Chương 2

Trước khi gặp Tiểu Chí, tôi vẫn đang viết. Đóng cửa không chịu ra khỏi nhà, chỉ gọi điện thoại tới những nơi chịu giao đồ như cửa hàng Pizza, tiệm gà rán, tiệm cơm Tứ Xuyên, giải quyết ngày ba bữa cùng ăn khuya. Bạn bè tôi rất ít, cũng rất hiếm nảy nở tình yêu với đàn ông. Trong thời gian ngắn muốn kiếm đủ tiền đi Ấn Độ và Lào. Viết một câu chuyện. Làm một bộ phim. Lý tưởng lâu dài là có thể đột nhiên biến mất vào một ngày nào đó. Khoảnh khắc ngắn ngủi, sự vĩnh hằng dài lâu.
Có lúc, tôi chả làm gì. Đó luôn là khi đau khổ vì không viết ra nổi một chữ, hoặc là đầu óc rối bời do vừa nhận được nhuận bút.
Ngủ dậy lúc mười một giờ trưa. Trước tiên tới một quán cà phê gần nhà để nhấm nháp, rồi đi sưu tập băng đĩa lậu trong các tiệm băng hình. Hoặc chỉ đi đi lại lại trên đường phố ô nhiễm. Giống như một kẻ vô công rồi nghề, ra sức lượn lờ để giết thời gian.
Thích phim nhưng đã rất lâu không tới rạp. Thuônhr, xem phim vẫn được cọi là cách giải trí nhàn tản khá thời thượng. Thường cùng bạn học trốn tiết chiều, đi xem phim nước ngoài trong rạp chiếu nhỏ. Trong ký ức, đó là toà nhà màu trắng khuất nẻo và tối tăm. Phòng chiếu rất nhỏ, tường sơn màu xanh thẫm, trên tường có dấu nước mưa đã ố vàng. Đèn trên tường rực rỡ nhưng thô tục. Luôn có mùi ẩm mốc. Nhưng suốt cả buổi chiều, nó luôn chiếu liền bốn, nămbộ phim, có thể xem được một số phim mới nhất của Nhật Bản và Âu Mỹ. Đương nhiên cũng có những bộ phim đen trắng rất xưa.
Tôi rất thích những khuôn hình và lời thoại đẹp đến kỳ dị trong phim. Chúng khiến tôi cảm thấy mình là người có quá nhiều điều không hài lòng với hiện thực. Thế là cầm cốc to Coca và bịch bắp rang bơ đắm mình trong rạp. Chiếu phim gì, chiếu ở đâu và chiếu bao lâu đối với tôi đã không còn quan trọng nữa. Bởi vì khi tan rạp, tôi luôn ngủ thiếp đi trong bóng tối với cảm giác ngượng ngùng.
Quán bar thường lui tới ở gần nhà. Chủ quán là một người đànông trung niên có thân phận không rõ ràng, lớn hơn tôi mười một tuổi. Bảy năm trước, anh từ Anh Quốc trở về Thượng Hải.
Anh tên Sâm. Quán bar có tên tiếng Anh là Blue. Bên trong không chút phẫn nộ hoặc chán chường. Quá sạch sẽ. Là sự đạm bạc sau nỗi tang thương. Cái quầy bar bằng gỗ do Sâm đích thân làm lấy và sơn quét. Anh còn tự làm đèn lồng dán giấy trắng và khăn trải bàn màu vàng sữa bằng vải gai. Rất thích Liên mã thầy, luôn nuôi chúng bằng nước sạch đựng trong bình thuỷ tinh. Loại hoa trắng chúm chím đó chẳng có hương thơm và héo rất nhanh.
Sâm thường mặc áo sơ mi trắng vải bông đứng sau quầy bar, vừa nhiệt tình chào hỏi khách khứa, vừa thoăn thoắt lau sạch các ly tách. Anh nghe chuyện của rất nhiều người nhưng chưa từng tiết lộ quá khứ của miìn.
Chỉ bật ca kịch Italy. Nhẹ tới mức chỉ cần gẩy một khúc âm thanh như vậy, giọng ca rạng ngời và da diết ở nơi mờ ảo sẽ lay động như sóng nước. Trên một mặt tường là một bể cá nhiệt đới. Đôi khi anh giới thiệu rượu Whisky, rượu Brandy, rượu nho xách tay sau chuyến du lịch châu Âu trở về. Phần lớn đều đến từ một số thị trấn xa xôi có phong cảnh tuyệt đẹp, do nông dân nơi đó tự làm.
Kinh doanh của quán thường bắt đầu đông đúc từ mười một giờ đêm. Không khí trong quán ấm sực bởi thuốc lá, rượu và hơi nóng. Tôi thường gọi một ly Whisky pha đá, ngắm nghía những chú cá tí tẹo xinh đẹp trong bể. Rồi thò tay, áp lên thành bể, huýt sáo cho chúng nghe. Đa số thời gian, tôi thường trèo lên những chiếc ghế đẩu cao ngất ngưởng trước quầy, uống rượu không ngừng, rồi ngồi ngủ lơ mơ.
