Chương Kết

 
Cuối năm Tân Hợi, thái hậu Ngọc Vạn lâm bệnh nặng. Được tin này, chúa Nguyễn bèn cử một sứ bộ đến Oudong để vấn an. Chánh sứ là thế tử Nguyễn Phúc Diễn, tước Thiếu Sư quận công, cháu gọi thái hậu Ngọc Vạn bằng "mụ cô bà". Người phụ tá thế tử là An Quốc hầu  Trần Đình Phẩm.
 Sau khi yết kiến quốc vương, hai vị chánh phó sứ với tư cách là người thân, đại diện cho chúa Nguyễn, xin vào vấn an thái hậu.
 Lúc bấy giờ thái hậu Ngọc Vạn bệnh nằm liệt giường đã gần ba tháng, khi tỉnh khi mê, hàng ngày người hầu phải đổ từng muỗng sâm cho bà. Mỗi khi các hoàng thân, quốc thích đến vấn an, bà cũng chỉ biết đưa mắt yếu ớt nhìn chứ không nói năng gì được.
 Hai vị đặc sứ của Đại Việt được một viên thái giám dẫn vào cung thái hậu. Họ cung kính chắp tay đứng chờ đợi bên ngoài tấm rèm treo trước giường. Một nàng thị nữ bước vào rón rén vén rèm lên thưa:
 - Muôn tâu, có sứ thần Đại Việt đến xin vào vấn an thái hậu!
 Thái hậu mở mắt rồi chợt cất giọng thì thào:
 - Ai? Ai mới nói gì?
 Mọi người đều ngạc nhiên mừng rỡ vì cả tháng rồi thái hậu mới nói được trở lại. Thị nữ thưa lại:
 - Bẩm thái hậu, có sứ thần Đại Việt đến vấn an thái hậu!
 Thái hậu nhướng mắt lên, thì thào hỏi:
 - Sứ thần Đại Việt? Có những ai? Hãy cho họ vào!
 Rồi thái hậu ra hiệu cho thị nữ đỡ mình ngồi dậy.
 Hai vị đặc sứ được dẫn vào trước mặt thái hậu. Họ cùng quì lạy và thưa:
 - Chúng thần là thế tử Thiếu Sư quận công Nguyễn Phúc Diễn, An Quốc hầu Trần Đình Phẩm kính lạy chúc thái hậu sớm bình phục sức khỏe!
 Thái hậu có vẻ xúc động, vẫy tay và cất giọng yếu ớt:
 - Thế tử Diễn đấy à? Có thật là thế tử Diễn không? Tại sao cháu không lại đây với "mụ"? Hãy lại đây nào!
 Thế tử Diễn tiến lại quì gần thái hậu, bà với tay xoa đầu thế tử rồi kéo lên cho ngồi bên mình. Thế tử Diễn trân trọng nâng tay thái hậu lên môi hôn rồi ké né ngồi một bên mép chiếu. Thái hậu với giọng hổn hển vỗ về:
 - Cháu ngoan của mụ, cháu đi xa xôi đến đây có mệt lắm không? Không ngờ mụ cháu mình lại được gặp nhau thế này, mụ thỏa nguyện lắm!
 Hai bà cháu đều xúc động rơi nước mắt. Thái hậu có vẻ mệt, bà yên lặng đưa tay xoa đầu, xoa vai, xoa lưng thế tử Diễn một hồi như cố tìm những cảm giác thân yêu...
 - Cha mẹ cháu có khỏe không? Mụ biết cha cháu làm việc cực nhọc lắm mà! Đời cha cháu cứ chiến tranh liên miên làm sao mà sướng được! Nhưng cha cháu là một vị vua anh hùng và cháu cũng sẽ là một vị vua anh hùng...
