Chương 21
New York, 24 tháng mười một năm 1963

Đám người đứng đông đúc trước cửa phòng xử án của trụ sở Tòa án Liên bang trên quảng trường Foley đang sốt ruột chủ yếu vì hôm nay là ngày xử đầu tiên của vụ án đã chấn động dư luận lâu nay. Họ đứng đợi và bàn tán xôn xao. Họ đã chờ hàng tiếng đồng hồ để cố chiếm lấy một chỗ trong hội trường. Tiếng ồn ào đang huyên náo đột nhiên im bặt, khi một quan chức bước ra tuyên bố:
- Phiên tòa xét xử bắt đầu.
Vị chủ toạ hội đồng xét xử bước vào từ căn phòng nhỏ gần đó. Theo sau là các thành viên của hội đồng.
- Nhân dân chú ý! Nhân dân chú ý! Xin mọi người giữ trật tự mới xét xử được. Hội đồng xét xử hôm nay dưới quyền chủ toạ của chánh án khu vực, ngài Fisher.
Chánh án Fisher, dáng người tròn như quả táo, tóc bạc trắng, trạc ngoài sáu mươi tuổi, ngồi vào ghế chính giữa sau chiếc bàn dài trên sân khấu. Ông ta liếc nhìn viên thư ký phiên tòa đang cầm bảng chương trình rồi nói với cử tạo đang lục tục ngồi vào các hàng ghế bên dưới:
- Tòa án Hoa kỳ xét xử Mark Hunter bị buộc tội chuyên chở bất hợp pháp hàng ăn cắp và hàng giả.
Anna đăm đăm nhìn chồng đang ngồi vào ghế bị cáo, cạnh luật sư bào chữa của ông là Dave Wilson. Nàng nhận thấy mép Mark giật giật. Đấy là tật của chồng nàng mỗi khi bị căng thẳng thần kinh quá mức. Nhưng hôm nay còn có thêm một vài biểu hiện khác: cặp mắt ông ngơ ngác, và nét mặt ôn gì sọm đi rất nhiều so với tuổi thật của ông, sáu mươi hai.
Công tố viên là trợ lý Bộ trưởng tư pháp Hoa kỳ, một người dáng mảnh khảnh, đầu hói, chỉ trạc nửa tuổi của Mark, đọc bản cáo trạng.
Ông ta quay mặt về phía Hội đồng xét xử và nói:
- Kính thưa Ngài chánh án và các vị thẩm phán, kính thưa toàn thể nhân dân, hôm nay tôi thay mặt chính quyền xin chứng minh rằng bị cáo Mark Hunter trong thời gian giữ chức Phó lãnh sự quán Hoa kỳ tại Tây Ban Nha đã bắt mối với những tên buôn tranh bất lương, mua một số tác phẩm hội họa của các họa sỹ Châu Âu thế kỷ 17- 18 mà ông ta biết rõ đấy là tài sản ăn cắp của nhiều viện bảo tàng và nhiều cá nhân tại những quốc gia đã bị phát xít Đức chiếm đóng trong Đại chiến thế giới lần thứ hai.
Viên công tố nhìn về phía hàng ghê bị cáo, như chờ một phản ứng của Mark Hunter nhưng không thấy luật sư bào chữa tỏ thái độ phản đối gì, bèn quay lại hướng về phía bàn chủ toạ.
Ông ta nói tiếp:
- Chính quyền cũng chứng minh rằng bị cáo đặc quyền dành cho các quan chức ngoại giao, chuyên chở bất hợp pháp vào Hoa kỳ những tác phẩm hội họa bị ăn cắp và không khai báo với cơ quan thuế, do đấy đã thu được những khỏa lãi khổng lồ thông qua phòng tranh của ông ta trên Đại lộ số Năm thành phố New York.
Viên công tố ngừng lại đủ để nhìn vào những tờ giấy trong chiếc kẹp màu vàng ông ta đặt bên trên cặp hồ sơ. Đợi cho tiếng ồn ào trong hội trường dịu xuống, ông ta nói tiếp:
- Cuối cùng chính quyền đã điều tra ra rằng rất nhiều lần, kể từ sau khi đại chiến thứ hai kết thúc, một số lần xảy ra ngay trong năm nay, bị cáo Mark Hunter đã móc nối mua những tác phẩm hội họa giả mạo ở Châu Âu, chuyên chở bất hợp pháp vào Hoa kỳ mà không khai báo với cơ quan thuế vụ, rồi đem bán lại theo giá tranh gốc cho nhiều viện bảo tàng và tư nhân..
Anna cố tập trung tư tưởng để nghe bản cáo trạng, nhưng những điều nêu lên trong đó quá xa với sự thật khiến đầu óc nàng trở về những bước đi của hai vợ chồng nàng từ ngày cưới, cố lập nên một sự đối chiếu giữa những điều nêu lên trong bản cáo trạng và sự thật.
Sau khi con tàu Thụy điển chấm dứt chặng đường từ Lisbonne đến New York, hai vợ chồng nàng và bé Janna đã đáp tàu hỏa về thủ đô Washington, nơi Mark tiếp tục công tác trong bộ ngoại giao. Trong thời gian đó Anna trong nom bé Janna tại một căn hộ nhỏ chỉ có hai phòng ngủ tại thị trấn ngoại ô Georgetowen, nơi lúc này đã thành tổ ấm của họ.
Đây là quãng thời gian ba người thích ứng dần với nhau. Mặc dù cả Mark và Anna đều hiểu rằng sự thay đổi này tác động vô cùng lớn đối với bé Janna, lúc này chưa đầy một năm, nhưng giữa hai vợ chồng vẫn có những tâm trạng khác nhau.
Đối với Anna, sinh trưởng tại Mỹ và cho đến năm mười lăm tuổi sống ở New York, việc trở về quê hương sau bao năm gian nan khổ ải trong chiến tranh là cả một sự giải thoát lớn. Kể từ năm 1939, khi Đức quốc đã xâm lược Ba lan, đây là lần đầu tiên nàng sống thoải mái, muốn đi đâu cứ việc đi không bị nỗi lo sợ bắt giữ. Tuy nhiên trong những ngày đầu tiên, nàng vẫn bị ám ảnh bởi những chuyện khủng khiếp phải chứng kiến trước đây chưa lâu. Nhiều đêm nàng choàng thức dậy, người ướt đẫm mồ hôi, nàng gặp phải một cơn ác mộng, Khi thì là những chuyện hãi hùng trong khu tập trung Do Thái ở Vacsava, khi là cái chết của mẹ nàng, rồi chuyến vượt biên Pháp- Tây Ban Nha qua dãy núi Pyrenees rùng rợn và cả những tháng tù đầy trong trại tập trung, lúc nào cũng hồi hộp chờ đợi tiếng ủng nặng nề và tiếng quát bằng tiếng Đức:
- Judens Raus!
