Chương 8

- Má coi kìa má...
Huệ nói với má của mình trong lúc đang rửa chén sau bữa cơm chiều. Ngọc lắc đầu mỉm cười.
- Má biết rồi... Ai biểu thằng Kính bày đặt cho ổng làm chi... Mua gì không mua mà lại mua cho ổng cái điện thoại cầm tay...
Ôm đứa cháu ngoại vừa thôi nôi được một tuần Ngọc nói trong lúc nhìn ra ngoài sân sau. Hiền, chồng nàng vừa đi tới đi lui vừa nói chuyện điện thoại.
- Ba nói chuyện với ai mà nói hoài vậy má?
- Ai mà biết... Má hỏi thời ổng nói với bạn...
- Má coi chừng ba có bồ...
Ngọc hứ một tiếng gọn hơ.
- Xí... Cái mặt ổng mà có bồ... Thấy đàn bà con gái ổng run như thằn lằn đứt đuôi... Má nhớ hồi lúc ổng mới quen má...
Vừa ru cháu Ngọc vừa mỉm cười như nhớ lại thời son trẻ. Huệ cũng cười nho nhỏ. Nàng thích lân la trò chuyện với má của mình hay thủ thỉ hỏi về cuộc tình của ba má, hai người mà nàng thương và kính mến nhất. Tình yêu của ba má là kết đọng của thương yêu, che chở và đùm bọc nhau qua bao nhiêu gian lao và khổ sở.
- Má nhớ lần đầu tiên ổng nói ba chữ " Anh yêu em " mà ổng rặn còn lâu hơn má rặn đẻ con nữa. Xin phép cầm tay má mà mặt mày ổng xanh lét, run cầm cập và đổ mồ hôi như bị trúng phong trúng gió...
Huệ cười ré lên khi nghe má kể. Úp mấy cái tô vào máy rửa chén cô cười.
- Má đừng có ỷ y... Mấy người hiền như ba coi vậy chứ hay làm ngầm lắm... Bởi vậy người ta mới nói " Lù khù vác lu mà chạy "...
- Ổng có vác thùng phi má cũng hổng có sợ chứ đừng nói vác tĩn vác lu... Với ai chứ với ba của con má hổng tin. Má ở với ổng ba mươi mấy năm rồi má biết...
- Má... Con hỏi má cái nầy nghe...
- Cái gì?
Huệ nhìn má cười tủm tỉm.
- Má với ba còn cái vụ đó không?
Nhìn con gái chăm bẳm giây lát Ngọc mới hỏi lại.
- Vụ đó là vụ gì?
Huệ nhìn má cười ngỏn nghẻn.
- Thì cái vụ tò tí te đó...
- Ờ... Tưởng cái vụ gì chứ cái vụ đó thời...
Ngập ngừng nhìn con gái Ngọc cười bẽn lẽn.
- Cũng chút chút...
Câu trả lời của má khiến cho Huệ động tính tò mò. Nàng cảm thấy vui vui vì muốn biết chi tiết về cuộc sống tình cảm riêng tư của hai đấng sinh thành.
- Chút chút là sao hả má...
Ngọc trả lời một cách lững lơ.
- Thời chút chút... Lâu lâu mới có một lần...
Không chịu tha Huệ hỏi tới.
- Lâu lâu là bao lâu... Một ngày, một tuần, nửa tháng hay là bao lâu?
Ngọc nhìn ra ngoài sân sau rồi cười nói với giọng mắng yêu con gái mình.
- Mày muốn biết thời hỏi thằng cha của mày đó...
Huệ cười ròn tan.
- Ừ... Để một hồi nữa ba dô đây con hỏi ba...
Chừng năm phút có tiếng cửa mở rồi Hiền ló đầu vào.
- Em ơi... Em lấy cho anh ly nước lạnh được không em?
Huệ nhanh nhẩu nói thay cho má.
- Con lấy cho ba... Ba uống nước đá chanh không con rót cho ba một ly?
