Chương 16

Buổi điểm danh sáng hôm sau, Anna đứng giữa trời mưa như trút, ôm bé Janna trong tay và trong lòng cảm thấy một nỗi bồn chồn quái lạ khiến cô đâm hoảng.
Trước khi trời sáng khoảng nửa giờ, một tên cai tù đến tìm Janet và thúc cô lên văn phòng chỉ huy trại ngay. Janet vội vã đến mức không kịp chi tay với bạn. Nghĩ lại, Anna đoán thấy đó là một cái bẫy. Bởi lúc Janet đi ra, Anna cảm thấy bạn mình mất đi cả sự tự tin mà cô thường thấy ở Janet.
Và quả là thế. Suốt từ lúc Janet ra đi cho đến giờ điểm danh, Anna không thấy không có hiện tượng gì mới và khi loa gọi tù nhân ra sân, Anna vội bế bé Janna chạy ra. Nàng bỗng cảm thấy lẻ loi lạ bởi đây là lần đầu tiên nàng ra điểm danh không có bạn.
Lúc ra đến gần “Quảng trường đại nguyên soái Franco”, bất giác Anna đứng lại ngoái đầu về phía sau định giục Janet, như mọi lần nàng vẫn làm, kể từ ngày đầu tiên ở trong trại. Nhưng lần này nàng không thấy ai hết! Lúc đó nàng mới chợt nhận ra rằng tình bạn giữa nàng và Janet đã thân thiết và gắn bó biết bao. Vắng Janet, Anna cảm thấy cô đơn kinh khủng.
Thêm nữa, nàng hoảng hốt nhận thấy từ nay toàn bộ việc chăm sóc bé Janna trút cả lên đầu nàng. Không ai sẵn có bản năng làm mẹ mà phải lo tập dần mới có được những kinh nghiệm cần thiết. Tuy nhiên Anna thấy Janet dường như có được bản năng quý giá ấy và từ trước tới nay bao giờ nàng cũng dựa vào bạn. Mỗi lần bé Janna làm sao, nàng đều nhờ Janet quyết định cách xử trí và Anna chỉ việc làm theo.
Trong lúc lá cờ Tây Ban Nha từ từ kéo lên và đoàn tù nhân hát lộn xộn bài quốc ca Tây Ban Nha, một chiếc xe hơi cắm cờ hiệu nhỏ từ cửa ngôi nhà chỉ huy trại lao đi. Lúc xe dừng lại để ở cổng chính nhà tù để chờ lính mở khóa, Anna thoáng thấy Janet ngồi ghế sau, quay lại ngó qua cửa sổ xe. Bốn con mắt gặp nhau trong một chớp mắt rồi xe lao đi, khuất trong làn mưa rào đổ xuống như trút nước.
Những ngày sau khi Janet đi, nỗi lo lắng của Anna chuyển thành thứ tâm trạng suy sụp và nàng cảm thấy toàn thân rã rời không còn thiết làm thứ gì nữa. Nỗi suy sụp không chỉ là thân thể mà cả tinh thần. Chân tay nàng không còn sinh khí nữa và buổi sáng mới thức dậy, nàng đã thấy khắp người bải hoải. Nhưng đáng sợ nhất là tâm trạng của một kẻ thất bại. Nàng cảm thấy mọi cố gắng đều chỉ vô ích và tương lai của nàng sẽ khôn hứa hẹn một điều gì dễ chịu.
Tâm trạng tuyệt vọng, mất hết mọi hi vọng ở tương lai khiến Anna ngại đi ra ngoài. Nàng ru rú trong phòng với bé Janna và chỉ bất đắc dĩ lắm mới bước ra khỏi lán. Chẳng hạn những chuyện trại yêu cầu ở tù nhân, hoặc những yêu cầu tự nhiên của bản thân nàng. Ngày ngày nàng càng xa lánh các bạn tù khác.
Genevieve nhìn thấy tâm trạng đó của bạn. Hàng ngày đem sữa cho Janna và thức ăn cho Anna, cô đều tìm cách động viên bạn và nâng đỡ tinh thần cho bạn.
Cô gái Pháp bây giờ mỗi ngày đi dạo hai lần, sáng và chiều trong “khu phố Ăng lê” để kiếm khách. Những lần bán dâm của cô tiến hành trong lán tù của mụ công tước và khách cũng chi bằng tiền mặt ngay tại đó cho mụ. Một số khách đã trở thành thường xuyên. Trong số này có những người giấu được đài thu thanh, họ thường xuyên nghe tin tức ngoài mặt trận. Và đến khi làm tình với Genevieve họ kể lại cho cô nghe.
Genevieve mừng rỡ báo tin lại cho Anna:
-Tình hình tiến triển tốt lắm. Người ta đang kháo nhau rằng chiến tranh sắp kết thúc, chỉ trong một tháng nữa thôi.
Nghe bạn kể, Anna thường không trả lời. Tâm trạng suy sụp của nàng dường như càng thấy bạn phấn khởi bao nhiêu thì càng nặng nề bấy nhiêu. Đêm đêm, sắp đến giờ Genevieve tới thăm, nàng thường nằm giả vờ ngủ, không còn muốn nghe bạn nói chuyện để khỏi nghĩ ngợi và lo lắng hơn.
