TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (11)

Ngày hôm sau, mưa lại rơi sầm sập.
Thế là ý đồ lên nương làm cỏ sắn bị bãi bỏ. Người ta thở dài vì càng mưa, cỏ sẽ mọc càng dày, rễ đâm xuống nhanh như thổi, chẳng mấy nỗi chúng sẽ chọc ngang thân các củ sắn non. Sắn đã bị cỏ đâm, không hà thối thì cũng nhạt thếch hoặc ngai ngái đắng, chỉ dùng nuôi lợn chứ không thể làm thức ăn cho người. Tuy chẳng đáng bao tiền, nhưng công chăm bẵm cũng không ít. Vì thế, ai nấy đều sốt ruột, chẳng ai còn lòng dạ nào chơi bài hay rang ngô. Họ đành đội áo mưa ra nhổ cỏ vườn, không làm việc nọ phải làm việc kia, có phải dân ăn trắng mặc trơn đâu mà dám chơi mãi?
Qua ngọ, mưa tạnh hẳn. Cũng vừa xong bữa cơm trưa. Người ta đang ngồi uống nước, xỉa răng thì nghe còi ô tô toe toe ngoài đường thôn. Cái thứ tiếng động hiếm hoi này bình thường ra chỉ nghe thấy mỗi năm đôi lần. Vào tất niên ấy hẳn là tiếng xe của đội chèo lên diễn. Còn năm thì mười hoạ, ấy là tiếng xe của phái đoàn y tế về kiểm tra các loại bệnh nghiêm trọng như sốt rét rừng, viêm gan, bạch hầu, hoặc bệnh phụ khoa cho đám đàn bà, con gái. Với người dân Xóm Tiều phu, tiếng còi ô tô đồng nghĩa với một biến cố vui mừng, vì cùng với nó là sự xuất hiện của các nàng tiên môi son má phấn, váy áo long lanh rực rỡ dưới ánh đèn, hoặc sắc áo bờ-lu trắng của các bác sĩ. Theo thông lệ, cứ nghe tiếng còi, là mọi người ơi ới gọi nhau:
- Phái đoàn khám phụ khoa đã về...
Hoặc là:
- Hôm nay là phái đoàn tiêm phòng bạch hầu, các bà đã chuẩn bị cho trẻ con chưa?
- Hôm nay đội kế hoạch sinh sản sẽ làm việc. Nhà chị đã làm đơn trình bày và xin con dấu xã để tháo vòng hay chưa?
V...và...v...v...
Vì đã từ nhiều năm nay, mọi sự diễn ra theo một công thức không ngoại lệ nên buổi trưa hôm ấy, khi nghe tiếng còi, người ta ngơ ngác hỏi nhau:
- Quái lạ, đoàn nào nhỉ?
- Sao chẳng thấy ai phổ biến? Cả chủ tịch lẫn phó chủ tịch, cả bí thư phụ nữ lẫn bí thư thanh niên?
- Chẳng lẽ lại là chương trình bổ xung đặt vòng, triệt sản?
- Chương trình triệt sản tạm dừng rồi. Nghe nói trung ương đang bàn lại...
Tuy nhiên, dù có biết hay không biết đích xác tiếng còi xe ấy là của ai, người ta vẫn đổ ra xem, như xem một màn chèo, như xem một gánh xiếc rong, giống hệt những kẻ hiếu kì chốn thị thành thường xúm đông xúm đỏ xem một con điên xổng bệnh viện trần truồng khoe vú lẫn khoe mông trên hè phố. Trên con đường cát chạy xuyên qua ba thôn, một chiếc xe jeep sơn màu cỏ úa, mui xe cũng là vải bạt màu cỏ úa, đang bò túc tắc như con cánh cam. Đường đã hẹp, lại khấp khểnh, gồ ghề. Xe lách trầy trật giữa hai rặng trúc, đôi lúc nhảy tâng tâng trên một khúc vòng, đôi lúc chúi đầu vào khe kẹt giữa hai vườn cây um rùm. Sau đó, nó buộc phải lùi lại, húc đít vào bờ đường đối diện rồi mới bẻ lái đi tiếp. Mặc dầu cuộc hành trình vất vả, trầy trật, chiếc Jeep vẫn lùi lũi tiến thẳng đến thôn Thượng, kéo theo sau nó một đám trẻ chừng hai chục đứa, đứa nào đứa nấy toe toét cười, vừa chạy vừa nhẩy cẫng lên hò hét, mặc kệ lớp bụi mù mịt phả vào đầu vào mặt. Đến giữa thôn Thượng, người lái thò cổ ra hỏi dân đứng hai bên đường:
- Xin bà con cho biết nhà chủ tịch Quý?
Lúc ấy, người ta mới nhận ra chiếc xe này chở toàn công an, và người lái xe cũng là công an nghiêm chỉnh trong đồng phục. Một làn chớp nhạy bén lan truyền rất nhanh dọc theo đám dân thôn:
- Xe công an đến nhà chủ tịch Quý!...
- Từ hồi cải cách đến nay mới lại thấy xe công an về.
- Chắc chắn xe đến bắt cô Ngân lên tỉnh.
- Đúng, tỉnh mới có quyền xét xử. Có phải thời cải cách đâu mà cấp xã có quyền lập toà án? Thằng nào hôm qua tuyên bố chính quyền xã sẽ xét xử cô Ngân là nói láo.
- Xã trưởng công an chứ thằng nào.
- Xã trưởng mà nói thế cũng là nói láo. Cấp xã mà có quyền xét xử thì lại đầu rơi máu chảy, rồi lại sửa sai dăm bẩy lần.
- Thế sao hôm qua ông không lên tiếng? Tôi cũng thấy mặt ông trước cái nhà kho giam cô Ngân?
- Ăn có lời mời, cất nhời có người thỉnh...Đương nhiên nói trống không giữa trời hoạ có lũ điên.
- Thôi, lặng im mà xem. Họ tới nơi rồi kìa...
Dân làng đổ tới đứng nghẹt lối rẽ vào nhà Quý. Họ chờ đợi ông chủ tịch quay ra cùng với bốn anh công an tỉnh để đi tới nhà kho giam cô Ngân. Một số người không thể lách vào gần đã tranh thủ đi trước đến nhà kho để chờ lúc tội nhân bị dẫn lên xe, bởi đó chính là cảnh kích động trí tò mò cũng như lòng thương cảm.
