Ngàn năm Athens

    
ạn bè tôi hay hỏi “Đi được những đâu rồi?”, và lắng nghe một cách hờ hững những nơi tôi liệt kê một hơi như được lập trình sẵn. Nhưng mười người như một, cứ đến khi tôi nhắc đến Hi Lạp, ai cũng mắt sáng rỡ lên: “Mình cũng thích Hi Lạp lắm, ước gì được một lần đến Athens!
Hóa ra nền văn minh cổ đại mấy nghìn năm nay có sức hút mãnh liệt gấp mấy lần những ánh sáng Paris, hội hè Amsterdam, sông nước lãng mạn Venice hay lễ hội bia quốc tế Munich!
Nhưng thành thật mà nói Athens không được “huy hoàng” như tưởng tượng của tôi khi vừa bước ra sân bay. Tôi đến Hi Lạp sau chuyến bay gần bốn giờ đồng hồ từ Thụy Điển – một lộ trình kì quặc vì hai nước nằm ở hai đầu châu Âu, có lẽ không du khách balô nào điên rồ lặn lội một hơi từ cái lạnh cắt da của vùng Scandinavia để đến với những cơn nắng như thiêu vùng Địa Trung Hải. Cảnh vật từ sân bay vào trung tâm thành phố còn đáng ngán ngẩm hơn bội phần: hai bên đường những ngôi nhà bêtông cốt thép vừa mới xây lẫn đang đang xây đều không có chút cá tính riêng nào. Gạch ngói ngổn ngang, đường phố bụi tung mù mịt, nóng bức bối, lại còn kẹt xe! Nhiều khách du lịch châu Âu khi trông thấy Athens đã lập tức “biến” ngay đến những đảo biển xanh nhà trắng êm đềm đẹp như postcard cách thủ đô Hi Lạp không xa, quả cũng có cái lí riêng của họ.
Những bảo tàng dưới chân du khách
Những du khách du lịch vội vàng ấy vì hấp tấp đã bỏ qua bao điều kì diệu mà ngoài không Athens đâu có được. Có thành phố nào trên khắp châu Âu mà thỉnh thoảng bạn lại bắt gặp ngay dưới chân một công trình lộng lây bằng đất và đá được xây dựng vài chục thế kỉ trước, được bảo tồn bằng cách phủ kính dày trong suốt lên để người đi đường sững sờ đứng lại chiêm ngưỡng? Và những công trình như vậy có nhiều đến độ dù  muốn dù không, những người kế thừa nền văn minh ấy không thể bảo tồn trọn vẹn được hết mà phải khai quật lên đưa một phần vào viện bảo tàng.
Ở một ga xe điện, bên trong là cả một bảo tàng nhỏ của riêng nó với những vật trưng bày được tìm thấy khi người ta đào xuống để xây dựng ga. Những bình, chậu, chày cối, nữ trang… chạm khắc từ đất, đá, gốm, đồng, vàng… có thứ được làm từ cách đây năm, sáu ngàn năm, trong vẫn tinh xảo đến mức không thể tin được. Chỉ cần một điểm như thế này thôi cũng đủ là niềm tự hào của nhiều quốc gia khác, nhưng ở đây không ai buồn để ý! Thấy tôi ngơ ngẩn vừa đứng nhìn vừa trầm trồ, cô Gerlinde bảo: “Ngày mai mình đến bảo tàng khảo cổ quốc gia. Ở đó có hàng vạn tác phẩm như thế này, rất nhiều thứ còn xưa hơn nữa”. Cô Gerlinde là mẹ của bạn tôi, một trong số rất nhiều gia đình đến từ những ngước vùng núi Alps lạnh giá, chỉ một lần đến thăm Hi Lạp đã bị đất nước này níu chân, và đã xây những ngôi nhà trắng xinh đẹp kiểu nông dân trên hòn đảo cách thủ đô vài tiếng đi phà.
