Chương 23

Geneviene Fleury nhấc máy điện thoại đưa lên tai và cố nắm ý nghĩa câu nói của Anna hét lên ở đầu dây bên kia tại New york.
- Chị có nghe thấy tôi nói không?
Anna hỏi:
- Mark đã tự tử.
- Ôi lạy chúa!
Người phụ nữ Pháp cố tìm xem lúc này phải nói thế nào cho đúng nhất, nhưng không sao nghĩ ra.
- Tôi rất cần cháu Janna biết tin này là do miệng tôi nói ra đầu tiên, tôi không muốn nó nghe được ai nói, trước khi tôi báo cho nó. Chuyến máy bay cháu đi chỉ dừng lại ở sân bay Paris hai tiếng đồng hồ, có nghĩa cháu sẽ đến sân bay Geneve vào mười giờ mười lăm phút, giờ địa phương chỗ chị.
Geneviene nói:
- Tôi sẽ ra sân bay đón cháu và tôi bảo cháu gọi điện ngay cho chị khi cháu ra khỏi máy bay. Chị có cần cháu quay về New York không?
Anna đáp:
- Chưa cần. Lúc này báo chí đang lùng sục tin tức và tôi không muốn Janna có mặt ở đây vội.
- Đến bao giờ mới yên tĩnh trở lại?
- Chắc phải khá lâu. Cửa hiệu bị đóng cửa và Mark để lại nợ nần chồng chất..
Anna nói một tràng dài rồi kết luận:
- Tôi nghĩ nên làm theo đúng kế hoạch ban đầu chị đưa ra, như thế cũng tiện cho chị hơn
Geneviene nói:
- Tôi rất muốn cháu ở đây với tôi và tất nhiên chị không cần lo lắng về chuyện ăn uống và học hành của cháu.
- Cảm ơn chị, chị tốt quá!
Geneviene nói thêm để bạn yên tâm:
- Tôi sẽ chăm nom cháu cẩn thận.
- Chị nói giùm là tôi chờ nó gọi điện về..
Đường dây đã cắt nhưng Geneviene vẫn giữ máy trên tai một lúc lâu rồi mới đặt xuống. Bàn tay bà run lẩy bẩy, trán ướt đẫm mồ hôi, nhưng nguyên nhân chỉ một phần do tin đột ngột Anna vừa báo cho bà.
Cơn vật vã của Geneviene bắt đầu từ mấy tiếng đồng hồ trước khi Anna gọi điện tới. Những dấu hiệu đầu tiên của cơn suy sụp đã xuất hiện từ lâu rồi. Bà thấy dạ dày co thắt rất mạnh và hai chân co cứng lại, lần này dữ dội đến mức bà đã cuốn chặt tấm khăn trải giường vào người mà vẫn không thấy dễ chịu hơn chút nào.
- Đồ khốn kiếp!
Bà lẩm bẩm. Ruột gan bà quặn đau và bà vội vã chạy sang phòng vệ sinh để phóng uế cơn ỉa chảy. Đây là lần đầu tiên chỉ trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua, bà đi ngoài.
Mấy tiếng rủa kia bà ám chỉ bác sĩ Pierre Brassard. Ông ta hứa chiều qua sẽ đến thăm trường và tiêm morphine cho bà. Bây giờ mỗi ngày bà phải tiêm hai ống. Bà đã dùng hết số morphine dự trữ ông ta để lại cho bà trước đây hai ngày. Nhưng khi bà gọi điện đến phòng mạch của ông ta tại Geneve thì cô thư ký cho biết bác sĩ Brassard đang bận mổ, không thể đến thăm bà trong ngày hôm nay được.
Nhưng hôm nay ông ta cũng lại không đến và Geneviene biết nguyên nhân tại đâu. Bà vẫn chưa trả đủ tiền số morphine ông ta đưa bà trong tháng trước và bắt bà phải đợi chờ như thế này chính là một cách ông ta nhắc bà. Geneviene biết nếu như ông bác sĩ này không bị lệ thuộc bởi công việc bà thuê ông ta làm ở trường thì ông ta đã ngừng cung cấp morphine cho bà từ lâu rồi. Bà thuê ông ta làm bác sĩ trông nom sức khỏe cho trường và phụ huynh học sinh đều là những người giàu có, vẫn thường xuyên thưởng thêm tiền cho ông ta. Công việc này do đó rất bở và ông ta không dám bỏ.
