Chương 12

Hẹn nhau cùng đi xem phim. Hôm đó là sinh nhật của Nam Sinh. Nó va phải Hứa Trăn Sinh trong thư viện, liền đi theo cậu ta ra vườn trường. Trăn Sinh quay đầu lại thấy Nam Sinh. Dưới ánh mặt trời oi ả, gương mặt con bé thật đáng thương, như thể không biết mình muốn gì. Cậu ta hỏi, Nam Sinh, có chuyện gì cần mình giúp? Nam Sinh hỏi, Tối nay bạn có rảnh không? Cùng đi xem phim nhé.
Tối đó, Trăn Sinh đứng đợi bên ngoài khu nhà. Từ gác xép, Nam Sinh đã nhìn thấy cậu ta đang đứng chờ ngoài cổng, hai tay xọc vào túi quần. Thân hình thẳng đứng như khúc cây. Con bé vừa tắm xong, thay bộ đồng phục nhà trường áo trắng váy xanh bằng một chiếc váy đầm màu hồng phấn đã giặt nhiều tới bạc màu nhưng vẫn không che nổi vẻ tươi sáng trên gương mặt măng non của Nam Sinh. Nam Sinh đi xuyên qua dãy hành lang tối tăm hút gió. Trong bóng tối chỉ nghe thấy tiếng váy loạt soạt trên bắp chân trần. Đầu vừa gội vẫn còn hơi ướt, buông thẳng chấm vai. Có thể ngửi thấy mùi nước gội đầu thoang thoảng.
Đó là một buổi tối mùa hè, trời quang mây tạnh, gió mát hây hẩy. Đám hoa dành dành ngoài cửa sổ tung toé tới mức sắp rụng tiệt. Hứa Trăn Sinh mặc một chiếc quần vải màu xanh da trời, áo trắng, hai tay xọc vào túi quần, đứng trong bóng râm của cây ngô đồng. Vừa nhìn thấy Nam Sinh, cậu ta mỉm cười. Hàm răng rất trắng, mũi hơi nhăn nhăn. Một nụ cười như vậy trở thành đường dây duy nhất của Nam Sinh sau khi nhớ lại người đàn ông này.
Được chiếu hôm đó là một bộ phim Đài Loan rẻ tiền. Rạp chiếu vắng tanh. Nam Sinh và Hứa Trăn Sinh ngồi ở dãy giữa. Các ghế xung quanh đều trống. Cậu ta ra ngoài mua nước ngọt và ô mai cho nó. Khi con bé đón những thứ này, phát hiện thấy nắp chai nước và túi ô mai đều mở sẵn. Nam Sinh không nói gì, bốc ô mai bỏ vào miệng. Ô mai rất chua. Trăn Sinh sốt ruột hỏi, Không ngon sao? Có phải chua quá không? Nam Sinh lắc đầu.
Xem phim xong, chúng đi dọc phố về phía trước. Con đường lát đá xanh có rất nhiều kẽ nứt gập ghềnh. Nam Sinh đi giầy thể thao, thỉnh thoảng lại đá phải những hòn đá nhỏ trên đường. Chúng lăn lọc cọc về phía trước trong tĩnh mịch. Đi qua một cái ngõ nhỏ đã tới khu Nam Sinh ở. Trên một khoảng tường lớn bung ra một chùm hoa tường vi, lá xanh bụ bẫm vươn dài, từng chùm hoa màu đỏ phấn.
Nam Sinh còn nhớ trên bức tường lốm đốm xám trắng đó. Trăn Sinh ngắt một đoá tường vi tặng nó. Cậu ta nói, Nam Sinh này, nụ cười của bạn giống hệt như đoá hoa này. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, đôi mắt dịu dàng của Trăn Sinh mênh mang như hồ nước. Tối đó là sinh nhật của Nam Sinh. Nhưng con bé không tiết lộ với cậu ta.
Nó cầm lấy đoá hoa, quay người chạy vào trong khu. Vừa chạy lên chiếc cầu thang tối om, vừa cố nhịn không để lệ trào ra. Quay về gác xép, hốt hoảng mở tung cửa sổ, thò người ra, đúng lúc nhìn thấy Trăn Sinh cũng ngẩng đầu lên nhìn rồi quay người đi vào trong ngõ nhỏ mịt mờ sương đêm tĩnh mịch.
Cái bóng màu sáng của cậu ta dần dần biến mất trong màn đêm.
Sau khi cùng đi xem phim, quan hệ giữa Nam Sinh và Trăn Sinh vẫn chưa có gì biến đổi.
Có lẽ chúng đều là những người chân thành và cẩn thận, đều là học sinh ưu tú ở trường, luôn xuất hiện trong mọi hoạt động, đều được chú ý. Chúng chỉ trao đổi ánh mắt mỗi khi lướt qua nhau. Trong lớp không ngừng đồn đại những quan hệ tình ái. Trăn Sinh là đối tượng thầm yêu trộm nhớ của rất nhiều nữ sinh, tự nhiên cũng nhiều tiếng đồn hơn. Có lúc Nam Sinh nghe thấy những lời thì thào to nhỏ của các nữ sinh ngồi cạnh, có nghe nhắc tới tên của Hứa Trăn Sinh. Cảm thấy cậu ta là một người vừa thân thiết vừa xa lạ.
Con bé không suy nghĩ quá nhiều về chuyện này vì bệnh tình của dì Lan ngày càng nặng. Bên cạnh bệnh trầm uất nghiêm trọng, khi dì Lan đi kiểm tra sức khoẻ ở bệnh viện còn nhận được một tin khác, mắc bệnh ung thư vú. Đau ngực suốt nhiều năm qua, té ra mầm bệnh đã ủ sẵn trong người. Ngực dì sưng tướng từng chỗ. Bác sĩ nói phải phẫu thuật cắt bỏ, đồng thời phải chiếu xạ và tiêm thuốc.