Sang giữa tháng Hai thì tinh thần của Anna suy sụp đến mức báo động. Việc trông bé Janna đã trở thành quá sức với nàng. Mỗi lần Genevieve mang thức ăn đến, cô luôn thấy bạn hình như phó mặc tất, chẳng làm gì hết. Genevieve lại phải dọn dẹp, thay tã và cho bé Janna ăn.
-Không thể tiếp tục thế này được đâu.- mụ công tước bảo khi thấy Genevieve khi thấy cô từ chối một cuộc tiếp khách rất hời. Người tù này trả số tiền quá cao để được ngủ với cô gái Pháp.- Muốn gì thì gì chứ tình bạn không thể cản trở được công việc kinh doanh! Tôi không cho phép cô lơ là việc tiếp khách.
Genevieve đáp:
- Bà tha lỗi, nhưng đối với tôi, sức khỏe của bé Janna là trên hết.
Mụ công tước nhăn mặt:
- Xin nhắc để cô nhớ, tôi đầu tư vào công cuộc kinh doanh này nhiều tiền lắm đấy.
Cô gái Pháp cãi lại:
- Tôi sẽ hoàn trả bà đầy đủ, cả vốn lẫn lãi, nhưng là sau này. Còn trước mắt tôi phải tạm ngưng chuyện tiếp khách để chăm sóc cho bé Janna cho đến khi nào Anna bình phục, có thể trông bé được.
Mụ công tước nhún vai:
- Tùy cô thôi. Nhưng cô ta chỉ có thể chấm dứt tình trạng suy sụp này bằng nỗ lực của bản thân cô ấy.
Tuần lễ sau đó, Genevieve sang ở hẳn với Anna để chăm sóc cho hai người. Tuy nhiên cô cũng chẳng làm gì được nhiều, ngoài việc mua thức ăn ngoài chợ đen, chăm soc giấc ngủ cho cả Anna và Janna. Anna mỗi ngày nằm trên giường hai chục tiếng đồng hồ, mặt quay vào tường và nghĩ ngợi điều gì đó. Hầu như nàng không ra khỏi lán trừ lúc điểm danh và chào cờ buổi sáng.
Các tù nhân thấy Anna như vậy, đều gật gù vẻ hiểu biết. Họ chứng kiến nhiều trường hợp tù nhân tinh thần suy sụp đến mức mà họ gọi là “Sống lay lắt”và thông thường tình trạng này dẫn đến người bệnh tự sát.
Genevieve biết như vậy và cố làm mọi cách để ngăn chặn trước tình trạng đáng sợ kia, nhưng không biết nên làm thế nào. Cô càng thấy giá như Janet ở đây hỗ trợ thêm một tay thì tốt biết bao, Janet luôn có những lời khuyên khôn ngoan trong bất kỳ trường hợp khó khăn nào.
Bước ngoặt cuối cùng đã xảy ra khi lão chỉ huy trại cử hai tên cai tù đưa Anna lên văn phòng của lão. Thoạt đầu nàng không hiểu tên cai tù nói gì.. Mãi đến khi y dí nòng khẩu súng máy vào sườn, Anna mới chịu đứng lên và để Genevieve mặc quần áo cho.
Bế bé Janna trên tay, cô gái Pháp đi theo bạn đến chỗ của tên chỉ huy trại, dìu bạn bước lên những bậc thang nhưng tên cai tù không cho Genevieve vào mà ra lệnh cho Anna tự đẩy cửa lấy mà vào.
Lão chỉ huy trại ngồi sau bàn giấy. Cạnh hắn là một người đàn ông mà Anna chưa hề gặp bao giờ.
- Tôi là Mark Hunter.
Người đàn ông đứng dậy tự giới thiệu rồi chìa bàn tay ra:
- Phó lãnh sự của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Madrid.
Câu anh ta nói tưởng như vẳng đến tai Anna từ dưới đáy giếng sâu
- Phó lãnh sự?
Lần đầu tiên Anna mở miệng nói ra lời sau bao nhiêu ngày câm lặng và nghe như thể của một người đang say rượu.
- Tại Madrid - Viên quan chức Hoa kỳ nhẹ nhàng nhắc lại, vẫn khôn buông bàn tay nàng.
Anna thấy lão chỉ huy chăm chú nhìn và nàng cố trấn tĩnh nhưng không làm sao ngăn được cơn run rẩy.
Mark Hunter nhìn thấy tình trạng thảm hại của cô tù nhân, bèn nắm bàn tay nàng dẫn nàng đến chỗ ngồi đi văng. Anh ta nói:
- Cô thấy dễ chịu chưa?
Lão chỉ huy trại tuyên bố:
- Tôi xin bảo đảm với ông rằng nữ tù nhân này không hề bị hành hạ và đánh đập.
Mark đáp:
- Rất có thể, nhưng cô này cần được chạy chữa cẩn thận.
Anna chậm rãi nói:
- Không cầm, sức khỏe tôi tốt.. chỉ do là..
Giọng nàng mệt mỏi. Nàng không sao tìm được từ để diễn tả tình trạng của mình. Sự cố gắng như vượt quá khả năng của nàng.
- Ông có chút rượu mạnh không?- viên lãnh sự quán nhìn lão chỉ huy trại.- Tôi nghĩ rằng cho cô ta nhấp một chút thì tốt.
Lão chỉ huy trại đứng dậy, đến tủ rượu lấy chai Pedro Domecq, rót vào một cốc nhỏ, đưa cho viên lãnh sự quán. Mark Hunter đưa cốc rượu lên môi Anna.
