CHƯƠNG XVI
ĐỒNG HÀNH

Một cơn gió thốc qua khung cửa kính khép hờ của xe mang theo bụi nước tạt ngang khuôn mặt Dũng. Anh đưa tay vuốt nhẹ mặt rồi lơ đãng nhìn ra ngoài. Bỗng có hai người phụ nữ chạy ùa vào xe như một cơn lốc. Tay họ khệ nệ đủ mọi thứ. Họ nói cười huyên thuyên rôm rả, chạy tới chạy lui trên xe, xem xét đủ mọi góc trống để có thể nhét bừa những túi hàng. Nhìn vóc dáng hùng hổ xông xáo to khoẻ của họ Dũng chán nản nhắm mắt lại nhưng rồi phải mở mắt ra vì họ ồn ào quá! Cuối cùng hai người đàn bà cũng đã tìm được chỗ ngồi. Vừa ngồi xuống một trong hai người lột vỏ một trái bắp luộc vứt vèo ra cửa xe không cần biết nó rơi đi đâu rồi tỉnh bơ vừa ngoạm bắp vừa nói chuyện. Nhìn người đàn bà ăn bắp Dũng nghĩ đến một người thổi ác-mô-ni-ca rồi bỗng nhiên bật cười. Vào miền nam khi đến những nơi đông đúc Dũng thường bắt gặp những cảnh khó chịu như vậy. Ăn quà ngay giữa đường phố. Ăn chóp chép. Ăn ngồm ngoàm. Vừa ăn vừa nói đến nỗi thức ăn cứ chạy qua chạy lại, lởn vởn trong miệng, có cảm tưởng như bị ứ đọng mắc toòng teng không qua được cái cổ họng đen ngòm… Dũng bỗng nhớ lại sự đoan trang thuỳ mị kín đáo của các cô gái ngoài ấy. Một người hỏi:
_ Sao giờ này nó chưa đến?
Người kia trả lời:
_ Nó nói đi mua cái quần cho thằng con nó vậy mà đi hàng tiếng đồng hồ. Thôi cứ để cho nó ngồi chỗ khác. Ngồi dồn đống làm gì. Tao với mày mới lo chứ nó thì lo gì? Có người mua vé cho nó rồi!
Hai người lại phá lên cười sằng sặc rồi không biết nổi hứng sao đó lại xông vào nhau mà thọc lét, cấu véo cứ chí choé cả lên.
Khách bắt đầu lục tục lên, xe bắt đầu kín chỉ còn vài chỗ… Dũng tựa người vào lưng ghế thấy như muốn thiu thiu ngủ. Một lát anh nghe có tiếng sột soạt bên mình nên mở mắt ra. Một người đàn bà thân hình cũng như cách ăn mặc giống hệt hai người đàn bà kia. Chị ta đang loay hoay nhét cái giỏ lấn qua chỗ Dũng để balô. Anh không nói gì, hơi nhăn mặt rồi quay đi nhìn ra ngoài bến. Chú tài xế bắt đầu rồ máy la lên:
_ Lè lẹ bà con ơi!
Rồi quay sang hỏi thằng ét đứng ở cửa xe:
_ Xong chưa mậy? Đi được chưa?
Thằng nhỏ nhìn khắp lượt rồi kêu to:
_ Đi thôi!