Hiền bước vào nhà bếp mà tay còn cầm cái điện thoại cầm tay.
- Ừ... Nước đá chanh càng tốt...
Ngưng rửa chén Huệ mở tủ lạnh rót cho ba một ly nước chanh đầy. Miệng cười cười nàng hỏi trong lúc đưa cho ba ly nước chanh.
- Ba nè... Con muốn hỏi ba một câu...
Dường như mắc cỡ hoặc không muốn nghe nên Ngọc ẵm cháu ngoại bước ra phòng khách.
- Ba nè... Ba với má còn cái vụ tò tí te không?
Không trả lời Hiền hỏi lại con gái.
- Ai biểu con hỏi vậy... Má con phải không?
Tiếng của Ngọc từ ngoài phòng khách vọng vào.
- Em không có xúi nó à nghe... Anh đừng có nói oan cho em...
Huệ cười lớn.
- Con tò mò muốn biết. Các khoa học gia nói cái vụ tò tí te đó làm cho người ta trẻ trung và lâu già hơn...
Hiền hứ tiếng nhỏ.
- Con bày đặt nghe lời mấy thằng cha khoa học gì đó. Tối ngày chúi mũi vào phòng thí nghiệm mấy thằng chả có biết tò tí te đâu mà nói...
Huệ kêu lên với giọng nhỏng nhẽo.
- Ba... Con hỏi ba có hay là không?
Hiền cười hinh hích đùa với con gái.
- Có... Con không nghe ông bà mình nói " Gừng càng già càng cay " sao. Huống hồ gì má con mới có năm mươi ngoài...
- Vậy bao lâu ba với má mới tò tí te?
Hiền trả lời lấp la lấp lửng.
- Thì lâu lâu... Có khi năm ba bữa... Có khi nửa tháng... Tùy hứng...
Huệ cười ròn tan. Bước vào nhà bếp Ngọc vừa cười vừa mắng yêu chồng.
- Đồ quỷ... Anh nói với nó làm chi ba cái vụ đó...
Hiền cười nhìn vợ. Ngọc hơi đỏ mặt khi thấy chồng nhìn mình với ánh mắt là lạ.
- Nó lớn rồi chứ còn nhỏ nhít gì đâu... Sợ nó còn rành cái vụ tò tí te hơn em nữa kìa...
Huệ ré lên cười.
- Má nghe chưa má...
Dù sinh ra ở Việt Nam nhưng Huệ lại trưởng thành ở xứ sở văn minh do đó chuyện tình yêu nàng rất cởi mở và tự nhiên. Còn Hiền và Ngọc dù không hấp thụ nền học vấn như con gái song cũng không hủ lậu quá lắm.
Uống xong ly nước chanh Hiền cười tình với vợ rồi mở cửa bước ra sân sau.
Có tiếng mở cửa rồi Kính bước vào nhà. Đứng cạnh vợ nhìn ra khung cửa sổ Kính hỏi.
- Ba nói chuyện với ai vậy?
- Ai mà biết... Chắc bè bạn của ba chứ gì...
Ngọc mắng yêu con rể của mình.
- Cũng tại mày đó... Ai bảo mua cho ổng cái điện thoại làm chi...
Kính cười xòa.
- Có gì đâu má... Thì để cho ba liên lạc với bạn bè cho vui. Má đừng sợ ba có bồ. Ba mê má thấy bà...
Ngọc đỏ mặt trong lúc Huệ tra hỏi chồng.
- Sao anh biết ba mê má?
- Thì ba kể cho anh nghe... Bữa tết ta anh với ba lai rai mấy chai bia. Hứng chí ba kể cho anh nghe...
Nhìn má vợ Kính đùa.
- Ba nói với con là mặc dù má đã hơn năm mươi song ba vẫn thương má như thương cô nữ sinh của trường trung học Long Xuyên...
