Chương Kết
CÂU CHUYỆN NGÀY MƯA

"Ngày xưa vào một đêm mưa gió bà Chày trở dạ đẻ ra chín mươi chín người con…"
 
 Bà đã mở đầu câu chuyện trong buổi sáng hôm ấy bằng chi tiết bà Chày sinh con vào ngày mưa. Ngoài hiên trời đang mưa, nước giọt gianh nhỏ xuống thành sợi chỉ dài. Ngoài xa, núi rừng chìm đắm trong màu mờ đục trắng như sữa. Mà cũng thật lạ, cứ ngày mưa là bà lại lôi truyện cổ tích ra kể, mà toàn chuyện về mưa. Thằng Vừ ở bên há hốc miệng ngồi nghe, nó nghe lần đầu mà. Còn tôi nghe nhiều đến gần như thuộc làu từng câu từng chữ.
 
Thằng Vừ, em họ tôi, bố mẹ mất sớm nó phải ở với ông bác. Bác nó đông con cháu, đếm sơ sơ cũng gần hai mươi người. Nó bận bịu suốt ngày, công việc chính là làm tướng lĩnh quản hai con bò và bảy con dê. Nó không được đi học, không biết chữ nhưng bù lại nó biết rất nhiều loại cây rừng, biết nhiều ngọn núi, suốt ngày phải ở trên rừng trên núi mà, nó nói thế. Một hôm mẹ tôi đi chợ và dắt nó về. Trong con mắt hoang dã như mắt thú rừng của nó sợ sệt nhìn mọi người. Nó chẳng dám gần ai, suốt ngày theo mẹ tôi, mẹ đi đâu nó đi đấy, những lúc phải ở một mình nó co dúm người lại khi thấy ai đó đến gần. Nó sợ. Tôi hỏi, mày sợ cái gì, nó không nói. Nó sợ cả tôi hỏi. Mẹ bắt tôi phải thương nó nhưng nó có cho ai thương đâu. Chỉ khi nào tôi và nó cùng nhau đưa đàn dê lên núi mới thấy nó hoạt bát nhanh nhẹn. Thoắt một cái nó đã biến vào rừng. Tôi cũng không quan tâm đến chuyện nó đi đâu, bởi có quan tâm cũng chẳng để làm gì, tôi làm việc như mọi ngày, lùa đàn dê lên núi rồi tìm một nơi mát mẻ rút quyển sách mang theo ra đọc. Nhưng rồi một hôm, tôi nhớ mãi cái hôm chết tiệt ấy.
 
