Chương 15

Chiếc C130 từ từ dừng lại. Ngọc Thụy bước  ra. Chiếc Lam trờ tới. Đình Anh cười nói.
- Em mệt không?
Leo lên xe Ngọc Thụy cười nói với người yêu.
- Mệt ít mà nhớ anh nhiều hơn... Tình hình có gì khả quan không?
Đình Anh thở dài lắc đầu.
- Khẩn trương lắm... Hôm qua cậu Viên có nói với anh là Bắc Việt bắt đầu mở cuộc tổng tấn công toàn diện để dứt điểm ta. Chúng đánh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Lộc Ninh, An Lộc, Đồng Xoài, Chơn Thành, Gia Nghĩa...
Ngọc Thụy thở dài sườn sượt. Xe ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất.
- Em về nhà hay ghé qua thăm cậu Viện?
- Em muốn về nhà để tẩy sạch bụi phong trần. Hơn nửa tháng đi giang hồ người em hôi như chuột...
Ngọc Thụy cười đùa trong lúc vòng tay ôm hông người yêu. Đình Anh cũng đùa lại.
- Ừ... Em về nhà tẩy sạch bụi giang hồ và diện cho đẹp xong anh chở em đi ăn phở Pasteur. Nửa tháng nay anh nhớ chiếc áo dài màu tím hoa ô môi của em muốn chết...
Dụi đầu vào lưng Đình Anh Ngọc Thụy hỏi.
- Anh nhớ màu tím hoa ô môi chứ anh không có nhớ em hả?
- Nhớ em còn đậm hơn nữa...
Xe chạy qua chợ Bà Chiểu. Dù tình hình sôi động nhưng người ta vẫn ăn chơi như thường lệ. Đèn sáng trưng. Hàng quán dập dìu người ra vào.
- Anh có gặp anh Quốc không?
- Không... Hình như ảnh đang ở Lai Khê hay Chơn Thành. Liên đoàn của ảnh được tăng viện cho sư đoàn 22...
Bạch và Hải reo hò khi thấy Ngọc Thụy trở về.
- Ủa má không đi chơi sao má?
Má Ngọc Thụy cười nói.
- Tình hình lộn xộn lắm nên mấy bà bạn của má dẹp cái vụ đậu chếnh rồi...
Nhìn Đình Anh bà cười hỏi.
- Cháu có gặp cậu Viên không?
- Dạ có... Cháu mới gặp cậu hôm qua. Lúc này cậu bận lắm. Có khi tám chín giờ tối mà cậu cũng chưa về nhà...
Nhìn con gái và Đình Anh bà Bình An thấp giọng.
- Má nghe đồn chánh phủ của mình sẽ bỏ Sài Gòn. Hai đứa con có biết không?
Ngọc Thụy liếc nhanh Đình Anh rồi cười hỏi lảng sang chuyện khác
- Má chịu về Cần Thơ ở không má?
- Chịu chứ... Ở Sài Gòn đâu có vui bằng Cần Thơ... Về Cần Thơ là mình ở gần chị hai của con. Má sẽ đi thăm con Hồng hoài...
- Vậy gần cuối năm mình dọn về Cần Thơ... Hai đứa con sẽ về Cần Thơ sửa soạn trước rồi lên đón má và hai em về...
- Con tính vậy cũng được... Hay để má về trước...
Khẽ gật đầu Ngọc Thụy nói.
- Má muốn về trước cũng được. Bây giờ mới tháng năm nên chừng tháng chín mình dọn về cũng được...
 
Ngọc Thụy bỏ vào phòng sửa soạn trong lúc Đình Anh ngồi trò chuyện với má của Ngọc Thụy.
Ăn phở xong Đình Anh hỏi người yêu trong lúc hai đứa đứng trên lề đường Pasteur.
- Em muốn đi đâu?
Ngồi lên yên xe, vòng tay ôm eo ếch, đầu tựa vào vai Ngọc Thụy nói nhỏ.