Nam Sinh còn nhớ lúc đang ở hành lang bệnh viện nhìn thấy dì Lan đi ra, dì cười. Đã rất lâu dì không hề cười. Nụ cười của dì dưới ánh nắng mặt trời thật đẹp. Nam Sinh ơi, dì sắp chết rồi. Dì dịu dàng nói, rồi chậm chạp bỏ đi. Một đầu hành lang là màn đen bao phủ.
Mỗi chiều tan học về, Nam Sinh lại vội vã chạy tới bệnh viện. Sau khi nhập viện, bệnh tình của dì Lan biến đổi rất thất thường, lên xuống nghiêm trọng. Có lúc dì cáu giận với Nam Sinh, hất cả bát canh mà nó mang tới. Bác sĩ nói với Nam Sinh, Nhất định cháu phải khuyên mẹ làm phẫu thuật ngay, nếu không rất nguy hiểm. Còn người thân nào nữa không, nhanh đi thông báo thôi.
Nam Sinh cứ chùng chình, không muốn gọi điện thoại cho Hà Bình. Con bé có cảm giác rất mãnh liệt rằng nếu Hà Bình quay về, tất sẽ sinh chuyện. Tính cách của Hà Bình và dì Lan đều quá độc đoán. Có quá nhiều mùi nguy hiểm. Nam Sinh mua hoa quả, nấu cơm, giặt quần áo cho dì Lan. Mùa hè thật oi bức, chỉ xoay qua xoay lại một tí toàn thân đã đầm đìa mồ hôi. Nam Sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp ba, có lúc phải làm bài tập ngay trong phòng bệnh, đang làm mệt quá lại ngủ thiếp đi. Nửa đêm tỉnh dậy, nhìn thấy ánh trăng rọi sáng giữa phòng. Gương mặt dì Lan chìm trong đống ga giường và chăn trắng toát, giống như một tờ giấy bị cán mỏng. Đôi môi dì khẽ run run.
Hứa Trăn Sinh sắp đi rồi. Cậu ta muốn thi đại học, phải quay về phương Bắc học tiếp vì công việc của bố mẹ cậu cũng sắp hết hạn ở đây.
Nam Sinh còn nhớ cái ngày cậu ta tới từ giã. Đó là một chiều hoàng hôn hè nóng nực. Nó đang hâm một nồi canh gà cho dì Lan trong bếp. Cái bếp chung nhỏ xíu chật hẹp tối tăm đầy mùi dầu mỡ. Nồi trên bếp kêu lục bục. Ngoài cửa sổ là mặt trời tháng sáu nóng rực. Mồ hôi trên trán Nam Sinh tuôn như mưa.
Nó không biết phải nói gì. Giống như trong rạp chiếu phim tối om khi nhận túi ô mai đã được cẩn thận cắt bỏ phần đầu, ăn tới mức trào nước mắt. Tất cả chính là như vậy, những thứ có thể đến được đều đã đến, chỉ có thể tiếp nhận nó. Có quá nhiều người giã từ nó. Trong khoảnh khắc đó Nam Sinh rất tuyệt vọng. Nó nhìn Trăn Sinh. Mắt con bé sẫm đen như sương đêm. Nó nói, Trăn Sinh, đi theo mình. Nó đưa cậu ta lên gác xép.
Phía ngoài gác xép có một bông ngọc lan đang nở. Đoá hoa to trắng như tuyết, những cánh hoa ken dầy rất đẹp. Hoàng hôn rơi. Mùi phấn hoa thoang thoảng. Trăn Sinh đầm đìa mồ hôi, thoảng mùi cỏ dại và bùn. Từ mỗi một mạch máu li ti trong trái tim cậu ta cũng mịt mùng toả ra mùi tuyệt vọng.
Thân hình Trăn Sinh cao lớn, phải khom đầu trong gác xép. Cậu ta nhìn cửa sổ, hỏi, Chỗ này còn có thể trèo lên được không? Trên trần nhà có những gì hả Nam Sinh?
Có một bầy chim. Nam Sinh đáp. Con bé tựa lưng vào tường. Gác xép nóng hầm hập. Cái nóng như xuyên qua xương sống mỏng mảnh, thọc sâu vào trái tim nó. Tim con bé đập tới phát đau. Nó tháo tuột đôi dép, chân trần dẫm lên sàn nhà cũ kỹ nứt nẻ, phát ra những tiếng lách tách. Nó đi tới trước mặt Trăn Sinh, dán đôi môi của nó lên môi cậu ta. Trên môi cậu ta mang theo hơi hướng mặt trời bên ngoài.
Trăn Sinh hơi ngần ngừ, cúi xuống hôn nó. Gương mặt trong sáng của Nam Sinh như đoá hoa mới nở, mềm mại nhưng cũng rất lạnh lùng. Thân hình cậu ta nóng rãy, hơi thở bắt đầu dồn dập. Bóng tối nặng nề dần dà trùm lên gác xép. Tĩnh lặng như nước. Chỉ nghe thấy tiếng cánh hoa ngọc lan rơi, trĩu nặng như tự vẫn.
Trăn Sinh khẽ hỏi, Nam Sinh, sao lại muốn thế này?
Nam Sinh đáp. Em muốn như vậy. Trong đôi mắt nó có ánh lệ kìm nén nhưng không thể khóc nổi. Cậu ta không hiểu nổi. Cậu ta mãi mãi không thể khống chế nổi nó. Vì vậy, trong lòng con bé tuy khiếp sợ nhưng cũng điềm tĩnh lạ thường.
Nó dần cởi váy. Bên trong là bộ đồ lót vải bông trắng. Rồi nó lại cởi hết chúng, đứng trước mặt Trăn Sinh. Thân hình trong sáng của con bé trong bóng tối nóng nực giống hệt một loài cây thơm thanh khiết. Nó kéo cậu ta lại, đặt lên bộ ngực trần. Trăn Sinh bật một tiếng rên khẽ. Nói, Nam Sinh, Em đẹp quá.
