Dịch giả: Phạm Thu Hiền
Phần VI - Chương 1

Y tá Langtry tới phòng y tá quãng độ  bốn giờ chiều, lúc này cô đã bình tâm hơn, cô bèn đi kiếm một tách trà. Có năm y tá đứng thành hai nhóm quanh phòng riêng của y tá. Y tá Dawkin ngồi một mình trong tư thế chân vắt chéo, đầu rũ xuống sát ngực, đu đưa liên hồi cho đến khi gục một cái đến nỗi tự giật mình choàng tỉnh. Đang lờ đờ định tiếp tục díp mắt lại, cô trông thấy người đang đứng ở ngưỡng cửa, bèn vẫy tay gật đầu ra hiệu.
Khi y tá Langtry bước tới chỗ bạn, tiếng xì xào nổi lên khơi dậy nỗi hoang mang, cô đã mất ăn mất ngủ, nếu không giữ gìn sức khoẻ cô sẽ ốm mất. Mối quan hệ với nhóm người ở khu X và vụ việc của họ đủ dạy cô hiểu rằng các triệu chứng bệnh tình hiện nay của mình là dễ thành kẻ trốn chạy, đồng nghĩa với việc đi đến ngõ cụt, buộc phải rời khu X để khỏi hạ mình xin xỏ viện trưởng chuyển chỗ làm. Bởi vậy niềm kiêu hãnh bắt cô phải ăn phải ngủ. tối nay cô sẽ dùng Nembutal, một điều cô chưa hề làm kể từ cái hôm xảy ra sự vụ tại phòng sinh hoạt chung của khoa.
Ngồi xuống nào, trông em có vẻ choáng – y tá Dawkin vừa nói vừa nhích mạnh cái ghế mà không thèm ngồi thẳng dậy.
Chắc chị còn choáng hơn khi phải chống chọi bốn mươi con mắt ở đây ấy chứ - y tá Langtry đáp và tự tìm chỗ ngồi.
Tôi trực đêm qua, thế thôi – y tá Dawkin đổi chân bắt chéo – chúng ta phải giống Abbott và Costello với tất cả những kẻ trong phòng kia, tôi thì như sự sụp đổ của Hesperus, còn cô như một tấm áp phích chiêu binh  y tá. Đúng là đồ đàn bà ngông cuồng! dám đề xuất có động cơ đàng sau nào đó. Như thể cô đã làm chuyện bậy bạ hoặc bẩn thỉu gì không bằng người!
Y tá Langtry cau mày, ước gì bà viện trưởng kia đủ minh mẫn để giữ mồm giữ miệng. Nhưng mụ đàn bà ngu ngốc đó đã bô bô kể cho người bạn thân thiết nhất của mụ, rồi bà bạn này lại kể cho người bạn thân thiết nhất của bà ta, cứ thế, cứ thế. Toàn bộ nhân viên ở đây (bao gồm cả các sĩ quan quân y nữa) đều biết chuyện y tá Langtry – của tất cả mọi người cơ đấy – đã giữ một anh lính trong phòng riêng suốt đêm. Và tất nhiên cả khu xôn xao vụ tự sát hara-kiri kia. chẳng tác dụng gì khi hy vọng một tấn kịch như thế lại không được bàn tán. May thay, tiếng tăm của cô quá tốt đến nỗi một số người quả tình tin rằng việc cô làm với người lính kia là có ý tốt gì đó chứ không phải nhu cầu sinh lý cấp bách và có thể thông cảm sự việc giữ anh ta khỏi bị nguy hại. Giá mà họ biết được, y thầm nghĩ, cảm thấy những cặp mắt từ hai dãy bàn kia đang xét nét mình, giá họ biết được vấn đề thực sự của cô là gì! Cuộc ẩu đả, án mạng, sự chối từ. Ơn Chúa, vụ án mạng đã xong. Mình không còn phải lo lắng vụ đó nữa.
Cặp mắt ngái ngủ kia đang soi mói cô, sự bộc trực kia luôn tránh được những chuyện tầm phào. Y tá Langtry thở dài và nhúc nhích người, nhưng chẳng nói năng gì.
Đến tuần tới là trở lại với dì Aussie và phố Civvy đấy cô bạn ạ - y tá Dawkin thay đổi đề tài. Chiếc tách của y tá Langtry trượt khỏi đĩa làm rớt trà ra mặt bàn.
