CHƯƠNG IX
TÌNH BẠN

Về Đàlạt được hơn nửa năm nhưng vì lo ổn đinh cuộc sống gia đình, Hưng chưa thực sự có thì giờ dành cho riêng mình. Hưng muốn dành một ít thời gian để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu đi làm trở lại.
mỗi lúc một thưa dần rồi hoàn toàn biến mất. Lần theo những con đường mòn, băng ngang qua những ngọn đồi. Cứ thế Hưng đi một mình, hưởng lại cái cảm giác yên tĩnh của những ngày đầu khi mới bước chân tới thị trấn này. Hưng tiến sâu vào rừng. Mùi hương hăng hắc của nhựa thông thoảng qua trong gió. Hưng bắt đầu bị cuốn hút, say sưa ngây ngây trong vùng hoang hoải ấy. Khi trời đã đứng bóng Hưng nhìn đồng hồ chợt nghĩ đến một người bạn xưa nên quyết định không quay trở về mà đi tiếp.
Đang đi bỗng Hưng khựng lại vì những cơn lốc cuốn, tung bụi mù bốc lên từ chân đồi. Nhìn về phía cuối trời, những áng mây ánh bạc… Vẫn còn nắng nhưng nền trời bỗng tối lại đang đổi màu, sắc xám rất nhẹ gợn chút  mây hồng bí ẩn… Không lầm lẫn được. Đây là sắc màu rừng núi lúc chuyển mưa. Không thể quay lại được nữa Hưng vùng chạy… Dãy núi màu lam ở phía xa xa đột nhiên biến mất… Hưng nghe tiếng mưa sầm sập đuổi theo sau. Mưa đã đuổi kịp… Hưng chạy như điên dưới cơn mưa rào. Đâm đầu xuống con dốc ngoằn ngoèo, băng qua đường, nhảy vọt qua hàng rào và lọt thõm vào một khu vườn bao quanh một ngôi nhà xinh xắn. Mưa cũng vừa dứt hột. Hưng ngồi bệt trên bãi cỏ thở dốc... Cái loại mưa nắng thất thường này đến là mệt! Không biết đâu mà lường trước được!
Nhìn quanh khu vườn im lìm, một nỗi xúc động chợt dâng lên… Bao nhiêu kỷ niệm ùa về… Hưng đứng dậy phủi sơ quần áo, thấy tim mình đập rộn rã. Hưng nhìn lại hàng rào dây thép gai và các cột sơn trắng. Cũng cao đó chứ! Nghĩ đến cú nhảy vượt rào lúc nãy Hưng bật cười một mình. Hình như lúc đường cùng con người ta lại làm nên chuyện. Hưng đi về phía ngôi nhà, nghe tiếng chân mình lạo xạo trên lối sỏi, lòng bỗng nao nao… Bước chân lên bậc thềm, dậm chân mấy cái, đứng tựa vào hàng hiên, Hưng rút khăn tay vừa lau nước mưa bám trên tóc vừa lặng ngắm ngôi nhà. Nhà lợp ngói đỏ với hàng hiên hình vòng cung bao quanh phía trước. Những cột, những vòm bám đầy hoa tường vi đỏ. Cành nào vươn lên được cắt xén tỉa tót gọn gàng chỉ để viền khung cửa sổ. Cành nào rũ xuống thì để cho buông thả đu đưa những chùm hoa đỏ thắm lả lơi trong gió. Những luồng gió từ khoảng rừng thưa băng qua cánh đồng cỏ sau nhà thổi tốc về phía trước. Cây lá chao đảo… Mimosa rơi rơi… Một đàn chim sẻ sà xuống mổ vu vơ trên thảm cỏ lấm tấm hoa vàng. Một vạt nắng lụa lướt nhẹ trên con đường sỏi trắng, trên thảm cỏ vẫn còn ướt nước mưa. Hưng nhìn vu vơ xuống chân mình. Những cây bồ công anh với những nụ vàng rực rỡ âm thầm lén lút ngoi lên từ kẽ đá, vết nứt… Có cây đã kết thành những vòng tròn mong manh không màu sắc, một làn gió lướt qua là tan tác lơ lửng trong không trung như những sợi lông tơ. Hưng nhìn theo ngỡ như hồn mình cũng đang chơi vơi đang tàn lụi… Rồi bất chợt khẽ buông một tiếng thở dài. Nhìn vào phòng khách qua khung cửa sổ Hưng nhận ra mọi vật quen thuộc, nên yên tâm chủ nhà chưa dọn đi nơi khác. Tiến lại phía cửa chính, Hưng đưa tay lên gõ nhẹ rồi hồi hộp chờ đợi. Có tiếng dép lệt sệt chậm chạp đi về hướng cửa. Cái tay cầm ở cửa xoay nhè nhẹ, cửa hé mở từ từ. Một cái đầu bạc trắng ló ra làm Hưng giật mình, chưng hửng. Bà cụ hấp háy mắt nhìn Hưng tò mò hỏi:
_ Anh muốn hỏi ai?
