Chương 29

Chín giờ sáng hôm sau, thứ hai, Janna gọi điện cho Wong, báo cáo công việc. Nàng cầm máy mà hồi hộp, không biết ông ta sẽ có thái độ ra sao với người nữ nhân viên mới đến đã bỏ đi liền mấy hôm. Nhưng thái độ của Wong ở đầu dây bên kia vẫn vui vẻ, hệt như trong lần gặp nàng cách đây một tuần.
Ông ta tỏ vẻ hy vọng rằng đến nay nàng đã thông thạo thành phố Singapore và hối thúc nàng chuẩn bị gấp cho cuộc tiếp đón khách của ông ta, những nhà tài phiệt và chủ ngân hàng trên khắp thế giới sẽ tới đây vào cuối tuần.
Ông ta nói:
- Trong thời gian họ là khách của tôi ở đây, cô sẽ làm mọi cách để họ được dễ chịu, thoải mái. Khách ở Hong Kong và Nhật Bản sẽ đến sớm hơn khách các nước khác một ngày. Tôi sẽ thết tiệc họ và tôi mong cô cùng dự bữa tiệc đó.
Ông ta không hề hỏi trong tuần qua đi tìm hiểu thành phố, Janna đi một mình hay đi cùng với ai. Ông ta chỉ cần biết nàng đã trở về mà thôi.
- Một tuần tìm hiểu đạt kết quả tốt chứ?
Một giọng nói vui vẻ vang lên phía sau. Nàng ngoái đầu lại và thấy Foster đang đứng bên canh quầy tiếp tân.
Nàng lạnh nhạt đáp:
- Rất tốt.
- Cô đã sẵn sàng cho khách đi thăm quan những thầy phủ thuỷ người ấn và những nhà thôi miên rắn hổ mang rồi chứ?
Y nhe răng cười rổi bỏ đi, không đợi Janna trả lời.
Đã tưởng y sẽ nhắc lại việc nhìn thấy nàng ngồi xích lô với Janet, nhưng không. Janna cảm thấy hơi bối rối. Cảm giác này bám theo nàng cả mấy ngày sau, trong lúc thu xếp nhà nghỉ tại khách sạn cho các nhà tài phiệt sẽ đến Singapore. Nàng kiểm tra từng phòng để yên tâm là khách sẽ được hài lòng. Nàng cũng đến nếm thử ở nhiều hiệu ăn, biết mỗi nơi có những món nào đặc biệt, nơi nào có phòng khiêu vũ và những hình thức giải trí khác cho khách.
Ngày tổ chức bữa tiệc chào mừng khách của Wong, nàng nhận được điện thoại cô nữ thư ký của ông ta báo đúng bảy giờ rưỡi tối sẽ có xe tới đón. Nàng xuống đứng trên hè đợi và thấy chiếc Rolls Royce đến. Nàng mặc bộ lễ phục buổi tối mầu trắng của hiệu Balenciaga và cầm ví nhỏ, thêu rất đẹp. Tóc nàng thắt sau gáy và toàn bộ trang điểm của nàng chỉ gồm một chút son thoa trên môi. Tuy vậy trông nàng rất xinh.
Janna suy nghĩ xem trong bữa tiệc nàng cần phải giữ thái độ như thế nào. Thật là không bình thường khi một nhân viên thượng lưu phương Đông lại bao một phụ nữ độc thân châu Âu trong nhà, nhất là đối với Wong, con người luôn giữ gìn nghiêm ngặt cuộc đời tư.