Trời rạng sáng mới từ quán bar về nhà. Nếu mất ngủ sẽ lên mạng tâm tình. Đó là việc rất thú vị. Giấu thân phận và gương mặt, nấp sau những cái tên giả, trò chuyện với một người xa lạ. Có thể bắt đầu nói chuyện và bỏ đi bất cứ lúc nào. Xuất hiện và biến mất tuỳ hứng. Nơi đó có thể đồng thời hứng chí phát triển sáu cuộc tình, hoặc nhiều hơn. Để rồi khi chán ngán ngay cả từ “Tạm biệt” cũng cắt sạch. Không để lại hậu quả. Đó là nơi rất dễ nảy sinh những ngờ vực về sự chân thành và lời hứa.
Tôi tìm kiếm những đối tượng trò chuyện thoải mái, thú vị, thông minh. Nếu đàn ông càng tốt. Tuy nhiên trên mạng, giới tính có thể là vấn đề được giản lược, không quá chấp nhất. Có thể gặp được những người thú vị nhưng không thể yêu được. Một lần trò chuyện, có người giới thiệu cho tôi một trang web. Sau khi mở ra, một tấm bản đồ địa lý bay vèo xuống. Trên đó, mỗi người đều có thể tìm thấy điểm đánh dấu nơi mình đang ở. Người đó nói, Tôi đã tìm được nơi ở của tôi rồi, đến lượt cô. Nhìn ngôi sao màu xanh xinh đẹp chuyển động cô độc và chậm chạp, tôi chợt nghĩ, hông biết người kia tìm được trang web kỳ lạ này bằng cách nào.
Anh ta kể với tôi là người Bắc Kinh, hai mươi tám tuổi, làm giám đốc công ty quảng cáo. Tôi không muốn kiểm chứng độ chân thực của những thông tin này. Thú vui của tôi là tự thêu dệt đặc điểm những người đàn ông mà tôi thích. Vì thế lúc gõ trên bàn phím, tôi vừa nghe Tori Amos, vừa tưởng tượng khuôn mặt tuấn tú đẹp trai của anh ta. Tưởng tượng như vậy khiến người ta thoải mái. Lại không phải trả tiền.
Rồi anh ta biến mất y hệt như nick name của anh ta vậy. Sam. Một quả pháo bắn thẳng lên trời xanh.
Đầu tháng tư, tôi gặp Tiểu Chí trên mạng.
Cô không giấu giếm mình, vừa lên mạng đã phơi hết mọi thứ chân thực. Chúng đều được kiểm chứng sau này. Cô nói tốt nghiệp khoa Triết trường Đại học Phục Đán, từ tháng ba tới tháng sáu đã đổi việc tới bốn công ty viễn thông, từng đóng vai nữ chính trong kịch nói, làm thơ, tham gia công việc sản xuất phim độc lập, còn sáng tác nhạc, thu album… Nhưng giờ đây cô chẳng làm gì cả, chỉ bán cà phê trong tiệm cà phê. Lời mở đầu của cô đầy ắp màu sắc truyền kỳ.
Nhưng vào mùa xuân hàng năm, thành phố này không hề xảy ra bất cứ kỳ tích nào. Đường phố vẫn ô nhiễm. Người qua lại vẫn vội vã. Trong không gian chỉ nặng mùi thơm vật chất.
Tôi nói với cô. Có lúc mình tưởng tượng bộ phim của mình. Tưởng tượng trong phim có một cô gái xuất hiện cùng một bầy chim. Khoé mắt cô gái có nốt ruồi hạt lệ màu nâu, tròng mắt xanh thẳm như nước sâu đáy biển. Mỗi lần cô xuất hiện đều có một đàn chim bay lượn xung quanh. Dù trong ga tàu điện ngầm đèn đóm sáng choang, nơi công ty bách hoá, trong quán cà phê lúc đêm khuya, trong căn phòng cũ kỹ bên phải cổng nhà kho, chốn bụi bặm trên lầu cổ, nơi nghĩa địa lạnh lẽo… đám chim đó vẫn bay quanh đầu cô, nghỉ ngơi trên người cô, tự do chui vào chỗ trái tim cô đang phập phồng. Mang theo âm thanh của gió lạnh. Nhưng không một ai bên cạnh có thể nhìn thấy.
Khi cô yêu một chàng trai, bầy chim nhanh nhẹn tản ra bốn phương, bay vòng vòng trên không trung. Lúc cô đau khổ, chúng trầm tư im bặt trên các mái nhà hoặc cành cây. Chúng bay lên bay xuống, không cách nào tìm được. Tầm mắt của cô gái xuyên qua bầu trời của thành phố, rơi tõm trên cánh đồng hoang mênh mông.
Rồi một hôm cô chết. Bầy chim biến mất trong cái xác mục ruỗng của cô, rồi đột nhiên vứt lại những đôi cánh đầy màu sắc đang chuyển động, bỏ cô ra đi.
Đôi cánh chim rung động trên không. Đó là một âm thanh kêu la, thê lương, đầy nỗi khiếp sợ. Một dạng di chuyển không xác định được chốn về. Bầy chim vần vũ trên người cô gái, nhưng tất cả mọi người đều không nhìn thấy. Rạp chiếu nhỏ của tôi và các rạp chiếu khác cũng không khác nhau quá nhiều. Có điều chỉ chiếu một bộ phim. Biên kịch, đạo diễn và diễn viên chính đều là tôi. Khán giả cũng chỉ có một. Hoặc là một người lạ hoặc là chính tôi.
