Đi uống cà phê

    
hững ngày học cấp hai, tôi thường rất khoái những ngày được mẹ chở đi chợ cách nhà bốn cây số để hí hửng cầm tờ tiền mới được cho chạy một mạch đến quầy nước đối diện hàng vải, gọi một ly cà phê sữa mịn màng rồi thích thú dùng muỗng khấy đá bào (thường chiếm tỉ lệ áp đảo trong ly) cho cà phê trộn sữa Ông Thọ sủi bọt lên, nhấm nháp thứ thức uống vừa đắng, vừa ngọt, vừa béo ngậy thơm lừng. Ai thấy cũng bảo mẹ tôi: “Sao nó còn nhỏ mà cho nó uống cà phê dữ vậy?”, nhưng mẹ tôi cười: “ Kệ, nó thích cứ để nó uống”.
Có lẽ cũng vì những ngày “nó thích cứ để nó uống” đó mà bây giờ đi đâu tôi cũng lân la muốn biết cà phê xứ đó ra sao, có khi sợ mất ngủ không dám uống cà phê cũng vào quán gọi món khác, nhìn không khí quán và người qua lại.
Khi còn đi học ở Anh, nhà tôi ở có một anh bạn người Ailen tên Paddy. Anh chàng này khá luộm thuộm và hay làm hai đứa con gái trong nhà là Janette và tôi cằng nhằn, nhưng thỉnh thoảng anh lại chịu khó làm cà phê kiểu Ailen (Irish coffee) cho cả nhà uống nên chúng tôi ít khi giận anh được lâu, nhất là từ khi biết được Irish coffee là món cà phê rất mắc tiền mà chỉ những quán tương đối sang mới có. Tờ Telegraph gọi đây là “thức uống mịn như nhung và dễ chịu, làm ta hồi phục cả sức khỏe lẫn tinh thần”. Làm Irish coffee rất công phu, phải dùng nước nóng rửa ly thủy tinh có chân, lau khô, rót rượu whiskey vào, phải là những loại whiskey “chân chính” của Ailen như Bushmills hay Tyrconnell, thêm một muỗng đường nâu, khuyấy đều cho tan đường, lấy diêm châm lửa đốt rượu vài giây để giảm độ cồn trong rượu và cân bằng hương vị giữa cồn và caffeine, đúng là “nghề chơi cũng lắm công  phu”. Rót đầy cà phê thật nóng vàđậm đặc cách miệng ly đúng 1 cm, chờ một lúc để hỗn hợp rượu và cà phê hòa lẫn vào nhau mới cho kem tươi (whipped  cream) trắng muốt lên trên, không  khuấy nữa vì bí quyết uống Irish coffee là nhấm nháp cà phê nóng xuyên qua lớp kem lạnh. Tuyệt vời nhất là chui vào chăn vừa đọc báo vừa uống món cà phê làm ta chếnh choáng này vào những ngày mưa lạnh và sương mù giăng kín khắp nơi. Bởi vậy lâu lâu tìm hoài  không thấy cái dĩa yêu thích nhất trong bếp và biết ngay “thủ phạm” Paddy ăn xong chưa rửa, Janette và tôi cũng vui vẻ đi kiếm dĩa khác, không cài nhàu chút nào.