Chừng hai mươi phút sau mới thấy tốp công an quay ra cùng chủ tịch Quý. Nhưng ông chủ tịch không có chút mẽ nào của kẻ cầm quyền. Những người đứng xa thì thấy anh ta cúi đầu đi cung cúc, mặt không còn chút máu. Đến cửa xe, anh ta leo lên, chui tọt vào trong, ngồi nép tận góc xe để khỏi nhìn thấy ai và cũng không bị ai dòm ngó. Những người đứng gần nhìn rõ mồ hôi toát đầm đìa từ trán lẫn hai thái dương Quý chảy dọc theo gương mặt dài và nhọn, loang xuống tận cằm. Họ còn nhìn rõ hai bàn tay anh ta run như giẽ, cặp môi trắng bợt như môi kẻ sốt rét kinh niên cũng run đến nỗi không thể mím lại được, và cặp mắt sâu tối như hũ nút của anh ta bỗng nhiên bạc hết màu. Tất thảy vẻ lạ lùng ấy khiến đám đông nín thở. Linh cảm mách bảo cho họ điều gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra. Khi chiếc xe quay bánh để tiến về phía nhà kho, dân đứng dạt sang hai bên đường, không ai nói với ai một lời. Rồi khi xe rời bánh, họ lặng lẽ bám theo xe mà đi, giống một đám đưa tang hơn là đám đông hiếu kì tìm cách thoả mãn cơn tò mò bệnh hoạn.
Chiếc jeep dừng lại trước kho, tốp công an nhẩy xuống trước rồi mới đến Quý. Anh ta bước lên để mở ổ khoá, nhưng loay hoay mãi không làm nổi khiến cho một người trong số bốn công an phải giằng chùm khoá và tự tay mở ra. Hai công an khác tiến vào trong gian nhà tạm giam để một phút sau đó quay trở ra cùng với cô vợ trẻ của ông Quảng, mặt đầy những mụn đỏ vì muỗi đốt. Người cuối cùng, ắt hẳn là sĩ quan lãnh đạo nhóm, quay lại hỏi Quý:
- Anh còn muốn nói gì nữa không?
Không thấy Quý trả lời.
Người công an đã mở khoá gian nhà kho giờ rút từ trong túi quần ra một chiếc còng số tám, mở còng và chìa ra trước mặt Quý, không nói thêm một lời. Quý cũng không nói một lời, im lặng như xác chết, anh ta đưa hai bàn tay vào ổ còng, trước vẻ kinh ngạc sững sờ của tất thảy dân chúng, kể cả cô Ngân.
Người sĩ quan lúc đó đưa mắt nhìn nạn nhân vừa được giải phóng:
- Chị có cần chúng tôi đưa về tận nhà hay không?
- Dạ...
Cô Ngân đáp một cách máy móc, dường như chưa kịp hiểu người ta hỏi gì. Anh công an nhắc lại, giọng nhẹ nhàng hơn:
- Chị có thể tự trở về với gia đình hay muốn chúng tôi đưa chị về?
- A...Không...Em có thể đi về được...Cảm ơn các anh.
- Vậy thì chào chị, và chúc chị mau trở lại cuộc sống bình thường.
Anh ta nói, với giọng trầm tĩnh nhưng không che giấu nổi mối thiện cảm tự nhiên mà bất cứ người đàn ông nào cũng nảy sinh khi đứng trước một người đàn bà đẹp.
- Vâng, em xin chào các anh, và cảm ơn các anh.
Cô Ngân đáp. Vẻ linh hoạt đã bắt đầu trở lại.
Tốp công an áp giải Quý lên xe. Rồi chiếc xe lăn bánh. Dân Xóm Tiều phu đứng như đám phỗng nhìn theo. Họ cứ đứng như vậy cho đến khi đám bụi đã hoàn toàn lắng và tiếng động cơ không còn nghe thấy nữa. Rồi một bà nào đó chợt lên tiếng:
- Khổ thân cô, muỗi đốt chi chít như cám thế này. Ấy là mới chỉ một đêm. Cái đận cải cách ruộng đất, chị tôi còn bị giam đến mấy tháng.
- Kể làm gì thời cải cách, người biến thành quỷ, quỷ đội lốt người hiện hình.
Ngay đêm hôm ấy, ông Quảng về làng.
Những người láng giềng gần nhất nghe cô vợ trẻ gào lên như đứa trẻ bị đòn khi ra mở cổng:
- Trời đất ơi, anh đi đâu để cho con anh hành hạ tôi như thế?
- Tôi có tội tình gì mà phải chịu đoạ đầy, sỉ nhục như con điếm? Chỉ vì yêu thương anh, làm vợ anh mới nên nông nỗi này đây...
Không ai nghe thấy tiếng ông chồng, kể cả những kẻ thính tai nhất. Họ cũng không thấy bếp đỏ lửa nên đoán rằng ông Quảng đã liệu thân ăn quàng ăn quấy dọc đường vì chắc mẩm cô vợ giận dỗi không thèm nấu cơm. Nghe ngóng mãi chẳng thấy gì láng giềng cũng đành đi ngủ, lòng dạ đầy ắp những nôn nao sau hai ngày đầy sự biến.