Thời gian này, tôi thường bị mất ngủ, chỉ có thể xem băng đĩa lậu hoặc đọc truyện suốt đêm. Rồi tờ mờ sáng lại ngả vào cửa sổ hút thuốc. Bầu trời xanh thẫm xa xa dần chuyển sang màu trắng. Cây anh đào gần đó đã phủ một lượt hoa trắng hồng. Biết hoa tàn nhanh nên lần nào tôi cũng ra sức ngắm chúng lâu hơn. Lúc đó thầm nghĩ nếu bên cạnh có người, đẹp như hoa anh đào, cùng ngắm sẽ rất đẹp. Trong màn đêm tối om có thể ngửi thấy tiếng cánh hoa mềm mại bay trong gió.
Trong cuốn tiểu thuyết "Cây xuân trong xóm", thích nhất mấy từ "nghe tiếng gió reo". Vì nhân vật nam đó luôn đạp xe tới bờ biển trong đêm tối. Anh ngồi đó hút một điếu thuốc rồi trầm tư bỏ đi. Bên bờ biển, anh ngồi một mình trên thềm đá, mắt dõi ra biển cả xa xăm.
Sự cô đơn của con người nhiều khi rất khó diễn tả bằng lời.
Tôi kể với Tiểu Chí vừa xem xong bộ phim Hạnh phúc bên nhau của đạo diễn Vương Gia Vệ. Tình cảm của hai người đàn ông, vương vấn day dứt mãi không thôi. Cuối cùng không tìm nổi đối phương, không thể bắt đầu lại từ đầu. Tiếng khóc kìm nén của người đàn ông trong máy ghi âm bị gió thổi vung vãi cả. Hàng ngàn lời nói, biết bắt đầu từ đâu. Một số chi tiết quá bình thường, nửa đêm đi mua thuốc lá, nhảy múa trong bếp, ngắm bạn tình đang ngủ say... Cuối cùng vẫn cô đơn. Nhưng cảm động. Khi Lương Triều Vỹ một tay cầm thuốc, một tay cầm bình rượu, lái xe trên con đường tới thác nước. Vì luôn cần một chút ấm áp. Ngại gì một chút dẫu chỉ coi là kỷ niệm.
Nhớ tới một người bạn trước đây, trên tay có một vết sẹo do dùng kim hơ qua lửa với rượu xăm lên da, viết tên cô gái đầu tiên anh yêu. Ba vết sẹo xấu xí sẽ đi theo anh suốt đời. Nhưng cô gái và tình yêu đã sớm rời bỏ anh. Vì thế tình cảm có khi chỉ là chuyện của một người. Chẳng liên quan tới bất kỳ ai. Yêu hoặc không yêu chỉ có thể tự mình ngắt bỏ. Vết thương là nỗi nhục do người khác đem lại, ảo giác do mình tự lao theo.
Vết thương đau đớn nhất luôn khó kể thành lời. Chỉ có thể tìm một góc tối giấu mình.
Vào các buổi sáng sớm, tôi lên mạng vừa hút thuốc vừa thảo luận với Tiểu Chí về những vấn đề này. Nhiều khi, tôi cảm thấy mình như tự nói một mình nhưng cũng chẳng sao. Cô ấy nghe tôi nói. Cách một khoảng cách hư ảo, chúng tôi không thể xác định được hai đứa cách nhau bao xa. Có lẽ đã từng lướt qua nhau trong tàu điện ngầm. Cũng có lẽ cả đời chưa từng nhìn thấy mặt nhau... Nhưng chúng tôi đang trò chuyện.
Đó là một cuộc tâm tình chân thật. Mọi ngôn từ đều tuôn chảy từ trái tim lạnh lẽo khuất nẻo.
Tiểu Chí nói, rất nhiều người nhìn ra tưởng không còn vết thương. Ai nấy đều nhớ bảo vệ mình thật tốt. Cẩn thận tìm kiếm sự cân bằng giữa cho và nhận, hy vọng người khác yêu mình, kiên trì sự tự do cá nhân, nồng nàn và giản dị khi yêu người khác. Cũng giống như bầy chim, lần lượt bay đi, rời xa cái thành phố vật chất và dục vọng này. Cũng giống như rất nhiều năm, chúng ta không còn nghe thấy tiếng chim râm ran đầu phố sầm uất nhất thành phố.
Tôi nói, Thế còn cậu?
Cô ấy đáp, Mình như một con chim, đầy cảnh giác, không dễ đậu lại. Do vậy cứ bay mãi khôn nguôi.
Hai tuần sau, chúng tôi quyết định gặp nhau.
Cuộc hò hẹn của hai cô gái.