Ngọc cười im lặng không nói. Huệ khều chồng khi thấy má đang nhìn ra khung cửa sổ với ánh mắt mơ màng như nhớ lại thời son trẻ của mình. Xa thật xa. Lâu thật lâu. Dài thật dài. Ở đâu đó thấp thoáng hình bóng một người lính hải quân hiền hậu và rụt rè nhưng viết thư tình thời hay nhất thế giới. Ngọc thương người lính thủy đó nhiều mà mê những lá thư tình của anh ta còn nhiều hơn nữa. Những lá thư được viết từ những địa danh xa lạ. Những địa danh nàng chưa biết hoặc chỉ biết trong giấc mơ được tưởng tượng ra từ sách báo của một cô học sinh tỉnh lẻ. Phú Quốc. Sài Gòn. Nha Trang. Đà Nẳng. Vũng Tàu. Ôi vùng trời thơ mộng nàng chưa bao giờ đặt chân tới. Hai đứa quen nhau đã lâu nhưng chưa dám cầm tay hay nói tiếng yêu thương cũng như lời tình tự vì nàng vốn nhút nhát mà Hiền cũng không dạn dĩ lắm.  Nàng luống cuống vì sợ, vì mắc cỡ khi Hiền xuất hiện bất thình lình trước cửa nhà nàng. Cử chỉ rụt rè, cách ăn nói lễ phép và sự thành thật của anh đã chinh phục cảm tình của ba má Ngọc...
- Em ơi...
Hai chữ " em ơi " khiến cho Ngọc giật mình ra khỏi giấc mơ hồi tưởng quá khứ. Ba mươi mấy năm Hiền vẫn gọi vợ bằng hai tiếng âu yếm và mặn nồng đó. Ngọc hơi đỏ mặt khi thấy con gái liếc mình cười chọc quê. Như mắc cỡ hoặc không muốn cho hai đứa con nghe biết chuyện của mình với chồng Ngọc mở cửa bước  ra sân sau. Huệ chỉ thấy ba má ngồi đối diện với nhau thì thầm to nhỏ. Thỉnh thoảng má gật đầu cười. Thế thôi.
Khi thức dậy ra nhà bếp Huệ hơi ngạc nhiên vì không thấy ba má ngồi uống trà và cà phê như thường lệ mặc dù hôm nay là sáng chủ nhật. Buộc lại chiếc áo choàng nàng cầm lấy tờ giấy trắng có ghi dòng chữ " Ba má đi chợ Atlanta. Chiều về... ".
- Ổng bả đi chợ Atlanta làm gì? Mới đi chợ tuần rồi mà...
Đang lẩm bẩm Huệ quay đầu lại cười với chồng đang vòng tay ôm lấy mình.
- Cưng thức sớm vậy cưng...
Nhìn quanh quất thấy nhà vắng Kính hỏi vợ.
- Ba má đi đâu rồi?
- Ổng bả đi Atlanta...
- Đi Atlanta... Đi chợ hả...?
- Ừ... Dường như ba má định làm cái gì đó mà chưa cho mình biết...
Kính tủm tỉm cười. Bắt gặp cử chỉ của chồng Huệ hỏi dồn.
- Anh biết hả...? Ai nói cho anh biết...? Ba hay má...?
Thấy chồng im lặng Huệ hăm he và mỗi khi nàng hỏi là Kính biết mình phải khai thật nếu muốn được yên thân.
- Anh tình nguyện nói hay đợi em tra tấn anh...
Kính cười giả lả.
- Hôm kia ba nhờ anh mua dùm ba hai chai rượu Courvoiser. Tò mò anh mới hỏi và ba nói để đãi bạn thân của ba ở tiểu bang khác tới thăm...
Ngừng lại giây lát Kính từ từ tiếp.
- Hôm nay ba má đi chợ là để mua đồ ăn về làm tiệc. Ba nói bốn người kể luôn ba thành năm...
Huệ nhăn mặt. Nàng cảm thấy buồn chút chút và nghĩ thầm " mình là con ruột của ba mà ba không nói cho mình biết..."
- Mình có gì ăn không cưng?