Mê tìm hiểu về cà phê nên sang Pháp, tôi như cá gặp nước. trong một cuốn sách tôi đọc, dù không phải dân tộc đầu tiên uống cà phê nhưng người Pháp đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa náy, như việc cho them đường vào cà phê vào đời vua Loúi XIV. Cuối thế kỉ 17, việc uống cà phê pha sữa trở nên phổ biến khi một bác sĩ người Pháp khuyên nên dung café au lait để cải thiện sức khỏe. Có  đến Pháp mới thấy dân tình uống cà phê “dữ dội” đến mức nào. Sáng sớm, trong những quán cà phê hè phố hay những tiệm ăn Paris, dân văn phòng ai nấy cũng nâng tách cà phê, có thê là café au lait to tướng như chén ăn cơm. gồm một nửa cà phê một nửa sữa tươi nóng bốc khói nghi ngút, mờ cả mắt kiếng, café serré  đậm đặc vì chỉ có một nửa lượng nước so vưới cà phê  đen thông thường, hay café crème màu nâu có kem thơm và béo, uống một hơi rồi tất cả xách cặp chạy ra bến tàu điện ngầm. Nhưng phần lớn thời gian, người Pháp thích ngồi rề rà trong quán nhâm nhi cà phê với mấy viên chocolate đen hay kẹo truffle mềm, thư giãn và tán dóc, y như ở Việt Nam. Những lần rề rà “nhập gia tùy tục” ở những quán cà phê Paris, tôi thích gọi un noisette, món cà phê giống espresso nhưng có pha ít kem hay sữa, đơn giản chỉ vì thích người phục vụ hỏi lại “Un noisette?” bằng thứ giọng mũi rất đáng yêu của người địa phương.
2g khuya một ngày Paris cuối tuần đẹp trời, sau một bữa ăn no nê, trong khi chúng tôi nhấm nháp tráng miệng, anh bạn người Pháp tên Ben gọi một tách cà phê. Thấy tôi tròn mắt nhìn, anh khoát tay: “Không có cà phê tôi … không ngủ được”. Khi được hỏi sao lạ đời quá vậy, Ben cười: “Ở đây ai cũng vậy hết mà!”. Quán đông, mãi nửa tiếng sau, anh chàng phục vụ mới mang cà phê lại, bị cằn nhằn, anh này chỉ nhún vai, cài nhún vai đặc trưng kiểu Gôloa, với hai vai kéo lên tận mang tai và hai bàn tay ngửa ra, ý nói: “Tôi không biết. Không phải tại tôi”. (Nếu bạn muốn thấy cài nhún vai tương tự hãy để ý Thiery Henry lúc bị trọng tài thổi phạt khi đá cho Arsenal). Nhưng tách cà phê sóng sánh thơm phức kia chắc ngon lắm nên Ben không nhăn nhó nữa, vả lại những anh chàng và cô nàng phục vụ người Paris vẫn nổi tiếng thế giới vì sự đỏng đảnh.
Tôi trải qua ba tháng uống trà thay cà phê  ở xứ sương mù trước khi đến Ý, “kỳ phùng địch thủ” của Pháp trong việc chiếm trái tim dân nghiền cà phê. Quả thật, ở quốc gia xinh đẹp này việc uống cà phê  được xem như một môn nghệ thuật. Espresso bạn uống ở khách sạn năm sao nơi khác có thể được người pha chế lừng danh pha từ máy Espresso loại xịn, nhưng tôi mạo muội nói không thể sánh bằng Espresso đậm đặc, đắng và thơm trong tách nhỏ xíu uống tại một trong những torrefazione bên một cây cầu gỗ với những ngôi nhà kiểu Phục hưng, do một cô nàng người địa phương tóc đen, mát cũng đen láy, pha rồi bưng ra lèm một câu chúc uống ngon miệng bằng tiếng Ý du dương. (Đặc biệt nữa, nếu không muốn bị  dân địa phương cười thầm, bạnn đường gọi Espresso thành Expresso, có nghĩa là tàu tốc hành).
