Dịch giả : PHONG ĐảO
Chủ biên : TANG DU
- 4 -
Cắt Tình Yêu, Dâng Người Đẹp

Một buổi sáng mùa Thu trên bầu trời trong veo, từng bầy nhạn xếp thành hình chữ nhân bay về phía Nam. Vua tôi Việt Vương sau khi rời khỏi thành Cô Tô giống như ba con chim vừa mới sổ lồng, cố hít lấy hít để bầu không khí tự do. Suốt ba năm bị giam cầm đã làm cho họ cảm thấy quá ngột ngạt.
Phạm lãi cầm roi tự điều khiển một cỗ xe ngựa thật sang trọng. Bên trong cỗ xe hai vợ chồng Câu Tiễn mình mặc hoàng bào, cùng ngồi sánh vai nhau. Tiếng vó ngựa nện đều trên mặt đường, cỗ xe chạy như bay, thế mà họ còn cho là chậm, chỉ muốn làm thế nào đi một bước thì đến được cố quốc đã xa cách ba năm.
Văn Chủng sống tại thành Cối Kê hay tin Việt Vương trở về nước, bèn dẫn bá quan văn võ đi ra xa bốn mươi dặm để nghênh đón. Khi vua tôi gặp nhau, ai ai cũng có cảm giác như gặp lại ở bên kia thế giới. Mọi người nước mắt giàn giụa. Việt Vương cảm động, nói:
- Hôm nay quả nhân còn sống trở về, đều là công lao của Phạm Đại Phu cả.
Phạm Lãi nói:
- Tất cả đều do Đại vương đã kiên tâm trì chí, chịu đựng mọi khó khăn đấy thôi. Mong Đại vương đừng bao giờ quên cái khổ sống trong gian nhà đá trong ba năm qua, gắng sức đưa đất nước trở nên giàu mạnh. Được vậy, thì mối thù đối với Ngô Quốc sớm muộn gì cũng sẽ trả được.
Việt Vương sau khi trở về cung, không bao giờ dám nghĩ đến một cuộc sống an nhàn hưởng lạc. Nhà vua luôn giữ đúng theo lời nói của người xưa: “Việc báo thù của người quân tử, dù mười năm cũng chưa phải muộn". Tất cả mọi việc, Việt Vương đều bắt đầu từ đầu làm lại. Nhà vua cử Phạm Lãi giữ chức Trưởng Quan về mặt quân sư, để lo mở rộng binh lực khổ luyện tinh binh. Nhà vua cũng ủy thác cho Văn Chủng lo chủ trì triều chính, lo điều kiện để đất nước tiến lên. Dưới sự phụ tá của hai vị đại thần này, Việt Vương lúc nào cũng chiêu hiền đãi sĩ, kính mến người già, thương yêu con trẻ, lo đẩy mạnh sản xuất, cổ xúy sinh đẻ. Nhà vua lúc nào cũng ăn uống giản dị, nằm gai nếm mật, hằng ngày cắt cử một người luôn nhắc nhở: “Bớ Câu Tiến, bộ ông quên cái nhục ở núi Cối Kê rồi hay sao?".
Phạm Lãi tiến hành sửa chữa thành đô, xây tường cao hơn, đào hào sâu hơn, nhưng cổng thành hướng về phía Tây Bắc thì ông không bao giờ cho đóng lại, cao rao: "Nước Việt vĩnh viễn thần phục nước Ngô, nên không ban giờ dám đóng kín cửa thành, mà mở nó rộng ra để tiện việc tiến cống”. Ngô Phù Sai nghe thế, lại càng tin tưởng nước Việt không bao giờ dám phản bội lại mình.
Thời gian tiếp tục trôi qua. Vua tôi nước Việt một lòng một dạ, quân dân luôn luôn nhất trí với nhau, cả nước lo việc sản xuất, lo huấn luyện quân đội, nhân khẩu cũng ngày một đông hơn. Một hôm, nhân lúc họp triều, Câu Tiễn bèn hỏi văn võ bá quan:
- Quả nhân trở về nước đã được bốn năm rồi, bây giờ có thể xua quân phạt Ngô, trả mối thù cũ được không?