- Bún bò Huệ anh ăn không?
Kính cười ha hả khi nghe cô gái sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Mỹ mà lại bắt chước nói tiếng Việt giọng miền trung.
- Ăn... Bún bò Huệ của em có giò heo không?
Huệ cười đùa.
- Không có giò heo mà có giò của Huệ anh ăn không?
Hôn lên tóc trong lúc hai tay xiết chặt vợ vào lòng Kính nói trong tiếng cười.
- Ăn... Giò đó mà gặm là hết chỗ chê à nghe..
Má hồng lên Huệ ngước mặt lên cười với chồng.
- Ngon gặm đi...
Hai vợ chồng tha hồ cười giỡn và âu yếm với nhau vì không có ai ở nhà quấy rầy họ. Huệ đặt tô bún bò giò heo trước mặt chồng. Vừa gặm giò heo Kính vừa hỏi.
- Ăn xong rồi mình làm gì đây cưng?
- Anh ở nhà coi chừng con để em đi chợ...
- Cái đó hổng có fair rồi nghe... Anh đi làm một tuần năm ngày...
Huệ cười chúm chiếm.
- Vậy thì anh đi chợ đi... Anh mua tả, mua baby food, mua xà bông, mua quần áo...
Huệ nói một hơi khiến cho Kính thở khì xua tay.
- Thôi em đi thời đi lẹ lên. Anh ở nhà với con cho...
- Nè nhớ nghe... Anh kêu em đi...
- Ừ... Anh kêu em đi đó...
Cười ròn tan Huệ đi vào phòng ngủ sửa soạn vừa hát nghêu ngao khiến cho Kính lắc đầu cười vì cái tính trẻ con của vợ.
Chiếc Honda Civic chạy vùn vụt trên I75 North từ Jonesboro đi Atlanta. Hiền liếc nhanh vợ mấy lần.
- Anh muốn gì mà liếc em hoài vậy?
Cười chúm chiếm Ngọc hỏi chồng.
- Em nhớ anh Hữu không?
Thấy vợ ngần ngừ chưa trả lời Hiền đỡ lời.
- Anh Hữu người cao cao, trắng trẻo, đeo kính cận đó...
- Phải ảnh có sẹo lớn ở cánh tay không?
- Ừ... ừ... Đúng rồi đó...
- Em nhớ mình gặp ảnh năm rồi ở Virginia, chỗ thằng An ở mà...
- Anh nói chuyện với anh Hữu hôm qua. Ảnh nói hai vợ chồng đi Florida thăm con gái út xong trên đường về sẽ ghé thăm mình...
Ngừng lại giây lát Hiền thong thả tiếp.
- Ngoài vợ chồng anh Hữu anh còn mời thêm hai người nữa là Hùng Cò và Hòa Nhóc. Hùng ở Denver còn Hòa ở bên Kentucky... Cả hai đứa nó sẽ đi máy bay tới Atlanta...
- Em có gặp họ lần nào chưa?
- Hòa thời em chưa gặp nhưng Hùng Cò thời em gặp rồi. Em nhớ hồi đám cưới của mình không?
Ngọc cười gật đầu. Đó là một kỷ niệm nàng không bao giờ quên bởi vì nó là một việc đã làm thay đổi cuộc đời của một cô học trò tỉnh lẻ. Giọng nói trầm và vui vui của Hiền vang bên tai.
- Hùng Cò là người đã làm phù rể cho anh...
Ngọc reo lên trong tiếng cười.
- Em nhớ rồi... Phải cái anh lính bộ binh cao nhòng...
- Ừ... Chính nó... Nó là bạn cùng xóm và cùng lớp với anh. Nếu không có vụ 30 tháng 4 năm 75 thời chắc nó cũng...
Ngọc thở dài.
- Tội nghiệp... Ảnh có vợ con gì chưa?
Hiền lắc đầu.
