Chương 4

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
Truyện Kiều – Nguyễn Du
Yên đánh ba vòng Hồ Con Rùa, chạy lên chạy xuống con đường Phạm Ngọc Thạch thêm hai lần nữa mới tìm ra quán cà phê nơi Tính hẹn. Cái thằng, hẹn chi chỗ khó tìm vậy không biết. Dắt chiếc Wave đỏ dính đầy bụi đường của mình vào cuối hàng xe, đi ngang hàng hàng lớp lớp A còng, Spacy, và Piagio, Yên bây giờ mới hiểu cái nhìn lạ lùng khi nãy của anh chàng giữ xe. Chắc hắn ta không hiểu con nhỏ này là loại người nào, điều mà Yên để ý thấy người ở Việt Nam có thói quen làm ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó là phân loại người ‘giàu nghèo, có học ít học, dân chơi dân hiền, vv.’ Với Yên nhiều người đã rất khó làm được điều đó. Cô phì cười nhìn xuống cái quần tây xám ủi thẳng tưng, áo sơmi trắng vạt ngang dài quá lưng quần, đôi giày boot được đánh láng bóng. Ngược lại với bộ cánh ‘hơi bị lịch sự’ là cái khăn buộc đầu và chiếc xe Wave dính đầy bụi. Cũng may Yên mới đi dạy về, nếu thấy Yên trong bộ quần áo hàng ngày dám anh chàng kêu mình gửi xe chỗ khác lắm.
Khẽ mỉm cười một mình Yên bước về quán cà phê W. Ðến gần trước cửa Yên bỗng ngại ngùng không muốn bước vào. Tính hẹn chi ở cái quán lạ lùng quá thể, bên trong cửa toàn lố nhố con trai. Thanh niên gì mà trưa trờ trưa trật đã ra quán ngồi đồng, hình như bên trong chẳng có một bóng con gái nào cả. Không biết mình có đi nhầm chỗ không? Quán có kiến trúc thật lạ lùng, Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta, quái dị hết biết. Nằm ở trên còn đường Duy Tân lãnh mạng đã từng đi vào bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy, quán này làm con đường xấu hẳn đi! Tần ngần mãi Yên lấy điện thoại ra gọi Tính, ‘ông ở đâu vậy, làm ơn ra ngoài cho tui gặp, chứ trong quán toàn con trai tui biết đường đâu mà mò.’ Chỉ hai phút sau nó đã xuất hiện trước cửa, mừng rỡ ôm chầm lấy Yên, vỗ vỗ lưng cô vài cái đau điếng người. Nỗi vui gặp lại thằng bạn cũ làm Yên quên hết sự bực mình, để nó nắm tay kéo vào trong và làm lơ trước hàng chục cái nhìn trân trân bất lịch sự, lòng tự nhủ, ‘kệ cha lũ vô công rồi nghề.’ Yên bỗng giựt mình khi nghe tên mình được gọi khe khẽ, ‘Trần Việt Yên.’ Quay nhanh qua bên trái Yên thấy một ánh nhìn quen quen, nhưng trong chốc lát chẳng thể nhớ ra ai. Gật đầu cười chào, nghĩ rằng chắc anh bạn nào dạy chung trung tâm, Yên tiếp tục theo Tính về bàn của nó.
Màn giới thiệu ồn ào rồi cũng qua mau, Yên vui vẻ bắt tay các bạn của Tính rồi quay sang nắm tay Vân, thân mật nói:
- Hồi đám cưới Tính và Vân thì Yên đang học ở xa nên không dự được, tiếc ghê. Nhìn hình đám cưới Yên cứ tấm tắc với tụi bạn sao Tính kiếm đâu ra người vợ xinh vậy không biết.
- Ê, bảy năm không gặp mà vẫn không quên đâm chọt người ta. Người như Tính đốt đuốc tìm không ra đó nghen. Thằng bạn nổi xung bào chữa.
Nheo mắt nhịn cười, Yên đá lông nheo với Vân:
- Sao tìm ra được, đặc biệt quá mà tìm sao ra, heng?
