Dịch giả : PHONG ĐảO
Chủ biên : TANG DU
- 4 -
Công Thành Thiệt Thân

Năm 285 trước công nguyên, mặt trận liên hợp chống Tề do năm nước Tần, Triệu, Hàn, Ngụy, Yên tổ chức đã được hình thành. Tất nhiên, việc hình thành mặt trận liên minh chống Tề này phải quy công cho sự hoạt động bí mật của Tô Tần. Nguy cơ bị tiêu diệt của nước Tề đã hiện ra trước mắt.
Đến năm 284 trước công nguyên, Yên Chiêu Vương đích thân sang Triệu để hội kiến với Triệu Huệ Văn Vương, chính thức tuyên bố tuyệt giao với nước Tề. Tiếp đó, liên quân năm nước đã nhanh như chớp từ khu vực có sự phòng thủ yếu kém của nước Tề ở phía Bắc, kéo quân đánh thốc vào nước này. Quân đội của nước Tề liều chết chống trả và đã diễn ra một trận đánh to giữa quân Tề và liên quân năm nước tại phía Tây của nước Tề. Kết quả, toàn bộ quân đội của Tề đã bị tiêu diệt.
Sau trận đánh to tại phía Tây của nước Tề, thì Tần, Triệu, Hàn, Ngụy đều án binh bất động. Chỉ riêng có quân đội của nước Yên do tướng Lạc Nghị chỉ huy, tiếp tục đánh thẳng vào nội địa nước Tề, và đã hạ được thủ đô của nước này là Lâm Tri. Tề Mân Vương bỏ chạy đến Cử Thành, bị Náo Xỉ giết chết. Yên Chiêu Vương nằm gai nếm mật suốt hai mươi tám năm, rốt cục đã thực hiện được ý nguyện của mình, trả được mối thù ôm ấp từ lâu.
Cuộc đại thắng nước Tề của Lạc Nghị, cố nhiên là không thể tách rời sự lãnh đạo anh minh của Yên Chiêu Vương, cũng như tài năng quân sự của Lạc Nghị. Nhưng bất cứ thế nào, cũng không thể đánh giá thấp tác dụng phản gián của Tô Tần. Trong chương "Dụng gián" của sách "Tôn Tử" có nói: “Xưa kia nước Ân được hưng thịnh, là do có Doãn Chí ở Hạ. Châu sở dĩ được hưng thịnh, là do có Lữ Nha ở Ân". Và, gần đây bộ sách “Tôn Tử" viết trên thẻ tre vừa mới khai quật được trong ngôi mộ đời Hán tại núi Ngân Tước, lại thấy có viết thêm một câu: "Yên sở dĩ hưng thịnh, là do có Tô Tần tại Tề”. Như vậy việc khẳng định tác dụng quan trọng qua hành động phản gián của Tô Tần là không còn điều gì phải nghi ngờ nữa.
Sau khi quân Yên đem toàn lực đánh Tề (284 trước công nguyên), thì hành động phản gián của Tô Tần cho nước Yên đã hoàn toàn bộc lộ. Tề Mân Vương hết sức thịnh nộ, bèn hạ lệnh bắt Tô Tần dùng xe để xé xác. Lúc Tô Tần chết mới có năm mươi tuổi. Cả cuộc đời của nhà "tung hoành" này, đã hiến dâng trọn cho nước Yên. Trong bài bình luận về Tô Tần, Phục Kiền có nói: "Tô Tần không giữ chứ tín với nước Tề, nhưng lại giữ chữ tín một cách chung thủy với nước Yên" là người đã “chung thủy với nước Yên”. (Phần “Lỗ Trọng Liên, Trâu Dương Truyện trong sách "Sử ký”).
Tô Tần chết vì đã đến nước Tề làm phản gián cho nước Yên, bị người thời bấy giờ chê cười, nên sự tích cũng dần dần bị chìm trong sự quên lãng. Nhưng Tư Mã Thiên đối với việc này lại tỏ ra rất cảm động. Trong sách “Sử ký" phần "Tô Tần liệt truyện" ông đã nói: “Tô Tần do làm phản gián mà chết, nên thiên hạ đều cười chê, tránh không học cái thuật của ông. Nhưng người đời nói về Tô Tần có chỗ khác nhau. Cứ thấy những gì tương cận với chỗ khác nhau đó, thì đều dồn cả về cho Tô Tần. Tô Tần là người xuất thân từ giới bình dân, nhưng đã lôi kéo được sáu nước đứng chung thành một trận tuyến, chứng tỏ cái trí của ông hơn người. Chính vì vậy mà tôi đã ghi chép mọi việc làm của ông theo thứ tự thời gian, chứ chả lẽ để ông phải mang tiếng xấu mãi hay sao? ".