Qua nửa đêm, trời se lạnh và tràn ngập sương mù. Từ đỉnh Lan Vu, sương trôi xuống các tầng núi thấp. Rồi từ các giải núi ấy, sương lan toả khắp các miền đồi, sương trôi xuống các khu vườn; la đà cuộc rong chơi trắng ngát trên những nương chè, nương sắn, và sau rốt, những đồng lúa. Trong màn sương trắng mịt mùng, giấc ngủ trở nên sâu thẳm. Tiếng gà gáy báo canh nghe chừng cũng rụt rè, dấp dính như ngái ngủ. Và bóng đêm vùng cận sơn thường nhử đến những giấc mơ lạ lùng. Khoảng ba giờ sáng, thằng cu Hoà ở thôn Trung tung chăn vùng dậy chạy khắp nhà, vừa chạy vừa kêu như lợn bị chọc tiết. Bố mẹ nó phải giữ chặt tay chân đứa con trai, đổ nước gừng nóng cho nó tỉnh. Mở mắt được rồi, cu Hoà khóc mếu đòi thắp đèn sáng trưng từ trong nhà ra ngoài sân, rồi ngủ ngồi trên ghế. Cứ tắt đèn, nó lại bừng mắt dậy kêu thét lên. Người nhà đành phải để đèn sáng như thế suốt đêm, khi hửng mặt trời mới dám tắt. Thằng bé ngủ cho đến tận trưa mới dậy, bấy giờ mặt trời đúng ngọ chói chang, cu Hoà kể lại giấc mơ hãi hùng của nó. Trong mơ, nó nhìn thấy một con trăn khổng lồ nhưng có vây như cá, có móng như rồng, có đuôi chẻ như đuôi rết, có lưỡi dài như lưỡi chó ngao, có mào thịt giống như mào chim vẹt. Con vật khổng lồ từ dưới vực trườn lên, nằm dài trên dãy núi Trúc. Khi nó há mồm ra ngáp, con trâu đực có thể rơi thỏm vào bên trong. Một cái miệng đỏ rực màu máu, trong khi toàn thân con vật lại đen, vằn vện những sọc dài màu xanh lục chen màu vàng ốc. Những chiếc vây của nó cứng như tạc bằng than vỉa, có hình dạng từa tựa như vây kì đà. Con vật khổng lồ trườn từ dãy núi Trúc sang các giải núi Cườm xanh, Cườm vàng. Khi bò, đuôi nó quật sang hai bên khiến cây rừng đổ rạp như phải bão. Qua mấy giải núi, con vật phóng lên đỉnh Lan Vu. Nhưng nửa chừng, nó bất thần dừng lại, rống lên đau đớn. Cái bụng khổng lồ của nó trồi sụt, phập phồng như sóng biển, có thể nhìn rõ những chuyển động của một con thú đang quẫy đạp, nhào lộn bên trong. Con vật mẹ quằn quại, vật vã, mắt lồi lên như sắp bật ra khỏi mí, mũi phả ra từng luồng hơi nóng rực, mồm khạc ra từng tràng tiếng kêu ầm ầm như tiếng sấm. Rồi qua một hồi lồng lộn vì đau đớn, bụng nó từ từ nứt toác, một kẽ nứt dài, sâu hoắm, không vết máu mà chỉ chảy ra một chất nhựa đen, đặc như mủ cây. Từ trong kẽ nứt ấy, lộ ra một cái đầu y hệt như đầu con mẹ, cùng hình dáng, cùng màu sắc, cùng cả vẻ hung dữ của đôi mắt lồi, cùng cả màu đỏ như son của chiếc mào thịt khổng lồ giống như mào vẹt. Cái đầu thứ hai lớn lên vùn vụt, tựa hồ một trái bóng được thổi, chỉ trong phút chốc nó đã lớn ngang đầu con vật mẹ và vươn ra khúc thân bóng nhẫy, với những vằn dài màu vàng đất và màu xanh. Khi đã vươn đủ chiều dài để sánh ngang tầm với con vật mẹ, chiếc đầu quái vật thứ hai này gầm một tiếng hung tợn, táp vào đầu con mẹ một cú dữ dội khiến cho con vật mẹ bị thương. Từ vết thương ấy, máu phun lên đặc như mủ cây, tím như nước mận. Con vật mẹ vươn cổ lên gầm thét, và cuộc giao tranh bắt đầu. Cu Hoà đứng ngay dưới chân núi Lan Vu, đúng khoảnh đồi ngày thường nó vẫn chơi đá cầu với lũ bạn. Hai con vật cắn xé nhau ngay trên đầu nó khiến nó sợ những chiếc vuốt khổng lồ kia chà nát khoảnh đồi mà nó chỉ nhỉnh hơn con cáo ở bên trong. Nó tháo chạy nhưng không chạy nổi. Xung quanh khu đồi bỗng nhiên mọc dựng lên những bức tường kết bằng các loại gai nhọn và dây leo. Thoạt tiên là những búi cây lúp xúp cao không quá đầu gối. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, những búi gai nảy nở như loài tảo, vươn lên ngang đầu người lớn, cành nọ đan xen, kết nối với cành kia. Và cùng lúc, các loài dây leo bất thần từ các xó đất vươn lên ngàn ngàn chiếc vòi xanh đầy lông, cuốn chằng chịt quanh những búi gai khiến cho những bức tường xanh trở nên kín đặc, con mèo cũng không chui lọt. Cu Hoà nhìn kĩ lại, và nó chợt nhận ra khắp bốn bề, nhan nhản các loài gai độc lẫn lá han. Những thứ gai nhọn chỉ cần chích vào da là da lên mủ, còn lá han là thứ lá hễ chạm vào là người sẽ phỏng rộp lên như bị bệnh đậu mùa. Tuyệt vọng, nó la thét kêu cha gọi mẹ. Không một ai nghe thấy tiếng kêu cứu của nó. Nhưng điều kinh khủng hơn là chính lúc ấy bụng nó bắt đầu chuyển động. Nó cúi nhìn xuống, thất kinh vì thấy bụng nó cũng trồi lên trụt xuống, dập dờn như sóng cuộn, hoàn toàn giống bụng con quái vật mà nó vừa chứng kiến. Nó mường tượng rằng bụng mình sẽ nứt làm đôi, từ trong đó sẽ nhô ra một cái đầu giống hệt như đầu của nó; cũng cái cằm chẻ, cũng đôi mắt xếch, cũng cái mũi hếch, và cũng gọi tên là cu Hoà...Rồi cái thằng Hoà thứ hai kia sẽ quay lại cắn cổ nó giống như con quái vật trên núi, và cuộc giao tranh ắt phải xảy ra...Nỗi sợ hãi khiến nó hồn xiêu, phách lạc, chạy cuống chạy cuồng, tìm lối thoát. Chính trong cơn sợ hãi ấy, nó biến thành kẻ mộng du...
Thằng cu Hoà từ bữa đó không dám ngủ với các em cho dù nó là con trưởng và đã mười một tuổi. Bố mẹ nó đành cho nó ngủ chung, nằm giữa. Thêm nữa, suốt đêm, họ phải để ngọn đèn hoa-kì trong góc phòng. Láng giềng tò mò hỏi chuyện chăn gối ra sao thì cả hai người đều phải thú nhận rằng những đêm nóng máy họ phải chờ cho nó ngủ thật say, khêu to đèn cho buồng thật sáng, rồi mới khẽ khàng ôm chăn chiếu xuống nhà ngang― hoạt động cách mạng„...
Người dân quê vốn coi những giấc mơ là điềm báo trước của trời đất hoặc lời đe doạ của quỷ thần. Có giấc mơ báo điềm lành, có giấc mơ báo điềm dữ. Sau các giấc mơ dữ thường xảy ra thiên tai hay địa hoạ. Rồi chúng sinh sẽ phải khốn đốn long đong trong một thời gian dài. Không hiểu ngẫu nhiên hay các đấng thần linh cố ý răn dạy loài người mà giấc mơ mẫu tử giao tranh lại xảy ra ngay sau câu chuyện nhà ông Quảng. Thế là khắp ba thôn, dân Xóm Tiều phu nháo nhác cả ngày lẫn đêm. Có lẽ chỉ trước khi bước vào giấc ngủ là con người có thể nằm bình tĩnh vắt tay lên trán để tự mình suy ngẫm về chuyện đời, còn từ lúc mặt trời lên cho đến lúc tối mịt, dân xã chuyện trò, đấu khẩu, thậm chí cãi nhau kịch liệt xung quanh sự cố này. Trước hết là các buổi làm cỏ sắn. Từng nhóm mang theo ấm nước chè đại để uống chung. Còn đàn ông, phải có ống điếu với bịch thuốc lào; đàn bà con gái có kẹo lạc, kẹo vừng; các bà già có túi trầu têm sẵn. Tối đến, người ta lại túm năm tụm ba, nhưng bây giờ, không phải ở sân nhà ông Quảng cũng không ở sân nhà cô Vui, những người được coi là các nhân vật chính trong ―tấn tuồng thế sự„. Bởi vào đêm ông Quảng trở về, cô Vui cũng trở về. Hai hôm sau, đảng uỷ xã họp dưới sự chỉ đạo của bí thư huyện uỷ. Chủ tịch Quý đang ngồi trong nhà giam tỉnh, chờ xét xử vì tội:
― Lạm dụng quyền chức, bắt giam người vô tội...„.
