Dịch giả : PHONG ĐảO
Chủ biên : TANG DU
- 5 -
Lui Quân, Giảm Bớt Bếp Nấu

Tôn Tẩn trông thấy Bàng Quyên bại binh bỏ chạy, trong khi mục đích cứu Triệu đã hoàn thành, nên cùng bàn với Điền Kỵ rút quân thắng trận trở về nước.
Bàng Quyên mặc dù bị bại trận, nhưng lại có công hạ được thành Hàm Đan, nên Ngụy Huệ Vương vẫn không bắt tội, và vẫn cho ông ta chưởng quản binh quyền như cũ. Bàng Quyên không chịu phục, quyết tâm tìm cơ hội để trả lại mối thù bại trận tại Quế Lăng.
Bàng Quyên phái người mang nhiều vàng bạc sang nước Tề để tiến hành kế ly gián. Chúng đặt điều vu khống cho Điền Kỵ là có ý muốn làm phản để đoạt ngôi của vua Tề. Tề Uy Vương bị trúng kế, có lòng nghi ngờ Điền Kỵ. Điền Kỵ biết được, bèn lấy cớ bệnh trao lại binh quyền để giải tỏa lòng nghi ngờ đối với Uy Vương. Tôn Tẩn cũng từ chức quân sư của mình, ở nhà lo làm thơ đọc sách.
Bàng Quyên nghe tin vua Tề bị trúng kế hết sức vui mừng, nói:
- Hả hả! Ngày hôm nay Bàng Quyên ta có thể hoành hành trong khắp thiên hạ, mà không ai đối địch nổi rồi!
Thế là ông ta thuyết phục Ngụy Huệ Vương xua quân xâm chiếm nước Hàn.
Năm 343 trước công nguyên, Ngụy Huệ Vương phong cho Thái tử Thân làm Giám Quân, Bàng Quyên làm Đại Tướng, dốc hết binh lực toàn quốc tiến đánh nước Hàn, muốn chỉ qua một cuộc hành quân là tiêu diệt được nước này.
Hàn Ai Hầu thấy thế lực của quân Ngụy đánh đâu thắng đó, thế như chẻ tre, tiến nhanh vào đất nước của mình thì hết sức hốt hoảng, phái người đi sang nước Tề cầu cứu. Lúc bấy giờ Tề Uy Vương đã chết, con là Tuyên Vương lên nối ngôi. Sau khi nhận được lời cầu cứu của một nước đồng minh, Tề Tuyên Vương bèn phục chức cho Điền Kỵ và Tôn Tẩn, lại quy tụ bá quan văn võ đến họp triều đình để tìm cách giải cứu cho nước Hàn.
Tướng quốc Trâu Kỵ nói:
- Hai nước Hàn-Ngụy đánh nhau, đó là chuyện riêng của họ. Nước ta có thể ngồi yên nhìn hai con cọp giao đấu, không cần phải can thiệp đến.
Điền Kỵ lắc đầu, nói:
- Không được, không được! Nước Ngụy mạnh nước Hàn yếu. Một khi nước Ngụy tiêu diệt được nước Hàn, thì chẳng khác chi cọp lại thêm cánh, sẽ quay sang nước ta để báo mối thù bại trận tại Quế Lăng. Đến chừng đó, chẳng phải quân ta tác chiến cô độc một mình hay sao?
Trong quần thần có người ủng hộ ý kiến của Trâu Kỵ, có người ủng hộ ý kiến của Điền Kỵ. Hai bên tranh chấp không ngã ngũ. Tề Tuyên Vương trông thấy Tôn Tẩn ngồi cắn môi làm thinh, không tỏ ý gì, bèn lên tiếng hỏi:
- Này quân sư, tại sao ngài không nói chi cả vậy. Chả lẽ ý kiến của hai ngươi đều sai cả sao?
Tôn Tẩn gật đầu, đáp:
- Đúng vậy! Đúng vậy!
Tê Tuyên Vương cảm thấy khó hiểu, lại hỏi:
- Chả lẽ ngài có ý kiến thứ ba của riêng mình chăng.
Tôn Tẩn lại gật đầu, nói:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Chúng ta không cứu nước Hàn, thì có nghĩa là bỏ rơi nước Hàn, và để mặc cho nước Ngụy càng thêm cường thịnh. Nhưng nếu bây giờ chúng ta đi cứu ngay nước Hàn, thì có nghĩa là chúng ta đánh giặc thay cho nước này, để họ ngồi không tọa hưởng, còn ta thì gánh vác sự tổn thất nặng nề của chiến tranh. Do đó, thần cho rằng hai ý kiến trên đều không thể chấp nhận được.