 Thái hậu vít đầu thế tử lại gần, chậm rãi nói:
 - Đời ta sống được chừng này là tốt lắm rồi. Đối với tổ quốc Đại Việt, ta đã phục vụ hết mình như cháu đã biết đó. Nhiều lúc ta hãnh diện rằng ta đã dọn quang một con đường cho dân tộc ta tiến tới. Nhưng xét lại, trong khi ta có công lớn với một dân tộc thì ta lại có tội lớn với một dân tộc khác. Việc này nhiều lúc đã làm cho ta ray rứt, khổ sở ghê gớm, ta không sao tránh khỏi mặc cảm phản bội, đáng xấu hổ. Vậy, sau này các cháu cũng chẳng nên ghi công cán cho ta làm gì e rằng ta ở nơi chín suối cũng chẳng nhẹ lòng được. Nhớ nhé! Ta lập lại, đừng có ghi công cán cho ta làm gì, chỉ làm khổ lòng ta thôi!
 Hàn huyên với cháu xong, thái hậu quay ra hỏi:
 - Còn vị quan lớn này, khanh là ai? Sao ta thấy dáng quen quen?
 Trong khi thái hậu tiếp chuyện với thế tử Diễn, An Quốc hầu Trần Đình Phẩm vẫn kính cẩn cúi mặt quì trước giường bà. Giờ nghe thái hậu hỏi, ông lại phục xuống lạy rồi ngẩng mặt lên: 
 - Tâu, thần là An Quốc hầu Trần Đình Phẩm xin ra mắt thái hậu!
 Thái hậu nhướng mắt, người bà bỗng run lên, gương mặt bà tái mét, giọng xúc động thổn thức như kẻ nhập đồng:
 - Trời ơi, chàng đấy ư! Cho tới giờ này chàng mới đến với em! Tại sao chàng lại thất hẹn như vậy? Chàng không hiểu lòng em chút nào cả, sao chàng tệ đến thế...
 Chỉ nói được đến đó rồi thái hậu ngã xuống, ngất lịm. Vị y sư và các thị nữ hoảng hốt lo chạy chữa. Viên thái giám thưa với hai vị sứ giả:
 - Ngọc thể thái hậu đang lâm biến, phiền hai ngài tạm về nghỉ, khi nào thái hậu tỉnh lại chúng tôi lại thỉnh quí ngài vào bái kiến.
 Sự kiện xảy ra bất ngờ làm mọi người ngơ ngác không ai hiểu gì cả. Hai vị sứ giả rơi lệ mà về công quán với bao nhiêu thắc mắc trong lòng. Tại sao trước đó, thái hậu còn nói những lời hết sức sáng suốt với thế tử Diễn? Điều gì đã ám ảnh thái hậu? Phải chăng tâm thần thái hậu đã điên loạn? Những lời thái hậu nói ra có ý nghĩa gì? 
 Suốt đêm đó, hai vị sứ giả của chúa Nguyễn xúc động không thể nào ngủ được.
 Hôm sau thì hoàng gia Chân Lạp chính thức thông báo tin buồn thái hậu Ngọc Vạn, vị quốc mẫu vô vàn kính yêu của dân tộc Chân Lạp đã qui tiên nhằm vào tháng ba năm Nhâm Tý.
 Phái bộ sứ giả của Thuận Hóa sang Chân Lạp để vấn an thái hậu Ngọc Vạn không ngờ lại thành phái đoàn tham dự đám táng của người. Người trong cung thái hậu cho biết, sau khi tiếp kiến thế tử Diễn và An Quốc hầu Trần Đình Phẩm, thái hậu xúc động đến ngất xỉu và hôn mê suốt đêm, gần sáng thì người lìa trần.
 Vua Batom Reachea tổ chức lễ quốc táng cho thái hậu rất trọng thể. Một số dân Chân Lạp và hầu hết di dân Đại Việt ở Chân Lạp đều để tang.
 Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng cho hoàng tộc tổ chức lễ phát tang. Về phần dân chúng, ai muốn để tang hay không tùy ý. Ngược lại với di dân Việt ở Chân Lạp, dân Việt ở Thuận Quảng lại ít quan tâm tới đám tang của vị thái hậu này...