- Về nhà anh. Em sẽ kể cho anh nghe chuyến công tác Cần Thơ và Phú Quốc...
- Ừ... Về nhà anh mình sẽ uống trà thưởng trăng. Anh cũng nóng lòng muốn biết chánh phủ đã chuẩn bị tới đâu rồi...
 
Xe chạy trên đường Hồng Thập Tự. Sở thú ban đêm đìu hiu. Cầu Thị Nghè nước lặng lờ chảy. Đình Anh dựng xe trước cửa. Ngọc Thụy lặng lẻ leo lên cầu thang trong lúc Đình Anh vào gặp chủ nhà xin nước pha trà. Đứng trên lan can nàng nhìn phong cảnh ban đêm của thành phố rồi tự dưng thở dài buồn bã. Nàng không muốn mất Sài Gòn, nơi chốn mà nàng cảm thấy gắn bó, gần gụi và thân thiết. Sài Gòn với nàng như một người bạn của tuổi ấu thơ, tuổi học trò và gần đây nhất tuổi của tình yêu. Nhờ có Sài Gòn nàng mới gặp Đình Anh rồi dắt tay nhau không phải để đi vào thế giới diễm ảo của tình yêu mà tham dự vào những biến động làm thay đổi lịch sử. Nàng biết rồi đây Sài Gòn sẽ mất. Sài Gòn sẽ bị cưỡng chiếm bởi những kẻ lưu manh, xảo trá, ăn gian nói dối. Sài Gòn sẽ bị nhiểm độc. Sài Gòn sẽ bị cấm cười, nói, yêu thương, suy tư cũng như mộng mơ. Người dân Sài Gòn sẽ trực diện với những người cùng chủng tộc, màu da nhưng không cùng tôn giáo và tư duy. Thiếu nữ của Sài Gòn sẽ phải chung đụng với người rừng, những kẻ dốt nát nhưng lếu láo xưng là đỉnh cao trí tuệ của loài người để che đậy cái mặc cảm thấp kém và lạc hậu.
 
Ngọc Thụy quay nhìn khi nghe tiếng động vang lên nơi cầu thang. Đình Anh bưng một cái khay có bình trà với hai cái tách và một cái dĩa nhỏ.
- Anh đãi em hai thứ quí hơn vàng là trà Bảo Lộc và kẹo mè xửng...
Đón lấy tách trà nóng Ngọc Thụy hít hơi thật dài như muốn hít mùi trà thơm vào tận trong phổi của mình.
- Làm sao anh mua được kẹo mè xửng?
- Của những người từ miền trung mang vào. Không sống nổi với cộng sản một ít dân đánh cá liều mạng vượt biên vào Nam...
Đình Anh khe khẽ thở dài.
- Họ kể nhiều chuyện buồn và khủng khiếp lắm. Họ bảo miền trung bây giờ là địa ngục trần gian. Nhà tù nhiều hơn trường học. Bộ đội, công an nhiều hơn dân. Họ bảo tất cả những ai có liên hệ với Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều bị đi tù, bị đày lên núi...
Ngọc Thụy ứa nước mắt. Nàng không muốn khóc nhưng tự dưng nước mắt cứ ứa ra. Giọng nói hơi khàn và trầm của người yêu vang đều bên tai.
- Sài Gòn và toàn thể nước ta rồi cũng vậy. Dân chúng sẽ bị bịt miệng, bịt mắt, trói tay, xiềng chân, phải ngồi im nghe lời giảng dạy của những người mà họ biết chỉ giỏi hơn họ về sự gian dối, xảo trá...
- Em sẽ nói với cậu Viên cố gắng giữ Sài Gòn lâu hơn...