Toà biệt thự của Wong nằm trên một dải đất nhô ra ngoài biển, thuộc ngoại ô thành phố. Trên đường ra đó, xe Rolls Royce men theo đại lộ Cầu Phương Bắc, Janna nhìn thấy những cu li người Hoa ngồi trên vỉa hè ăn cơm trong những bát nhựa. Nhớ đến Janet nàng cảm thấy một chút mặc cảm tội lỗi, khi nhân viên gác cổng mang đầy đủ vũ khí ra hiệu cho xe chạy vào cổng sắt rồi lăn bánh giữa những ô trồng hoa, đến đỗ trước bậc thềm của một toà nhà cực kỳ sang trọng, xây trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ trông ra biển. Hoa viên trồng các thứ hoa quý, có những ngọn đèn băng pha lê chiếu sáng và những vòi phun nước các kiểu. Giữa hoa viên là một bể cá lớn bằng thuỷ tinh, bên trong là những con cá vàng đủ mầu sắc bơi lượn. Giữa bể là hòn non bộ với những pho tượng Trung Hoá thể hiện các nhân vật thần thoại và lịch sử Trung Quốc.
Ra khỏi xe, bước lên bậc đá hoa vào tiền sảnh, Janna ngạc nhiên thấy Wong đích thân ra đón. Mời nàng vào trong nhà, ông ta giới thiệu nàg với vợ, một phụ nữ Trung Hoa xinh đẹp tuổi chỉ bằng nửa tuổi ông, rồi dẫn nàng sang phòng khách rất rộng, lát gỗ tếch, để gặp các vị khách.
Đại đa số khách là người Hoa và Nhật, trừ có một người và khi ông ta quay lại để chào, nàng nhận ra chính là Ervin, người đã khiến nàng đặc biệt chú ý hôm ở thị trường chứng khoán Zurich. Chắc nàng đã không giấu nổi ngạc nhiên, bởi ông ta cười vang, nói:
- Tôi biết sẽ gặp cô ở đây.
- Sao ông biết tôi ở đây?
- Khi ông Wong kể vừa thuê được một cô gái châu Âu làm trợ ký riêng và nói tên cô, tôi liền đề nghị ông mời cả tôi đến dự bữa tiệc này.
- Tôi tưởng các nhà tài chính châu Âu ngày mai mới đến?
Ervin đáp:
- Đúng là như thế, chỉ riêng tôi vì phải đến thủ đô Kuala Lumpur có việc, nên tiện đường sang đây luôn, sớm mất một ngày.
Một gia nhân sang báo bàn tiệc đã bày xong. Phu nhân Wong bèn mời khách sang phòng tiệc. Ervin khoác tay Janna, dẫn nàng đến bên bàn tiệc rất lớn, hình tròn, và năn nỉ nàng ngồi cạnh ông ta.
Trông ông ta rất đẹp trai, có sức quyến rũ như ngày nàng gặp năm trước và ăn mặc cực kỳ lịch sự. Tấm áo đuôi tôm lễ phục buổi tối bằng xoa trắng cắt rất khéo. Nàng mừng thầm là đã chọn bộ đồ của hiệu Balenciaga để đến đây tối nay, chỉ tiếc là lẽ ra nên đeo thêm vài thứ nứ trang quý. Nàng không đeo gì ngoài sợi dây chuyền có tấm lắc bằng vàng của Janet đưa.
Ervin vẫn tiếp tục cách tiếp chuyện lịch sự và vô cùng ý vị, trong khi chờ gia nhân tiếp món ăn đầu tiên. Nhưng Janna nhận thấy ông ta không rời mắt khỏi tấm lắc vàng đeo trên ngực. Không hề hổi nàng về thứ trang sức đơn giản đó, nhưng rõ ràng ông ta rất quan tâm đến nó. Janna thầm hài lòng thấy mình đã đeo thứ đó.
Các vị khách khác, tuy thái độ rất lịch sự nhưng họ vẫn để lộ cảm giác không được thoải mái vì có một phụ nữ châu Âu ngồi cùng bàn. Nhưng chỉ sau ly rượu đầu tiên, họ đã bớt phần ngượng nghịu. Ngồi bên trái Janna là một người đàn ông Trung Hoa ở Hồng Kông tới, to béo, uống rượu nhiều hơn hẳn mọi khách khác. Lát sau, ông ta đã hơi say và khi hầu bàn đem món súp ra, ông ta lấy đũa gắp một cái chân gà, đặt vào bát nàng.