Nghe cái giọng trọ trẹ quen thuộc của xứ Nghệ ngày nào Hưng thấy vui vui mạnh dạn hỏi:
_ Dạ có anh Đạt ở nhà không ạ? Con là bạn cũ ở xa về thăm.
Bà cụ mở to cửa không còn e dè nữa vồn vả:
_ Quý hoá quá! Mời anh vào chơi. Mời anh ngồi để tôi kêu bọn nhỏ ở nhà lấy nước.
Hưng can:
_ Thôi bà ạ! Người nhà cả mà!
Bà cụ kêu lên:
_ Không được! Anh cứ ngồi xuống tôi vào rồi ra ngay mà! Có trà Blao đặc biệt ngon lắm!
Khi bà cụ đi khuất, Hưng lặng lẽ nhìn ngắm căn phòng. Vẫn không khí hoang dại ngày nào! Hai cái gạc hươu nằm giữa bức tường. Bên trái là khuôn mặt người đàn ông Thượng ngậm ống điếu khắc trên tấm gỗ thông với những đường nét sắc sảo in hằn những nếp nhăn cằn khô của tuổi già, phảng phất nét dạn dày khắc nghiệt đầy sương gió… Ánh mắt nhìn thẳng toát ra sự tự tin kiêu hãnh của những tâm hồn miền sơn cước. Tấm rèm cửa phất phơ bay bên khung cửa sổ làm vùng ánh sáng chết nơi góc nhà trở nên linh động hơn khiến Hưng có cảm giác như người đàn ông trên tấm gỗ ấy đang mỉm cười chào đón mình. Hưng lần qua bức tường đối diện lấy tay xoa nhẹ lên tấm da hổ, thấy thời gian như ngưng đọng lại. Mười mấy năm rời xa quê nhà… Nơi đây đã từng có biết bao kỷ niệm. Hồi đó chiều thứ bảy nào Hưng cũng tới đây vui chơi với Đạt.
_ Mời ông dùng trà!
Hưng quay lại đỡ khay trà trên tay bà cụ kêu lên:
_ Trời ơi! Phiền bà quá! Bà để con tự nhiên.
Khi người đàn bà ngồi xuống Hưng hỏi:
_ Anh Đạt hôm nay thứ bảy mà đi đâu buổi trưa vậy bà?
Bà cụ tủm tỉm cười thong thả trả lời:
_ Nó về quê sửa sang nhà thờ họ. Đi với vợ và đứa con út. Nhà cửa vườn tược ở đây một tay già lo hết. Đi lại trông coi đốc thúc tụi nó làm việc. Già này coi vậy chứ còn dai lắm!
Nghe tin ấy Hưng thất vọng quá hỏi giọng ỉu xìu:
_ Uổng quá! Anh ấy đi lâu chưa? Bao giờ anh ấy về.
_ Chắc còn lâu con à! Còn lo bán đất ngoài ấy rồi mới yên tâm vào đây làm ăn.
Người đàn bà với lấy cái cơi đựng trầu để trên lò sưởi, mở ra têm vôi vào lá trầu, xẻ một miếng cau cuốn lại bỏ vào mồm nhai bỏm bẻm nhìn Hưng chăm chú rồi hỏi:
_ Nãy giờ anh chưa cho già biết anh ở đâu về? Sao già không biết, gặp nó có việc gì cần không? Khi nào có dịp già nhắn lại cho. Không gặp nó nói chuyện với già đây không được hay sao?
_ Không con tới chơi thôi! Con đi xa mười mấy năm trời, tưởng kỳ này tới sẽ gặp tri kỷ vậy mà… Con về nước đột ngột nên không kịp thông báo cho ai sau đó có nhiều chuyện lu bu nên hôm nay mới tới thăm được.
Bà cụ chép miệng tiếc rẻ:
_ Tội nghiệp quá! Tới mà không gặp!
_ Xin lỗi bà và anh Đạt có quan hệ gì ạ?
_ Tôi là chị của mẹ nó.
_ Thảo nào con thấy bà lạ.
Bà cụ giải thích:
_ Bố mẹ ruột nó mất từ lâu ở ngoài xứ kia. Nó vào đây làm ăn khấm khá nên phải mời bà vô để trông coi nhà cửa con cái cho tụi nó rảnh rang lo việc khác.
Hưng buột miệng khen:
_ Ai chứ anh Đạt thì nhất rồi! Bà biết không anh Đạt là ân nhân của con ngày xưa đó. Hồi con mới chân ướt chân ráo lên đây, được tháng lương đầu tiên mới lãnh ra để trong túi áo treo ở nhà trước, bữa trưa quên khoá cửa ra nhà sau ăn cơm, bỗng nghe có tiếng đồng bạc rơi xuống nền xi măng chạy lên lục túi áo thì tiền không cánh mà bay. Có kẻ lẻn vào chôm mất rồi! Xa nhà lạ nước lạ cái không có ai để dựa dẫm, may có anh Đạt là đồng hương thương tình cho mượn tiền, không thì không có nhà mà ở, cơm mà ăn đó bà! Sau con trả, anh ấy nhất định không lấy. Cho đến bây giờ vẫn còn nợ anh ấy đây!
