- 7 -

Nhân Bình nói về sức mạnh của đồng tiền và sự cưỡng lại yếu ớt của mấy người bạn cùng làm việc ở công ty với anh, nên anh Đại lại có dịp góp vào một vài mẫu chuyện vui xung quanh cái việc kiếm ra đồng tiền:
- Đôi lúc mình hay nói: cái thằng cha ấy hết nghề rồi, có nghĩa là nó đã hết đường xoay xở rồi, sắp chết đói tới nơi rồi. Cuối cùng nó vẫn sống nhăn răng, vẫn tìm được ra cách kiếm tiền, vẫn chưa hết nghề. Nếu cậu Việt có thì giờ nên viết một phóng sự về những nghề đang kiếm ra tiền ở cái đất Sài Gòn này, chắc là kỳ lạ lắm. Riêng cái bin-đinh tôi ở, các bà vợ những ông giáo sư, bác sĩ trong mấy năm nay cũng đã tìm ra bao nhiêu nghề phụ để thêm vào đồng lương quá ít của các ông chồng. Hễ mình cần cái gì, tức là đã có người làm cái nghề đó, chỉ cần hỏi là có ngay thôi. Mấy năm tôi bị giam ở Mã Đảo, thì tôi chỉ có mỗi chuyện ấy thôi mà, mắt được nhìn thấy một cái nghề tôi dám tin là độc nhất vô nhị, mình không thể tưởng tượng nổi, chứ chưa nói là thấy cần. Nó không là một nhu cầu mà vẫn có nghề. Hoặc giả con người ta thích được hãi sợ, thích được hồi hộp, thích được xem đồng loại bị hành hạ, mà có những nghề đó chăng? ở Mã Đảo có một con sông rất rộng như Nhị Hà của ta, gọi là sông Betsibôka, mà nhiều cá sấu lắm. Trưa nắng nhìn cá sấu bò lên hai bờ cát cả ngàn vạn con to dài bằng cột đình, cột chùa, há miệng suy tư mà máu muốn đông lại. Có khi các cậu còn bò đi xa hơn, nằm nấp trong các búi cỏ rậm rình bắt bò, bắt chó, bắt người. Nạn cá sấu rình bắt người bên ấy còn ghê gớm hơn cái nạn rắn cắn ở xứ ta nhiều. Vậy nên dân địa phương đã tìm ra một cái nghề hết sức rùng rợn: xỉa răng cá sấu. Bọn tôi gọi người làm nghề đó là fakir, giống như anh fakir bên ấn Độ thổi kèn gọi rắn. Chắc họ cũng học được thuật thôi miên hay sao nên mới dám len vào giữa bầy cá sấu, mò mẫm ngồi cạnh từng con, lấy tay tỉ mẩn sờ rằng sờ lợi nó, rồi rúc cả đầu vào trong mồm cá mà lôi ra từng mảng thịt giắt ở các chân răng. Mất tiền cả đấy các vị ạ. Người xem ngồi trên bờ nhìn xuống, vỗ tay hoan nghênh mà tim muốn nhảy bật ra ngoài. Vì cũng có lần, mà có nhiều lần, các ông fakir chui đầu vào được mà rút ra không được, anh chàng cá sấu bị quấy rầy đã ngậm miệng lại rồi, nó đã ngậm miệng thì có nã đại bác cũng không chịu há miệng ra, cặp chân đen ngẳng của ông làm trò giẫy giẫy giật giật như cặp đùi nghéo bị rắn nuốt, rồi cứ trôi dần vào bụng cá. Mà đâu có kiếm được nhiều tiền, mỗi lần diễn cái trò chết người chỉ được năm mươi xu hay một đồng. Ôi chao! Một cách kiếm tiền vừa man di vừa nhục nhã!
Anh Quý nhận xét khác hẳn:
- Phải là một dân tộc thuần phác mới nghĩ ra được một nghề kiếm tiền hào hùng, mã thượng đến thế. Mình làm không nên mình chịu, không để liên lụy tới ai khác. So với cách kiếm tiền của bọn ta thì họ văn minh hơn nhiều.
Chị Hoàng hỏi:
- Nếu anh phải hy sinh quyền lợi của người khác để có được thật nhiều tiền, anh có chịu không?
Anh Quý:
- Hỏi như thế là đã sỉ nhục mình rồi. Mình ích kỷ thật nhưng không nỡ làm hại đồng loại.
Anh Chương cười nhỏ:
- Ông cộng tác với Diệm tức là có làm hại những người chống Diệm. Ông làm việc với các chính quyền ngụy là có làm hại những người kháng chiến. Đứng về phía này là có làm hại những người ở phía bên kia. Chính trị mà. Mấy chục năm nay ông vẫn làm chính trị đấy chứ.
Anh Quý nhìn chăm chú cái tẩu rỗng đã hết cả thuốc nhồi, nói gượng gạo:
- Cái thằng làm công vô thức rồi vẫn bị lịch sử ghép tội là thế. Đến lúc nghĩ ra thì cũng đã muộn.
Cái nhìn của Quân như đằm thắm hơn:
- Chưa muộn lắm đâu anh ơi, hãy còn nhiều dịp để anh nghĩ lại kia mà.
Anh Đại:
- Tôi vẫn nghĩ cái nghề xỉa răng cá sấu của dân Mã Đảo là cái nghề man rợ nhất, sao họ lại tự coi rẻ cái mạng mình đến thế, năm mươi xu một mạng người!
Anh Quý:
- Thưa với cụ, cái nghề bán rẻ mạng người khác còn man rợ hơn nhiều. ở xứ này đã có hẳn một giai tầng làm giàu bằng sự buôn bán máu người trong chiến tranh.
Chị Hoàng giương mắt nhìn ông nguyên là đại sứ, hỏi mỉa:
- Ông học nghề làm báo hồi nào vậy? Ông tuyên truyền mác-xít bọn tôi đấy, hả?