- Chưa... Ba mươi hai năm rồi nó vẫn ở vậy... Nó bảo nó không yêu được ai cho nên cứ ở vậy... Còn Hòa là bạn cùng xóm và học cùng lớp đệ nhị với anh. Nó đi lính sư đoàn 21...
- Chắc ảnh cũng có vợ con?
- Một vợ ba con. Hồi 75 nó là trung úy đại đội trưởng. Đi cải tạo bốn năm năm gì đó mới được thả. Nhờ vậy mà nó được qua Mỹ theo diện HO. Lúc mới ra trại cải tạo nó bơ vơ không nhà không cửa nên ở nhờ trong nhà một bà hàng xóm. Khi làm đơn xin đi Mỹ thời có lẽ tội nghiệp và cũng để cám ơn nên nó làm hôn thú với đứa con gái của bả. Nhờ vậy mà cả gia đình sau này được sang Mỹ. Sau đó hai người chính thức lấy nhau ở bên này và có hai đứa con trai và một con gái. Cả ba đứa con đều có gia đình...
Xe cộ mỗi lúc một đông hơn khiến cho Hiền phải chú tâm lái xe thành ra hai vợ chồng thôi không trò chuyện nữa cho tới khi xe nhập vào xa lộ 285. Giảm tốc lực còn 55 mile Hiền lái xe theo dòng xe cộ lưu thông.
- Em tính làm món gì?
Hiền hỏi và Ngọc cười nhìn chồng.
- Anh thích ăn món gì em làm món đó...
Hiền mỉm cười. Ngọc là một người vợ thương chồng và rất chiều chồng. Hiền thương và quí nàng ở chỗ đó.
- Em là đầu bếp chánh mà... Em nấu cái gì anh ăn cái đó...
- Thiệt hôn... Em nấu mắm nghe...
Ngọc diễu chồng vì biết Hiền không thích mắm. Sau khi lấy nhau chừng vài tháng Ngọc mới khám phá là Hiền không thích ăn mắm ngoại trừ hai thứ mắm là mắm tép và mắm còng. Do đó nàng mới cười đùa với Hiền là anh chọn lầm người vợ rồi. Sinh sống ở Long Xuyên mà không biết ăn mắm thời không phải là dân Long Xuyên. Tuy nhiên sau này có lẽ thương vợ và chiều vợ, Hiền cũng ăn thêm vài món như mắm thái và mắm chưng hoặc dưa mắm nhưng Ngọc phải làm cho nó bớt nặng mùi đi.
- Để coi... Mùa này nhà mình có nhiều thứ rau thơm nên em tính làm mấy món cho anh và bạn bè nhậu như bê thui, bò tái chanh...
- Chà...
Hiền chắt lưỡi nói gọn một chữ rồi thôi. Xe rẽ vào Buford Highway. Con đường này là trung tâm thương mại của dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Chừng hai mươi phút sau Hiền quẹo vào bãi đậu xe của Atlanta Farmer Market mà Ngọc quen gọi với tên cũ là chợ Hồng Kông. Hiền mở cửa cho vợ. Cử chỉ nịnh đầm này một thời trở thành đề tài trêu chọc của bạn bè và người quen nhưng Hiền vẫn tỉnh bơ. Ngọc hỏi chồng thời anh cười giải thích.
- Hồi còn trong lính anh xa nhà hoài nên không có dịp để nịnh em. Bây giờ có dịp tại sao lại không nịnh. Vả lại anh nịnh vợ anh chứ không có nịnh xếp của mình...
Không biết có phải Ngọc xì ra hay không mà từ đó về sau người ta ngưng nói chuyện nịnh đầm của Hiền.
- Ê Hiền... Đi chợ hả?
Nghe tiếng người gọi Hiền quay lại thấy Định, người bạn thân nhất của mình ở Atlanta. Hai người lính già vồn vả bắt tay nhau. Định chào Ngọc rồi cười nói với Hiền.
- Lễ Độc Lập này hai vợ chồng có làm gì không tới nhà tụi này chơi...
- Anh có định tổ chức gì không?