Tôi tìm mãi không ra được lý do để không giáp mặt Tiểu Chí. Chúng tôi đều là người lớn, huống hồ lại cùng giới. Không giống như lũ trẻ lợi dụng không gian hư ảo trên mạng bày trò chơi tình cảm. Tiểu Chí nói, Cậu thích uống Espresso suất đúp, đúng không? Mình ở quán Starbucks, làm các buổi chiều thứ hai, tư, sáu hàng tuần. Nếu cậu đồng ý, mình muốn tự tay pha cà phê cho cậu. Cậu có thể tới. Dưới khoé mắt trái của mình có một nốt ruồi hạt lệ màu nâu, mọc thẳng. Trên tai đeo bảy chiếc khuyên.
Tôi không thường tới quán cà phê. Mặc dầu có người bạn từng góp ý nên tới đó sáng tác.
Mang máy tính xách tay, vội vã đi xe buýt tới quán cà phê trong trung tâm thành phố khác nào đi làm. Ngửi mùi cà phê thơm, ngắm ánh nắng chan hoà nhảy nhót trên các ngón tay thoăn thoắt đánh trên bàn phím. Rồi châm một điếu thuốc.
Quán cà phê ở Thượng Hải rất nhiều. Con người lớn vừa rộng vừa sạch sẽ, hai bên trồng kín cây ngô đồng cao to của Pháp. Mùa hè, ánh nắng xuyên qua đám lá xanh tươi tốt, đánh xuống đường những bóng sáng lấp loá. Mùa thu có vô số lá vàng rụng, như đám chim rũ cánh bay xa trong gió. Những quán cà phê xinh đẹp nằm ngay dưới bóng cây.
Khung cửa ra vào và khung cửa sổ đều màu đỏ, tường quét sơn trắng tinh. Mặt bàn tròn phủ tấm khăn dệt bông hình ô vuông trắng đỏ. Ghế gỗ. Đèn treo thấp. Ánh sáng đèn toả một màu vàng ảm đạm trong đêm. Nhưng ban ngày đã có ánh nắng mặt trời oà vào như nước nhờ phản chiếu từ tấm kính cửa sổ.
Phong cách tiệm nhỏ châu Âu ấm cúng, mộc mạc. Trên tường treo mấy tấm tranh khung gỗ tuyệt đẹp. Phần lớn đều là quảng cáo rượu và socola, màu sắc tươi tắn phối với những hàng chữ tiếng Anh khoa trương. Âm nhạc tuôn ra từ máy nghe đĩa là những ca khúc đồng quê đã bị thời gian xuê xoa hoặc là những ca khúc cổ hoài niệm, tràn đầy những tình cảm êm dịu, mộc mạc. Cậu thanh niên trẻ áo sơ mi trắng, thắt cà vạt đứng sau quầy bar. Máy cà phê và âu đựng hạt cà phê lấp loáng ánh sáng trong cảnh tranh tối tranh sáng. Trên chiếc tủ bếp phía sau bầy đủ các loại rượu theo năm. Whisky, vang đỏ... Đó là loại dịch thể khiến người ta chìm đắm như tình dục. Rượu tinh khiết, ngọt ngào. Hơi thở của máu.
Quán cà phê cũng có bầu không khí nghiêm túc. Rất hợp bàn chuyện làm ăn hoặc ngồi tính chuyện yêu đương chân thành. Đệm ngồi bằng da mềm, cà phê rang cháy đặc biệt, trà và đồ ngọt càng tinh tế, có phục vụ điểm tâm sáng. Không khí ở đó phù hợp để chìm đắm, hoặc trò chuyện.
Tôi không thích đám bọt bơ và bột quế rắc lên trên Capuchino, dù nó thịnh hành suốt một thời kỳ. Cà phê ngon nhất được uống là Espresso American gần khách sạn Boteman. Đó là một quán nhỏ hẹp chỉ chứa được vỏn vẹn bốn người khách, cộng thêm hai nhân viên, nhưng có loại cà phê xịn nhất đặt làm riêng. Lần đó kèm theo một miếng bánh socola có nhân mua ở siêu thị trong khách sạn. Ủ trong tay một tách cà phê màu nâu đen, hương thơm ngát mũi, khiến người ta phải chìm đắm. Tôi thường kêu suất đúp cà phê Espresso của Italy vì vị đắng đậm đà, nguyên chất. Mỗi suất chỉ là một ly nhỏ. Loại cà phê đặc này thực sự để dùng lấy tinh thần.
Đối với tôi, mục đích duy nhất tới quán cà phê chỉ là uống cà phê.
Tôi biết rất nhiều quán con của Starbucks. Dạng quán cà phê kiểu Mỹ này cung cấp nơi cắm điện. Mười hai đồng có thể mua được một tách đầy, đủ để tiêu hết một buổi chiều. Ghế bành màu xanh lá cây vừa to vừa êm ái, xoay thẳng ra cảnh vật ngoài đường phố. Ở một góc phía sau cửa sổ bằng kính trên tấm bảng đen to viết các loại cà phê bằng chữ trắng, có cảm giác nhiệt tình chất phác. Trong tủ kính có bánh gatô pho mát, pizza và nước hoa quả. Mỗi lần tới đây, thời tiết đều oi bức. Rất nhiều người ngồi kín các bàn, trò chuyện, xem báo, nghe nhạc, gọi điện thoại, ngồi thừ ra hoặcnghỉ ngơi. Bên trong, ngườiđã ngồi kín cả, phải chen chúc ra ngoài trời. Khách hàng sớm nhất tới uống cà phê, ăn sáng xong mới đi làm.