 Khi trở về nước, thế tử Diễn trình bày lại mọi sự với chúa Hiền. Chúa nghe xong khóc òa lên. Rồi chúa lau nước mắt, lặng lẽ bước đến quì lạy trước bức chân dung vẽ công nữ Ngọc Vạn thời son trẻ, thở dài:
 - Xưa nay cháu vẫn biết cô là một bậc nữ lưu phi thường, lòng son dạ sắt, nhưng cháu không hề biết cô còn là một khách đa tình như thế! 
 Mọi người lấy làm lạ bèn hỏi chúa. Chúa nói:
 - Nguyên do ngày xưa, thái hậu và An Quốc hầu Trần Đình Huy thương mến nhau, đã làm đám hỏi. Nhưng rồi vua Chân Lạp lại cầu hôn thái hậu, vì quyền lợi của đất nước, hai người phải hi sinh mối tình cao đẹp ấy. Về sau, ông Đình Huy lập được công lớn, được phong tước An Quốc hầu. Nhưng Đình Huy không có con nên Trần Đình Phẩm được kế tập tước của bác mình. Có một điều đặc biệt là gương mặt và dáng vóc của Trần Đình Phẩm bây giờ trông rất giống ông Đình Huy ngày xưa. Bởi lẽ đó, cô của ta, trong lúc thần trí hỗn loạn nhìn Trần Đình Phẩm lại ngỡ là người xưa... Giờ ta mới tin lời người ta hay nói mối tình đầu không bao giờ phai thật là không ngoa.
°
 Thái hậu Ngọc Vạn qua đời chưa bao lâu thì tình hình Chân Lạp trở nên lộn xộn. Ở triều đình Chân Lạp, các quan đều thấy quá rõ cái họa người Việt đang mỗi ngày một lớn. Trong khi đó, vua Batom Rechea lại quá nhu nhược, hết lòng tuân phục Thuận Hóa. Thấy cần thiết phải có một sự thay đổi, một số quan lại trong triều bèn vận động cấu kết với một số người trong hoàng tộc để mưu đồ đảo chánh.
 Thế rồi phò mã Chey Choettha, cũng là cháu của nhà vua, đã nổi dậy giết vua Batom Rechea để cướp ngôi. Triều vua mới chủ trương thay đổi chính sách đối ngoại, họ muốn loại bỏ bớt ảnh hưởng của người Việt. Trước kia Chân Lạp mượn sức người Việt để chận đứng người Xiêm thì bây giờ Chân Lạp lại muốn mượn sức người Xiêm để chận đứng người Việt.
 Nhưng vị vua kế tiếp này cũng không đủ sức để giữ vững nền độc lập, thống nhất cho nước Chân Lạp. Người Xiêm được dịp chi phối vào việc nội trị của Chân Lạp. Nhiều người trong hoàng tộc lại sinh ra bất mãn nổi lên chống lại triều đình. Chống không nổi, họ lại cầu cứu các chúa Nguyễn. Thế là hai phe, một bên thân Việt, một bên thân Xiêm cứ tiếp tục xâu xé nhau. Liên tục chính quyền Chân Lạp cứ hết  người Xiêm lại đến Việt thay nhau bảo trợ. Những cuộc huynh đệ tương tàn này đã khiến cho cả hai nước Xiêm lẫn Việt đều có cơ hội thủ lợi qua lối mòn ơn đền nghĩa trả. Phe nào đắc thắng giựt được ngai vàng lại dâng một phần đất để trả ơn cho nước giúp đỡ mình...
 Nhưng người Việt chiếm ưu thế hơn người Xiêm nhiều. Sau khi nước Chiêm Thành bị xóa sổ, miền Thủy Chân Lạp đã thành tiếp giáp với Đại Việt. Hơn nữa, nơi nào trên phần đất trù phú ấy cũng đã có người Việt đến làm ăn sẵn. Những di dân đó đã thành hạ tầng cơ sở vững chắc cho bước đường Nam Tiến vô cùng vĩ đại của dân tộc Đại Việt mà các chúa Nguyễn kế tiếp nhau lần lượt thực hiện. Rốt cục, miền Thủy Chân Lạp trù phú đã biến thành vựa lúa của dân tộc Đại Việt.
California, mùa đông 2002
 

Xem Tiếp: ----