Bà cụ cười to:
_ Tính nó như vậy đấy! Mà nó cũng may mắn sao ấy! Trồng cái gì cũng trúng hết! Thu hoạch lúc nào bán cũng được giá cao.
_ Anh ấy cũng học như con nhưng không đi làm thuê cho Pháp. Anh ấy có năng khiếu đặc biệt về trồng trọt. Không phải tự nhiên mà trúng đâu bà! Kỹ sư trồng trọt đấy! Ghép giống, chọn giống, cân nhắc kỹ lưỡng cả đấy!
Cứ thế hai người bàn cãi, nói về một người vắng mặt với sự khâm phục. Trước đây Hưng chỉ biết Đạt là chủ những vườn rau trái. Đạt đưa những người quê đàng ngoài vào đây, mướn họ làm vườn, thu hoạch. Đạt vừa giúp cho những người dân nghèo xa quê, vừa làm giàu cho chính mình. Theo như lời bà cụ kể bây giờ Đạt làm ăn phát đạt lắm! Làm chủ những đồn điền trà, cà-phê. Làm chủ những chiếc xe tải chuyển hoa lợi về Sàigòn rồi lại chở gạo ngược trở lên. Hưng chăm chú nghe gật gù tấm tắc: “Giỏi quá!”
Bà cụ vừa ngoáy trầu trong cái xoáy trầu bằng đồng vừa hỏi:
_ Anh có gia đình chưa?
_ Dạ có rồi!
_ Mấy đứa?
_ Dạ hai đứa.
_ Trai hay gái?
_ Dạ trai ạ! Đứa nhỏ mới sanh được hai tháng.
Bà cụ gạ gẫm:
_ Sao sinh ít thế? Sinh thêm đi!
_ Sợ sinh mà không nuôi được, không dạy dỗ được thì phiền.
Bà cụ bật cười ngặt nghẽo làm nước trầu ứa ra hai bên mép. Lấy khăn vắt sẵn trên vai lau nước trầu đỏ chảy ra môi, bà ta giễu cợt:
_ Không nuôi được thì đem tới đây già nuôi. Một tay già trị sáu đứa trời đánh của thằng Đạt đấy! Ngon ơ! Có sao đâu?
Bà cụ vỗ nhẹ vai Hưng thì thầm:
_ Ngày hôm nay già có dặn mấy đứa nấu món giả cầy, anh phải ở lại ăn rồi mới được về nghe không? Già ra lệnh đó!
Hưng lắc đầu:
_ Con đi cả ngày rồi. Bây giờ đã xế chiều. Sợ về không kịp, tối mất! Bà này, con thắc mắc sao Đạt đi ra đó mà mang vợ con làm gì?
Bà cụ ghé lỗ tai Hưng nói nhỏ:
_ Đâu phải chỉ lo việc nhà. Ra đó còn lo chuyện “nước non” nên hơi lâu!
Hưng ngơ ngác:
_ Nước non gì vậy bà?
_Ơ! cái anh này đúng là từ nước ngoài về có khác. Anh không biết chú Đạt nhà này là người được chính quyền cách mạng khen là tích cực trong công cuộc phát động “tuần lễ vàng” ở đây à?
Hưng vỡ lẽ bật người ngã ra lưng ghế kêu lên:
_ À ra vậy!
Đồng hồ treo tường điểm bốn giờ chiều. Hưng giật mình vội đứng dậy xin phép ra về. Bà cụ cầm tay Hưng lắc lắc:
_ Không ở lại được à? Nhà xa không?
_ Nhà con trong thành phố lận.
Bà cụ nhắc nhở:
_ Tuần sau lại già chơi đi, để già nhắn nó xong việc nhanh rồi vào đây!
Hưng bắt tay bà cụ rồi hứa:
_ Rảnh con sẽ ghé. Đây quen quá mà!
Bà cụ tiễn chân ra tận cổng đứng nhìn theo cho đến khi Hưng đi khuất… Quay lưng bước đi, Hưng vẫn còn tiếc rẻ vì không gặp được Đạt. Hưng vẫn hay nghĩ về người bạn đặc biệt này. Bây giờ Hưng lờ mờ hiểu tại sao tuy được ăn học, đậu cao, Đạt nhất định ra làm ăn riêng chứ không làm việc ở các công sở của Pháp. “Tuần Lễ Vàng”, ba chữ vàng ấy như một điều thầm kín Hưng muốn giữ cho riêng mình. Đó là những gì Hưng sẽ khắc ghi trong tim như một vật quý báu cần được trân trọng giữ kín. Nếu Đạt ở đây chắc Hưng sẽ có dịp tâm sự nhiều.
Trên đường về Hưng hy vọng sẽ gặp lại Đạt trong một ngày rất gần.