Chương 8

 
Từ thế kỷ 17, những người Việt ly tán tha phương đã có dịp bước chân đến khắp nơi miền Thủy Chân Lạp.
 Trước đó, toàn miền chỉ có những bộ lạc dân thiểu số sống biệt lập cách nhau hằng mấy trăm dặm. Họ không muốn tiếp xúc với những dân tộc văn minh hơn họ. Họ sống như ẩn mình, cư sở của mỗi bộ lạc thường là từng khoảnh một giữa chốn rừng sâu. Đất đai màu mỡ, chim thú đầy dẫy, tôm cá nơi nào cũng có, nên việc kiếm ăn của họ rất thoải mái. Cái khó khăn họ gặp phải chỉ là thiếu muối. Lâu lâu họ phải cử người đem đặc sản khô như thịt nai, thịt heo rừng, thịt nhím... và nhất là mật ong đi thật xa để đổi chác lấy thứ nhu yếu phẩm này. Làm ra của cải thì quá dễ, nhưng những bộ lạc sống biệt lập này không thể nào vươn mình lên nổi. Bao nhiêu thứ bệnh tật lúc nào cũng sẵn sàng giết hại họ, đó là chưa kể thú dữ, độc vật cũng luôn hoành hành đe dọa... Trải bao nhiêu đời dân số họ cũng không tiến triển mấy, có khi còn thụt lùi và có cả những bộ lạc dần đi tới chỗ diệt vong nữa.
 Về sau, một số thương gia người Chân Lạp cũng như người nước ngoài đã mạo hiểm băng rừng tìm tới nơi ở những bộ lạc này để buôn bán. Những chuyến buôn bán mạo hiểm ấy có khi giúp người ta thành công như những chuyến đi tìm trầm, đi đào vàng trúng mối. Sau những chuyến đi buôn dần quen đường, dò biết những chỗ nào có thể làm ăn khá, con buôn nước ngoài bèn hướng dẫn đồng bào của họ đến khai thác để sinh sống. Dần dần, người ta thấy người Hoa, người Xiêm, người Mã Lai, người Nam Dương, người Chàm đã chiếm nhiều khu vực làm ăn thuận lợi, họ qui tụ đông nhất là vùng Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai). Chỉ có điều bất tiện cho họ là họ vẫn bị coi như dân lậu, chưa được sự thừa nhận chính thức của chính quyền Chân Lạp. Vì thế, họ thường trở thành miếng mồi béo bổ cho những viên chức có thẩm quyền ở địa phương rúc rỉa.
°
 Từ khi vua Chey xuống chiếu cho phép người Việt di dân đến Thủy Chân Lạp làm ăn thì mầm mống các tổ chức chống người Việt ở Chân Lạp bắt đầu manh nha. Viên đại thần Nôn San, một người thân Xiêm, cho rằng mối họa từ người Việt rồi sẽ trở nên trầm trọng hơn cả mối họa từ người Xiêm. Phe đảng của Nôn San ra sức cổ võ tinh thần bài Việt đối với dân bản xứ. Do đó, rất nhiều nơi người dân địa phương hết sức hững hờ, xa lánh hoặc đối xử khắt khe với di dân người Việt. Những sắc dân ngoại nhập khác cũng lợi dụng sự kỳ thị giữa dân bản xứ đối với người Việt để lấn áp, xua đuổi người Việt.
 Vùng Mỗi Xuy lúc bấy giờ là nơi tập trung đông đảo nhiều sắc dân khác nhau. Thói thường trong cảnh lưu lạc tha phương, những người cùng nòi giống thường tìm cách sống gần nhau để giúp đỡ nhau, bênh vực nhau khi nguy biến. Người Việt đến địa bàn này muộn nhất nên những chỗ làm ăn thuận lợi gần như không còn. Các sắc dân đến cư ngụ trước tại đây sợ người Việt cùng làm ăn sẽ gây ảnh hưởng thiệt thòi đến quyền lợi của họ nên có thái độ kỳ thị thấy rõ. Phần đông họ cố tránh giao dịch với người Việt, tẩy chay không thuê không mướn người Việt dù họ rất cần người. Dị ứng với người Việt mạnh mẽ nhất là dân Chàm, đó cũng là chuyện dễ hiểu.
 Không hòa đồng được với cộng đồng đa chủng, nhiều người Việt kéo nhau tách riêng đi khai khẩn rừng hoang làm ăn. Tới lúc này nhiều người Việt đã bắt đầu cảm thấy chùn chân trước thực tế. Rừng rú thâm u tràn ngập muỗi mòng và vắt đỉa là giống trùng hút máu người thật đáng sợ. Những thứ trùng độc khác như rắn rết, bò cạp bất cứ chỗ nào cũng có thể có. Trời nóng nực, người ta cởi cái áo vắt lên một cành cây, khi lấy áo mặc lại nếu không xem xét cẩn thận liền có thể bị năm bảy mồi độc của bò cạp chích vào lưng, vào nách... nhức nhối tận tim gan. Tay vô ý vít một cành cây có thể bị con rắn lục mổ một miếng có khi thiệt mạng...