- Anh và cậu có bàn về chuyện này hôm kia. Cậu bảo cậu không muốn bỏ thủ đô nhưng lực bất tòng tâm. Quân dụng mà Hoa Kỳ trao cho mình chỉ còn đủ dùng hai năm nữa thôi. Vả lại mình phải giữ lại nhiều súng đạn để cố thủ ở miền tây. Bắc Việt cũng biết điều đó nên đã mở những cuộc tổng tấn công trên các mặt trận. Ba ngày trước tụi nó pháo kích và tấn công vào Gia Nghĩa, nơi đóng quân của bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh. Hai bên đánh nhau cả ngày. Số người chết lên tới cả ngàn. Bắc Việt hơn hẳn mình về vũ khí tối tân mà hỏa lực cũng nhiều hơn năm bảy lần...
Ngọc Thụy cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ khiến cho nàng phải uống một ngụm nước trà.
- Cậu Viên nói với anh là sau một buổi họp kín Hội Đồng Dân Quân Cách Mạng cho biết các cơ quan của chính phủ dân sự và quân đội đã hoàn tất giai đoạn 1 trong việc rút bỏ vùng 3 và Sài Gòn. Các nhu yếu phẩm như xăng dầu, thực phẩm khô đã được di chuyển cũng như một số dinh trại của quân đội đã được tháo dỡ xong chở về miền tây và Phú Quốc. Tất cả nhừng gì cần thiết cho một cuộc định cư lâu dài ở miền tây và Phú Quốc đã được đem đi hết rồi. Giai đoạn 2 là di tản dân chúng. Đây là giai đoạn phức tạp và khó khăn nhất vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn về mặt tâm lý, kinh tế và quân sự đồng thời ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của binh sĩ nơi mặt trận. Để giữ vững tinh thần chiến đấu của binh sĩ, bộ tổng tham mưu đã ra lệnh cho sĩ quan từ cấp tư lệnh sư đoàn trở xuống phải hội họp để giải thích cho binh sĩ biết là vợ con, cha mẹ, anh chị em của họ sẽ được chánh phủ dành ưu tiên một trong vấn đề di tản về miền tây...
- Khi nào giai đoạn 2 mới bắt đầu...?
Ngọc Thụy hỏi nhỏ. Đình Anh hớp ngụm nhỏ nước trà còn âm ấm. Kẹo mè xửng ngọt nhưng anh cảm thấy có vị đăng đắng.
- Nó đã bắt đầu trong vòng kín đáo từ hồi sau tết tức là sau khi mình rút khỏi cao nguyên. Một số viên chức trong vài cơ quan liên hệ tới chuyện di tản của chính phủ đã được gởi xuống Cần Thơ để nghiên cứu và chỉ huy việc thiết lập mọi công sở, dinh trại, nhà cửa cho quân dân cán chính cư ngụ. Theo như anh biết một số dân chúng của vùng 3 và Sài Gòn cũng như binh sĩ sẽ rút về miền tây để tiếp tục chiến
đấu cho tới khi nào mình bắt buộc phải bỏ miền tây...
Ngọc Thụy lại hỏi.
- Có cách nào để mình giữ miền tây được không?
- Có... Mình chỉ đủ súng đạn đánh nhau chừng hai ba năm nữa mà thôi. Còn đi vay thời không có nước nào dám bỏ tiền cho mình vay. Họ sợ mình giựt vả lại tình thế của nước mình chông chênh sắp lật nên thiên hạ sợ...
Ngọc Thụy cười buồn. Cái khó nó bó cái khôn. Chiến tranh đã tàn phá, khiến cho Việt Nam Cộng Hòa, mười mấy năm trước là một quốc gia sản xuất nhiều lúa gạo mà bây giờ phải nhập cảng gạo để nuôi dân. Kho tàng trống không, tiền bạc thiếu hụt, chánh phủ lấy gì để tự túc tự cường, để mua súng đạn đánh nhau với cộng sản. Dù đã đoán trước nhưng viễn ảnh toàn Việt Nam Cộng Hòa bị cai trị bởi cộng sản khiến cho Ngọc Thụy buồn rầu. Giọng nói trầm và khàn đục của Đình Anh vang lên.
- Mình đã làm những gì mình có thể làm để kéo dài cuộc chiến tranh với hy vọng chuyển xoay được thời cuộc. Tuy nhiên...
Ngọc Thụy lại thở dài.