Trời đang nắng bỗng nhiên chuyển gió, mây đen vần vũ, và mưa, từng hạt mưa to kinh khủng rơi như trút. Tôi giật mình, đàn dê chạy toán loạn, tôi còn chưa biết làm thế nào thì nó xuất hiện, nó lùa đàn dê sang ngọn núi kề bên. Tôi mặc kệ nó muốn làm gì thì làm bởi đường về nhà thì xa, núi thì toàn đá chỗ nào cũng ướt, cũng trơn, kiếm được chỗ tránh mưa với tôi là điều không tưởng. Nhưng tôi vẫn đi theo nó, nước mưa làm hai thằng ướt lướt thướt. Nó lấy cái que đập mạnh vào bụi cây, đàn dê chui đi đâu mất hút, tôi còn đang ngỡ ngàng chưa hiểu vì sao thì một cửa hang hiện ra. Tôi và nó chui vào hang. Nó lấy ít  cỏ gianh khô và hai hòn đá đập vào nhau. Một lúc lửa bốc lên, nó cho củi vào nhóm lên một đống lửa lớn. Tôi quan sát kỹ hơn cái hang, phía trên là vòm cao khá rộng, phía trong không sâu lắm nhưng khô ráo, bên cạnh có một đống củi, gần đó có ít gianh khô. Có lẽ thằng Vừ đã từng ở đây, nó chuẩn bị mọi thứ khá đầy đủ, nó coi nơi này là ngôi nhà riêng của mình.
- Có ai biết chỗ này không?- Tôi hỏi nó.
- Không ai biết. Nếu em kéo cái cành cây ngoài cửa xuống thì đứng ở bên ngoài nhìn đố ai bảo đây là cái hang. Anh cởi áo ra hơ lửa cho khô đi không con ma ốm nó ăn vào người đấy.
Nó cởi áo ra trước vắt cho ráo nước rồi phơi lên cái que gác vào cạnh bếp, hơi nước từ áo bốc lên như khói. Tôi nhìn nó và làm theo. Tôi bắt đầu thấy quý nó. Thì ra thằng này cũng hiểu biết ra phết chứ không ngô nghê như nó biểu hiện khi ở nhà. Tôi nhìn nó, nó nhìn tôi, đôi mắt qua ánh lửa sáng lên.
- Sao mày không đi học?- Tôi hỏi nó với mục đích phá vỡ bầu im lặng.
- Em không được đi học. Suốt ngày phải đi chăn dê lấy đâu thời gian để đi học. Nếu không phải chăn dê em cũng không được đi học, nhà bác em có cả đống con mà chỉ có hai người được đi học.
- Mày có muốn học để biết cái chữ không?
- Muốn chứ, nhưng ai dạy cho biết?
- Tao dạy, mày chịu khó đi theo tao, tao sẽ dạy cái chữ cho, chả mấy mà mày đọc được con chữ ở cuốn sách này.
Tôi giơ cuốn sách cầm ở tay lên.
- Nó ướt rồi, anh để em hơ cho khô. Anh dạy em thật không, anh phải hứa đi, hứa là anh sẽ dạy em.
- Ừ, tao hứa! Nhưng mày cũng phải hứa với tao một điều.
- Điều gì, anh nói đi.
- Phải chăm chỉ học hành, không được lười biếng, tao chúa ghét những người lười biếng.
- Tưởng gì, chuyện ấy anh không phải lo, anh cứ dạy chữ cho em rồi khác thấy.
 
Từ đó mỗi lần đi chăn dê là Vừ lại đi cùng tôi, hai anh em lùa đàn dê lên bãi cỏ ở lưng chừng núi rồi để đấy, hai anh em kiếm chỗ sạch sẽ thoáng mát có khoảng đất bằng làm bảng, tôi bẻ cây rừng làm phấn dạy Vừ học. Nó học rất chăm chỉ, chả mấy mà đã thuộc làu mặt các chữ cái, đánh vần được những chữ đơn giản, dù chưa sõi, phát âm còn ngọng líu ngọng lô nhưng được thế đã là tiến bộ lắm rồi. Khi xưa đi học chưa chắc tôi đã học nhanh hơn nó. Cái thằng chu đáo ra phết, học được một lúc thấy tôi có vẻ hơi mệt nó xin phép nghỉ và chạy lên rừng, khi về nó ôm một bọc quả rừng to tướng, có loại quả tôi chưa được ăn bao giờ, nó bảo ăn được, thế là tôi không ngần ngại thả vào miệng, ngon ra trò. Thỉnh thoảng tôi có cầm theo quyển truyện để đọc lúc rảnh rỗi, nó đề nghị tôi đọc to lên cho nó nghe với. Có lần thấy nó chăm chú gí mắt vào quyển truyện tôi mang theo, tôi hỏi có ý bông đùa.
- Biết đọc chưa mà cầm vào đấy, không khéo đọc ngược lại hỏi anh ơi sao con ngựa nó đi bằng lưng.
Nó cười toét miệng.
- Em đọc được rồi, gần đọc được hết.
Nó đọc to lên cho tôi nghe, chữ bên Đông, chữ bên Tây, chữ cắc, chữ bụp, có chữ phải đợi đánh vần mãi mới đọc được. Nghe nó đọc mà sốt cả ruột, đọc được rồi nhưng nghe thấy đau cái tai quá.
- Đọc thầm thôi! - Tôi nói. - Nghe mày đọc thà nghe con dê kêu có khi còn hay hơn.
Nó cười hì hì.
- Chữ này đọc là gì hả anh?
 