Ngọc hỏi. Định lắc đầu.
- Không... Chỉ mời chú thím thôi...
Hiền liếc nhanh vợ. Thấy Ngọc gật đầu anh cười nói với Định.
- Tôi có mời ba người bạn ở các tiểu bang khác xuống chơi vào dịp 4 tháng 7. Nhân tiện mời anh chị thứ bảy tuần tới đến nhà tụi này luôn cho vui...
- Có tiện cho chú thím không?
Ngọc cười xen vào.
- Anh là bạn thân với anh Hiền thời đừng có khách sáo. Riêng tôi, tôi mến chị lắm...
Nghe Ngọc nói như vậy Định cười gật đầu.
- Vậy hả... Tôi với bả sẽ tới...
Ba người vừa đi vừa nói chuyện. Vào trong chợ Hiền còn đứng nói chuyện với Định để cho Ngọc đi chợ. Thấy thế Định cười vỗ vai bạn.
- Thôi đi chợ với bả đi... Có chuyện gì mình nói sau...
Hiền cười.
- Dạ... Anh nhớ thứ bảy năm giờ...
Định gật đầu rẽ đường khác còn Hiền rảo bước đi tìm vợ. Thấy chồng Ngọc cười nói.
- Anh lựa khế với chuối chát đi... Em làm mắm tép, bê thui, nem nướng và chạo tôm cho anh nhậu...
Hiền muốn ôm hôn vợ nhưng nhìn thấy vô số người đang đứng gần nên anh thì thầm vào tai.
- Cám ơn em... Anh muốn " nựng " em ngay bây giờ nhưng kẹt đông người quá nên anh hẹn em tối nay...
Đỏ mặt cười bẽn lẽn Ngọc cũng thì thầm.
- Anh mà nựng em bây giờ là thiên hạ sẽ cười cho mà coi... Anh đừng có lấy rau thơm vì nhà mình có đủ hết... Em đi lấy củ sắn để làm chả giò...
Hùng nuốt nước miếng nhìn vợ đùa.
- Em làm chả giò ngon tuyệt nhưng cũng không ngon bằng giò của em...
Đỏ mặt Ngọc mắng yêu chồng.
- Đồ mắc dịch... Đừng có nói tầm bậy người ta cười chết. Mình già rồi...
Không chịu ngưng Hiền còn chọc thêm.
- Già tuổi tác chứ cái vụ đó anh nhất định không chịu già và nhất định không để cho em già. Cái vụ đó già mất vui...
Ngọc ré lên cười vì không nhịn được.
- Anh biết không con Huệ nó sợ anh có bồ...
- Trời đất...
- Tại nó thấy anh nói chuyện điện thoại hoài... Anh còn lên mạng nữa...
Hiền cười ha hả.
- Anh nói chuyện với bạn lính của anh. Tụi nó toàn đực rựa không mà bồ bịch gì. Còn lên mạng là đọc sách báo để biết tình hình, tin tức bên Việt Nam... Bên nhà họ biểu tình rầm rầm mà bên này em có nghe ai nói năng gì không?
- Biểu tình? Ai biểu tình?
Ngọc kêu lên với giọng ngạc nhiên.
- Dân chúng chứ ai... Họ biểu tình đòi tụi cộng sản trả lại đất đai cho họ. Phật giáo biểu tình... Công giáo biểu tình... Họ đòi tự do tôn giáo... Tự do tín ngưỡng...
Ngừng lại giây lát Hiền thở dài.
- Em biết không tụi cộng sản sợ tôn giáo lắm nên tìm đủ cách lũng đoạn hai tôn giáo lớn của nước mình là Phật Giáo và Công Giáo. Dân đói gần muốn xỉu mà tụi nó không có giúp. Trong lúc đó tụi nó bỏ hàng trăm tỉ đồng Việt Nam để xây cái chùa thờ thằng cha Hồ Chí Minh...
- Phải cái mà người ta kêu là Hồ tự gì ở Bình Dương đó không? Em nghe chị Hoa nói...