Nhìn rõ trăm phần trăm là Quý sẽ mất tuột cả chức tước chính quyền lẫn bên đảng. Hơn nữa, anh ta sẽ bị khai trừ không bảo lưu. Như thế, đảng bộ Xóm Tiều phu phải họp cấp tốc để bầu chủ tịch và phó bí thư mới. Một khi đảng bộ đã quyết, dân chúng cứ việc theo đó mà bỏ phiếu hoặc giơ tay. Trong cuộc họp này, bí thư huyện uỷ đã tuyên bố thẳng thừng rằng bí thư chi đoàn Nguyễn thị Vui đã đóng vai trò xuất sắc trong việc bảo vệ uy tín đảng. Nhờ tinh thần nghiêm khắc của đồng chí Vui trước những hành động lạm dụng quyền lực, trấn áp công dân vô tội của chính quyền xã, mà huyện uỷ đã kịp thời can thiệp, với thời gian nhanh nhất, ngăn chặn những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra. Do đó, huyện uỷ đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và năng lực điều hành của bí thư chi đoàn, coi như người đảng viên ưu tú nhất, người cán bộ có triển vọng nhất của xã...
Với ngần ấy lời biểu dương của con người quyền lực nhất huyện, đương nhiên cô Vui tức khắc trở thành chủ tịch xã kiêm phó bí thư, trước sự vỗ tay nhiệt liệt và sự hoan hỉ nhiệt liệt của các đảng viên rồi tiếp theo đó là toàn thể dân cư. Sau lễ nhậm chức, có một cuộc liên hoan linh đình. Hợp tác cho phép ngả thịt ba con bò vừa lành vừa què, vì lẽ từ xửa từ xưa, dân Xóm Tiều phu không coi trọng những mâm cỗ chỉ có hai con vật. Cỗ đáng kể chắc chắn ngoài gà, lợn phải có thịt bò. Vào những dịp trọng đại như thế này, chính sách tiết kiệm của nhà nước đành phải cúi mặt giả điếc, giả câm trước truyền thống sâu xa, dài rộng của đám dân thích― khoái khẩu. Ba món được tán thưởng nhất là bò luộc chấm tương gừng, giò bò cuốn tiêu và bò quấn mỡ chài nướng. Khi hàng trăm mâm cỗ đã bày la liệt trong hội trường cũng như ngoài sân, mùi rượu bốc hơi hoà cùng mùi lợn quay, bò nướng thì bầu không khí hứng khởi, say sưa khiến mọi người quên hẳn xuất xứ cuộc liên hoan. Họ cũng không để ý rằng ông Quảng, cô Ngân và bà Tư móm vắng mặt trong suốt hai ngày hội họp lẫn nhậu nhẹt...Vào lúc chén chú chén anh, chén tôi chén bác, chẳng ai dại gì đụng chạm tới những chuyện dễ làm mếch lòng người khác và bản thân họ phải đau đầu. Nhưng tiệc vui mấy cũng có lúc tàn, huống chi đây lại là tiệc mừng cô Vui nhậm chức chứ không phải tiệc mừng thọ cha mẹ, hoặc tiệc mừng con cháu thi đỗ đại học. Người dân Xóm Tiều phu đầy đủ lý do để ngoảnh mặt lại nhìn ―cô Vui "chủ tịch" với con mắt hà khắc sau khi cô đã nhận đủ các thứ thủ tục bàn giao quyền lực, và nghiễm nhiên ngồi vào chiếc ghế xưa nay cậu Quý vẫn ngồi. Vả chăng vào lúc ấy, các món lợn quay, bò nướng lá sả mỡ chài cũng đã tiêu thành phân bón. Thế là, chỉ dăm bẩy ngày sau, khắp các nương sắn, đồi chè; dân chúng đem câu chuyện ― Con gái già Lộn Rồng ra chỉ trích.
Theo lược thuật, Quý đã lấy trộm được một tờ lệnh bắt gái mại dâm ở nhà ông anh họ, con cô con cậu về đằng ngoại. Anh này đang là phó phòng điều tra xét hỏi thuộc sở công an tỉnh. Đấy là tờ lệnh cũ, xếp trong đống tài liệu chờ bỏ vào kho bảo lưu. Những mớ tài liệu bảo lưu này, nếu không cần dùng cho một vụ khiếu kiện ở cấp cao hơn, hoặc một cuộc điều tra chính ngạch, sẽ bị huỷ bỏ hai mươi lăm năm sau. Người anh họ kia hoàn toàn không nghi ngờ gì cậu em chủ tịch xã nên đã để Quý ngồi chờ trong phòng mà đi mua bia và đồ nhắm về thết khách. Ăn cắp được tờ lệnh này, Quý đã dùng hoá chất tẩy xoá tên bị can cùng ngày tháng cũ, điền tên cô Ngân và niên hạn mới cho phù hợp. Như thế, trưởng công an xã không hồ nghi gì khi đọc tờ lệnh trên, với con dấu sở công an tỉnh và chữ kí của cán bộ phòng điều tra xét hỏi. Thêm nữa, vốn là cánh hẩu cùng nhau làm việc từ nhiều năm nay, anh ta sẵn sàng thực hiện một cách hăng hái tất thảy những gì Quý yêu cầu. Do đó mà có cả một tiểu đội du kích ập đến nhà ông Quảng, bắt kẻ ― chuyên lừa đảo đàn ông, phá hoại thuần phong mỹ tục„ tên gọi thị Ngân. Vào chính buổi trưa xảy ra sự việc này, cô Vui tức khắc cưỡi xe đạp xuống tỉnh báo tin cho ông Quảng. Phần tiếp sau đấy, là những gì đã xảy ra mồn một trước mắt tất thảy mọi người...Không cần thêm lời chú giải.