Khi tôi tới đường Nam Kính Tây, hoàng hôn đã rơi. Hai cô nhân viên tíu tít pha chế sau quầy. Cùng mặc đồng phục như nhau, đều trẻ trung và bình dị. Tôi nhìn kỹ họ. Có một cô gái tóc thẳng, da hơi thô, khoé mắt trái có một nốt ruồi hạt lệ. Khiến dung nhan vốn rất bình thường của cô nom hơi lạ.
Cô cất tiếng, Chào cô.
Tôi đáp, Chào cô.
Nụ cười của cô như đoá hoa xoè cánh, bên cánh mũi là vết nhăn mảnh. Nụ cười đó không giả chút nào. Tôi tin rằng đó là do tâm trạng cô đang vui vẻ và tính chất nghiệp dư của công việc tạo thành. Bao gồm cả bảy chiếc khuyên bạc đã xỉn màu trên tai trái cô. Trên cằm cô vừa mọc một nốt trứng cá. Mùi nước hoa tường vi hiệu Anna Sui thoang thoảng trên người cô hoà quyện với mùi mồ hôi.
Tiểu Chí hầu như không mấy khác biệt trong tưởng tượng của tôi.
Chúng tôi tìm mấy tiệm băng hình. Cô áp người lên quầy. Ánh nắng chiếu rọi cả đám bụi xám vờn bay trong không gian. Cô tì một tay lên bàn, nâng đỡ cả cơ thể. Còn tay kia cầm một điếu thuốc Hồng Song Hỷ, ngửa mặt nhìn đám khói vừa nhả ra.
Chúng tôi trở thành bạn, dễ như vậy. Rất đơn giản, không chút khó khăn. Dường như sau khi đi được một chặng đường rất mệt, bỗng nhìn thấy một chiếc ghế thoải mái và sạch sẽ liền ngồi ngay xuống.
Trong phim Ngài Bươm Bướm, nhân vật nam chính yên lặng đứng trong bóng đêm mát lạnh như nước của Bắc Kinh thập niên 60, xem một cụ già bắt lửa đom đóm bên cạnh giếng.
Nhân vật nữ có nụ cười oán trách trên sân khấu đi tới bên anh, cô đơn im lặng. Cô có mái tóc đen, đôi mắt nhung huyền, làn da vàng vọt. Cô ta là một người đàn ông Trung Quốc. Anh đã phải lòng một người đàn ông. Tình yêu hiểu thấu ruột gan nhau là tình yêu có thật. Chỉ có hạnh phúc là giả tạo. Thứ tình yêu từng ngộ nhận là tươi đẹp... chỉ là một ván cờ bày ra trong số kiếp.
Dưới con mắt chứng kiến của mọi người trong chốn ngục tù, anh chọc dao vào bụng mình. Môi anh thoa một lớp son đẹp thê lương, mặt phủ đẫm phấn trắng tê tái. Đó là một phụ nữ Nhật Bản khô héo trong chờ đợi. Là một vai diễn mà người đàn ông Trung Quốc kia đã từng đóng. Anh quỳ xổm trên mặt đất, hai tay nắm chặt con dao, lấy hết sức đâm thẳng. Xé toạc nơi sâu thẳm của cơ thể mình. Đau đớn và máu tươi đem lại niềm an ủi. Đó là chuyện của bốn năm sau. Tình yêu của anh, người phụ nữ anh yêu say đắm, con trai của anh, cuộc sống Trung Quốc của anh... Té ra chỉ là một ảo ảnh bị xé vụn. Chỉ có cái chết mới có thể cân bằng với nó.
Trong các phim do Jeremy Irons đóng vai chính, thủ pháp của đạo diễn rất bình thường, không có các tình tiết lắt léo lên trầm xuống bổng, cũng không có những pha tình cảm thái quá. Diễn viên luôn bị đối xử như trẻ con, vì họ có những ngôn từ và hành vi rất ấu trĩ. Nhưng tôi là người lớn – anh từng trả lời phỏng vấn như vậy. Cách của người lớn chính là cần phải khống chế nỗi đau, để nó cắm sâu vào cơ thể mình như lưỡi dao, cùn tới mức không phát nổi ra tiếng. Nhưng đủ bén tới mức có thể xọc được vào.
Tôi đã trải qua ngày lễ lao động năm đó như thế này: mua một tấm vé trên bến xe buýt đường dài Thượng Hải, lên xe đi Tô Châu. Đối với ngành nghề tự do, các ngày nghỉ lễ tết được dựng nên thật giả tạo, nhưng tôi muốn được hưởng thụ một niềm vui bình thường.
Nhốt mình trong nhà suốt một thời gian dài không phải là cuộc sống mà ai cũng có thể chịu được. Tôi sáng tác, đau đầu, ngủ, u uất, buồn bực, ăn, hút thuốc, xem kênh ca nhạc, tắm, bò trên cửa sổ hút thuốc... Cuộc sống có biết bao mệt mỏi.