Phạm Lai bước ra khỏi hàng ngữ, tâu:
- Bẩm Đại vương, dù sốt ruột tới đâu cúng không thể húp nhanh cháo nóng. Việc xua quân phạt Ngô là việc to không thể nôn nóng được. Ngô hiện nay đang dòm ngó Trung Nguyên, muốn tranh đoạt địa vị bá chủ, thế lực của Ngô Quốc rất to, danh tướng Ngũ Viên vẫn còn nắm quyền chỉ huy quân đội. Trời cao vẫn chưa ban cho chúng ta một thời cơ tốt.
Văn Chủng cũng nói:
- Chúng ta phải tìm cách làm hủ hóa nội bộ của kẻ thù, làm tiêu ma ý chí của họ, làm tổn hao tài lực vật lực của họ, rồi chờ đợi một thời cơ thuận tiện ra quân phạt Ngô cũng không muộn.
Câu Tiễn nói:
- Lời nói của hai vị đại phu rất có lý. Quả nhân bằng lòng nghe theo hai vị.
Văn Chủng nói thêm:
- Thần nghe nói chim bay trên trời luôn chết vì miếng ăn ngon. Cá lội dưới nước cũng luôn chết vì miếng mồi béo. Vậy chúng ta có thể dựa vào sở thích của kẻ thù, để khiến chúng tự tiêu hao lấy mình.
Phạm Lãi nói:
- Nghe đâu Ngô Phù Sai đang lo xây cất cung điện mới, để có thể sống một cuộc sống xa xỉ hào hoa, nhưng đã bị Ngũ Viên ngăn cản. Nước chúng ta có rất nhiều gỗ quý, vậy Đại vương có thể phái người vào rừng tìm gỗ to nhất, tốt nhất, đốn về rồi mang đem dâng cho Ngô Phù Sai xây cất cung điện, để làm tiêu hao tài lực cũng như ý chí của ông ta.
Câu Tiễn gật đầu, phái ba trăm tráng đinh khỏe mạnh vào rừng đốn gỗ.
Văn Chủng lại nói:
- Phù Sai rất háo sắc. Riêng nước Việt của chúng ta, núi sông đều đẹp, nhân kiệt địa linh, có rất nhiều mỹ nữ. Đại vương có thể phái người ra sức lùng tìm gái đẹp mang về hiến cho Phù Sai. Như vậy, một mặt có thể biểu lộ lòng trung thành của ta đối với Ngô Vương, mặt khác có thể tạo điều kiện cho Ngô Vương bị đắm chìm trong nữ sắc, tiêu ma ý chí của ông ta. Số mỹ nữ này, không thua chi mười vạn giáp binh cả.
Phạm Lãi cũng nói:
- Ý kiến của Văn đại phu rất hay. Việc này xin trao lại cho thần lo được không?
Câu Tiễn nói:
- Được. Phạm ái khanh thường đi sâu vào dân gian, chắc là đã biết ở đâu có người đẹp rồi chăng?
Lúc bấy giờ, Phạm Lãi chỉ muốn gắn cánh để bay ngay đến thôn Trữ La nằm dưới chân núi Trữ La mà trước đây ông có lần đi đến. Ông nhớ lại năm đó mình gặp Tây Thi đang xả tơ bên bờ sông nhỏ. Ông biết Tây Thi rất yêu ông, trong khi đó ông củng rất yêu Tây Thi. Nếu nước nhà không bị nước Ngô tấn công đột ngột, khiến hai người phải xa cách nhau, thì không biết chừng họ đã trở nên một đôi vợ chồng đầy ân ái rồi. Từ khi ông đi theo Đại vương vào nước Ngô để làm con tin suốt ba năm. Hình bóng Tây Thi lúc nào cũng lảng vảng trong tâm khảm của ông. Nhưng khi nhớ lại vận mạng của tổ quốc đang lâm nguy, cũng như tính mệnh của cá nhân mình không biết sống chết như thế nào, thì ông không còn nghĩ tới chuyện tình yêu trai gái nữa.