- Theo anh thời mình giữ miền tây được bao lâu?
Trầm ngâm giây lát Đình Anh mới trả lời.
- Cậu Viên nói từ ba tới bốn năm thôi... Cậu Viên nói nhờ dựa vào phòng tuyến thiên nhiên là sông Vĩnh Tế với sông Tiền nên mình không phải tốn nhiều súng đạn để tử thủ. Vả lại sau khi rút về miền tây thời toàn bộ lính địa phương quân và nghĩa quân sẽ được giải ngũ về nhà để tăng gia sản xuất. Mình chỉ giữ lại các sư đoàn bộ chiến và lực lượng
tổng trừ bị. Theo tính toán của bộ tổng tham mưu thời sau khi rút về miền tây quân lực của ta chỉ còn có các sư đoàn 1, 2, 3, 5, 7, 9, 18, 22, 23 và 25. Phần lực lượng tổng trừ bị có hai sư đoàn thủy quân lục chiến, dù và 15 liên đoàn biệt động quân...
Quay nhìn Ngọc Thụy Đình Anh nói với giọng vui vẻ và thích thú.
- Cậu Viên nói với anh là cậu chỉ thị cho tướng Giai gom hết 45 tiểu đoàn để lập ra ba sư đoàn cho dễ chỉ huy. Anh Quốc sẽ được vinh thăng đại tá và làm tư lệnh sư đoàn 101. Đại tá Kiếm sẽ chỉ huy sư đoàn 106, anh Bảo cũng được lên đại tá và coi sư đoàn 102 biệt động quân. Cậu Viên...
Cười thành tiếng Ngọc Thụy ngắt lời người yêu.
- Chà lúc này em coi bộ anh gần cậu Viên hơn em rồi. Anh tính giựt cậu Viên của em hả?
Đình Anh cười hả hả khi nghe Ngọc Thụy nói đùa.
- Anh cần núp bóng cậu Viên để em khỏi ăn hiếp anh. Có gần gũi cậu Viên mới biết cậu là một người lính tận tụy với chức vụ và yêu nước. Cậu làm việc quên ăn bỏ ngủ. Tám chín giờ tối mới về nhà mà bảy giờ sáng đã có mặt ở văn phòng rồi...
Bỏ dở câu nói Đình Anh rót thêm trà vào tách cho người yêu xong thì thầm.
- Anh nhớ em...
- Em cũng nhớ anh...
Đình Anh hôn nhẹ lên môi người yêu. Ngọc Thụy cười nói với giọng nhỏng nhẽo.
- Anh hôn có chút xíu hà... Anh phải hôn nhiều hơn  em mới chịu...
Cười lặng lẻ Đình Anh vòng tay kéo người yêu vào lòng. Hai người đứng bên nhau nhìn bóng tối mênh mông. Không có gì hết ngoài tiếng thở dài. Không gian yên lặng.
Đang ngồi nói chuyện với Ngọc Thụy và Đình Anh, Mai ngạc nhiên khi thấy Thạnh, chồng của mình bước vào cửa.
- Anh về sớm...
Gật đầu chào Đình Anh và Ngọc Thụy xong Thạnh quay qua cười nói với vợ.
- Anh phải đi công tác khẩn cấp... Anh phải chỉ huy đoàn xe quân vận chở đạn lên tiếp tế cho sư đoàn 22 đóng ở Chơn Thành...
Đình Anh xen vào.
- Em nghe nói trên đó đánh lớn lắm...
Thạnh gật đầu cười.
- Bởi vậy anh phải dẫn đoàn xe lên tiếp tế cho họ. Anh nghe tin là Bắc Việt chuẩn bị đánh lớn vì vậy cục tiếp vận mới phải tiếp tế tối đa cho mặt trận của tướng Hiếu...
Biết chồng phải đi xa thời gian lâu nên Mai nói.
- Em dọn cơm cho anh ăn rồi em sửa soạn quần áo cho anh...
Ngồi vào bàn ăn cơm Thạnh dặn vợ.