Ông ta quả quyết:
- Đây là thứ quý nhất đấy!
Janna cảm thấy mọi người trong bàn tiệc đều quay cả về phía nàng, xem thử nàng phản ứng ra sao. Suy nghĩ rất nhanh, nàng lấy chiếc thìa bằng sứ múc sang bát của Ervin nói:
- Ông là vị khách quý nhất của bàn tiệc hôm nay, xin mời ông thứ quý nhất này!
Các vị khách mời cười rộ và thi nhau khen ông Wong tìm được cổtợ lý thông minh, lịch sự. Nhưng khi hầu bàn tiếp món tiếp theo, mọi ngườilại chăm chú nhìn theo Janna xử lý ra sao. Trong chiếc đĩa rất to là một con cá hấp bốc khói phải đến sáu bảng. Cô gái Mỹ chỉ có đôi đũa và một chiếc thìa nhỏ bằng sứ.
Janna lúng túng với đôi đũa và không làm sao lấy được miếng cá vào bát.
- Cô phải làm thế này
Thấy Janna loay hoay mãi mà không gắp được, Ervin bèn nói. Một tay cầm đĩa, một tay cầm thìa, ông ta khéo léo bóc lườn cá bỏ vào bát của mình. Janna nhìn và bắt chước đúng như thế thì quả thành công.
- Thế kia thì bọn bắt cóc cũng phải rầu lòng
Người đàn ông Trung Hoa lúc nãy gắp chân gà đặt vào bát cho Janna, nói.
Janna ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao lại như vậy, tôi không hiểu.
- Ngày xưa ngoài biển Trung Hoa có rất nhiều hải tặc. Bọn chúng thường bắt cóc trẻ con để đòi tiền chuộc. Nhưng cái khó đối với chúng là làm thế nào biết được đứa trẻ chúng bắt cóc có bố mẹ giầu đến đâu để liệu đặt giá tiền chuộc. Thế là chúng nghĩ ra mọt cách. Chúng để những đứa trẻ đó thật đói rồi đem món cá ra cho ăn. Đứa nào gỡ xá giỏi tức là bố mẹ giầu. Trẻ con nhà nghèo làm gì có cá ăn cho nên không quen gỡ cá..
Janna hỏi:
- Những đứa trẻ nhà nghèo, bố mẹ không có tiền chuộc thì bọn cướp xử lý ra sao?
- Thì chúng giết và quăng xuống biển làm mồi cho cá!
Wong đáp thay cho người nàng hỏi.
Mọi người cười rộ và bưa tiệc lại tiếp tục, bây giờ thoải mái vui vẻt hơn. Không còn ai giữ ý như lúc ban đầu nữa. Tuy nhiên tâm trạng Janna lại phát triển theo chiều hướng ngược lại. Nàng cảm thấy câu nói của Wong với giọng thản nhiên như một lời đe doạ và nàng rùng mình.
Janna cố tập trung tư tưởng vào việc ăn và không nghĩ ngợi gì hết. Nàng cũng cố không nghe những lời pha trò tục tĩu và lạnh lùng đến mức tàn bạo, nhẫn tâm của các vị khách. Bây giờ họ không còn e ngại gì cô gài trẻ châu Âu và họ coi như nàng không có mặt ở đây.
Đột nhiên hầu bàn dọn hết bát đĩa trên bàn. Chỉ còn lại những chậu phong lan ở giữa bàn tiệc. Các hầu bàn nhấc mỗi chậu ra đặt trước từng người khách. Janna vẫn chưa hiểu gì hết, cho đến lúc hầu bàn nhấc khóm phong lan để lộ ra một lỗ hổng tròn và một đầu khỉ thò lên. Con khỉ vẫn sống và bị trói chặt, chỉ để hở cặp mắt sợ hãi. Nàng ngơ ngác nhìn và thấy các vị khách cũng đưa mắt về phía chủ nhân: ông Wong.