Tiếng máy như rên rỉ. Xe từ từ lăn bánh rời bến thoát ra khỏi những tiếng rao hàng của những người lao động kiếm sống tất bật đang cố bám theo xe. Đi được một đoạn đường Dũng mới để ý thấy người đàn bà lúc nãy đang ngồi cạnh mình. Chị ta đặt nón lá lên đầu gối ngoảnh mặt ra phía bên kia. Nhìn vẻ nặng nề kềnh càng của thân hình anh nghĩ chị ta đang có mang. Trời không lạnh nhưng cũng giống như hai người đàn bà ngồi trên kia, họ đều khoác áo ngoài, loại áo dài đến đầu gối làm bằng vải dầu trơn láng, nửa như măng tô nửa như áo mưa. Đôi giày vải chị ta mang tựa như giầy thể thao nhưng đã cũ sờn. Thỉnh thoảng hai người đàn bà ngồi trên lại quay xuống nháy nháy. Thế rồi người đàn bà quay mặt lại.  Ánh mắt hơi lạnh lướt nhanh khựng lại trên bộ đồ Dũng. Chỉ một thoáng thôi rồi biến mất. Chị ta nhoẻn miệng cười làm quen. Dũng nghe tim mình thót lại. Khuôn mặt người phụ nữ làm anh sững lại. Thật lạ kỳ! Anh tò mò nhìn kỹ hơn. Bàn tay với làn da nhỏ trắng mịn, các ngón thanh mảnh làm liên tưởng đến một cánh hoa hồng. Tại sao lại có sự đối lập kỳ cục vậy? Nét mặt kiêu sa, bàn tay quý phái như vậy sao lại đi đôi với cách ăn mặc quá lam lũ như thế này? Ánh mắt người phụ nữ thật khó diễn tả. Không thể quay đi nơi khác được. Đôi mắt như có ma lực. Nó làm cho Dũng cảm thấy háo hức như đứng trước một khung cảnh trữ tình muốn dấn sâu vào bên trong để khám phá. Khi bắt gặp Dũng đang nhìn mình đăm đăm, người phụ nữ quay mặt nhìn ra ngoài. Những rừng cao su với những hàng cây thẳng tắp cứ lùi dần về phía sau. Lâu lâu lại có vài căn nhà chơ vơ giữa đồng không mông quạnh. Người đàn bà dõi mắt về phía ấy như dõi về một điều gì đó mình vừa mới rời xa…người phụ nữ nghĩ về một phần đời rất gần nhưng đã qua… Thân phận mẹ goá con côi… Đất cỏ bạt ngàn… Bàn tay rắn rỏi của người thanh niên xung phong. Phát quang, dẫy cỏ, đánh luống trồng khoai. Ánh mắt thiết tha đến cháy bỏng dưới giàn hoa bí vừa mới trổ hoa. Cũng đôi mắt ấy cương quyết trước mọi thử thách, nóng nực, giá lạnh, muỗi mòng sình lầy… Người phụ nữ buồn bã nhắm mắt lại, nhớ tiếng mưa đêm quất trên mái tôn rỉ sét, nhỏ long tong xuống nền đất. Tiếng thì thầm vỗ về của người ấy. Tiếng con khóc ngặt nghẽo trong đêm dài trên đường rời vùng kinh tế mới lên bệnh viện tỉnh. Ánh nhìn cuối cùng đầy nuối tiếc đến vô vọng mà mình không thể đáp trả. Người phụ nữ thở dài. Tại sao người ấy không là người đầu tiên? Lẽ nào lời nói của chồng mình ngày nào lại trở thành lời nguyền? Sao tất cả những gì anh cho em lại quá êm dịu, nồng nàn để rồi em không thể quên anh, cứ mãi chơi vơi, cô đơn lăn lóc chìm nổi trên đường đời? Đã bao lần em muốn gạt bỏ anh ra khỏi trái tim mình, muốn quay về vùng kinh tế mới cứu hai con thoát khỏi kiếp trầm luân này. Em biết anh đã ra đi mãi mãi. Ngày nghe tin anh mất em tưởng như trời đất quay cuồng, em nghĩ sẽ được theo anh. Thế nhưng đứa con chập chững với cái thai trong bụng đã níu em lại không cho em thực hiện ước muốn của mình. Anh ra đi sao không mang theo cả bầu trời xanh đẹp đến ngây ngất bàng hoàng? Anh nhớ không? Cái ngày anh hỏi cưới em trên đồi mai anh đào đó? Lúc ấy em thấy vòm trời trên đầu chúng mình như nhoà hẳn đi, biến thành một mảng màu không rõ rệt. Vàng hồng xen lẫn nhau… Chao đảo quay cuồng nhấn chìm chúng mình trong vùng ánh sáng tuyệt vời đến gần như hư ảo, vụt đến… vụt xa… vụt biến. Chúng mình đã vồ vập ôm lấy cái khoảnh khắc ấy… Ngày chủ nhật đi bên anh dạo quanh khu Hoà Bình. Đường phố đông vui rực rỡ sắc màu. Trong chiếc áo dài màu hoàng yến em ngỡ mình là nữ hoàng khi thấy các sĩ quan trường VBQG cứ ngoái nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Ngày ấy anh doạ em rằng em sẽ là của anh mãi mãi trừ khi nào anh chết. Bây giờ anh không còn nữa, em đã mất anh vĩnh viễn. Thế nhưng có một sự thật phũ phàng, anh chưa bao giờ chết trong lòng em. Anh tàn nhẫn quá! Hãy buông em ra cho em thoát khỏi lời nguyền…
Dũng ngồi cạnh duỗi chân cựa quậy khiến người phụ nữ giật mình quay lại. Chị ta vội vã lên tiếng:
_ Xin lỗi anh! Tôi có ít đồ lấn qua chỗ anh để tôi kéo nhích lại một chút kẻo anh mỏi chân.