Mark hiểu tâm trạng đó của vợ nên tìm mọi cách đẻ làm dịu đi những hồi ức đâu đớn đó bằng thái độ dịu dàng, kiên nhẫn và thương yêu. Nhiều đêm đang ngủ Anna choàng thức dậy thét lên những tiếng kinh hoàng, Mark đã ôm vợ vào lòng, dịu dàng an ủi cho đến khi nàng bình tĩnh trở lại và thiếp ngủ trong cánh tay chồng.
Mark không một lần nào tỏ vẻ khó chịu với tình trạng ấy của vợ đã đành, mà mặc dù mỗi lúc ông càng thêm chán nản công tác ở Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Mark vẫn giữ được thăng bằng tinh thần. Cuối cùng Anna nhận ra được nỗi buồn bực riêng của chồng. Về Washington được một năm, nàng khuyên chồng xin thôi công tác ngành ngoại giao và thử một cách kiếm sống khác, chẳng hạn mở một phòng bán tranh ở New York.
Cả hai vợ chồng đều hiểu rằng đấy là bước đi táo bạo, thậm chí liều lĩnh, nhưng Anna tin tưởng sẽ thành công. Nàng bắt đầu đóng vai vợ một nhà doanh nghiệp đang thành đạt, điều vô cùng quan trọng để tạo uy tín với khách hàng, mặc dù trong cuộc sống riêng tư nàng hết sức tằn tiện, nhiều lúc túng đến mức không đủ trả tiền thuê nhà. Nàng phải kín đáo chạy chợ, mua những thứ hàng rẻ để bán kiếm lại chút chênh lệch. Thức dùng trong gia đình, nàng chỉ dám mua ở những cửa hàng bán hạ giá hoặc của những gia đình phá sản cần bán tống bán tháo.
Những lúc không phải đi chợ, Anna chỉ loay hoay dưới bếp, nấu nướng thức ăn, giặt giũ quần áo. Vậy mà mỗi khi có khách, nàng vẫn thu xếp được để vài phút sau bước ra phòng khách, áo quần sang trọng, thái độ niềm nở, dáng điệu vui tươi, rõ ràng là bà chủ một doanh nghiệp đang phát đạt.
Tuy phải sống kiểu giả dối như vậy nhưng Anna vẫn thích thú, bởi nàng thấy công việc của hai vợ chồng tiến triển tốt đẹp. Phòng tranh của Mark ngày càng có uy tín trong giới thượng lưu và các viện bảo tàng, là nơi sưu tầm phong phú nhất các tác phẩm mỹ thuật thế kỷ 17 và 18 ở châu Âu.
Điều khiến nàng ngạc nhiên là tuy vất vả, chồng nàng lại hồ hởi hơn cả nàng. Mark đã biến đổi hoàn toàn so với ngày nàng mới quen ông. Từ một quan chức ngoại giao rụt rè, lịch sự nhưng có phần nhút nhát, quá nghiêm chỉnh, Mark đã chở thành một nhà kinh doanh hoạt bát, tự tin và rất am hiểu trong lĩnh vực hoạt động hiện nay.
Mục tiêu trung tâm của Mark là gia đình. Ông cùng Anna cố gắng để sinh con, nhưng sau vài lần thất bại, một bác sĩ phụ khoa đã cho biết nàng không thể sinh nở, do những tổn thương trong thời gian chiến tranh, không phải chỉ về mặt tinh thần mà cả những tổn thương trong bộ máy sinh nở.
Bản thân rất buồn, Mark không hề để lộ, càng săn sóc và động viên vợ hơn, đồng thời tập trung mọi tình cảm vào bé Janna mà ông coi hoàn toàn như con đẻ. Các dịp nghỉ cuối tuần cả gia đình thường vào công viên Trung tâm, xem vườn bách thú, mua kẹo bông bên cạnh lối đi cho bé, mua đồ chơi cho bé ở hiệu Shwartz.
Bé Janna càng lớn, hai vợ chồng Mark và Anna càng hay bàn tính xem nên kể cho bé biết sự thật về lai lịch em theo cách nào. Cả hai đều đồng ý là nên làm chuyện ấy sớm, nhưng cụ thể vào dịp nào thì họ rất lúng túng.
Đặc biệt về mặt tôn giáo họ cố gắng tìm một cách xử lý đúng đắn đồng thời hết sức tế nhị. Tuy không phải gốc Do Thái hoàn toàn, nhưng do kính yêu cha mẹ, Anna vẫn thường xuyên đi lễ ở ngôi nhà thờ Do Thái nhỏ ở Khu phố Tây và thường đem bé Janna theo. Nàng giảng cho con gái nghe về giáo lý của đạo Do Thái, đồng thời yêu cầu chồng giảng cho bé Janna hiểu về giáo lý của đạo Tin Lành và thỉnh thoảng dẫn bé đến đó. Hai vợ chồng bàn nhau không nên áp đặt tôn giáo nào cho Janna mà để sau này lớn lên em tự quyết định lấy.
Đến năm lên mười, Janna đã có một số bạn gái gốc Do Thái.
Mark và Anna hiểu rằng đã đến lúc nó thật với bé về lai lịch của em. Vào dịp kỷ niệm sinh nhật của Janna tròn mười ba tuổi, hai vợ chồng đã kể với bé về lai lịch của em. Anna tả mẹ đẻ của bé, Keja, dũng cảm như thế nào trong chuyến cùng nàng và những bạn gái khác vượt qua dãy núi hiểm trở ở biên giới Pháp - Tây Ban Nha, rồi việc sinh Janna cũng như cái chết của mẹ đẻ em. Cả chuyện Janet Taylor và Geneviene Fleury đã cùng với Anna đặt tên cho bé là sự kết hợp giữa Janet và Anna rồi cùng nuôi nấng, chăm sóc bé suốt trong thời gian cầm tù ở trại tập trung tại Tây Ban Nha. Bé Janna nghe rất chăm chú, hỏi rõ một số điểm và tỏ ra chấp nhận nỗi đau, thấy hai người em vẫn tưởng là bố mẹ đẻ, thật ra chỉ là bố mẹ nuôi. Thái độ của Janna vững vàng và bình tĩnh đến mức làm hai vợ chồng Anna phải khâm phục, không ngờ đứa trẻ mười ba tuổi lại có bản lĩnh đến như vậy.
Dù sao, chỉ vài ngày sau, Anna đã hiểu được rằng, điều mới phát hiện đã làm Janna hết sức choáng váng, nhưng em cố ghìm nén để giữ vẻ ngoài bình tĩnh và không làm điều gì dại dột, ảnh hưởng đến Anna và Mark là hai người em vô cùng yêu quý, ngay cả khi em đã biết đấy không phải là cha mẹ đẻ.
