Dịch giả: Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa
Chương 10

Sáng nay, tôi xin phép trình bày về thế nào là tôn giáo trong thật nghĩa của nó. Tôi không muốn đưa ra một giải thích thuần về ngôn từ: tôi muốn thấu hiểu nó một cách sâu xa. Nhưng trước khi thâm nhập vấn đề này, ta cần phải nhận thức thật sáng suốt về thế nào là một tâm thức mộ đạo và thế nào là một tâm thái thật sự muốn dấn mình vào những cuộc tìm kiếm về tôn giáo.
Theo tôi, điều tối ư quan trọng là thấu hiểu sự khác biệt giữa cô độc và tâm trạng của người cô đơn. Đa số những hành vi thường của ta vốn xoay quanh bao bọc chính chúng ta, những hành vi ấy căn cứ trên quan điểm đặc biệt của ta, trên những kinh nghiệm riêng tư của ta và trên những khí chất đặc thù của ta. Ta tư tưởng theo gia đình ta, theo công việc ta, theo điều ta muốn thực hiện cũng như theo những tình tự sợ hãi, những nỗi hy vọng cùng thất vọng. Tất nhiên các thỏa thuận ấy đều đồng qui vào chính ta và nhận chìm chúng ta vào sau trong một trạng thái biệt lập như ta có thể nhận thấy trong đời sống thường nhật của mình. Chúng ta có những dục vọng thầm kín, những cuộc đuổi bắt ẩn khuất của ta, những tham vọng của ta, và chúng ta không bao giờ chịu giao tiếp thâm sâu với người khác: với vợ ta – hay chồng ta – với các con ta. Sự tự-biệt-lập này cũng là hậu quả của hành vi lẩn trốn một cuộc sống thường nhật đã làm cho chúng ta nhàm chán vì tính cách tầm thường của nó và bắt buộc chúng ta phải chịu đựng không biết bao nhiêu là sự mất mát thiệt thòi. Ta cũng tự biệt lập bằng nhiều cách thế lẩn trốn khác biệt, chính niềm cô độc phi thường đã đến ám ảnh chúng ta, khi bỗng dưng ta ý thức mình không dính líu với chi cả, khi mọi sự dường như xa cách quá với ta, ý thức rằng ta không còn cảm thông, thân thiết với ai hết. Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều cảm nhận hết sức sâu xa cái tình tự cô độc đó, nếu chúng ta có chút ý thức về chính nội tâm mình.
Vì niềm cô độc đó, vì bị sai khiến bởi ý hướng biệt lập, nên chúng ta cố đồng nhất mình vào một cái gì vĩ đại hơn chúng ta, đồng nhất vào quốc gia, vào một lý tưởng, hay vào một quan niệm về Thượng đế. Sự đồng nhất vào một cái gì vĩ đại hơn, một cái gì bất tử ngoài vòng tưởng niệm của ta, thường được gọi là tôn giáo, và đưa đến những tin tưởng, những tín điều, những nghi thức lễ bái, những đuổi bắt mâu thuẫn trái nghịch giữa nhiều phe phái tranh đua cấu xé nhau, vì cả thảy đều tin tưởng vào nhiều phương diện khác nhau của cùng một sự vật, thành thử cái ta gọi là tôn giáo ấy chỉ càng làm biệt lập thêm thôi.
Kế đó, ta thấy thế giới phân chia ra nhiều quốc gia tranh đua nhau, mỗi quốc gia có một chính phủ chủ quyền với những hàng rào kinh tế riêng rẽ. Mặc dù cả thảy chúng ta đều là con người, ta vẫn dựng nhiều tường lũy ngăn cách chúng ta với những người lân cận ta bằng tinh thần quốc gia và bằng các sự phân chia thành nhiều chủng tộc, nhiều môn phái, giai cấp mà chúng là những nguyên nhân tạo thành sự biệt lập cùng niềm cô độc.