Tề Tuyên Vương nôn nóng hỏi:
- Đại địch đang kéo tới, vậy quân sư hãy mau nói rõ ý kiến thứ ba của mình đi.
Tôn Tẩn bình tĩnh đáp:
- Thần nghĩ rằng, ta nên cử binh sau để giành phần chiến thắng. Trước tiên chúng ta nên hứa với vua nước Hàn là sẽ cử binh tiếp ứng, để cho nước này an tâm chống lại quân đội của nước Ngụy. Chờ cho nước Hàn và nước Ngụy đánh nhau đều bị thương vong, đều bị tổn thất, thì chúng ta mới thừa cơ đó mà xuất binh. Như vậy, ta dùng sức ít mà lại thu lợi to!
- Đúng là diệu kế! Đúng là diệu kế!
Tề Tuyên Vương vui mừng, to tiếng khen tặng. Thế là nhà vua nhanh chóng tiếp kiến sứ thần của nước Hàn, nói:
- Xin trở về tâu lại với quốc quân của ngài, hãy cố gắng chống lại quân Ngụy, đừng bao giờ rút lui. Đại quân của nước tôi sẽ đến ngay tức khắc, để hợp sức đánh bại quân Ngụy.
Sau khi sứ thần của nước Hàn đi, Tôn Tẩn liền phái người vào đất Hàn để quan sát chiến cuộc, rồi liên tục báo tin về. Chờ cho quân Hàn trải qua năm trận đánh đều bị bại cả năm, phải rút lui vào kinh thành cố thủ. Tôn Tẩn cho rằng thời cơ đã đến, xin Tề Tuyên Vương xuống chỉ xuất quân. Tề Tuyên Vương liền cử Điền Kỵ làm Đại Tướng, Điền Anh làm Phó Tướng, Tôn Tẩn làm Quân Sư, dẫn mười vạn đại binh đi cứu nước Hàn.
Điền Kỵ sau khi nhận mệnh lệnh của vua, liền chọn tinh binh và tướng mạnh chuẩn bị lương thảo đầy đủ, rồi xuống lệnh tiến thẳng vào nước Hàn. Nhưng, Tôn Tẩn vội vàng ngăn lại, nói:
- Không thể được, không thể được! Trước kia chúng ta- cứu Triệu, quân ta không vào Triệu mà vẫn cứu được Triệu. Nay đi cứu nước Hàn, thì quân ta vẫn không vào nước Hàn mà lại cứu được nước Hàn?
Điền Kỵ bừng hiểu ra, nói:
- Ý của quân sư là chúng ta lại xua quân bao vây nước Ngụy để cứu nước Hàn chăng?
Tôn Tẩn chỉ cười mà không đáp. Thế là mười vạn quân Tề theo đại lộ như đi cứu nước Triệu thuở trước, tiến nhanh vào đất Ngụy như một mũi tên bắn thẳng vào quả tim của nước này là đô thành Đại Lương.
Bàng Quyên sau khi xua quân tiến vào đất Hàn, tuy gặp phải sự kháng cự ngoan cường của quân Hàn, bị tổn thất không phải nhỏ, nhưng rốt cục qua năm trận đánh to đều được đắc thắng, và đã xua quân tiến tới bao vây đô thành của nước Hàn. Xem ra, đại công của ông ta sắp sữa hoàn thành. Bàng Quyên đang tính toán việc vào thành để tiếp nhận nghi thức đầu hàng của nước Hàn, nên trong lòng không khỏi dương dương tự đắc. Bỗng, ông ta lại nghe tin quân Tề xâm nhập vào nước Ngụy, nhất là Tôn Tẩn và Điền Kỵ lại được phục chức, nên không khỏi sợ hãi.
Ông ta vốn có ý nghĩ để mặc cho hậu phương ra sao thì ra, cố gắng đánh chiếm kinh đô của nước Hàn. Nhưng Ngụy Huệ Vương đã liên tiếp sai ba lượt người đến truyền thánh chỉ, khiến Bàng Quyên đành phải xuống lệnh bỏ nước Hàn kéo trở về Ngụy Quốc.
Tôn Tẩn được tin Bàng Quyên kéo quân trở về, bèn nói với Điền Kỵ:
- Quân Ngụy từ trước đến nay hung hăng háo chiến, lại rất khinh thường quân Tề. Chúng ta có thể lợi dụng tâm lý này của họ, giả vờ như sợ đánh nhau để làm tăng thêm tính kiêu ngạo của họ, rồi sau đó mới xuất kỳ bất ý đánh bại chúng.