Sau khi trở về nước, triều đình đang đứng trước trăm việc ngổn ngang, nên ông cũng không có thời giờ để lo tới chuyện cá nhân của mình. Vì ông là một vị đại thần đứng đầu trong triều đình, vậy trong khi hận thù của đất nước chưa trả, thì làm sao dám nghĩ tới chuyện cá nhân. Hơn nữa, sau nhiều năm xa cách, e rằng Tây Thi đã đi lấy chồng rồi chăng? Lần này đi chọn người đẹp hình bóng của Tây Thi lại xuất hiện trong tâm khảm của ông. Triết Đông là vùng có nhiều gái đẹp vậy thử đến thôn Trữ La một lần nữa xem sao?
Khi Phạm Lãi một lần nữa có mặt trong nhà của Thi đại gia tại thôn Trữ La, thì Tây Thi vui mừng như phát điên. Riêng Phạm Lãi khi biết Tây Thi vẫn còn độc thân, thì ngạc nhiên đến há hốc cả mồm. Phạm Lãi lên tiếng hỏi Thi đại gia:
- Lệnh ái năm nay có lẽ đã ngoài hai mươi tuổi rồi chăng? Thế tại sao chưa chọn một tử đệ con nhà lành nào đó để kết hôn?
Thi đại gia thở dài, nói:
- Ôi! Con gái của tôi ấy à. Tánh tình của nó rất cứng rắn, và luôn ngó rất cao. Mỗi khi tôi và má nó nói đến vấn đề hôn nhân, nó đều bảo nước nhà đang gặp hoạn nạn, vậy chuyện hôn nhân của con gái có thể chậm lại một tí cũng không sao. Thế rồi năm này sang năm khác, kéo dài mãi cho tới hôm nay.
Phạm Lãi bèn lên tiếng thăm dò:
- Phải chăng Tây Thi cô nương đang chờ đợi một ý trung nhân nào đó?.
Thi đại gia đáp:
- Nào ai có biết? Con gái khi trưởng thành thì tâm sự của nó không bao giờ tiết lộ cho những người già như chúng tôi biết đâu!
Phạm Lãi lưu lại thôn Trữ La để đốc thúc các quan viên địa phương đi khắp mọi nơi tìm gái đẹp. Một buổi hoàng hôn, Phạm Lãi một mình tản bộ qua cổng làng và men theo bờ sông.
Bầu trời đang xám xịt và không có một tí gió, tất cả lá cây đều đứng im. Phạm Lãi trông thấy bóng dáng một cô gái đang giặt tơ bên bờ sông. Hình bóng của cô gái này trông rất giống Tây Thi. Phạm Lãi vội vàng bước nhanh đến thì quả nhiên thấy đó là ý trung nhân của mình. Bốn mắt nhìn nhau đầy vẻ ai oán. Tây Thi vẫn trẻ đẹp như xưa, vẫn không cao không lùn, không mập không gầy, vẫn có hai núm đồng tiền trên đôi má dù không cười vẫn xinh đẹp đến ai nhìn thấy cũng phải say mê.
Phạm Lãi và Tây Thi sánh vai ngồi dưới gốc cây trên bờ sông. Màn trời đêm từ từ bao phủ lấy họ. Phạm Lãi biết mình đã làm cho Tây Thi phải chờ đợi, lỡ làng năm tháng, nên trong lòng rất ái ngại nói:
- Này Tây Thi cô nương, tôi thực có lỗi với cô.