Một tâm thức bị tù ngục trong cô độc không bao giờ có thể thấu hiểu được tôn giáo là gì, trong một trạng thái biệt lập như thế. Tâm thức ấy có thể tin tưởng, có thể tạo ra nhiều lý thuyết, khái niệm, công thức, có thể tìm cách đồng nhất vào cái gọi là Thượng đế. Nhưng tôi thiết tưởng tôn giáo không có gì dính líu với bất kỳ sự tin tưởng, vị đạo sư, giáo hội hay kinh sách gọi là "thần thánh" nào cả. Ta chỉ có thể thấu hiểu trạng thái của một tâm thức mộ đạo khi ta bắt đầu thấu hiểu thế nào là cái đẹp và sự thấu hiểu cái đẹp chỉ phát hiện khi ta hoàn toàn cô đơn. Chỉ trong tâm thái đó ta mới có thể biết được thế nào là cái đẹp: chỉ duy nhất trong tâm thái ấy thôi.
Cô đơn, một mình, hiển nhiên không phải là biệt lập, độc nhất. Độc nhất có nghĩa một cách giản dị là độc đáo ngoại lệ trong một cách thế nào đó, còn cô đơn trọn vẹn đòi hỏi một mức mẫn cảm, một trí thông minh, một sự thấu hiểu phi thường. Hoàn toàn cô đơn có nghĩa là sống với một tâm thức giải thoát mọi ảnh hưởng, tức là không bị nhiễm độc bởi xã hội, và phải sống như thế để thấu hiểu được thế nào là tôn giáo, nghĩa là để tự mình khám phá xem có cái gì là bất tử, vượt ngoài thời gian không.
Chứ như chúng ta hiện giờ thì tâm thức chúng ta là thành quả của hàng nghìn vạn năm của những ảnh hưởng sinh lý, xã hội được tạo nên bởi hoàn cảnh, bởi phong thổ, bởi ẩm thực, vân vân. Điều đó khá dĩ nhiên rồi. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi thức ăn vật uống, bởi báo chí ta đọc, bởi vợ chồng, bởi người lân cận, bởi chính trị, bởi radio, bởi tivi và muôn ngàn thứ khác. Chúng ta luôn luôn bị biến đổi bởi những gì trút đổ vào chúng ta từ mọi phía, vào trong vô thức lẫn ý thức. Và chúng ta không thể nào nhận thức được sự thể đó để không còn bị nô lệ, không còn bị nhiễm độc bởi sự thể đó sao? Thiếu vắng nhận thức đó, tâm trí chúng ta sẽ chỉ là những dụng cụ cho hoàn cảnh của ta thôi. Tâm thức ta có thể tạo nên những hình ảnh mà nó tưởng là Thượng đế hay là chân lý vĩnh cửu để tin tưởng vào, nhưng tâm thức ấy vẫn tiếp tục bị uốn nắn bởi những thúc bách của hoàn cảnh, bởi những trạng thái căng thẳng của nó, bởi những mê tín, những áp lực của chính nó và niềm tin của nó, nên tuyệt đối không phải là một tâm thái mộ đạo.
Là những tín đồ Cơ đốc, các ngài đã được dưỡng dục trong một giáo hội do con người tạo dựng trải quả một thời gian dài hàng hai nghìn năm, với những vị cố đạo, với những tín đíều, những nghi thức lễ bái của nó. Thuở bé, các ngài đã được rửa tội và khi các ngài lớn lên, người ta bảo với các ngài những điều các ngài phải tin tưởng. Tức là các ngài đã trải suốt qua tiến trình của trạng thái qui định và của sự tẩy não. Áp lực của thứ tôn giáo chuyên môn tuyên truyền đó rõ ràng là hết sức mãnh liệt, nhất là vì nó đã được tổ chức chu đáo và có thể gây một ảnh hưởng tâm lý, bằng giáo dục, bằng sự sùng thượng hình ảnh, bằng sợ hãi và bằng muôn ngàn cách thế qui định tâm thức. Ở khắp Đông phương, con người cũng bị qui định một cách nặng nề trầm trọng bởi những tin tưởng, tín điều, mê tín và tập tục có từ cả hàng vạn nghìn năm trước hay lâu hơn nữa.