Có lúc tôi nghĩ, cuộc sống viết lách như vậy đến bao giờ mới kết thúc đây. Nhưng không thể có một chàng trai đột nhiên xuất hiện, nói với tôi rằng, Để anh đưa em đi, cho em một gia đình, hàng ngày em chỉ cần uống trà, phơi nắng và đọc sách... Đúng là ngủ mơ giữa ban ngày. Tôi là người thích hưởng thụ vật chất. Tôi công nhận. Tôi luon mơ tới một ngày có thể trốn tránh hết tất cả gương mặt của những người xa lạ, không cần nhìn ngó họ nhiệt tình hay lạnh lùng, vui sướng hay phẫn nộ. Chỉ vì tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn có một không gian cho riêng mình, được nghe đi nghe lại loại nhạc Ireland, đọc truyện Kinh Thánh, xem gương mặt gian trá nhưng cũng rất ngây thơ của Châu Tinh Trì. Hoặc nằm trên giường ngắm vệt nắng nhảy múa trên tấm rèm cửa sổ.
Thế giới của tôi tĩnh mịch không lời, không dung nạp bất kỳ ai.
Luôn không muốn đi làm. Cũng chính vì mục tiêu đó mà rút cuộc phải ra sức làm việc. Có người từng nói, một người luôn muốn tự sát. Nhưng vì mục tiêu rõ ràng đó, anh ta lại sống được, và sống rất lâu. Tôi quên mất không biết đó có phải là lời của một nhà triết học hay từ một bộ phim Iran. Đọc được những lời lẽ mâu thuẫn logic đúng tựa đáy lòng tôi. Thế mới biết thế giới có nhiều người suy nghĩ giống nhau. Bất kể họ bị ngăn cách ra sao bởi thời gian và không gian, bởi sự sống hay cái chết. Mọi người đều sống không dễ dàng.
Không đi ra ngoài tiết kiệm được ối tiền. Không cần phải ngắm đám vật chất bày chen chúc trong các siêu thị. Dường như không khí đầu phố đâu đâu cũng tràn ngập quyến rũ. Tôi chỉ đi một lần ra siêu thị mua đồ ăn theo đúng định kỳ, bánh ga tô hạt dẻ, bánh mỳ, xúc xích, khoai tây chiên, nước hoa quả, sữa bò hộp... Tất cả đều tống vào tủ lạnh, rồi nuốt. Tinh bột, protein, chất xenlulô, cácbon, nước hoà vào nhau, thông qua đường thực quản chui tọt vào dạ dày, giúp cái bụng rét run được no ấm, phát ra những tiếng rên rỉ thoả mãn. Tôi quá yêu quý cái dạ dày của mình. Dạ dày là cơ quan trực tiếp phản ánh trạng thái tinh thần của một con người.
Tôi căm hận sự nghèo nàn và khiếp sợ nhất cái đói. Cách tự cảnh tỉnh như vậy khiến người ta thấy đáng hổ thẹn.
Ngày mùng một tháng năm đó, hơn mười một giờ trưa tôi mới tỉnh dậy, nhìn thấy ánh nắng rực rỡ ngoài cửa sổ. Tự nhủ, có thể đi Tô Châu. Lên xe. Những mảnh ruộng xanh mướt và thôn trang nhỏ lướt qua ngoài cửa xe. Trong xe, ti vi đang phát một bộ phim đấm đá cũ rích kiểu Hồng Kông. Tôi cầm điện thoại lên ngắm, rồi tắt máy. Ngủ tiếp một giấc.
Hai tiếng sau tới Tô Châu. Ăn một bát hoành thánh nóng hổi ven đường, hỏi đường, cứ đi thẳng về phía trước. Đường phố chật hẹp, có những tấm đá xanh trơn trụi và những cây ngô đồng Pháp trụi lá. Đám cư dân sinh sống bên phố có người già, trẻ con, chó mèo, tất cả đều nhàn rỗi ra phơi nắng. Từng tiệm nhỏ kế tiếp nhau, từ ngoài nhìn vào thấy bên trong sâu thăm thẳm.
Mua một tấm vé tại bảo tàng thêu, ngắm những bộ trang phục thêu cổ qua lớp kính. Đứng trong sân nghe chim hót một lúc rồi lại đi về phía trước. Mua một đống sách hạ giá trong tiệm sách cũ, đa phần là sách cổ Trung Quốc. Rồi mua một củ khoai lang nướng thơm nức ở đầu phố, ngồi xuống bậc bên lề đường vừa sưởi nắng vừa ăn.
Ăn xong, thầm nghĩ phải quay về Thượng Hải. Thế là lại mua một tấm vé ở bến xe đường dài. Lúc ngồi đợi xe phát hiện thấy bắt đầu hoài nghi về chuyến đi vừa rồi. Lẽ nào mình tới đây vì để quay về? Rất nhiều lần tôi đã tự cảnh tỉnh mình không nên nghĩ ngợi những vấn đề đầy ý thức luận. Bao gồm cả chúng ta, thực ra là một sự trống rỗng tuyệt đối. Mọi thứ sinh ra, tiêu hao đều vì biến mất mà thôi... Rất không may là năm hai mươi lăm tuổi, tôi chưa gặp được một chàng trai ấm áp nào để gả phắt mình đi cho rồi. Nên cứ đứng ở cái ga nhỏ xíu chốn xa xôi này ngẫm ngợi đủ điều. Lúc đó, tôi rất thất vọng về mình.