Anna tận dụng bất cứ hoàn cảnh thuận tiện nào để dựng lên hình ảnh Keja, mẹ đẻ của em trong trí óc non nớt của bé. Mặt khác nàng cũng điều chỉnh để lòng yêu mẹ đẻ của em khỏi lên đến mức thần thánh hóa, sau này có thể nguy hiểm. Sang tuổi mười lăm mười sáu, Janna bắt đầu khao khát tìm hiểu về những gì liên quan đến gốc gác của em. Để khỏi xúc phạm mẹ nuôi, em bí mật tự tìm lấy.
Giữ vẻ ngoài bình tĩnh để che giấu nỗi băn khoăn bên trong khiến Janna ngày một xa cách vợ chồng Mark và Anna, mặc dù trong xưng hô cũng như cư xử, em vẫn giữ y hệt ngày trước. Năm em vào học trường Cao đẳng Barnard, mặc dù trường rất gần nhà, có thể đi bộ tới, em vẫn đề nghị Mark và Anna cho em ở nội trú và sống cùng một phòng với ba bạn gái khác. Janna còn nhận làm thêm ở kho hàng Macy để kiếm tiền tự sinh sống.
Anna rất hiểu em, nhưng rất lo về địa điểm của kho hàng Macy đóng tại nơi không được an toàn lắm. Mark phải khuyên giải vợ để nàng hiểu rằng không nên tỏ ý ngăn trở gì những điều Janna quyết định, bởi em đã lớn và cần khẳng định bản thân.
Lúc này, trong hội trường xét xử, Anna đưa mắt nhìn Janna. Em ngồi hàng ghế đầu tiên ngay sau khu vực dành cho bị cáo. Mắt em chằm chằm nhìn viên công tố đọc bản cáo trạng hướng về phía Hội đồng xét xử.
Cao năm bộ sáu insơ, em cao hơn Keja ngày xưa và dáng em thon thả, chân tay dài hơn mẹ đẻ. Về tính tình, hai mẹ con khác hẳn nhau. Keja ngày xưa kín đáo, rụt rè nhưng cô con gái thì lại hoạt bát, mạnh dạn và nhiều lúc đáo để, đặc biệt là khi nào có ai ngăn trở những quyết định thứ liên quan đến em.
Nhìn Janna, Anna khó có thể biết được em đã chọn thái độ thế nào trước hai nhân viên thuế vụ Hoa kỳ mặc thường phục xuất hiện mỗi buổi sáng, ngay sau lúc mặt trời mọc, lảng vảng trước cửa căn nhà của vợ chồng nàng trên Đại lộ bờ sông, cách đây sáu tuần lễ.
Anna choáng váng vô cùng khi thấy cảnh sát đến khóa càng cua lên hai cổ tay Mark và giải ông đến tòa án Liên bang, nơi một thẩm phán ấn định số tiền bảo lãnh ông tại ngoại là 350.000 đôla.
Anna phải đem bán tất cả những gì có thể bán được trong nhà, đồng thời đem cầm cả hiệu cùng toàn bộ kho tàng mỹ thuật trong đó mới thu thập nổi. Cuối giờ hành chính ngày hôm đó, Mark được thả về. Nhưng sự kiện trên tác động đến ông một cách tai hại. Vẻ mặt ông căng thẳng và chân tay ông run rẩy. Trong một lúc khá lâu, Mark từ chối không chịu kể gì về những tình cảnh ông phải chịu trong một ngày bị giam giữ. Đến khi ông chịu kể thì Anna hiểu rằng ông đã bị một đòn đánh dữ dội vào thần kinh.
Nàng mời bác sĩ đến khám và ông ta cho biết Mark suy nhược tinh thần nặng do chuyện vừa xảy ra. Tình hình sức khỏe của ông lại nguy kịch thêm do phản ứng của giới báo chí. Còn gì hấp dẫn độc giả hơn là vụ “bê bối” này? Chủ một cửa hiệu lớn trên đại lộ số Năm, những mưu mẹo tinh vi trong lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật, sự sa đọa của một cựu quan chức ngoại giao đã lợi dụng chức vụ để làm những hành vi phạm pháp, những bí mật trong việc giả mạo tranh mang tầm cỡ quốc tế. Ngay trong ngày đầu bị bắt, Mark bị đám nhà báo săn đuổi. Họ bám sát những cuộc phỏng vấn của Tòa án Liên bang, viện Công tố cho đến cuộc xét xử hôm nay. Mà đâu phải họ chỉ bó hẹp vào Mark, cả Anna và Janna cũng là đối tượng để họ moi chuyện và đưa lên báo chí.
Đối với Anna, việc đó chỉ tạo nên nỗi bực bội liên tục, nhưng đối với Janna thì tình hình tồi tệ hơn nhiều. Đám phóng viên, báo chí bám theo em đến tận khu nội trú của trường Cao đẳng Barnard. Họ đón đường em ở khắp nơi để phỏng vấn và khai thác. Bà hiệu trưởng đã phải gọi đến cho Anna, báo tin các thầy giáo của Anna phàn nàn em khôn tập trung học tập và gợi ý em nên nghỉ một học kỳ học đến khi nào em không bị săn đuổi nữa sẽ lại về trường tiếp tục học.
Do vẫn trao đổi thư từ với cả hai bạn gái thân thiết cũ Janet và Genevieve, Anna đã hỏi ý kiến cô bạn Pháp và lập tức nhận được thư Genevieve trả lời. Genevieve bây giờ mở một trường cao đẳng tư thục ở Montreux, Thụy sĩ, và cô đề nghị Anna cho Janna đến đấy theo học một năm. Anna nói chuyện đó với Janna nhưng em dứt khoát khước từ. Em bảo Mark chỉ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này nếu như có được mọi sự hỗ trợ về tinh thần cần thiết.
Lời viên công tố vọng đến tai Anna khiến nàng vội trở lại với thực tại.
- Vụ án về lạm dụng chức quyền này không chỉ được dựa trên những hiện tượng ai cũng thấy mà còn dựa vào lời tố cáo của một nhân chứng. Để đổi lại sự miễn tố, ông ta đã khai đầy đủ với cơ quan công tố việc ông ta tham gia cùng với bị cáo đánh cắp nhiều viện bảo tàng và nhiều bộ sưu tập tư nhân..
Anna đưa mắt nhìn chồng thấy Mark mặt tái nhợt. Tim nàng quặn đau lúc thấy chồng ghé vào tai viên luật sư bào chữa Dave Wilson nói gì đó. Nhưng ông này chỉ bình tĩnh gật đầu và mỉm cười vỗ vai khách hàng, ý nói cứ yên tâm.
Viên công tố đọc xong bản cáo trạng thì đã quá trưa. Chủ toạ phiên tòa tuyên bố nghỉ giả lao để ăn trưa. Trong lúc nhân dân lũ lượt kéo nhau ra khỏi hội trường, họ tranh luận vang động và sôi nổi về đoạn kết luận của bản cáo trạng.
Anna lách đến khu vực bị cáo, thấy Janna đứng cạnh ghế của Mark và em quàng hai tay ôm vai ông.