Nhưng bao lâu không có tự do thì tâm thức không thể khám phá được sự thật – và để có sự tự do đó, tâm thức phải vượt thoát khỏi ảnh hưởng của quốc tịch các ngài và ảnh hưởng của giáo hội với những tin tưởng và tín điều của nó, và các ngài cũng phải thoát khỏi lòng tham lam, tính ganh tị, tình tự sợ hãi, nỗi thống khổ, sự tham vọng, tinh thần tranh đua, nỗi âu lo xao xuyến. Nếu tâm thức các ngài không giải thoát khỏi tất cả những điều đó thì bao nhiêu áp lực từ bên ngoài cũng như ngay chính trong tâm thức, sẽ tạo nên một trạng thái mâu thuẫn, đảo điên và rồi các ngài sẽ không thể khám phá được sự thật hay không thể tìm biết xem có một cái gì vượt ngoài vòng thời gian hay không.
Do đó ta thấy hành động giải phóng tâm thức khỏi mọi ảnh hưởng là cần thiết dường nào. Hành động đó có thể nào thực hiện được không? Nếu không, thì sự khám phá cái vĩnh cửu, cái vô ngôn, cái tối thượng không thể phát động được. Và để đích thân chúng ta trực tiếp tìm biết xem hành động đó có thể thực hiện được không, ta phải nhận thức mọi ảnh hưởng tác động trên ta, không những ngay ở đây, trong trại này, mà cả trong cuộc sống thường nhật của chúng ta nữa. Ta phải thấy cái cách thế mà ta bị nhiễm độc, bị uốn nắn, bị qui định. Dĩ nhiên là ta không thể luôn luôn ý thức vô số những ảnh hưởng đổ trút vào ta, nhưng ta có thể nhận thấy tự do giải thoát là điều quan trọng – và tôi nghĩ đó là đầu mối của vấn đề, và khi ta đã thấu hiểu chỗ cần thiết ấy thì vô thức liền trực nhận các ảnh hưởng đó, dù ý thức có khi không nhận thấy.
Tôi trình bày như thế rõ chứ? Điều tôi muốn vạch rõ là thế này: vốn có nhiều ảnh hưởng vô cùng tế nhị, chúng uốn nắn tâm thức ta và tâm thức bị uốn ăn bởi những thứ ảnh hưởng luôn luôn nằm trong vùng tù ngục của thời gian như thế, nên không sao khám phá được cái vĩnh cửu, thậm chí không biết vốn có cái vĩnh cửu ấy nữa. Vậy câu hỏi là thế này: nếu ý thức nơi ta tuyệt đối không thể nhận thức hết tất cả những ảnh hưởng mà ta chịu đựng thì ta phải là thế nào? Nếu các ngài tự hỏi mình điều đó một cách hết sức đứng đắn và hết sức chân thành để cho nó mời gọi trọn vẹn sự chú tâm các ngài, các ngài sẽ nhận thấy rằng cái phần vô thức trong các ngài, không hoàn toàn bị bận rộn, trong khi những tầng lớp cạn cợt của tâm thức đang hoạt động, nhận lấy hành động quan sát tất cả những gì toàn xâm nhập vào nội tâm các ngài.
Tôi thiết tưởng điều đó rất quan trọng cần phải thấu hiểu, vì nếu các ngài chỉ lo chống kháng hay chỉ biết tự bảo vệ chống lại việc bị ảnh hưởng, sự chống kháng đó, nguyên là phản ứng, sẽ tạo nên một trạng thái qui định mới khác cho tâm thức. Sự thấu hiểu toàn bộ tiến trình của ảnh hưởng phải được thực hiện mà không cần cố gắng, sự thấu hiểu đó phải là một nhận thức tức thời. Đây là cách thế phát sinh sự thấu hiểu ấy: nếu chính các ngài thật sự nhận thấy tầm mức quan trọng căn bản của việc đừng để bị ảnh hưởng, thì một phần nào đó của nội tâm các ngài: sẽ nhận lãnh việc ấy, một khi ý thức các ngài đang bận nghĩ một điều gì khác. Và cái phần tâm thức này rất tỉnh thức, luôn luôn rình rập chờ đợi. Vậy điều cần thiết là phải thấy tức khắc, nay bây giờ sự quan trọng lớn lao của việc đừng để bị ảnh hưởng bởi bất cứ trường hợp nào, bởi bất cứ ai. Đó mới là trọng tâm cốt yếu, chứ không phải tìm cách chống kháng hay phải làm gì khi bị ảnh hưởng. Khi nắm được sự kiện cốt yếu đó thì ta nhận thức rằng một phần của nội tâm luôn luôn tỉnh thức lanh lợi, luôn luôn nắm trong một trạng thái quan sát, luôn luôn sẵn sàng cởi bỏ mọi ảnh hưởng hành động bên ngoài, dù ảnh hưởng ấy cực kỳ tế nhị. Trong thái độ chối bỏ ấy, ta được tự do và cô đơn trọn vẹn, điều này khác với cô độc. Ta cần thiết phải cô đơn, bởi vì cái đẹp ở ngoài vòng thời gian và chỉ cô đơn ta mới có thể thấu hiểu được cái đẹp.