- Em soạn cho anh chừng ba bốn bộ quần áo thôi. Chắc đi không lâu đâu...
Đang lui cui soạn quần áo cho chồng Mai hỏi khi thấy
Ngọc Thụy và em trai đứng lên.
- Hai đứa về hả?
- Dạ tụi em về...
Bắt tay anh rể Đình Anh cười nói.
- Anh cẩn thận... Tụi này gặp lại anh sau...
Vừa tới Chơn Thành được hai ngày liên đoàn 4 của Quốc được lệnh hành quân giữ an ninh tối đa quốc lộ 13 từ Chơn Thành đi An Lộc để đoàn công voa của tiếp vận sẽ chở súng đạn lên cho hai trung đoàn 40 và 41 đóng ở Lộc Ninh và An Lộc. Quốc họp với Trang và ba tiểu đoàn trưởng là Tráng, Hạnh và Thiều.
- Quân xa sẽ thả ba tiểu đoàn dài từ Chơn Thành tới An Lộc. Ba ông nên cho lính bung ra kiểm soát cũng như tìm kiếm mìn của địch. Mặc dù đoạn đường này đã được giải tỏa nhưng vẫn bị tụi du kích bắn sẻ và đặt mìn...
Nhìn ba tiểu đoàn trưởng Quốc nghiêm giọng.
- Hai trung đoàn 40 và 41 đều thiếu thốn quân dụng cho nên việc  tiếp tế của họ được đặt lên ưu tiên một. Ba ông phải làm sao đừng để mình mất mặt với ông Hiếu và ông Niệm...
Tráng cười đùa.
- Anh đừng lo... Tôi biết con đường này rành lắm. Để tôi đi đầu cho...
Trời tờ mờ sáng. Tuy chưa tới giờ khởi hành nhưng Thạnh đã ra lệnh cho các toán trưởng sẵn sàng. Năm mươi chiếc quân xa đều nổ máy. Mọi thứ quân dụng chất đầy trong lòng xe. Sáu giờ sáng. Lệnh di chuyển ban ra. Đoàn
lâu ngày không được tu bổ. Con lộ bề ngang bảy tám thước chạy lọt giữa rừng cao su ngút ngàn. Cây cối xác xơ. Phong cảnh tiêu điều và hoang vắng. Không có người ở đã đành mà ngay cả hoang thú cũng vắng bóng. Sau ngày ngưng bắn con đường mang số 13 này lọt vào vòng kiểm soát của cộng quân. Với mục đích cô lập An Lộc, Mặt Trận B- 2 đã cho bộ đội đóng chốt tử thủ đoạn đường này. Hai trung đoàn 40 và 41 của sư đoàn 22 phải tốn nhiều xương máu mới giải tỏa được con đường mang số xui xẻo. Tuy nhiên đám du kích vẫn mò ra bắn sẻ hoặc đặt mìn cố gắng làm ứ đọng sự tiếp tế cho An Lộc.
Ngồi băng trước với tài xế Thạnh quan sát cảnh vật hai bên đường. Hơn mười năm đi lính đây là lần đầu tiên anh mới bị cấp trên phái đi xa. Cảnh vật hoang vu và không khí im vắng khiến cho vị đại úy quân vận cảm thấy hồi hộp và lo âu. Trông thấy thái độ của cấp chỉ huy người lính tài xế cười trấn an.
- Đại úy an tâm... Con đường này cách đây mấy tháng bị tụi nó chiếm đóng nhưng bây giờ thời yên rồi. Tôi dọ được tin là biệt động quân đang giữ an ninh cho đoàn xe của mình từ Chơn Thành tới An Lộc. Biệt động giữ an ninh là mình khỏe re. Bộ đội chọc ai chứ không dám chọc mấy ông ba mươi đâu...
- Tụi nó có pháo kích hay bắn sẻ không?
- Cái đó thời ở đâu cũng có... Pháo kích hay bắn sẻ thời hơi sức đâu mà mình lo đại úy...