Nãy giờ hoàn toàn bị thu hút bởi khuôn mặt đầy gợi cảm của người phụ nữ nên đây là lúc Dũng được dịp làm quen:
_ Không sao! Chị cứ để đó.
Khi cúi xuống ánh mắt chị ta dừng lại đôi dép cao su của Dũng. Thấy vậy anh phân trần:
_ Chiến tranh đã qua, vậy mà hành trang cũng vẫn là cái balô vượt Trường sơn và đôi dép lốp này. Nhà tôi đã gói sẵn một đôi dép bắt tôi phải mang vào thế mà tôi gói bỏ vào trong này. Tôi quen đi dép lốp đi xa mà không có nó thấy khó chịu.
Người phụ nữ hỏi:
_ Anh là người Hà Nội?
Dũng trả lời:
_ Tôi sinh ra ở đó!
Chị ta luồn bàn tay thuôn dài vào trong giỏ xách, lôi ra một đôi dép cao su nho nhỏ giơ lên nói:
_ Anh biết tại sao tôi mua nó không? Vì nó vừa rẻ vừa thấm mồ hôi nên tôi mua cho con trai nhân dịp sắp khai giảng. Ở đây bây giờ người ta làm loại dép râu này cũng nhiều. Cái kiểu thấy cũng đơn giản, nhẹ thoáng. Phải chi làm bằng da thì sang hơn.
Dũng gật gật:
_ Đúng đó chị! Làm cao su trông hơi quê.
Bỗng trên xe trở nên nhốn nháo, mọi người dáo dác nhìn nhau hỏi:
_ Tới trạm rồi hả?
_ Đâu có đâu!
_ Tại sao lại ở đây?
Chú tài cho xe chạy chậm ngoái đầu ra phía sau nói:
_ Bà con chuẩn bị giấy tờ, chắc là kiểm tra đột xuất.
Có một tiếng than:
_ Kiểm gì mà kiểm. Kiểm thì cũng có nơi có chốn chứ! Còn một đoạn nữa mới tới Ma-đa-gui mà!
_ Ồ hình như là tụi xung kích bà con ơi!
_ Không phải bọn quản lý thị trường đó!
Dũng nhìn ra ngoài. Có năm người đàn ông đeo băng đỏ trong đó có một người cầm súng giơ lên ra hiệu cho xe dừng lại. Chú ét nhỏ nhảy vội xuống đường trước khi xe kịp đỗ lại, chạy về phía họ để trình giấy tờ. Họ trao đổi nói gì với nhau rồi tất cả tiến lại xe. Một người có vẻ là trưởng đoàn bước lên trước.  Chú tài hỏi:
_ Có phải cho hành khách xuống không anh hai?
Người đàn ông không đáp chỉ lắc đầu rồi đưa mắt quét một lượt khắp xe. Trong khoảnh khắc đôi mắt đầy ma lực của người đàn bà bên cạnh bỗng trở nên cực kỳ hoảng hốt. Ánh nhìn thê thảm đến tận cùng như thể đang gom hết sức lực để ngăn không cho toàn thân bớt run rẩy. Sự sợ hãi đã làm mờ lý trí. Chị ta ngả đầu vào vai Dũng. Bàn tay mềm mại bám lấy cánh tay anh.  Anh chưa kịp phản ứng gì thì nghe tiếng quát:
_ Hai mụ kia xuống xe mau!
_ Tụi em hả anh?
_ Chứ còn ai nữa! Còn giả “nai” hả? Cái mặt hai mụ là quen lắm! Buôn lậu một cây! Xuống xe mau! Mang hành lý theo, soát nhanh còn cho xe chạy.
Người đàn bà giơ cái xách lên thách thức:
_ Đấy anh soát đi!
_ Có xuống không?
_ Tại sao phải xuống?
Người đàn ông nhếch cặp môi thâm sì cười nhạt rồi trừng mắt ra lệnh:
_ Xuống ngay!