Đối với phần đông chúng ta, đẹp là một vấn đề cân đối, về hình dáng, về kích thước, về đường nét, về màu sắc. Chúng ta thấy một tòa nhà, một cội cây, một trái núi, một dòng nước và ta nhận thấy cái đẹp trong đó, nhưng người bên ngoài, tức-kẻ-quan-sát đang thưởng thức những cái đẹp ấy luôn luôn có mặt ở đó, và do đó, cái ta gọi là đẹp vẫn nằm trong phạm vi kỳ hạn, của thời gian. Tuy nhiên, theo tôi cái đẹp vượt ngoài vòng thời gian và tôi nghĩ rằng muốn biết cái đẹp thì sự tìm kiếm kinh nghiệm phải chấm dứt, bởi vì kẻ còn cần kinh nghiệm, tất nhiên còn tích trữ kinh nghiệm để rồi nương vào đó họ phán đoán, họ đo lường và tư tưởng. Khi ta nhìn một bức họa, khi ta lắng nghe âm nhạc, khi ta ngắm dòng sông cuồn cuộn chảy, thì thường ta nhìn ngắm từ một hậu trường kinh nghiệm đã được tích trữ, ta nhìn ngắm từ quá khứ, tức là thời gian, và theo tôi, hành động đó hoàn toàn không thấu hiểu được cái đẹp. Thấu hiểu được cái đẹp, có nghĩa là khám phá cái vĩnh cửu, chỉ có thể thực hiện được khi ta hoàn toàn cô đơn, một mình. Và điều đó không liên quan chi đến những lời giảng dạy của các vị đạo sư cũng như các tôn giáo có tổ chức. Tâm thức phải hoàn toàn thoát khỏi mọi ảnh hưởng, không bị nhiễm độc bởi xã hội, bởi cơ cấu tâm lý của tình tự tham lam, ham muốn, âu lo, sợ hãi. Khởi đi từ sự tự do này, ta mới cô đơn và chỉ trong trạng thái này, tâm thức mới có thể thấu hiểu được cái vượt ngoài vòng thời gian.
Cái đẹp và cái vĩnh cửu không thể tách rời nhau được. Các ngài có thể làm hội họa, có thể nhìn ngắm trời đất, nhưng nếu trong đó có lẫn lộn một hành vi của cái ngã – có một xao động vị ngã của tư tưởng – thì những gì các ngài nhận thấy không còn là đẹp nữa vì vẫn còn bị thời gian dung chứa và nếu các ngài không thấu hiểu cái đẹp, các ngài tuyệt đối không thể khám phá cái vĩnh cửu, cái bất tử. Tâm thức các ngài phải thoát khỏi thời gian, nghĩa là thoát khỏi những tập tục truyền thống, những tri thức do quá khứ tích trữ. Vấn đề không phải tin hay không tin: tất cả điều đó đều ấu trĩ, hoàn toàn trẻ con, không dính líu chi với vấn đề thực tại cả. Nhưng nếu ta thật chân thành, nếu ta thật sự muốn khám phá thực tại, ta phải hoàn toàn xa lìa những hành vi vị ngã của trạng thái cô độc, bấy giờ ta đạt đến một trạng thái cô đơn trọn vẹn. Và chỉ trong trạng thái ấy ta mới có thể thấu hiểu được cái đẹp, cái vĩnh cửu.