Dù người tài xế nói như vậy mà Thạnh vẫn thầm lo âu. Tuy nhiên anh dần dần cảm thấy yên tâm hơn khi thấy mấy
người lính áo rằn đứng giơ tay vẩy vẩy đoàn công voa. Chỉ bóng lính biệt động quân thấp thoáng trong bìa rừng người tài xế cười nói.
- Họ tuần tiễu như vầy là mình không sợ bị phục kích...
Xe chạy tới trưa Thạnh thấy một toán lính biệt động quân đứng giữa đường. Một người giơ tay ra hiệu cho xe dừng lại
- Có chuyện gì vậy?
Thạnh hỏi tài xế.
- Chắc có chuyện lộn xộn. Tôi thấy hình như có người chết nằm trên đường...
Một người lính áo rằn đi tới chiếc xe dẫn đầu đoàn công voa. Thấy Thạnh mang cấp bậc đại úy người lính cười.
- Đại úy là trưởng toán đoàn công voa?
- Chính tôi... Có chuyện gì vậy anh?
Nhìn kỹ thấy người lính mang trên cổ áo hai bông mai bạc Thạnh cười tiếp.
- Xin lỗi trung tá... Tôi là đại úy Thạnh, trưởng toán đoàn xe quân vận...
Vị trung tá cười nói vui vẻ.
- Tôi là trung tá Quốc, liên đoàn trưởng liên đoàn 4 biệt động quân. Hân hạnh được gặp đại úy...
Quốc đưa tay ra. Thạnh bắt tay vị sĩ quan biệt động xong cười hỏi.
- Có chuyện gì vậy thưa trung tá?
- Lính của tôi vừa bắn chết ba tên du kích định mò ra đặt
mìn. Lính đang kiểm soát để xem có mìn trên đường không. Chắc cũng phải mất chừng mười lăm phút...
Thạnh mở cửa bước xuống đường. Quốc rút thuốc mời vị sĩ quan quân vận.
- Con đường này chắc an ninh thưa trung tá?
Hiểu ý của người hỏi Quốc cười nhẹ.
- An ninh thời có nhưng nếu nói là 100/100 thời tôi không dám nói. Lính của tôi đã tuần tiễu và lục xoát khắp nơi cho nên đoàn công voa của đại úy chắc chắn sẽ không bị phục kích trên đường đi. Tuy nhiên chuyện bắn sẻ và đặt mìn có thể xảy ra...
Hít hơi thuốc, từ từ nhả khói Thạnh gợi chuyện.
- Chắc trung tá ở Sài Gòn?
Quốc gật đầu đáp.
- Tôi ở Tân Định. Còn đại úy?
- Nhà tôi ở Gia Định... Trung tá chắc đã có gia đình?
Thạnh không thấy được nét thoáng buồn trên khuôn mặt của người lính biệt động.
- Tôi còn độc thân... Đại úy được mấy cháu?
- Ba... Đứa con gái lớn nhất và hai đứa con trai...
Thạnh ngưng nói khi thấy một thiếu tá bước tới nói với Quốc.
- Anh Năm...Lính báo cáo không thấy có gì khả nghi trên đường...
Gật đầu Quốc cười nói với Thạnh.
- Xong rồi... Đoàn xe có thể lên đường... Tôi chúc đại úy đi đường bình an...
Nói xong Quốc bước theo lính của mình. Vì hút chưa xong điếu thuốc nên Thạnh vẫn còn đứng trên đường. Cắc... Bùm... Tiếng nổ đột ngột vang lên khiến cho Quốc giật mình quay lại. Anh thấy vị đại úy quân vận loạng choạng một bước rồi ngã lăn ra đất. Chạy nhanh tới chỗ Thạnh đang nằm ngửa mặt lên trời Quốc lắc đầu thở dài. Cú bắn sẻ của tên du kích nào đó thật độc địa. Nơi ngực trái của Thạnh có một lỗ sâu hun hút. Máu từ đó phun ra đỏ lòm. Thạnh phều phào.