Anh có yêu em không?
Anh yêu em. Giọng Trăn Sinh méo mó.
Sẽ yêu mãi chứ?
Mãi.
Nam Sinh khẽ cười. Cơn xúc động thoáng qua cuối cùng cũng bị sức mạnh không thể nào cấm cản nổi bao trùm lấy. Nó nhắm nghiền mắt. Không nhìn người đàn ông đang ôm ghì lấy nó. Sự tuyệt vọng và hưng phấn của nó giống như một con chim màu trắng, giữ đôi cánh bay vút lên không trung, men theo khe sâu tối tăm, chỉ nghe thấy tiếng gió vi vút... Nó nhìn thấy ánh trăng trong căn phòng lớn nhà bà ngoại. Hoa cải phủ kín vườn. Màu vàng kim sáng tới chói mắt, nhảy nhót như giọt máu. Tiếp đó là nụ cười của Hà Bình, Nam Sinh, có phải em thích anh không?... Nhưng nỗi tuyệt vọng trong lòng đã sắp nhấn chìm nó.
Đúng lúc trong cơ thể nó như nổ tung, Nam Sinh ngửa đầu lên, nhìn thấy một bầy quạ ngoài cửa sổ đập cánh kêu quạ quạ bay đi.
Trăn Sinh đưa Nam Sinh tới bệnh viện. Nam Sinh ôm chiếc cặp lồng canh gà, tóc mai dính mồ hôi ướt rịn trên trán, im lặng suốt đoạn đường. Tới cổng bệnh viện, nó cầm chiếc cặp lồng, nói, Trăn Sinh, đi đường cẩn thận.
Nó không có thêm lời nào với cậu ta. Gương mặt sắc như dao. Nụ cười yếu ớt như đoá hoa. Cậu ta nghi hoặc về cơn hưng phấn bất chợt và vẻ lạnh lùng sau khi kết thúc của nó, không thể hiểu ra sao.
Cậu ta nói, Nam Sinh này, anh sẽ viết thư cho em hàng tuần, cho đến khi em không muốn nhận nữa. Nó gật đầu.
Nó nói, Tạm biệt Trăn Sinh.
Nó nhìn cậu ta xoay người lại, ra về. Khi đi ngang qua đầu phố, cậu ta vẫn quay đầu lại nó. Ánh nắng gay gắt khiến nó xây xẩm mặt mày, lòng bàn tay nhơm nhớm mồ hôi lạnh. Nam Sinh cảm thấy cơ thể mình bị rạn vỡ, máu ứa ra ngoài. Máu ấm nóng đẫm cơ thể, khiến khắp người nó toả ra mùi máu tanh ngọt và đục ngầu. Cái bóng thành phố mờ mịt dần. Ánh tịch dương có đường viền đỏ như máu. Những thứ trong lòng Nam Sinh một ra đi không hề trở lại.
Tối đó từ bệnh viện quay về, Nam Sinh giặt sạch quần lót và váy. Nó ngâm quần áo trong chậu giặt, xát xà phòng lên, ra sức vò, giặt sạch vết máu dính trên đó. Sau đó đem váy phơi lên dây trên gác xép. Chiếc váy trắng ẩm còn rỏ nước tong tỏng bay bay trong gió đêm. Màu trắng lờ nhờ như dấu ấn của tuổi thanh xuân dần phai. Nam Sinh giở váy ra, kề mặt lại gần,cẩn thận ngắm kỹ. Nó nhìn thấy chấm máu mờ mờ. Động tác của nó giống hệt như lần đầu tiên giặt tấm ga giường dính máu hành kinh.
Vào cái tối mất trinh, Nam Sinh phát hiện thấy mình đã lớn. Có một sức mạnh lạnh lẽo và trấn tĩnh khống chế thể xác và linh hồn nó. Nó mua một bao thuốc lá ở một tiệm tạp hoá gần nhà. Lần đầu tiên hút thuốc, sau khi rít mấy hơi, cảm giác trấn tĩnh hẳn. Nó ngồi trong bóng tối, nhìn chiếc váy dập dờn trong gió, hút hết điếu thuốc đầu tiên trong cuộc đời.
Sau khi cố tình phá vỡ một cách mù quáng và quyết liệt, Nam Sinh đã hoàn tất việc biến chất mình.
Mùa hè năm mười chín tuổi, Nam Sinh đã trải qua vài quá trình biến chất nặng nề nhất trong cuộc đời.
Do mệt mỏi và quá suy nhược, nó bị ngất đi ngay tại trường thi lên đại học. Một màn đen bùng lên phía trước mắt, đột nhiên cả người lẫn ghế đổ nhào về phía trước. Trong bệnh viện, truyền mất một ngày nước biển. Đành bỏ lỡ một môn thi. Nghiến răng gắng thi tiếp. Dựa vào vốn liếng gom góp từ đầu, các môn thi khác vẫn đạt được điểm cao.
Do vậy biến cố lần này tuy không thi được vào trường đại học danh tiếng và lý tưởng, nhưng vẫn vượt quá điểm chuẩn của chuyên ngành, được một trường đại học ở Hàng Châu nhận. Chuyên ngành theo học rất đắt khách - tiền tệ quốc tế.
Cuối cùng dì Lan cũng quyết định làm phẫu thuật. Dì đã bình tĩnh dần vì rốt cuộc cũng hiểu ra rằng đối với nhiều sự việc, dù có kháng cự quyết liệt cũng khó có thể trốn tránh được. Chẳng hạn như bệnh tật ngày càng nặng, khống chế da thịt và tinh thần cô. Còn cả sự cô độc nữa. Cô đã từng là một bóng hồng luôn có các cánh bướm rợp rờn. Nhưng cuối cùng những người yêu cô hoặc được cô yêu đều không ở bên cạnh cô, kể cả thằng con trai Hà Bình.