Dân quê vốn ghét những kẻ mưu cao kế hiểm, cho dù chính họ cũng luôn luôn dùng mẹo vặt để kiếm chác những mối lợi cho mình. Đối với họ, kẻ cao mưu luôn luôn là một sức mạnh đen tối có thể tàn phá không chỉ một cá nhân mà là cả một gia đình, đôi khi cả một làng, một xã...Kẻ mưu cao kế hiểm cũng giống như phù thuỷ thời trước, hạng quái nhân dùng bùa phép khiến người ta phải mê mụ đi mà yêu, mà ghét, mà thù, mà làm tất thảy những hành vi ngu ngốc hoặc điên rồ phi nhân tính. Nếu kẻ cao mưu lại là một người đàn bà thì sự kinh sợ và lòng thù ghét sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Bởi người đàn bà sinh ra với hai vú, hai mông. Hai vú là để nuôi con, hai mông là để làm sung sướng đức ông chồng. Đàn bà không nên làm điều gì trái với những thiên chức mà đất trời đã giao phó cho họ. Một người đàn bà nhảy lên cái ghế của các ông chánh tổng, lý trưởng cũ đã là sự nghịch mắt. Nhưng cái con triện này lại nắm được sau khi dính dấp vào một vụ mưu phản, một cuộc đánh tráo cơ hội là thứ quyền lực chịu nhiều sự phỉ báng nhất, nói theo ngôn ngữ cổ:
― Là thứ danh mà chán vạn người nhổ bọt lên trên.
Như thế, nếu cô Vui đủ thông minh, hẳn cô cũng có thể đoán được người ta bình phẩm ra sao sau lưng mình. Nhưng may thay, mọi trí thông minh đều bị giới hạn, và cô con gái ông Đô đang ngây ngất vì hạnh phúc của kẻ cầm quyền, còn chú tâm lo xây tổ, kết bè kết cánh, củng cố chiếc ghế chủ tịch xã... Công việc ấy khiến cô không còn đủ thời gian cũng như sự bận tâm để tìm hiểu những phẩm bình của dân chúng, đám người đang ra sức đào bới những bí ẩn trong con tim cô như những nhà lập pháp đào bới một thây ma để làm rõ một cái chết mờ ám. Cuộc điều tra có tính cách ―"pháp lý nhân dân" cũng giống như tất thảy những sự kiện có tính ―"toàn dân" khác, phổ cập một cách triệt để. Già trẻ, lớn bé, gái trai đều tham dự, mặc dầu những người chính thức nhảy vào cuộc đối thoại chỉ thuần kẻ mày râu:
- Các ông có thấy chúng mình già đời mà ngu dại hay không?...Cả lũ cả đàn xóm trên xóm dưới đến kéo nhà nó nghe chuyện vợ chồng ông Quảng như đám trẻ đi xem đèn kéo quân mà không biết vì sao nó lại nhiệt tình chào đón đến như vậy.
- Thì ai biết...Tưởng nó mới nổi lên giàu nên thích làm sang, thích sánh vai Mạnh Thường Quân, ganh đua với ông Quảng.
- Xì...xì...Con ấy làm sao mà rộng lòng, hởi dạ được. Bữa trước con cháu nội của tôi bị sốt, tưa lưỡi. Nhà hết mật chạy sang xin, nó cho được đúng hai thìa.
- Ông nói điêu...Ai mà dám giơ tay cho xóm giềng hai thìa mật?
- Cái chén hạt mít đựng mật hãy còn ở trên tủ nhà tôi, chốc nữa ông sang mà xem.
- Có thế thật. Cô ấy bỗng dưng trở nên hào phóng cũng vì muốn lấy lòng chòm xóm, nhưng cũng còn vì muốn mượn dư luận triệt hạ kẻ địch tình. Chẳng phải tự nhiên công cốc bỏ của bỏ tiền ra, thuê xe về tận làng Khoai điều tra tình cảnh một con đàn bà khác. Nếu là kẻ dưng không ai điên rồ làm như thế.
- Vậy mà hồi đó cứ nghĩ đơn giản là cô ta nghe lệnh cậu Quý.
- Lệnh chủ tịch chẳng to được đến thế nếu không có sự thúc hối tự tâm can.
- Đúng thật, giờ nhớ lại mới thấy mình có mắt như mù. Chính tôi đứng sát cô ta ngày đám tang bà Quảng. Chính tôi thấy cô ta lên thắp hương ba lượt, vái những ba lần.
- Vái ba lần để vong hồn bà ấy ưng thuận cho bước lên giường hợp hôn với ông chồng goá bụa. Còn xóm giềng lẫn người trong họ, ai cũng chỉ một lượt vái là phải phép.
- Rõ rành rành mà chẳng ai để ý, cô ta kín võ thật.
- Cũng chẳng kín võ, nhưng vì chúng ta bị ma che mắt nên chẳng nhìn ra. Tôi đoán chừng là ông Đô phù trợ để cô gái yêu lấy được tấm chồng, hoạ may kiếm được tí cháu. Ngoại tam tuần rồi còn đâu thời gian mà ngóng đợi?
- Tôi không tin chuyện ma che mắt, nhưng tôi cho rằng chúng ta là những kẻ vô tâm. Còn cô gái già này mới chính là con người mưu lược. Ngẫm đi nghĩ lại mới thấy cô ta chọn ông Quảng mà tấn công là hoàn toàn chính xác. Trong xã này, ông ấy là người thạo đời nhất, ăn cơm thiên hạ bao nhiêu năm trường, đã giàu lại to gan. Phi ông ấy ra, ai dám mó đến cô ta?
- Đích thị như vậy. Nhưng khéo tính cũng chẳng lại với trời. Trời không cho thì trăm mưu nghìn kế cũng bằng không. Thế gian có câu ― "may hơn khôn" là vì thế.
- Miếng ăn ngỡ đến miệng lại bị rơi nên mới theo thằng Quý trả thù. Cô ta tưởng chắc chắn sẽ bước chân lên cái giường gỗ lim của bà Quảng. Chẳng gì cũng có cơ ngơi toà ngang toà dọc, anh tám lạng, ả nửa cân, nào kém cạnh nhau? Không ngờ có con đàn bà ở tít tắp mù khơi nó bay vèo đến như con chim yến, đậu đúng cành soan của người trong mộng. Thế là tan cuộc.
- Đoạn này chính cô ta vụng tính. Thằng đàn ông đáng mặt quân tử không thèm ngó đến của nả nhà vợ. Chỉ bọn đào mỏ mới nghĩ đến túi tiền. ― "Trai anh hùng, gái thuyền quyên" bậc chính nhân chuộng dung nhan, ngôn hạnh.