Anh Quý:
- Ngày còn ở xa tôi chỉ khinh mấy anh cầm quyền là vô học, nhưng có tinh thần quốc gia. Về sau ở gần họ, mới khám phá ra cái nghề chính không phải là chống cộng mà là buôn máu người.
Chị Hoàng trỏ vào mặt tôi:
- Tổng thống ngụy thì vô học, vậy ông Việt cộng này thì có mấy bằng?
Quân cười to:
- Bảo họ vô học thì họ còn cãi được. Hán Vương nhất định là dốt hơn Hàn Tín với Tiêu Hà rồi. Nhưng bảo họ xuất thân là lính Pháp thì họ hết cãi nổi.
Chị Hoàng hỏi nhẽo nhợt:
- Những ai thế? Thiệu và Kỳ phải không?
- Nhiều chứ, ông Minh lớn là người mà bà trọng, ông Đôn là người mà bà yêu, ông Trần Văn Minh nữa đều là dân học ở trường Tông Sơn Tây cả. ông Kỳ học lái máy bay chở khác Marrakech bên Maroc là một trường không quân của Pháp. Ông Thiệu học trường sĩ quan Đà Lạt khóa I vẫn do Pháp dạy. Ông Khánh học ở Nước Ngọt cũng vẫn là Pháp. Còn ai nữa, ông Cao Văn Viên là thuộc hạ của thằng thiếu tá Pháp tiểu khu trưởng tiểu khu Sóc Trăng, khi ông thiếu tá về nước, nghĩ tình thầy trò liền nhượng cô vợ Việt cho ông trung úy trẻ tuổi, là bà Cao Văn Viên đó. Là những sĩ quan của Pháp, về sau là của Mỹ mà có tinh thần Trần Hưng Đạo, Quang Trung nghe ngờ quá, hà?
Anh Chương
- Đã là người cầm quyền thì thế nào cũng có đứa nâng bi, xu phụ, quà cáp. Quà cáp phía dưới là một vạn thì quà cáp ở phía trên có thể là một triệu. Đút lót nhau tí chút cho chạy việc, thời nào chẳng thế. Còn bảo thành phe thành đảng buôn lậu trong chính phủ, trong quân đội, e rằng nói vậy cũng hơi quá vì nội vụ của họ ra sao, bọn tôi đều có được biết qua nhiều nguồn báo cáo.
Vẫn Quân nói:
- Nghị viện các anh biết làm sao được những chuyện kỳ bí của chính phủ. Tôi hỏi anh, thằng Kỳ tranh cử tổng thống bằng tiền của ai? Phải có tiền chứ, tiền của bà chị ruột và của vợ nó. Bà Lý lấy một ông Tàu, mở một hiệu buôn ở Paksé, về sau còn làm nhà thầu cho quân đội Pháp ở tỉnh này nên giàu lắm. Năm 1954, bên ấy làm ăn khó khăn, vợ chồng mới chạy về Sài Gòn. Ông em từ Maroc về, lái máy bay chở hàng, sau là máy bay chiến đấu. Máy bay hư hỏng, lại đưa qua Đài Loan sửa, lúc về ghé lại Hồng Kông, đàn em của Kỳ do bà Lý chỉ huy khuân lên từng bao bì cẩm thạch, đồng hồ, hạt trai nhân tạo, tơ Pháp, cả sâm và thuốc Bắc của lục địa Trung Hoa đưa sang, mua rất rẻ vì không có thuế quan, đem về Sài Gòn hàng lại đang hiếm, vốn có một, lãi cả chục cả trăm lần, làm giàu trong chớp mắt. Còn cô vợ cũng hay lắm, tậu đồn điền mía ở Hawai, mua nhà ở Luân Đôn, ở Paris cho thuê, nhà mẹ vợ giàu, bà Học thì giàu có tiếng. Hồi sau Kỳ làm thủ tướng thì sự làm ăn còn phát đạt hơn nhiều. Tàu của hải quân đem qua Mỹ sửa, khi đi thì chở đồ gốm, sơn mài, ngà voi, da thú, mặt hàng dân tộc mà, khi về thì xà bông, vải, quần áo may sẵn, lời lãi chia nhau, phần sư tử kính dâng lên thủ tướng. Thủ tướng ký lệnh làm quân cảng, lập tức ngân hàng phải chi ra khoảng mươi tỷ bạc, tức là đã có thể lấy đứt một tỷ để chia nhau. Rồi làm sân bay quân sự, bắc cầu quân sự, làm đường phục vụ cho mục đích quân sự, đều có tarif (biểu thuế) hết, cứ mười phần trăm mà tính. Với ông Khiêm, thủ tướng sau này, chỉ nói sơ sơ vài món: thầu vỏ đạn là một, tiền thuế quan là hai và chia lời với bọn đàn em ngồi giữa núi hàng của Mỹ ở Cam Ranh. Ba món đó là bao nhiêu ngàn triệu, hả? Cao Văn Viên làm tiền còn dữ hơn, nhưng lại rất kín đáo. Viên vốn là người chỉ huy phòng 4 của Bộ tổng tham mưu, cơ quan tiếp vận. Về sau đàn em của Viên bay đi các vùng, các quân khu nắm các cơ quan tiếp vận ở đó. Ví như đại tá Cao Văn Châu, không có họ hàng gì với Viên đâu nhá, chỉ huy trưởng tiếp vận vùng Một, giàu đến mức các thành phố lớn đều có nhà ăn chơi riêng của hắn cả. Vợ Ngô Quang Trưởng là người đàn bà đứng đắn, thuộc dòng họ Nguyễn Tường, rút lại cũng phải cúi đầu trước đồng tiền hắn đưa nhử. Trưởng đau lắm nhưng biết làm sao. Châu là đàn em tin cẩn của bà Viên. Vâng, cứ mười phần trăm nộp lên trên đều đều. Nhưng buôn độc địa nhất là thằng Đặng Văn Quang, trùm an ninh mà lại buôn ma túy để đầu độc lính mình và lính đồng minh thì hết nói. Có bốn món buôn lãi nhất ở Đông Nam á là vàng, kim cương, á phiện và rượu thì Quang đều buôn cả. Cho nên nói chuyện với bọn họ về quốc gia, chống cộng, hòa