Điền Kỵ lại vấn kế thêm với Tôn Tẩn. Tôn Tẩn kề miệng sát tai Điền Kỵ thì thầm nói nhỏ một lúc. Điền Kỵ tỏ ra vui mừng, bèn xuống lệnh thi hành đúng theo kế hoạch của Tôn Tẩn.
Bàng Quyên dẫn đạo quân chiến thắng cấp tốc trở về nước. Ông ta quyết đánh một trận sinh tử với Tôn Tẩn. Sau mấy hôm, quân đội của Bàng Quyên đã về tới đất nước của mình. Quân Tề tránh không đánh nhau với Bàng Quyên, mà kéo quân lui về nước. Bàng Quyên đắc ý cười to, nói:
- Hả hả! Thằng què họ Tôn Tẩn này thì không được như lần trước rồi. Chắc là nhà ngươi sợ ta chứ gì?
Con trai của Bàng Quyên là Bàng. Anh nói:
- Soái phụ chớ nên khinh địch đấy!
- Ờ! - Bàng Quyên gật đầu nói tiếp - Lần này ta không liều lĩnh tiến quân như lần trước nữa đâu.
Ông ta bèn ra lệnh cho Bàng Anh dẫn người đi đến doanh trại của quân Tề vừa rút lui, đếm xem số bếp của quân Tề nấu là bao nhiêu. Qua đó, ông ta đoán được quân Tề đông đến mười vạn người, bèn nghĩ bụng: “Mười vạn người là một con số không nhỏ, vậy ta phải hết sức cẩn thận" Bàng Quyên bèn xuống lệnh:
- Hãy cẩn thận truy kích, tuyệt đối đừng để lọt vào ổ mai phục của địch.
Qua ngày hôm sau, Bàng Quyên lại sai người đến doanh trại của quân Tề vừa rút lui để đếm số bếp của họ nấu cơm, và tính ra chỉ còn lại có năm vạn người. Bàng Quyên không khỏi vui mừng, nghĩ bụng: “Hả hả? Đúng là quân Tề nhát gan, sợ đánh nhau. Chỉ trong vòng một ngày mà chúng bỏ trốn đến năm vạn người. Vậy thì hãy truy kích. Nhất định phải truy kích đến cùng!”
Quân Ngụy lại tiếp tục đuổi theo quân Tề suốt một ngày nữa. Bàng Anh đêm đó lại tìm đến doanh trại của quân Tề vừa rút bỏ để đếm số bếp nấu cơm, thấy số bếp này chỉ dùng đủ cho ba vạn người. Bàng Quyên hết sức cao hứng, đưa tay lên vỗ trán, nói:
- Hả hả! Mười vạn quân Tề nay đã bỏ trốn hết quá nửa. Bớ gã què họ Tôn ơi! Ngày chết của nhà ngươi không còn xa nữa!
Thái tứ Thân thấy Bàng Quyên quá vui mừng, bèn nhắc nhở ông ta:
- Tôn Tẩn là người có nhiều ngụy kế đa đoan, vậy Bàng tướng quân không nên coi thường.
Bàng Quyên nói một cách đầy kiêu ngạo:
- Thằng què họ Tôn đó tuy có ngụy kế đa đoan, nhưng lính của nó thiếu can đảm, không bằng lòng bán mạng cho nó, thì thử hỏi nó có cách gì hơn? Nếu Thái tử sợ, thì chúng mình có thể chia quân ra làm hai toán. Thần sẽ dẫn quân đi trước để truy kích chúng, quyết bắt sống cho được Tôn Tẩn, trả lại mối thù bại trận tại Quế Lăng trước kia.
Thái tử Thân nghe vậy, suy nghĩ một lúc, bèn nói:
- Như vậy cũng được. Nếu tiền quân của ngài có bị sơ thất, thì hậu quân - của tôi thể dốc hết sức để chi viện.
Tôn Tẩn co tay tính nhẫm, thấy với tốc độ hành quân của Ngụy quân, đoán chắc vào chiều ngày hôm nay trước khi mặt trời lặn, họ sẽ đến địa giới Mã Lăng Đạo. Mã Lăng Đạo là nơi địa hình hiểm trở, núi cao rừng rậm, hẻm núi chỉ vừa đủ cho một người cưỡi ngựa đi qua. Nơi đây, đúng là nơi có địa thế tốt để bố trí phục binh. Tôn Tẩn bèn xuống lệnh:
- Toàn quân hãy dừng lại, nấu cơm ăn cho no, rồi mai phục hai bên núi, lấy một đạo quân nghỉ ngơi khỏe mạnh, đánh một đạo quân mệt nhọc của chúng.
