Chương VI
Thực tại

Trong ký ức của tôi ngày hôm ấy, chỉ còn lưu lại những sắc màu chen lấn nhau một cách tạp nham. Những điều tưởng chừng như không quên được với bất cứ ai nhưng lại trở nên mờ ảo hơn bao giờ hết với tôi. Nặng tình, lụy tình, khờ dại, ngu si, người muốn chửi như nào cũng được. Kẻ vì tình như em liệu có mấy ai, anh đã từng bảo tôi như thế từ cái hồi xa xưa lắm, mà không, thật ra cũng chẳng xa lắm, từ hồi chúng tôi bắt đầu yêu nhau. Chỉ có điều so với thực tại giờ đây thì đúng là xa rồi, đã bẩy năm trôi qua. Tôi cầm cái khăn mặt vừa nhúng nước chậm chạp bước vào trong nhà, bàn tay giờ đã chẳng còn mềm mại của người con gái nữa. Chưa hết xuân, nhưng lòng người cũng chẳng còn xuân nữa, có lẽ vì thế nên thân thể, xác thịt cứ dần chai cứng đi. Tôi ngồi xuống, lau mặt cho thằng bé đang nằm trên giường, mắt nó lờ đờ, ngơ ngác, lúc nào chả ngơ ngác thế. Tay quơ quào, cái miệng há hốc, chờ gì vậy, tôi không biết. Cái thế giới của riêng nó mà, ngón tay gầy guộc, còi cọc ấy giữ chặt lấy gấu áo của tôi, mân mê. Tôi gạt tay thằng bé ra, đứng dậy kéo chăn đắp lên ngực cho nó. Mồm nó vẫn mở, nước dãi vừa lau xong lại bắt đầu chảy. Chán ngán, tôi vắt chiếc khăn lên vai, dựng chiếc gối lại cho ngay ngắn rồi ra ngoài. Ánh mắt đen sâu của thằng bé năm tuổi khiến tôi nhớ đến anh. Giống mà cũng chẳng giống, dù sao nó cũng là con anh. Mà có thật nó là con anh hay không, chẳng biết được nữa? Thằng bé nhìn đời bằng cái đôi mắt ngờ nghệch kia, của riêng một kẻ bại não. Còn anh, người đàn ông tôi đem lòng yêu thương ấy đối với cuộc đời bằng những mộng tưởng của người nghệ sĩ. Nhưng dù sao nó cũng là con anh…
Tôi hay ngồi lặng im ngoài hiên ngắm mưa rơi, từng hạt phiêu du giữa trời rồi cũng rơi xuống đất, vỡ tan. Không bao giờ có thể lành lại được nữa, mưa mà. Nhưng anh và tôi không phải hạt mưa đó. Cứ tin vậy rồi tôi còn lại được gì, không biết, hay giả vờ không biết. Tôi đúng là kẻ khờ, cứ chờ đợi mãi, chờ một bóng người gần năm năm. Ngày xưa có Tô Thị chờ chồng, nàng chắc còn hạnh phúc chán khi người mình yêu chắc chắn còn nhớ đến mình. Tôi thì sao, anh bây giờ ở đâu, có nhớ đến người chờ anh không. Trách người sao, không có tư cách để trách, tôi biết thế, cứ chấp nhận đi. Có bao giờ nghe đến người chẳng phải phụ nữ càng không phải là con gái không, là tôi đấy. Buồn cười thật, nghĩ thế là tôi cười, nhạt thếch vô vị. Nụ cười nhạt hay cuộc đời này vốn nhạt với người chẳng bao giờ có thể sinh con được nữa. Tôi không đùa, nếu có đùa chắc là bác sĩ đùa. Sau vụ tai nạn năm xưa, những gì tôi nhận được là một đứa bé sinh thiếu tháng, ốm yếu có triệu chứng của bại não và vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ. Buồn cười thế đó. Vài người khách tạt vào cửa hàng tạp hóa bé tí của tôi mua mấy món đồ rồi lại đi. Thỉnh thoảng có một vài ông nói đôi ba câu đưa đẩy gì đó, những lúc như thế tôi chỉ cười. Từ khi anh đi, tôi duy trì cuộc sống chật vật bằng cái đống hổ lốn được bày bán trên một cái sạp nhỏ với cái biển bằng bìa các tông ghi hai chữ hoa lá “Tạp hóa”. Thế đấy, sống cũng đâu phải là khó khăn nếu không có đứa trẻ bị bại não nằm sau tấm rèm màu nâu sòng kia. Tiền thuốc bao nhiêu cũng không đủ, tôi không nhớ mình đã xoay sở ra sao đề chống chọi lại với những sự ồn ào, mệt mỏi vậy. Bây giờ cũng thế, có khác mấy đâu. Chưa một đêm được ngủ yên, thỉnh thoảng thằng bé lại lên cơn động kinh, khóc lóc, gào thét, ném đồ… Cái của nợ ấy.