bình, tái thiết, dân tộc là thừa, đâu phải việc của họ, họ biết gì những chuyện đó. Phải nói là chiến tranh sẽ tiếp tục, Mỹ sẽ ở lại đây mãi mãi và các vụ áp phe lớn sẽ mỗi ngày một nhiều hơn, lập tức họ nghe ra ngay, và sự tính taón của họ là những tính toán thiên tài. Thôi, bàn làm gì đến cái tư cách mấy anh tay sai xứ thuộc địa, ngay đến danh tướng Raoul Salan sang Đông Dương để đối đầu với ông Võ Nguyên Giáp, xoay chuyển tình thế, rút lại cũng chỉ là anh buôn lập, buôn á phiện, chở từng chuyến máy bay. Giữa năm 69, Thiệu và Nixon gặp nhau ở đảo Midway để bàn về Việt Nam hóa về kinh tế. Việt Nam làm công nghiệp nhẹ, chế biến hàng nông sản, kỹ nghệ đóng hộp, kỹ nghệ đông lạnh, vân vân... Nhưng, ấy anh ba Tàu và các ông lớn đã nắm tới ba phần tư các nguồn lợi đó rồi. Ông Phạm Kim Ngọc nguyên Bộ trưởng kinh tế chuyển sang làm ngân hàng nông doanh. Ông Nguyễn Tấn Đời và Trung tướng Nguyễn Hữu Có mở Tín nghĩa ngân hàng. Ông Lý Long Thân, thầy của ông Thiệu, sẽ thôi nghề sản xuất dây kẽm gai mà chuyển sang sản xuất dầu ăn và trồng thuốc Virginia trên Ban Mê Thuột. Tất nhiên là không ngon lành thơm tho bằng thời chiến. Chuyển sang thời bình buộc phải có trí thức một chút, phải biết cách quản trị kinh tế một chút. Cho nên con cái họ có đang học ở Harvard khoa chính trị thì chuyển sang khoa business management, quản trị kinh tế, hoặc đưa sang trường đại học Michigan hay học viện kỹ thuật Massachusetts. Chuẩn bị như thế là cũng nhìn xa lắm. Thời nào họ cũng giữ độc quyền về cách kiếm ra đồng tiền mà.
°
Anh Đại nói với Bình:
- Trên đời này có lắm kẻ hám tiền, nhưng cũng có rất nhiều người không lấy tiền làm lẽ sống. Riêng bác, bác tự hào một đời biết coi nhẹ đồng tiền. Nếu tham tiền đã không dám chống Pháp. Chống nó chẳng những cái thân đi tù mà còn mất toi năm trăm mẫu ruộng. Có năm trăm mẫu ruộng ở xứ Bắc Kỳ là rất bảnh, đến thượng thư cũng phải nể, nói gì cái đảm phủ huyện tép riu phía dưới. Năm Pháp đưa bác từ Mã Đảo về Sài Gòn quản thúc, trong túi không còn một đồng một chữ, phải đến các hội từ thiện xin ăn, rồi bạn bè thay nhau nuôi. Cả mấy năm đi dạy học toàn cuốc bộ, có bữa đói quá phải ngồi xỉu xuống một vệ đường. Đói thật sự, đói quắt ruột héo gan, nhưng thà chịu đói chứ không bán mình cho Pháp. Pháp vẫn nhắn tin hàng ngày, làm quốc trưởng chưa được chứ làm bộ trưởng thì có thể lắm vì cũng có một cái danh, cũng có một cái bằng, cũng có mấy năm đi tù vì kháng Pháp, có khi còn được thiên hạ đồn đại, thêm thắt như một nhà đại cách mạng. Pháp chịu, lại đến ông Phạm Công Tắc cho người lại ve vãn. Giáo chủ Tây Ninh chỉ có hai cô con gái gọi là Tây Ninh nhị kiều, quá lứa một chút nhưng còn coi được, lại rất giàu. Cô em mới lấy chồng còn cô chị vẫn treo giá. Ông Tắc có ý nhắm bác để gọi rể, vì ông cũng có lòng mến từ lâu. Một là, bác đã có vợ con rồi, tuy vợ con ngày ấy hãy còn ở ngoài Bắc, hai là ông Tắc đã đầu hàng Pháp, kêu gọi giáo đồ hợp tác với chính phủ bù nhìn. Đành chịu đói thôi cháu ạ, chẳng lẽ đã dám hy sinh tất cả để rồi vì cái đói lại quỳ xuống đầu hàng. Sẽ không đói nữa nhưng mà nhục. Cái đói còn chịu được chứ cái nhục thì không ai chịu nổi. Chết rồi cái nhục vẫn còn bám theo kia. Dân mình là thế đấy, nếu không là tất cả thì cũng phải chín chục phần trăm trọng nghĩa khí, khinh tiền bạc. Nếu là một dân tộc hám lợi thì người lãnh đạo nào buộc được họ tự nguyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh? Hôm nay túng thiếu thì tính toái nhau chi li từng xu, từng hào, ngày mai có giặc lại vứt bỏ tất cả, nếu cần thì ném một mồi lửa cho nó cháy bùng lên, rồi xách súng dắt vợ con vào rừng kháng chiến, chắc chắn sẽ là như thế. Tất nhiên vẫn có người ở lại cộng tác với quân địch để làm giàu chuyến nữa, nhưng là số ít thôi mười phần trăm dân số thôi, chỉ là thế thôi, cháu ạ!
Chị Hoàng chợt quay phắt lại, bảo Bình:
- Này, mày thử hỏi ông bác cách mạng của mày vì sao ông ấy không đi kháng chiến? Vì sao lại chịu sống chui sống lủi ở xó Sài Gòn này cả mấy chục năm? Mày thử hỏi xem!
Bình cười mỉm, yên lặng. Anh Đại ngồi ngẩn ra một chút, rồi anh cười hề hề:
- À, à, việc gì phải hỏi, nó biết chứ! Nó biết tất cả nhưng nó vẫn thương tôi, có phải không, Bình?
