Chương 6 (tt)
Những Hình Thái Của Sự Lành Lặn: Mari Jean

Vào năm 1978, Mari Jean Ferguson, lúc ấy ba mươi tám tuổi, bị chẩn đoán có bệnh cao máu. Cô mới cho ra đời cháu bé đầu tiên sau một sinh nở khó khăn, trong đó cô đã trải qua chuyện nhịp đập tim không đều và dị ứng xấu về đường hô hấp. Bác sĩ của cô muốn cho cô thuốc cho tất cả ba trường hợp trên nhưng cô từ chối.
Cô nói, "Ba chồng tôi lúc đó là một nhà bào chế thuốc làm việc cho một công ty dược phòng, tôi không bao giờ uống thuốc gì mà không hỏi ý kiến ông. Trong trường hợp này, ông nói với tôi rằng thứ thuốc mà họ muốn tôi uống thuộc loại nặng và khuyên tôi không nên dùng thuốc ấy. Ông khuyên tôi nên đợi một năm xem ra làm sao. Tôi vẫn tiếp tục chích thuốc trị dị ứng mà tôi vẫn thường cần đến một vài lúc. Những người trị bệnh dị ứng lấy của tôi khá nhiều tiền của tôi kể từ khi tôi còn tuổi vị thành niên, và bị dị ứng vẫn là vấn đề bệnh hoạn lớn nhất của tôi. Bằng cách dùng những kỹ thuật dàn xếp sự căng thẳng và những bài học thở với sự kiểm soát sức nặng của tôi, tôi có thể giữ được áp suất máu ở mức độ cao bình thường (high-normal) trong vòng vài năm không dùng thuốc."
Mari Jean cần tất cả những sự giúp đỡ về những cách thức điều hòa sự căng thẳng có thể có. Nghề nghiệp của cô đang trong tình trạng mù mờ, vì cô đang chuẩn bị cho sự tái xét về chức vụ giáo sư tại một trường đại học lớn ở miền trung tây, và cuối cùng cô bị bác bỏ. Hôn nhân của cô cũng ở bên bờ vực thẳm. Sau khi sinh đứa con gái ra, chồng cô trở nên "ngược đãi hành hạ công khai" bằng cách từ chối trách nhiệm về đứa con và nói rằng căn nguyên là đứa con không phải của ông ta.
Đây là cuộc hôn nhân thứ hai của Mari Jean. Cuộc hôn nhân thứ nhất của cô chấm dứt bằng cuộc ly dị khi chồng cô trở nên say sưa và phải đi vào bệnh viện điều trị tâm thần. Chuyện xảy ra tại Berkeley, Califomia, nơi Mari đậu bằng tiến sĩ xã hội học vào cuối thập niên 1960. Cô đã tới đây từ quê nhà xa tắp Alberta. Cô nói, "Tôi đã mất khá nhiều thời gian để chống lại gia đình tôi. Tôi bỏ học khá nhiều trong thời gian ở trung học, đi vào học kinh tế ờ đại học, lập gia đình sớm, và luôn luôn làm những điều sai trái. Anh của tôi là anh hùng trong gia đình và luôn được sự chấp nhận của tất cả mọi người trong gia đình." Vào năm 1970, cha cô chết vì bệnh ung thư ở lứa tuổi sáu mươi, để lại mẹ cô sống trong cảnh quẫn trí.
Lúc Mari Jean mất công việc giảng dạy của cô vào năm 1981, cô đi theo một chương trình để trở thành một chuyên gia điều trị cho gia đình (family therapist) và điều trị luôn cho chính bản thân cô trong vòng hai năm. Cô tâm sự, "Tôi bắt đầu ý thức được gia đình tôi đã có chuyện bất thường như thế nào, và tôi bắt đầu trưởng thành hơn, nhưng mỉa mai thay, nó lại tạo thêm nhiều vấn đề trong cuộc hôn nhân thứ hai vì chồng tôi cứ ù lì tại chỗ. Rồi đùng một cái, ông đâm đơn ly dị và lấy đi tất cả tiền bạc."