Nhưng ông ta gây áp lực với bà bằng cách tiêm cho bà thứ morphine loãng và luôn sai hẹn như thế này buộc bà phải tìm đến ông ta và nộp số tiền bà còn thiếu.
Thấy ông ta không có mặt ở phòng mạch, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong óc bà là gọi điện đến nhà riêng, yêu cầu ông ta mang thuốc đến, nhưng sau một lúc nghĩ lại, bà quyết định không gọi, kiên nhẫn chờ ông ta tự đến, để ông ta biết rằng bà không đến nỗi phụ thuộc vào morphine như ông ta tưởng.
Geneviene dùng hết nghị lực xuống nhà ngồi ăn bữa tối cùng với bốn mươi ba nữ học sinh của trường, bà cố giữ vẻ mặt tươi tỉnh và chuyện trò hòa nhã với họ. Nhưng bà không ăn được gì hết và chỉ một lúc sau bà không thể tiếp chuyện họ được. Đến lúc nhà bếp tiếp thức ăn tráng miệng và cà phê, bà không thể cố gắng thêm được nữa. Bà xin lỗi các học sinh, lấy cớ phải giải quyết một loạt các giấy tờ rồi leo thang lên gác, về khu dành riêng cho bà ở tầng hai.
Thông thường, căn hộ xinh xắn và đồ đạc sang trọng được bà trang bị thành một kiểu biệt thự mỹ lệ ngay khi tậu lâu đài cổ này năm 1954, là nơi thánh đường giúp bà lẩn tránh khỏi những tiếng ồn ào đùa nghịch cùng tiếng đàn nhạc của đám sinh viên. Nhưng tối hôm nay, cái thánh đường ấy không khác gì một ngục tù.
Không thể ngồi yên chỗ nào được vài giây đồng hồ, bà đứng lên sải bước trong căn phòng, miệng khô khốc, cố nghĩ đến chuyện gì đó để quên đi cơn đói thuốc vật vã. Bà cố nhắm mắt trên giường nhưng lập tức bị những cơn co giật rung chuyển cả người. Ruột bà quặn đau và bà mót đại tiện đến mức bà phải quặp chặt hai chân và lăn lộn để ghìm lại. Mũi bả cũng co giật và hai mắt bà như bốc lửa. Bà nôn mửa một thôi một hồi cho đến lúc ra cả mật xanh mật vàng, thậm chí nôn cả ra máu. Đầu bà nhức như búa bổ và bà bắt đầu nhìn thấy những cảnh quái đản. Những hình ảnh rùng rợn ở khu tập trung Do Thái tại Vacsava ngày xưa liên tiếp thay nhau hiện ra trong óc bà. Hư thực lẫn lộn và bà thấy mình đang đứng giữa đống lửa cháy bùng bùng. Lửa bén cả vào da thịt bà.
Cơn vật vã kéo dài suốt đêm, hết đau quặn ruột lại co thắt dạ dày, nôn mửa. Cuối cùng kiệt sức bà thiếp ngủ, nhưng chỉ mười hoặc mười lăm phút sau đã choàng dậy, mồ hôi đầm đìa.
Khoảng năm giờ sáng, tưởng cơn vật vã đã kết thúc, tiếng chuông điện thoại reo và Anna gọi từ New York đến, báo tin Mark vừa tự tử. Thoạt đầu, nghe Anna nói, Geneviene đã tưởng là vẫn chỉ là kéo dài cơn ác mộng suốt mấy tiếng đồng hồ qua. Nhưng bây giờ sau khi đặt máy xuống, bà không sao tách riêng ra hai thứ, bởi cơn vật vã làm bà bải hoải bây giờ lại xuất hiện, khủng khiếp hơn bất cứ lần nào khác. Toàn thân bà co giật. Nhưng đột nhiên cơn co giật lại biến mất cũng bất ngờ như khi nó xuất hiện.
Bà rên rỉ:
- Cầu chúa thương xót con..
Bà chờ đợi, nhớ lại cái ngày cách đây bốn mươi năm, khi Hank Owens tiêm cho bà mũi morphine đầu tiên. Ông ta làm việc đó là xuất phát từ lòng tốt. Geneviene còn nhứ câu đe của Hank:
- Tôi đã thấy những cậu ở đơn vị bị mắc vào thứ nguy hiểm này.
