Chương 34

Sáng hôm nay Nam vào sớm thu xếp giúp Tâm ra viện. Anh cương quyết không chịu qua Sing điều trị dù Nam hết cứng rắn rồi mềm mỏng để thuyết phục anh. Ước muốn của Tâm là được đi ra tới ải Nam Quan để biết hết nước Việt Nam. Nam xin nghỉ phép không thời hạn với hội để lo cho anh, và Catherina phải về nước để thế Nam trong thời gian này. Hôm qua Nam đã bàn giao mọi việc với Catherina trừ nhóm phụ nữ cô đang điều hành. Cô hỏi ý thì họ muốn đợi cô đi du lịch về rồi tiếp tục chứ không muốn chuyển qua người khác. Nam tôn trọng ý muốn của các chị, và hứa sẽ trở về sau ba tuần nữa.
Hôm nay Tâm có vẻ khỏe, anh mặc quần jean, áo sơmi vàng, mắt đeo kiếng mát. Các cô y tá Việt Nam bịn rịn chia tay Tâm, họ rất mến người ca sĩ dễ thương và giản dị này. Fred đưa anh ra tận xe taxi, dặn dò dùng thuốc đúng giờ và bảo gọi ông bất cứ lúc nào cần thiết. Cả hai đến nhà bác Hiệp thì thấy mọi người đã có mặt đông đủ. Luyện mướn chiếc xe Mercedes 12 chỗ cho cả bọn đi, Khuyên lo khách sạn và những điểm dừng. Tất cả dùng cơm trưa rồi mới khởi hành. Không như Nam thầm lo, mọi người đều thoải mái tự nhiên, thậm chí còn có phần háo hức về chuyến đi dọc đất nước này. Bác Hiệp tiễn cả bọn ra cửa, ông nắm chặt tay Tâm, lắc lắc như nhắn nhủ điều gì rồi mới quay vào.
Xe đổ đèo Đà Lạt vừa lúc trời sập tối, mọi người đều ngủ ngon, chỉ mình Khanh ngồi ở trên cố gắng thức cùng Khiêm đang lái xe. Anh nhìn sang cười,
-Khanh ngủ đi cho khỏe, anh lái xe đường dài cũng quen, không ngủ đâu mà sợ.
-Thôi Khanh thích ngắm cảnh mà.
-…
-Anh Khiêm này.
-Ừ.
-Anh còn nợ Khanh câu chuyện về mẹ anh. Đến lá thư thứ 30 anh vẫn chưa kể về mùa hè năm anh 16 tuổi.
-À, thì ra có người vẫn đọc thư, mình tưởng nó lạc vào cyberspace rồi chứ.
Khanh đỏ mặt:
-Thì anh nói khỏi trả lời mà.
Im lặng hồi lâu Khiêm lên tiếng trầm trầm kể:
-Năm anh 16 tuổi mẹ ở đâu về chơi 2 tuần. Bà đẹp như trong trí tưởng tượng anh hồi nhỏ, không thay đổi gì. Bà chiều chuộng anh hết mực, đưa anh đi chơi khắp nơi, đối xử với anh như thể anh là tất cả của bà. Rồi bà xin cha đưa anh qua Taiwan, nơi bà đang tạm trú, chơi hết mùa hè đó. Cha ngần ngừ nhưng thấy anh thích quá nên đồng ý. Trước khi đi ông dặn nếu muốn về sớm thì dùng tiền mặt ông đưa mà ra lấy vé về. Ông luồn tiền vào áo ấm và bắt anh giữ hoài trong người không được bỏ ra. Qua tới nơi mẹ anh bận rộn đi chơi với người bạn trai là diễn viên truyền hình Đài Loan. Bà o bế hẳn đủ điều, và không dám mang anh đi đâu vì sợ hắn giận. Bà bỏ anh ở nhà với bà cô lấy chồng Taiwan vài chục năm trước, qua đây định cư và thành công dân từ thuở nào. Anh lang thang một mình mỗi ngày, đi thăm hết chỗ này đến chỗ nọ cho hết ngày giờ, và trong lòng nhớ mẹ khủng khiếp, mong bà một lúc nào đó lại cho anh thời gian như 2 tuần ở Việt Nam. Những cuộc nói chuyện hiếm hoi giữa mẹ và anh toàn là nói xấu cha, nào là ông không đủ tiền cho