Dù sao nó cũng là con anh, tôi lẩm bẩm, giống như một kiểu tự kỷ ám thị quá. Chắc vậy, để nhắc nhở mình phải chăm sóc cho cái đứa bé ấy, có thể một ngày nào đó, anh sẽ quay về vì nó. Dù có chết, tôi chắc cũng chỉ là một con thiêu thân lao vào lửa tình. Tôi hay ôm cái quá khứ đầy bi ai ấy vào lòng, ngẫm nghĩ, khi đó mấy tờ giấy trong tay đều bị vò nhàu nát hết. Con đàn bà đó, tôi nguyền rủa nó. Con đàn bà đã tìm đến tôi, mắng chửi tôi và đòi đưa anh đi. Vô dụng, nó chửi tôi như thế, có cách nào để phản ứng sao, không thể. Tôi thua kém, tôi dường như đã mất hết tất cả, ngoại trừ thằng bé cũng bị chửi là vô dụng và phiền toái kia. Anh có còn coi tôi là gì không, chưa bao giờ tôi dám hỏi thằng chồng mình câu ấy. Từ ngày tôi xuất viện, anh lặng lẽ làm những việc cần làm, rồi lại đi. Tại sao mọi chuyện lại như thế, tôi không biết nữa. Nửa năm, anh chẳng bao giờ đụng vào tôi nữa, không còn hứng thú với cái thân xác tàn phai. Cái gì nó cũng quá nhanh, hay do tôi ngờ nghệch chưa kịp thích ứng. Tài năng của anh bắt đầu được để ý đến, là nhờ cô ta, tôi biết. Anh không thích bị người khác biết đến cái gia đình này, tôi biết. Gia đình gì cơ chứ, chó má, anh say rượu và chửi thề. Trong cái men say hay trong tâm tưởng anh, điều ấy tôi không biết. Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh uống rượu, chửi bới. Và cũng là lần cuối cùng. Hôm ấy mưa rất to, mưa đến nỗi những ký ức về nó cứ nhạt nhòa, có lẽ vì màn mưa trắng xóa ấy. Cái mái ngói bị dột, mưa rơi từng hạt lạnh xuống nền đất, thấm cả lên vai áo anh. Tôi bế đứa bé, nó mới được sáu tháng, gào khóc vì sấm sét, cào cấu những đồ vật xung quanh mình. Anh vấn ngồi trên nền đất lạnh, còn mặc nguyên bộ đồ diễn uống từng chén rượu, chửi bới. Tôi không thể cho anh bất cứ điều gì, nhưng cô ta có thể…
Mưa, trong ký ức của tôi thường chỉ có mưa, dù mưa buồn hay vui. Anh đi tìm một chốn bình yên cho mình. Thoát khỏi đứa bé thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh, thoát khỏi một người phụ nữ không ra phụ nữ. Bình yên của anh là cô gái với mái tóc quăn, là những tiếng vỗ tay rộn ràng, là ánh đèn giữa sân khấu thính phòng. Còn tôi…?