Lại thêm một chuyện đau buồn đến nữa vào năm 1984, khi anh của cô chết bất thình lình vì bệnh viêm cơ tim (myocarditis), Mẹ cô quá sức đau đớn, bị hàng loạt tai biến mạch máu não (strokes) làm cho Mari Jean phải thường xuyên bay về Alberta để chăm sóc bà cho đến khi bà chết năm 1986. Áp suất máu của Mari Jean tiếp tục dâng cao cho đến lúc nó không còn kiểm soát được nếu không có thuốc men; cô bắt đầu dùng thuốc trước ngày mẹ cô mất. Mari Jean bị mập phì và hút thuốc, cô trở nên căng thẳng thần kinh. Cô dùng thuốc chống căng thẳng một thời gian rồi trở về điều trị tâm thần. Vào năm 1989 cô dọn tới Pittsburgh để làm lại cuộc đời mới, được nhận làm phụ khảo về môn xã hội học ở một trường đại học nhỏ.
Cô nói tiếp, "Tôi coi như thuộc loại quá mức yêu cầu (overqualified) với công việc này. Và tôi biết là không phù hợp với tôi nhưng tôi quyết định ngậm miệng và cố gắng." Cô giờ đây được sự trông nom y tế của Bác sĩ Amy Stine, bà bác sĩ này giữ cho cô một trạng thái yên bình bằng cách cho cô uống một tổng hợp gồm hai thứ thuốc chống áp suất máu cao. Mari Jean kể tiếp, "Mặc dù tôi có những ý hướng tốt đẹp nhất để xây lại cuộc đời, tôi thấy tôi lại bị lôi cuốn vào vòng rắc rối một lần nữa. Ông giáo sư đứng đầu phân khoa của tôi có chuyện thù oán với tôi và muốn đuổi tôi ra khi tới thời hạn ký lại giấy tờ hợp tác giảng dạy, và tôi phải mướn một luật sư."
Vào tháng mười năm 1993, Mari Jean gặp Bác sĩ Stine để khám tổng quát. Bác sĩ Stine ngạc nhiên khi thấy áp suất huyết áp của bệnh nhân của cô trên con đường đi xuống 90/ 60. Bà bảo Mari Jean, "Cô coi như đã dùng quá thuốc" và giảm chỉ còn một loại thuốc cho Mari. Lúc Mari tới khám Bác sĩ Stine một lần nữa năm 1994, áp suất máu của bà vẫn là 90/ 60. Bà Bác sĩ Stine hỏi, "Cô đang làm gì?" Mari Jean ít chú ý đến câu hỏi, cô nói, "Qua năm tháng tôi học hỏi ra một điều là nhiều bác sĩ không chú ý quan tâm đến bạn cho lắm." Bác sĩ Stine không cho cô thuốc uống nữa.
Vào lần đi khám sau, áp suất máu của Mary Jean vẫn giữ ở mức 90 / 60 là một mức thấp quá thường lệ. Lần này Bác sĩ Stine yêu cầu Mari giải thích nguyên nhân tại sao bà có được một áp suất máu thấp như vậy, "Cô không xuống cân. Cô không thay đổi chế độ ăn uống. Cô không bỏ hút thuốc. Cô không tăng hoạt động. Cô đã không làm bất cứ những gì mà người bệnh thường làm để hạ áp huyết. Thế thì cô đã làm gì?"
Mari Jean hỏi, "Bác sĩ muốn biết thật sao? Tôi sẽ nói ngắn ngủi cho bác sĩ như thế này. Tôi nhìn thấy tôi lập lại những thói cũ tôi đã làm suốt đời tôi, tôi luôn đặt mình trước Thượng đế và luôn nói rằng, 'Tôi sẽ làm thế này, tôi sẽ làm thế nọ.' Mùa thu trước, lần đầu tiên trong đời tôi nói, 'Cứ bỏ qua - để cho những gì muốn xảy ra cứ việc xảy ra.' Và chỉ có thế thôi. "
Bác sĩ Stine nói bà chưa bao giờ thấy có chuyện nào giống như thế này. Áp suất máu của Mari Jean Ferguson vẫn ở mức độ thấp và điều hòa. Mari Jean nói, "Tôi kinh ngạc khi thấy chỉ tâm trí tôi thôi có thể làm được chuyện ấy".