Ôi chao tôi làm gì thế này! – Cô thốt lên và thọc tay vào túi tìm khăn.
Nuối tiếc ư, Honour? – y tá Dawkin hỏi độp.
Chỉ ngạc nhiên thôi – y tá Langtry vừa lấy khăn tay thấm trà rớt và vắt nước vào cốc – Chị nghe tin đó khi nào hả Sally?
Matey tự khai báo với tôi cách đây vài phút. Tới khu dường như thút thít như tàu chiến đang buồm căng gió lộng thì gãy gục, thở vắn than dài như thể ăn phải phèn chua một tuần nay. Dĩ nhiên cô ta chán chường. Cô ta sẽ phải trở lại cái ngôi nhà ọp ẹp mình đã trốn chạy trước chiến tranh. Chẳng có bệnh viện lớn nào, mà ngay cả các bệnh viện cấp huyện cũng chẳng muốn dính dáng tới ả. Tôi vẫn không hiểu bằng cách nào cô ta được thăng tiến trong quân đội.
Em cũng ngứa mắt – y tá Langtry trải khăn tay ra góc bàn để phơi rồi rót trà vào một bộ tách sạch – Chị nói đúng, chẳng có bệnh viện tử tế nào muốn dính dáng tới ả. Dù sao chăng nữa cô ả cũng luôn gợi nhớ cho em hình ảnh một nữ đốc công ca đêm trong một nhà máy thực phẩm lớn. Thế nhưng nếu quân đội có giữ lại thì cô ta chỉ có thể ở mãi trong quân đội. thà ra quân còn hơn. Về hưu thì lương hưu khá hơn ấy chứ, song cô ta còn lâu mới được hưu trí.
A ha! Nếu quân đội giữ lại thì may mắn cho ả quá còn gì – y tá Dawkin với ấm trà rót đầy tách của mình – Hừm, tôi biết nó sẽ nuối tiếc khi phải về nhà – Cô nói thẳng toẹt – Tôi ghét nơi này, tôi ghét tất cả những nơi quân đội điều tôi tới, nhưng mà tôi thích làm việc, có Chúa chứng giám, sao mà tôi yêu tự do đến thế!
Phải, dùng từ tự do đúng đấy chứ? Đó cũng chính là điều em thích…Chị còn nhớ hồi ở New Guinea không, khi mà chẳng ai khác thích nghi được công việc ở đó trừ em và chị? Chừng nào còn sống em sẽ chẳng bao giờ quên được.
Hồi đó chúng ta làm việc ổn quá còn gì? – y tá Dawkin mỉm cười, không giấu nổi tự đắc – Giải quyết ngon lành cả lũ đàn ông đó như thể chúng ta có FRCSs vậy, thế là sếp đề cử chúng ta nhận huân chương. A ha! Tôi sẽ không bao giờ được đeo huân chương nào đáng tự hào hơn tước Hiệp sĩ Đế chế Anh đó đâu.
Tiếc rằng đã qua – y tá Langtry nói – Em sẽ căm ghét phố Civry. Lại ngõ hẻm đầy bô chậu, lại bệnh nhân nữ. Sủa ông ổng, gầm gừ suốt…mong sao mình được đặt chân vào ngành phụ khoa hay sản khoa. Đàn ông sao mà dễ dàng thế!
Bọn họ ấy à? Thử nhờ các bệnh nhân nữ giúp một tay trong trường hợp khan hiếm nhân viên xem. Họ thà chết còn hơn. Khi đàn bà nhập viện, họ đòi được phục dịch từng ly từng tí. Còn đàn ông lại đon đả chào hỏi và ra sức thuyết phục rằng vợ họ không bao giờ đối xử được như các y tá.
Chị định làm gì khi xuống phố Civry hả Sally?
À, có lẽ xả hơi một thời gian – y tá Dawkin nói không mấy nhiệt tình – Tìm lại mấy đứa bạn, đại loại thế. Rồi quay lại North Shore. Tôi được phong hàm tá ở Royal Newcastle và lên Trung tá ở phố Crown, song phần lớn sự nghiệp y tá của tôi là ở North Shore cơ, nên giờ đây ít nhiều đó cũng như là nhà. viện trưởng ở đó chắc muốn nhận tôi nếu chưa có ai khác. Thực ra tôi đang xếp hàng chân viện phó ở đó, và đó là điều duy nhất tôi đang hướng tới.