Dũng nhận ra hai người đàn bà ăn bắp lúc nãy. Họ tiếp tục ngồi lì. Chú tài năn nỉ:
_ Thôi hai chị xuống một chút rồi lên đừng làm phiền bà con nữa!
Dường như thấy lời nói của mình không có hiệu quả, người đàn ông quay lại ra hiệu cho hai người nữa lên xe xông tới hai người đàn bà dùng sức lôi họ xuống xe. Cả hai kêu rống lên:
_ Trời ơi! Bà con ơi! Cướp bà con ơi! Rồi cả hai cứ ra rả văng tục. Một cái tát như trời giáng làm người đàn bà chao đi rồi cả thân hình lại lồng lên chống trả lại một cách điên cuồng để bảo vệ mấy túi xách. Cả hai trì lại không chịu đi, chửi rủa liên tục. Giành giật đôi co một hồi, cái áo khoác của một người bị rách toạc. Tất cả mọi người cười ồ lên. Gạo từ chỗ rách cứ thế tuôn ra thành một đống trên sàn xe.  Khỏi phải nói năm người đàn ông xúm lại quyết liệt kéo họ xuống. Người kia ống quần túm lại phía cổ chân bị tuột dây thung lòi ra những bao thuốc lá. Họ tiếp tục giãy dụa kêu khóc, chửi bới rồi lại van xin. Tất cả diễn ra trong sự lạnh lùng của những người thi hành nhiệm vụ.
Khi đã trục được cả hai xuống xe, người đàn ông có cặp môi thâm bắt đầu hỏi giấy tờ từng người. Không khí thật ngột ngạt. Người phụ nữ mắt nhắm nghiền không dám nhìn cảnh bạn mình bị lôi xuống xe. Đôi môi tái nhợt không còn chút máu run nhè nhẹ. Có một động lực vô hình nào đó thôi thúc khiến Dũng bất chợt nắm lấy bàn tay người phụ nữ siết nhẹ và cứ để cho chị ta dựa đầu vào vai mình. Khi người đàn ông đến gần Dũng đưa tay lên sờ túi áo lấy giấy tờ. Hắn ta nở một nụ cười về phía anh đon đả nói:
_ Chào cán bộ! Cán bộ đi công tác hay đi nghỉ ạ?
Dũng đáp:
_ Tôi lên Đàlạt thăm cậu.
Hắn ta hỏi:
_ Chị sao vậy anh?
Dũng trả lời:
_ Say xe anh ạ!
Hắn ta khoát nhẹ tay:
_ Thôi khỏi trình giấy. Nhìn cán bộ là tụi em biết rồi! Soát là soát cái tụi buôn lậu ấy! Mệt lắm anh ạ! Thôi bà con đi vui vẻ! Xuống đây bác tài ơi!
Thằng ét chỉ đợi có thế mời vội điếu thuốc lá, mồi lửa cho hắn ta rồi nhảy lên xe ra hiệu cho xe khởi hành trở lại. Khi xe chạy không khí ồn ào trở lại. Có người hỏi trống không:
_ Còn ai muốn hút thuốc lá nữa không? Giấu kỹ hen! Trong ống quần đó đa! Gạo giấu trong người như vậy chắc cũng mười ký chứ không ít. Thảo nào lúc nãy tui ngửi thấy mùi gì là lạ giống như đang đứng trong tiệm tạp hoá vậy đó!
Mọi người lại cười ồ lên. Chú tài xen vào:
_ Đi xuống thì mùi sang lắm nha! Mùi cà-phê, trà. Đi lên thì mùi gạo, mùi mắm muối, mùi linh tinh…Thiệt hết biết! Nói cho cùng ngăn sông cấm chợ thì nảy sinh buôn lậu chứ sao giờ? Làm như vậy chỉ nuôi mấy trạm kiểm soát mà thôi! Bọn đó hách dịch nhũng nhiễu bà con. Bọn cách mạng 30 ấy mà! Cái thằng lúc nãy đó!
Dũng vẫn ngồi bất động, ngỡ ngàng vì sự việc vừa xảy ra. Phải một lúc sau khi sự tê cứng trong đầu óc dần dần biến đi, những mạch suy nghĩ bắt đầu thông suốt anh mới hoàn hồn trở lại.
Xe chạy được một quãng người phụ nữ từ từ mở mắt ra, nỗi sợ hãi chưa tan hết nên khuôn mặt vẫn còn bàng hoàng. Chị ta nhìn Dũng với cặp mắt biết ơn rồi ngồi thẳng dậy thì thào:
_ Cám ơn anh nhiều! Nãy giờ có gì làm anh khó chịu xin anh bỏ qua cho!