Nhưng tôi thấy cappuccino ngon và dễ uống hơn, có lẽ vì loại thức uống này có1/3 espresso, 1/3 sữa tươi nóng để làm “mềm” bớt vị đắng của cà phê, và 1/3 bọt sữa mịn màng có rắc bột quế hay bột chocolate xay li ti lên trên. Thức uống này đã chiếm lĩnh thực đơn từ những quán rất “hip” ở trung tâm Manhattan của New York ồn ào náo nhiệt đến những thị trấn xa xôi quê mùa ở Marốc, nơi người phục vụ cả đời chưa gặp người nước ngoài. Tôi đo lường sự lịch lãm nổi tiếng thế giới của người Ý bằng khả năng uống cappuccino rất nhanh nhưng khi uống xong bọt không trắng cả mép như những “người trần mắt thịt” khác. Du khác đến đây, đặc biệt là người Mĩ, dù có sang trọng cách mấy cũng hay bị cho là “nhà quê” vì quen gọi cappuccino sau bữa trưa hoặc bữa tối, mà theo dân địa phương là không đúng điệu chút nào. Người Ý chỉ uống món này trong bữa sáng hoặc dành thời gian riêng trong ngày để thưởng thức cappuccino như một món riêng biệt, và đặc biệt rất chăm chút bọt sữa, không bao giờ hớt bỏ hay khuấy bọt hòa lẫn vào cà phê vì làm như vậy mất hết “tinh túy” của thức uống này mất rồi.
Nếu quá nhiều caffeine trong cơ thể làm bạn “tim đập chân run” không còn sức lang thang qua những con phố cổ nhỏ xíu đáng yêu ở Ý, hãy chuyển sang dùng caffè hag, tức cà phê không có caffeine, hoặc granite di caffè con panna, tức cà phê nóng có pha ít đường, đổ vào khay đá tủ lạnh qua đêm cho đông lại, khi uống mới bỏ vào máy xay nhuyễn với ít nước rồi đổ đầy vào ly, phía trên cho thật nhiều kem tươi ngon béo. Những ngày hè nóng nực, du khách và dân địa phương ngồi lười biếng trong cái nắng tháng bảy đổ lửa của mặt trời phương Nam,vừa uống món cà phê có cái tên dài ngoằng này vừa nhìn thế giới chậm chạp trôi qua.
Nhưng “đi uống cà phê” ở Amsterdam lại là một chuyện khác. Trước khi sang Hà lan, tôi vẫn biết Amsterdam là một trong những thành phố “quậy” nhất Châu Âu nhưng không ngờ lại tự do đến mức này. Thủ đô bé nhỏ này có cả một hệ thống hơn 300 quán cà phê  được cấp giấy phép cho khách mua và hút các loại thuốc phiện nhẹ, cần sa (marijuana, weed, grass, hash, cannabis). Việc hút những loại ma túy nhẹ đã được chính phủ hợp pháp hóa từ năm 1976, dĩ nhiên chỉ dành cho người trên 18 tuổi và với liều lượng dưới 5gr mỗi lần, đặc biệt những quán này không được bán bia rượu hay bất cứ thức uống có cồn nào khác. Lý lẽ đưa ra nghe chừng cũng khá hợp lý: nếu được phép hút những loại thuốc phiện nhẹ tại một nơi được quản lý đàng hoàng, sẽ không ai ra đường mua một loại ma túy gây nghiện nặng như heroin hay cocaine của những kẻ buôn bán bất hợp pháp, bằng chứng là tỉ lệ người nghiện ma túy ở Hà Lan luôn ít hơn gấp nhiều lần so với Mĩ và nhiều nước khác. Nhưng trộm nghĩ những điều luật tương tự chỉ áp dụng được ở những nơi ý thức thật sự cao mà thôi, nếu không rất dễ biến thành con dao hai lưỡi.