Anh ta giục:
- Cô uống một chút đi!
Anna làm theo và nàng bị sặc.
Viên quan chức Hoa kỳ khuyến khích:
- Cô uống thêm một chút nữa đi.
Rượu vào đến dạ dày là bốc lên đầu, làm nàng càng khôn thể suy nghĩ được gì hết. Mọi khi nàng thích rượu Brandy, nhưng lúc này dạ dày nàng đang rỗng, nàng ăn đã được nhiều tiếng đồng hồ rồi nên rượu làm nàng choáng váng.
Mark Hunter hỏi:
- Cô thấy dễ chịu hơn không?
Anna gật đầu. Lúc này nàng đã đủ tỉnh táo để nhận thấy vị khách này trạc tuổi bốn mươi. Tóc anh ta hơi hoa râm ở thái dương và anh ta mặc tấm áo jacket rất đẹp bằng vải tweed, sơ mi bên trong màu xanh nước biển, cà vạt kẻ sọc, quần flanel màu tro và giày da nâu. Mark khoan khoái hút tẩu thuốc và Anna nhìn vào bông hoa trà mi gài lên túi ngực của anh ta.
Nàng nói:
- Tôi hơi khó chịu vì thời tiết.
Lão chỉ huy trại tuyên bố:
- Tình trạng này của tù nhân không do chế độ của trại.
Viên lãnh sự thờ ơ đáp:
- Tôi công nhận ông nói đúng. Tuy nhiên công việc trao đổi với ông đã xong, thưa đại tá. Tôi muốn được gặp riêng nữ tù nhân này.
Lão chỉ huy trại miễn cưỡng đồng ý:
- Tôi nghĩ có thể được.
Mark Hunter nói:
- Tôi xin đảm bảo với đại tá rằng ngài Đại sứ Hoa kỳ sẽ được thông báo về sự giúp đỡ nhiệt tình của ông.
Lão chỉ huy gật đầu, bước ra ngoài. Khi cánh cửa đóng lại, viên lãnh sự Hoa kỳ rót rượu ra cốc rồi uống một hơi cạn.
Anna nói:
- Xem chừng ông còn cần rượu hơn tôi.
Viên lãnh sự đáp:
- Ngồi cạnh một con người như ông ta tôi thấy cổ họng mình như khô khốc.
Anh ta nói bằng giọng hơi nghi lễ và cặp mắt màu hạt dẻ chứng tỏ anh ta buộc phải giữ tư thế ngoại giao, không đúng với bản chất chân thật và thoải mái vốn có.
Anna nói:
- Tôi đã tưởng đại sứ quán Hoa Kỳ không quan tâm đến trường hợp của tôi.
Mark Hunter nói:
- Chúng tôi quan tâm chứ. Nhưng có sự trục trặc ở Washington. Nghe đâu người ta thẩm tra lời khai của cô và đi tìm khai sinh của cha cô nhưng chưa thấy.
- Rất có thể cha tôi không sinh ở Mỹ.
- Nhưng cô sinh ra ở Mỹ chứ?
- Tại Manhattan, 14 tháng Bảy năm 1920.
- Ngày phá ngục Bastile.
- Đúng thế.
- Nhưng xin lỗi..
- Đó là ngày người ta thường hay ân xá tù nhân- Anna nói- Chúng ta hi vọng đây sẽ là một ngày trao đổi tù nhân.
Mark Hunter nói:
- Tôi tin là như vậy. Nhưng tôi xin báo trước để cô biết rằng những yêu cầu có tính chất dân sự sẽ có thể bị kéo dài. Bởi Washington lúc này quan tâm nhiều đến việc kết thúc chiến tranh. Tất cả những công việc mang tính chất dân sự đều bị gác lại vì không có người lo. Chưa kể còn phải đợi một thời gian để người ta tìm thấy giấy khai sinh của cô.
- Ông nói thế có nghĩa là tôi còn phải ở lại đây thêm một thời gian nữa?
- Tôi e như thế. Trong khi chưa tìm ra đủ bằng chứng cô là công dân Hoa kỳ thì chúng tôi vẫn còn bị bó tay.
Anna cố nén nỗi thất vọng cay đắng nhưng chắc không giấu nổi nên nàng thấy Mark Hunter nói thêm:
- Tôi sẽ làm mọi cách để đẩy nhanh tiến trình này, chỉ xin cô cung cấp thêm cho vài thông tin.
Anh ta lấy một cuốn sổ bọc da, rồi đeo kính lão. Trông anh ta lúc này già hẳn đi và tựa như một vị giáo sư. Anna thiết nghĩ, lúc nãy khéo mình đã nhầm, khi đoán anh ta ngoài bốn mươi tuổi.
Viên lãnh sự nhìn bên trên đôi kính mắt:
- Cô bảo cô sinh ra ở Manhattan? Cô có nhớ chính xác chỗ nào không?
Anna cố nhớ lại nhưng óc nàng đã mụ đi:
- Tôi còn rất nhỏ nhưng cha mẹ tôi đã rời khỏi chỗ đấy..
Viên lãnh sự ghi lại rất cẩn thận rồi hỏi:
- Cô có nhớ học trường nào không?
- Viện Hàn lâm nghệ thuật tạo hình Manhattan.
- Cô có giữ bằng tốt nghiệp hay giấy tờ gì chứng tỏ cô là sinh viên ở đó không?
