LIÊN

Từ ngày Cha Thiện đổi về làm chính xứ ở nhà thờ Bà Chiểu, Nguyên trở thành cậu “từ”, một người thân tín làm các việc trong nhà xứ. Hàng ngày, sau bữa cơm trưa, Nguyên mang sách vở, đạp xe vào nhà xứ, ở đây Nguyên giúp Cha Thiện một vài việc nhỏ rồi đem bài ra học.
Cha Thiện biết Nguyên từ ngày cha còn làm cha phó xứ Bắc hà, cha rất thương Nguyên nhất là lại được thầy Thanh giới thiệu như là học trò ruột của thầy. Thầy Thanh đã có một thời sống trong dòng tu nhưng thầy nói thầy không được ơn kêu gọi nên xuất ra làm nghề dạy học. Thực ra thầy còn được thay cha chính xứ như là hiệu trưởng trường Minh Tân, có thẩm quyền giải quyết tất cả các vấn đề hành chánh của trường. Ngoài ra thầy còn ở trong một gian nhà cùng dãy với các linh mục của xứ.
Ngay trong thời kỳ học lớp Nhất, cha Thiện đã có ý gửi Nguyên đi tu sau khi học xong tiểu học nhưng mẹ Nguyên không chịu. Bà bảo Nguyên là con lớn, nếu cha bằng lòng bà sẽ cho em của Nguyên đi tu. Khi Nguyên rời Bắc hà, đã có lần cha nhắn người bảo mẹ Nguyên gửi Nguyên về với cha nhưng mẹ Nguyên sợ cha vướng chân vướng cẳng, vả lại bà nhất định không muốn cho con đi tu vì sợ sau này không thành sẽ không trả được “cơm Đức Chúa Trời”.
Chỉ một tuần sau khi cha Thiện về Bà Chiểu, Nguyên đã đến chào cha. Cha Thiện không khác xưa bao nhiêu nhưng Nguyên đã cao lớn ra nên mãi một lúc sau cha mới nhận ra. Chỉ cần vài tuần sau nữa là bao nhiêu chuyện trong mấy năm liền được Nguyên thưa lại với cha hết, dĩ nhiên chuyện Ánh, Kim, Liên, Đào và các buổi vào Lăng đều được Nguyên giữ kín. Cha Thiện có cái nhìn hơi khác với nhiều người khi một lần thấy Nguyên trước cửa phía sau Lăng:
Lăng tẩm, chùa chiền, nhà thờ … là nơi thờ phượng, là nơi yên tĩnh để con người có nơi tiếp xúc với chính mình và với Chúa, với Phật, với Thần linh. Nếu các con vào mà thinh lặng, không quấy phá người khác thì không có lỗi nhưng nếu vào để vui chơi thôi thì không nên.
Ngày qua ngày, như một cái máy, Nguyên chỉ chăm chú việc học, giúp cha làm một số công việc văn phòng như đánh máy bản thông tin của xứ, hoặc thư từ cha phải gửi đi nơi này nơi nọ. Trước mặt Nguyên lúc này là mảnh bằng mà Nguyên phải cố giật cho bằng được.
Sau Tết, chỉ còn vài tháng nữa là thi, Nguyên thưa chuyện với cậu:
Bài ngày càng nhiều, cháu không thể học cả hai nơi một lúc được, chắc cháu phải nghỉ Hồ Ngọc Cẩn quá.
Ông Đức nói là để ông suy nghĩ vài ngày rồi quyết định, ông cũng đích thân vào xin gặp thầy Hiệu trưởng kể rõ tình hình và hoàn cảnh của Nguyên và xin ông Hiệu trưởng cho Nguyên học lại đệ Nhất nếu Nguyên rớt năm đó. Được sự chấp thuận của ông Hiệu trưởng, Nguyên nghỉ ngay trong tuần đó và không hề báo cho bạn bè biết.
Khi biết Nguyên đã nghỉ học, một buổi cha Thiện bảo Nguyên:
Sao con không chuyển sang học ngày luôn, buổi tối ở nhà ôn bài.
Nguyên trình bày lý do muốn tiết kiệm học phí cho cha rõ, cha Thiện bảo Nguyên mời cậu vào gặp cha để cha giải quyết cho.
Cha Thiện không những giúp Nguyên những tháng còn lại về việc học. Cha Thiện còn đi xa hơn nữa là đã gửi Nguyên lên học đại học trên Dalat sau khi Nguyên đỗ Tú 2, nơi cha có một người bạn thân đang làm khoa trưởng của một phân khoa thuộc viện Đại học Dalat. Gia đình Nguyên không phải trả học phí và lệ phí nội trú chỉ phải trả có một nửa, còn ít hơn tiền Nguyên thu được do việc dạy kèm cho hai học sinh trong một gia đình cũng do cha Thiện giới thiệu.