Nàng hỏi:
- Sao lại có nhân chứng kỳ lạ vậy? Ông ta là ai?
Luật sư Dave đáp:
- Họ bắt mối với một kẻ nào đó, chắc chắn là như thế.
- Nhưng ai?
Viên luật sư đáp:
- Họ không buộc phải nêu họ tên của người đó. Nhưng như thế chưa có nghĩa rằng những lời khai của hắn đã vững sau khi cuộc điều tra được tiến hành tỉ mỉ.
Anna vẫn chưa chịu buông:
- Tôi nghĩ bên công tố đã làm một việc tự quyền là dám kết luận một điều chỉ mới là lời khai, chưa hề được thẩm tra, trong khi phiên tòa mới bắt đầu.
Dave Wilson nói:
- Bà nói đúng nhưng họ không buộc phải công bố họ đã lấy thông tin đó ở đâu. Vấn đề chỉ là thông tin đó có đúng hay không. Nhưng việc cần thiết trước mắt là đi ăn đã, còn chuyện đó hãy để sau.
Mark nói:
- Tôi không muốn gặp bọn phóng viên ấy.
Anna cúi xuống hôn má chồng:
- Anh không phải ra ngoài đâu. Em đã mang theo thức ăn và cà phê đây rồi. Ta có thể ăn ngay tại đây.
Luật sư Dave nói:
- Tôi phải đi gọi điện về văn phòng, vậy chúc các vị ăn ngon miệng.
Wilson đóng cặp lại rồi đi ra phía cửa.
Janna nói:
- Con cũng phải đi làm, bây giờ cũng đã hơi trễ rồi. Và xong việc ở kho Macy, con còn phải đến trường ngay vì có tiết Sinh học.
Em hôn Anna và Mark và hai vợ chồng nhìn theo đứa con nuôi đang bị đám phóng viên bâu lấy ngoài cửa hội trường.
Mark nói:
- Lạy chúa, anh rất không muốn con gái mình phải trải qua tất cả những chuyện này.
Anna nói:
- Anh biết nó nói thế nào về việc tạm nghỉ học chứ.
Nàng trải khăn lên mặt bàn bị cáo rồi lấy bánh mì cặp thức ăn trong xắc.
- Em không thuyết phục được con à?
Anna nói:
- Em đã cố gắng thuyết phục nhưng Janna tính ương ngạnh vả lại nó cũng không muốn xa anh lúc này.
Mark đặt bàn tay lên tay vợ và giữ như thế một lúc, ông nói:
- Không có em và Janna, không hiểu là anh sẽ sống như thế nào đây.
Họ vừa ăn xong thì luật sư Dave cũng quay vào. Phiên tòa tiếp tục làm việc. Anna ngồi vào ghế của Janna lúc nãy, ngay sau khu vực dành cho bị cáo, chăm chú nghe bản bào chữa của luật sư của Mark.
Giọng bình tĩnh và tự tin, Dave chứng minh khách hàng của ông là một công dân lương thiện, trung thực. Ông kể khá chi tiết về nguồn gốc xuất thân, học vấn cùng những Mark phục vụ tổ quốc trên cương vị một quan chức ngoại giao. Luật sư Wilson cũng nói đôi chút về thái độ tận tụy của Mark đối với người vợ quá cố trong thời gian bà mắc căn bệnh bi thảm. Rồi giọng to, sôi nổi dần, viên luật sư bác bỏ tất cả các lời buộc tội của viên công tố. Cuối cùng ông kết luận:
-Dựa trên luật pháp của bang này, cần phải khẳng định, những tội lỗi gán cho Mark Hunter trong bản luận tội cần phải được điều tra một cách chính xác và công bằng. Trước khi phiên tòa này kết thúc, tôi sẽ chứng minh cho Hội đồng xét xử thấy tất cả những lời buộc tội kia đều không có căn cứ xác thực và khách hàng của tôi, ông Mark Hunter hoàn toàn vô tội.
Kết thúc buổi xét xử để đợi buổi sau xử tiếp, Anna khoác tay chồng và dìu ông đứng dậy. Dave Wilson đỡ bên kia và họ vượt qua được đám phóng viên đứng bên ngoài tòa nhà cản đường để hỏi. May mà sau khi đọc bản bào chữa, viên luật sư chiếm sự chú ý nhiều hơn. Máy quay phim, máy ảnh, máy thu hình cùng micro chĩa thẳng về phía ông ta nên hai vợ chồng ngồi được vào ghế sau của chiếc taxi. Lát sau viên luật sư vào theo. Xe lao đi.
Trong lúc xe chạy ngang qua quảng trường Folay, lẩn vào dòng xe đông đúc đang lao về phía Đông, Mark ngồi lọt thỏm vào góc xe, mắt nhắm nghiền. Luật sư Wilson lo lắng nhìn Mark, cảm thấy rất lo. Mark đang trong trạng thái gần như suy sụp hoàn toàn.
- Ông thấy trong người thế nào, Mark?- viên luật sư hỏi.
Không thấy chồng trả lời, Anna liền hỏi viên luật sư:
- Ông thấy sao, Wilson? Trong bản luận tội của viên công tố hoàn toàn không có lấy một điều đúng sự thật.
Viên luật sư đáp:
- Chính đấy là điều tôi đang tìm cách chứng minh.
- Ông ta đưa ra những ngày tháng trong khoảng thời gian đầu năm 1944, bảo là những ngày Mark đi liên lạc móc nối để ăn cắp tranh của các viện bảo tàng và các tư nhân nhưng đó là hoàn toàn bịa đặt.
- Viện công tố đang yêu cầu nhân chứng của họ cung cấp thêm chứng cứ.
- Họ bịa hết- Anna như gầm lên- ít nhất thì hai trong số những thời điểm họ nêu lên chính là hai lần Mark đến trại tập trung gặp tôi.
- Khốn nỗi bà là vợ bị cáo nên không có quyền xác nhận gì hết.
- Nhưng viên chỉ huy trại tất còn giữ lại giấy tờ liên quan đến chuyện này, bởi chính ông ta cho phép Mark dẫn tôi đi chơi.
- Tôi đã nói chuyện với đại sứ quán Tây Ban Nha và họ đã liên lạc với người của họ ở Madrid. Hình như viên chỉ huy ở trại tập trung của bà đã chết từ chục năm nay và họ không tìm thấy những giấy tờ của lão ta.
Anna nài nỉ:
-Nếu vậy thì mấy cô bạn cùng nằm trong trại với tôi có thể làm chứng.
- Sau chiến tranh hầu hết các tù binh đã trở về nước, hoặc tiếp tục bị giam giữ trong các trại tập trung chưa rõ chứng chỉ. Có thể tìm ra họ được nhưng chắc gì họ đã nhớ chuyện xảy cách đây hàng hai chục năm?
- Hai cô bạn tôi thì nhớ - Anna nói.
