Chương 37

Tâm nhập viện được hai ngày, Fred gọi Nam vào họp. Ông bảo:
-Xin lỗi, bệnh phát triển nhanh hơn tôi dự đoán, bây giờ có mổ cũng trễ rồi. Cô nên đưa anh ấy về nhà, tìm chỗ yên tĩnh để anh ấy được thoải mái những ngày cuối đời. Tôi chân thành xin lỗi cô.
Nam nhìn chăm xuống bàn rồi ngẩng lên nhìn Fred:
-Cám ơn bác sĩ đã tận hết sức. Cuộc sống là vậy mà. Tôi sẽ đưa anh ấy về nhà.
Chiều hôm đó Luyện và Nam kêu taxi đưa Tâm về với bác Hiệp. Ông đã chuẩn bị sẵn cho anh một căn phòng khách sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Nam cũng ở lại phòng bên cạnh để tiện chăm sóc cho anh. Luyện trở về thành phố lo cho trường, nhưng mỗi ngày đều gọi điện thoại hỏi thăm, cứ hai ngày lại xuống một lần. Sáng cả ba người ngồi uống trà sen do Nam pha. Dạo này cô đã học được thành thục hết nghề pha trà của ông Hiệp. Sau đó Tâm và Nam làm vườn, anh đòi trồng hoa dọc theo con lạch nhỏ sau vườn. Trưa họ ăn những món đơn giản cây nhà lá vườn, có khi là canh cà chua nấu hẹ ăn với gỏi bưởi, bữa thì là cải xào giá và mít non kho. Lâu lâu bác Hiệp bắt được con cá nấu canh chua hay chiên xù, nhưng phần lớn là ăn chay. Tối nào Nam và Tâm cũng đốt lửa trại, lùi khoai hay nướng bắp ăn chơi. Ông Hiệp kể chuyện xưa cho họ nghe, hoặc Tâm hát khi khỏe, hoặc Nam và ông Hiệp bàn luận về triết Đông Phương và Tây Phương. Mỗi lúc họ bàn sôi nổi là Tâm lại mỉm cười nhìn say mê người yêu mình.
Chiều thứ Sáu khi hai người đang hái vú sữa thì nghe tiếng ồn ngoài sân. Tâm cười,
-Một trăm phần trăm là bé Khuyên. Chắc mọi người về rồi.
Quả đúng như Tâm đoán, trước sân Khuyên đang ôm chầm ông Hiệp, nhõng nhẽo:
-Tụi con về là ghé ba Hiệp liền. Ba Hiệp có gì cho con ăn không?
-Con gái hư, mở miệng là đòi ăn, rồi ai nó dám lấy hả con?
-Có sao, nó không lấy mình thì mình lấy nó chứ sợ ma nào hả ba.
Cả bọn cười ầm, ông Hiệp lắc đầu trước ngôn ngữ thời đại của Khuyên.
-Mấy đứa ra giếng múc nước mà tắm. Khiêm bắt con gà cho cha kho xả ăn. Khanh ra hái mồng tơi nấu canh con nghe; à con xem xem còn quả bầu nào không mình xào ăn luôn cho nhiều chất xanh.
Luyện tới vừa đúng bữa cơm chiều. Cả bọn mừng rỡ kéo anh vào ăn chung. Khuyên tíu tít kể chuyện chuyến về, than phiền chị Khanh thiên vị rù rì rủ rỉ với anh Khiêm không cho cô nghe ké. Hai người đỏ mặt liếc nhau, bác Hiệp bênh:
-Con nhỏ này, bây thờ chủ nghĩa độc thân thì kệ bây, còn thằng Khiêm bây phải cho nó có cơ hội lấy vợ cho ba có cháu bồng chứ.
Cả bọn la rùm trời làm Khanh mắc cỡ, chạy tuốt vào trong bếp trốn. Chợt Khuyên la:
-Anh Tâm, anh Tâm.
Tâm đang mỉm cười thì nhăn mặt vì cơn đau đầu khủng khiếp. Nam móc vội vỉ thuốc nhét hai viên vào miệng anh. Luyện đưa bạn vào nhà, không khí lặng đi buồn bã. Đêm ấy Tâm mê man không tỉnh lại, cả bọn ngồi quanh giường anh không ai đi đâu. Nam nhờ Luyện ra ngoài gọi điện báo cho dì Ba biết rồi lại vào ngồi bên anh tiếp. Ông Hiệp ngồi ngoài chõng cả đêm, thỉnh thoảng nhìn trời thở dài. Khoảng 5 giờ sáng khi trời vừa ửng Tâm tỉnh dậy. Anh nhìn quanh cười với các bạn. Tâm nắm tay từng người, dừng ở Khuyên, dặn:
-Đừng để ai làm em thay đổi nghe Khuyên. Hãy cứ đáng yêu như thế này nghe.