 Độc hại nhất là giống muỗi đã gieo rắc không biết bao nhiêu nỗi hãi hùng. Gần một nửa số người khai hoang rừng mắc bệnh sốt rét. Sợ bệnh đến nỗi người ta phải nướng con trùn hổ (giun đất loại lớn) mà ăn. Nhiều người vẫn tin thịt loại trùn hổ này trị được bệnh sốt rét. Người chết bệnh quá nhiều đã làm cho ai nấy phát hoảng.
 Tới khi trồng trọt được, hoa màu lên xanh tốt chưa kịp mừng thì từng đàn khỉ từ đâu kéo về bẻ phá tả tơi. Những nương sắn củ còn non cũng bị những đàn voi tràn về dày xéo hoặc nhổ tung lên. Những nương lúa thì bị hàng trăm  hàng ngàn chim chóc chiếu cố rỉa hạt rỉa bông... Người ta có cảm tưởng trời cho thấy mà không cho ăn. Họ kháo nhau đây là sự cảnh cáo, sự xua đuổi của thần rừng.
 Có người thấy trồng trọt khó khăn muốn bước sang nghề săn thú, đánh cá. Nhưng đến bất cứ nơi nào họ cũng bị những người lạ hung tợn giành giựt, hăm dọa, tấn công sát hại. Đã có lần một người Việt đi săn bị đâm chết vứt xác trong rừng. Sau đó lại có vài người Việt khác bị kẻ lạ đánh đuổi phải chạy bán mạng mới thoát được.
 Về nơi ăn chốn ở cũng không yên. Thỉnh thoảng lại có vụ phát hỏa khi người trong nhà đã ra nương rẫy hết mà không biết nguyên do. Vài khi cháy lây cả vùng qua nhiều ngày.
 Lần kinh hoàng nhất cho người Việt là lần bị bỏ thuốc độc trong giếng nước uống. Hôm đó, tự nhiên toàn vùng sau bữa cơm chiều nhiều người thình lình bị mắc bệnh thổ tả. Một số trẻ em đã phải thiệt mạng. Người Việt phải khốn khổ nhiều ngày vì chuyện nước dùng, phải đào lại những cái giếng mới và phải bảo vệ cẩn thận chứ không dám coi thường như trước... 
 Những sự việc đó đã làm cho đám di dân người Việt lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Nhiều người sợ đến nhập tâm, nhìn quanh thấy bất cứ cái gì cũng có thể hại mình được.  Sợ đủ thứ, sợ người lạ, sợ cọp beo, sợ voi, sợ gấu, sợ cả đến những con vật nhỏ nhoi như con ong, con kiến và thậm chí sợ đến cả con cá, con chim... 
 "Tới đây đất nước lạ lùng,
 Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng!"
 Rất nhiều người muốn trốn về xứ sở. Nhưng muốn trốn cũng không dễ! Bao nhiêu nguy hiểm sẵn sàng chờ họ: đau ốm dọc đường, gặp thú dữ sát hại, thổ dân lột da xẻo thịt như lời đồn... Đó là chưa nói nếu về nước còn có thể bị triều đình ghép tội nữa. Nhìn chung, tình trạng người di dân Việt đến xứ Mỗi Xuy gặp toàn cảnh chán ngán, bi quan đến tột cùng...
 Số phận đoàn di dân người Việt đến xứ Nông Nại cũng chẳng khá hơn gì. Khi họ đến, nơi đây cũng đã có người Hoa, người Xiêm, người Chàm, Mã Lai, Nam Dương... đang tranh nhau khai thác. Người Hoa, người Nam Dương, Mã Lai chuyên nghề buôn bán, người Chàm, người Xiêm phần nhiều làm công nông... Họ cũng ra mặt kỳ thị, tránh giao tiếp với người Việt như những nơi khác.
 Việc còn lại cho người Việt lại đưa nhau đi phá rừng làm ăn. Họ cũng gặp không biết bao nhiêu nỗi gian nan khốn đốn vì bệnh tật, thú dữ. Nói chung thiên thời, địa lợi, nhân hòa người Việt đều không có... 