Viên luật sư mệt mỏi nói:
- Chuyện ấy bà kể với tôi rồi nhưng bà Janet thì thường xuyên ở Malaysia với người tình là đảng viên đảng cộng sản Trung hoa. Họ đàng phải trốn lủi vì chính quyền Anh hứa sẽ trả bốn trăm ngàn đô cho ai bắt được ông ấy. Còn bà Genevieve Fleury thì..
- Chị ấy đang là chủ một trường Cao đẳng tư thục tại Thụy sĩ.
Wilson nói:
- Nhưng bà ấy có tiền mở trường là do làm gái điếm cao cấp trong nhiều năm. Người có lai lịch như thế, nói gì người ta cũng không tin đâu.
Anna giận dữ quát:
- Vậy ông đứng về phía bên nào đấy, Wilson?
Viên luật sư bình tĩnh đáp:
- Tôi đang làm mọi việc có thể làm cho ông Mark thoát khỏi những lời buộc tội đó. Nhưng hai ông bà đều phải hiểu toàn bộ khó khăn đang cản chân chúng ta. Bọn họ vớ được một vụ án quá tuyệt vời để nâng họ lên. Khá nhiều bức họa Mark mua được đã được xác nhận là tranh giả mạo. Tôi tin rằng khi mua, ông nhà không biết đó là tranh dởm nhưng đã khá nhiều người mua phải chúng và tất họ căm ông nhà hết sức. Nỗi đau của họ biết đổ lên đầu ai khác ngoài ông Mark?
Xe đậu ở góc phố 77 và Đại lộ bờ sông. Luật sư Wilson đỡ Mark ra ngoài xe rồi quay sang nói với Anna:
- Tôi nghĩ bà nên mời bác sĩ đến khám cho Mark. Từ nay đến khi kết thúc phiên tòa, tình hình còn tồi tệ hơn nữa đấy.
Anna nghe theo lời ông luật sư khuyên, gọi điện mời người bạn cũ, bác sĩ William Hansen. Trên đường từ nơi làm việc về nhà, ông bác sĩ ghé vào thăm bạn. Ông khám rất kĩ, chuẩn đoán bị suy sụp và yêu cầu Mark nghỉ ngơi.
Lúc ông bác sĩ quay ra phòng khách, Anna đợi ở đó vội vàng hỏi:
- Chồng tôi có làm sao không?
Bác sĩ đáp:
- Mark thuộc loại người quá coi trọng những chuyện kiểu như thế này. Tôi biết anh ấy từ rất lâu. Xưa nay anh ấy vẫn dễ bị xúc động và rất quan tâm đến mọi người nghĩ về anh ấy thế nào. Nay bị báo chí làm rùm beng, bới ra đủ chuyện xấu, mặc dù toàn chuyện vô căn cứ nhưng cũng làm Mark đau đớn. Rồi lại một phiên tòa sáng nay, bản luận tội của viên công tố. Thêm nữa anh ấy còn rất băn khoăn về cháu Janna. Theo tôi nhận xét thì anh ấy khổ tâm về cháu Janna nhiều hơn là về vụ án.
Anna nói:
- Một bạn gái cũ của tôi mời cháu sang châu Âu một năm ở với chị ấy, nhưng cháu nó không chịu vì nghĩ rằng cần phải ở lại đây làm chỗ dựa tinh thần cho Mark.
Bác sĩ nói:
- Tôi cho rằng cháu Janna nên sang châu Âu một thời gian là tốt nhất để hỗ trợ tinh thần cho Mark. Dù sao tôi cũng để lại thuốc an thần để anh ấy uống một viên, đêm nay ngủ cho ngon. Nếu có chuyện gì mới chi đừng ngại gọi cho tôi vào tối nay. Chị có số điện thoại của tôi rồi đấy chứ?
Anna gật đầu:
- Cám ơn anh, anh Bill. Anh thật là người bạn tốt.
Lúc còn lại một mình, Anna đứng ở cửa sổ nhìn ra dòng sông Hundson, nhớ lại những tội viên công tố khép cho chồng nàng. Những bằng chứng của kẻ làm chứng giấu tên kia khai cho viên công tố quả là khó bác bỏ.
Những ngày tháng y nêu lên rất trùng khớp với những ngày Mark đi công cán, không có mặt ở đại sứ quán Hoa kỳ, tại Tây Ban Nha. Bọn chúng đã khai thác rất khéo những số liệu ấy để dựng lên những điều dối trá nhưng lại có phần giống như sự thật. Vậy có kẻ nào thù Mark, muốn diệt anh và hắn đang thành công. Ngay trường hợp Mark thanh minh được những tội ấy, ông cũng không gột được hết những tiếng xấu. Trong kinh doanh, người ta rất ngại quan hệ với những người nào đã có lần bị nghi là lừa đảo. Cho nên phòng tranh có thể mở cửa trở lại nhưng làm ăn sau này sẽ vô cùng khó khăn.
Tiếng chuông điện thoại làm Anna sực tỉnh, phá vỡ dòng suy tưởng của nàng. Nàng nhấc máy, nghe thấy tiếng Janna ở đầu dây bên kia.
Anna hỏi:
- Con đang ở đâu đấy?
Janna đáp:
- Ở trường ạ. Con vừa lên lớp về và muốn gọi điện hỏi mẹ tình hình chiều nay như thế nào?
- Luật sư Wilson đọc bản bào chữa.
- Ba bằng lòng chứ ạ?
Anna ngập ngừng:
- Bác sĩ Hansen vừa về. Ông ấy xem cho ba và bảo ba đang bị suy sụp tinh thần nặng.
- Con còn phải học một tiết nữa. Hết giờ học con phải về thăm ba.
- Ba vừa uống thuốc an thần và mẹ nghĩ lúc này ba đang ngủ.
- Nếu vậy sáng mai con sẽ về.
- Được. Chào con yêu của mẹ.
Đặt máy xuống, Anna tình cờ thấy bóng mình trong gương, nét mặt nàng hốc hác và mệt mỏi. Da mặt tái xanh và quầng đen hiện ra ở bên dưới hai mắt. Nhưng nàng biết nàng già sọm đi không phải hoàn toàn chỉ do những chuyện rắc rối mấy tuần qua. Nàng bốn mươi ba rồi và dấu ấn của thời gian đã in lên hình dạng nàng. Mái tóc ngày xưa đen nhánh bây giờ đã hoa râm. Nếp nhăn hai bên mũi hằn sâu xuống. Và điều làm nàng khổ tâm nhất là bây giờ mỗi khi đọc báo là nàng lại phải giương đôi kính lão. Tuổi tác nào có tha ai? Nàng cũng giống như mọi người khác thôi.
Anna ra khỏi phòng khách bước lên thang gác. Nàng rất ngạc nhiên thấy Mark chưa ngủ. Nàng cúi xuống kéo khăn quấn cổ tuột sang thành giường rồi nói:
- Tưởng anh Bill cho anh uống thuốc ngủ rồi?