Ông ta cầm con dao hầu bàn vừa đưa phạt ngang sọ con khỉ, rồi thản nhiên dùng thìa xúc chất óc trắng bên trong, đưa lên miệng ăn một cách ngon lành. Các vi khách lần lượt bắt chước chủ nhân.
Ông khách người Hoa to béo ngồi bên trái Janna thấy nàng chần chừ bèn xúc một thìa óc khỉ sống mời nàng.
Janna hốt hoảng, nàng thấy buồn nôn. Không thể chịu được nữa, nàng đứng dậy chạy ra ngoài vườn, cố trấn tĩnh lại. Không khí thoang thoảng mùi hoa dạ hương nhưng nàng vẫn thấy cảm giác lợm giọng. Nàng quỳ xuống bể nước, vốc một ít lên phả vào mặt để dịu lại cơn xúc động.
- Cô có làm sao không đấy?
Janna nhận ra tiếng Ervin.
- Tôi hơi váng vất.
Nàng đáp.
- Cô muốn về không?
Ervin hỏi.
Nàng nói rất khẽ:
- Nếu được như thế thì còn gì bằng, nhưng..
- Tôi đã in lỗi ông Wong hộ cô rồi, cho nên cô không phải lo gì về ông chủ của cô. Cô đâu phải người châu Âu đầu tiên có phản ứng như vậy. Thậm chí thấy cô hoảng hốt, ông Wong còn thú vị nữa kia.
- Tại sao vậy?
- Hồi còn làm tên nhặt phân ông ta đã bị bao nhiêu người khinh bỉ, nhục mạ. Bây giờ ông ta muốn rửa mối hận ngày đó.
Ervin nắm cánh tay Janna đỡ nàng đứng lên rồi dẫn ra chiếc xe Calillac thuê, đậu trước cửa biệt thự. Lúc Ervin bắt đầu lái xe đưa nàng vào thành phố, Janna vẫn còn cảm giác buồn nôn và nàng không nói năng gì hết.
Nhưng mới được nửa đường, lúc xe chạy theo đại lộ ven biển, đột nhiên Ervin quặt xe sang con đường nhỏ bằng đất men theo một khu rừng rậm.
- Ông định đi đâu vậy?
Janna hỏi.
- Cô cần uống một ly rược mạnh để tan đi những cảm giác khó chịu ấy.
Vừa nói, Ervin vừa đỗ xe trước cửa một tiệm rượu nhỏ trông ra biển.
Sau một thoáng ngập ngừng, Janna bước ra khỏi xe, đi theo ông ta vào quán, ngồi bên chiếc bàn trên bục trồi ra mặt biển.
Chủ tiệm đích thân ra đón tiếp Ervin. Đó là một người đàn ông nói tiếng Anh, giọng Đức, mặt choắt. Xem chừng ông ta rất quen Ervin.
Ngồi yên một chỗ, Janna nói với Ervin:
- Tôi thấy, đây không phải lần đầu ông đến Singapore.
Ervin đáp:
- Cô nói đúng. Công việc đòi hỏi tôi phải đến đây khá nhiều lần.
- Nghĩa là ông không cần tôi giới thiệu thành phố nữa?
- Nếu không phải đi Kuala Lumpur thì việc đầu tiên sáng mai là tôi sẽ nhận lời để cô dẫn tôi đi thăn thành phố.
Ervin mỉm cười nói. Hầu bàn bưng cà phê và rượu ra. Đợi anh ta khuất, Ervin nói tiếp:
- Chính vì vậy mà tôi cố tình đến đây sớm một ngày. Trưa hôm nay tôi đã gặp ông Wong Bàn công việc đầu tư cho công trình xây dựng lô nhà cho thuê cuả ông ta. Công trình naỳ ông ta được nhà nước tài trợ thêm.
- Tôi có biết.
Janna nói.
- Vậy chắc cô thấy kế hoạch của ông Wong to lớn mức nào rồi. Tốc độ xây của ông ta bốn mươi lăm phút hoàn thành một căn hộ. Trong năm năm đầu tiên sẽ xây xong một trăm ngàn căn.