Cô đã cận kề cái chết. Không có cảm giác cô độc nào lại mãnh liệt hơn lúc này. Chỉ có Nam Sinh. Nam Sinh chăm sóc cô. Nam Sinh đã sống với cô mười hai năm trời. Thế nhưng trong suốt mười hai năm đó, họ vẫn chỉ là những người xa lạ mặt đối mặt.
Vào cái đêm sắp làm phẫu thuật, dì Lan chợt tỉnh giấc lúc nửa đêm. Nam Sinh trải chiếu dưới đất, đã ngủ say. Cô ngắm Nam Sinh dưới ánh trăng ùa vào từ cửa sổ, khẽ gọi con bé. Nam Sinh nghe thấy nhưng giả vờ ngủ, không chịu mở mắt. Nó nghe thấy dì Lan khe khẽ nói. Giọng dì bình tĩnh và êm ái, từng câu một trong đêm khuya tĩnh mịch nghe rõ mồn một. Dì nói, Nam Sinh này, dì đã từng sống với rất nhiều đàn ông. Thực ra trong lòng dì chỉ luôn muốn tìm được một người, yên ổn sống với nhau đến hết đời. Nhưng phận bạc phúc mỏng. Đàn bà sống nhờ vào duyên số. Có rất nhiều phụ nữ bất hạnh, trong lòng thiếu hụt hẳn một khoảng, dù lấp thế nào cũng không thể lấp nổi. Bố con là người tốt. Vì day dứt về anh ấy, dì mới nhận nuôi con, con cũng không cần phải cám ơn. Chúng ta vẫn như những người xa lạ, vì dì và con không quan hệ máu mủ ruột rà, cũng không có duyên phận gắn bó với nhau. Tuy chúng ta cùng sống chung, cùng ăn cơm, cùng ngủ, chăm sóc lẫn nhau. Nhưng chúng ta vẫn là người dưng...
Giọng nói của dì lúng búng và rời rạc dần vì cơn đau lại trỗi dậy. Nam Sinh quay mặt lại, nghe thấy tiếng dì hổn hển, thì thào kêu tên Hà Bình. Đó là người thân duy nhất của dì. Dì muốn gặp con trai. Cuối cùng, Nam Sinh cũng gọi điện cho Hà Bình.
Nó nói với cô nhân viên tổng đài nhắn tin rằng, Phiền cô chuyển lời hộ rằng, mẹ anh bệnh rất nghiêm trọng, về nhà ngay.
Một tháng sau khi phẫu thuật kết thúc, Hà Bình mới quay về.
Nam Sinh còn nhớ hôm đó. Hà Bình bỏ đi sáu năm. Nó vừa đưa cơm từ bệnh viện về, nhìn thấy một người đàn ông mặc áo phông đen, quần bò bẩn, tóc dài phủ cả mặt, đứng hút thuốc ở bậc tam cấp ngoài khu nhà. Nó lướt qua anh ta, đi thẳng vào trong, chợt đằng sau vẳng tới tiếng huýt sáo khe khẽ.
Đó là tiếng huýt sáo mà nó hằng quen thuộc. Vội vàng quay đầu lại, nó nhìn thấy khuôn mặt rám đen vì nắng bụi phương Nam của Hà Bình. Đó là lần đầu tiên nó nhìn thấy khuôn mặt tuấn tú nhưng trĩu nặng trong tiệm cơm nhỏ mùa đông. Hà Bình đã trở thành một người đàn ông thực thụ, càng cao to hơn. Thân hình anh chắc phải vượt quá 1m82. Toàn thân toả mùi đàn ông từng trải. Nó ngửi cái mùi đó. Nó đã quen với cái mùi không bao giờ quên nổil. Nó vui sướng vứt luôn hộp cơm trong tay, chạy ùa tới. Hà Bình nhấc bổng nó lên, tung lên rồi đỡ xuống. Nam Sinh kêu lên, túm chặt lấy đầu anh.
Hà Bình, anh đã về rồi.
Có đỗ đại học không?
Đỗ rồi. Ở Hàng Châu.
Tốt quá. Anh giơ tay bẹo cằm Nam Sinh, giống hệt như trước kia. Rồi nở nụ cười sung sướng. Rồi anh nói, Mở cửa đi, Nam Sinh. Anh ngồi tàu hoả lâu quá, muốn đi ngủ lắm rồi.
Hà Bình vừa đặt mình đã ngủ một mạch suốt một ngày. Nam Sinh dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nấu bữa tối. Nó gọi điện tới bệnh viện, khoe với dì Lan rằng Hà Bình đã về, đang ở nhà ngủ. Dì Lan vui lắm, giục giã, Nhanh, nhanh kêu nó tới đây ngay nhé. Dì sẽ không chửi mắng nó nữa. Dì chỉ muốn nhìn thấy nó. Nam Sinh cứ chốc chốc lại chạy tới cửa phòng, lặng lẽ nhìn Hà Bình đang ngủ trên giường. Cái dáng ngủ của anh mang chút ngọt ngào như một đứa trẻ. Nam Sinh ngồi dưới đất, tì cằm lên ga giường, im lặng ngắm nghía. Mãi cho tới khi trời tối, Hà Bình mới mở mắt.
Khi nào anh tới thăm dì Lan? Nam Sinh hỏi.
Ai nói anh sẽ tới thăm bà ấy?
Dì bệnh rất nặng. Hà Bình. Đó là mẹ anh mà.
Em có tháy bà ấy giống một bà mẹ không? Nếu nói là vì bà ấy ban cho anh cuộc sống này thì cũng như kiểu chó mèo đẻ con mà thôi. Đó là bản năng, chẳng có tình cảm gì sất. Bản năng của bà ấy đem lại cho anh cả một thế giới đau khổ.
