Chương 23
ĐỪNG NHƯ ANH CHỊ TÔI

Mới mờ sáng tôi còn chưa ra khỏi giường, đứa con lớn của anh chị đã sang đập cửa thình thình.
- Chú ơi, em cháu bị sốt. Mẹ cháu nhờ chú đưa đi viện.
Tôi vội dắt xe ra. Nó đóng cửa giúp tôi rồi tất tả chạy về nhà trước. Nhìn cái dáng lam lũ tất bật của nó tôi thấy chạnh lòng.
Anh chị tôi xưa kia cũng khá giả lắm. Mặc dù ít học nhưng do chịu thương chịu khó hay lam hay làm nên gia đình cũng có của ăn của để. Lúc ấy anh chị mới có mỗi cháu lớn, nó ngoan và xinh giống hệt chị. Đi đâu anh cũng cho nó đi cùng. Anh chị chỉ định sinh hai cháu dù gái hay trai cũng được. Vậy mà ý định đó đã vỡ tan tành chỉ vì một vài câu nói.
Hôm giỗ tổ họ nhà tôi làm tiệc rôm rả lắm, anh cũng được mời đến tham dự. Lúc lên mâm anh tiến lại ngồi cùng với mấy anh em xấp xỉ tuổi mình. Vừa đặt mông xuống chiếu, một anh lên tiếng:
- Anh Khuy này...
- Chú bảo gì anh?
- Anh đi mâm khác ngồi đi. Ở đây anh em chúng tôi toàn cấp "ông nội", cỡ "ông ngoại" như anh không có chỗ đâu.
Người ngồi bên lên tiếng:
- Hình như mâm của chị em đang thiếu người, anh xuống đấy ngồi cho đúng vị trí nhé.
Anh nhìn theo tay anh Tào chỉ thấy mâm đó toàn là đàn bà và mấy đứa trẻ con đang tranh nhau cái còng gà, đứa khóc đứa mếu, mũi dãi thò ra thụt vào trông ghê cả người. Mặt anh Khuy đen lại, anh đứng dậy ra về. Anh ức lắm, cái thằng Tào nhãi ranh, nhà cửa chỉ bằng cái chuồng gà nhà người khác, quần áo vá chằng vá đụp, bữa ăn nhà nó không bằng bữa cho chó ăn mà nó tinh tướng cái gì kia chứ. Nó chỉ hơn anh là đẻ được con trai chứ giỏi giang gì. Thế là anh về bắt vợ đẻ thêm.
Đứa thứ hai là thêm một gái nữa. Đứa thứ ba cũng vậy, rồi đứa thứ tư thứ năm vẫn thế. Bao nhiêu của cải dành dụm được đều ra đi hết. Anh chị đành bỏ quê hương lên vùng núi cao, nơi tôi công tác. Anh chị mượn được một mảnh đất con con dựng cái lều lên ở, hàng ngày bươn bả chạy chợ kiếm đồng rơi đồng rụng nuôi bảy miệng ăn. Các con của anh chị chẳng đứa nào được đi học, chúng nó phải lặn lội kiếm từng xu từng cắc phụ vào với bố mẹ. Cuộc sống cực khổ như vậy tôi cứ nghĩ anh chị chắc không dám đẻ thêm nữa, vậy mà năm sau anh chị lại cho ra đời thêm một "con vịt trời" nữa. Sinh đẻ nhiều chị ốm yếu quặt quẹo, tôi không còn nhận thấy chút nhan sắc nào của cô gái đẹp nhất làng Đông Hửi nữa, cô gái mà đã một thời làm đám trai làng tôi và trai làng Nam Thị đánh nhau nhiều lần, có lẽ nhờ chúng tôi "rào làng" không cho trai nơi khác bén mảng tới mà anh có được chị, hai chiếc đũa không đẹp đôi cho lắm.
Anh tôi cũng khốn khổ chẳng kém gì, bốn mươi tuổi mà nhìn như người gần sáu mươi. Nhưng khổ nhất ở nhà không phải là anh chị mà là các cháu tôi, chúng phải lăn lộn kiếm miếng ăn trong khi bạn bè cùng trang lứa còn rong chơi, vô tư đùa nghịch. Mấy lần ngồi nói chuyện, tôi phân tích cái hơn cái thiệt cho anh nghe, anh chỉ cười trừ. Hơn năm sau, chị lại mang bầu. Anh hồi hộp chờ ngày ở cữ. Lần này như mong muốn, chị sinh cho anh một thằng cu. Anh sung sướng bế nó trên tay hôn chùn chụt vào cái "mậm riềng" của nó.
Con bé lớn vẫn làm tốt công việc nhà và quản lũ em, nhưng mấy hôm nay chúng nó hư lắm cứ đòi may quần áo mới. Sắp đến tết rồi mà, cả lũ chúng nó mỗi đứa chỉ có một bộ quần áo tạm gọi là lành, còn lại toàn chắp vá. Nó biết bố mẹ lo cho cả nhà có đủ miếng ăn đã là cơ cực lắm rồi. Bây giờ mẹ lại sinh em bé thì lấy tiền đâu mà may quần áo mới. Trước sự vòi vĩnh của lũ em nó chỉ còn biết nói lại câu nói của mẹ: "Tết sang năm bố sẽ may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới!..."