằn học theo dõi sự bận bịu của tôi và cứ những mong mọi việc sẽ đổ vỡ.
Cần phải lưu ý rằng sự khẳng khái giả tạo của Gino không hề bị ô danh ngay cả trong thời gian chuẩn bị đám cưới của chúng tôi. Tôi bảo mẹ Gino sẽ đóng tiền vào những khoản chi tiêu, ấy là tôi nói thế thôi chứ mãi tới lúc này thậm chí anh không hề hé răng đả động đến chuyện đó. Vì vậy tôi ngạc nhiên và vui mừng khi Gino thẳng thừng đề nghị đưa tôi một khoản tiền nhỏ để chuẩn bị đám cưới. Anh xin lỗi vì số tiền quá ít ỏi, viện cớ không thể đưa hơn được vì vẫn phải gửi tiền đều đặn biếu bố mẹ. Bây giờ, nhớ lại trường hợp ấy, tôi có thể giải thích được nó chẳng qua chỉ là ý muốn tô vẽ cho bản thân và tủ vai mình cho tôi phút chót. Việc này, chắc hẳn nảy sinh do lương tâm bị cắn dứ tvì đã lừa dối tôi và nuối tiếc vì không thể lấy tôi làm vợ. Tôi vui mừng bảo với mẹ về khoản tiền của Gino. Mẹ cay độc nhận xét rằng khoản tiền ấy quá nhỏ nhoi để có thể đem lại một lợi ích nào đó, nhưng hoàn toàn thừa đủ để hư trương thanh thế.
Đấy là giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời tôi. Ngày nào tôi cũng gựp Gino và thỏa lòng mây mưa ở khắp mọi nơi: trên ghế sau ôtô, tại một góc phố vắng vẻ, ngoài đồng ở vùng ngoại ô và lại ở trong biệt thự, trong phòng Gino. Một đêm, khi tiễn tôi về nhà, chúng tôi nằm luôn ra sàn chỗ đầu cầu thang tối om om trước lối ra vào căn hộ. Lần khác, sự việc diễn ra trong rạp chiếu bóng, chúng tôi ngồi khuất nơi cuối sát ngay phòng chiếu. Tôi thích cùng Gino đi tàu điện chật ních người, đến những chốn đông đúc có thể ép người sát vào anh. Tôi luôn luôn khao khát cầm tay anh, vuốt tóc anh, tìm mọi cách để được vuốt ve anh, bất kể đang ở đâu, dù cho trước bàn dân thiên hạ, vì tôi cho rằng chẳng ai để ý thấy cả; ấy là sự đam mê không kìm nén được, thường người ta hay nghĩ như vậy. Những cái vuốt ve âu yếm gây cho tôi cảm giác cực kỳ khoan khoái, chắc hẳn tôi còn cảm giác mê mẩn hơn chính bản thân Gino. Tôi cảm thấy mình mong đợi những cái vuốt ve không chỉ vì lòng thương yêu người chồng chưa cưới, mà chính là vì khoái cảm đã gợi cho tôi hồi đó. Tuy tôi không hề nghĩ mình có thể biết được những khoái cảm tương tự khi tiếp xúc với những người đàn ông khác, song dẫu sao, theo bản năng, tôi nhận ra sự khéo léo và nỗi say mê khi vuốt ve Gino không chỉ để thổ lộ tình yêu của tôi với anh mà còn cho rằng tất cả những điều đó là hoàn toàn tự nhiên, chắc hẳn với một ai khác Gino, đặc tính này cũng xuất hiện.