Nam Sinh đành nói dối dì Lan rằng Hà Bình vừa về đã bị cảm, đang sốt đùng đùng. Phải nghỉ ngơi cho khoẻ hẳn, sợ lây sang cho mẹ.
Nghe xong, dì Lan cười ảm đạm, hỏi, Nó không muốn tới phải không? Nam Sinh im bặt.
Phẫu thuật của dì Lan vẫn chưa thành công. Còn phải làm thêm một phẫu thuật phụ nữa. Bệnh tình đau đớn khiến dì sống không bằng chết.
Tối đó, Nam Sinh ngồi trực bên đầu giường dì, đọc tiểu thuyết dưới ánh đèn. Xem chán lại đi lấy nước nóng, đột nhiên nhìn thấy một người đứng trong hành lang. Lại gần, té ra là Hà Bình. Anh đứng bất động trong ánh sáng tối tăm, tựa lưng vào tường hút thuốc. Nét mặt vô cảm. Nam Sinh mừng rỡ, tiến tới nắm chặt tay anh. Nói, Hà Bình, anh tới rồi. Mau vào nói chuyện với dì Lan đi.
Hà Bình vứt đầu thuốc, khua tay tỏ ý muốn ra về. Nam Sinh vẫn co kéo. Âm thanh chuyền đi trong hành lang tĩnh mịch. Dì Lan nằm trong phòng nghe rõ mồn một. Dì nhỏm dậy, vui sướng gọi, Hà Bình, Hà Bình, con đó ư?
Hà Bình bịt chặt miệng Nam Sinh, không để nó kêu la, cũng không để nó cựa quậy. Nam Sinh còn nhớ cái tư thế cứng đơ của hai người trong cái hành lang trống trơn hôm đó, chỉ có tiếng kêu run rẩy của dì Lan vọng tới. Tiếng của dì từ lúc vui sướng ban đầu dần dần trở nên thất vọng. Cuối cùng là những tiếng kêu lúng búng ngập trong nước mắt, mãi đến khi lặng dần.
Trong mắt Hà Bình như có một màn nước đen, nhìn không ra đau khổ, cũng không thấy hy vọng. Màn đêm từ cửa sổ ùa vào, biến hành lang trở thành một con đường hầm mịt mùng sự sống và cái chết. Người yêu và người không yêu cách nhau ở hai bên. Hà Bình nhìn chằm chằm vào mảng tường trắng. Anh không tài nào thoát ra khỏi cái bóng băng giá đã tích lũy trong lòng. Cuối cùng đẩy Nam Sinh ra, anh chạy xuống cầu thang.
Ngày hôm sau, truyền tới tin dì Lan tự tử trong bệnh viện. Dì cố gắng lê được tấm thân lại gần cửa sổ, nhảy từ tầng thứ 15 xuống. Chết ngay khi vừa chạm đất. Những đau khổ vì bệnh tật dày vò và nỗi cô độc trước khi chết vốn mênh mang như biển cả, không biết trốn vào đâu. Hà Bình lại không chịu gặp mặt. Cuối cùng giống như một cơn sóng ụp lấy cô, vùi xuống.
Nam Sinh gặp phải cái chết lần thứ ba trong đời. Đó là một người đàn bà xa lạ đã từng nuôi dưỡng nó suốt mười hai năm qua.
Xác của dì Lan gẫy nát tới mức không tài nào chắp nối lại được. Cái đêm liên kết với tử thần đó, đèn đóm trong khu sáng tới mức chói mát. Hàng xóm bu tới, đứng ngoài cửa chỉ trỏ bình luận. Nam Sinh thắt dây thừng và đeo hoa tang trắng, ngồi bên cạnh quan tài trong căn phòng trống. Dì Lan nằm bên trong, gương mặt rất yên bình. Mọi đau khổ và phẫn nộ tan biến như bầy chim. Khuôn mặt của dì giờ chỉ như một mảnh đất mịt mùng tuyết trắng.
Nam Sinh quỳ mọp người, vuốt tay lên tấm kính trên nắp quan tài. Ngón tay nó như chạm phải một lớp băng lạnh buốt. Đột nhiên, nó chợt nhớ lại lần đầu tiên gặp dì Lan. Lúc đó dì mặc một bộ đồ tây kẻ sọc màu đỏ tươi, giơ tay ra vuốt ve tóc nó. Dì nói, Bố con chết rồi, Nam Sinh à. Lúc đó dì là một phụ nữ rất xinh đẹp mới ba mươi ba tuổi.
Sáng sớm sau khi túc trực bên quan tài, Nam Sinh đơn độc leo lên gác xép ngủ. Vì quá kiệt sức, nó không kịp bật đèn và kéo chăn đã lăn ra ngủ. Màn đêm như ẩn chứa tiếng khóc thất vọng của người phụ nữ, giống tiếng gió rên rỉ vậy. Nhưng Nam Sinh nghĩ, mình không đau lòng, cũng không khiếp sợ nữa. Chết là một chuyện quá bình thường, chẳng việc gì phải sợ hãi cả.
Chẳng qua chỉ là biến mất mà thôi.
Hà Bình vẫn không thấy xuất hiện. Mãi tới khi lễ hoả thiêu kết thúc, anh vẫn mất tích. Cuối cùng Nam Sinh được thông báo, do say rượu lên cơn, anh đánh gẫy chân người khác, hiện đang bị giam trong đồn công an.
Nam Sinh gom góp tiền bạc mang tới bệnh viện, đưa cho gia đình người bị hại. Rồi tới đồn công an đưa Hà Bình về nhà. Nam Sinh mặc đồng phục học sinh, ngồi trên xe buýt. Hôm đó gió rất lớn, có vẻ sắp có mưa. Nó rất mệt, tựa mặt vào cửa kính suýt nữa ngủ thiếp. Nghe thấy hai phụ nữ phía sau trò chuyện. Tối nay pháo lại râm ran suốt đêm cho mà xem. Chợt nhớ ra hôm nay lại là giao thừa. Trên phố, gió gào rít, màn đêm buông trĩu. Thời tiết dự báo một trận tuyết lớn sắp đổ xuống.