Những ngày ngắn ngủi ở Amsterdam, vì hết phòng chúng tồi phải ở ngay khu phố dành cho khách du lịch gần ga xe lửa trung tâm thành phố, nơi tập trung rất nhiều quán cà phê kiểu này. Mỗi lần đi ngang qua quán đúng lúc có người mở cửa bước ra, mùi cà phê đâu không thấy, chỉ thấy mùi cần sa thoang thoảng trong gió. (Mỗi lần tôi kể tới đây, đám bạn tôi lại rụt đầu, lè lưỡi: “Ghê quá, ngửi mùi vậy có nghiền không?”). Đối diện chỗ tôi là một quán cà phê tên Grasshopper cao đến mấy tầng, buổi tối đèn màu xanh chấu chấu thắp sáng rực soi bóng xuống con kênh nước chẩy loang loáng. Khi gặp cô bạn ngươig Hà Lan lái xe tận Utrecht lên Amsterdam dẫn chúng tôi đi chơi, tôi đòi qua đó uống cà phê, cô cười: “Gan quá ha? Biết trong đó tụi nó làm gì không?” rồi đưa hai ngón tay trước miệng làm hiệu như đang “phê” thuốc. Khi đựoc hỏi có hút không, cô bảo: “Hồi trẻ ở đây ai chẳng thử, phần lớn thấy chẳng có gì hay ho nên thôi. Thông thường cái gì cấm đoán người ta mới thích, với lại còn tùy ý thức mỗi người mà”, rất thản nhiên như được hỏi có thích chơi bóng bàn không vậy.
Bởi không có gì hay ho nên cô quyết định đưa chúng tôi đến một bruine kroeg (tiếng Hà Lan nghĩa là quán cà phê nâu,ban đầu tôi cứ tưởng đây mới là loại hình cà phê như đã đề cập ở trên, vì tên gọi dễ lien tưởng đến… nàng tiên nâu, nhưng không phải). Đó là một trưa hè nóng gần 38ºC, dân tình khoái chíđổ hết ra đường phơi nắng tận hưởng cái nóng phương Bắc hiếm hoi. Những chiếc bàn kê bên ngoài, dọc theo bờ kênh của quán cà phê nâu chúng tôi đến đã chật ních, nhưng để thật sự hiểu được hết chữ “gezellig” mà người địa phương rất thích dùng, nghĩa đại loại là  ấm áp, thân mật, vui vẻ…, bạn nên ngồi bên trong. Những bruine kroeg ở Amsterdam đã có tuổi đời vài trăm năm, với cách trang trí như trong những chiếc tầu thủy xưa, xà nhà nặng trĩu, ván lót sàn và bàn ghế sẫm màu, tên gọi của nó có lẽ bắt nguồn từ những bức tường ám khói thuốc lá nâu qua thời gian, dưới sàn có cả cát biển và trải thảm Ba Tư để lau cà phê hay bia bị tràn. Trong quán chúng tôi đến có cả một cây kèn khổng lồ kiểu xưa để trong góc. Cà phê Hà Lan không đặc sắc lắm nên chúng tôi, cũng như hầu hết những người vào bruine kroeg, mặc dù gọi là “đi uống cà phê” nhưng lại chọn bia, vốn đặc sản ở đây.
Mãi khi đến tới Stockholm, tôi mới tự nghiệm ra một chân lý là quốc gia nào uống nhiều bia như Anh, Scotland, Đức, Bỉ, Hà Lan… sẽ không uống nhiều cà phê và ngược lại. Bởi vậy, không ai ngạc nhiên chút nào khi biết ở Thụy Điển, nơi bia bị đánh thuế rất nặng và  đắt gần gấp bốn, năm lần các nước Châu Âu khác, cà phê là một phần không thể tách rời cuộc sống. Ở Thụy Điển có một từ rất phổ biến, fika, nghĩa là  đi uống cà phê, thoát khỏi những bận rộn thường ngày của cuộc sống, găpj gỡ bạn bè cũ, làm quen bạn mới, tán gẫu… Fika gần như một thứ tôn giáo ở đây, người ta có thể fika sáng, trưa, chiều, tối, trong những Kafekoppen ấm cúng. Sau một ngày quanh quẩn trong thành phố Bắc Âu này, qua khu phố cổ muôn màu  Gamla Stan với những con đường đá cuội nhỏ bé chỉ dành cho khách bộ hành, chúng tôi nghỉ chân nơi  Stortorget, quảng trường chính của thành phố có đặt nhiều ghế dài và những chậu hoa tươi thơm dìu dịu, có trong rất nhiều bức ảnh của ban nhạc người Thụy Điển ABBA, nghe mùi cà phê rang từ những quán cà phê dọc quảng trường ngào ngạt trong không gian.