- Anh chưa uống- Mark đáp, trỏ lọ thuốc nhỏ bằng chất dẻo đặt cạnh cốc nước trên bàn đầu giường.
Nàng hỏi:
- Anh thấy trong người thế nào?
Ông đáp:
- Đầu óc anh rối tung lên..
- Anh Bill bảo anh cần phải nghỉ ngơi..
- Anh lo nhiều cho con Janna..
- Nó vừa mới gọi điện về. Em lại bảo là anh đang ngủ. Sáng mai nó mới về.
- Có cách nào thuyết phục nó đi sang Thụy sĩ một thời gian với chi Genevieve không?
- Em đã kể anh nghe nó trả lời em thế nào rồi thôi.
- Nếu nó đi được thì đầu óc anh cũng vơi nhẹ đi khá nhiều.
Anna không trả lời chỉ đưa viên thuốc an thần cho chồng đợi cho đến lúc ông uống thuốc xong, và cầm tay ông cho đến khi ông ngủ thiếp đi.
Đến lúc đó nàng mới xuống phòng khách, nhấc máy điện thoại, gọi cho bộ phận điện thoại quốc tế, nói số điện thoại của Genevieve ở thành phố Montreux, Thụy Sĩ.

*

Janna nằm trên giường lắng nghe tiếng động bên ngoài. Mấy cô bạn cùng phòng đang ăn điểm tâm để chuẩn bị đi. Hai cô là sinh viên học cùng trường cao đẳng Barnard, cô thứ ba là diễn viên, ban ngày làm ở kho hàng Macy, ban đêm đi biểu diễn.
- Mày thức hay ngủ đấy, Janna?
Janna nhận ra tiếng Susan một trong hai cô bạn sinh viên.
Không thấy Janna trả lời cô bạn hỏi tiếp:
- Nếu lần này mày lại bỏ tiết Xã hội thì sẽ phiền lắm đấy.
Janna vẫn im lặng.
Cô bạn Susan vẫn nói:
- Thôi được, tùy mày thôi. Tao và con Kathy đi có việc, con Melinda thì đi làm. Cà phê vẫn còn nóng đấy, và có mấy cái bánh trong tủ lạnh. Tao đi nhé!
Tiếng giầy bước trên sàn gỗ cứng rồi đến tiếng thang máy chạy. Một mình Janna ở nhà. Cô đã nằm thức như thế này một tiếng đồng hồ rồi.
Tính thích cô đơn không phải bản chất của cô, bình thường Janna hiếu động và việc yêu thích nhất của cô là được ngồi cùng với đám bạn bè xung quanh bàn, tán chuyện gẫu về công việc, về trường và đủ mọi thứ linh tinh khác. Vừa trò chuyện vừa uống cà phê. Nhưng mấy tuần lễ gần đây, từ khi Mark bị bắt, cô đâm thành đối tượng của giới báo chí. Họ bám theo cô khắp mọi nơi. Từ đó, Janna ngại ra đường. Cô tránh mọi người, dần dần đâm ra tránh cả bạn bè, thậm chí ngại tiếp xúc với cả các bạn sống cùng phòng. Mấy cô bạn này nhận biết được tâm trạng của Janna như vậy nên họ muốn tránh không khí căng thẳng cho cô đã bảo cô rằng không có chuyện gì hết. Nhưng Janna hiểu rằng họ rất khó chịu và đến lúc kiên nhẫn của họ không còn nữa. Nếu cô tiếp tục ở lại đây và sống theo kiểu này, thì sớm muộn gì cũng xảy ra to tiếng.
Với hai tay lên giá trên đầu, cô ấn nút cát xe rồi lại nằm lên gối, nhắm mắt nghe tiếng ghi ta của Django Reinhardt. Đây là một nghệ sỹ ghi ta nổi danh có tiếng đàn thần diệu, nhưng Janna mua nó không phải vì tài nghệ của anh mà vì anh là một trong số rất ít nhạc công nổi tiếng thế giới gốc Digan.
Janna mua nó ít lâu sau khi Mark và Anna cho cô biết lai lịch thật của cô, vào hôm cô tròn mười ba tuổi. Janna lờ mờ hy vọng rằng nghe băng nhạc này cô sẽ hiểu thêm phần nào về dân tộc của cô.
Đấy là một trong những băn khoăn lớn nhất của Janna. Cô đã bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hồ lục lọi trong thư viện công cộng ở New York, xem những sách miêu tả phong tục, tập quán và sinh hoạt của các bộ tộc Digan châu Âu. Cô nhìn những hình người chụp trong các bức ảnh, cố tìm xem cô có nét nào giống họ, nhưng không thấy. Tuyệt đại đa số họ là người tóc đen, da nâu sẫm trong khi cô tóc vàng và da trắng. Ngay tập quán sinh hoạt của họ cũng quá xa lạ đối với cô. Janna càng đọc nhiều về bộ tộc Gitanos, cô càng thấy khó tìm ra một nét nào giống họ.
Không bao giờ Janna để cho Mark biết những tìm tòi của cô. Nhưng theo bản năng cô giữ kín nỗi đau. Chính vì vậy khi nghe họ kể về gốc gác của cô, Janna đã không òa khóc. Lúc đó đột nhiên cô thấy mình trở nên xa lạ không chỉ với hai người mà cô đinh ninh là bố mẹ mà còn đối với mọi người xung quanh.
Janna cảm thấy như tấm thảm bị người ta kéo đi mất và dưới chân cô bây giờ chỉ là khoảng không trống trải. Sự kiện đó xảy ra mấy năm rồi, vậy mà Janna vẫn chưa lấy lại thăng bằng. Cô vẫn yêu quý Mark và Anna, sẵn sàng làm mọi việc để hai người không phát hiện sự thay đổi trong lòng cô. Tận đáy lòng, Janna hiểu rằng cô sẽ không bao giờ được thanh thản nếu chưa biết thêm chi tiết gì về cha mẹ đẻ, đặc biệt là họ tên cha mẹ đẻ của cô.
Nhu cầu thầm kín nhưng mãnh liệt ấy dần dần biến thành một nỗi thúc giục. Cô thấy từ chối lời mời của bà Genevieve khó khăn hơn so với Anna tưởng. Janna biết rằng người đàn bà kia đã sống chung với mẹ đẻ cô trong cùng một phòng suốt bốn năm trời tại Vacsava, tất hiểu rõ mẹ cô. Genevieve biết vè Keja tất phải rõ hơn Anna và Janet.
Janna tin chắc rằng nếu sang với bà Genevieve ở bên Thụy sĩ một năm, chắn chắn cô sẽ biết thêm được nhiều điều cô đang thiết tha muốn biết. Nhưng Janna đã từ chối vì cô thấy bổn phận lúc này của cô là phải ở bên cạnh Mark để hỗ trợ tinh thần cho ông khỏi bị suy sụp vì tai họa này.