Mẹ Nguyên mừng lắm, từ nay bà không phải lo về vấn đề vật chất cho đứa con lớn và hy vọng bốn năm nữa, con bà sẽ giúp bà chăm lo cho các em.
Dù đã lên Dalat học nhưng Nguyên về Long Khánh với mẹ và các em lúc hè và dịp Tết, như thông lệ cả gia đình về Bà Chiểu ăn Tết với ông bà Đức. Đêm giao thừa tiếng pháo nổ ròn, có những tiếng nổ chát chúa lẫn trong tiếng pháo mà ai cũng có thể nhận ra là tiếng súng. Có lẽ người ta đốt pháo ăn mừng nhiều hơn những năm trước.
Qua sáng hôm sau, tin tức khắp nơi cho biết trong lúc tiếng pháo và tiếng súng hoà lẫn, những người lính phe Cộng đã tràn vào chiếm một số thị trấn và thành phố. Cuộc chiến không còn ở trong rừng hay những đồn bót xa xăm, cuộc chiến đã thực sự về thành phố.
Bên tiểu khu Gia định cần một y tá đi tải thương ở khu đài phát thanh Saigon nên cho tài xế mang một xe cứu thương đến tận nhà kêu ông Đức đi. Khi đến nhà đón ông Đức, người tài xế còn chếnh choáng rượu Xuân, ông Đức bảo anh:
Ngồi qua bên kia để tao lái cho.
Người tài xế trẻ thường gọi ông y tá mình ưa lái xe cho là “thầy” và xưng là “em” nhưng trong những lúc thân mật ông Đức xưng mày tao với người tài xế. Cả hai thầy trò chạy về hướng lò heo cũ để vòng qua Hàng Sanh, về hướng Thị Nghè.
Chưa đầy nửa tiếng sau, người tài xế hốt hoảng chạy về báo tin:
Ông thầy chết rồi, Việt cộng đã bắn trúng đầu ông thầy khi xe qua ngang bót cảnh sát mà họ đã chiếm.
Cả nhà không ai tin, nhưng sau vài phút, nhìn thấy nỗi kinh hoàng của người tài xế, mọi người đổ oà khóc.
Phải mất vài ngày xác ông Đức mới được đưa về nhà xác Nguyễn văn Học và tẩm liệm ngay trong nhà xác dưới sự chứng kiến của Nguyên và người con lớn của ông bà Đức. Sau đó đưa về trạm xá tiểu khu thay vì về nhà. Sau khi chôn cất cậu, do tình hình còn khá phức tạp nên Nguyên phải ở nán lại vài tuần mới trở lên Dalat.
Thời gian qua mau, vậy mà đã đến ngày giỗ giáp năm của ông Đức, bà Đức bảo Ngần viết thư lên Dalat cho Nguyên mời mẹ Nguyên và anh em Nguyên về dự lễ giỗ. Nguyên về Long Khánh trước mấy ngày rồi cùng mẹ và các em vào Gia định.
Không khí Tết năm nay ở nhà bà Đức thật buồn, Nguyên biết vậy nên đã bàn với mẹ là làm sao cho mợ và các em vui nhưng mẹ Nguyên cũng buồn, bà đã mất đi người em thương yêu của mình. Sáng mồng 4 Nguyên thả bộ sang nhà Ngọc, may quá Ngọc đang chuẩn bị về đơn vị, từ một thư sinh ngày nào nay Ngọc trở thành một sĩ quan Biệt kích. Nguyên vào chúc Tết ba má Ngọc rồi chỉ cùng Ngọc chuyện trò chưa đầy nửa tiếng thì Ngọc phải đi.
Nguyên thả bộ về nhà, một chiếc xe Peugeot đậu trước cửa nhà Kim và Kim trong chiếc áo dài màu xanh, màu đồng phục của hãng Hàng Không Việt Nam, từ trong nhà bước ra. Trong lúc đưa tay mở cửa xe, Kim thấy Nguyên, nàng dừng lại đợi Nguyên đến. Nguyên nhanh miệng chào ngay:
Chào Kim, năm mới chúc mừng … ủa Kim đi làm rồi à?
Năm mới chào Nguyên, Kim đi làm mấy tháng nay.
Kim liếc nhìn vào trong xe thật nhanh rồi quay lại nói với Nguyên:
Thôi, Kim phải đi đây, chúc Nguyên nhiều may mắn.