Tây Thi gượng cười, đáp:
- Điều đó không thể trách chàng được, mà chỉ nên trách Ngô Phù Sai hung bạo kia, chỉ nên trách số mạng của em đây quá khổ. Tuy nhiên, trời già luôn có mắt, em... em đã chờ đợi chàng và chàng cũng đã trở về. Anh nào có biết, giữa đêm khuya trước kia khi anh lên ngựa đi, thì không giờ phút nào em lại không nhớ đến anh. Em lo khi anh ra chiến trường đao kiếm của giặc có thể làm hại anh. Em sợ anh đi làm con tin ở nước Ngô, Phù Sai có thể giết anh. Đã biết bao nhiêu lần em quỳ dưới đất khấn vái trời xanh, xin thần linh phò hộ cho anh được bình an vô sự. Em nghe nói anh và Đại vương được bình yên trở về nước, cảm thấy vui mừng như điên. Em đã nhiều lần muốn tìm đến kinh thành để gặp anh, nhưng nghĩ rằng mối thù của đất nước đến nay chưa trả, hằng ngày anh phải lo liệu giải quyết không biết bao nhiêu công việc của triều đình. Cho nên dù em mong nhớ anh, nhưng không muốn đi quấy rầy anh. Em... em lúc nào cũng tưởng nhớ đến anh và tin rằng anh không bao giờ quên em cả. Anh nhất định sẽ trở lại.
Tây Thi càng nói càng xúc động, hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má như hai dòng suối nhỏ.
Phạm Lãi vô cùng cảm động, cầm lấy hai cánh tay của Tây Thi, nói:
- Xem này, chẳng phải anh anh đã đến đây rồi hay sao?
Hai người ôm chặt lấy nhau và hôn nhau rất âu yếm. Trong lòng họ đều nghĩ: Nếu trên đời này không có chiến tranh, không có hận thù giết chóc, để cho tất cả những cặp tình nhân đều được yêu thương nhau một cách tự do, thì hay biết chừng nào?
Một trận gió mát thổi đến, làm cho lồng ngực vốn nóng ran của hai người cảm thấy dễ chịu. Tây Thi từ trong tình cảm gái trai đậm đà dần dần tỉnh táo trở lại, bình tĩnh nói:
- Em biết rồi. Lần này anh đến đây là có sứ mạng riêng. Anh đến đây để tuyển chọn mỹ nữ chứ không phải đi tìm vợ. E rằng sau mấy năm đợi chờ giữa chúng ta, chí là một sự đợi chờ vô ích! Em đã suy nghĩ kỹ, không chờ anh mở miệng nói trước không tạo khó khăn cho anh, em bằng lòng là người đầu trên giúp anh hoàn thành sứ mệnh.
Phạm Lãi cám thấy hơi bất ngờ, nói:
- Có phải em bảo, em sẵn sàng đi sang Ngô Quốc chăng?
Tây Thi trả lời một cách kiên quyết:
- Phải! Chuyện riêng của hai ta nếu so với mối thù của nước nhà thì bé nhỏ hơn nhiều. Không phải em tự khoe khoang chứ với nhan sắc của em đây, nhất định Ngô Phù Sai sẽ mê mệt. Em tin em có thể sánh bằng mười vạn giáp sĩ. Vậy, chỉ cần trong lòng anh vẫn giữ hình ảnh của em, thì em sẽ cam tâm tình nguyện đi cứu nước bằng sắc đẹp của một người con gái!
Lúc bẩy giờ trong lòng của Phạm Lãi như mặt sông đang nổi gió, cuồn cuộn bao nhiêu đợt sóng to. Người ta bảo tình yêu bao giờ cũng ích kỷ, trong đời có ai bằng lòng đem người yêu của mình hiến dâng cho người khác bao giờ. Phạm Lãi muốn cưới ngay Tây Thi, rồi chọn một mỹ nữ khác để hiến dâng cho Ngô Vương. Nhưng, có cô gái nào đẹp hơn Tây Thi được? Người bạn gái của Tây Thi là Trịnh Đán tuy cũng là một cô gái đẹp nhưng nếu so với Tây Thi thì hãy còn thua xa. Tây Thi chẳng những đẹp về ngoại hình, mà còn đẹp về tâm linh. Với một cô gái đẹp và yêu nước như Tây Thi, mà đưa sang Ngô Quốc để mở rộng mặt trận mới thì sức mạnh đó quả không thể nào tiên liệu được. Nó có thể còn hơn cả một đạo quân mười vạn giáp binh. Phạm Lãi cũng giống như Tây Thi: vừa yêu người yêu của mình, nhưng lại càng yêu tổ quốc hơn. Do vậy, Phạm Lãi cố chịu đau, nói:
- Này Tây Thi cô nương, mong cô cố chịu thiệt thòi cho đất nước còn nhiều hoạn nạn của chúng ta. Hãy... hãy chờ đợi anh thêm mấy năm nữa!