- Trung tá...
Bàn tay run run của Thạnh đưa tay lên cố gắng mở nút áo nhưng không được. Hiểu ý Quốc mở nút áo lấy ra cái bóp đưa cho Thạnh. Vị đại úy quân vận đặt nó vào tay Quốc xong thều thào.
- Trung tá... đưa cái này... cho vợ... vợ tôi...
Thạnh thở hắt hơi dài rồi ngọeo đầu sang bên. Quốc ứa nước mắt. Gần hai chục năm ở lính nhất là lính biệt động anh đã từng thấy lính chết. Chết đủ kiểu. Nằm. Ngồi. Đứng. Chết hai ba lần. Chết cụt đầu. Đứt nửa người. Chết đột ngột nhanh tới độ không ngờ mình bị chết. Tuy nhiên anh cảm thấy buồn vì cái chết bất ngờ của Thạnh. Lặng lẻ nhét cái bóp vào túi áo của mình xong xốc lấy xác của Thạnh đặt lên băng sau anh lái chiếc jeep chạy ngược về hướng Chơn Thành.
Đoàn công voa tới An Lộc và Lộc Ninh tiếp tế quân dụng cho hai trung đoàn 40 và 41 rồi về lại Chơn Thành bình yên không có chuyện gì xảy ra ngoại trừ cái chết của đại úy
Thạnh, sĩ quan trưởng toán.
Ngồi im trên một lô cốt đắp bằng bao cát Quốc nhìn đăm đăm ra khu rừng trước mặt. Trời xanh và trong. Nắng trưa chói chang. Cây cỏ vàng úa vì ảnh hưởng của thuốc khai quang. Đưa tay lên túi áo rút gói thuốc vô tình anh chạm vào cái bóp của Thạnh. Cũng vì lời trăn trối nên anh đã giữ lại cái bóp để có ngày trao lại cho gia đình người chết. Mân mê cái bóp cũ mèm giây lát Quốc từ từ mở ra. Cái bóp có ba ngăn. Ngăn thứ nhất đựng hai tờ giấy năm trăm còn mới. Ngăn thứ nhì là hình ba đứa trẻ. Mở ngăn thứ ba Quốc nhìn trân trân bức ảnh bán thân của người đàn bà mà anh đoán là vợ của Thạnh. Anh cảm thấy có bàn tay nào đó bóp lấy trái tim mình. Người đàn bà trong hình là Mai. Người mà anh yêu thương suốt đời. Người mà anh mơ hằng đêm. Người mà anh gọi tên trong những lúc cô đơn và buồn rầu. Mai hiện ra rực rỡ. Mai yêu kiều với nụ cười làm ấm lòng người lính chiến. Có thể nào Mai lại là vợ của Thạnh. Quốc bàng hoàng. Chết lịm. Ngơ ngẩn. Anh quên luôn điếu thuốc đang cháy trên tay mình. Ngồi im lìm suy nghĩ giây lát Quốc đi về phía bộ tư lệnh của tướng Hiếu. Phải chờ đợi chừng mười phút anh mới nghe được giọng nói của Đình Anh. Quốc từ từ kể cho Đình Anh nghe về cái chết của Thạnh.
 
Đám tang của Thạnh không có nhiều người tham dự trừ mấy người lính trong đơn vị. Ba đứa trẻ mếu máo khi người ta hạ huyệt. Chúng nó còn quá trẻ để hiểu được sự mất mát. Chỉ có Mai mới biết là cái chết của Thạnh sẽ gây cho nàng nhiều đớn đau và khổ sở về tinh thần lẫn vật chất. Nàng sẽ phải vô cùng vất vả mới có thể tạm nuôi ba đứa con còn nhỏ dại trong thời buổi kinh tế khó khăn và tình hình chiến tranh càng ngày càng thêm nặng độ.
