Dịch giả : PHONG ĐảO
Chủ biên : TANG DU
- 2 -
Nghìn Dặm Đến Nước Yên

Nước Yên nằm ở một góc xó, là một quốc gia yếu nhất trong "thất hùng". Thái sử Công từng nói: “Yên nằm sát Man Lạc, bên trong phải chịu nghe theo sự sắp xếp của Tề và Tấn, nằm lẫn giữa các cường quốc, nhưng lại là nước yếu nhất, đã mấy lần suýt bị tiêu diệt"(Theo “Yên thế gia” trong sách “Sử ký").
Nước Yên sống giữa bão táp, “phía Đông không bằng Tề, phía Tây không bằng Triệu (Theo chương một quyển “Yên sách"). Kình địch của nước Yên trước tiên phải là hai nước Tề và Triệu láng giềng. Nhất là nước Tề là nước luôn có sự uy hiếp to lớn nhất đối với nước Yên.
Năm 314 trước công nguyên. Yên Vương là Khoái Pháp Cổ nhường ngôi cho người Tướng quốc của mình là Tử Chi dẫn đến nội loạn. Nước Tề nhân cơ hội đó liên kết với Trung Sơn tiến chiếm nước Yên. Yên Vương Khoái và Tử Chi đều chết. Bá tánh của nước Yên bị chiến tranh tàn phá, đói kém mất nhà cửa, phải bỏ đất đi lang thang khắp mọi nơi. Cuộc sống thật là đồ thán. Yên Chiêu Vương (công tử Chức) là một nhà vua anh minh, đã lên nối ngôi trong một khung cảnh đổ nát hoang tàn, ông quyết chí đánh bại nước Tề rửa mối thù đẫm máu.
Muốn phục thù thì trước tiên phải chấn hưng nước nhà, muốn chấn hưng nước nhà thì cần phải cầu người hiền tài. Yên Chiêu Vương sau khi nghe Quách Quỳ nói câu chuyện cổ tích về “nghìn vàng mua xương ngựa", bèn mạnh dạn dùng Quách Quỳ làm soái, rồi xây một cái đài bằng vàng, bên trên để hàng nghìn lượng vàng, với mục đích chiêu tập hiền sĩ từ bốn phương về với mình.
Tô Tử được tin, bèn từ nước Châu đến nước Yên. Trâu Diễn, được tin bèn từ nước Tề đi đến nước Yên. Lạc Nghị được tin, bèn từ nước Triệu đi tới nước Yên. Khuất Cảnh được tin, bèn từ nước Sở đi tới nước Yên. Tất cả bốn nhân tài này đều tập trung cả về nước Yên. Và quả nhiên đã giúp được nước Yên đối đầu với nước Tề mạnh hơn. (Theo phần "Quần đạo" trong sách “Thuyết uyển"). Tô Tử nói ở đây tức là Tô Tần. Tô Tần khi đi về nước Yên là năm thứ ba sau khi Yên Chiêu Vương đã dùng Quách Quỳ làm soái, tức trước năm 308 trước công nguyên.
Sau khi Tô Tần đến nước Yên, Yên Chiêu Vương đối với ông tỏ ra trọng thị, tự mình đi ra tận ngoại ô để nghênh tiếp, rồi bày tiệc thịnh soạn khoản đãi, dùng lễ rất trọng hậu. Tô Tần cũng không phụ lòng Yên Chiêu Vương, ông thăm dò tìm hiểu và biết được tâm sự của nhà vua, nên tích cực lo mưu hoạch chuyện đánh Tề giúp Yên Chiêu Vương. Tổng chiến lược dùng để đánh bại nước Tề của Tô Tần là khuyên nước Tề đánh nước Tống, để từ đó nước Tề bị cô lập và tiêu hao tiền tài, vật lực, và cũng để nước Tề bớt đi sự cảnh giác đối với nước Yên, rồi mới thừa cơ đánh bại họ. Tô Tần nói với Yên Chiêu Vương:
- Trong thiên hạ gồm có bảy chiến quốc, mà Yên là nước yếu nhất, nếu đánh một mình thì không được, vậy có điều kiện liên hợp với ai thì phải hết sức trọng thị. Nếu vương có thể tạm gác tình thương, đưa con, mẹ, và em sang nước Tề làm con tin rồi lại dùng gấm vóc, châu báu hối lộ cho các đại thần của họ, khiến nước Tề có thái độ hòa hoãn với nước Yên, rồi chỉ lo tiêu diệt nước Tống, thì nước Tề cuối cùng cũng sẽ bị mất thôi.