Bình nói với tôi và với anh Đại:
- Thế hệ chúng cháu có nhiều việc phải làm lắm, nghĩ đến những việc phải làm vừa vui vừa ngại vì nhiều quá, vì mới quá. Rồi còn mò mẫm, còn vấp váp, còn sai sót chán. Thế nào là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Việt Nam? Thế nào là con người mới? Lý luận thì rất nhiều, nước ngoài họ làm thế này, ta thì nên làm như thế này, nhưng thực tế chẳng giống như nước ngoài mà cũng không giống như ta muốn. Chỉ ngồi thảo luận với nhau cũng đã loại xà ngầu lên, anh nào cũng tự cho cách làm của mình là đúng, là phải, làm một chặp lại thấy ra hình như cũng chưa hẳn là phải. Thoạt mới nhận công tác anh nào cũng ham cải cách lắm, làm vài năm cái chí tiến thủ cứ nhụt dần, khó quá mà phiền phức quá. Bọn cháu còn trẻ dại nên có lắm cái nông nổi, lại vấp phải cái mỏi mệt, cái lãnh đạm của xung quanh, nhìn mặt nhau là gầm ghè, ngờ vực, nói gì đến sự cộng tác chân thành, rút lại họp mãi cãi mãi cũng mệt, cả hai bên đều mệt, chi bằng cứ làm theo cái đã có là đoàn kết nhất, trên yên tâm, anh em cũng yên tâm, mà nhà cải cách cũng được yên thân. Khi đã hết muốn cải cách thì cái chung chẳng có nghĩa lý gì, gạt nó sang một bên để chăm lo cho cái riêng thôi, là cái mình có thể chăm lo được, cải cách được, có kết quả rõ ràng. những năm đánh Mỹ, cháu còn đi học, nghe xung quanh không có ai bàn tán nhiều về đồng tiền, gặp nhau là thăm hỏi về tình hình các mặt trận, rồi an ủi nhau, khuyến khích nhau. Mà vui lắm, đêm ngày như có một ngọn lửa bập bùng đâu đó trong mỗi ý nghĩa của mình, trong mọi hoạt động của mình. Cái riêng của từng người đã hòa tan trong sự nghiệp kháng chiến. Không thể đứng ngoài đã đành mà cũng không một ai muốn đứng ngoài. Bây giờ thì ngược lại. Sự nghiệp chung là công việc của các cấp lãnh đạo, còn mỗi chúng ta hãy chăm lo cái mảnh đất phần trăm của riêng mình. Việc riêng chống lại việc chung, gặm nhấm, giằng xé nó ra làm trăm ngàn mảnh để dễ bề tiêu hóa ào cái bao tử cao su của từng người. Lúc mới tiếp nhận cơ quan thì quạt bàn đủ, quạt trần đủ, bàn ghế cũng đủ. Qua vài lần chuyển qua chuyển lại quạt bàn mất tiêu, quạt trần mất tiêu, rồi đến ghế bàn làm việc cũng dần dần mất tiêu. Cá nhân giàu lên, nhà nước nghèo đi, đến tiền mặt trả lương cho công nhân cũng thiếu. Rồi lại ngẩn ngơ hỏi nhau: tại sao lại vậy? Có thể dân mình quen góp xương góp máu cho Tổ quốc mà chưa quen góp vốn cho nhà nước kinh doanh? Lại có thể góp xương máu thì được nền độc lập, mình hưởng, con cháu muôn đời hưởng, nhưng góp tiền bạc, công sức không khéo léo lại chui tọt vô túi mấy cha tham nhũng? Lại cũng có thể trong chiến tranh anh lính bất kể ngày đêm đều đến gặp được Bộ tư lệnh, còn trong thời bình góp ý kiến với trên như đốt sớ lên thiên đình, chẳng rõ đến tháng nào, năm nào mới được xét tới. Như cháu đã nói, thế hệ con cháu có rất nhiều việc phải làm, nhưng việc khẩn cấp là phải bảo nhau loại bỏ đồng tiền ra mọi tính toán cá nhân. Bị đồng tiền cám dỗ thì mất hết bác ạ, mất lý tưởng, mất niềm tin, mất cả bạn bè, sẽ sống với tâm địa ích kỷ, tàn độc như dưới chế độ tư bản. Có một anh giám đốc một xí nghiệp có hai người con gái hiện ở Hồng Kông gửi về cho bố ba kí lô viên bi đủ để sản xuất một triệu cây viết bic. Nhà nước mua năm xu một viên, một triệu viên được khoảng năm chục ngàn đồng. Nhưng khi ra hải quan lĩnh thì gặp khó khăn. Theo "lệ" là phải có lời nói riêng với mấy người có chức việc ở đó. Anh được năm chục ngàn đồng, thì anh biếu anh em vài ngàn làm tiền trà thuốc là vừa đẹp. Nhưng cái ông giám đốc của cháu lại thiếu ý tứ quá, cứ bình thản đưa giấy báo, rồi bình thản đứng đợi tới lượt lãnh hàng, chẳng có một lời nói bóng gió xa xôi nào. Người ta trả lời chưa tìm thấy hàng, xin mời đồng chí sáng mai lại. Sáng hôm sau đến, lại đứng chờ, coi như không thèm biết những thủ tục nào khác ngoài những thủ tục đã ghi trên giấy báo. Lại chưa tìm ra hàng, xin cảm phiền sáng mai đồng chí lại tới nữa. Đến lần thứ ba thì ông ta phải gắt gỏng rồi, phải dọa dẫm rồi. Tôi là cán bộ cách mạng chứ có phải dân ngụy đâu mà các đồng chí làm khó dễ với tôi. Họ đã phải nói gần nói xa: "Vậy tối nay chúng tôi sẽ lại nhà đồng chí bàn kỹ về chuyện này". Ông giám đốc gạt phắt: "Tôi làm việc ở cơ quan hăm bốn trên hăm bốn giờ, cần nói gì thì cứ nói ở đây!". Họ lại nhũn nhặn mời anh sáng hôm sau