- Theo ông, ông chủ tôi có thực hiện được như thế không?
- Lúc mới đến đây thì tôi tin rằng ông ta thực hiện được. Nhưng bây giờ không tin nữa.
- Tại sao?
- Vì gần đây Quỹ xây dựng nhà ở của nhà nước lại thay đổi ý kiến. Họ từ chối không tài trợ cho ông Wong nữa vì không tin là ông ta có thể thực hiện đúng cam kết. Chính vì vậy mà ông chủ của cô phải lôi kéo các giới tài phiệt các nươc góp vốn vào công trình của ông ta.
Janna hỏi:
- Họ đồng ý cả rồi chứ?
Ervin nhún vai:
- Tôi không biết.
- Nghĩa là sao?
Ervin nhấp ly rượu, đáp:
- Riêng tôi thì thấy đầu tư vào vụ này không chắc chắn. Wong bảo toàn bộ khu đất này là sở hữu của ông ta, nhưng tôi lại được biết không phải toàn bộ khu đất.
- Ông định nói đến khoảnh đất hiện đang là bãi chơi của trẻ con chứ gì?
Ervin ngạc nhiên:
- Sao cô được biết chuyện khoảnh đất ấy?
- Vì chủ sở hữu khoảnh đất này là người tôi quen. Bà Janet Taylor. Chính bà ta đã cho tôi tấm lắc tôi đang đeo.
- Tôi có nhìn thấy tấm lắc của cô từ nãy.
Ervin với tay cầm tấm lắc bằng ngón cái và ngón trỏ.
- Tấm lắc đặc biệt đấy.
- Cả hai mặt đều khắc chữ “K ”.
- K. Nghĩa là sao?
- Chữ đầu tiên một người đàn ông được tặng tấm lắc đó. "Josef Kandalman".
- Ông ta là bạn của Bà Janet Taylor à?
- Một người bà Janet Taylor quen từ khi còn ở khu tập trung Do Thái tại Váscava. Ông ta đã chết trong cuộc huỷ diệt khu Do Thái của bọn Đức.
- Bà Janet ấy hiện đang sống tại Singapore à?
- Bà ấy làm chủ một hiệu kê đơn bốc thuốc Đông y trên đường phố Hork Lam.
Janna cảm thấy tin cậy Ervin và không giấu giếm gì, nàng kể hết với ông ta về Janet Taylor thậm chí thuật lại cả những lời bà nhận xét về Wong.
Ervin nói tiếp:
- Bà ta nhận xét có phần đúng. Wong là con người đã định làm gì thì làm cho bằng được. Mà hiện giờ ông ta rất cần sở hữu khoảnh đất ấy.
- Nhưng bà Janet Taylor kiên quyết không chịu nhượng cho ông ta.
Bị tác động của men rượu, Janna thấy rất mến người đàn ông ngồi trước mặt nàng, nhất là nàng nhớ lại những kỷ niệm về ông ta hồi ở Zurich. Nàng chờ đợi ông ta tiến thêm một bước, nhưng uống giải khát xong, ông ta chỉ đưa nàng về khách sạn Raffles.
Đỗ xe trước cửa khách sạn, Ervin nói:
- Tôi còn ở đây lâu và sẽ còn gặp cô.
- Tôi sẽ không ở đây lâu đâu
Janna bực tức nói. Thái độ nhạt nhẽo của Ervin làm nàng khó chịu.
- Thời gian tập của tôi là ba tháng, nhưng sau buổi tối hôm nay tôi thấy ông Wong ngại rồi.
Ervin an ủi:
- Cô đừng lo. Ông ta đang rất cần cô. Cô ở lại đây càng lâu bao nhiêu ông ta càng có lợi. Ông Wong đang rất cần khoảnh đất của người cô quen. Và ông ta đang hy vọng nhờ co thuyết phục bà Janet Taylor kia.
Ervin cầm tay Janna, giữ lại hơi lâu, hôn nhẹ lên má nàng rồi quay vào xe, phóng đi khuất.