Để báo đáp cái ơn tri ngộ với Yên Chiêu Vương, Tô Tần mạnh dạn đề xuất, bằng lòng đứng ra để hoàn thành tổng chiến lược tiêu diệt nước Tề của mình, bằng cách tự mình sang Tề để làm nội ứng. Tô Tần nói:
- Vương tự lo việc đối ngoại, còn Tần thì sẽ báo tin mật ở bên trong, qua đó đã tạo được cái thế đánh bại nước Tề. Nhưng, do phải rời nước Yên lâu dài sang nước Tề làm gian tế, là một chuyện vừa nguy hiểm, mà lại còn dễ bị gièm pha, ly gián, khiến Yên Vương có lòng hoài nghi đối với mình. Cho nên Tô Tần bèn kể cho Yên Chiêu Vương nghe một câu chuyện cổ về người có lòng chung tình mà lại gặp sự báo đáp đau thương.
Câu chuyện như thế này: có một người nọ đi làm ăn xa đã ba năm, vợ ở nhà tư thông với người khác.  Khi nghe chồng sắp trở về, bà vợ và cả người tư thông đều sợ hãi. Người này hỏi bà vợ phải đối phó ra sao? Gian phụ đã có sự tính toán trước, nên chuẩn bị sẵn rượu có bỏ thuốc độc để đầu độc chồng. Sau khi người chồng về tới nhà, bà vợ bèn sai người thiếp của chồng đưa rượu tới mời chồng uống, với ý đồ giá họa cho người khác. Người thiếp nghĩ bụng: “Nếu đưa rượu này cho chồng uống thì chắc chắn chồng sẽ chết. Trái lại, nếu đem sự thật tố cáo bà vợ chánh, thì bà vợ chánh chắc chắn sẽ bị đuổi đi. Cả hai phương pháp này đều không tốt". Thế là, người thiếp giả vờ vấp chân té, làm đổ tất cả rượu độc xuống đất. Bà vợ chánh thấy độc kế của mình đã hỏng, bèn xúi bẩy chồng đánh đập người thiếp. Ông chồng đang tức giận, bèn trói người thiếp lại rồi dùng roi quất túi bụi.
Tô Tần đem chuyện người tiểu thiếp trung thành với chồng, nhưng trái lại bị chồng đánh tàn nhẫn nói cho Yên Vương nghe, hy vọng trong thời gian ông sang nước Tề để hoạt động gián điệp, thì Yên Chiêu Vương ở nhà đừng nghe theo lời gièm pha ly gián của người khác, mà phải tin tưởng, không dời đổi đối với ông, đừng để ông phải chịu cảnh ngộ như người tiểu thiếp kia, do lòng trung thành với chồng mà lại bị đánh đập tàn nhẫn.
Yên Chiêu Vương nghe qua kiến nghị của Tô Tần, bèn nói:
- Được! Trẫm sẽ cử khanh giữ chức Thượng Khanh, ban cho khanh một trăm cỗ xe, khanh dựa vào đó để giúp quả nhân sang phía Đông du thuyết nước Tề.
Đoạn văn trích dẫn trên đều lấy từ "Yên sách" trong quyển "Chiến quốc sách". Nhưng có điều là người biên soạn đã lầm lẫn Tô Tần trong đoạn văn này là Tô Đại. Chỉ cần tham khảo "Sách lụa" thì biết rõ sự thật.