tới vậy. Hôm sau đến, hải quan tuyên bố hàng mất, lập biên bản và xin nhận đền. Mất năm chục ngàn, nhận đền vài trăm, thật là lý thú! Đồng chí giám đốc kia liền bỏ mọi việc, lao đầu vào chuyện tố tụng, viết hàng trăm lá đơn khiếu nại gửi khắp các cơ quan từ trung ương tới thành phố, gầm thét, đe dọa, sục tìm tới tận những chỗ có thẩm quyền cao nhất để truy cho ra manh mối. Giả thử xí nghiệp của mình bị lỗ, các cơ quan bạn không chịu thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng, có những kẻ ăn cắp vật liệu của nhà nước, có những đứa lãn công, có những khâu bị phá hoại mà người phụ trách cũng mất ăn mất ngủ, đảo lộn tất cả để tìm cho ra nguyên ủy thì nhà nước mừng vui biết mấy. Riêng cháu, trong chuyện này, cháu có khuyên đồng chí giám đốc nên lấy cái rủi nhỏ làm cái may lớn của đời anh. Vì nếu anh có trong tay năm vạn bạc thì anh sẽ không còn là anh nữa. Năm vạn ấy anh sẽ mua cổ phần trong mươi cái tổ hợp sản xuất nhỏ, đang thời kỳ bung sản xuất mà, hằng tháng thu lãi, năm vạn sẽ đẻ dần thành năm chục vạn. Một ông giám đốc đã có trong tay năm mươi ngàn bạc, tiến tới là năm trăm ngàn bạc, thì còn thời giờ đâu nghĩ đến lỗ lãi của xí nghiệp, nghĩ đến đời sống của công nhân, nghĩ đến những nghị quyết của chi bộ. Tất cả trí tuệ của ông giám đốc đã đầu tư vào phần kinh doanh tư bản chủ nghĩa rồi. Mà cái phần kinh doanh ấy cũng rắc rối lắm, trong giấy tờ là hợp pháp, nhưng cách làm ăn thông thường là bất hợp pháp, phải có trăm mưu nghìn kế đối phó với mọi tình huống thì mới khỏi đổ bể. Rồi cũng phải mua chuộc các cơ quan hữu trách, phải đe dọa những tổ chức muốn cạnh tranh, phải điều hòa sự tăng vốn chia lãi trong nội bộ, phải thuê cán bộ kỹ thuật, thuê luật sư, thuê nhân viên bảo vệ. Là một "liên hợp xí nghiệp" mà riêng mình phải chịu trách nhiệm và quyết định về tất cả, tất cả đều là thù địch, sểnh mắt lỏng tay một chút thì thân đi tù, cơ nghiệp tiêu ma, con cái chết đói. Vâng, nhất định sẽ phải là như thế với sự kinh doanh mờ ám ấy anh sẽ thành một nhà tư bản thực thụ với tâm lý tư bản, thủ đoạn tư bản, và những niềm vui cũng rất tư bản. Là kẻ thù của chủ nghĩa, chống lại lý tưởng cộng sản, nhưng vẫn là đảng viên cộng sản, không chừng còn ở trong cấp ủy cũng nên.
°
Nhìn lên chiếc đồng hồ treo đã mười giờ đêm. Đồng hồ chạy còn tốt nhưng bộ phận đánh chuông gảy đàn đã hỏng từ mấy năm nay, chẳng ai nghĩ phải đưa đi sửa, nếu không hỏng có lẽ cũng đem bán nó đi từ lâu rồi. Nhà này thì cần gì tới sự phân chia của thời gian, một năm trôi qua còn chẳng để ý huống hồ một phút một giờ. Mới mười giờ đêm mà tiếng pháo đã nổ ran ran. Người ta nóng ruột tống khứ mọi thứ xui xẻo của năm qua ra khỏi nhà mình, ra khỏi số phận của mình, hân hoan đón lấy những may mắn của một năm mới. Dầu đã ăn cả sáu, bảy chục cái Tết nhưng mỗi lần nghe tiếng pháo nổ vào lúc sắp giao thừa vẫn cứ bồi hồi, nôn nao, vui một chút, buồn một chút và mong đợi và hy vọng có lẽ cái năm đang tới sẽ vui hơn. Ngay với một người có tài đoán giải tử vi như anh Chương, vẫn cứ mong đợi và hy vọng, vì theo anh nói, là số chỉ bày tỏ được cái khuynh hướng, cái xu thế, chứ không thể biết chắc được cái cụ thể, được một triệu là được, được một đồng cũng là được, mất một trăm là mất, mất nốt cái hy vọng cuối cùng cũng là mất. Lại còn tùy ở phúc đức và nghị lực của mỗi người, phương Tây có câu L'homme propose Dieu dispose, người muốn trời định, nhưng phương Đông lại có câu Nhân định thắng thiên. Nói thế nào cũng là phải cả, anh Chương cười, mặt đỏ bừng, nói tiếp, chẳng biết làm gì để hy vọng thì xem tử vi cho đỡ buồn dẫu sao cũng có được cái niềm hy vọng, vui giả vẫn dễ sống hơn là buồn thật chứ. Còn bàn cho hết nhẽ, vẫn anh Chương nói, từ năm mươi tuổi trở đi, tương lai ra sao cũng đã có thể đoán biết được, ngũ thập tri thiên mệnh, đại khái về chiều thường buồn hơn, ảm đảm hơn là buổi sáng. Khương Tử Nha, Bách Lý Hề về già mới xuất chính làm nên công nghiệp một thuở cũng là chuyện hi hữu, còn người thế gian đã năm chục tuổi là sắp được hưu nghỉ rồi, sống an phận với những cái đã có. Người trẻ háo hức nhìn về tương lai, người già lại thích trầm mặc nghĩ về quá khứ, mình sống như thế đã là phải chưa, có thể thua, thua nhiều lần, nhưng cái thái độ sống không có gì đáng để chê trách. Tôi tự nghĩ, vẫn là anh Chương nói, tôi là kẻ thất bại, làm