Ăn Ý

    
m thực những vùng khác nhau ở Ý rất dễ phân biệt. Ở miền bắc (Milan, Venice, Bologna, Turin...) thức ăn có xu hướng dẻo như kem và béo hơn, trong khi dân địa phương miền trung (Florence, Perugia, Siena...) dùng rất nhiều dầu ooliu và rau thơm, thức ăn cũng đơn giản, thanh đạm và tươi hơn. Càng về phía nam (Rome, Naples, Catanzaro...), những món ăn Ý càng nóng và cay hơn đáng kể...
Còn cà phê Ý? Caffè latte là một phiên bản rất giống cafè au lait của Pháp, cũng sữa nóng đầy ắp những tách lớn, pha ít cà phê đen. Nâng tách lên, khói nghi ngút phả lên mặt khiến tỉnh cả người, rất hợp để trị "hangover" (chứng nhức đầu sau khi uống nhiều thức uống có cồn). Còn espresso là một thức uống tao nhã, trong một tách nhỏ xíu như chung uống trà của những cj già Việt Nam hay Trung Hoa. Trong tách sóng sánh cà phê đen với lớp bọt mỏng li ti nâu vàng, thơm ngào ngạt, uống muỗng đầu tiên những ai không quen dễ nhăn mặt vì vị đắng đọng lại trong cổ họng, nhưng đến khi hết tách, mùi cà phê thơm lừng còn thoảng qua rất dễ ghiền.
Những có lẽ "quốc hồn quốc tuý" của nước Ý vẫn là cà phê cappuccino có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới. Khó ai từ chối lời mời đi uống cappuccino ở một trong những quán cà phê vỉa hè ở Ý, có hoa tươi mọc trên cửa sổ, bên con kênh êm đềm với những ngôi nhà xưa nghiêng mình. Ở đó, thật "đã" khi nhấm nháp tách cappuccino sủi bọt dày, rắc quế xay li ti màu nầu trên mặt, hớp lớp bọt nhuyễn mịn và béo như kem kèm nước cà phê nóng thơm và hơi đắng bên dưới, ăn kèm bánh tiramisu màu nâu sôcôla kẹp những lớp kem mỏng trắng muốt mịn màng.
Trên đây chỉ là ba loại cà phê nổi tiếng nhất của Ý, nhưng nếu đã cất công đến nơi này, bạn nên thử các loại khác cũng không kém phần thú vị như caffè corretto có kèm vài giọt rượi congac, caffè freddo bỏ đá lạnh gợi nhớ cà phê đá Sài Gòn, hay caffè d'orzo có ít cacao mà tôi có dịp uống trong một quán cà phê khuất gần quảng trường lớn ở Verona.
Trên đảo Murano cách trung tâm thành phố Venice nửa giờ đi phà, tôi được thưởng thức món bánh pizza vừa ra lò nóng bỏng tay. Rìa bánh giòn tan nhưng chính giữa lại mềm và dẻo nhờ lớp phó mát tươi, trên phủ những miếng thịt pepperoni đỏ au và mấy trái ô liu xắt lát mỏng. Ăn món này đúng kiểu Ý không phải trong một nhà hàng sang trọng mà phải ngồi bệt xuống chân một trong những cây cầu giữa trời nắng chang chang, gặm pizza gói trong một lớp giấy nâu. Cũng như ăn ốc luộc chấm mắm gừng đúng điệu ở Hà Nọi phải ngồi vỉa hè trong con hẻm đầy gió thổi hun hút lạnh lẽo vậy.
Nhưng bữa hải sản ở một nhà hàng gần ga Santa Lucia ở Venice thì chỉ có thể miêu tả bằng một từ: hoàn hảo. Hai bên cầu đầy những nhà hàng Ý (ristorante hoặc trattoria) với bàn ghế kê sát con kênh nước chảy loang loáng trong ráng chiều, đầy dân địa phương tóc xoăn tít và ngoại hình rất Ý đang cười nói ồn ào. Nhà hàng không hề có thực đơn, khách vào không có chọn lựa nào hết vì ai cũng được dọn lên những món như nhau, món nào cũng ngon chết mê chết mệt. Nào sò tươi rói trộn thịt heo băm nhuyễn và rau thơm, nhồi trong vỏ sò xanh to bằng ba ngón tay. Nào bạch tuộc kho đẫm cà chua tươi đỏ. Nào tôm và mực nang bọc bột chiên giòn. Tôi thích nhất món gỏi cả nướng than thoang thoảng mùi khói, xé nhỏ trộn thứ nước xốt từ chanh, cà chua và kem. Tất cả được ăn kèm với món bánh polenta vàng ruộm làm từ bắp tươi xay nhuyễn trộn bơ và những thứ gia vị chỉ người Ý mới biết, vừa thơm vừa dẻo, nhấm nháp với rwouj vang trắng thật ngon lành. Bữa ăn hết 50 euro cho hai người, có lẽ là phần “xa xỉ” nhất trong chuyến đi đối với túi tiền sinh viên hạn hẹp của chúng tôi, nhưng thật đáng và “có lý” hơn nhiều so với những menu turistico (thực đơn cho khách du lịch) của những nhà hàng gần quảng trường Thánh Marco.