- Tất cả đều bị thiêu hủy trong khu tập trung nhưng tên họ và ảnh của tôi hồi đó đã được dán trong sổ theo dõi sinh viên của khóa.
- Cô đã tốt nghiệp chưa?
- Từ lâu lắm rồi.
Khi ông ta ngạc nhiên ngẩng đầu lên nhìn, nàng nói thêm:
- Tháng sáu năm 1935.
- Tốt lắm - anh ta nói.- ít nhất là cũng có thể báo để họ đi tìm và xác minh, bây giờ xin cô cho biết vài chi tiết về đứa nhỏ.
Anna hiểu rằng đây là dịp may mắn để thoát ra khỏi tấm lưới dối trá nàng bị buộc từ hôm Janet khai với viên mõ tòa ở Pamplona, nhưng lại ngập ngừng vì chưa biết cái ông Mark Hunter này có đáng tin cậy không.
Anh ta có vẻ phúc hậu nhưng dù sao cũng là một quan chức và bị luật lệ hành chính bó tay. Nói thật ra với anh ta, bé Janna rất có thể sẽ bị ghi là “trẻ vô thừa nhận” và không được họ cho hưởng quyền công dân. Anna đã biết rất nhiều trường hợp tương tự và những người vô thừa nhận rất khó được bênh vực và che chở.
- Cháu tên là Janna.- nàng nói.
Viên lãnh sự nhận xét:
- Đó là một cái tên hơi lạ. Tên đó do cô chọn hay chồng cô?
- Tôi là chính.
- Cha đứa bé hiện nay ở đâu?
- Chết rồi.
- Xin chia buồn cùng cô.
-Anh ấy bị giết trong trại tập trung
-Theo tôi được biết thì nơi đó là một thứ địa ngục trên trần gian.
Anna không đáp. Giọng nói của viên lãnh sự này rất hiền hậu và Anna cảm thấy nàng có tội khi không nói thật với anh ta..
Mark Hunter nói tiếp:
- Tôi xin lỗi đa phải hỏi cô những điều không vui. Cháu Janna sinh ở đâu?
- Điều ấy có quan trọng lắm không?
- Quan hệ đến quốc tịch của cháu. Tùy thuộc vào quốc tịch của bố hoặc mẹ còn sống của cháu.
- Có nghĩa nếu tôi được chứng minh là công dân Hoa kỳ thì cháu cũng được nhận quốc tịch đó chứ?
Hunter gật đầu. Thấy vậy Anna bật cười. Đã lâu lắm rồi nàng mới cảm thấy vui vui như thế này. Nàng nói:
- Cháu sinh ở làng Irati, một làng nhỏ trên núi Pyrenees.
- Bên cạnh địa phận Tây Ban Nha?
- Đúng thế. Có phiền phức gì không?
Viên lãnh sự gật đầu:
- Kể ra cũng hơi..
Mark chưa kịp nói hết câu thì cánh cửa bật mở, tên chỉ huy trại bước nhanh vào. Lão hỏi viên phó lãnh sự:
- Ngài xong rồi chứ?
Mark Hunter đáp:
- Vâng, cũng vừa xong.
Lão chỉ huy trại bèn gọi một cai tù ra lệnh cho hắn dẫn tù nhân về lán.
Mark Hunter cầm tay Anna nói:
- Tôi sẽ gặp cô ngay khi có tin gì mới.
Nàng đáp:
- Cảm ơn ông.
Anna cảm thấy viên lãnh sự nhìn theo nàng trong lúc tên cai tù dẫn nàng ra ngoài. Cặp mắt anh ta khiến nàng nhớ đến cha nàng. Hình dạng thì không giống nhưng vẻ đôn hậu thì hệt. Trạng thái thờ ơ mệt mỏi biến đâu mất, thay vào đó là một niềm hào hứng tràn trề. Đêm đó, nàng chỉ muốn trò chuyện không thiết ngủ.
Nàng kể Genevieve nghe về hình dáng của viên lãnh sự với đầy đủ chi tiết, luôn nhắn lại rằng bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian, chắc chắn nàng sẽ được xác minh quốc tịch và thoát khỏi nhà tù này.
Anna nói với cô bạn người Pháp:
- Nếu gặp ông ta chị cũng sẽ mến ông ta cho mà xem. Ông Mark Hunter này phúc hậu và nhẫn nại lắm.
Genevieve chưa thấy người đàn ông nào có nét gì đáng quý bao giờ nên không sao có thể tin lời nhận xét của Anna về người đàn ông kia. Cô cho rằng bạn mình đem điều ước mơ thay thế sự thật. Nhưng không muốn làm bạn cụt hứng giữa lúc Anna đang phấn khởi thế này, Genevieve chỉ chăm chú nghe và cố đẩy cơn buồn ngủ ra xa để thức nghe bạn tâm sự. Bởi cô hiểu lúc này Anna càng nói nhiều thì càng có lợi cho sức khỏe.
Chưa đến hai tuần sau, Anna lại được một cai tù đến dẫn lên văn phòng ban chỉ huy trại. Vào trong, nàng thấy Mark Hunter ngồi một mình đang chờ nàng.
Anh rõ ràng rất vui được gặp Anna. Nhưng sau khi báo cho nàng biết cho đến nay anh vẫn chưa nhận được tin tức gì trong nước, anh nói thêm rằng vừa rồi tình cờ anh làm quen được với một quan chức bộ ngoại giao Tây Ban Nha và xin được giấy phép đưa nàng ra khỏi trại tập trung trong hai tiếng đồng hồ.