bộ trưởng thất bại, làm nghị sĩ thất bại, làm người yêu nước cũng thất bại, một trăm một ngàn dự kiến không thực hành được lấy một, nhưng tôi vẫn là một trí thức tự do, không ai mua được tôi, không ai làm chủ được tôi trừ đức Phật. Cậu Việt này, tôi có được đọc một bài báo ngày còn ở ngoài kia, viết rằng bọn chúng tôi là tham mưu của giai cấp tư sản, là người truyền bá chủ nghĩa thực dân mới, là chống cộng, là phản cách mạng, đọc xong tôi chỉ buồn mà không giận. Các anh đâu đã biết nhiều về bọn tôi mà vội lên án. ở trong này đã gọi là trí thức thì không có ai chống cộng, không có ai làm tay sai cho Mỹ, cũng rất ít người chịu làm cái nghề viên chức ăn lương tháng của chính quyền. Có trăm ngàn thứ nghề tự do để họ kiếm sống mà cũng đàng hoàng lại không phải lụy. Họ muốn viết gì thì viết, muốn chống ai thì chống, không một thế lực nào buộc được họ phải làm thế này, không được làm thế kia. Phải như vậy họ mới dám công khai bênh vực cộng sản tại nhiều trường đại học, công khai ca ngợi Cụ Hồ là vĩ nhân của thế kỷ, nhà yêu nước vĩ đại nhất của Việt Nam, công khai chửi Mỹ, riêng tôi mới có thể công kích thằng Thiệu ở nơi này nơi nọ mà không bị đi tù. Nếu bọn tôi đều là lũ bán nước cả, đều là nhân viên ăn lương của Xịa cả thì các cậu thắng làm sao? Chỉ bằng sức mạnh của súng đạn chứ không có nhân tâm thì làm sao mà thắng nổi?
Nhìn đồng hồ đã mười giờ ba mươi phút, chỉ còn một giờ rưỡi nữa là sang một năm mới, chúng tôi đã định sẽ ngồi với nhau, với anh chị Hoàng đến đúng giờ phân chia hai năm mới ra về. Mà như chị Hoàng đã nói trước, gần đến cái giờ ấy, chị sẽ tuyên bố một điều quan trọng, là thái độ dứt khoát nhất của chị đối với tình hình hiện tại. Còn anh Chương thì thế nào? Anh quý thì thế nào? Xem như cả hai cũng đều đang tính toán, cũng đều đang chọn lựa. Nghe câu chuyện của họ, nhìn nét mặt của họ, tôi biết, nếu là đang chọn lựa thì cũng chưa hẳn một bề nào. Rồi còn bọn tôi nữa, mấy anh em đi kháng chiến về, cũng có mặt tối nay theo lời mời của bà chị, để chứng kiến cái gì nhỉ? Để buộc phải bày tỏ thái độ trước một vấn đề nào nhỉ? Từ tối đến giờ ngồi nói với nhau đủ mọi thứ chuyện, tựu trung vẫn là chuyện chính trị, là thái độ chính trị của từng người trước những việc lớn của đất nước. Người thắng cũng có phần lo âu khi nhìn về tương lai, kẻ bại có cái chua chát về sự nhầm lẫn khi lựa chọn ý nguyện buổi đầu. Có thể cái buổi đầu chỉ tính tới cái dễ dãi và vui vẻ, chứ nào ngờ chính trường còn ác liệt hơn cả đấu trường, thân bỏ lại mà cái danh cũng bỏ lại. Nếu như phải nói với hậu thế thì sẽ nói điều gì nhỉ? Rằng chúng tôi muốn nắm lấy chân lý, thoát khỏi mọi sự tranh chấp ích kỷ, vụ lợi của các chủ nghĩa, đảng phái, của các thế lực và cũng đã thất bại! Cuối cùng vẫn chỉ là một phần tử vô nghĩa của một tập đoàn, một thành viên bị động của một xã hội, một ý kiến trong muôn vàn ý kiến không đáng được chú ý, một con số không méo mó khi tính lại những hoạt động vô ích của gần một đời người. Chẳng là cái gì cả, buồn nhỉ, danh nhân, dũng tướng về già cũng buồn, cũng tự than mình chưa làm được cái gì cả. Kennedy chẳng là cái gì cả, Kissinger cũng cẳng là cái gì cả. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, lừng lẫy tiếng tăm non nửa thế kỷ, rút lại lúc chết đi cũng chẳng là cái gì cả. Họ là những trí thức cả đấy, vừa có trí thức lại có quyền lực, một góc hoàn cầu có lúc đã nằm trong tay họ mà rồi ra cũng có cái gì đâu. Rút lại chỉ còn cái tư cách cá nhân giữa đám bạn bè. Bạn bè rồi cũng thay đổi, ngày nay khác với ngày qua, cuối cùng còn lại cái gì nhỉ? Chỉ còn lại có mình nhìn kỹ vào lòng mình. Là một trí thức tự do, không làm tôi một kẻ nào, không xu phụ một thế lực nào, là bộ phận vô tư nhất của xã hội xáp gần với chân lý hơn cả! Cái chỗ trú nấp cuối cùng ấy của người trí thức xem ra cũng chưa phải đã hoàn toàn yên ổn. Quân bảo thế, theo anh, đã thất bại là thất bại hoàn toàn, từ cái nhìn chung đến cái riêng. Nhìn thế sự ngao ngán mà có nhìn vào lòng mình cũng vẫn ngao ngán. Bởi vì, người trí thức chỉ hành động khi đã xác tín. Đã xác tín thì không thể giữ cho riêng mình một phần tự do cỏn con nào mà dồn tất cả cho sự nghiệp. Sự nghiệp là tự do của anh ta. Vả lại cái nguyện vọng sâu thẳm của người trí thức không phải là đứng ngoài chính trị mà là đứng bên trong chính trị, cầm quyền