Cha trong mắt tôi

Từ lúc mẹ mất, năm anh em chúng tôi lớn lên trong sự tận tuỵ chăm chút yêu thương đến mức có phần vụng về của Cha - một người lính chỉ quen răm rắp với điều lệnh điều lệ, với những nguyên tắc chỉn chu quy cũ.
Tất cả chúng tôi đều tôn sùng và thần tượng cha một cách kì lạ. Ở cha là một nghị lực phi thường, là quyết tâm để con "đói ăn chứ đừng đói chữ", là "đói trong bụng không ai hay, áo rách ở tay người ta thấy"…
Môi trường quân đội với cha là lí tưởng: được anh em quý và cha cũng thương lính như con… Cha sẵn sàng nói thẳng tuột mọi tiêu cực "mắt thấy tai nghe", nói để phê bình và tự phê bình… Xong đâu đấy cha lại chan hoà yêu thương, không để bụng điều gì. Trước các con, cha luôn là tấm gương về mọi mặt: từ phong cách sống, sự cầu thị, nghiên cứu không mệt mỏi.
Với cha không có gì là không làm được, cha không cho phép mình cũng như các con cha phải đầu hàng trước thất bại khó khăn… Và có lẽ cũng vì thế, trong mắt chúng tôi cha là một người thật giỏi, chúng tôi không bao giờ quen với ý nghĩ cha phải luỵ phiền hay hỏi xin ai bất cứ điều gì. Cha luôn làm chủ cuộc sống, cha chủ động trước mọi tình huống…
Thế rồi, trong một lần tình cờ tôi gặp cha với một hình ảnh thật khác. Mấy hôm trước tôi lúng búng nghe đâu có người bác họ lam lũ dưới quê lên nhờ cha cố xin cho con đi làm ở công ty một người bạn của cha. Bác nói mát sau khi cha bảo nó ít học sợ người ta không nhận: "Người ta làm quan cả họ nhờ, còn chú, trong họ có ai được phất lên đâu. Người làng người ta bảo chú danh hão, chú không thức thời…". Cha sững sờ nhận hồ sơ mà không nói được gì, mặt đanh lại. Thấy rồi quên đấy, tôi biết cha có xin xỏ ai bao giờ đâu, ngay cả anh chị tôi đi làm cũng phải: "Tự thân vận động. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào".
Tôi đoán cha nộp đơn để Bác khỏi trách thôi, được hay không thì người ta khắc gọi. Thế mà sau đó, tôi tình cờ vào cơ quan đấy để lấy tin viết bài thực tập. Sau khi trình giấy tờ, anh bảo vệ cười cười: "Cô cứ vào. Riêng gặp mấy ông thanh niên, mấy cụ già ngồi lì ra hành lang mà đợi để được gặp giám đốc, gặp ông quản lý nhân sự… trông tồi tội, đủ để cô viết phóng sự đấy!"…
Hăm hở đi vào, đầu hí hửng với một đề tài vừa ấp ủ… tôi bỗng sững sờ… Trước mắt tôi là Cha, mái tóc rủ xuống, tay cầm tờ báo, ngồi tỳ vào hành lang để "chặn lối" để hy vọng được gặp giám đốc. Trông Cha khổ sở, nhẫn nhục, mắt đọc báo mà tai dỏng lên theo dõi mọi động thái của tiếng kẹt cửa có thể mở lúc nào… Tôi ngơ ngác đau đớn và chực vỡ oà…ào chạy, bỏ lại đằng sau bao ánh mắt ngơ ngác…
Tối đấy, tôi về nhà muộn hơn. Tôi hẫng hụt chới với. Không phải là thần tượng sụp đổ nhưng có một cái gì đấy nghèn nghẹn làm tôi không đủ can đảm nhìn cha. Hoá ra, cuộc sống đời thường đầy những hoán vị bắt buộc người ta nhiều lúc phải khác mình đi một tý. Hôm qua cha tôi có thể lạnh lùng, thét ra lửa giữa răm rắp cả hàng quân… Nhưng hôm nay, vì một câu nói, vì lòng tự trọng mà cũng có thể là nổi day dứt về trách nhiệm…mà một ông đại tá phải ngồi bệt sàn nhà dể ngong ngóng cạnh cầu thiên hạ…
Nhìn Cha lòng tôi trào dâng cảm xúc khó tả. Cha vẫn vui vẻ, vẫn tỏ ra là người lạc quan không chút gợn lòng. Cũng may sáng nay cha đã không nhìn thấy tôi. Cha giấu kín những trớ trêu cha phải gánh chịu để luôn gieo lòng các con những nét đẹp tình người, về nghị lực và ý chí vươn lên với chính mình. Cha là vây - một đời Cha cao cả vô cùng - Cha ơi!…
NGUYỄN THUẬN HUẾ