Kỳ vĩ Đá Thiêng
Chúng tôi lên thành phố Acropolis, còn được gọi là “Đá Thiêng” (Sacred Rock), để chiêm ngưỡng biểu tượng một thời vàng son của văn minh Hi Lạp. Để đến Acropolis nằm trên đồi cao – đúng như tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp acro – trên cao, polis – thành phố, chúng tôi băng qua khu phố Plaka thế kỉ 19 thật hội hè với những kệ bán hàng lưu niệm xinh xắn: bánh xà phòng từ dầu oliu nguyên chất được làm bằng tay,chuỗi hạt tròn vo bằng đá có vân hơi đục và lọ mật ong vàng óng ngọt ngào. Bên đường đầy những nhà hàng (taverna) có hoa giấy nở đỏ tường nhà cổ quét vôi vàng nâu đặc trưng Địa Trung Hải, bàn trải khăn caro, với những khách du lịch da dẻ rám nắng vui vẻ nói cười.
Cách đây hơn 25 thế kỉ, sau chiến thắng ở cuộc đua marathon đầu tiên của nhân loại vào năm 490 trước Công Nguyên, người Athens đã đặt những tảng đá đầu tiên làm nền móng thành Acropolis để tôn thờ vị thần hộ mệnh của thành phố - nữ thần Athena Parthenos. Mười năm sau kì công này đã bị người Ba Tư phá hủy. Sau 30 năm tạm ngừng, Periscles bắt tay vào cho xây dựng lại công trình với qui mô hoành tráng gấp nhiều lần
Khi đứng trên đồi cao từ phía bên kia, trông về Acropolis sừng sững trong những cơn gió lồng lộng, sẽ khó tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi khi nhìn Athens hiện đại lô xô bên dưới. Nhà cửa xây cất không theo trật tự và những mảng màu xám lấn át cả khu phố cổ nâu vàng có những cây ôliu xanh lúp xúp. Những tòa nhà chung cư bên ngoài đã xuống cấp, tàn tạ, quần áo phơi lung tung không khác những cuốn phim về thời bao cấp ở Việt Nam. (Sau đó tôi tình cờ đọc một bài báo gọi Athens là nơi có những công trình xưa vĩ đại sống sót giữa một biển ximăng). Tôi quay sang, nói đùa với Daniel đang ngồi bên cạnh: “Nếu người Hi Lạp cổ đại sống dậy, chắc sẽ xấu hổ khi thấy những gì thế hệ sau đang làm quá!”. Nói xong, tôi tự nhiên thấy buồn buồn, tiếc cho một nền văn minh huy hoàng đã qua không được kế thừa.
3 ngôi đền nổi tiếng nhất của Acropolis được dựng lên cách đây mấy ngàn năm: Parthenon, Erechtheion và đền Nữ thần Nike. Trên đỉnh cao nhất sừng sững Parthenon bằng đá cẩm thạch với những hàng cột hơi cong, chỗ thuôn nhọn hai đầu, chỗ phồng lên, cố ý chệch hướng với những qui tắc toán học khắt khe để thổi hồn vào đá cứng. Những trụ gạch (Frieze) chạm khắc thật nhiều hình ảnh tinh xảo: hình những nữ thần Hi Lạp cổ đại, thân hình tuyệt mỹ, đầu đội những cổng vòm, hình những vị thần cưỡi ngựa sống động như đang diễn ra trước mắt… Đặc biệt hơn cả là bức trụ ngạch dài hơn 150m, vẽ cuộc diễu hành của 400 người gồm cả người hầu gái, quan tòa, nhạc công và 200 con vật. Vào thời điểm tất cả những bức tượng đều đắp hình thần thánh, việc mô tả người bình thường là một bước đột phá của “Đá Thiêng”. Chỉ trừ hướng cảng, cả thành phố Athens được bao bọc xung quanh là núi. Gió thổi lùa qua những cột cẩm thạch hiu hắt, những tảng đá “xanh ngời liêu trai” từ vài ngàn năm trước xếp chồng rải rác quanh tôi.
Trên chuyến phà về lại đảo Evia, hoàng hôn buông xuống biển xanh nhuộm trời đất mây nước một mầu vàng lộng lẫy. Phía bên kia là Athens, cái nôi của một nền văn minh cổ đại đỉnh cao, thành phố đã cho tôi những cảm xúc đan xen nhau: sững sờ, ngơ ngẩn, thất vọng, tự hào, kính phục, nuối tiếc, vui sướng, buồn bã. Tôi chỉ ở đó trong vòng 24 giờ mà cứ tưởng đã về lại ngàn năm.