Mark Hunter nói:
-Tôi nghĩ sẽ làm cô giải sầu đôi chút nếu tôi đưa cô dạo chơi phong cảnh bên ngoài bên ngoài hàng rào dây thép gai này trong vài tiếng đồng hồ.
Anna hỏi:
- Liệu ông chỉ huy trại có chịu không?
Mark nói:
- Ông ta vui lòng để tôi đưa cô ra khỏi đây, với điều kiện tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về cô và trả cô về trại trước giờ giới nghiêm.
Nói xong, Mark nhìn cô chờ đợi. Nàng cảm thấy không có lý do gì từ chối, tuy nhiên nhận lời thì nàng lại ngại ngần. Mark đoán được nỗi băn khoăn của Anna, chắc thế, bởi ông nhẹ nhàng cầm tay nàng đưa nàng ra khỏi cổng chính của trại tập trung.
- Ta dạo một vòng nhé?- anh hỏi, dẫn nàng đến chiếc xe hơi đậu ở bên ngoài tên lính gác cuối cùng.
Anna nói:
- Tôi muốn đi bộ. Đã lâu lắm rồi tôi chưa được đi đứng thoải mái theo ý mình mà không bị cai tù hay lính gác quát hỏi.
Mark gật đầu rồi vẫn cầm tay nàng, chậm rãi đi về phía trung tâm thị trấn cũng mang tên giống như tên trại. Hôm nay ngày phiên chợ, dân chúng tấp nập đi lại, mua sắm của những người bán hàng đứng sau những chiếc xe đẩy. Họ mỉm cười nhìn Mark và nói đùa với ông. Mark cũng đáp lại họ bằng tiếng Tây Ban Nha rất sõi.
Anh nói:
- Cô thích thứ gì cứ bảo tôi. Tôi vừa lĩnh lương và chưa nghĩ ra cách nào để tiêu hết số tiền đó thú vị hơn việc mua cho cô những thứ gì cô thích.
Trong lúc Mark nói, Anna nhìn vào một tấm kính cửa hiệu và thấy hình mình trong đó. Nàng không thể tưởng tượng mình lại thành thế kia. Mới hai mươi bốn tuổi mà trông nàng già như người tuổi gấp đôi. Hai má trũng lại hư người ốm đói, thân hình thì gầy nhom, quần áo rách rưới.
Mark nhận thấy ý nghĩ diễn ra trong đầu Anna, bèn nói:
- Tôi sẽ giải thoát bằng được cô ra khỏi cái địa ngục đó, đó là điều tôi mong muốn nhất lúc này.
Anna còn bỡ ngỡ về bóng mình phản chiếu trong tấm gương, nên không nói gì. Họ lặng lẽ đi tiếp dọc theo đường phố.
Mark hỏi:
- Còn cô, điều cô muốn nhất lúc này là gì?
Anna đáp:
- Được ngâm mình trong bồn nước nóng và thay quần áo sạch.
- Thế thì đơn giản quá.
Mark dẫn nàng đến một cửa hiệu ngay trong trung tâm thị trấn và bảo cửa hiệu đưa ra những thứ quần áo hợp với khổ người nàng. Cảm thấy gặp khách sộp, bà chủ hiệu to béo, có mấy chiếc răng vàng quát gọi mấy cô phục vụ đem ra quần áo, giày dép và đồ lót. Tuy rất ngạc nhiên với người đàn ông sang trọng kia sao có vẻ quan tâm săn sóc đến người phụ nữ dáng hình thảm hại đến như vậy, nhưng bà ta vẫn đưa Anna xem những bộ quần áo đẹp nhất và đắt tiền nhất trong cửa hiệu của bà ta.
Mark nói:
- Cô thoải mái chọn và lấy những gì mà cô thích nhất. Tôi sang bên khách sạn lo chuyện thuê phòng.
Anna bỗng thấy sự nhiệt tình của Mark không chỉ đơn giản là do lòng tốt, lòng thương người như lúc đầu nàng nghĩ một cách ngây thơ. Rõ ràng Mark muốn khai thác thân thể nàng. Mark đi rồi, Anna ngồi một mình trong ngăn thử quần áo. Xung quanh treo đầy các loại quần áo sang trọng. Nàng lúng túng không biết nên chọn cái nào.
Nàng nhìn vào tấm gương soi lớn và thấy toàn bộ thân hình nàng. Lúc này bóng nàng đã có phần dịu lại do ánh sáng bên ngoài chiếu vào hơi yếu, chỉ qua cửa sổ và nàng thấy không đến nỗi thảm hại như lúc nãy. Nàng bỏ hết quần áo cũ, nhìn tấm thân trần ánh lên dưới ngọn đèn của ngăn hàng. Xương sườn nàng nhô ra và nước da trắng bệch như sáp. Thậm chí mái tóc nàng ngày trước đen và bóng là vậy mà giờ đây trông khô khốc, rối bù và xỉn lại. Nàng tự hỏi: “Trông mình tồi tệ như thế này mà sao Mark Hunter lại có thể quý được nhỉ?”
Bà chủ hiệu kéo tấm vải che, bước vào:
- Quý khách cần thứ gì nữa không ạ?
Anna đáp:
- Cảm ơn bà, không ạ.