Tôi bấm điện thoại gọi Tiểu Chí. Tôi hỏi, Đang làm gì thế?
Cô ấp đáp, Đang ngủ. Mình thôi việc rồi.
Tiểu Chí đợi tôi ở quán cà phê đường Hoài Hải. Lần này gặp lại, cô cũng không có gì thay đổi. Mặc chiếc áo khoác bông màu xám đen, vừa vào trong quán đã cởi tuột, bên trong vẫn là chiếc áo phông dày màu đen. Cô vừa rút thuốc ra định châm, nhân viên phục vụ đã tới ngăn lại, báo rằng nơi đây cấm hút thuốc.
Tại sao? Tại sao không được hút thuốc? Cô ngẩng đầu, thành thực đôi cô với nhân viên kia.
Bởi đó là quy định của quán.
Quy định không hợp lý cần được xoá bỏ.
Xin lỗi cô. Xin cô hợp tác với chúng tôi.
Xin lỗi phỏng có ích gì? Chúng tôi phải đi bao nhiêu đường đất mới tới đây... Tiểu Chí càng nói càng hăng. Tôi đành đứng dậy, cầm áo khoác cho cô ấy, kéo tay lôi ra ngoài.
Đừng làm ầm lên nữa. Người ta đúng đấy.
Đúng cái gì? Hút thuốc cũng là một cách sống, cần phải được tôn trọng... Chúng mình đội gió rét trong đêm, đi trên phố vắng - Tiểu Chí vẫn kêu ca. Tôi nghĩ, mình thích cô ấy chính bởi những thứ thật thà này. Chúng tôi hút thuốc ở bến xe, nghĩ xem có thể đi tới đâu.
Tôi nói, Hay là về nhà mình xem phim?
Được thôi, bộ phim Trời xanh rộng lớn cũng không tệ. Phim Pháp. Cậu nên xem đi.
Chẳng có hẹn hò với anh nào sao? Tôi hỏi.
Tất nhiên, loại con gái như tớ luôn gặp khó khăn trong tình cảm.
Chúng tôi ghé vào một siêu thị nhỏ. Tôi mua mì gói, hai bao thuốc Hồng Song Hỷ và một chai Whisky Scotland. Tiểu Chí giở chai ra ngó, như một đứa trẻ, nét mặt vô cảm. Cô có khả năng khống chế tâm trạng nhưng nỗi cô quạnh vẫn tuôn rơi. Mùi sộc lên. Giống như lúc cầm dao bổ đôi quả cam, lưỡi dao và đầu ngón tay thấm đẫm nước cam, toả ra vị dịu ngọ, chua ngon.
Cậu có bạn trai chưa? Đột nhiên cô hỏi tôi, vừa soi mình trước tấm kính dưới ánh đèn.
Chưa. Còn cậu?
Từng có. Chưa muốn dừng lại. Có lúc cảm thấy tình cảm rất giống một gói đồ, vác trên lưng, rất nhiều năm nhưng tìm mãi vẫy chưa được ai để dỡ xuống.
Có thể đợi tới thời gian và địa điểm thích hợp để trao cái gói đồ cho một người phù hợp.
Phải chờ bao lâu?
Không biết. CÓ thể vừa đi vừa đợi. Không nên chờ một chỗ. Hơn nữa khi tìm được người đó, phải cho anh ta cảm thấy món quà tặng đó thật cao quý. Để anh ta biết rằng cậu không tùy tiện cho ai.
Tối đó, chúng tôi trò chuyện không nhiều. Tiểu Chí uống một ít rượu. Tửu lượng của cô không tốt, trằn trọc trên sa lôg một lúc đã ngủ thiếp đi rất nhanh. Tôi cởi quần áo giúp cô, đắp hộ chăn. Rồi nhét DVD vào máy, xem phim.
Phim rất dài, tôi thấy căn nhà màu trắng trên đảo Hy Lạp, biển Sicialla xanh thẳm, hai người đàn ông thích thám hiểm đáy biển sâu. Hút rất nhiều thuốc lá. Gạt tàn đầy ú ụ. Giữa chừng ra bếp nấu mì ăn.
Nhân vật Jack gọi điện thoại cho cô gái anh đang yêu. Cô gái đó ở rất xa, đòi anh kể chuyện qua điện thoại đường dài. Jack nói, Em có biết gặp được người cá bằng cách nào không? Phải lặn xuống đáy biển. Nước ở đó rất xanh. Trời xanh biến thành hồi ức. Nằm trong sự tĩnh lặng, em quyết định dừng lại ở đó. Ôm quyết tâm dù phải chết. người cá mới xuất hiện. Họ sẽ tới hỏi thăm em, thử thách tình yêu của em. Nếu tình yêu của em thực sự chân thành, thực sự trong sáng, họ sẽ chấp nhận em. Rồi đưa em đi vĩnh viễn...
