Chương 6 (B)
VŨ ĐIỆU TỐI CỔ

Tối hôm đó không ở nhà bà BN nữa mà qua bên nhà ông Sáu Nhẫn, một ông già trên tám mươi với bộ râu bạc trắng, đôi mắt sáng ngời, hình dung quắc thước. Căn nhà của ông cũng cổ không kém gì căn nhà của bà BN, hoàn toàn bằng gỗ, và ông đang dần biến nó thành một ngôi chùa. Trong chính điện treo một tấm tranh giấy dó viết chữ “Nhẫn” thật to, ông nói chính là nhờ tuân theo chữ “nhẫn” này nên đã sống được qua bao thời kỳ, bao chế độ. Ông Sáu Nhẫn đúng là một trí thức xưa điển hình còn sót lại, hồi trẻ ông từng theo học “école de garcon”, rồi sau đó là “Collège de Mytho”, đi học mặc bộ bà ba trắng, chân đi đôi guốc mộc.
khi gia đình lên SÀIGON ông mới chuyển đến học “PetrusKý”, tốt nghiệp “L’enseignement supérieux”. Ông từng chơi bóng đá với ông hoàng Xihanuk lúc đó đang theo học “Chasseloup - Lauba”. Ông còn có cô em gái học “Collège des jeunes filles” còn gọi là trường “nữ sinh áo tím”, cô này sau lấy chồng Tây và đã theo chồng về Pháp trước năm 54. Ba ngôi trường PetrusKý, Collège des jeunes filles và Chasseloup - Lauba là ba ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất Đông Nam Á thời đó.
Ấy là nói về cái nghiệp văn, còn nghiệp võ của ông Sáu Nhẫn cũng dầy dạn lắm, đang ngồi uống trà nói chuyện là ông hứng chí ra sân múa biểu diễn một bài “Phật gia quyền” dài dằng dặc. Ở cái tuổi tám mươi mà bộ pháp của ông Sáu Nhẫn lúc thì trầm, lúc thì khinh, lúc thì triển, lúc thì hoạt liên tu bất tận chảy như nước sông vậy. Để trả lễ, ĐHC cũng đành đứng dậy múa bài quyền NahaKata của hệ phái “Thần đạo”, múa xong thì chân run lập cập, hơi thở hồng hộc làm ông Sáu cười khà khà, ông rót một chung trà nóng đưa cho ĐHC rồi nói “tại chú tinh thần không tập trung, lại thức khuya, dậy sớm, uống bia uống rượu nên khí lực không đầy đủ…”.
Buổi sáng hôm sau ông Sáu nấu một nồi cơm gạo trắng đãi cả nhóm ăn với mắm sống và thịt heo quay, còn ông thì lại ăn chay. Trong cái thời buổi nhiễu nhương này thì những con người cổ xưa như ông thật là vô cùng hiếm. Ăn uống xong ông Sáu Nhẫn mới dẫn tất cả ra ngoài ruộng, nơi đây có một khu mộ của dòng họ. Ông than thở “con cháu bây giờ bận rộn quá, chẳng còn đứa nào quan tâm nhiều đến mồ mả ông bà” – Ông chỉ một ngôi mộ nhỏ, với tấm bia trống trơn rồi nói “hồi xưa người này lưu lạc đến đây, không tên tuổi, không nhân thân, VM nghi ông ta là Việt gian nên xử tử. Khi ông ta chết rồi thì một vài người trong đó có ông Sáu thương tình quá mới gom xác và đầu của ông ta lại quấn vào một manh chiếu chôn ở đây”. Con người vô danh này chết oan nên không siêu thoát, thỉnh thoảng ông ta lại nhập vào một vài người đàn bà trong xã, quậy tưng bừng.
VM nghi con người vô danh này là Việt gian nên mang ra chém quách, thời đó việc chém đầu một người là một chuyện dễ dàng không cần phải suy nghĩ nhiều. Bây giờ thì con người không cần phải chặt đầu nhau nữa vì có còn đầu đâu để chặt? cứ thử nhìn quanh xem, biết bao kẻ đâu cần dùng tới cái đầu mà vẫn sống nhăn đấy thôi. Không cần phải suy nghĩ vì có người khác nghĩ thay rồi, cũng không cần phải nói vì có người khác nói thay rồi, hoặc có nói có nghĩ đi nữa thì cũng là nói bằng ngôn ngữ của người khác, nghĩ bằng suy nghĩ của người khác, cái đầu đâm ra không còn là một bộ phận thiết yếu nữa thì biết đâu theo quy luật “chọn lọc tự nhiên” nó sẽ dần dần bị đào thải?