Nghĩ đến Mark, Janna sực nhớ hôm qua cô hẹn với Janna là sáng nay sẽ về thăm ông. Cô bèn vội đứng dậy, choàng vội tấm áo rồi đi xuống dưới nhà. Buồng tắm có vòi hoa sen nằm ở cuối căn hộ, ngay cạnh gian dành cho mấy cô bạn. Janna cởi áo choàng rồi bước vào dưới vòi hoa sen và kéo tấm vải căng bên ngoài.
Để cho nước nóng xối xả trên da thịt, Janna suy nghĩ nên nói những gì để Mark đỡ đau khổ. Nhưng cuối cùng cô vẫn không nghĩ ra. Cô tắt vòi nước, lau khô người và mặc áo choàng.
Lúc vào bếp, cô thấy phích đựng cà phê nóng bên cạnh hai tờ báo. Tờ cô cầm lên trước là tờ Wall street Journal, cô đặt mua đã tròn một năm. Cô bất giác lật trang đăng tình hình giá cả ngày hôm qua. Cô quan tâm đến thị trường là do một bạn trai, sinh viên trường Đại học tổng hợp Colombia, anh ta giảng giải cho cô hiểu thế nào là chỉ số Dow Jones và ý nghĩa của nó trong kinh tế thị trường. Sau mối tình ngắn ngủi với anh ta, hai người không gặp nhau nữa, nhưng Janna vẫn thích thú tiếp tục theo dõi thị trường chứng khoán và chỉ số Dow, và cô phát hiện ra nhiều điều mới mẻ trong lĩnh vực này.
Đặt tờ Wall street xuống, cô lấy tờ New York Times, nhìn vào trang nhất, nơi đăng thêm những tin quan trọng liên quan đến vụ tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas trước đây ba ngày. Có cả bức ảnh chụp Lyndon Johnson đứng làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa kỳ thay Kenedy.
Cô giở sang trang bên trong, thấy hàng chữ to tướng chạy ngang báo: “Mark Hunter- con người và huyền thoại”. Mấy tuần qua Janna đã đọc không biết bao nhiêu bài báo nói về cha nuôi và cô định bỏ qua không đọc bài này nhưng cô chợt nhận ra chưa thấy bào báo nào dài như bài này nên cô bèn đọc thử.
Bài báo kể lại hết sức tỉ mỉ, thậm chí từng ngày toàn bộ cuộc đời của Mark từ khi còn nhỏ, cha mẹ dọn đến Boston cho tới vụ án hôm nay. Đặc biệt tác giả kể rất tỉ mỉ về quãng thời gian mà Mark làm việc tại Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tây Ban Nha cùng mối tình thơ mộng với Anna Maxell. Janna đọc kỹ bài báo không phải để hiểu thêm về Mark mà cô hy vọng tìm thấy một chi tiết nào đó về cha đẻ của cô, nhưng cô không thấy. Janna thất vọng đặt tờ báo xuống, cảm thấy trỗi dậy nỗi khát khao đã nảy sinh trong lòng cô từ hôm cô tròn mười ba tuổi.
Một giờ sau Janna bước vào tòa nhà trên đại lộ bờ sông. Cô thấy Anna ngồi một mình trong phòng khách, mắt đỏ hoe, rõ ràng là vừa mới khóc. Bên cạnh là tờ báo New York Times giở đúng trang có đăng bài tỉ mỉ về quá khứ của Mark Hunter.
Janna chào:
- Mẹ! - rồi âu yếm quàng tay ôm cổ bà- Mẹ đừng để ảnh hưởng đến mẹ!
- Bài báo này làm mẹ nhớ lại bao nhiêu chuyện.
- Con hiểu nhưng hai mẹ con mình cần phải vững vàng vì ba.
Anna nức nở:
- Con không biết ngồi tại phiên tòa và nghe toàn những lời bịa đặt kể xấu cho ba, mẹ khổ tâm đến mức nào đâu.
- Con cũng có mặt ở đó mẹ nhớ không?
- À, đúng rồi, mẹ xin lỗi. Tại đầu óc mẹ lúc này như mụ đi. Mẹ rất khổ tâm thấy mình không thể làm gì để thanh minh cho ba.
- Ba đọc bài báo này chưa ạ?
Anna lắc đầu rồi lau nước mắt:
- Ba vẫn còn đang ngủ. Thuốc an thần hôm qua bác Bill cho vẫn chưa hết tác dụng.
Chuông điện thoại reo. Khi Anna đặt máy xuống, nàng nói:
- Luật sư Wilson. Ông ấy muốn gặp để trao đổi với ba sáng ngày mai.
- Nhưng sức khỏe của ba đã khá chưa mà ngồi trả lời các câu ông ấy hỏi được?
Anna nói:
- Mẹ cũng nghĩ thế, nhưng ông Wilson bảo rất cần. Phải chuẩn bị cho ba trình bày trước tòa hôm thứ hai.
Janna nói:
- Hôm đó con sẽ cố thu xếp để đến dự. Lúc này ba rất cần có sự hỗ trợ về mặt tinh thần.
Anna bối rối quay chiếc nhẫn cưới ở trong tay rồi ngập ngừng một chút trước khi cất tiếng:
- Tối hôm qua. Mẹ có nói chuyện với ba, ba đề nghị mẹ thuyết phục con nhận lời mời của bác Genevieve sang Thụy sĩ ít lâu..
- Con tưởng hai mẹ con mình đã bàn và thống nhất rồi?
- Bác Bill nói rằng ba lo cho con còn nhiều hơn về vụ án. Ba nghĩ rằng ba có lỗi đã làm cho con liên quan đến vụ này, cho nên nếu con xa ba được một năm thì..
Janna ngắt lời:
- Sao lại phải một năm?
Anna nói:
- Việc xét xử sẽ kéo dài hàng tháng trời và bà hiệu trưởng trường Barnard cũng đã bảo với mẹ là con nên nghỉ học một học kỳ rồi sau khi mọi chuyện xong xuôi, lại trở lại học tiếp vào dịp khai trường sang năm.
- Những mười hai tháng trời thì lâu quá!
- Đó là việc con có thể làm tốt nhất cho ba.
Janna bước ra cửa sổ, nhìn đoàn xe cộ chạy tấp nập trên Đại lộ bờ sông:
- Mẹ nói đúng không đấy?
- Bác Bill bảo như thế.
- Còn mẹ?
Anna bước đến sau lưng Janna, quàng tay ôm ngang người cô, nói:
- Xa con, mẹ rất buồn, nhưng nếu vì Mark..
- Mẹ cũng tin rằng việc con làm cho ba phải lo nghĩ rất nhiều ạ?
- Mẹ có cảm giác như vậy.