Nam Sinh làm thủ tục, đợi ở cửa lớn. Nó rất lạnh, đành phải đi đi lại lại không ngừng, co ro khép chặt cái áo khoác. Cửa sắt mở toang, Hà Bình từ bên trong đi ra. Anh không cạo rậu, mặt mũi và tóc tai bẩn thỉu. Trên mặt có vết thương, đám máu đã khô cứng. Quần áo trên người cũng rất ít, tinh thần mụ mẫm. Nam Sinh im lặng, đi phía trước. Chúng lên một chiếc xe ở trạm xe.
Chiếc xe lắc lư, xuyên qua thành phố tĩnh mịch. Màn đêm và những ánh đèn vùn vụt bay qua. Chúng ngồi ở hàng ghế trống cuối cùng. Hà Bình co ro trong góc, toàn thân run rẩy. Nam Sinh nhìn anh, rồi chậm chạp chìa tay ra. Bàn tay nó ấm nóng, khẽ nắm những ngón tay lạnh buốt của Hà Bình. Đã hoả táng từ thứ sáu rồi. Chuyện hậu sự đều hoàn tất. Hôm khác anh tới thắp hương đi, Hà Bình.
Mặt Hà Bình tựa vào cửa sổ kính, im lặng. Đợi mãi, Nam Sinh liền thò tay xoay mặt anh lại. Đôi mắt Hà Bình khô khốc nhưng xa vắng.
Nam Sinh nói. Đã qua rồi, Hà Bình. Tất cả đều đã qua rồi. Nó đỡ thân hình anh xoay lại, nghiêng xuống, đặt đầu anh lên đầu gối nó. Hà Bình nằm úp trên đùi nó, người bắt đầu run rất mạnhl. Nam Sinh phát hiện anh đang khóc.
Chúng ta về đến nhà rồi, Hà Bình. Không phải sợ.
Nam Sinh thương xót vuốt khẽ vai anh. Áp mặt lên mái tóc của anh. Chiếc xe đưa chúng xuyên vào cái ngõ trống vắng và giá buốt của thành phố. Hoa tuyết bắt đầu buông rơi trong màn đêm.
Tối đó, Hà Bình ngủ trên gác xép của Nam Sinh. Chúng chen chúc trên chiếc giường chật hẹp, ôm chặt nhau vì rét buốt. Dày vò nhau như bầy dã thú. Lao vào nhau để quên đi chính mình.
Nam Sinh cảm thấy cơ thể trần trụi của mình lạnh giá. Những ngón tay và bờ môi ấm nóng của Hà Bình ra sức sưởi ấm trên da thịt nó. Thân hình anh mạnh mẽ chiếm hữu nó. Nam Sinh nhớ lại cảnh bà ngoại ngồi thêu hoa. Bà dùng hai cái vòng trúc làm khung thêu. Cái mặt vải được căng trên khung nom yếu ớt và căng thẳng, tựa như chỉ khẽ cựa một cái sẽ bị rách toạc. Mũi kim trong tay bà lồng chỉ tơ đỏ, thêu một bông mẫu đơn nở rộ trên tấm đoạn trắng. Dây chỉ được xuyên qua xuyên lại, tấm vải khẽ phát ra những tiếng bục yếu ớt... Đó cũng chính là cảnh đẹp tàn khốc nhất mà con bé được chứng kiến. Tình dục cũng vậy, là thứ khiến nó khiếp sợ.
Trong đêm tối, nó cũng vậy. Cố sức phô bày thân thể. Không để hở bất kỳ kẽ nứt nào để không khí lạnh ngắt xuyên vào. Nó ngửa đầu nhìn lên trần nhà tối thẫm. Tuyệt vọng giống như nước hồ, ra sức nhận chìm nó, không để nó kịp thở. Đó là niềm an ủi sâu sắc. Những dòng lệ của nó lăn từ khoé mắt chảy thẳng xuống miệng. Đó là ý nghĩa thực sự trong cảm giác của Nam Sinh về sự kết hợp với một người đàn ông. Đó là người đàn ông mà nó yêu. Nó bắt đầu xác định, nó đang yêu anh ta. Yêu cái người đàn ông từng mua cho nó một bát mì thịt bò, vào cái mùa đông tuyết rơi khi nó lên bảy tuổi vừa mất cha.
Có một số chuyện vẫn nhớ rất rõ. Dưới ánh đèn vàng vọt trong tiệm mì chật hẹp và khuôn mặt Hà Bình thuở bé. Những khoảnh khắc đó như không khí lặng lẽ lọt qua kẽ hở của bàn tay, thoáng một cái mất hút. Cũng giống như bố biến mất nơi góc phố. Thời gian dằng dặc trôi. Thứ tình cảm xuyên qua bao gian khổ và đau đớn, đó là thứ tín ngưỡng mà nó hằng tin tưởng.
Không khí trong bóng đêm ngập mùi hương và mùi tanh dịu ngọt. Ngôn từ là thứ yếu ớt nhất, không tài nào vượt qua được sự sống và cái chết, nỗi đau và tuyệt vọng. Nó chỉ có thể vuốt ve và xác định đường nét tuấn tú của người đàn ông kia hết lượt này đến lượt khác. Nhớ lại làn da và mùi của anh. Cuộc sống của nó đã ghi dấu ấn của anh. Lưu chảy trong huyết quản. Thấm đẫm trong da thịt. Mơn man khắp nơi.