Janna rất ngạc nhiên trước thái độ kỳ lạ của Ervin và cố tìm cách giải thiích. Lúc lên đến phòng, nằm vào giường, nhìn cánh quạt quay uể oải nàng vẫn còn suy nghĩ miên man. Tại sao? Hồi nàng gặp ở Zurich, rõ ràng ông ta phải lòng nàng, vậy mà hôm nay, nàng bật đèn xanh thì ông ta lại bỏ đi? Thêm vào đó, nhận định của ông ta về ong chủ của nàng phù hợp với nhận định của Janet cũng lại khiến nàng khó hiểu. Bao nhiêu ấn tượngcủa buổi tối hôm nay, những câu nói của Wong, cách ông ta phạt ngang sọ con khỉ còn sống rồi lấy thìa xúc óc của nó lên miệng ăn ngon lành. Cả cặp mắt ông ta nhìn nàng với vẻ thách thức..
Trong mấy ngày tiếp theo, Janna suy tính mãi xem sau ba tháng làm thử nàng có nên nhận lời làm chính thức hay bỏ về? Tuy nhiên nàng không có nhiều thời giandành cho sự suy tính ấy vì rất bận vào công việc tiếp khách của ông Wong, nhất là đối với những nhà tài phiệt từ châu Âu sang.
Nàng giới thiệu họ với những danh lam thắng cảnh, đền chùa, đưa họ đến ăn những món ăn lạ của các hiệu, thưởng thức những hình thức giải trí độc đáo ở Singapore, kể cả xem xiếc: cắm dao qua lưỡi, đứng trên lưỡi kiếm sắc tung hứng..
Khi cuộc họp kết thúc và khách đều đã trở về nước, ông Wong mời nàng đến văn phòng, khen ngợi nàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông ta cho biết các vị khách đều hài lòng với thái độ niềm nở và sự khôn khéo tế nhị của nàng. Thời gian họ làm việc ở Singapore đã thành một niềm vui liên tục. Wong còn cho biết, do Janna làm việc tốt, không cần đợi đủ ba tháng thử thách nữa, nên nếu nàng bằng lòng, có thể ký hợp đồng chính thức trong một năm. Ông ta đề nghị trả lương gấp đôi và cấp cho nàng một căn hộ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi trong toà nhà của hãng nằm ngay ven biển.
Căn hộ của nàng trên tầng cao nhất, gồm hai phòng ngủ, một phòng tắm, một phòng tiếp khách và một bếp trang bị tối tân.
Trong lúc Janna tháo dỡ hành lý, một tấm bưu ảnh của Elke nàng nhận được hôm trước rơi ra. Tấm ảnh chụp cô gái Đức quàng tay ôm Joe Dawson trên bãi tắm ở bờ biển Malibu. Đằng sau ghi dòng chữ: Chín tháng nữa sẽ gặp lại bạn ở khách sạn Maxim. Đừng quên đấy! Yêu bạn. Elke và Joe.
Hôm trước, lúc nhận được tấm ảnh, Janna đã ngắm rất kỹ, cố tìm xem trong Elke còn dấu vết gì của trạng thái tâm thần hồi nọ nhưng không thấy. Trong ảnh, nàng chỉ thấy Elke cười rất tươi và có vẻ rất hạnh phúc bên cạnh Dawson.
Trong va li Janna còn có hai cuộn băng caxet đã ghi âm và một chồng băng chưa ghi, nàng định sẽ ghi và gửi dần về cho Anna. Trong hai cuốn băng trên, một cuốn nàng ghi lời nàng kể chuyện với Anna trong dịp nàng sống với Janet. Mặt sau của cuốn băng là lời Janet nói với bạn cũ đồng thời chúc mừng năm mới.
Trong mấy ngày sống với Janet ở phố Hork Lam, Janna thấy rất yêu mến và gắn bó với bà. Bây giờ nàng chỉ mong chong đến dịp nghỉ lễ Thiên Chúa Giáng sinh để được ăn tết Nô-en với người phụ nữ Anh tuyệt vời kia.