Bây giờ bà mới hiểu hết ý nghĩa của câu nhắc nhủ đó, nhưng đã quá muộn, không thể ngừng lại được nữa. Bây giờ không còn là chuyện tìm sự khoan khoái như ngày trước mà chỉ đơn giản là khỏi bị cơn vật vã hành hạ.
Ngày đó Geneviene trở về Paris sau chuyến giao du ngắn ngủi của Hank. Bà tiếp tục làm việc cho bà công tước và cách duy nhất giúp bà chịu đựng những khách làng chơi trong lúc làm tình là tự chích morphine. Thứ thuốc này giúp bà chịu nổi năm năm sống tủi nhục và thỏa mãn mọi yêu cầu oái oăm nhất của khách mua dâm.
Morphine giúp bà tự tách mình ra làm hai, một con người trong trạng thái thăng hoa quan sát một con người khác đang bị dùng làm trò chơi cho khách. Điều bà lo lắng nhất lúc bấy giờ là sợ đến lúc không kiếm được morphine. Nhưng quãng mười năm sau chiến tranh, chợ đen Paris phát triển đến mức hễ có tiền là mua được bất cứ thứ gì, kể cả các loại ma túy.
Mà bấy giờ tiền nong đâu phải khó đối với Geneviene. Trong vòng năm năm bà đã dành dụm đủ tiền để tậu tòa lâu đài Montreux, sửa chữa thành trường học và chi tiền quảng cáo để thu hút các gia đình giầu có cho con gái đến đó học.
Vụ cắt đứt với mụ công tước khá đau xót. Mụ ta muốn Geneviene tiếp tục làm việc, viện cớ nghề làm điếm này rất bở đối với cả hai người, nhưng Geneviene đã nhất quyết. Bà đã quá ngán cuộc sống trước đây và ao ước được đổi đời.
Lúc đầu, tình hình thuận lợi. Ngân hàng tín dụng Thụy Sĩ tại Geneve, do tín nhiệm qua đóng góp của bà với chi nhánh của họ tại Paris, đã vui lòng cấp vốn cho bà để mở trường. Chỉ trong vòng một năm đầu. Geneviene đã nâng học phí lên đến mức trường có thể tự trang trải và tồn tại.
Thành công trong mười hai tháng đầu tiên tạo cho Geneviene niềm tin vào công việc mình làm và bà sung sướng phát hiện ra rằng bà rất thích hợp với loại công việc này. Bà am hiểu tâm lý con người. Thêm vào đó là những khả năng bà học được khiến bà trở thành một thầy giáo tốt. Các nữ sinh viên quý bà. Cha mẹ họ cũng vậy. Và khi có dịp đến thăm con cái tại trường, họ rất hài lòng và thán phục con người cũng như thái độ cư xử của bà hiệu trưởng kiêm chủ nhân tòa lâu đài.
Geneviene tưởng như đã hoàn toàn cắt đứt được với quá khứ, tuy nhiên vẫn còn một sợi dây gắn bà vào, đó là morphine. Ở đất Geneve không khó gì tìm được một bác sĩ sẵn sàng cung cấp morphine cho bà để kiếm lời, khốn nỗi hai năm trước đây Ngân hàng Tín dụng Thụy Sĩ không rõ vì nguyên nhân gì đột nhiên cắt đứt việc đầu tư và thế là bà đâm rơi vào tình trạng vô cùng nan giải.
Sau hai năm tìm kiếm, bà vẫn không tìm ra một ngân hàng tín dụng nào chịu cấp vốn cho bà. Trường đã tưởng tan, đột nhiên Geneviene nhận được lời đề nghị muốn giúp đỡ của một con người bà ít ngờ đến nhất: Nữ công tước De Cabo!
Một hôm mụ bỗng nhiên đến thăm trường, không hề báo trước, và đưa ra với người phụ nữ từng làm thuê cho mụ lời đề nghị: mụ sẵn sàng cấp vốn cho Geneviene thông qua bất cứ nhà băng nào do bà tự chọn. Đổi lại, mụ chỉ yêu cầu hai điều: một nửa quyền sở hữu đối với trường và quyền được tuyển những sinh viên tốt nghiệp ở đây cho văn phòng giới thiệu việc làm do mụ thành lập ở Paris, sau khi Geneviene bỏ đi.