- Cô thích thứ này chứ?
Anna ngập ngừng:
- Bà cho tôi xem bộ khác được không?
- Còn giầy, cô ưng đôi này?
Anna gật đầu
- Đồ lót thì sao? Cô ưng loại này chứ?
Nàng định từ chối nhưng chợt nghĩ đến Genevieve, bộ đồ lót này chắc hẳn bạn nàng thích lắm đây. Anna hình dung đến vẻ mừng rỡ của cô bạn người Pháp khi nàng đưa tặng bộ đồ bằng lụa này.
- Tôi lấy bộ đồ lót màu hồng này- nàng nói.
- Cô tinh lắm, thưa quý khách. Đây là bộ đẹp nhất trong cửa hàng của chúng tôi.
Anna lựa một bộ mặc ngoài giản dị. Nàng không định trưng diện với ai trong trại. Và nàng cũng không muốn lợi dụng lòng tốt của Mark. Anna định sẽ nói với ông lãnh sự kia rằng nàng coi khoản tiền anh ta chi ra cho nàng hôm nay chỉ là nàng vay. Bao giờ về đến nước nàng sẽ hoàn lại.
Mark đã về đến cửa hàng, hỏi vọng nàng từ ngoài:
- Xong chưa?
Anna mặc bộ đồ bằng vải bông giản dị và đưa mắt ngắm lại mình trong gương. Bộ quần áo mới rõ ràng làm nàng gọn hẳn lên, chỉ chừa mái tóc trông vẫn còn bơ phờ. Ra khỏi ngăn thử quần áo, nàng quay một vòng hỏi:
- Ông thấy thế nào?
- Trông cô lớn hơn rất nhiều đấy.- anh nói.
- Còn thứ này thì sao, thưa cô?- bà chủ chìa ra gói đựng đồ lót màu hồng.
Anna đỏ bừng mặt. Nàng nói nhanh:
- Tôi mua bộ đồ này để tặng chị bạn, mong ông không nghĩ gì.
- Tất nhiên rồi- Mark cười vang, lấy ra một tập tiền peseta đưa bà chủ hiệu- Bây giờ mời cô đi tắm nước nóng.
Casa Grande Blanco là khách sạn nhỏ, kiểu dành cho dân buôn thường qua lại thị trấn này. Cả khách sạn chỉ có năm phòng ngủ. Tất cả khách chỉ dùng chung một phòng tắm rộng thênh thang, có một bồn tắm lớn quá khổ và nhiều vòi tắm chung bằng đồng to và thô.
- Tôi không làm sao kiếm được một phòng nghỉ riêng và có phòng tắm riêng cho cô.- Mark giải thích lúc bước vào cửa khách sạn- Nhưng chủ khách sạn quả quyết rằng cô hoàn toàn có thể dùng phòng nghỉ của tôi và ông ta còn cho biết tuy là phòng tắm chung nhưng đầy đủ tiện nghi và có tha hồ nước nóng cho cô dùng.
Anna cảm thấy hơi khó chịu về thái độ sỗ sàng của Mark. Nàng nghĩ rằng Mark tế nhị hơn và thích hợp hơn với vẻ ngoài trí thức của anh ta. Nhưng lúc này nàng cảm thấy anh ta coi lịch sự với nàng là không cần thiết.
Nàng đã nằm ở trại giam ngần ấy thời gian và bây giờ ra ngoài dạo chơi và được chiều chuộng như thế là vui rồi.
Ý nghĩ trên làm nàng thấy thầm giận Mark. Thậm chí nàng thoáng có chút khinh Mark. Anh ta tưởng rằng có thể mua được tấm thân nàng chỉ bằng một bộ quần áo chăng? Hay quay về cửa hàng trả lại bộ quần áo này rồi mặc bộ quần áo cũ vào? Nhưng nếu bà chủ hiệu vứt bộ quần áo đó vào sọt rác rồi thì sao? Dù sao cũng cần cho anh ta một bài học. Nhưng tính cả nể lại làm nàng ngại ngần. Vả lại Mark đối với nàng chưa có gì đáng cho nàng phải phản ứng một cách quyết liệt như vậy.
Mark đưa nàng chìa khóa, nói:
-Phòng của cô ở trên cùng cầu thang gác, cô sẽ nhìn thấy ngay. Còn phòng tắm thì ở cuối hành lang. Cô cẩn thận kẻo lạc đấy. Tôi đi đằng này một lát và sẽ đợi cô dưới quầy giải khát. Cô tắm xong, xuống là tôi có mặt ở đấy rồi.
Thái độ dễ dãi của Mark làm cô lúng túng và nỗi lúng túng đó vẫn còn vương vấn trong lòng lúc nàng lên đến tầng trên cùng và mở khóa phòng ngủ của anh. Nàng luôn lắng nghe xem có tiếng bước chân của anh đằng sau không và lời anh lúng túng xin lỗi khi anh bước vào phòng đúng lúc nàng cởi xong quần áo, nhưng không thấy gì. Nàng cũng không thấy Mark đâu khi nàng đã mặc áo choàng trong nhà, mở cửa đi nhanh đến cuối hành lang để vào phòng tắm.
Đã được Mark báo trước, bà chủ khách sạn đã mở sẵn vòi nước nóng cho đầy bồn tắm và đã đặt sẵn một chồng khăn sạch sẽ thơm tho trên ghế đẩu ngay cạnh bồn tắm, có cả một bánh xà phòng thơm phức.