Quay qua Khanh anh nói:
-Tâm không có dịp biết Khanh nhiều, nhưng cám ơn Khanh đã luôn tốt với Tâm. Anh tin rằng em sẽ được hạnh phúc, đừng nghi ngờ đàn ông nữa nghe Khanh.
-Khiêm ơi, mày ở lại lo cho thằng Luyện nghe. Nó khờ khạo trong tình cảm lắm. Rồi Tâm nhìn Luyện đăm đăm, Luyện lắc đầu rồi thấy nét mặt bạn anh lại gật đầu:
-Tao sẽ cố hết sức.
Lúc ấy Tâm mới mỉm cười nói tiếp:
-Tao có viết sẵn hai lá thư trong hộc bàn gửi cho dì Ba và ba tao, lá đầu khi dì Ba lên đây mày đưa cho bà, lá sau đợi khi Nam tỉnh táo, mày đi với Nam ra gặp ba tao nghe.
Luyện đồng ý rồi anh mới quay sang Nam, vuốt má cô, ngón tay dừng lại nơi khóe môi, mắt Tâm trìu mến:
-Nam, em là người con gái tuyệt vời nhất. Anh về với mẹ, em đừng buồn nghe Nam.
Nam gật gật đầu, cười với Tâm mà mắt trào nước.
-Em cứ khóc thật nhiều, nhưng sau đó phải tiếp tục sống thật tốt. Ở đời còn nhiều người cần em giúp lắm, nghe Nam. Hãy nhớ là mình luôn có thể yêu hơn một lần, hãy nhớ nghe Nam. Anh yêu em, bé ơi.
Nói rồi Tâm nhìn ra ngoài cửa, mặt trời mới mọc dọi ánh sáng vào phòng. Anh mỉm cười an lành rồi nhắm mắt hôn mê đến khi tắt thở. Những ngày sau đó Khuyên và Luyện chạy tới chạy lui lo đám tang. Khanh liên hệ những người quen thân, bạn bè trong ngành của Tâm để báo tin buồn. Cô không biết làm sao gọi cho cha anh vì không có địa chỉ hay số điên thoại, chỉ hy vọng ông đọc báo mà biết để đến. Theo lời dặn dò của Tâm, Khanh xin mọi người miễn phúng điếu, còn vòng hoa thì thay vì mua chúng, người đi viếng có thể dùng số tiền đó tặng cho các hội từ thiện. Dì Ba đã từ quê lên được một ngày, dù đau khổ nhưng bà tỉnh táo lo lắng mọi chuyện trong ngoài đâu ra đó. Bà tự tay lau rửa cho Tâm, xoa nước gừng ra rượu cho anh, mặc quần áo mới, và chải tóc cho anh. Bà làm những việc đó tự nhiên và dịu dàng như người mẹ chăm sóc cho đứa con thơ của mình. Suốt thời gian sau đó dì Ba cùng Nam ngồi bên linh cữu Tâm, chỉ rời đi khi cần ăn uống cầm chừng rồi trở về ngồi cạnh anh tiếp. Nam cứ ngồi như tượng đá nên những khi có khách viếng bà đứng lên cám ơn và tạ đáp lễ, khi vắng khách dì Ba thủ thỉ kể cho Nam nghe những chuyện thời thơ ấu của Tâm, anh đi học ra sao, phá phách thế nào, bị người ta mắng vốn và ăn đòn vào mông ra sao, nhất nhất kể hết cho cô nghe. Nam ngồi lặng yên nghe chăm chú, thỉnh thoảng lấy tay miết miết vào cạnh hòm, mỗi lần vậy dì Ba lại quay đi lấy tay áo lau mắt.
Đám tang Tâm diễn ra rất lớn, người đưa đi dài cả mấy ngã tư đường chưa hết. Báo chí viết bài chia buồn và nói về nỗi mất mát của một ngôi sao âm nhạc. Sau khi hòm vào đất, Nam về nhà bác Hiệp, vào phòng cũ của Tâm rồi nằm không dậy nữa. Thỉnh thoảng trong cơn mê cô nghe tiếng khóc của Khanh, câu chào của Khuyên, lời hỏi thăm dịu dàng của Khiêm, nhưng cô không nghe tiếng Luyện, và đặc biệt là luôn luôn có tiếng đàn guitar ở bên cô. Chúng đẩy lùi những cơn ác mộng, nỗi đau dường như không thể chịu đựng nỗi, ý tưởng bỏ cuộc, nỗi giận Đấng Thượng Đế. Tiếng đàn guitai liên lũy từ từ đưa Nam về với thực tại, với cuộc sống trần gian mà dù muốn dù không cô cũng phải tiếp tục một mình.