Thoạt đầu, Geneviene ngần ngại điều kiện thứ hai của mụ công tước đưa ra. Bà biết quá rõ mụ ta nên không tin rằng mụ làm việc gì không nhằm cầu lợi. Geneviene ngại mụ ta sẽ bóc lột những cô gái sẽ tốt nghiệp ở đây. Nhưng khi nghe mụ công tước kể những ý định tốt đẹp của mụ trong việc mở văn phòng giới thiệu việc làm thì Geneviene miễn cưỡng phải thừa nhận đó là một việc làm đáng quý.
Xuất phát điểm của mụ công tước là mụ nhận thấy giới đại kinh doanh, những tư bản kếch xù rất cần những cô trợ lý xinh đẹp, biết cách ăn mặc, tiếp chuyện và xử sự sang trọng, lịch duyệt để thay mặt họ tiếp xúc với tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Còn gì bằng nếu giới thiệu những nữ sinh viên tốt nghiệp trường này với họ. Cả hai bên đều có lợi, một bên được việc làm lương cao, nhàn hạ, một bên dược người giúp việc lịch sự, giỏi giang.
Mụ công tước nói:
- Thư ký thì tìm dễ, nhưng các nhà đại tư bản rất khó tìm những phụ nữ không chỉ thông minh mà còn thành thạo trong việc giao tiếp với giới thượng lưu để có thể yên tâm giao phó công việc.
Geneviene biết mụ công tước nói có phần đúng. Rất nhiều nữ sinh viên sau khi tốt nghiệp trường của bà chưa biết sử dụng kiến thức và phong cách sinh hoạt học được ở đây vào việc gì. Một số học tiếp đại học, nhưng đa số rơi vào tình trạng vô công rồi nghề. Sáng kiến của mụ công tước đúng là cách giải quyết tuyệt vời mối mâu thuẫn này.
Những cô gái được mụ công tước tuyển dụng đầu tiên là những nữ sinh tốt nghiệp khóa cách đây hai năm. Mụ công tước cử họ đi tiếp xúc với những quan chức cao cấp, những nhà đại doanh nghiệp và họ đều được đảm bảo phí tổn đi đường: vé hạng nhất trên máy bay, phòng nghỉ ở những khách sạn thượng hạng. Tất nhiên không phải ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên họ đã kiếm được công việc thích hợp, nhưng chỉ sau một vài lần họ đã kiếm được chân thư ký riêng hoặc trợ lý của những nhân vật cực kỳ giầu có. Geneviene nhận được thư của nhiều cha mẹ cựu nữ sinh viên tỏ vẻ hài lòng về vị trí của con gái họ hiện nay và rất biết ơn văn phòng của “ Nữ công tước de Cabo”.
Geneviene đã nhận lời mụ thật ra là bà không có cách lựa chọn nào khác. Không có đầu tư của mụ công tước, trường sẽ phải giải tán.
Chuông điện thoại đánh thức Geneviene và bà chợt nhận ra là đã vừa ngủ thiếp mất. Ngoài trời đã sáng, tuy chưa đủ soi hết căn phòng ngủ. Mắt bà nhìn vẫn chưa rõ và mồ hôi đầm đìa khắp người, tim đập thình thịch.
Khi chuông điện thoại reo lần thứ hai, Geneviene định với tay nhấc máy, nhưng đột nhiên bụng bà đau quặn đến mức bà phải thét lên. Chuông vẫn reo và cuối cùng bà đã nhấc được máy. Bà nhận ra tiếng bà trợ lý hành chính. Bà ta nói:
- Bác sĩ Brassard đang chờ phu nhân dưới phòng khách.
Geneviene rên rỉ yếu ớt:
- Mời ông ta lên đây gặp tôi.
- Phu nhân đau ạ?
- Cảm nhẹ thôi.
-Phu nhân còn cần tôi bảo lái xe đưa phu nhân ra sân bay không ạ?
- Cần.
Geneviene cố giữ giọng bình thản:
- Bảo lái xe là tôi cần ra đón chuyến máy bay từ Paris đến, hạ cánh lúc mười giờ mười lăm. Và tôi rất cần phải ra đó đúng giờ.