Dịch giả : PHONG ĐảO
Chủ biên : TANG DU
- 7 -
Xin Phong Cho Ung Xỉ

 Năm 201 trước công nguyên, Lưu Bang đại phong cho các công thần. Do Trương Lương chủ yếu là một mưu thần, không có chiến công, nên Lưu Bang để ông được quyền chọn ba vạn hộ tại nước Tề để làm phong ấp. Trương Lương vội vàng từ tạ, nói:
- Trước kia thần đứng lên tại Hạ Phi, và được gặp bệ hạ tại Lưu Thành, đó là ý trời đã giúp thần, trao thần cho bệ hạ. Về sau, bệ hạ tín nhiệm thần và đã dùng nhiều kế sách của thần, cho nên phong cho thần đất Lưu là thần đã hài lòng lắm rồi, có đâu còn đòi hỏi đến ba vạn hộ?
Lưu Bang cố khuyên để phong ba vạn hộ cho Trương Lương, nhưng Trương Lương cương quyết từ chối không nhận. Cuối cùng Lưu Bang đành phải theo sự thỉnh cầu của Trương Lương, phong cho ông làm Lưu Hầu.
Lúc bấy giờ, Lưu Bang đã phong cho ngoài hai mươi đại công thần. Riêng những người khác thì ngày đêm tranh công, khiến Lưu Bang rất khó xử trí, và không có cách nào tiếp tục phong cho họ. Trương Lương thì trái lại, chẳng những không tranh công, mà còn từ chối đất phong cho mình không nhận, chứng tỏ ông là người có tiết tháo cao thượng, siêu thoát ra ngoài thế tục.
Một hôm, Lưu Bang đi trên một con đường phức đạo ở Nam Cung tại Lạc Dương, thấy các tướng lĩnh túm năm tụm ba ngồi trên mặt cát, thì thầm nói nhỏ với nhau, bèn hỏi Trương Lương họ đang bàn việc gì.
Trương Lương làm ra vẻ ngạc nhiên, nói:
- Chả lẽ bệ hạ vẫn chưa biết hay sao? Họ đang mưu phản đấy!
Lưu Bang kinh ngạc, hỏi:
- Hiện nay thiên hạ vừa mới thái bình, thế tại sao họ lại muốn mưu phản?
Trương Lương đáp:
- Bệ hạ chẳng qua xuất thân từ một bá tánh bình thường, và những người đó đi theo bệ hạ để giành thiên hạ, chính là muốn được phong quan tấn tước. Nay bệ hạ đã trở thành thiên tử, số người được bệ hạ phong toàn là những bạn bè chí thân của bệ hạ, còn số người bị bệ hạ trị tội, thì toàn là nhưng người thù cũ của bệ hạ. Giờ đây, nếu lấy hết cả thiên hạ ra để chia cho họ, cũng không đủ chia cho mỗi người một phần. Họ đang lo ngại mình không được phong thưởng, lại sợ bị phạm một lỗi lầm nào đó mà bị bệ hạ giết đi, cho nên họ tụ tập ở đây để bàn tán chuyện mưu phản.
Lưu Bang lo lắng, hỏi:
- Theo ý kiến của khanh thì phải làm sao?
Trương Lương hỏi lại Lưu Bang:
- Trong bình sinh, người bị bệ hạ ghét mà ai ai cũng biết đó là ai?
Lưu Bang đáp:
- Ung Xỉ và ta vốn có mối oán ghét cũ, vì hắn từng phản bội ta, khiến ta khó xử. Ta vốn muốn giết hắn, nhưng niệm tình hắn có nhiều công lao, nên không nỡ làm như vậy.
Trương Lương nói:
- Nếu thế thì bệ hạ hãy nhanh chóng phong cho Ung Xỉ đi. Khi mọi người thấy một người như Ung Xỉ mà cũng được phong, thì tất nhiên họ sẽ an tâm cả.
Thế là Lưu Bang bèn mở tiệc, triệu tập quần thần đến, rồi phong Ung Xỉ làm Thập Phương Hầu trước mọi người. Kết quả đúng như Trương Lương tiên liệu. Sau khi tiệc tan, quần thần liền cùng nhau bàn tán: “Một người như Ung Xỉ mà cũng được phong hầu, thì chúng ta còn lo gì nữa".
Một cuộc phong ba chính trị đã được Trương Lương dùng một kế nhỏ, là đã xóa tan một cách dễ dàng, và kết cục thì mọi người đều vui vẻ.
Sử gia Bắc Tống là Tư Mã Quang bình luận về chuyện này có nói: Trương Lương làm như vậy, đã giúp cho Lưu Bang tránh được một nguy cơ chính trị, do chỉ biết dùng người thân và chỉ ban thưởng theo tình cảm riêng tư gây ra, khiến quần thần đánh tan được lòng nghi kỵ. Nhà chính trị Bắc Tống là An Vương Thạch cũng có viết một bài thơ nói:
Hán nghiệp tồn vong phủ ngưỡng trung,
Lưu Hầu ư thử mỗi thung dung.
Cố Lăng thủy nghị Hàn Bành địa,
Phức đạo phương đồ Ung Xỉ phong.
Dịch:
Nhà Hán tồn vong phút chốc thôi,
Lưu Hầu thong thả góp công rồi.
Cố Lăng bàn đến Bành Hàn đất,
Phức đạo mưu phong Ung Xỉ thôi.
Trong bài thơ đã khẳng định tác dụng của Trương Lương trong quá trình đánh bại Hạng Võ, củng cố triều đình nhà Hán.