mẹ xài, nào là ông không đủ bản lĩnh giúp đời như bà muốn, nào là bà rất thương xã hội này nhiều người rất khổ. Rồi dần dần anh nhận ra con người thật của mẹ, bà thật đẹp nhưng như một con búp bê, mở miệng ra nói dối như cuội, thích hưởng thụ vật chất nhưng lại làm biếng lao động. Và cuối cùng khi hiểu được lý do thật sự bà muốn anh sang chơi, anh đã bỏ về dùng tiền trong áo của cha cho. Thì ra bà cô già của mẹ anh rất giàu, nhưng không có người nối dõi ngoại trừ mẹ anh. Có điều bà rất phong kiến, chỉ thích con trai, nên đến khi biết mẹ anh có con trai, bà đòi nhìn mặt anh, và nếu thích thì mới để gia tài cho anh và do mẹ quản lý. Một bữa ăn tối với bà già khó chịu anh đã biết được sự thật đó, và ngày hôm sau anh bay về Việt Nam, từ ấy không gặp mẹ nữa. Khanh biết không, sau có trí khôn anh mới biết cha anh khổ vì bà như thế nào. Ông có gắng trong cuộc hôn nhân vô vọng đến khi không thể nữa mới thôi. Ông gà trống nuôi con và từ một con mọt sách đã trở thành một người cha chu đáo. Anh yêu cha vô cùng.
Khanh cảm động nhỏ nhẹ nói:
-Cám ơn anh đã chia sẻ với Khanh. Anh còn có bác Hiệp, em từ nhỏ chẳng biết cha mẹ mình là ai, vì sao bỏ rơi mình trước viện mồ côi. Nhiều lúc em tỉnh dậy nửa đêm, gào lên tại sao sinh ra tôi chi rồi lại bỏ rơi tôi. Em hận họ, nhưng lại muốn gặp họ vô cùng. Có mâu thuẫn không anh Khiêm?
-Không đâu. Nếu là anh anh cũng sẽ cảm gíac vậy.
Nói rồi anh với tay sang bóp nhẹ bàn tay Khanh an ủi. Khanh thấy ấm áp trong lòng dù sương mù bắt đầu phủ khắp nơi, cô mong sao anh đừng rút tay về nhanh như thế.
Cả bọn đến địa điểm lúc trời đã tối, người dẫn đường đã đợi sẵn để đưa họ vào rừng, chỉ vào những gốc cây cao nhìn không thấy ngọn. Đám phụ nữ lên một cây, đám đàn ông lên một cây bên cạnh. Đêm ấy họ ở khách sạn đặc biệt là một cái chòi chót vót trên ngọn cây trong rừng sâu Đà Lạt, một cách ở của người dân tộc nơi đây. Sáng sớm tiếng chim hót réo rắt thức Khanh dậy, cô chưa kịp tỉnh ngủ thì đã nghe tiếng Khuyên la ỏm tỏi:
-Ôi làng nước ơi cứu con với.
Thì ra cô bé quên hoàn cảnh của mình, bớ xớ bước ra ‘cửa’ và lọt tỏm xuống dưới, may mà người ta đã cột một cái lưới xung quanh để khách khỏi bị tai nạn. Nghe tiếng la của Khuyên, mọi người tỉnh dậy và được một trận cười đã đời. Khuyên cáu:
-Chị Khanh với chị Nam cứu em lên lẹ chứ ở đó mà cười hoài. Em mắc tiểu lắm rồi, không kịp là thành bà Út Tịch biểu diễn đái cao hơn ngọn cây bây giờ.
Cả đám lại thêm trận cười đau bụng vì câu đùa của Khuyên. Sợ nhỏ làm thiệt, Nam vội cúi xuống kéo Khuyên lên, cô bé giật mạnh tay làm Nam té nhào xuống theo. Cả hai cười ầm rồi lùng nhùng trong đám lưới không chịu ra, báo hại Khanh không dám lại gần sợ bị vạ lây. Ở cây bên cạnh Tâm nhìn sang, mừng thầm vì đã lâu không thấy Nam cười lớn như vậy. Anh tin rằng quyết định này của mình là đúng đắn. Anh muốn cả đời còn lại của em chỉ có nụ cười, Nam ơi.