Thái Sử Công muốn chính danh cho Tô Tần, dụng tâm đó thực là khổ thay, nhưng do sử liệu thiếu thốn, nên khó tránh được đi vào vết xe cũ là “chuyện gì không tốt cũng dồn cả về cho Tô Tần”. Nhưng nay sau khi "Sách lụa" được khai quật, thì chân tướng về Tô Tần đã rõ mồn một trước thiên hạ. Như vậy, Thái Sử Công có lẽ cũng đã ngậm cười nơi chín suối.
Một khi chân tướng đã rõ thì đối với Tô Tần cũng nên có một sự đánh giá trở lại. Ông tuy do "sự liên minh không được kéo dài nên chưa thể trở thành Tướng quốc của sáu nước", nhưng kỳ thực thì ông đã là Tướng quốc của ba nước. (Yên, Triệu, Tề), nổi danh khắp cả các nước chư hầu. Và đã thực hiện được cái gọi là “Thành cao nghìn trượng, địa điểm xung yếu dài hằng trăm xích, cũng bị bẻ gãy được giữa những phiên họp" (Chương năm trong Tề Sách).
Lý Bạch từng có một bài thơ:
Lạc Dương Tô Quý Tử,
Kiếm kích sâm từ phong,
Lục ấn tuy vị bội,
Hiên xa nhược phi long.
Dịch:
Tô Quý Tử người Lạc Dương,
Lời nói sắc bén tương đương giáo dài.
Sáu ấn tuy chưa khoác vai,
Nhưng kìa xe ngựa thua ai bao giờ.
Năm 288 trước công nguyên, nước Tần xưng đế ở phía Tây, còn nước Tề xưng đế ở phía Đông. Cả hai nước đều có tham vọng gồm thu thiên hạ, và thực lực cũng tương đương nhau. Do thuật "tung hoành" cửa Tô Tần thành công, mà bất ngờ xuất hiện cục diện nước Yên yếu kém đã đánh thắng nước Tề mạnh hơn. Sự ngẫu nhiên đó trong lịch sử, đứng về mặt khách quan mà nói, đã tạo điều kiện tất yếu cho nước Tần nhất thống cả Trung Quốc.
Sau khi nước Tề suy sụp, thì cục diện chống mặt nhau giữa Tề và Tần đã bị phá vỡ. Cho nên nước Tần đã vươn lên thành một cường quốc hàng đầu rất dễ dàng. Từ đó, nước Tần đã trở thành nước đóng vai trò thống nhất của Trung Quốc, để lật sang một trang mới cho lịch sử Trung Quốc.
Việc Yên Chiêu Vương phá Tề là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử thời Chiến Quốc. Tô Tần đã phát huy tác dụng trong bước ngoặt đó. Cho nên địa vị trong lịch sử của ông không thể nào đánh giá thấp được. Nếu bảo Yên Chiêu Vương là nhân vật kiểu Việt Vương Câu Tiễn, thì Tô Tần chính là Phạm Lãi, Văn Chủng của Yên Chiêu Vương. Trần Tử Ngang, một thi nhân đời Đường có bài thơ rằng:
Nam Lăng Kiệt Thạch quán,
Dao vọng Hoàng Kim Đài,
Khưu Lăng tận kiều mộc,
Chiêu Vương an tại tai?
Dịch:
Trèo lên Kiệt Thạch phía Nam,
Xa nhìn viễn cảnh kia Đài Hoàng Kim.
Núi đồi cổ thụ liên miên,
Chiêu Vương thuở ấy còn thiêng không nào
?
Người hậu thế khi hoài niệm Yên Chiêu Vương, một nhà vua anh minh thời Chiến Quốc, thì cũng không nên quên Tô Tần, người đã chung thủy cả đời mình với nước Yên.