 
Quốc đứng tần ngần trước ngôi nhà nhỏ trong khu Lò Heo thật lâu mới giơ tay gõ cửa. Có tiếng chân bước nhẹ rồi cánh cửa mở ra. Mai mở lớn mắt nhìn người lính biệt động đang đứng trước mặt mình. Trời ơi... Quốc của nàng... Quốc của một thời xa xưa. Quốc của mười mấy năm không gặp. Ánh mắt buồn u uẩn nhưng thấp thoáng nụ cười. Khuôn mặt xương xương gầy gò. Làn da xạm đen vì nắng lửa chiến trường.
- Anh Quốc...
Mai chỉ nói được hai chữ. Hai chữ thôi nhưng vô vàn ý nghĩa.
- Mai không muốn mời anh vào nhà?
Quốc hỏi với chút bông đùa. Mai gượng cười lùi lại.
- Mai xin lỗi... Mời anh vào...
Nhà vắng vì ba đứa nhỏ đi học. Quốc liếc nhanh ngôi nhà. Tất cả đều tỏ cho anh biết sự nghèo nàn của gia đình một mẹ ba con có chồng vừa chết trận. Một năm lương chẳng thấm vào đâu so với tình trạng vật giá leo thang.
- Anh Quốc về lâu chưa?
- Anh mới về hồi trưa. Gặp Đình Anh mới biết nhà của Mai...
Hai người, từng một thời yêu nhau thắm thiết, ngồi cách nhau cái bàn, nhìn nhau giây phút rồi quay đi chỗ khác. Im lặng. Họ có nhiều điều muốn nói nhưng dường như có điều gì đó làm cho họ ngại ngùng khó mở lời. Cuối cùng tằng hắng tiếng nhỏ Quốc lên tiếng.
- Thạnh đã chết trên tay của anh... Trước khi nhắm mắt
Thạnh có nhờ anh trao lại vật này cho Mai...
Quốc đặt cái bóp lên bàn. Mai ứa nước mắt. Đó là vật mà nàng đã mua tặng cho chồng vào dịp tết cách đây năm năm. Tuy nó cũ và sờn rách nhiều chỗ nhưng Thạnh không chịu bỏ vì đó là vật kỷ niệm của người vợ thân yêu.
- Anh chỉ gặp Thạnh có một lần, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng...
Như không ngăn được cảm xúc Mai bật khóc.
- Anh thành thật chia buồn với Mai...
- Cám ơn anh...
Nhìn Mai đang gục đầu Quốc thở dài.
- Nếu em cần gì hãy cho anh biết. Anh sẵn sàng giúp em những gì anh làm được. Ngay cả những gì không làm được anh cũng làm...
Mai ngước lên nhìn người mà mình đã từng yêu thương trong quá khứ.
- Cám ơn anh... Em không biết em cần gì nữa...
- Em đừng bi lụy nhiều quá không tốt. Em nên nhớ em còn ba đứa con...
Ngừng lại giây lát Quốc nói với giọng nghẹn ngào.
- Em còn có ba đứa con phải nuôi dưỡng và có anh, người vẫn đi bên cạnh cuộc đời của em...
Quốc thở dài hắt hiu.
- Mười mấy năm đã qua anh vẫn còn yêu em như ngày xưa...
Dường như không muốn nghe Quốc nói tới tình yêu và dĩ vãng Mai lảng sang chuyện khác bằng một câu hỏi.
- Ba má anh vẫn còn ở chỗ cũ?
Quốc cười buồn.
- Ba anh chết năm 70 còn má anh chết năm 72...
Quốc đứng lên.
- Anh phải đi...
Mai theo Quốc ra tới cửa. Dừng lại nơi cửa Quốc nói trong lúc nhìn vào mắt của Mai.
- Anh xin phép thỉnh thoảng tới thăm em...
Mai cười. Đây là lần đầu tiên nàng cười khi hai người gặp nhau.
- Anh cứ tới thăm nếu anh muốn...
- Anh sẽ đến...
 
Quốc bước nhanh ra cửa. Mai đứng nhìn theo dáng đi của người lính chiến mà nàng đã yêu cách đây mười mấy năm. Tự dưng nàng thở dài.