- Ừ... Tụi nó xây cái chùa tổ bố rồi đem tượng thằng chả về thờ. Không những thế tụi nó còn đặt tượng chúa Jesus và Phật Thích Ca hai bên còn tượng thằng chả ngồi giữa, mà tượng thằng chả lại cao hơn tượng của hai ông Phật Thích Ca và chúa Jesus...
- Trời đất... Thằng chả làm gì mà thờ thằng chả. Hồi còn nhỏ ở Long Xuyên ba má em nói cộng sản ác lắm. Nó giết cụ Huỳnh Phú Sổ của dân lục tỉnh đó anh...
Hiền gật đầu.
- Anh biết... Tụi nó giết nhiều người lắm. Gì chứ ác thời cộng sản hết chỗ chê... Em có đọc truyện chưởng của Kim Dung không?
Ngọc quay nhìn chồng rồi cười ngỏn ngoẻn.
- Có... Bữa chủ nhật ở nhà coi con cho con Huệ, em buồn không có chuyện gì làm, thấy bộ Lục Mạch Thần Kiếm anh mới mua em tò mò lấy đọc. Không ngờ đọc rồi mê luôn lúc nào không hay...
Hiền cười hăng hắc khi nghe vợ nói. Vừa lựa rau cải Ngọc vừa cười nói tiếp.
- Ông Kim Dung viết chuyện hay hết sức... Em thích cái đoạn Đoàn Dự và Kiều Phong nhậu với nhau mặc dù em không biết nhậu...
Hiền hấp tấp kêu lên.
- Anh sẽ tập cho em nhậu để mai mốt hai đứa mình vừa nhậu vừa bàn chuyện Kim Dung... Em chịu không?
- Chịu... Mà anh còn chuyện nào nữa không. Em đọc gần hết bộ Lục Mạch Thần Kiếm rồi...
- Thiếu gì... Anh có cả đống... Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Ỷ Thiên Đồ Long, Hiệp Khách Hành... Thiên Long Bát Bộ... Có em đọc với anh anh vui hơn. Đọc " mình ên " buồn lắm...
Ngọc cười hăng hắc khi nghe chồng ngạo mình bằng cách nói tiếng " mình ên " đặc thù của dân Long Xuyên.
- Đọc Thiên Long Bát Bộ em sẽ thấy Kim Dung nói về người ác hay vô cùng. Bốn ông ác thời Kim Dung đặt người đứng đầu là Ác Quán Mãn Doanh có nghĩa là ác nhất thế giới. Theo anh thằng cha Hồ Chí Minh của Việt Nam mình cũng giống như Ác Quán Mãn Doanh trong truyện của Kim Dung...
- Em sợ còn hơn nữa... Cái ác của Hồ Chí Minh theo em giống như mấy câu mà ông Nguyễn Trải đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo: " Độc ác thay trúc rừng không ghi hết tội... Dơ bẩn thay nước bể không rửa sạch mùi... "
Hiền quay qua nhìn vợ đăm đăm với ánh mắt ngạc nhiên lẫn thán phục.
- Anh phục em... Làm sao em biết được hai câu này?
Ngọc cười với chồng.
- Em đọc sách... Một bữa lau chùi nhà cửa thấy trong tủ sách của anh có cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim em đọc thử mấy trang thấy thích nên em lén đem vào sở để đọc...
- Tại sao em lại lén?
- Em sợ anh cười...
- Trời đất... Anh còn muốn em đọc cho biết để dạy cho con cháu của mình nữa. Mỗi người đều có quá khứ, dĩ vãng thời mỗi nước, mỗi dân tộc cũng vậy. Đó là sử. Người mà không biết sử của dân tộc thời cũng giống như mình quên mất quá khứ hay dĩ vãng của chính mình...
Hai vợ chồng mãi mê nói chuyện nên không để ý Định đang đứng ở quầy trái cây lắng nghe câu chuyện của họ.