chính trị. Luôn luôn anh ta là một phần tử của một xu hướng, của một phe phái mà còn là phần tử tiên phong, tích cực nữa kia. Thành hay bại, vinh hay nhục, là do cách chọn, chứ không do có nhảy vào trong hay vẫn đứng ở ngoài. Tu sĩ cũng còn chẳng thể đứng ở ngoài. Vẫn là Quân nói, năm 54 Diệm từ Mỹ về làm thủ tướng có dắt theo mấy anh trí thức học ở Mỹ, đám Bùi Phước Long, Nguyễn Thái, Bùi Công Văn, Võ Văn Hải. Họ sẽ đem những kiến thức của một xã hội cởi mở, cái société ouverte, để cải tạo cái xã hội thuộc địa, phong kiến, khép kín ở Việt Nam. Nhưng cái xã hội thuộc địa và phong kiến ấy đã nuốt chửng họ ngay những ngày đầu. Tất bại là do chọn lầm minh chủ. Ngô Đình Nhu cũng là trí thức chứ gì, cứ chửi nó là thằng archiviste, làm cái nghề lưu trữ văn khố, nhưng nó vẫn là thằng có trí thức nhất trong mấy anh em nhà họ Ngô. Thời ấy có ai dám nghĩ khác, chứ chưa dám nói khác với học thuyết Cần Lao - Nhân Vị của ông cố vấn! Học thuyết đi trước, máy chém theo sau, cách tổ chức xã hội giống hệt quan niệm của các giáo sĩ trí thức thời trung cổ. Nhu chết, học thuyết tiêu ma, thất bại vì một tham vọng điên cuồng. Nhất Diệm, nhì Nhu, thứ ba là bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông "thước mốt" theo cách gọi của bọn đàn em ở đây. Ông ta là giám đốc Sở nghiên cứu chính trị thuộc phủ tổng thống, tức là cơ quan an ninh và mật vụ. Cũng trí thức lắm: một bằng cử nhân luật, một bằng tiến sĩ y khoa. Cách sống rất trí thức: giản dị, khiêm nhường, rất quý bạn mà lại hóa ra một thứ hung thần của đệ nhất cộng hòa. Rút cuộc Tuyến bị đuổi, sự nghiệp tan tành, thất bại vì một mưu đồ bẩn thỉu. Giới trí thức Sài Gòn ngày ấy phản đối chính sách độc tài của gia đình họ Ngô, chủ trương bất hợp tác. Tờ nguyệt san Quê hương là cơ quan phát ngôn của bọn họ. Giám đốc bí mật của tờ báo "tiến bộ" ấy là ai? Bác sĩ Trần Kim Tuyến! Luật sư Trần Văn Minh chỉ là người giúp việc công khai của ông ta mà thôi. Chống nó mà rồi lại hợp tác với nó. Tất nhiên là thất bại rồi, vì thơ ngây mà cũng phần nào vì hám lợi.
Lại nói cái thời Mỹ, anh em trí thức chúng ta không ai hợp tác với Mỹ cả, chỉ hợp tác với các tổ chức của tư nhân Mỹ có đặt văn phòng tại Sài Gòn mà thôi. Lớn nhất là cơ quan Văn hóa á châu, Howard Thomas là người đại diện ký hợp đồng. Rồi đến các cơ quan điều nghiên của Ford, ông vua xe hơi, của Rockefeller, vua dầu hỏa, của Carnégie, vua sắt thép. Các cơ quan này có nhiệm vụ tiếp nhận các công trình của những nhà trí thức tự do không muốn làm cho chính phủ hoặc cơ quan chính thức của Mỹ, mà chỉ nghiên cứu một số đề tài do những cơ quan tư nhân này đề xuất. Ví dụ như tình hình báo chí Việt Nam một nửa thế kỷ nay chẳng hạn, một công việc rất tự do, cung cấp tình hình cho một tổ chức văn hóa, chẳng có gì là hại nước hại dân cả, mà tiền nhận cũng khá nhiều, từ năm đến mười ngàn đô la. Còn những nhà trí thức hoạt động trong các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia, không tư bản, không cộng sản như Đại Việt hoặc Việt Nam quốc dân đảng chẳng hạn, cũng không thể thoát khỏi bàn tay của người Mỹ. Tôi không nói bịa đâu, có chứng cớ hẳn hoi. Nghề của tôi nó đòi hỏi phải rất tò mò mà. Quân nhìn vẻ mặt ngờ vực và hơi khó chịu của anh Chương, anh Quý liền nói luôn thế. Ai nắm Việt Nam quốc dân Đảng? Tưởng Giới Thạch nắm. Ai nắm ông Tưởng? Đó là tướng Wedemeyer, đặc phái viên của Roosevelt bên cạnh chính phủ Trùng Khánh. Còn Đại Việt? Nhật nắm, Nhật đã đẻ ra cái tổ chức chính trị này. Tôi có được quen biết ông Komatsu là một ký giả Nhật nổi tiếng, trong thế chến thứ hai ông ta làm tình báo, là sếp sòng tình báo Nhật trên toàn cõi Đông Dương, hồi ông đến chơi nhà Trần Văn Chương còn vò đầu cô bé kháu khỉnh Trần Lệ Xuân và cho kẹo kia. Ông Komatsu là cha đẻ của Đảng Đại Việt. Nhật thua, bán lại cho Mỹ những nhà yêu nước Việt Nam theo tinh thần Đại Đông á để Mỹ dùng về lâu về dài. Các nhà tri thức Việt Nam tất nhiên là không chịu đánh bạn với quân nhân hoặc quan chức Mỹ đang dính líu tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bạn của họ là các giáo sư, các tiến sĩ, những người trí thức cấp tiến hoặc khuynh tả ở Mỹ. Nhưng các ông trí thức này nếu không phải là nhân viên của CIA, thì cũng là nhân viên của cơ quan USAID là tổ chức chi tiền, yểm trợ, thực hiện mọi viện trợ của Mỹ tại Việt Nam, hoặc