Tới rạng sáng, cuối cùng chúng cũng dừng hẳn. Toàn thân Hà Bình mồ hôi dính nhớp nháp. Anh thì thào khẩn cầu, Nam Sinh, ôm chặt lấy anh đi.
Nam Sinh thú thực, Hà Bình này, em đã làm với một chàng trai khác rồi.
Hà Bình rất bình tĩnh. Hỏi, Tại sao?
Vì em nghĩ anh muốn em như vậy. Đôi mắt đen láy của Nam Sinh xoáy thẳng vào anh. Anh không muốn yêu em. Suốt một thời gian dài như vậy, anh không hề nhớ tới viết cho em một chữ hoặc gọi một cú điện thoại.
Thì lúc vừa tới Quảng Châu có bao nhiêu chuyện. Cuộc sống rất khó khăn. Hà Bình ngừng một lát, anh không muốn kể nhiều. Rồi nói tiếp, Anh chỉ lo mình không thể đủ sức yêu em.
Nam Sinh hỏi, Không đủ sức?
Không thể để em phải khổ sở. Không thể để em vất vả vì anh, chìm nghỉm ở đây... Anh nhìn nó, ánh mắt đau khổ. Anh nói, Xin lỗi em, Nam Sinh. Xin đừng gặng hỏi nữa.
Nam Sinh ôm chặt lấy Hà Bình. Hà Bình, liệu chúng ta có con không? Chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi tới khi chết chứ?
Đồ ngốc. Hà Bình vùi đầu nó vào ngực mình, mắt ánh lệ.
Hãy kể về cuộc sống của anh ở Quảng Châu đi. Nam Sinh giả bộ vui vẻ.
Đổi rất nhiều công việc... Bây giờ đang làm trong một tiệm ăn. Từ nhà bếp lên quản lý. Anh cười khẩy ảm đạm. Anh đã từng ngỡ rằng mình sẽ tới học Toán tại Đại học Bắc Kinh. Đó là lý tưởng của anh trước năm 16 tuổi. Còn em, Nam Sinh?
Em muốn viết văn.
Viết văn?
Vâng. Viết ra rất nhiều sách. Để mọi người biết được nỗi đau khổ của em, của chúng ta và của tất cả mọi người.
Hà Bình ngủ say. Nam Sinh trở dậy, trèo lên cầu thang. Mái tóc dài bóng mượt ẩm ướt mồ hôi, phủ lên mặt nó như mớ rong biển. Thân hình trần trụi của nó nghiêng ngả trong giá lạnh. Tì mặt vào tấm kính mờ mịt hơi sương. Trên tấm kính dính đầy những bông hoa tuyết trắng khô xốp. Nam Sinh lấy tay lau sạch hơi sương, nhìn thấy rõ trên trời xanh thẳm buông ra từng đám tuyết lớn.
Trận tuyết đầu tiên của mùa đông phương Nam.
Đường phố mịt mùng trong gió tuyết không một bóng người. Hoa tuyết nhanh chóng tấp đầy trên bậc thềm ở vườn hoa, trên con đường đá trong ngõ nhỏ, trên đèn lồng trước cửa tiệm mỳ, trên mái nhà, trên cành cây, trên mặt hồ đóng băng... Tuyết lớn bao trùm lên thành phố im ắng, vẫn chưa tỉnh giấc nồng. Trên trời không một bóng chim. Gương mặt Nam Sinh kề sát tấm kính, nhìn ra ngoài. Tuyết vẫn rơi không một tiếng động.
Hà Bình ở lại thành phố N đúng một tháng. Khi mùa xuân tới, anh chuẩn bị bỏ đi. Anh muốn quay về Quảng Châu. Chỉ xin nghỉ phép một tháng. Vả lại công việc ở nhà hàng rất bận rộn. Anh cần phải kiếm tiền. Kiếm tiền là việc rất thực tế. Nam Sinh cũng sắp chuyển tới Hàng Châu học đại học. Tiền học phí và tiền sinh hoạt cũng không nhỏ. Sau khi dì Lan mất, Hà Bình trở thành trụ cột duy nhất của gia đình. Hà Bình định bán phắt căn hộ ở thành phố N.
Phải bán sao, Hà Bình? Nam Sinh không nỡ. Cô đã ở đây nhiều năm như vậy. Căn hộ cũ quả thấm đượm nhiều ký ức.
Tất nhiên rồi - Hà Bình đáp - Sau này em không cần phải quay về đây. Em sẽ đến những thành phố lớn tốt hơn. Rất nhiều người có thói quen thích hưởng thụ. Lười biếng, dung tục, đã qua là qua cả một đời. Nhưng em thì không thể, Nam Sinh ạ.
Thế còn anh? Anh sẽ mãi ở Quảng Châu chứ?
Anh ở Quảng Châu rất tốt. Ở đó có cuộc sống mới của anh, có sự nghiệp... Hà Bình nói, Ở đây quá nhiều dấu ấn trĩu nặng. Anh không muốn dừng lại ở nơi cũ.
Nam Sinh gật đầu. Nó hiểu anh. Nó không có khả năng giữ anh lại. Người đàn ông này như một con thú hoang bị thương. Anh cần phải trốn vào một chỗ để chữa trị vết thương. Nó nhớ lại người đàn ông bất lực cuộn tròn trong lòng nó khóc lóc tối hôm đó. Đêm như vậy chỉ có một mà thôi. Sau khi tỉnh lại, anh vẫn là Hà Bình lạnh lùng như trước.
Họ từ biệt nhau ở bến tàu. Đúng lúc trưa, ánh nắng ấm áp. Khắp nơi đầy đám người bẩn thỉu chen chúc lễ mễ bao to túi nhỏ. Từng đợt sóng huyên náo cứ ào lên. Bến xe là chỗ mù quáng và tất yếu như vậy. Hà Bình mặc chiếc quần bò cũ hợp mốt, khoác ba lô du lịch. Anh chen vào đám đông mua vé xe lửa. Nam Sinh đứng chờ bên ngoài, đăm đắm nhìn anh. Ngắm người đàn ông đang di chuyển trong đám đông. Bóng hình anh lúc ẩn lúc hiện. Nam Sinh cứ chăm chắm nhìn như thế.