- Chí phải, ông Quảng thiếu gì tiền mà phải tìm một con đàn bà giàu có? Ông ta bê một đứa xinh đẹp như tiên, tươi trẻ nõn nà, da thịt thơm phưng phức. Tuổi sáu mươi được như thế chết cũng không còn chi hối tiếc.
- Kết luận lại là cô gái già vụng tính.
- Đừng vội kết luận. Dẫu vụng tính nhưng nó giỏi xoay. Cái đầu nó lắm mưu hơn toàn thể những cái đầu chứa rặt bã đậu của lũ chúng ta cộng lại. Tôi đố các ông xoay chuyển tình thế giỏi như nó. Đang từ phe cậu Quý, nó nhảy một phát thành đồng minh của ông Quảng. Người ta bảo
― "đục nước béo cò" chính là thế này đây.
- Phải công nhận là con đàn bà này khiếp đảm. Ông Quảng kín võ như bưng vậy mà nó biết được thế ông ấy mạnh như chẻ tre, trùm từ huyện đến tỉnh. Ắt hẳn nó phải có tay trong, họ hàng thân thiết ngồi ở đám cầm quyền. Một con đàn bà đang từ Hán chạy sang Hồ, bỏ Tần sang Sở nhanh như lật bàn tay thế cũng đáng gờm mặt.
- Không tóm được củ khoai của ông Quảng thì lại nắm được con triện uỷ ban xã, giờ nó là con đàn bà quyền hành nhất hạng, đứng trên đầu hơn hai ngàn dân Xóm Tiều phu này. Thế chẳng phải là nó thắng một ván to hay sao?
- Thắng ván to thật. Chuyện này không ai dám chối cãi. Nhưng tôi xin hỏi các ông, cái đầu nó lắm mưu thế thì con ba ba của nó có sỏi bên trong không nhỉ?
- Có...Chắc chắn là có. Hôm nào nó đi qua các ông cứ thử lắng tai nghe xem, hai hàng sỏi đóng hai bên cái hẽm của nó cọ vào nhau leng keng, lục cục.
 
- Ông chết nhá. Tối nay tôi về bảo bà ấy là ông chuyên nghiêng đầu giỏng tai nghe con ba ba của cái Vui gióng chuông. Bà ấy véo đứt tai ông là cầm chắc.
- Ôi dào, mách vợ tôi chuyện ấy cũng bằng thừa. Nó biết rằng chỉ nhìn thấy con gái già này là bộ sậu của tôi đã héo rũ lại, kim đồng hồ chỉ số sáu ngay lập tức.
- Cũng tội nghiệp cho cô em, quyền cao chức trọng, nhà to sân lớn thật nhưng con ba ba để mốc thếch, khéo bây giờ gõ kêu công cốc như mõ chùa.
- Láo, sao ông dám ví von thế hả? Bậy bạ, các cụ vả cho sưng mõm lên bây giờ.
- Ôi xin các ngài đại xá, chúng con vui miệng lỡ mồm...
- Lặng im. Tôi có một câu đố dành cho các ông, kể cả các bà các cô nữa, nếu muốn tham dự. Đố rằng từ giờ trở đi vườn nhà cô chủ tịch Vui sẽ trồng loại cây nào?
- Sao ông hỏi oái oăm như thế?...Ai ngồi trong óc nó mà biết được?
- Thế mà tôi biết đấy, các ông đánh cược cái gì tôi nói cho mà nghe.
- Đồng ý, một bữa rượu với cá rô rán.
- Bủn xỉn thế, không thèm.
- Thêm bữa rượu thứ hai với gà mái tơ hấp, chấm muối lá chanh.
- Chưa đủ.
- Bữa thứ ba với bún lòng mắm tôm, mùi tàu, húng quế.
- Tôi chấp nhận. Giờ, các ông giỏng tai lên mà nghe: Từ nay về sau cô chủ tịch xã của chúng ta sẽ nhổ sạch các loài cây hiện có trong vườn mà chỉ trồng toàn chuối ngốc. Loài chuối ngốc này phải lấy giống tận dưới tỉnh Hưng-yên, còn có tên gọi là chuối tăng sản, hoặc chuối triển lãm, mỗi quả nặng từ nửa cân tới bảy lạng tây, to hơn cái chày giã cua của các bà nội trợ...
Các bà các cô lập tức rú lên như bị rết cắn, hoặc bị dội nước sôi:
- Phải gió cái nhà ông này...
- Đồ đàn ông đểu cáng....Đồ chết giẫm...
- Đồ quỷ, đồ trời đánh thánh vật...
Rồi họ cười lăn cười lộn, cười ngả cười nghiêng, cười rú lên từng hồi như điên, cười đến bật cơn ho sằng sặc như mắc chứng ho gà, cười đến chảy nước mắt nước mũi...Như thế, đoạn kết của tất thảy những cuộc bình phẩm bao giờ cũng vẫn là những câu chuyện tưởng tượng lạ lùng và tục tĩu, nơi trí tưởng tượng của người nông dân được xài hết công xuất để dồn trút những ẩn ức trong tâm hồn họ và để bắn loạt đạn hành hình vào kẻ nào đó bị buộc vào cây cọc trước một pháp đình xưa cổ và miên viễn.
Nhưng những câu chuyện vừa nghiêm chỉnh vừa cợt nhả về người đàn bà quyền lực cũng chính là một lối trả thù. Lối trả thù vô thức, xưa cũ như trái đất. Khi một cơn chấn động tinh thần tập thể xảy ra, người ta phải tìm phương thức giải cứu để có thể tìm lại sự cân bằng, để củng cố niềm tin vào bản thể, và sau rốt, để biện minh cho cuộc sống tương lai. Cách tiện lợi nhất là tìm vật hiến dâng một vị thần vô hình vô ảnh, một đấng linh thiêng tối cao đầy quyền năng đủ bùa phép hoá giải mọi tai ương. Người xưa từng bắt những cô gái đẹp nhất vùng ném xuống vụng biển để làm vừa lòng Hải long vương với những tên gọi Thanh long vương, Bạch long vương hay Hắc long vương tuỳ theo vùng biển các vị thần trấn ải. Người Xóm Tiều phu giờ đây không thể bắt con cháu họ ném xuống vực sâu để tế sơn thần nên họ phải tìm cách mang lên dàn hoả thiêu của dư luận một kẻ khả nghi nhất về tư cách. Trong trường hợp này, không có vật thí mạng nào thích đáng hơn cô chủ tịch vừa nhậm chức Nguyễn thị Vui. Giấc mơ của đứa bé thôn Trung thổi một cơn bão khắp vùng, nhưng trước hết là dân trong xã. Một con quái vật khổng lồ giao tranh cùng đứa con vừa chui ra từ lòng nó. Phải chăng đó là hình ảnh biểu trưng cho nỗi bất hạnh mà người ta sợ hãi nhất trên đời: sự vô phúc, sự vô đức, sự bất nhân.