Có lần một người đàn bà trong xã bị nhập, gọi là bà chứ cô ta cũng chỉ khoảng hàng băm. Đang ngồi gói bánh tét, cô ta bỗng đứng lên vò đầu bứt tóc, nhảy cà tưng, nói lảm nhảm. Cũng đã quen với việc này, những người khác vội chạy đi gọi ông Sáu, khi ông tới thì Vong trở nên rất ngoan ngoãn. Cũng như mọi lần, vong tự nhận là người bị chết oan đã mấy chục năm nay, “sống vất vưởng không đầu thai được, nơi Thành Uổng Tử bây giờ đông đúc lắm…” - Ông Sáu không phải là thầy bùa hay thầy pháp, ông chỉ là một Phật tử tu tại gia, nên ông vỗ về “ Nếu không có nơi nương tựa thì hãy theo ta về chùa, nương náu một thời gian, bao giờ trả hết căn quả thì mới đi đầu thai được” – “Thế vong hồn ông ta có nói mình tên là gì không?” – “Vong nói lí nhí rất khó nghe, lúc thì xưng tên là Tám Ngời, lúc thì là Hai Liên…, nói chung những linh hồn chết oan rất hoảng loạn, họ không thể nói rõ ràng được gì”.
Có điều xác thực là từ khi rước oan hồn về chùa thì nó ít còn nhập xác và quậy nữa.
Nơi đây còn có một địa danh gọi là “Đồng Mả Ngựa”.
Thời kháng chiến chống Pháp, từng có một người võ quan của nghĩa quân đánh nhau bị chết, khi chạy về đến xã ĐHP này mới chịu ngã ngựa… điều kỳ lạ là lúc đó người nghĩa quân này đã bị chém mất đầu. Vĩnh viễn không ai có thể biết được cái đầu của ông ta đã lưu lạc ở đâu, dân trong xã kính cẩn gọi người chết không đầu là “Ông Quan”, gom xác ông ta và xác con ngựa chôn chung một chỗ, mộ được lấp bằng những tảng đá ong. Dân làng còn thuê thợ đắp một con ngựa bằng đá bên cạnh nom như thật.  Ngôi mộ linh thiêng đến mức hằng đêm mọi người đều nghe tiếng vó ngựa chạy rầm rập, tiếng ngựa hí vang… có người còn kể là đã thấy vị quan không đầu cưỡi ngựa chạy ngờ ngờ.
Hằng đêm “Ông Quan” đều hiện về, không đầu cưỡi ngựa để chiến đấu tiếp… làm dân làng trở nên hoảng sợ, cuối cùng họ phải tìm mướn thầy pháp về trấn yểm, có người còn lén chặt cụt đầu tượng con ngựa, vì thế bức tượng con ngựa bây giờ lại không có đầu.
Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có người còn nghe tiếng ngựa hý.
Nơi chôn Võ Quan và con ngựa được gọi là “Mả Ngựa”, cánh đồng có ngôi mả gọi là “Đồng Mả Ngựa”, hồi xưa nó là một cánh đồng mênh mông, bây giờ thì khá nhiều người du cư đã đến cất nhà ở san sát, gần “Mả Ngựa” mọc lên mấy bụi tre um tùm, con nít hay tụ tập chơi ở đó, sự tích ly kỳ về “Mả Ngựa” vẫn còn được truyền khẩu bao thế hệ.
Thời xưa, khi Mỹ Tho còn là trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhất Nam bộ, hàng ngày ghe thuyền từ khắp nơi tụ về đậu kín, trên bờ  thì ngựa xe, người đi san sát, khung cảnh phồn vinh không gì tả nổi. Nơi đây người Tiều làm ăn rất phát đạt, trở thành những người giàu bậc nhất thị xã. Họ cho xây một ngôi chùa để thờ “Đức Thánh Quan”, còn gọi là “Chùa Ông”. Trong những năm chiến tranh biên giới phía bắc, ngôi chùa cổ bị đập bỏ, kể từ đó những người Tiều ở khu vực này làm ăn trở nên lụn bại, một số phải bỏ xứ ra đi, những ngôi nhà cổ cũng xuống cấp, sập xệ và u ám.