Dũng ái ngại hỏi:
_ Anh nhà đâu sao lại nỡ để chị bôn ba như vậy?
Người phụ nữ đáp:
_ Chồng tôi mất đã gần bốn năm rồi anh ạ!
_ Chị có con chưa?
_ Một trai, một gái.
Bây giờ Dũng hiểu tại sao dáng người đàn bà lại kềnh càng nặng nề như vậy. Lúc đầu anh lại nghĩ chị có mang. Anh hỏi tiếp:
_ Sao chị không xin đi làm chứ đàn bà như chị xuôi ngược trên những chuyến xe như vậy tôi bất bình quá chị ơi!
_ Tôi không thể xin đi làm ở đâu được.
_ Vì sao?
_ Lý lịch của tôi chỉ có thể đi vùng kinh tế mới.
_ Anh nhà trước đây làm gì?
_ Anh ấy là lính VNCH
Dũng à lên một tiếng. Người đàn bà nói tiếp:
_ Tôi đi kinh tế mới nhưng rồi con đau nặng, hoảng quá trốn về. Không có việc làm không có tem phiếu mua đồ hợp tác xã, có lần tôi tưởng ba mẹ con tôi không thể vượt qua.
Chị ta không nói nữa, nghẹn ngào quay mặt đi, nỗi đau thầm lặng hiện rõ trên khuôn mặt. Chị lại nghĩ về vùng kinh tế mới. Về một chân trời tít tắp ngàn xa… Nơi có những ngôi mộ lẻ loi sau những luống khoai mì, chập chờn trong khoảng không gian tím ngắt… Chị đã chạy trốn khỏi nơi ấy đưa con về lại thành phố. Những ngày không có chút bo bo trong bụng. Quẩn quá chị vay một lon gạo của người hàng xóm nấu cháo… Gói thuốc bả chuột của bác tổ trưởng mới giao cho nổi lều bều trên nồi cháo vừa chín tới, bốc khói nghi ngút. Nếu không có tiếng khóc ré của đứa con gái thì chắc ba mẹ con chị đã không còn trên đời này nữa! Tiếng khóc của nó khiến chị chạy ra ngoài sân. Đứa con gái đang lăn ra đất ăn vạ vì thằng anh chia phần bánh mì (do người hàng xóm cho) không đều nên nó dỗi không ăn. Thế là thằng anh ăn hết. Nhìn đứa con trai đôi mắt sáng ngời, đôi môi đỏ đầy sức sống đang ăn ngấu nghiến miếng bánh mì, chị bừng tỉnh chạy vội vào đổ nồi cháo thuốc chuột vào nhà vệ sinh rồi chạy ra ôm chầm lấy hai con khóc ngất. Suýt chút nữa chị đã giết con. Chị không có quyền cắt đứt mạch sống đang chảy rào rạt trong người các con. Chị phải sống để cứu con ra khỏi cảnh ngộ này. Chị rút chiếc nhẫn cưới, di vật cuối cùng còn lại cuả chồng bán đi mua gạo cho con, còn lại làm vốn cùng chị em ngược xuôi kiếm lời trên những chuyến xe. Chị đã từ chối cuộc sống đang đâm chồi nảy lộc đầy hứa hẹn nơi vùng kinh tế mới, từ chối lời đề nghị đưa các con đi vượt biên cùng với một người Hoa ở Chợ Lớn. Chỉ vì chị quá ích kỷ chỉ nghĩ đến mình. Bây giờ chị phải hy sinh cho chúng dù có phải làm gì đi nữa! Người đàn bà thở dài nước mắt ứa ra.