Nhưng các ngài hãy đề phòng: danh từ rất nguy hiểm, chúng là những biểu tượng và biểu tượng không phải là thực tại. Chúng chuyển đạt một ý nghĩa, một khái niệm, nhưng danh từ không phải là sự vật. Cho nên, khi tôi nói về cái vĩnh cửu, các ngài phải biết xem các ngài có bị ảnh hưởng bởi các danh từ tôi dùng không hay biết xem các ngài có rơi vào cạm bẫy của một tin tưởng không? Nếu thế thì hết sức là trẻ con.
Để biết xem có cái vĩnh cửu không, ta phải thấu hiểu thời gian. Thời gian là một vật thực sự lạ lùng – tôi không nói thứ thời gian tính theo đồng hồ, loại thời gian này vốn dĩ nhiên và cần thiết, tôi nói về sự tương tục tâm lý, và có thể nào sống mà không có sự tương tục này không? Vật đã thiết lập nên sự tương tục này đích thị là tư tưởng, là hành-vi-tư-tưởng mãi vào một điều gì? Nếu ngày nào các ngài cũng nhìn ngắm ảnh vợ các ngài, thì các ngài đã làm cho hình ảnh ấy tương tục. Và có thể nào sống trong đời này mà không tạo sự tương tục cho hành động hầu ta có thể đề cập mỗi vấn đề bằng một tâm thức mới mẻ không? Nghĩa là tôi có thể nào chết đi với mỗi hành động sống trong ngày, để tôi không còn bao giờ tích trữ gì trong tâm tôi nữa, để cho tâm thức tôi không bị nhiễm độc bởi quá khứ, để nó luôn luôn mới mẻ, tươi nhuận, vô tư vô nhiễm không? Tôi quả quyết rằng việc ấy có thể thực hiện được, rằng ta có thể sống như thế, nhưng đối với các ngài, có thể đó không phải là sự thật: điều đó chính các ngài đích thân tìm biết.
Như thể là ta bắt đầu nhận thấy rằng ta phải có một tâm thái hoàn toàn cô đơn nhưng không phải cô độc, biệt lập. Trong tâm thái ấy mới phát sinh được một cảm nhận phi thường về cái đẹp, về cái mà tâm thức ta không sao tác tạo được. Điều đó hoàn toàn không liên quan đến hành vi ráp nối vài nốt nhạc, sử dụng vài màu sắc để tạo thành một bức họa, nhưng vì tâm thức ta cô đơn nên nó thể nhập vào cái đẹp và do đó nó đầy mẫn cảm, và vì đầy mẫn cảm, nên nó đích thực thông minh, sự thông minh của nó không phải là thứ thông mình của xảo quyệt mưu mô hay của kiến thức, cũng không phải là cái khả năng để làm một việc gì. Tâm thức ta thông minh trong ý nghĩa là nó không bị nhiễm độc, không bị ảnh hưởng và không sợ hãi. Nhưng muốn sống trong trạng thái ấy, tâm thức phải luôn luôn đổi mới, nghĩa là phải chết đi với mỗi ngày sống của quá khứ, chết đi với tất cả những gì nó đã biết.
Nhưng, như tôi đã nói, danh từ, biểu tượng, không phải là thực tại. Danh từ cội cây không phải chính là cội cây, vậy chúng ta phải đề phòng đừng bị xỏ mũi bởi danh từ. Khi tâm thức thoát ly khỏi danh từ, biểu tượng thì tâm thức trở nên hết sức mẫn cảm và bấy giờ nằm trong một trạng thái khả dĩ giúp nó khám phá được thực tại.