Cuối cùng anh ta vẫn rời bỏ người con gái mà anh yêu tha thiết và sinh mệnh mới thuộc về anh trong bụng cô, để đơn độc thám hiểm dưới đáy biển sâu. Không ai hiểu tại sao.
Phần kết, chàng trai bám theo sợi dây bảo hiểm, lặng lẽ tuột xuống, mãi cho tới đáy biển đen thăm thẳm. Anh đơn độc dừng lại trên chốn lạnh lẽo thiếu dưỡng khí đó. Một vệt sáng đánh lên khuôn mặt anh. Lũ cá nược xinh đẹp khẽ kêu lên, nhìn anh đầy ngờ vực. Anh chìa tay ra, bơi theo chúng. Rồi kéo lên một màn đen. Nhạc nổi lên. Trên gelleric, đạo điễn đánh một dòng chữ, Dành tặng cho con gái tôi. Ông đã tặng cho cô con cưng cả nỗi cô đơn của biển cả.
Ba giờ sáng. Tôi đi tắm. Lúc đi ra, thấy Tiểu Chí đã tỉnh, đang ăn nốt chỗ mì dở của tôi ở bếp. Cô dùng tay bốc mì. Tôi nhìn cô. Cô nói, Công việc lần thứ mười một của mình đấy, chỉ kéo dài có hai tháng.
Sao không làm được lâu?
Vì chán ngán. Quá nhiều kẻ vô vị, quá nhiều chuyện tẻ nhạt... Cô nói. Tớ mà ở nhà nhưng vẫn nuôi thân được như cậu thì tốt quá.
Nhưng mình cứ nghèo mãi. Cũng có lúc chả ai giúp.
Tớ không sợ nghèo, chỉ sợ chẳng có hứng thú với cái gì. Đi tới đâu cũng không thể dừng lại được...
Tôi khuyên, Trước tiên nên làm rõ mình thực sự cần cái gì, Tiểu Chí ạ. Chúng ta có thể thất vọng, nhưng không thể mù quáng.
Tiểu Chí bắt đầu yêu râấ nhanh. Đó là mục tiêu mà cô coi là rõ ràng. Cô ví tình cảm giữa họ như một bộ lễ phục dạ hội. Nói rằng đôi khi tiêu một mớ tiền mua đồ sang trọng, không mặc mấy nhưng có hứng thú. Mua xong treo trong tủ, cũng hiếm khi ngắm. Dù biết đắt nhưng không dùng. Tâm trạng đúng như vậy.
Họ quen nhau gần một tháng. Anh ấy là giám đốc nghiệp vụ một công ty viễn thông. Người Tây. Đến từ Đức. Anh có mớ tóc vàng và đôi mắt như viên bi thuỷ tinh, thân hình cao lớn, tên là Frank. Lần đó Tiểu Chí bị bạn bè kéo tới chụp hình trongmột bữa tiệc Tây. Người rất đông. Cô vùng vẫy trong đó như vọc nước bắt cá, tay cầm một ly Martin, một cái bánh hambuger kẹp thịt, tới một góc khuất nhất. Anh tới gần cô, nhìn chăm chú. Ngắm cái dáng ăn ngấu nghiến của cô. Hôm đó cô mặc một chiếc quần bò hơi bẩn, chiếc áo sơ mi tay dài sợi bông màu đen, đi giầy thể thao, trên cổ lủng lẳng chiếc máy ảnh rất nực cười. Anh nói, Cô có cần một cốc Coca không? Cô đáp, Tôi chỉ uống nước lạnh hoặc rượu. Thế là anh đi tới hỏi nhân viên phục vụ mang một ly nước lạnh tới.
Sự cô đơn của một phụ nữ là hàng trăm lỗ thủng. Chỉ vì một người đàn ông nhìn cô quá năm phút. Vì anh ta nhìn cái dáng ăn phàm phu của cô. Vì anh ta đi lấy hộ cô một ly nước mát. Thế là Tiểu Chí nói với tôi rằng cô đã yêu.
Tôi vẫn một mình. Thời tiết ấm dần. Thời tiết Thượng Hải như một bộ quần áo giặt xong vẫn không sạch, cứ lay động không ngừng trong khói bụi đặc quánh và ẩm ướt. Người đi lại vội vã. Quỹ đạo cuộc sống rất khó thay đổi.
Có lúc tôi băng qua bãi ngoài Thượng Hải như phải đi giao bản thảo cho tạp chí. Đây là nơi tiêu biểu của Thượng Hải. Nó khiến tôi ý thức được dấu vết của mình ở thành phố này trong đám người ngoại tỉnh qua lại, xâm lược và hưởng thụ cuộc sống vật châấ, phong cảnh và tình cảm ở đây. Dưới bầu trời u ám vốn có của Thành Phố, những toà nhà phương Tây cổ mọc lên như rừng, toả ra tinh thần suy sụp. Tôi phát hiện mình có hứng thú với những thứ cũ kỹ. Trong những vết thương được thời gian vuốt ve, đầy thú vị, nhưng chưa từng thổ lộ. Đồng thời tôi cũng không rõ ý nghĩa của thời gian này đối với con người, chẳng hạn như ý nghĩa của ngày cuối cùng và ngày đầu tiên.