Thụy Điển đắt đỏ nhất trong số những nước tôi từng đi, mỗi lần qua những nước EU khác đều có thể ăn uống thoải mái vì vật giá rẻ hơn ở Anh, nhưng qua Thụy Điển, ông bạn Alastair và tôi phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Song mùi cà phê mới pha thơm lừng như níu bước chân làm tôi tự thưởng cho cả hai một chầu trong Sundbergs Konditori, tiệm cà phê và bánh ngọt xưa nhất Stockholm, có từ năm 1785, nhỏ xíu và ấm áp với những ấm samovar bằng đồng đựng đầy cà phê mới pha sóng sánh nóng bỏng, đặt trên bàn thấp cạnh quầy để khách tự rót lấy. Bánh ngọt ở đây quả tuyệt vời. Tôi ăn một chiếc bánh không biết tên, mềm và dẻo như tan trong miệng, chính giữa có một lớp mứt mỏng vị thanh thanh dễ chịu, trên trải kem mềm và dày làm từ một thứ trái cây ngòn ngọt màu vàng mướt. Cà phê  ở đây hơi giống caffè Americano, đựng trong những tách dày và nặng bốc khói nghi ngút, không đậm dặc nhưng đủ vị ngọt và đắng để đi kèm với các loại bánh ngọt thơm phức cô phục vụ đang bê ra trên những khay gỗ từ lò nướng bên trong.
Bán đảo Scandinavia vào thu sớm hơn những nơi khác, lá vàng xào xạc rụng đầy những công viên  và trời đã lạnh hơn nhiều. Mặc dù vậy, những quán cà phê Stockholm vẫn kê bàn ghế ra vỉa hè cho dân tình ngồi “fika”, và vì trời lạnh nên quán nào cũng để sẵn… mền cho khách quấn nếu chọn ngồi ngoài. Những chiếc mền cũng là một phần trang trì của quán, được mua thành bộ có màu sắc hợp với bàn ghế và sơn tường, đặt cạnh ghế ngồi. Thật buồn cười khi thấy mọi người uống cà phê theo kiểu alfresco, nhưng không đeo kiếng đen trong cái nắng chói chang mà vừa ngồi quấn mình thu lu trong mền vừa nhấm nháp cà phê nóng hổi, thỉnh thoảng lại xuýt xoa co ro vì cơn gió buốt giá từ mặt hồ Malaren thổi tới.
Chỉ cách Thụy Điển vài tiếng đồng hồ bay nhưng Hi Lạp là một thế giới khác hẳn, với nắng vàng biển xanh và cái nóng Địa Trung Hải làm người ta uể oải, chỉ muốn…đi uống cà phê. (Quả vậy, dù trời nóng hay lạnh dân Châu Âu cũng kiếm cớ uống thức uống dễ nghiền này). Để phù hợp với khí hậu ở đây đã có frappe, món cà phê  đá  đặc trưng Hi Lạp không kém bánh pita kẹp thịt nướng hay yaourt ăn với mật ong. Trên khắp đất nước khi xưa đầy ắp những chuyện thần thoại này, ngày nay đâu đâu cũng thấy những quán cà phê (kafeneio) đầy khách uống  frappe: Từ thủ đô Athens đông đúc ồn ào không kém Sài Gòn, nơi khi đi bộ trên vỉa hè chật hẹp bạn phải vừa trông chừng luồng xe cộ đi loạn xạ trên lòng đường sát bên và xe hơi đậu không theo trật tự, vừa tránh những bộ bàn ghế kê bên ngoài quán; đến những hòn đảo vắng vẻ với những tòa nhà sơn trắng mát mắt và gió biển mang theo vị muối mằn mặn. Cách