Nãy giờ Dũng ngồi câm lặng lòng dạ vẫn còn xốn xang. Từ trước tới nay, nhất là trong thời chiến anh làm việc gì cũng rõ ràng quyết đoán. Không bao giờ có những hành động thiếu cân nhắc như ngày hôm nay. Anh đã làm gì vậy? Đã tiếp sức cho con buôn vì trong phút chốc không thể ngăn được sự thương cảm đang trỗi dậy trong lòng mình? Có một cảm giác căng thẳng bứt rứt của kẻ biết mình có lỗi xen lẫn với sự háo hức. Tâm hồn anh như đang trải rộng, sẵn sàng đón nhận những bất ngờ ngạc nhiên bên cạnh người phụ nữ xa lạ trong cuộc hành trình này. Ánh mắt đầy u uẩn ấy có một thứ quyền lực, như cơn lốc khiến Dũng không kịp suy nghĩ bị lôi cuốn một cách tuyệt vọng.  Lúc mọi việc đang rối ren, chị ta ngước lên nhìn… Trời  ơi! Hình như trong khoảnh khắc tất cả địa ngục trần gian đang tích tụ trong đôi mắt ấy. Nó làm cho Dũng nhớ lại cái cảm giác bồi hồi xót xa khi đứng trước cảnh điêu tàn của một cánh rừng đang bốc khói sau một trận mưa bom thời còn chiến tranh.
Chiếc xe dừng lại ven đường cho mọi người xuống ăn trưa. Có người xuống, người ở lại. Người phụ nữ quay lại hỏi Dũng:
_ Anh có xuống ăn cơm không? Nếu xuống thì cứ để đồ nặng ở đây tôi coi cho. Mang giấy tờ tiền bạc đồ quý giá theo mình thôi!
Dũng cười xoà:
_ Ồ có gì quý giá đâu! Có chút quà cho cậu mợ thôi! Giấy tờ thì tôi luôn mang theo mình.
Dũng hỏi lại:
_ Chị có xuống không?
Người phụ nữ nở một nụ cười chua chát lắc đầu:
_ Tôi đâu có sang mà ăn cơm quán. Tôi mua gói xôi khi nào đói thì ăn nhưng thú thật tôi chưa đói.
_ Tôi định xuống nhưng nếu chị ở lại tôi cũng ở lại nói chuyện cho vui.
Vừa nói anh vừa lôi ổ bánh mì kẹp thịt to tướng trong balô ra:
_ Đây là ổ bánh mì khi sáng vợ người đồng chí của tôi cứ dúi vào tay để lót dạ trước khi từ biệt. Chị ấy cứ ép ăn liền nhưng tôi không đói.
Nói rồi Dũng bẻ đôi ổ bánh mì:
_ Mời chị!
Người phụ nữ kêu lên:
_ Ý trời! Không được đâu! Tôi có xôi đây rồi! Ai lại ăn lấn phần anh vậy?
Dũng cương quyết:
_ Chị thấy không? Ổ bánh mì như vậy mà ăn một mình sao đặng? Chị không ăn tôi giận đó!
Rồi anh đùa:
_ Tôi sẽ không giúp chị nữa đâu!
Người phụ nữ rơm rớm nước mắt:
_ Thật ra chỉ có trạm Ma-đa-gui nguy hiểm nhất thì anh đã giúp tôi vượt qua rồi! Chút nữa trước khi qua trạm Nguyễn Tri Phương cửa ngõ vào thành phố tôi sẽ tải hàng xuống chỗ quen. Giao một số hàng cho họ còn lại gởi đó, ngày mai cho xe đạp thồ về. Nếu đi xe đạp qua trạm sẽ không bị bắt. Thồ từ từ vậy đó!
Dũng chìa miếng bánh năn nỉ:
_ Vậy thì ăn đi! Chị biết không, tôi nhìn chị tôi xót xa lắm! Chị đẹp quá! Đáng lẽ chị phải sướng mới phải! Tôi không thể chịu được khi thấy chị phải vất vả như vậy! Sao thế chị? Hồi tôi đi kháng chiến có mấy cô văn công xinh xinh đi đâu cũng được ưu đãi, hành lý có người mang vác cho.
Người phụ nữ nhận miếng bánh mì anh mời nhìn một hồi rồi mới bắt đầu ăn. Vừa ăn chị vừa tâm sự:
_ Anh biết không, ăn bất cứ thứ gì ngon như thế này tôi ít khi nuốt trôi. Tôi nghĩ đến các con ở nhà mong mẹ về. Hồi tôi mới đi hàng lần đầu, xuống bến xe tôi đi bộ hàng chục cây số để giao hàng cất hàng chứ không dám đi xe, tiết kiệm kiếm đồng quà cho con. Đi hàng từ trên Đàlạt xuống thì không cực bằng từ dưới lên. Đi xuống hàng thường là trà và cà phê tôi chia ra thành từng bịch nhỏ cỡ nửa ký một rồi nhờ những người hành khách trên xe ai dễ chịu thông cảm thì giữ dùm vì mỗi người có quyền mang theo nửa ký trà và cà phê nhưng không phải ai cũng có ý mang trà và cà phê làm quà khi đi Sàigòn. Khi xuống xe mình xin lại thu gom về. Cực nhất là cất hàng, giao hàng phân phối hàng.