là giáo sư trường Đại học Michigan chuyên giúp đỡ các nước đang phát triển củng cố, cải tạo bộ máy hành chính và an ninh tại nước họ. Có một dạo tôi chơi rất thân với con một ông tỷ phú tên là Deso, là thượng sĩ Deso. Cậu ta đăng lính theo nghĩa vụ quân sự, làm việc nửa ngày chơi nửa ngày. Thì cậu ấm đã chịu tòng quân, lại chịu sang Việt Nam cũng đã làm vinh dự cho đội quân viễn chinh của Mỹ lắm rồi. Trời ơi, con người ăn nói học thức và dễ thương làm sao. Tiêu xài như dân cậu Bạc Liêu, chiếc xe Pontiac màu vàng của hắn cả Sài Gòn chỉ có ba chiếc. Cuối cùng mới vỡ lẽ cậu ấm là bí thư cho tướng O' Daniel, con papa mà đã lợi hại đáo để, cậu ấy chơi thân với dân làm báo cốt để moi tin mà. Còn ai trí thức hơn hai nhà báo danh tiếng của Mỹ, mỗi lần qua Việt Nam đều lại ăn cơm đằng nhà tôi, khen bà vợ tôi nấu món ăn khéo quá. Đó là Stewart và Joe Alsop. Các bố ấy đều là cấp sư ở tòa Ngũ Giác Đài. Sau này Stewart, Alsop cộng tác với Thomas Brađen viết cuốn: Nước Mỹ và công tác tình báo, tôi mới được biết cái nghề chính của các sừ. Tôi cũng lại quen thân với một ông bạn nữa, cũng trí thức lắm, lịch sự hơn cả Pháp là Guy Pauker, gốc Hung, nói tiếng Anh theo giọng Hung, học ở Sorbonne, vợ Mỹ, từng ở Indonesia nhiều năm, nghiên cứu cây cỏ vùng nhiệt đới gì đó. Anh này có cái tật khi nói chuyện với phụ nữ cứ giương mắt nhìn trừng trừng, phụ nữ họ rất ghét. ít năm sau mới té ngửa cái ông Pauker bác học ấy là tác giả chính vụ lật đổ Sukarno, đưa tướng Suharto lên cầm quyền, hiện đang làm giám đốc cơ quan điều nghiên quân sự, chính trị, kinh tế ở á châu, gọi tắt là cơ quan nghiên cứu và phát triển, là RANT. Thì ông Vũ Quốc Thúc, nhà kinh tế học lỗi lạc của bọn mình đấy, một trí thức nhất định là tự do rồi, không là tham mưu, là cố vấn cho một đảng phái chính trị nào rồi, nhưng tên tuổi của ông ta lại gắn chặt với những kế hoạch lẫy lừng của Mỹ ở Việt Nam, Vũ Quốc Thúc - Staley, Vũ Quốc Thúc - Lilienthal.
Vâng, chúng ta là những phần tử tiến bộ nhất, có ý thức dân tộc nhất của xã hội, chúng ta không nuốt nổi anh em nhà Ngô và tập đoàn quân phệt Khánh, Kỳ, Thiệu thì chúng ta làm việc với các tổ chức dân chủ của Mỹ, của thế giới tự do, của ông Pauker chẳng hạn, vẫn có tiền xài, mà vẫn đứng ngoài chính trị nhá! Anh Quý làm đại sứ vì nó là cái nghề của anh, chứ anh ấy có ưa gì mấy cha cầm quyền, anh luôn luôn đứng ngoài chính trị, kể ra cũng khó nghe thật, anh Quý nhỉ, mấy ông Việt cộng cũng dễ tính, chứ là tôi thì phải mời anh đi cải tạo ít nhất là vài năm. Còn anh Chương, xin lỗi, anh làm gì còn tự do mà nói rằng vẫn giữ trọn, anh đã bán đi đổi lại không biết bao nhiêu lần, anh mặc cả với người cầm quyền đúng hơn là anh chống họ. Mà họ chịu mua anh cũng cốt để thỉnh thoảng anh chống lại họ chút chút cho vui. Những người trí thức có tư tởng cách mạng thật sự, hành động theo một đường lối chính trị tiến bộ thật sự, họ đâu có giấu giếm cái chỗ đứng của mình, đâu có xấu hổ vì phải chiến đấu trong một đội ngũ, dưới một lá cờ, đằng sau một khẩu hiệu. Như thế chẳng quang minh hơn là cũng có tất cả các thứ đó mà lại chối là không có sao? Anh Chương nói câu này đúng, chúng ta chẳng là cái gì cả. Thế giới mênh mông, sự vận động của nó cũng mênh mông, danh nhân, danh tướng còn chưa là cái gì huống hồ một đơn vị rất vô nghĩa là mình. Mỗi chúng ta - Quân nói - giống như một đơn vị nhỏ nhất của thời gian, là một tíc tắc - tíc tắc. Các triết nhân xưa thường ngắm cái sọ người để suy ngẫm. Mưu bá đồ vương, rút lại cũng chỉ là một cái sọ vô danh mỏng mảnh. Tôi không ngắm sọ người mà thường suy tư trước cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn làm việc. Tíc tắc - tíc tắc, hãy nhớ tới cái hữu hạn, cái ngắn ngủi, cái chóng qua của một kiếp người. Hãy mơ mộng trong cái hữu hạn ấy. Với cái vĩnh viễn, cái vô tận, cái trôi đi mãi mãi thì mình có là cái gì, chẳng là cái gì cả, đừng nghĩ phải là cái gì đó mà khổ, nhưng ta vẫn có thể là cái gì đó trong cái khoảnh khắc ta đang sống, là một sức đẩy dẫu là yếu ớt vào cái dòng lưu chuyển chung, tôi vẫn nghĩ như thế, tôi vẫn sống như thế và tự xem là đủ. Quân quay mặt sang phía tôi, ánh mắt anh lấp lánh. Mấy chục năm qua, tự xét mình, tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về vật cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chảy vĩnh viễn của lịch sử!