 
Sáng hôm sau Tư Hường ngao ngán nói “đã đến lúc phải về rồi”, chắc y nghĩ mãi cũng chưa hiểu Tám Nghĩa gửi pho tượng vũ nữ không đầu để làm gì. Y mang pho tượng ra, đặt nó lên trên bàn, ngay cạnh cửa sổ, pho tượng bằng đất nung đỏ chóe, chớp lung linh khi ánh nắng hắt từ ngoài vào. Ba Cao ngồi nhìn pho tượng chằm chằm, đôi mắt của y thật đờ đẫn, dáng vẻ thật thẫn thờ, có lẽ y đang nghĩ về cô vợ trẻ và đẹp, cô ta cũng đã từng là một vũ nữ, một vũ nữ khá là kiêu bạc.
 
“Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.”
Trong lúc mọi người đã đi ra ngoài hết thì Ba Cao ngồi nhìn pho tượng thật lâu, y nhìn mãi, nhìn mãi… đột nhiên y trở nên rúm ró lại, một kẻ can đảm và liều lĩnh như Ba Cao mà lại có thái độ như thế thì thật là kỳ lạ, nhưng lúc đó chẳng có ai nhìn thấy điều ấy, mãi sau này thì Ba Cao mới kể là y đã thấy cái gì?
Y đã thấy cái gì?
Có những điều mà không phải ai nhìn cũng thấy, mà cần phải có một sự tương tác, một sự đồng cảm nào đó, thì lúc đó con người mới “thấy” được những điều mà bình thường dường như là vô hình. Vì thế mà khi Tư Hường, Lý Thông hay ĐHC cũng ngồi nhìn thật lâu vào pho tượng như Ba Cao mà chẳng thấy có sự khác lạ nào.
Chắc là Tám Nghĩa cũng nhìn thấy cái gì đó nên ông ta mới gửi pho tượng này lại, nhưng chắc gì cái điều mà ông ta nhìn thấy giống như cái mà Ba Cao đã nhìn thấy hay sau này nhiều người cũng đã nhìn thấy?
Pho tượng vũ nữ không đầu lấp lánh trong ánh nắng, thon thả và cong dài, hai cánh tay thật uyển chuyển nhưng không che khuất bầu vú căng tròn, biểu tượng của nguồn sống đã từng xuyên qua hàng ngàn năm buổi sáng, hàng ngàn năm buổi chiều, hàng ngàn năm buổi tối, hàng ngàn ngàn vì sao lấp lánh hay hàng ngàn tia nắng chói.
Lý Thông thì thầm “tôi biết vì sao Tám Nghĩa gửi pho tượng này cho Tư Hường rồi” – không đợi trả lời, y nói tiếp “vì Tám Nghĩa cho rằng Tư Hường là kẻ… không có cái đầu” – nói đến đó Lý Thông cười lên khùng khục, xem ra cái thời buổi “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” này, cái cách nghĩ của y cũng đầy chất Lý Thông thật. Nhưng nếu Tám Nghĩa thật sự có ý nghĩ đó, thì đâu phải ông ta gửi riêng gì cho Tư Hường? Mà có lẽ gửi chung cho tất cả chúng ta, chưa bao giờ ở thời đại nào, trên xứ sở này người đàn ông lại trở nên kém cỏi và ti tiện như thế… người đàn ông đã trở nên khiếp nhược như thế và những người đàn bà của họ đành phải đi tha phương cầu thực … Suy cho cùng một người đàn ông đã bị chặt đứt đầu thì có thể làm được gì ngoài cái việc đi lang thang để tìm cho mình một cái đầu khác? Ở bất cứ đâu, khi con người buộc phải nói những điều họ không tin để có thể tồn tại thì những lời nói đó dần dần sẽ trở thành một thứ đạo đức của họ, nhưng là một thứ đạo đức giả, một sự dối trá dẫn họ đi đến sự suy đồi và đánh mất chính mình.