Tây Thi nghẹn ngào đáp:
- Em... em sẽ chờ! Em sẽ chờ? Nhưng e rằng đến ngày trả thù xong cho nước, thì anh... anh chê em đã nhụy rữa hoa tàn!
- Anh không bao giờ! Anh không bao giờ! - Phạm Lãi to tiếng nói rõ lòng mình - Anh có thể thề với trời đất: anh sẽ vĩnh viễn yêu em tận đáy lòng! Hai ta sẽ cùng gắng sức trên một chiến trường chung! Anh tin tưởng rằng, rồi đây chúng mình sẽ có ngày sống chung nhau một cách vui vẻ, và không bao giờ chia tay nhau nữa!
Công việc chọn lựa mỹ nữ được Phạm Lãi triển khai khắp toàn quốc. Qua nhiều lớp tuyển lựa,  cả nước chọn được hai mươi mỹ nữ. Nhưng chọn tới chọn lui cũng không ai hơn được Tây Thi. Thế là Tây Thi được xếp số một. Trịnh Đán xếp số hai. Câu Tiễn truyền lệnh cho họ vào yết kiến, cũng không ngớt khen ngợi sắc đẹp của các cô gái vừa chọn được. Nhà vua bèn ra lệnh cho nhạc sư cung đình dạy các mỹ nữ múa hát, rồi mới để cho Phạm Lãi dẫn đi hiến cho Ngô Quốc.
Phù Sai vừa trông thấy Tây Thi, Trịnh Đán, tưởng đâu họ là những tiên nữ giáng phàm. Đôi mắt của ông ta dán chặt vào thân người của các mỹ nhân, giống như bị keo dán, không sao dời đi được. Ngô Phù Sai bèn xuống lệnh đưa vào hậu cung và ban thưởng cho Phạm Lãi.
Lúc đó Ngũ Viên cũng có mặt, liền lên tiếng can ngăn:
- Tâu Đại vương, thần nghe nói, nhà Hạ bị mất nước là do Muội Hỉ. Nhà Ân mất nước là do Đắc Kỷ, nhà Châu mất nước là do Bạo Tự. Mỹ nữ chính là những cô gái đẹp dẫn đến tai họa mất nước. Vậy ngài không thể tuyển họ đưa vào cung được!
Ngô Phù Sai đang cao hứng, nên đâu chịu nghe theo lời khuyên can của Ngũ Viên. Nhà vua đã dẫn chứng những chuyện trong sách sử, nói:
- Khổng Tử từng nói: Ăn, uống, nam, nữ, đó là những điều ham muốn lớn của con người. Háo sắc là thiên tính của đàn ông! Ta là một quốc vương, hậu cung đang có hằng nghìn người đẹp, vậy thêm hai cô gái đẹp nữa thì có can gì? Khanh đừng nói những lời nói xúi quẩy như vậy! Chả lẽ quả nhân đây là phường hôn quân vô đạo hay sao. Hơn nữa, Câu Tiễn được những cô gái đẹp này mà không dùng, lại sai người mang sang đây hiến cho quả nhân. Qua đó đủ thấy tấm lòng trung thành của ông ta rồi. Này lão tướng quốc, xin khanh đừng can dự vào những chuyện vu vơ như thế này nữa.