Janna thật sự bối rối. Trong lòng cô có hai cách nghĩ giằng co. Để thoát khỏi nỗi căng thẳng ấy, cô nói:
- Thôi được, nếu con đi có lợi cho ba hơn trong việc chịu đựng qua cơn ác mộng này thì con bằng lòng đi.
Anna nói:
- Mẹ cũng đoán con sẽ trả lời như vậy. Đêm qua mẹ đã gọi điện cho bác Genevieve nói với bác là mẹ sẽ thuyết phục con thêm lần nữa. Bác ấy đang chờ con sang đó..
- Bao giờ con phải đi?
- Mẹ bảo bác ấy là con sẽ rời New York tối nay.
- Tối nay?
- Con càng đi sớm bao nhiêu thì ba càng thanh thoát bấy nhiêu. Mà lúc này thần kinh ba căng thẳng đến tột độ rồi.
- Liệu ba có qua được không, mẹ?
- Bác Bill rất lo.
- Gấp quá nhỉ, con còn phải về trường lấy quần áo..
- Quần áo con chẳng nhiều nhặn gì để mẹ giúp cho một tay.
Hai mẹ con trao đổi thêm vài câu trong lúc taxi chạy về phía Đông. Một giờ sau, khi đồ đạc đã nhét vào vali, Janna xé tờ giấy trong sổ tay, hỏi:
- Con phải viết cho mấy đứa bạn thế nào?
- Chuyện ấy mẹ sẽ làm sau. Họ sẽ hiểu thôi. Mẹ cũng sẽ gọi điện cho chỗ con làm ở kho hàng Macy và đến bà hiệu trưởng.
Họ xuống nhà, Janna gọi taxi, nói:
- Con muốn vào thăm ba một chút.
- Mẹ sợ ba chưa dậy..
- Con cứ thử xem..
Anna trườn người lên bảo lái xe chạy đến đại lộ bờ sông. Khi xe đỗ, nàng nói:
- Mẹ đợi con dưới này.
Janna vào nhà, rón rén lên phòng ngủ. Rèm cửa đã kéo xuống nhưng vẫn đủ sáng để thấy Mark nằm trên giường. Ông nhắm mắt và mặt ông tái xanh. Thoạt đầu Janna tưởng ông không còn thở nữa, nhưng lát sau cô nhận thấy ngực ông hơi phập phồng. Cô nghĩ ông vẫn còn bị thuốc ngủ tác động. Cô rón rén bước tới, hôn lên trán ông. Ông khẽ mở mắt mỉm cười yếu ớt.
- Con đến chào ba, con đi-Janna nói rất nhỏ, mắt nhoà lệ.
- Con đi à? - giọng ông chỉ lớn hơn hơi thở một chút.
- Con đã quyết định nhận lời bác Genevieve..
- Ba rất mừng- Giọng ông đầy thanh thản-Ba sẽ rất nhớ con nhưng như thế thì tốt hơn. Bao giờ cơn ác mộng này qua đi..
- Cha con mình lại xum họp.
Mark gật đầu và ứa lệ.
- Con yêu ba - Janna nói, áp chặt má lên má cha nuôi, giữ như thế một lúc cho đến khi hiểu rằng, nếu cô không dứt ngay đi thì sẽ không bao giờ đi nổi.
Thấy Janna ra, mắt ướt, Anna hỏi:
- Ba thức à?
Janna gật đầu, nhưng không kể gì thêm. Cô đột nhiên cảm thấy thân thể rã rời.
Lấy xong vé, Anna bảo con gái lúc họ đi ra phía cửa phi trường:
- Con sẽ có hai tiếng đồng hồ máy bay đỗ ở Orly, rồi bay một tiếng nữa là tới Geneve. Lát nữa mẹ sẽ gọi điện báo bác Genevieve biết con đáp chuyến bay nào.
Janna cảm thấy Anna đang cố ghìm cơn xúc động, nhưng khi đến cửa máy bay thì bà không kềm chế được nữa, nước mắt tuôn ra như suối trên khuôn mặt già nua.
Anna nức nở:
- Mẹ sẽ nhớ con biết chừng nào.
Janna cũng thấy mình sắp òa khóc. Cô quàng tay ôm mẹ:
- Con còn nhớ ba mẹ hơn nhiều.
Hai mẹ con ôm ghì lấy nhau một lúc lâu cho đến khi loa gọi hành khách lần cuối cùng của chuyến bay. Janna ra máy bay. Anna nhìn theo cho đến khi Janna khuất sau chỗ ngoặt.
Nỗi đau của nàng khôn tả, nàng tưởng như đứt một khúc ruột. Nàng đứng tựa vào cánh cửa khóc thổn thức nhìn máy bay đang chạy ra đường băng. Mãi đến khi máy bay cất cánh và khuất sau đám mây, nàng mới quay ra nhưng vẫn còn khóc đến khi về đến thành phố.
Mười giờ tối bà Anna mới về đến nhà. Bà chưa lên gác vội mà vẫn ngồi trong phòng khách cố ghìm nỗi trống trải khủng khiếp mà Janna để lại trong lòng. Bà không muốn chồng nhìn thấy mình khóc. Khi nghe tiếng chân ông bước trên gác, bà bèn vào bếp rót sữa vào xoong. Mark có thói quen là thích uống một cốc sữa cacao nóng trước khi đi ngủ. Trong lúc đợi sữa sôi, bà mở tủ lạnh lấy ra một khoanh bánh mì cặp thức ăn.
Anna bưng khay thức ăn lên phòng ngủ trên gác. Giường trống, tấm khăn quấn cổ vứt dưới chân giường còn gối thì lăm xuống đất. Bà nhặt gối lên và thấy một mảnh giấy trên sàn. Bà ngạc nhiên vì tính Mark rất trật tự, giấy viết xong bao giờ cũng để trên bàn, ngay cả khi vội sang buồng tắm. Bà chắc ông đang ở trong đó vì bà thấy đèn buồng tắm bật sáng.
Anna nhặt tờ giấy lên đọc:
“Em yêu!
Được chung sống với em là toàn bộ mong muốn của anh
.. em đã đem ý nghĩa cho cuộc đời anh..
Nhưng anh không thể tiếp tục được nữa
Anh yêu em..
Mark.”
Anna lao đến buồng tắm đẩy cửa bước vào.
Bà hét lên:
- Lạy chúa tôi!
Thân thể Mark treo lủng lẳng bằng một sợi dây ngắn, buộc vào hoa sen, mắt ông lồi hẳn ra ngoài. Lưỡi lè ra khủng khiếp giữa đôi môi. Ông đã cởi áo pyjama, nhưng vẫn giữ quần, lúc này đã đứt dây.
Chuông điện thoại dưới phòng khách reo nhưng Anna không thể nhấc nổi chân tay. Thậm chí mắt nàng không thể dời đi chỗ khác được. Chuông điện thoại vẫn reo một lúc rồi ngừng, bỏ lại căn nhà chìm vào một sự im lặng hoàn toàn.