Nhưng dạo ấy, tôi chỉ nghĩ tới mỗi chuyện lấy chồng. Hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn, tôi lao vào giúp mẹ không biết mệt là gì và thường đi ngủ rất muộn. Vào những ngày không phải làm mẫu, tôi và Gino lang thang khắp các cửa hàng và ngắm đồ gỗ cùng những thứ cần sắm khác. Tôi có ít tiền, chính vì vậy phải lựa chọn những đồ mua sắm cẩn thận và xét nét như vậy. Tôi yêu cầu đưa cho xem những thứ rõ ràng không đủ khả năng mua, ngắm chúng một hồi lâu, mặc cả rút bớt giá, rồi bảo rằng tôi rất thích, hoặc hứa hẹn sẽ quay trở lại vào một lần khác và bỏ đi không hề mua gì cả. Tôi không nhận thấy việc tôi thường hay lui tới các cửa hàng – nơi tôi khao khát ngắm những thứ khả năng không thể mua được – đã vô tình xúi tôi đồng tình với mẹ: không có tiền thì không thể có hạnh phúc trọn vẹn. Sau lần thứ hai đến thăm ngôi biệt thự, khi tôi lại được ngó vào nhìn thiên đường của sự xa hoa mà tôi đã bị xua đuổi, mặc dù không hề phạm một lỗi lầm nào, tôi bất giác cảm thấy cay đắng và căm phẫn. Song, như lần đầu, tôi cố gạt ra khỏi đầu óc mình những suy nghĩ về nỗi bất công này. Tình yêu là của cải duy nhất của tôi và nhờ nó tôi cảm thấy mình bằng vai phải lứa với những phụ nữ thành đạt hơn.
Cuối cùng, bàn đi tính lại mãi, tôi quyết định mua những thứ, nói chung là giản dị. Tôi mua chịu trả dần trọn bộ đồ gỗ kiểu hiện đại, trang bị cho phòng ngủ gồm một chiếc giường đôi, bàn trang điểm có lắp gương, một chiếc tủ con, mấy cái ghế và một chiếc tủ lớn. Đấy chỉ là những thứ bình thường nhất, rẻ tiền và được gia công không phảil à tinh vi, nhưng tôi đã thích mê mẩn ngay bộ đồ gỗ của mình. Tường đã quét vôi trắng, cửa ra vào và cửa sổ được sơn lại, sàn nhà được đánh si bóng nên căn nhà của chúng tôi giống như một đảo nhỏ và sạch sẽ nằm giữa biển cả bẩn thỉu. Cái ngày người ta chở đồ đạc tới là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Thậm chí tôi không tin rằng căn phòng sạch sẽ, sáng sủa, thơm mùi vôi và sơn này thuộc về tôi, nên một niềm vui vô tận hòa xen vào nỗi khoan khoái. Đôi lúc, khi không thấy mẹ dõi theo, tôi thơ thẩn đi trong phòng mình, ngồi hàng giờ trên tấm nệm trần ngắm tài sản của bản thân. Ngồi im bất động như tượng, tôi ngắm bộ đồ gỗ, bụng không tin là có thực và chỉ sợ nó biến mất trong giây phút để lại những bức tường trơ trụi. Chốc chốc tôi đứng lên, lấy khăn thận trọng lau bụi bặm trên đồ vật làm mặt gỗ bóng lộn lên. Tôi nghĩ cứ tiếp tục như thế này thì một ngày nào đó tôi thậm chí sẽ hôn đồ đạc của mình. Cửa sổ không treo rèm trông ra một cái sân lớn bẩn thỉu nằm lọt giữa các ngôi nhà cũng thấp lè tè và dài dằng dặc như nhà chúng tôi. Sân tựa hệt sân nhà tù hoặc sân bệnh viện, nhưng đắm mình trong giấc mơ, tôi chẳng nhận thấy gì hết và lòng rộn ràng hạnh phúc, tưởng đâu căn phòng của tôi có những cửa trông ra vườn cây có khoảng vườn cây cối sum sê tuyệt đẹp. Tôi hình dung ra cuộc sống của tôi và Gino tại nơi đây, trong căn phòng này, hình dung chúng tôi sẽ ngủ và sẽ yêu nhau nơi đây ra sao. Tôi còn nghĩ xem nếu có khả năng thì mua sắm những gì thêm nữa: chỗ này sẽ để một lọ hoa, chỗ kia cái đèn, còn chỗ đằng kia, một chiếc gạt tàn thuốc lá hoặc đồ mĩ nghệ trang trí nho nhỏ nào đó. Tôi buồn một nỗi là không thể nào bố trí được một buồng tắm, tuy không lát gạch men trắng, bóng và lắp các thứ đồ mạ kền như ở biệt thự, song dẫu sao cũng là một buồng tắm mới, sạch sẽ. Tôi quyết định giữ cho căn phòng mình sạch sẽ và ngăn nắp. Sau khi thăm ngôi biệt thự, tôi tin rằng sự tráng lệ mở đầu chính từ sự ngăn nắp và sạch sẽ.