Dũng nhìn sững người đàn bà rồi đánh bạo hỏi:
_ Sao chị không đi bước nữa để có người phụ một tay nuôi con chứ một thân một mình chân yếu tay mềm làm sao kham nổi!
Người phụ nữ cúi đầu không nói gì. Dũng hỏi tiếp:
_ Chồng chị thuộc quân chủng nào cấp bậc gì?
Người phụ nữ ngần ngừ một lúc rồi đáp:
_ Anh ấy là lính dù. Là thiếu tá. Anh không biết là đã giúp cho mẹ con tôi như thế nào đâu! Đây là chuyến đi hàng cuối cùng của tôi. Xong chuyến này tôi có đủ tiền mua lại cái máy may cũ,mua những loại vải thừa rẻ tiền của các nhà may quốc doanh hoặc xin những mẫu vải vụn về ráp nối lại may những bao gối hoặc may ba cái đồ nho nhỏ của tụi con nít, khi may xong đem cất cho mấy bà bán chợ trời bán chạy hơn các thứ khác nhiều. Bác tổ trưởng hứa là sẽ giúp xin cho ba mẹ con nhập lại hộ khẩu để có chế độ tem phiếu.
Nói tới đây nét mặt mệt mỏi của người phụ nữ bừng vui lên một lúc. Tự nhiên Dũng thấy lòng nhẹ nhõm. Anh lặng ngắm khuôn mặt kiêu sa thanh tú của người bạn đồng hành, lắng nghe những lời tâm sự mộc mạc đến mủi lòng. Chị tiếp tục kể:
_ Ngày anh ấy tử trận tôi nhận được một số tiền tử rất lớn. Thu gom cùng với tất cả gia sản của hai vợ chồng đem gởi hết vào nhà băng. Biến cố 75 mất hết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng.
Nói tới đây người phụ nữ buồn bã lắc nhè nhẹ cái đầu nhìn ra ngoài xe. Đôi mắt phản chiếu một luồng ánh sáng lạnh lẽo đẹp đến tê buốt. Dũng ngẩn ngơ nhìn quên miếng bánh mì đang gặm dở trên tay.
Chiếc xe cứ thế ì ạch vượt đèo, khí hậu bắt đầu mát dần. Dũng thấy tỉnh táo hẳn nhìn ra ngoài ngắm phong cảnh hai bên đường. Hàng quán nhà cửa lơ thơ lại bắt đầu xuất hiện. Xe chạy vào địa phận có dân cư rồi đột ngột dừng lại một khu chợ nhỏ ven đường. Người phụ nữ reo lên:
_ Tới rồi!
Hành khách lục tục xuống. Người phụ nữ vội vã thu tất cả những gói hàng để đây đó trên xe, dưới ghế ngồi của chính mình. Dũng tiếp một tay mang những gói hàng xuống xe. Có người từ trong quán chạy ra thồ vào. Người phụ nữ biến vào trong quán một lúc. Xe vẫn đứng chờ vì đây cũng là chặng dừng cuối cùng cho hành khách có dịp xuống mua trái cây quà cáp dọc đường.
Khi xe rồ máy người phụ nữ cũng vừa kịp bước lên. Dũng không thể tin ở mắt mình. Khi tất cả mọi thứ được trút ra khỏi cái áo khoác to lù lù, dáng người của chị ta trông thật mảnh dẻ, nhẹ nhàng thanh thoát. Chị ta xếp áo khoác lại rút từ trong giỏ ra chiếc áo len màu lơ nhạt mặc vào rồi quay sang Dũng mỉm cười thật tươi:
_ Mặc thêm áo vào anh! Sắp tới Đàlạt rồi!
Nhìn chị ta Dũng bật cười. Chị ta ngạc nhiên hỏi:
_ Anh cười gì vậy?
_ Chị biết không lúc đầu tôi tưởng chị có mang vì khuôn mặt thon thả mà người lại phình to ra.
Người phụ nữ cười theo.