Tôi nằm trên thảm lá nó trải sẵn thả hồn theo làn mây bay lửng lơ trên trời, thỉnh thoảng có bóng chim cắt ngang từng đám bông trắng ấy, thỉnh thoảng nó lại hỏi cách đọc những chữ khó. Gớm, từ ngày biết được cái chữ nó mạnh dạn hẳn lên, mồm mép ríu rít như chim rừng. Hôm hai anh em đi chợ có cô bé khá xinh đi theo nó một buổi và hỏi nó đủ thứ chuyện. Nó nhìn tôi cười:
- Anh giúp em với, em hết cái để nói rồi.
- Cho mày chết, ai bảo mày dính vào, con gái là chúa lắm chuyện. Tao không giúp, kệ xác mày.
 
Thế là tôi kệ nó nhăn nhó mặt mày ở bên "nàng tiên" của nó. Xét một cánh công bằng là nó giỏi hơn tôi, bởi từ lúc trước tới giờ chưa có cô bé nào ái mộ tôi như "nàng tiên" của nó ái mộ nó cả. Thực tình tôi cũng hơi ghen tị nhưng biết làm sao được, số nó đào hoa mà.
- Anh nhìn cái gì thế?
Tôi gật mình quay lại.
- Thằng quỷ, làm tao suýt đứng tim.
- Anh mơ đến nơi nào thế?
Nó cười hì hì khi thấy tôi quay lại.
- Mày không nghe bà kể truyện cổ tích nữa à?
- Bà đi se lanh rồi, không kể nữa.
Hai đứa cùng nhìn ra màn mưa mịt mùng, mặt nó thoáng buồn, đôi mắt nhìn nơi vô định.
- Anh có thích mưa không? - Nó hỏi.
- Sao mày lại hỏi vậy?
- Em không thích mưa. Bố em chết vì mưa trơn trượt chân ngã từ vách đá xuống vực. Mẹ em bị bệnh chết đúng hôm mưa đổ cả cây lát hoa sau nhà. Cứ trời mưa em như nhìn thấy mẹ, mẹ nắm lấy tay em nước mắt mẹ tràn ra ướt gối, mẹ muốn nói với em nhiều điều lắm nhưng không nói được đôi môi cứ mấp máy hoài. Mắt em nhoè ướt. Trời mưa như đổ nước, mưa như muốn trôi rừng sạt núi đi ấy. Thế còn anh cứ nhìn ra trời mưa thế, anh thấy trong mưa có gì?
- À… tao nhớ đến câu chuyện bảy con rồng chơi đùa phun nước vào nhau làm ngập cả trần gian, Ngọc Hoàng bắt nhốt mỗi con vào một hang núi không cho chúng gần nhau nữa, chúng tức giận phun nước ngập hang, nước trào ra thành dòng thác lớn…
- Em không muốn nghe truyện cổ tích nữa đâu.
- Thế mày muốn nghe gì?
- Thế anh đứng nhìn mưa từ nãy đến giờ để làm gì?
- Tao thích vậy, nhìn mưa để xem thôi mà, nước rơi xuống lá, xuống cây, xuống đất, nước ngấm vào đất, nước đọng thành vũng, nước chảy thành dòng, nước đi về biển… À, mà mày có thích đi học không?
- Dĩ nhiên là thích rồi. Sao anh lại hỏi em như vậy?
- Hôm qua cô giáo Hoa đến nhà, cô nhắn tao hỏi xem mày có muốn đi học không, cô sẽ vận động gia đình cho mày đi học.
- Anh nói sao?
- Tao nói mày muốn đi học nhưng phải hỏi lại mày xem cụ thể thế nào. Hôm qua tao quên khuấy đi mất.
Vừ đưa mắt nhìn sâu vào lòng mưa.
- Anh bảo hạt nước kia có đi được đến biển không?
- Đến chứ!

Xem Tiếp: ----