Xe lửa lúc một giờ chiều. Hà Bình xuất hiện trước mặt Nam Sinh, tay nắm chặt một tấm vé. Chúng mình đi ăn trưa đã - anh nói. Họ đi tới một tiệm ăn cạnh bến tàu. Nam Sinh nhìn góc phố quen thuộc. Ánh nhìn của nó dừng lại nơi đó. Vẫn có rất nhiều xe đạp và rác rưởi nơi đó. Vẫn là thứ ánh sáng tối tăm trống rỗng. Đó là nơi nó từng chờ đợi một người đàn ông quay về. Chỉ có tiệm bánh bao đổi thành tiệm tạp hoá.
Mọi thứ như hiện ra trước mắt. Nam Sinh nghe thấy tiếng bầy chim bay lên rào rào. Tiếng còi xe và tiếng người huyên náo hoà quyện làm một. Một đứa bé gái quàng khăn đỏ im lặng đứng trong mưa. Đôi mắt con bé trống rỗng.
Hai bát mì thịt bò được bê tới. Nam Sinh và Hà Bình ngồi hai bên đầu bàn, cách nhau bởi cái mặt bàn gỗ lấm lem dầu mỡ bẩn thỉu, giống hệt như trước kia. Hà Bình cầm đũa lên ăn trước. Ăn được một lúc, ngẩng lên, nhìn thấy Nam Sinh vẫn chưa đụng đũa. Củng một cái vào trán nó, anh gắt, Nam Sinh, ăn mì đi.
Nam Sinh cầm đũa lên. Hai người đối diện nhau, im lặng ăn.
Quay về phòng chờ. Nam Sinh ngồi trên ghế, ngắm một người đàn ông đang ngáy ro ro, bên cạnh là một phụ nữ nông thôn đang ru con ngủ. Nam Sinh liếm môi, cô muốn uống nước. Hà Bình nói, Cầm ba lô, anh đi mua nước.
Anh quay người đi tới quầy bán đồ vặt, Nam Sinh ôm cái ba lô của anh, ngồi im trên ghế. Nó chuyển hướng nhìn, lại thấy cái góc đó, vẫn tối tăm không người. Chiếc đồng hồ trong đại sảnh đã vượt quá phút thứ 30. Nam Sinh đứng dậy, bỏ đi. Nó mặc chiếc váy cũ màu hồng phấn, mớ tóc đen dính bết trên mặt bởi mồ hôi. Hai tay ôm chiếc ba lô trước ngực. Nó tới quầy bán vé, vào phòng chờ, tìm từng gian một. Chạy khắp nơi ngó nghiêng trên đường phố, lại chạy về cổng xuất phát.
Nó thở hổn hển, tưởng chừng người sắp vỡ tung. Những người nó yêu quý trong đời đều bỏ đi. Nó biết vậy. Mồ hôi trên trán lăn xuống không ngớt.
Loa tàu thông báo tin hành khách đi Quảng Châu bắt đầu soát vé. Rồi nó nhìn thấy Hà Bình. Anh chen ra khỏi một đám hành khách đứng chen chúc, ôm hai chai nước trong lòng, chạy về phía nhà xe. Anh đã trở thành một người đàn ông to lớn quá rồi. Hà Bình. Họ muốn sống tựa vào nhau. Nó muốn được ở bên anh đến răng long đầu bạc. Nam Sinh giơ tay lên, cắn mạnh vào tay mình. Nó dùng sức đến nỗi toàn thân phát run, bỏ tay xuống, nhìn thấy dấu răng sâu hoắm, bật máu tươi. Nó kéo tay áo xuống che vết thương, đi về phía Hà Bình như không có chuyện gì xảy ra.
Hà Bình nhìn nó, kéo cánh tay đã bị áo che khuất. Ánh mắt anh u uất. Người mua nước đông quá, anh phải chạy tới một tiệm khác rất xa. Nam Sinh, lần sau không được phép làm như vậy. Nếu không, anh sẽ hận em.
Em biết. Nam Sinh nhìn vết thương trần trụi của mình, khẽ ấp úng. Đột nhiên cô thấy ngượng. Lẽ nào tình cảm của cô lại giằng dai cố chấp như thế, không biết trốn vào đâu. Hà Bình lên tàu, ngồi xong thò đầu ra. Về đi, Nam Sinh. Nam Sinh cô đơn đứng trên thềm tiễn, nhìn anh.
Phải học giỏi nhé. Anh sẽ gửi tiền cho. Đó là con đường duy nhất và tốt nhất cho em. Hiểu không? Hà Bình nhìn cô, rồi buồn bực hút thuốc. Anh tiếp, Chúng ta không thể sống bên nhau, Nam Sinh à. Chúng ta phải đường ai nấy đi thôi.
Nam Sinh vẫn im lặng. Ánh sáng rực rỡ chiếu rọi khắp nơi. Những lời lẽ của Hà Bình quất lên ngực Nam Sinh vẫn lạnh buốt. Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Nó chạy theo, thấy Hà Bình nhô đầu ra vẫy tay. Nó nắm chặt tay, ra sức chạy, tóc tai và quần áo bay lất phất trong gió. Nó thấy mình sẽ chết trong sự đeo đuổi vô vọng này. Tim đập mạnh, đau tưởng như sắp vỡ tan. Cuối cùng, xe lửa hụ lên một tiếng dài, biến mất ở khúc ngoặt phía trước. Khuôn mặt như đoá hoa của nó cũng khô héo như tuổi xuân.
Hà Bình lại bỏ đi như vậy.