Tóm lại đó là điều các ngài tìm kiếm tự bấy lâu nay, từ thời cổ sơ cho đến ngày nay, con người ước vọng tìm thấy một cái gì không do chính nó tác tạo nên. Dù rằng, các tổ chức tôn giáo vô nghĩa lý với người thông minh, nhưng chúng vẫn khư khư bảo rằng vốn có cái siêu việt, và con người luôn luôn tìm kiếm cái siêu việt vì họ triền miên sống trong đau khổ, phiền lụy, trong đảo điên, tuyệt vọng. Vì luôn luôn sống trong một trạng thái vô thường biến động, nên họ muốn tìm cái gì thường tồn bất biến, một cái gì trường cửu, liên tục và công cuộc tìm kiếm của họ, do đó, luôn luôn nằm trong vòng tù ngục của thời gian. Nhưng như ta có thể thấy đó, không có cái gì là thường tồn cả. Mọi tương giao của ta, mọi công việc của ta, tất cả đều thoáng qua, vô thường. Và bởi vì chúng ta quá sợ hãi sự biến mất, tiêu tan của vạn vật, nên chúng ta tìm kiếm cái nguyên lý thường tồn nên được chúng ta gọi là cái vĩnh cửu, cái bất tử hay bằng một danh từ khác. Nhưng công cuộc tìm kiếm cái thường tồn, cái bất tử, cái vĩnh cửu, chỉ là một phản ứng, nên hoàn toàn vô giá trị. Chỉ khi nào tâm thức thoát khỏi ý muốn về sự chắc chắn, tâm thức mới bắt đầu khám phá xem có cái được gọi là vĩnh cửu, vượt ngoài không, thời gian, vượt ngoài chủ-thể-tư-tưởng và ngoài những gì mà chủ thể ấy đang tư tưởng hay đang tìm kiếm không. Muốn quan sát và thấu hiểu mọi điều đó, đòi hỏi phải có một sự chú tâm trọn vẹn và một giới luật uyển chuyển do sự chú tâm ấy phát sinh. Trong trạng thái chú tâm đó, không có sự phóng tâm, đãng trí, không có cố gắng, không có một xao động nhằm vào chiều hướng nào cả, bởi vì một xao động loại này, mọi nguyên nhân thôi thúc, đều là hậu quả của một tâm thức bị ảnh hưởng nhiễm độc, hoặc bởi quá khứ hoặc bởi hiện tại. Trong cái trạng thái chú tâm thung dung buông xả đó, một sự tự do phi thường được phát sinh, và chỉ lúc bấy giờ – vì đã hoàn toàn trống rỗng, yên lặng không nhúc nhích – tâm thức mới có thể khám phá cái vĩnh cửu.
Có lẽ các ngài muốn đặt nhiều câu hỏi về vấn đề đã được trình bày sáng nay.
H: Làm sao thoát ly được ý muốn về sự chắc chắn.
K: Danh từ "làm sao" ngụ ý một phương pháp phải không? Nếu ngài là một kiến trúc sư và tôi hỏi ngài làm sao xây cất một ngôi nhà, ngài có thể trả lời tôi, bởi vì có nhiều phương pháp, nhiều hệ thống, nhiều cách thế để thực hiện việc xây cất. Nhưng việc áp dụng một phương pháp hay một hệ thống là đã qui định tâm thức rồi; vậy ngài hãy nhận thức chỗ khó khăn của việc dùng danh từ "làm sao".
Và chúng ta cũng phải thấu hiểu ý muốn nữa. Ý muốn là gì? Hôm trước, tôi đã giải thích đầy đủ về vấn đề này rồi, mong rằng quý ngài có mặt hôm ấy và đã thấu hiểu ý nghĩa của những điều tôi đã trình bày, sẽ không cảm thấy nhàm chán về những gì tôi sắp nói đây. Vì, thực ra, ta có thể lắng nghe cả ngàn lần tất cả những cuộc nói chuyện này và mỗi lần đều phát hiện thấy một cái gì mới lạ.
Ý muốn là gì? Như hôm trước tôi đã nói, trước hết có sự nhận thức (tức là thấy), kế đó có sự tiếp xúc (tức là sờ mó), tiếp theo là cảm giác và cuối cùng cái ta gọi là ý muốn trỗi dậy. Phải sự thể quả diễn tiến như vậy không? Xin các ngài hãy chú tâm theo dõi. Thí dụ, thấy một chiếc xe hơi đẹp. Sự thấy này, dù không sờ mó chiếc xe, vẫn làm phát sinh cảm giác, cảm giác này làm phát sinh ý muốn được lái, được làm chủ chiếc xe. Ở đây ta không cần biết coi phải làm sao chống kháng lại ý muốn hoặc làm sao thoát ly ý muốn, bởi vì kẻ bại xuội tê liệt, hắn đã chết. Điều quan trọng là thấu hiểu toàn bộ tiến trình của ý muốn, nghĩa là thấu hiểu đồng thời tính cách quan trọng và vô nghĩa của nó. Ta phải khám phá, không phải khám phá cách thế chấm dứt ý muốn, mà khám phá cái đã làm cho nó tương tục.