Kim vào xe, chiếc xe rồ máy chạy vụt đi. Nhìn qua người trong xe Nguyên biết là kẻ thư sinh tay trắng như Nguyên sẽ chẳng còn bao giờ được gặp Kim. Mặc dù trong vài năm qua, Nguyên đã thực sự không nghĩ về Kim nữa nhưng trong lúc này, hơn lúc nào hết, Nguyên thấy tự ái bị tổn thương rất nhiều. Nắng sớm ngày Xuân chưa đủ nóng nhưng mặt Nguyên nóng ran. Về qua nhà Liên thấy cửa đóng im ỉm, Nguyên đoán có lẽ mẹ con Liên về ăn Tết với gia đình bên nội hoặc ngoại.
Mẹ và các em vào Xóm mới thăm bà dì, Nguyên cần về Dalat sớm, lúc chào bà Đức và các em, Ngần nói với Nguyên:
Nhà bà Đàm về Đà nẵng luôn rồi, hôm trước cô Liên có hỏi em địa chỉ của anh, em có đưa cho cô ấy. Anh đi đã lâu mà không thấy cô ấy nhắc gì đến, tưởng hai người vẫn liên lạc với nhau, nay nghe Liên hỏi em lấy làm lạ nhưng cũng chỉ cho cô ấy địa chỉ mà không hỏi lý do.
Rồi Ngần cười chọc Nguyên:
Liên hồi này đẹp lắm, anh mà thấy cô ấy bây giờ thì chắc là mê hết chỗ, mà hai người lúc trước thân nhau lắm mà.
Nguyên lấy làm lạ, tại sao Liên lại hỏi địa chỉ mình hay là cô nàng phòng hờ khi về Đà Nẵng không có người quen nên làm bạn thư tín với mình chăng. Nếu Liên muốn làm bạn sao mấy năm nay không hỏi. Nguyên suy nghĩ và cố trả lời các câu hỏi trong lúc trên đường về lại Dalat.
Khi về đến nhà trọ Nguyên thấy một bì thư dày trên bàn đề gửi cho mình. Người gửi lại là Liên nên Nguyên mở ngay ra đọc:
Ngày v tháng 1 năm 1969
Anh Nguyên,
Chắc anh ngạc nhiên lắm khi nhận được thư này của Liên, Liên cám ơn Ngần đã cho Liên địa chỉ của anh để Liên có thể viết gởi đến anh. Vì trước sau gì Liên cũng phải thú tội mình cùng anh.
Trước hết Liên xin anh tha thứ cho tất cả những lỗi lầm mà Liên sẽ nói ra từ đáy lòng Liên, có như vậy Liên mới đủ an tâm, thanh thản để sống. Chắc anh không thể ngờ được một người như Liên đã làm bao nhiêu tội tầy đình, Liên xin lần lượt kể rõ, thú tội cùng anh để mong anh tha tội cho.
Sau khi ba Liên mất, má Liên rủ cô Hằng về ở cho vui và cùng làm ăn với má. Ánh và Liên tuy là hai chị em họ nhưng hai đứa là hai thái cực và đó là cái mà Liên đã không chịu được để rồi cô Hằng phải mang Ánh về Đà nẵng. Liên đã tự mình phân tích mình từ lâu, có lẽ cũng tại một phần do anh, anh đã để ý đến Ánh ngay tuần đầu nếu không muốn nói là ngày đầu. Làm sao mà Liên chấp nhận được một người như Ánh lại có thể hơn Liên, lại có thể chiếm được cảm tình và có thể cả trái tim của anh. Cái tệ hại nhất của Liên là đã cắt đứt liên lạc giữa anh và Ánh.
Sau khi Ánh về Đà nẵng, Liên nghĩ thế nào anh cũng liên hệ với Đào vì anh thân với anh ruột của Đào, nhưng Liên đã nghĩ lầm vì ngay ngày đầu tiên khi chị Kim mới dọn nhà đến xóm mình, Liên đã thấy anh lưu ý đến chị ấy ngay. Có thể do chị Kim giống Ánh, giống đến độ Liên còn lầm nữa cơ mà. Liên không muốn anh thân với Đào nên chỉ còn cách kéo anh về với chị Kim, và “gậy ông đập lưng ông”, không ngờ anh và chị Kim cảm nhau nhanh đến thế.
Liên biết anh là người tự trọng và không có tình ý gì với Đào cho nên đã rỉ tai với chị Kim là anh có tình ý với Đào, chỉ cần như vậy là anh sẽ tự động xa lánh Đào. Một mũi tên bắn hai con chim và Liên đã thành công. Việc ba chị Kim cấm anh giao thiệp với chị ấy chỉ là phát súng ân huệ cuối cùng bắn vào tình cảm giữa hai người vì chị Kim đã nghi ngờ anh từ phút ấy, nhất là khi chị Kim biết được chị là người rất giống Ánh.