Xe đã vượt đèo… Xa xa vọng tiếng thác đổ. Những ngôi biệt thự thấp thoáng ẩn hiện giữa những vườn hồng. Bóng liễu rủ thướt tha bên đường. Xe dừng lại tại trạm kiểm soát cuối cùng, Những người đàn ông đeo băng đỏ lại bước lên xe. Một người nói:
_ Đây là cửa ngõ vào thành phố xin bà con cô bác cho xét giấy tờ.
Mọi người lặng lẽ rút giấy tờ, ngoan ngoãn mở hành lý nếu người kiểm tra ra lệnh. Tất cả diễn ra trong bầu không khí yên lặng. Soát được nửa xe những người đàn ông ra dấu với nhau rồi lục tục đi xuống khoát tay cho phép xe chạy. Chú tài hồ hởi rồ máy chạy ngoái lại phía sau nói:
_ Vào thành phố rồi! Ai xuống thì nhắc tôi dừng lại nghen, nếu không tôi chạy tuốt vào bến đó!
Người phụ nữ quay lại nói với Dũng:
_ Thành phố này nhỏ. Vào bến trung tâm rồi muốn đi đâu cũng tiện lợi hơn. Anh mới tới đây lần đầu phải không?
Dũng gật đầu nói:
_ Khung cảnh ở đây làm tôi thấy là lạ sao ấy!
Vừa lúc xe chạy vòng quanh hồ. Những cây thông già lặng im in bóng xuống mặt nước. Sóng gợn lăn tăn phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh như muôn ngàn mảnh thuỷ tinh vỡ. Dũng buột miệng khen:
_ Đẹp quá!
Xe đã tấp vào bến. Cuộc hành trình đã kết thúc. Dũng và người phụ nữ xuống xe. Họ đứng lại nhìn nhau một lúc. Một ngày đường với tất cả rối ren vượt mức chịu đựng bị lôi cuốn vào những lo âu vậy mà bây giờ đứng đây Dũng cảm thấy nuối tiếc bịn rịn. Cuộc hành trình ngắn ngủi đầy cảm xúc này sao giống cuộc hành trình vượt Trường Sơn ngày nào… Khi Dũng đứng lại bên bìa rừng nhìn bạn bè lần cuối trước khi trở ra bắc nhận nhiệm vụ mới.
Người phụ nữ lên tiếng trước:
_ Anh ạ! Tôi về được bình an như vậy là nhờ anh. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ơn này.
Dũng mở balô lấy ra một bịch đường trắng và gói lương khô đưa cho người phụ nữ nói:
_ Chị à! Tôi có chút quà gởi cho mấy cháu chị nhận dùm cho.
Chị ta kêu lên:
_ Trời ơi! Anh làm tôi khó xử quá! Tôi nợ anh chất chồng sao còn dám lấy gì nữa đây? Đây là quà cho người thân anh mà!
Dũng nói:
_ Tôi còn mấy bịch nữa! Tôi chia cho các cháu một ít có sao đâu! Con nít là phải ưu tiên hàng đầu! Tôi cho các cháu chứ có cho chị đâu!
Người phụ nữ cầm hai bịch quà rồi reo lên:
_ Trời ơi! Mấy thứ này bây giờ quý lắm. Đường cát trắng tinh à! Lại còn lương khô nữa! Toàn đồ khoái khẩu của bọn nhóc. Cám ơn anh nhiều nha!
Hai người cứ đứng ngập ngừng một lúc rồi người phụ nữ chìa bàn tay mảnh mai về phía Dũng nói:
_ Anh cho tôi bắt tay từ biệt được không?
Dũng nắm lấy bàn tay mềm mại ấy siết nhẹ một hồi rồi nói:
_ Thôi chào chị. Mong có dịp gặp lại. Chúc chị sẽ gặp hạnh phúc, các cháu khoẻ mạnh ngoan ngoãn.
Người phụ nữ gật đầu rồi lặng lẽ quay bước, lâu lâu lại ngoái nhìn lại. Dũng thẫn thờ nhìn theo cho đến khi chị ta khuất bóng. Chợt nhớ ra, Dũng khẽ kêu lên: “Tiếc quá không biết tên!” Rồi lại tự hỏi liệu có tên nào xứng với người phụ nữ ấy không? Đứng giữa bến xe Dũng xốc lại balô trên vai nhìn lên con dốc, nghe tim mình đập rộn rã, anh gọi thầm:
Cậu ơi! Con đang thực hiện ước mơ của mẹ, con đang tới với cậu đây!