Cái gì làm cho ý muốn tương tục? Chính tư tưởng, phải không? Trước hết, có sự thấy chiếc xe, kế đó có cảm giác kèm theo là ý muốn, và nếu tư tưởng không xen vào làm cho ý muốn tương tục bằng cách bảo rằng: "Tôi phải có chiếc xe này, làm thế nào để có được đây?" thì ý muốn sẽ chấm dứt. Ngài theo kịp chứ? Tuyệt nhiên là tôi không bảo rằng cần phải vượt thoát khỏi ý muốn, trái lại thì có. Nhưng các ngài phải thấu hiểu toàn bộ cơ cấu của ý muốn, bấy giờ các ngài sẽ thấy rằng sự tương tục không còn nữa mà có một cái khác hẳn.
Vậy, điều quan trọng không phải là ý muốn, dục vọng, mà là sự việc ta làm cho ý muốn tương tục. Ví dụ, chúng ta kéo dài những ham muốn về tính dục của ta bằng tư tưởng, bằng hình ảnh, bằng cảm giác, bằng hồi tưởng kỷ niệm; chúng ta duy trì kỷ niệm sống động của những ham muốn ấy bằng cách tư tưởng đến chúng và hành vi đó làm cho ham muốn, ý muốn, dục vọng tương tục và gia tăng tầm mức quan trọng cho giác quan. Không phải cái cảm giác không quan trọng: chúng cũng quan trọng vậy. Nhưng cứ làm cho các lạc thú giác quan tiếp nối nhau sống mãi, nên chúng trở nên hết sức mãnh liệt trong đời sống chúng ta. Vậy điều quan trọng không phải là thoát khỏi những dục vọng, ý muốn, mà thấu hiểu bản chất cấu tạo của chúng và cách thế mà tư tưởng làm cho chúng tương tục. Đó là tất cả những gì ta phải làm và bấy giờ tâm thức mới thực sự tự do mà không cần phải tìm cách thoát khỏi dục vọng. Ngay khi ta tìm cách thoát khỏi dục vọng là ta rơi vào xung đột. Mỗi khi ta nhìn thấy một chiếc xe hơi, một người đàn bà, một ngôi nhà hay bất cứ vật gì khác hút dẫn ta, là tư tưởng liền xen vào và làm cho dục vọng tương tục, bấy giờ mọi sự đều trở thành là vấn đề vô tận.
Điều quan trọng là phải sống một đời sống trong đó sự cố gắng vắng mặt, một đời sống không có vấn đề, và ta có thể sống một đời sống như thế nếu ta thấu hiểu được bản chất cấu tạo của những dục vọng. Phần đông chúng ta có ngàn nghìn vạn vấn đề, và để thoát khỏi những vấn đề ta phải đủ sức tức khắc chấm dứt mỗi vấn đề khi nó vừa xuất hiện. Tôi nghĩ là chúng ta đã thảo luận vấn đề đó khá nhiều rồi, tôi sẽ không nói thêm nữa làm gì. Nhưng tuyệt đối cần thiết phải không có vấn đề nào cả, và phải sống một đời sống không cố gắng. Bấy giờ ta mới có một tâm thức thực sự mộ đạo bởi vì tâm thức ấy đã thấu hiểu đau khổ và sự chấm dứt của đau khổ; trong tâm thức ấy không còn chút sợ hãi và do đó, chính nó là ánh sáng cho tự nó.
2/8/1964
Chú thích: [1]Méditation
Nguồn: Ý nghĩa sự chết, đau khổ và thời gian của Krishnamurti. Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa dịch. An Tiêm xuất bản lần thứ II. In tại ấn quán Thăng Long 220A, Trương Minh Giảng, Sài Gòn. K.D. số: 3697 ngày 31-12-1968. 300đ. Bán y giá. Các tỉnh: 320đ. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Xem Tiếp: ----