 
Tư Hường đưa cặp mắt ti hí nhìn Ba Cao, y có gươngg mặt giống hệt Tăng Quốc Phiên, hai mép miệng trễ sâu xuống. Nếu có cái gì thoát khỏi cặp mắt của Tư Hường thì cái đó nhất định không phải thuộc về thế giới này. Chắc là y sẽ hỏi Ba Cao nhìn thấy cái gì? – Nhưng y lại không hề hỏi điều đó, y móc điếu thuốc ra châm hút, liên tục châm vào điếu thuốc đang hút dở…
Ba Cao đã từng trải qua thời kỳ hoàng kim, đó là lúc y đi buôn đá quý. Thời VN mới mở cửa biên giới với TQ, vùng biên Lạng Sơn cũng còn hoang sơ chứ chưa sầm uất như bây giờ, lúc đó kẻ nào nhanh chân thì kẻ đó thắng lớn, mà về khoản nhanh nhẹn thì Ba Cao luôn là số một. Y đi buôn đá cẩm thạch, qua tận bên Côn Minh, nơi có những núi đá cẩm thạch nguy nga. Có vô số cách để vượt biên giới, đi lậu theo đường cửu vạn, đi đường bộ qua cửa khẩu với tấm hộ chiếu hẳn hòi, đi đường không qua HK rồi từ đó bay sang Côn Minh, đường nào cũng được nhưng chắc chắn về phải là đường bộ, mà là con đường vận chuyển lậu hàng tấn đá bằng sức người. Những tảng đá cẩm thạch nặng cả tấn được xả nhỏ ra thành từng phiến như những viên gạch thẻ, sau đó đám cửu vạn sẽ cõng qua biên giới. Tất nhiên cả đoàn người đi nườm nượp như vậy thì làm sao mà qua khỏi BP được, chẳng qua là đều có sự sắp đặt cả, mỗi người một ít, “đời thì phải biết nương nhau mà sống chứ!”. Những chuyện liều mạng như vậy rất hợp với Ba Cao, và y còn làm một chuyện liều mạng hơn nữa, đó là dám lấy một vũ nữ kiêu sa về làm vợ. Cô vũ nữ thật là đẹp, chắc là đẹp hơn pho tượng rồi vì pho tượng thì đỏ quạch, không đầu, còn cô vũ nữ thì trắng muốt với đôi môi tươi mọng. Từ những tấn đá cẩm thạch mang về, Ba Cao biến thành những viên kim cương nho nhỏ, xinh xinh trang điểm thêm cho cô vũ nữ vạn phần tươi đẹp. Khi ở TQ, Tiền ND tệ nhiều đến mức y phải gói lại thành một tấm nệm để nằm ngủ - “ngủ trên tấm nệm tiền là đã nhất, lúc đó ngay của trong giấc mơ cũng thấy toàn là tiền” - Tuy nhiên ở Côn Minh thường gặp phải đá giả nên lần cuối cùng Ba Cao muốn đánh một quả lớn, với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, y gom hơn trăm ngàn đô lận trong người, đi đường bộ qua tận đảo Hải Nam mua một tảng đá cẩm thạch nặng hai tấn chở từ Côn Minh về, có bảo chứng hẳn hòi. Nhưng đúng là số trời, ở đường cưa đầu tiên xả đôi tảng đá, những vết nứt của nó nhiều còn hơn rễ cây đước ở rừng U Minh vậy.
Lần đó khi về lại SG, trên người Ba Cao chỉ còn lại mỗi bộ đồ, nhưng lúc đó y vẫn còn có một cô vợ… còn bây giờ thì đến cả cô vợ cũng không còn.
Tư Hường vẫn chưa nói gì, y chỉ phì phà hút thuốc. Còn Lý Thông thì lại cầm lấy pho tượng mân mê và ngắm nghía, pho tượng vũ nữ cổ này dư sức biến chiếc Toyota Camry đời 96 của y thành chiếc Lexus ES sang trọng và cáu cạnh. Nhưng Lý Thông mà không có Thạch Sanh thì có thể làm được gì?
Cuối cùng thì Tư Hường cũng nói, nhưng mà lại nói một câu chẳng ăn nhập gì “ngày mai mấy chú về lại SG, tìm đến nhà người này…”