Bàng Quyên vì nóng lòng muốn lập công, nên đã dẫn năm nghìn binh mã đi bất kể ngày đêm để truy kích. Khi đến Mã Lăng Đạo thì mặt trời vừa lặn xuống phía Tây. Lúc bấy giờ là cuối tháng mười. Trên trời không trăng lại không sao, hai bên đường những cây tòng cổ thụ cao ngất trời, nên chung quanh tối đen, ngửa bàn tay ra nhìn không thấy, người đi sau cũng không thấy được người đi trước. Tiên phong là Bàng Anh quay lại báo:
- Phía trước có nhiều cây cối đốn để chận đường, quân ta rất khó tiến lên.
Bàng Quyên nói:
- Đó là do quân Tề sợ quân ta đuổi theo, nên chúng mới hạ cây để chận đường, chứng tỏ chúng rất sợ hãi, vậy hãy mau dọn cây, tiếp tục tiến lên.
- Xin tuân lệnh!
Bàng Anh quay lưng bỏ đi, ra lệnh cho binh sĩ đốt đuốc lo dọn những cây rừng bị đốn để chận  đường, dẹp hết mọi chướng ngại. Bàng Anh trông thấy trên một thân tòng cổ thụ gần đấy, vỏ cây đã bị lột bỏ, để lộ thịt cây trắng tinh, và có viết một số chứ lên đó, nên vội vàng trở lại báo cho Bàng Quyên biết.
Bàng Quyên ra lệnh cho một tiểu binh cầm đuốc đi theo mình đến xem, thấy trên thân cây viết bảy chứ to rất bắt mắt: "Bàng Quyên sẽ chết tại gốc cây này".
Vừa xem xong, Bàng Quyên cảm thấy như bị sét đánh ngang mày, buột miệng nói to:
- Nguy rồi! Nguy rồi! Ta đã trúng kế thằng què họ Tôn rồi? Mau rút lui! Mau rút lui!
Lời nói của ông ta chưa dứt, thì hai bên núi trống chiến của quân Tề đã nổi lên ầm ầm rồi đạn lửa bắn ra như mưa. Quân Ngụy bị trúng tên lớp ngã chết, lớp đạp nhau bỏ chạy. Riêng Bàng Quyên bị trúng liên tiếp mấy mũi tên. Máu chảy dầm đề, đau đớn khó tả. Bàng Quyên tự biết mình khó thoát khỏi nơi này, nên ngước mặt lên trời cao than rằng:
- Hỡi trời! Đáng tiếc là trước kia ta không giết chết thằng què đó cho rồi, để ngày hôm nay nó được công thành danh toại!
Nói dứt lời, thì bị trúng thêm mấy mũi tên nữa. Bàng Quyên tuốt bảo kiếm ra tự sát tại chỗ.
Riêng Bàng Anh cũng bị tên bắn khắp cả người, trông chẳng khác nào một con nhím, ngả chết bên cạnh cha. Quân Tề thừa thắng, truy kích đánh quân Ngụy tan tác, lớp chết, lớp đầu hàng, không ai có thể chạy thoát vòng vây.
Lúc bấy giờ Thái tử Thân đang chỉ huy hậu quân, hay tin tiền quân đã bị phục kích, nên vội vàng xuống lệnh hạ trại không tiến lên nữa. Nhưng không ngờ hành động của ông ta đã muộn. Điền Anh đã xua quân xông lên sát phạt. Thái tử Thân vội vàng chỉ huy quân đội của mình chống lại. Tiếp đó, quân đắc thắng của Điền Kỵ, cũng quay lại tiếp ứng với Điền Anh. Quân Ngụy thấy vậy càng thêm sợ hãi, hàng ngũ rối loạn, không còn tinh thần chiến đấu nữa. Thái tử Thân bị Điền Anh bắt sống. Bàng Thông cũng vứt khí giới đầu hàng. Hơn mười vạn đại quân của Ngụy đã bị tiêu diệt.
Quân Tề đắc thắng kéo trở về nước. Tiếng tăm của quân Tề vang dội khắp các chư hầu, và đã xưng bá ở phía Đông. Tề Tuyên Vương thưởng Điền Kỵ lên làm Tướng quốc. Riêng Tôn Tẩn thì không nhận sự phong thưởng. Ông để một số thì giờ viết bộ sách “Tôn Tẩn binh pháp" hiến cho quốc gia, rồi sau đó đi tới một vùng núi sâu không rõ tên để quy ẩn, hàng ngày làm bạn với mây trời và suối trong...