Viện trưởng chỗ em cũng sẽ vui vẻ tiếp nhận em thôi – y tá Langtry nói giọng trầm ngâm.
PA phải không? – y tá Dawkin hỏi, dùng tiếng lóng trong ngành khi nói về bệnh viện của Thái Tử Alfred.
PA, phải.
Tôi đây chưa bao giờ dám mơ tưởng một bệnh viện lớn cỡ đó.
Thực chất em không chắc mình muốn trở lại PA – y tá Langtry thú nhận – Em đang có ý định tới Callan Park.
Vì Callan Park là bệnh viện tâm thần nên y tá Dawkin bật dậy.
Honour, nghiêm túc đấy chứ?
Rất nghiêm túc là đàng khác.
Ăn thua gì mà làm y tá tâm thần! Tôi thậm chí không nghĩ rằng sẽ nhận được chứng chỉ gì ở đó. Ý tôi là cô phải biết rằng các y tá tâm thần bị coi như đồ bỏ.
Em đã có chứng chỉ sơ cấp và trung cấp nên lúc nào cũng có quyền trở lại làm y tá trong biên chế. Nhưng sau X, em muốn thử việc ở một bệnh viện tâm thần.
Không giống X đâu, Honour ạ. Troppo là chứng nhất thời, hầu hết bệnh nhân đều vượt qua chứng đó, nhưng bệnh nhân nào phải bước qua cổng bệnh viện tâm thần thì coi như lãnh án tử hình.
Em hiểu cả. Nhưng có lẽ nó sắp thay đổi. Dù sao em cũng thích được hy vọng điều đó. Nếu chiến tranh giúp sức cho sự thay đổi đó đúng mức cần thiết thì sẽ có vô số thay đổi trong ngành tâm thần học, như phẫu thuật chỉnh hình ấy. và em thích được chứng kiến khởi nguồn của những thay đổi đó.
Y tá Dawkin đập vào bàn tay y tá Langtry.
- Được rồi, con vịt. Cô hiểu những suy nghĩ của mình hơn ai hết, còn tôi không đời nào là người truyền giáo. Song nên nhớ rằng người ta toàn nói các y tá tâm thần cư xử ngớ ngẩn hơn cả bệnh nhân tâm thần đấy.
Y tá Pedder bước vào, nhìn quanh xem nhóm nào vui vẻ với mình hơn. Khi thấy y tá Dawkin và y tá Langtry, cô ta nhoẻn miệng cười vô tư với y tá Dawkin và gật đầu lạnh lùng với y tá Langtry.
- Nghe tin gì chưa cô em Sue? – y tá Dawkin nói, điên tiết lên với kiểu hỗn hào của cô gái trẻ kia.
Theo phép xã giao, y tá Pedder miễn cưỡng lại gần, trông như thể có mùi khó chịu đâu đây.
Không, tin gì? - ả hỏi.
Chúng ta gần như là thứ của quá khứ rồi cô em ạ.
Chị muốn nói chúng ta cần về nhà ư? – mặt cô nàng ngẩn tò te, rồi nhăn nhó.
Jiggety-jig – y tá Dawkin đáp.
Nước mắt ứa ra trên mi y tá Pedder, miệng cô ta lập bập nửa mếu nửa cười.
Ôi ơn  Chúa vì chuyện đó.
Được lắm, được lắm! cuối cùng đã có một phản ứng đúng đắn. Dễ gì kể cho những chiến mã già trong đám chúng ta, hả? – y tá Dawkin hỏi trống không.
Nước mắt lã chã, y tá Pedder có cớ đay đả chuyện kia.
Làm sao tôi có thể gặp người mẹ tội nghiệp của anh ấy đây? – cô ta  cố điệu bộ giữa những tiếng nức nở, lộ liễu đến nỗi tất cả những cái đầu trong phòng phải quay ra nhìn.
Ôi dào, nín đi! – y tá Dawkin chán chường – Trưởng thành đi, làm bộ vô cùng thương tiếc mãi. Nếu trên đời này có một điều ta chịu không nổi thì đó là nước mắt cá sấu. Ai cho mi cái quyền phán xử những người lớn hả?