Cả đám phì cười trước dụng ý quá rõ ràng của Yên. Quả thật nhìn vào ai cũng nghĩ Tính may mắn. Vân trắng trẻo, xinh xắn, cao ráo, và đặc biệt rất ít nói. Tính đen như dân xứ biển, thấp hơn vợ, và miệng thì láu táu không ngừng. Nhưng Yên biết đằng sau vẻ ngoài không đặc biệt đó là một cái đầu khá siêu và một trái tim cực kỳ tốt. Tính học rất giỏi, ngày xưa thường xuyên được các bạn gái năn nỉ học nhóm chung trong những lớp khoa học tự nhiên tại trường đại học cộng đồng. Tính và Yên thân hồi còn chung hội học sinh Việt Nam thời trung học, nó hơn cô hai lớp. Năm cô vừa lên đại học là lúc nó quyết định qua miền Ðông hai năm làm nghề nail. Nó bảo kiếm đủ tiền sẽ quay về học tiếp, chứ học kiểu này nản quá. Hết năm nay qua năm khác Tính vẫn chưa kiếm ‘đủ’ tiền, đến khi Yên ra trường rồi thì nó tuyên bố không học nữa. Cũng phải thôi, lương Yên làm cả tháng chưa chắc bằng nó trong một tuần. Bây giờ lại thêm vợ con đùm đề, làm sao mà dứt bỏ được để quay về thực hiện ước mơ xưa.
Người bạn ngồi cạnh Tính hỏi Yên:
- Nghe Tính bảo Yên về đây sống luôn hả?
- Ðâu có, một thời gian thôi, sau đó không biết sẽ ra sao. Tương lai Yên còn muốn qua Lào và Campuchia nữa.
- Trời đất, đi gì mà dữ vậy. Xin lỗi cho Thứ tò mò chút, Yên làm gì ở đây?
- Yên đi dạy.
- Yên dạy ở đâu?
- Trung tâm V. đó Thứ.
Thanh, anh trai Vân xen vào:
- Yên cho anh làm học trò với, Yên dạy Anh Văn phải không?
- Xin lỗi anh, Yên chỉ dạy học trò dưới mười bốn tuổi, Yên sợ người lớn lắm.
- Chao ôi, sao mà Yên kì thị tuổi tác vậy, anh thì lại không thể học giáo viên nam hay giáo viên lớn tuổi.
Cả đám lại phá lên cười làm những bàn bên cạnh quay sang nhìn, trong đó có cả ánh mắt quen quen. Khuôn mặt nhìn nghiêng làm Yên chợt nhớ ra, ‘a, người dễ thương ở sân bay ngày nào.’ Hình như biết được Yên đã nhận ra mình, anh chàng khẽ mỉm cười chào rồi quay lưng lại tiếp tục chơi game. Yên hơi ngạc nhiên nhận ra trong bộ thường phục anh chàng trông khác hẳn ngày hôm trước, hiền hơn và cũng trẻ hơn.
Câu chuyện rôm rả một hồi rồi Yên xin phép về để còn dạy ca chiều. Tính hẹn gặp lại vào cuối tuần vì tuần sau vợ chồng nó về Mỹ rồi. Yên đồng ý nhưng ra điều kiện:
- Làm ơn kiếm cái quán dễ thương một chút nghe huynh. Chỗ này thấy ghê quá, Yên tính bỏ về rồi đó.
Thanh cười:
- Ðây là nơi đóng đô của các đại gia và Việt Kiều, đặc biệt là những người về thường trực ba bốn tháng một lần đó. Thanh dẫn Tính vào cho biết đó thôi.
- Ôi, đại gia tiểu gia gì cũng được, Yên ngại mấy chỗ này lắm, lần sau hẹn quán bò bía bột chiên hay kem gì đó, vừa ăn uống ngon miệng vừa tha hồ tán dóc. Vậy nghe, Yên về trước đây, đến giờ dạy rồi.
Nói rồi Yên khoác túi xách vội vã bước ra cửa, không để ý đàng sau có người lẩm nhẩm hoài mấy chữ, ‘dạy Anh Văn tại trung tâm V.’