Bất cứ một gia đình nào, dẫu sang hay hèn, giầu hay nghèo cũng đều xem mối quan hệ giữa các thế hệ là nền tảng vững chắc nhất của một dòng tộc. Không có tiền thì không sống được. Cảnh bần hàn là một thứ địa ngục dưới ánh mặt trời, không ngạ quỷ cũng chẳng có lò thiêu nhưng nung nấu con người trong đau khổ. Tuy nhiên, nếu rương hom đầy tiền bạc, mà vợ chồng đánh lộn, anh em vác dao chém nhau để tranh giành phần hơn phần kém thì sự giàu sang ấy cũng được coi là một thứ địa ngục thứ hai. Một địa ngục không kém phần kinh hãi. Tình mẫu tử cũng như tình phụ tử xưa nay vốn được coi như thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cõi người. Từ thuở đứa bé lọt lòng, người ta đã hát ru:
― Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu hát bên nôi ấy sẽ còn lặp đi lặp lại như một điệp khúc bất tận qua suốt tuổi thơ sang đến tuổi trưởng thành. Rồi khi đứa bé ấy đã trở thành một chàng trai hay một cô gái, trong hôn lễ, ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời, họ phải quỳ lậy những người đã sinh thành và nuôi dưỡng họ ngay trước bàn thờ gia tiên. Nghi thức ấy biểu lộ sự tôn kính và lòng biết ơn. Nghi thức ấy cũng là lời cam kết của tình hiếu đễ. Thời cuộc đổi thay, các đám cưới dưới chính quyền cách mạng không trầu cau, cũng chẳng còn pháo hồng, khăn lụa. Trai gái vừa liếc mắt đưa tình tối hôm trước, sáng hôm sau đã báo cáo đoàn thể, đảng, đoàn, hay ban phụ nữ xã. Cha mẹ chưa kịp cất nhời, họ đã kéo nhau ra uỷ ban cộp con dấu vào tờ khai giá thú. Mực vừa ráo, tức khắc các đoàn thể đứng lên tuyên bố, diễn ngôn, khuyên nhủ các cặp tân hôn phải đoàn kết, chăm chỉ lao động, hoàn thành mọi nhiệm vụ của nhà nước và gia đình. Sau đó, là kẹo lạc nước chè xanh thay cho cỗ lớn, cỗ nhỏ; những tràng vỗ tay thay cho pháo hồng, khăn lụa. Người ta phải cúi đầu khuất phục quyền lực thế tục. Nhưng những cuộc phục thù rình nép trong bóng tối của lặng câm. Và vào thời điểm cho phép, chúng ắt xảy ra.
Như thế, giấc mơ của đứa bé thôn Trung dội vào tâm hồn những người dân cơn bão của sợ hãi và phẫn nộ. Ngoại trừ những kẻ mất trí, chẳng ai muốn có một đứa con quay cổ lại đâm dao găm vào lưng mình. Người làm cha làm mẹ thường hy sinh không tiếc thân cho các con được ăn, được học, được trở thành một ―ông nọ bà kia hơn hẳn chính họ. Người ta vẫn được dạy dỗ từ bao đời: chỉ lợn mẹ mới táp lợn con, chỉ chó mẹ mới tranh ăn với chó con, loài người không thể hành xử như vậy. Khi đã hy sinh như thế, ắt hẳn họ tự cho phép mình quyền được đòi hỏi nơi những đứa con lòng hiếu đễ. Lô-gic thường hằng của đạo lý lại luôn luôn bị dập vùi bởi một hiện thực phũ phàng. Giấc mơ tình nghĩa vốn dĩ mênh mông như biển khơi, nhưng hiện thực của lòng nhân ái, của sự quên mình chỉ là những dòng sông mảnh mai, những con kênh hẹp. Tự muôn đời, cuộc sống trôi đi như dòng nước, giữa hai bờ của hy vọng và thất vọng, của lòng tin với sự mất lòng tin, yêu thương và oán hận...Giống như trái đất quay giữa mặt trời và mặt trăng, một sự luân chuyển không ngưng nghỉ, một đổi dời bất tận, một xoay vần miên viễn cho đến ngày vũ trụ trở thành đám tro của hỗn mang, trong cuộc trở về cuối cùng. Bởi quy luật của sự luân chuyển không mệt mỏi này, người ta phải cứu vớt niềm tin của chính mình vào những thời khắc hiểm nguy nhất. Không còn niềm tin thì chẳng còn cuộc sống, cho dù là một niềm tin rồ dại. Người dân quê cần phải bảo vệ mái nhà của mình, họ cần tin rằng con cái sẽ biết ơn sự hy sinh của họ, rằng chúng sẽ trở thành những đứa con hiếu đễ để xứng đáng với tất thảy những lao khó, nhọc nhằn,những hy sinh, tận tuỵ trong ngần ấy tháng năm. Họ cần được bảo đảm rằng một mai đây, khi họ nằm trong quan tài, những đứa con đi sau linh cữu sẽ nhỏ những giọt lệ chân thành vì tiếc thương chứ không phải vì chúng cần diễn màn kịch để che mắt xóm giềng, hay để trả thù lao cho nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc mà họ đã để lại cho chúng. Họ cần được bù đắp lại một cách công bằng, bởi tình yêu cần được đắp đổi bằng tình yêu. Tấn tuồng thế sự diễn ra trong gia đình ông Quảng, thoạt kì thuỷ tưởng như một màn chèo tiêu khiển, dần dà đụng chạm đến những bi kịch vụng lén, kích động những cơn khắc khoải, những nỗi lo âu kinh niên nung nấu sau cánh cửa nhiều gia đình. Đến khi giấc mơ ― mẫu tử giao tranh của thằng cu Hoà thôn Trung xuất hiện thì những cơn day dứt thầm kín trong tâm hồn con người bùng khởi như giông tố chà xát khắp vùng, và người ta đổi tên giấc mơ ― mẫu tử giao tranh thành ― phụ tử huyết chiến để cho gần với hiện thực.
―Phụ tử huyết chiến bởi có những bí ẩn không thể lý giải trong câu chuyện lạ lùng này. Chính trưởng công an xã, sau khi bị huyện hỏi cung vì đã ―thi hành mệnh lệnh một cách cẩu thả, máy móc, không tỉnh táo giám sát kĩ lưỡng đã kể lại rằng khi tới nhà ông Quảng đọc lệnh, yêu cầu cô Ngân chứng minh rằng quan hệ của cô với ông Quảng là hợp pháp, người vợ trẻ của ông đã la lên:
- Chúng tôi có cưới xin hợp pháp. Tôi sẽ đưa tờ khai giá thú cho các ông xem...