Thôi mà Sally – y tá Langtry bật người dậy như lò xo đầy kinh ngạc, cô gào – Thôi mà, đủ rồi!
Cả hai nhóm người kia thôi tỏ vẻ thờ ơ, mấy kẻ lúc trước ngồi xoay lưng l.ai bàn Langtry ngồi giờ đã xoay ghế để có thể theo dõi sự việc. Hoàn toàn không phải sự quan tâm hểm độc. Họ chỉ muốn xem Sally Dawkin xử lý con quỷ ranh Pedder như thế nào.
Ngươi ở trong phòng suốt đem với trung sĩ Wilson, g-g-gây sốc cho anh ấy! – y tá Pedder nói và rút khăn tay để khóc thực sự - May cho ngươi là dạo này không ai thèm chung phòng với ngươi nữa. Nhưng tôi biết chuyện gì diễn ra giữa ngươi và trung sĩ Wilson rồi vì Luce đã kể cho tôi nghe.
Câm mồm đi, con chó dại kia! – y tá Dawkin hét lên, điên tiết đến mức không thèm nhớ phép tắc.
Đủ rồi mà Sally! – y tá Langtry cầu xin, cố gắng vô vọng thoát được vụ này.
Không được, mẹ kiếp, không được! – y tá Dawkin gầm lên bằng cái giọng khiến những người xung quanh phải sởn gai ốc – ta không thể để mày nói năng như vậy! Mày dám lăng mạ ư, con đàn bà kia. Mày phải biết xấu hổ chứ. Không có chuyện y tá Langtry lăng loàn với đàn ông trong khoa, mà đó chính là mày!
Sao ngươi dám! – y tá Pedder khóc nức nở.
Tao dám đấy – y tá Dawkin thách, lúc này tư thế bất chấp và đôi chân đeo tất xộc xệch tạo ra sức mạnh đáng sợ với y tá nào lại gần – Chỉ cần nhớ rằng vài tuần nữa thôi toàn bộ chuyện này sẽ khác hẳn. Mày sẽ chỉ là một viên sỏi trong biển người. Và giờ nghe tao cảnh cáo, đừng bao giờ bén mảng đến chỗ có mặt tao mà xin việc. Tao không thu nạp loại mày vào làm nhân viên đâu. Vấn đề của bọn gái trẻ ranh là cứ chui vào bộ quân phục sĩ quan bảnh choẹ và tưởng mình là quý bà, thối thế.
Cơn thịnh nộ chợt im bặt, tiếng khóc thất vọng đáng sợ của y tá Langtry khiến cả y tá Dawkin lẫn y tá Pedder quên bẵng cuộc cãi lộn. Rồi cô gục xuống đống cốc tách mà thút thít, không nức nở như y tá Pedder mà là những tiếng nấc cố ghìm nước mắt khiến đôi mắt lo lắng của y tá Dawkin gần như rối loạn.
Ôi thật là nhẹ nhõm! Thoát khỏi bầu không khí giận dữ, thoát khỏi những tình cảm vô lối của y tá Dawkin và sự căm ghét của y tá Pedder, Honour Langtry cuối cùng đã bung xả nỗi khổ sở khủng khiếp đang ngày một đầy ứ và dày vò cô bao ngày.
Này, hãy  xem mi đã làm gì? – y tá Dawkin mắng, trườn khỏi ghế để ngồi xuống cạnh y tá Langtry. Cô đuổi y tá Pedder – Cút đi! Cứ việc chạy tán loạn vào!
Y tá Pedder sợ sệt lủi mất, trong khi các y tá khác xúm lại vì y tá Langtry vốn được mọi người yêu quý.
Y tá Dawkin ngước nhìn mọi người lắc đầu và mở lòng đôn hậu vô bờ để kìm những cơn nức nở - Thế, thế, ổn rồi – cô vỗ về - Thì cứ khóc cho thoả đi, thế còn hơn, cô bé to xác tội nghiệp của tôi! Cô bé to xác tội nghiệp, sao mà quá nhiều rắc rối và đau đớn…Tôi biết chứ, tôi hiểu chứ…
Chỉ ý thức mơ hồ là có y tá Dawkin ở bên an ủi mình, những y tá khác vây quanh quan tâm tới mình, thế là y tá Langtry thút thít, thút thít mãi.