Cởi áo choàng, Anna bước vào bồn tắm, ngâm người để cho nước ngập đến tận cằm. Nàng ngửa đầu tựa lên thành bồn tròn nhẵn và nhắm mắt lại. Cảm giác khoan khoái bao bọc lấy nàng. Hơi nóng của nước thấm vào tận da thịt của nàng làm tan đi mọi gian truân khổ ải tích tụ trong nàng suốt bao nhiêu tháng qua. Anna cảm thấy gân cốt giãn hết ra.
Mùi thơm của nước hoa nàng rẩy vào bồn thoang thoảng gợi lại một cảm giác thanh bình đầm ấm của thời xa xưa, khi nàng sung sướng dạo chơi với cha nàng trong công viên Lazienki vào những buổi chiều mùa xuân. Nàng nắm bàn tay cha và hai cho con lững thững trên lối đi trải sỏi giữa những ô trồng các loại hoa muôn sắc. Ngày đó nàng mới mười chín tuổi và xinh đẹp đến nỗi làm biết bao chàng trai ngơ ngẩn. Cha nàng đã nói đùa với con gái “Một ngày nào đó con gái ba sẽ lấy chồng và bỏ rơi ông già này".
Và bao giờ nàng cũng bảo với cha nàng rằng ông còn lâu mới già và nàng sẽ không bao giờ bỏ rơi ông. Bây giờ cha nàng không còn nữa và chính nàng bây giờ lại cảm thấy mình già.
Thấy những kỉ niệm xưa đang đẩy nàng đi tận đâu đâu, nàng vội bắt tay vào kì cọ thân thể. Đầu tiên nàng đổ nước gội đầu lên tóc rồi sát một lần xà phòng thơm lên khắp người. Nàng gội đầu bằng cách ngụp xuống nước trong bồn. Cuối cùng nàng vẫn phải đứng lên, lấy khăn bông khô lau người thật kỹ cho hoàn toàn không còn chút ẩm ướt nào nữa, mới mặc áo choàng và về phòng nghỉ.
Mặc xong áo quần, chải đầu cẩn thận, nàng xuống thanh gác, thấy Mark đang ngồi ở chỗ quầy giải khát, bên chiếc bàn kê cạnh cửa sổ. Anh ngước nhìn nàng mỉm cười:
- Trông cô..
- Giống hệt như lột xác phải không?
- Đúng thế, nhưng nói theo kiểu khác, cô đã hoàn toàn thành một cô gái khác.
- Bây giờ tôi mới hiểu tại sao anh chọn ngành ngoại giao.
Mark cười:
- Cô đói rồi chứ?
- Đói khủng khiếp.
Mark gọi bồi và nói gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó quay sang bảo Anna:
- Thức ăn ở đây quá đơn giản, tôi bảo cậu ta kiếm ở hiệu ngoài cho chúng ta trứng ốp lếp với pho mát, xa lát, bít tết, khoai rán, và bánh mì mới. Cả bơ nữa, thật nhiều bơ.
- Ông thử nhắc lại lần nữa cho tôi nghe với, nhắc lại chậm vào
- Cô muốn nghe à?
- Vâng, đúng thế.
- Cô dùng vang trắng hay vang đỏ?
- Tôi muốn gọi sữa được không?
- Tất nhiên là được.
Khi bồi bàn mang thức ăn đến, Mark gọi thêm nước quả và hai chiếc cốc.
- Ông cho phép tôi đề nghị ông bỏ rượu..
Mark đáp:
- Ồ, không được đâu. Tôi thường xuyên phải uống trong các tiệc rượu đủ loại. Nghề ngoại giao ấy mà. Biết làm sao được? Các quan chức ngoại giao phải uống nhiều rượu đến nỗi họ không còn mấy thời gian để giải quyết công việc nữa. Cho nên tôi đang định hễ có dịp là tôi bỏ cái nghề này.
Anna thấy rõ là Mark muốn bằng mọi cách tạo cho nàng cảm giác dễ chịu. Nàng càng thấy rõ điều ấy hơn khi nàng nói chuyện với anh sau đấy. Mark biết Anna không muốn nói về bản thân, nên anh kể nàng nghe về lai lịch của anh. Mark sinh ra trong một gia đình trung lưu lớp trên ở Boston, học đại học Harvard và vào làm ở ngành ngoại giao ngay sau khi tốt nghiệp.
Anh nói thêm:
- Thấy tôi vào ngành này, ba mẹ tôi rất mừng.
- Tại sao?
- Bởi khi còn học tôi mê nghệ thuật và mẹ tôi rất lo tôi sẽ sống lang thang trong khu nghệ sỹ ở bên tả ngạn thành phố.
- Sống như thế thì có gì xấu đâu?
- Ba tôi coi trọng tiền bạc và danh vọng. Nghệ thuật không hứa hẹn điều gì hết.
- Nhưng ông thấy làm quan chức ngoại giao thì có thú không?
Mark lắc đầu:
- Tôi ghét cái nghề này ngay từ khi mới vào.
- Nhưng ông không thể đổi nghề khác được phải không?