Giọng cô quả quyết. Rồi cô tất tả vào buồng, tức khắc mở khoá chiếc tủ lim ba gian đồ sộ để lục tìm giấy tờ. Vẻ mặt lẫn hành vi của cô khiến cho trưởng công an xã chột dạ, bởi anh ta hiểu rằng nếu quả thực cuộc hôn nhân của họ là hợp pháp thì tờ lệnh truy nã kẻ mại dâm là giả mạo, và trong trường hợp ấy, anh ta sẽ bị kết tội a tòng giả mạo giấy tờ, đàn áp công dân cùng chủ tịch Quý. Tim anh ta đã bắt đầu nhẩy loạn nhịp. Nhưng may mắn sao, càng lục soát, cô Ngân càng tuyệt vọng, và sau rốt người đàn bà hoảng hốt gào lên:
- Ai đã ăn cắp tờ khai giá thú của tôi? Tôi thề với các anh rằng chúng tôi đã đăng kí đàng hoàng ở làng Khoai, chính cậu tôi, chủ tịch xã đứng lên làm thủ tục.
Nhưng vào lúc ấy, mọi tiếng kêu gào, khóc lóc của cô đều vô nghĩa vì trưởng công an xã cũng như đội du kích đều tin chắc mệnh lệnh họ thi hành là chuẩn xác, và nếu đã là một mệnh lệnh chuẩn xác, họ sẽ thẳng tay trừng trị một ― con đàn bà vô đạo đức, phá hoại thuần phong mĩ tục của xã hội.
Điều kì lạ là sau khi huyện thông báo lên công an tỉnh, công an tỉnh phái người về giải quyết tức khắc, lúc cô Ngân được giải phóng khỏi căn phòng tạm giam hôi rích mùi nước đái chuột và đầy dĩn, muỗi ; cũng chính là lúc ông Quảng mang tờ giấy khai giá thú trả lại cho cô vợ trẻ. Rõ ràng là chính ông đã lấy nó chứ chẳng phải một tên trộm vô danh nào đấy. Điều bí ẩn này chắc chắn không một ai dám hỏi, nhưng nó là chủ đề cho tất thảy những cuộc tranh cãi của dân trong vùng. Người thì cho rằng ông Quảng đoán trước sự việc nên đã lừa cậu con trai vào bẫy. Người lại cho rằng ông Quảng mang tờ khai giá thú theo vì e rằng nó sẽ bị đánh cắp và thủ tiêu bởi chính cậu con trai. Chiếc tủ lim ba buồng đồ sộ vốn là vật gia bảo đã qua nhiều đời. Là con trai trưởng nên Quý được quyền giữ một chiếc chìa khoá. Sự cẩn trọng của người cha đã vô tình trùng khít với việc cậu con trai cay cú muốn hạ nhục người mẹ kế chỉ đáng tuổi con gái mình. Có người lại cho rằng mọi sự xảy ra dưới bàn tay của quỷ hoặc thần, rằng không một đứa con tỉnh táo nào có thể hành xử như Quý, cũng chẳng có một người cha bình thường nào nỡ lòng ám hại con mình. Rằng sự việc này đích thị người xưa vẫn gọi là: Ma ám!... Rằng gia đình này có những dây tơ mối nhợ với thế giới của ma quỷ nên luôn luôn xảy ra những sự việc bất thường. Người mẹ bị ma đói nhập hồn, giờ đứa con trai lại bị quỷ mù ám quẻ. Những con người này đều hành động như rồ như dại dưới sự điều khiển của một gã phù thuỷ hiểm ác, hoặc một con quỷ vô hình. Họ chỉ còn là những cái xác biết di động, hoặc những con rối gỗ dưới những sợi dây điều khiển thế giới ma....
Thôi thì đủ loại giả thuyết, đủ mọi chiều phân tích. Cuộc khẩu chiến kéo dài liên miên ngày nọ qua tháng kia. Nhưng một điều tất cả mọi người đều cảm nhận, ấy là nỗi sợ hãi trước một hiện thực quá tàn bạo, một hiện thực khiến cho mọi kẻ làm cha làm mẹ đều chấn động đến tận nơi sâu xa nhất trong cõi lòng. Họ cố dò tìm sự thật.
Một ngày, người em trai ông Quảng bạo gan hỏi anh:
- Thằng Quý bị tù bao lâu theo xét xử?
- Bốn năm sáu tháng.
- Thế là bây giờ con Vui ngồi chồm chỗm trên ghế của nó.
- Đấy là chuyện của kẻ cầm quyền, chẳng phải việc của chúng ta.
- Nhưng dù sao nó cũng là con anh, và là cháu ruột của em.
- Ai chẳng biết chuyện đó.
- Sao anh không tìm cách nào đấy làm giảm nhẹ sự tình?
- Chú muốn nói gì?
- Em muốn nói chẳng lẽ tầm tay dài như anh lại không giữ được nó trên ghế chủ tịch xã?
- Chú tiếc hả? Nhưng tôi là cha đẻ của nó, nó còn hà hiếp tôi đến thế, huống chi người dưng?
Ông em không dám nói gì thêm.
Sau đó nhiều ngày, ông ta mới đến nhà Quý, trách mắng đứa cháu dâu:
- Thằng chồng mày ngu hơn chó, sướng chẳng biết đường sướng. Từ khi chúng mày dựng vợ gả chồng, nhà dọc nhà ngang đều do ông bố lo liệu. Chúng mày sinh con đẻ cái, từ đồ ăn thức uống đến quần áo giầy dép lũ trẻ, cũng ông ấy sắm sanh. Cho đến cái ghế chủ tịch, chẳng có ông ấy, đố thằng chồng mày ghé đít ngồi vào được. Có ông ấy, không những cả đàn cả lũ chúng mày mà họ hàng cũng được nương nhờ cây cao bóng cả. Mẹ chồng mày chết rồi, ông ấy muốn lấy ai là quyền ông ấy, phận sự gì chúng mày phá thối? Đúng là lũ đầu lợn. Bây giờ thằng chồng ngồi tù, con vợ ở nhà chỉ lo hai bữa cơm ăn đã đủ hết hơi, cổ dài như cổ ngỗng. Chúng mày đã thấy sướng hay chưa?
Đấy là sự thức tỉnh của lý trí cũng như đạo đức. Phải chăng đó chính là bài giảng luân lý cổ truyền? Nhưng trong cuộc thi điền kinh, đạo đức bao giờ cũng là kẻ chậm chân. Đạo đức luôn luôn là vận động viên cuối cùng về đích.