Kế hoạch của Liên thành công mọi mặt nhưng Liên đã không được gì, Liên đã hoàn toàn thất bại vì vẫn không được anh quan tâm đến. Từ chỗ thật sự cảm mến anh đi đến chỗ ghét anh và đi đến chỗ thù hằn anh nữa. Liên chưa có cơ hội và có lẽ chưa đủ bản lãnh để làm công việc trả thù anh. Có lúc Liên nghĩ rất điên rồ là một phát súng kết liễu đời anh và một phát súng kết liễu đời Liên là xong hết. Con tim sao nó rắc rối quá anh nhỉ!
Ngày ba Liên còn sống, thấy ba để ý đến anh vì ba đã nghĩ đến một người con nếu còn sống sẽ bằng tuổi anh. Lẽ ra Liên phải mừng mới đúng nhưng Liên đã ghen tức về chuyện ba coi anh như là người thân. Từ cái ghen tức sang cái cảm tình rồi từ cái cảm tình sang cái thù hận. Anh Nguyên, sao con người như anh lại làm cho Liên điên đảo, tráo trở đến thế?
Hơn một năm nay Liên đã suy nghĩ rất nhiều về những hành động của mình, Liên đã thấy không thể chiếm được anh thì cần được anh tha thứ cho các lỗi lầm của mình. Nhưng cái tự ái hão huyền của Liên đã kềm hãm Liên lại và Liên kỳ vọng thời gian là lớp đường phủ trên chiếc bánh sẽ hàn gắn tất cả.
Khi về đến Đà nẵng Liên mới thấy bao nhiêu tội lỗi của mình càng không tha thứ được. Liên đã làm cô Hằng buồn mà cô chẳng hề hay biết, Ánh của cô đã bỏ nhà vào tá túc trong một ngôi chùa. Liên đã vào chùa thú tội cùng Ánh, đã cùng khóc với Ánh và kể hết những khúc mắc, những kế hoạch của Liên đã ngăn cách anh và Ánh để xin Ánh tha tội cho. Ánh đã hứa sẽ bỏ chùa về tục khi nào Liên được anh tha tội cho Liên.
Anh Nguyên, Liên sẵn sàng vào thế chỗ Ánh và có thể làm bất cứ chuyện gì để được anh tha lỗi cho. Ánh đã quảng đại tha lỗi cho Liên thì cúi mong anh cũng tha lỗi cho Liên. Liên xin gửi kèm theo đây những lá thư mà Ánh viết nhưng chưa gửi đi, xin anh tha tội cho Liên về những lá thư Ánh đã gửi đi mà không đến anh được.
Một người đang mong anh tha thứ,
Liên
Nguyên đọc lại lá thư của Liên một lần nữa trước khi đặt tay vào chồng thư của Ánh, thực ra đó là cuốn vở, một cuốn sách được đóng lại bằng nhiều tờ thư rời. Những lá thư đầu Ánh mở đầu với hai chữ “Anh Nguyên” nhưng những lá thư sau Ánh đã nắn nót mở đầu với bốn chữ “Anh Nguyên yêu dấu”. Lá thư chót viết cách đây gần 2 năm, có lẽ đó là lúc Ánh bỏ nhà vào sống trong chùa.
Nguyên như sống trong mộng, đời sao lại lắt léo, éo le như thế. Một kiều nữ như Liên có nhiều lúc thật ngây thơ, hồn nhiên mà lại nhiều thủ đoạn như vậy. Nguyên tự trách mình vì không chịu tìm hỏi kỹ càng để tưởng rằng Ánh đã quên mình mà không liên lạc với Ánh. Mà mình có lỗi gì đâu, chẳng qua cũng do tài phù thuỷ của Liên thôi. Không biết Liên đã giải quyết với Kim chuyện Nguyên và Đào ra sao.
Nguyên chạy ra ngoài sân, hít một hơi thật dài, Nguyên muốn hét lên thật lớn để giải toả sự giận dữ đối với Liên đồng thời để chào đón tin Ánh đang trông mong chờ đợi Nguyên. Bầu trời thật cao, ánh nắng vào trưa đã gắt hơn một chút. Những cụm mây trắng bay lừ đừ trên cao để lại những bóng mát nối đuôi đuổi nhau dưới đất. Nguyên muốn chạy theo những khoảng nắng loang lổ đó như chơi trong trò rượt bắt.
Nguyên nghĩ trong đầu lá thư sẽ viết đến Ánh, không biết phải bắt đầu làm sao đây.
Melbourne tháng 2 năm 2002

Xem Tiếp: ----