Mark trả lời:
- Đúng là cũng không dễ. Tôi có một bà vợ cần phải chăm nom. Vợ tôi bị thương tật, bệnh da xơ cứng, từ ngày chúng tôi mới lấy nhau và bệnh cứ tăng dần. Tám năm liền hình như cô ấy không cử động được nổi. Tôi phải thuê một hộ lý để chăm sóc thuốc thang. Tình trạng đó rất tốn kém. Nhờ là quan chức bộ ngoại giao, tôi được nhà nước trợ cấp cho khá nhiều, nhưng nếu tôi bỏ ngành này thì vợ tôi sẽ mất khoản tiền trợ cấp đó..
Anna nói:
- Xin lỗi. Tôi đã vô ý khơi vào nỗi buồn của ông.
Mark nói:
- Trái lại thì có bởi chính cô khơi ra tôi mới có dịp tâm sự. Vợ tôi mất mùa hè năm 1940. Đúng vào thời gian tôi được cử ra công tác nước ngoài, sang Madrid. Hồi học ở Harvard tôi đã rất giỏi ngoại ngữ, tôi nói tiếng Tây Ban Nha rất tốt, cho nên họ cử tôi đi sang đây là hợp lý. Riêng tôi thì đi đâu cũng được miễn là đi thật xa khỏi Hoa Kỳ. Tôi rất không muốn giả dối.
- Sao lại giả dối?
- Khi vợ tôi mất, mọi người đều tỏ lòng thương cho tôi. Nhưng họ có biết đâu nhưng mà tôi cũng không thể nói thật ra rằng tôi cảm thấy nhẹ bỗng cả người. Khi còn sống, vợ tôi lúc nào cũng đau đớn và tôi không thể chịu nổi nhìn thấy vợ tôi suốt ngày đau khổ như vậy. Cái chết chính là sự giải thoát cho cô ấy. Tôi chỉ tiếc mỗi một điều là vì bệnh tật mà chúng tôi không thể có được một đứa con nào với nhau.
Họ im lặng một lúc lâu. Mark nhìn đồng hồ tay:
- Bây giờ tôi đưa cô về trại. Ông chỉ huy trại có vẻ như là người rất chính xác đấy.
Anna nói:
- Ông ta rất đúng giờ.
Mark đứng lên:
- Tôi không muốn làm mất lòng ông ta, bởi tôi muốn thỉnh thoảng đến thăm cô, cô không phản đối chứ?
- Tôi rất vui vì buổi chiều hôm nay.- Anna đáp, cố tránh không trả lời trực diện câu hỏi của anh, bởi vẫn chưa biết Mark hy vọng những gì ở mối quan hệ với nàng.
Đến cổng trại tập trung, anh cầm tay Anna, nói:
- Tôi rất không muốn nhìn thấy cô còn phải ở lại đây dù chỉ một ngày, và ít nhất cô cũng hiểu cho rằng tôi đã làm mọi việc để cho cô và bé Janna thoát khỏi đây.
Anh giữ bàn tay nàng lại một lúc lâu trong tay mình, sau đó mới buông ra và đi nhanh về phía chiếc xe. Anna đợi cho Mark lái xe đi khuất mới theo tên lính canh bước vào bên trong trại. Nàng lên văn phòng ban chỉ huy trại báo cho lão biết là nàng đã về rồi đi nhanh về lán.
Genevieve vẫn còn đang đợi nàng ở đó. Cô đã cho bé Janna ăn no và cho bé ngủ nhưng vẫn sẵn sàng nghe bạn kể về chuyến đi dạo chiều hôm nay ra ngoài thị trấn. Genevieve muốn nghe tỷ mỷ từng chi tiết nhỏ, kể cả những bộ quần áo nàng đã thử trong cửa hiệu. Khi Anna đưa cho bạn bộ đồ lót màu hồng, Genevieve cảm động ướm lên người rồi lẩm bẩm:
- Đẹp quá! Tôi sẽ không mặc thứ quý giá này trong khi còn phải sống trong cái chuồng lợn này. Tôi sẽ mặc nó khi nào ra khỏi đây.
Cô gái Pháp đinh ninh rằng để có được bộ đồ mới này, Anna đã phải ngủ với Mark Hunter, nhưng khi nghe nàng kể viên phó lãnh sự gia không hề gợi ý gì đến chuyện làm tình với nàng, Genevieve cảm thấy không thể hiểu nổi tại sao ông ta lại hào hiệp như vậy.
Cô nói:
- Nghe chị kể, tôi tưởng như anh ta là người chưa hề biết làm tình là gì.
- Tôi không phải là người phụ nữ để anh ta nhận thứ đó.
- Tại sao?
- Tôi chưa đủ cảm xúc để làm việc đó.
- Cảm xúc đâu phải điều quan trọng- Genevieve nói- Điều quan trọng là anh ta mến chị. Điều đó tạo điều kiện để chị chi phối anh ta. Vậy mà chị không khai thác thì thật là dại. Nếu không phải cho chị thì cũng là cho bé Janna.
Anna không trả lời. Nàng không muốn chấp nhận điều đó nhưng phải thừa nhận ràng Genevieve nói có lý. Lẽ ra nàng phải nghĩ đến bé Janna. Đây là mối quan tâm lớn nhất của nàng lúc này.
Nàng nói:
- Tôi phải ngủ một giấc mới được.
- Nhưng đừng quên điều tôi nói lúc nãy.
Genevieve vẫn không buông tha. Vừa gấp cẩn thận món quà của bạn cô vừa nói:
- Mark Hunter chính là cứu cánh của chị và là cách để chị có thể tạo cho Janna một cuộc sống hẳn hoi.