làm frappe khá đơn giản, chỉ cần Nescafe, nước lọc, đá, đường, cho vào đồ trộn cocktail xốc mạnh trong vòng nửa phút, rót vào ly để đá kèm ống hút là bạn đã có thức uống dễ chịu đầy bọt li ti thơm và mát lạnh làm dịu đi cái nóng mùa hè  Địa Trung Hải. Nói về khoản ngồi dầm dề ở quán cà phê, người Pháp hay người Việt ắt hẳn phải thua xa người ở đây. Bất cứ lúc nào trong ngày, bạn cũng có thể thấy người địa phương ngồi quán, từ những quán cà phê lớn sang trọng thắp đèn thủy tinh vàng long lánh đến những quán tạm bợ với vài bộ bàn ghế lỏng chỏng, nhiều nhất vẫn là những ông già vừa uống nước vừa đánh cờ. Sách du lịch Fodor nói: Ngôi nhà là nơi trú ngụ của trái tim, nhưng với phần lớn người Hi Lạp, quán cà phê mới là nơi trú ngụ của trái tim, nhà chỉ là nơi… về ngủ.
Phần lớn thời gian hai tuần ở Hi Lạp, tôi ở với gia đình bạn tôi trên đảo Evia, hòn đảo vắng vẻ không có khách du lịch cách Athens hai giờ vừa đi phà vừa lái xe. Ngày cuối cùng trước khi về, chúng tôi sang chào gia đình hàng xóm và được thưởng thức món cà phê Hi Lạp (Greek coffee) tuyệt vời. Trong bất cứ một ngôi làng nào trên đất nước hiếu khách đầy nắng và gió biển, đây cũng là thức uống “làm đầu câu chuyện” mang ra mời bạn đén nhà. Nhưng nếu cà phê phin Viêt Nam làm bạn “xây xẩm” thì nên dè dặt khi thử thứ cà phê  đậm đặc gấp nhiều lần này, được nầu sôi trong ấm bằng đồng có tay cầm dai và miệng rộng, gọi làấm ibrik. Bà chủ nhàđứng tuổi rắc vào bột cà phê xay nhuyễn mịn một ít hạt gia vị có mùi hơi giống hoa hồi, rồi cho nước vào nấu sôi trong ấm ibrik đến ba dạo trước khi rót vào tách. Những chiếc bánh quy giòn bà mới nướng làm cân bằng vị đắng và tăng lên vị thơm có hậu ngọt của Greek coffee làm chúng tôi nhấm nháp hoài không chán, khi bên ngoài mặt trời màu đỏ rực bắt đầu lặn xuống biển và gió  đại dương thổi lao xao những cây ôliu xanh rờn ngoài sân.
Và đến buổi trưa nọ tình cờ theo chị đi bộ trên con đường giày dép gần chợ Bến Thành, quầy cà phê bên hông chợ vời những chiếc ghế nhựa thấp lè tè có lẽ sẽ khuất trong những tấp nập đường phố không để lại chút ấn tượng gì nếu người bán không dùng muỗng khuấy đá, cà phê và sữa đặc trong ly lên với một âm thanh rồn rột vui tai. Và nhất là cái mùi quen thuộc ấy, mùi cà phê phin nhỏ từng giọt mới pha nóng và thơm, sực nức không gian bụi bặm ồn ào, làm tôi đứng nhìn sững, vừa nhìn vừa nuốt nước miếng. Mùi thơm quyến rũ ấy làm tôi nhớ những ngày học cấp hai theo mẹ đi chợ uống cà phê sữa đá, hay khi lang thang ở Châu Âu, bên ngoài tuyết rơi lạnh cóng nhưng vừa bước vào quán hai má đã nóng rực lên… Những ngày đi uống cà phê ấy, “ngỡ xa xăm bỗng về quá thênh thang…”