 Có lần di dân Việt đang khai khẩn một khu đồng bằng rộng lớn thì bỗng chạm mặt với một số thổ dân cùng dân Xiêm cũng đang khai khẩn khu đất gần đó. Hai bên đều khai khẩn canh tác chỉ cách nhau một cánh rừng mỏng mà không bên nào biết nhau. Tới khi cánh rừng mỏng kia bị đốt cháy mới lộ ra nhau. Đám thổ dân cùng bọn người Xiêm hung hăng tranh giành phần đất mới cháy và lấn sang cả đất người Việt đã canh tác. Họ bảo đó là vùng họ đã khoanh từ lâu. Những hoa màu người Việt vừa trồng ra bị họ dẫm đạp bừa bãi. Hai bên lại gây gổ rồi đi đến ẩu đả. Thổ dân và đám người Xiêm rất hung dữ lại quá đông nên rốt cuộc người Việt phải rút về cố thủ một cụm, hằng mươi ngày không dám ló mặt ra ngoài. Bọn người kia thừa thế kéo nhau đi phá phách lung tung. Những người di dân Việt hoảng sợ, bối rối vô cùng. Ai cũng chán nản bàn nhau bỏ đi nơi khác cho xong.
 Những người cầm đầu các cộng đồng di dân này phải cử người về Oudong trình bày rõ tình trạng ấy lên quan đặc sứ Nguyễn Hữu Luân xin tìm cách giúp đỡ...
°
 Vua Chey Chetta II ngự đến Tả cung thì thấy hoàng hậu Ngọc Vạn một mình thơ thẩn trong vườn hoa. Nhà vua cho tả hữu tản ra rồi ngài tiến về phía hoàng hậu.
 - Thánh thượng vạn tuế!
 - Miễn lễ, miễn lễ, trẫm muốn dạo vườn ngắm hoa cùng hoàng hậu.
 - Tạ ơn bệ hạ!
 Vua cùng hoàng hậu sánh bước bên nhau đi dạo vườn.
 - Hoa vào xuân nở rộ đẹp quá nhỉ! Ồ, ái khanh có thấy hai con bướm sặc sỡ kia không? Bướm đẹp quá! Chúng quấn quít đùa giỡn vui vẻ bên nhau hậu thấy không?
 - Tâu, thiếp có thấy...
 - Sao đôi ta không được như đôi bướm ấy nhỉ? Sao đôi ta không thể vui vẻ đùa giỡn như chúng? Hậu có thể nói cho trẫm biết vì sao chăng?
 - Tâu, vì chúng vô tư, hồn nhiên, còn thiếp thì...
 - Không lẽ trẫm đã làm gì khiến hậu buồn? Từ khi về với trẫm, hậu không mấy khi cười nói như bao nhiêu người khác. Hậu nói rằng Đại Việt đất chật lại thiếu màu mỡ, cuộc sống người dân khó khăn, trẫm đã chiều ý cho họ đến Chân Lạp làm ăn thoải mái, hậu chưa vừa lòng ư? Không hiểu sao bây giờ hậu vẫn cứ buồn rũ rượi như thế?
 - Muôn tâu, thiếp rất đội ơn mưa móc sâu dày của bệ hạ. Khổ nỗi, thần dân của thiếp tha phương cầu thực tuy được bệ hạ cho khai khẩn đất đai để sống, nhưng họ không cách nào yên ổn làm ăn được. Họ bị những kẻ bất lương cứ đột ngột xuất hiện cướp giết mà không được ai bảo vệ che chở hết. Thiếp nghĩ đến thân phận của họ lòng thiếp đau như cắt, vui ở chỗ nào được!
 - Thế bây giờ hậu muốn trẫm giải quyết như thế nào để giúp họ?
 - Cám ơn bệ hạ đã chiếu cố tới đám thần dân đồng bào của thiếp. Bệ hạ đã rộng lòng cho họ tự do khai khẩn để sinh sống, cúi xin bệ hạ cho phép họ được thành lập những toán võ trang tự vệ. Như vậy họ đỡ bị người ta ức hiếp để có thể yên tâm làm ăn. Được thế thì thiếp cũng như thần dân thiếp sẽ đội ơn bệ hạ vô cùng! 
 Vua Chey Chetta II suy nghĩ rồi nói:
 - Nếu làm cho hoàng hậu vui được thì việc gì mà trẫm không làm! Lâu nay trẫm vẫn cấm ngặt người bản xứ quấy nhiễu di dân người Việt, không ngờ di dân vẫn còn chưa được yên ổn làm ăn như thế. Thôi được, trẫm sẽ lệnh xuống, cho phép cộng đồng di dân người Việt được tự võ trang để tự vệ.
 Hoàng hậu Ngọc Vạn nghe vua phán liền quì mà dập đầu xuống nền đất, tâu:
 - Hoàng thượng anh minh vạn tuế, vạn vạn tuế! Thế là ánh sáng mặt trời đã soi tới lòng chậu úp! Thần thiếp xin thay mặt toàn thể lưu dân của thần thiếp, xin đa tạ hoàng thượng!
 Vua Chey vội vàng bước đến đỡ bà đứng dậy:
 - Chuyện này không khó lắm, hoàng hậu chớ bận tâm!