Đến Verona cổ kính, nổi tiếng với chuyện tình Romeo và Juliet, buổi tối đầu tiên tôi và ba người bạn sinh viên mới quen ở cùng nhà trọ thanh niên rủ nhau ra quảng trường thành phố, vào một quán ăn đông kín người. Cả ba bạn mới đến Ý ngày đầu tiên nên chọn ngay món pizza, riêng tôi gọi món linguine trộn tôm. Ngồi chờ dài cổ nửa tiếng đồng hồ, uống hết mấy ly nước vẫn không thấy thức ăn đâu, chúng tôi sốt ruột gọi ngay cô phục vụ đang chạy tất bật từ bàn này sang bàn khác. Cô cười bảo: “Chờ chút xíu thôi nhé” nhưng mãi gần mười phút sau mới chạy lại, bảo nhà hàng đã làm mất miếng giấy ghi món ăn của bàn tôi. (Lúc đó tôi mới biết vì sao Ý là một cường quốc nhưng người Ý lại khét tiếng khắp châu Âu vì khả năng tổ chức và sắp đặt rất luộm thuộm, đúng như trong bài “Paris ẩm thực” có nhắc đến). Thêm mười phút nữa, ba đĩa pizza được dọn lên nhưng món linguine của tôi vẫn không thấy đâu, cô phục vụ bảo “Hay thay bằng pizza luôn nhé, sẽ có ngay, còn linguine phải chờ thêm nữa”. Đến lúc này tôi đã vừa mệt vừa đói, mất hết kiên nhẫn. Tôi chỉ còn chưa đến 48 tiếng ddooongf hồ ở Verona, và đáng lẽ lúc này tôi phải ngồi trên một bậc thềm bằng đá ở quảng trường nghe những ca sĩ đàn hát những bản nhạc tiếng Ý du dương, không phải sưng sỉa xem trận đấu Inter Milan và AS Roma phát lại trên màn hình TV khi xung quanh mọi người đang hào hứng ăn uống ngon lành. Đến lúc dọn đĩa linguine ra, ba bạn tôi đã ăn hết nửa phần pizza, biết tôi giận cô phục vụ cười rất tươi “Spiacente! Buon apetio” (Xin lỗi! Chúc ngon miệng!) Tôi cũng cười đáp lại, nhưng có lẽ nụ cười khá mếu máo nên cô đi mà mặt vẫn băn khoăn.
Nhưng khi ăn miếng đầu tiên, tôi tha thứ cho sự chậm trễ đó ngay lập tức. Đĩa linguine rải những cọng mì  vàng nhạt, tươi rói, sần sật trong miệng, thoảng nhẹ mùi trứng, ăn kèm tôm bóc vỏ hồng nhạt trộn xốt và rắc zucchini xanh cắt sợi. Có lẽ đó là món mì Ý ngon nhất tôi từng được ăn trong đời. Vì vậy, khi anh chàng phục vụ đẹp trai như Paolo Maldini (phải tội mặt mũi hớt hơ hớt hải vì phải phục vụ nhiều bàn) chậm đem hoá đơn thanh toán ra, tôi cũng tươi cười vui vẻ như thường.
Có lẽ sẽ là thiếu sót rất lớn nếu viết về ẩm thực Ý mà quên nhắc đến gelato – món kem Ý béo ngậy, lạnh buốt răng có mặt khắp năm châu. Khách du lịch đến đây ăn kem que nhiều đến nỗi một số cửa hàng bán đồ lưu niệm phải treo biển bên ngoài “Vui lòng không ăn kem khi vào đây”. Một tuần ở Ý, tôi ăn không biết bao nhiêu cây kem ốc quế trên những xe kem có mặt khắp nơi với hàng dãy kem đủ mùi vị: crema fiorentina, pistachio, vanilla... Cắn miếng ốc quế dòn tan kemg với lớp kem dày, béo ngậy, vị ngọ thanh còn đọng lại trong cổ lành lạnh thật hợp với nhừng ngày tháng bảy ở Ý nóng bức.
Ở các nhà ga xe lửa Ý, abnj rất dễ thấy bảng thông báo những tuyến đường xuyên quốc gia với những cái tên tiếng Ý du dương và êm đềm: Torino – Milano – Vicenezia – Venezia, Alessandria – Piacenza – Parma – Firenze, Genova – Pisa – Roma – Napoli... Những cái tên ấy dễ gợi nhớ đến giải Series A với những ai mê bóng đá ngoại hạng Ý; riêng với những ai lỡ có “tâm hồn ăn uống”, những cái tên ấy lại dậy lên trong lòng ý muốn được thưởng thức những món ngon địa phương trong một trattoria hay ristorante có hoa tươi nở trên đầu vào một buổi chiều mùa hè nước Ý đầy nắng và gió.