Wong cho Janna được nghỉ cả một tuần lễ Giáng sinh và năm mới. Janna vội vã đến phố Hork Lam tìm Janet. Tối hôm đó hai bác cháu nói chuyện với nhau đến khuya, chủ yếu về Anna. Bà vẫn trao đổi thư từ đều đặn với Janet. Qua những bức thư đó thấy rõ Anna vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và chưa có một dấu hiệu gì là tình trạng đó sẽ thay đổi.
Trước lúc đi ngủ Janet hỏi Janna, có cách nào gửi từ băng cassette đến cho Anna không. Nghe nàng trả lời có cách, bà bèn xuống nhà để ghi âm. Trên gác, Janna nghe thấy giọng tha thiết, thân tình của Janet nhưng không nghe rõ từng lời. Và nàng ngủ thiếp đi từ trước khi Janet quay lên.
Sáng hôm sau ngày Thiên Chúa Giáng sinh, Janna thức dậy, thấy trên giường, bên cạnh gối của nàng có một gói nhỏ. Nàng mở ra, bên trong là bức ảnh chụp lồng trong khung bằng bạc, có hình của bốn người: Anna, Geneviene, Keja và Janet, y hệt tấm ảnh nàng đã được xem trong lần đầu tiên nàng đến phố Hork Lam.
- Tuyệt vời!
Nàng rú lên và đánh thức Janet dậy.
- Đây là bức ảnh duy nhất có hình mẹ đẻ cháu..
- Đấy là lý do bác tặng lại cho cháu. Nhưng bây giờ cháu mặc quần áo rồi đi với bác.
Đinh ninh đây cũng vẫn là kiểu đi đến nhà các bệnh nhân như mọi khi, nhưng không phải. Lúc bước xuống cửa hàng, nàng thấy bà đang cho vào giỏ không phải thuốc mà là thức ăn. Không giải thích gì hết, Janet dẫn Janna đi dọc theo phố Hork Lam. Bà đi thoăn thoắt khiến Janna nhiều lúc phải chạy gằn mới đuổi kịp. Họ đi ngang qua một số nhà theo đạo thiên chúa, bên trong có cây thông chăng đèn kết hoa ngũ sắc. Tuy mùa đông nhưng ở đây trời nóng khủng khiếp.
Ra đến phố lớn, Janet gọi xích lô và hai người bước lên. Khi xe đỗ, Janna nhận ra đây chính là sân chơi của trẻ con ở ngoại ô thành phố, nơi ông Wong đang khởi công xây nhà để cho thuê.
Hôm nay ngày nghỉ, không có cu li làm, cũng không có những tên cai da trắng đứng chỉ huy. Bọn trẻ đang chơi đùa, thấy Janet bèn bỏ các trò chơi chạy đến vây quanh bà. Janet chia quà cho đám trẻ. Cả một rổ thức ăn chỉ một loáng đã hết.
Janna nói:
- Cháu không hiểu tại sao bác không bán khoảnh đất này cho Wong. Ông ta sẽ trả rất cao và bác sẽ có tha hồ tiền để mua một khoảnh đất khác rộng hơn cho đám trẻ này?
- Bác không quan tâm đến tiền!
- Nhưng tại sao bác cứ giữ rịt lấy khoảnh đất này như vậy?
- Bởi vì cũng phải có người nào đó chặn tay lão Wong của cháu chứ!
Janet giận dữ trả lời:
- Lão là thứ người không coi người khác ra cái gì. Tất cả chỉ là những cục đất để lão xây lâu đài, của cải cho lão mà thôi. Lão không coi nhân phẩm, quyền sống của con người là thứ gì hết. Lão giẫm đạp lên mọi thứ quý giá và thiêng liêng. Vậy mà cháu lại khuyên bác phải hầu hạ lão hay sao?
Dứt lời, Janet vớ cái rổ rỗng, quay ngoắt bước đi, bỏ mặc Janna lẽo đẽo bước theo, cách xa một quãng.