Chương 7 (E)

Căng dây đánh nhau suốt cũng đến ngày bị bể chuyện, là do CS điều tra thấy mấy thằng tù được gọi ra để xét hỏi mặt mày sưng húp. Mặc dù cả đám đều nói là do té ngã.v.v.., nhưng cuối cùng rồi cũng có thằng lộ chuyện, kết quả BDH bị đi phòng kỷ luật cùm chân, còn tay trật tự phòng thì bị lôi ra ngoài, ngồi chồm hổm, hai tay bị còng đưa ra trước…
Quản giáo tên W tay cầm ba-trắc đứng khừng khựng, xung quanh y luôn có mấy thằng chiếu cố - “Bình” - Cú đánh vào lưng phát ra tiếng nghe như sấm nổ - “cái tội bao che cho đấu võ đài này… hôm nay cho mày được đấu…”
Tay “trật tự” ăn chẵn chục ba-trắc cả thảy, miệng rối rít “… lạy cán bộ… xin cán bộ tha cho em…”, may là y có chung chi nên vẫn được cho làm trật tự như cũ.
Quản W nổi tiếng khoái đánh tù, ngay cả tù nữ lâu lâu cũng bị lôi ra đánh bầm lưng vì những tội lảng nhách như “leo lên cửa sổ hát giao lưu” hay cãi nhau, ăn cắp, trình chỏ lung tung… Nhưng chính y sau này cũng bị chuyển ra gác chuồng cu vì bị chiếu cố phản, “chỏ” với giám thị là bán thuốc lá cho tù.
Không bán sao được vì chỉ cần bán vài cây thuốc là đủ để sắm xế xịn rồi.
Vì thế người này đi thì có kẻ khác thay liền, tù vẫn luôn có thuốc hút phà phà… Mấy tay này còn có nhiều cách để kiếm thêm như thân nhân của tù lén gửi tiền vào, cứ một triệu thì cắt lại sáu trăm.v.v.. Chứ sống bằng lương coi ngục thì chỉ có nước cho vợ con đi ăn mày. Ở những vụ án lớn, nhất là án KT có đông người tham gia mà nhốt chung vào một trại giam thì chính vì sự tham lam, ham tiền của QG và đám chiếu cố mà luôn có sự “thông cung” dễ dàng. Chỉ cần cho tiền nhiều là có thể thư từ qua lại, liên lạc về nhà ngay trong lúc đang bị biệt giam để xét hỏi.
Nói vậy chứ mấy tay QG coi khu tử hình là cực khổ hơn cả, trách nhiệm vừa nặng mà quyền lợi thì không có gì vì đám này phần lớn đã bị thân nhân từ bỏ, hầu như suốt ngày phải nghe tù chửi, tù khóc. Tuy là “tù tử hình” nhưng vẫn phải canh chừng suốt ngày đêm không cho tù tự tử để đảm bảo việc thi hành án… nên cực khổ trăm bề.
 
Sau lần đó, ĐHC lên nằm cạnh cửa  sổ, thế vào chỗ của BDH, đây là chỗ nằm tương đối mát nhất, nhưng những lúc mưa thì lại hơi bị lạnh. Thế vào chỗ của BDH thì đêm đêm có đàn em đấm bóp, có món mì gói nấu với củ hành ăn đàng hoàng, không phải ăn món “mì nước lạnh” như mọi khi, bù lại tinh thần lúc nào cũng căng thẳng vì phải phân xử mọi chuyện… Nhiều khi cả phòng đang say sưa hát bất ngờ có tay QG đi xuống, phải ra nhận thay cho cả đám, ăn mấy ba-trắc vào lưng hay bàn tay là chuyện thường.
Nơi đây lúc nào điện cũng sáng rực, đố có dám cúp. Kể ra thi thoảng cũng có sự cố hư điện chừng 15 hay 20 phút, những lúc này rất nguy hiểm vì đám tù thù oán nhau lợi dụng trong phòng tối đen ra tay đánh lén, đánh kiểu này gọi là “đánh nguội”, khi đèn sáng lại thì thấy có thằng lăn đùng ra nằm một đống mà chẳng biết là ai đã ra tay cả.
Ngán nhất là đám COCC mới phạm tội lần đầu vì ba cái chuyện đánh nhau vớ vẩn… vì gia đình có nhiều tiền của, thế lực nên lo lót tích cực từ bên ngoài, vào trong này vẫn tiếp tục quậy phá, hành động rất thiếu suy nghĩ. Đám này nếu chỉ có một mình thì rất nhát, nhưng kết thành một bầy thì lại liều lĩnh, nguy hiểm nên phải trấn áp ngay từ khi còn là “tù con so”, chứ để chúng “bật số’ lên dễ dẫn đến bạo động.
Cờ tướng là một môn được yêu thích nhất, có lẽ vì đó là cách giết thời gian tốt nhất. Có khá nhiều cao thủ về cờ ở trong này, chắc là do chơi từ ngày này qua ngày khác nên giỏi không chừng? – Tuy nhiên đánh cờ cũng bị cấm, nếu bị bắt thì hai “cao thủ cờ tướng” lại khăn gói xuống khu kỷ luật ở là bình thường.
Có lẽ đây là một môi trường mà tinh thần con người được rèn luyện một cách
mãnh liệt nhất. “chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí, đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí…”.
Đặc biệt là khi bị “biệt giam”, khi đó sự cô đơn là đến tột cùng… Đối với nhà tu hành tự nguyện giam mình trong mật thất, cô đơn là con đường để đi đến sự giác ngộ. Còn với một người tù bị biệt giam, sống với một tinh thần căng thẳng, rất nhiều người dễ bị khủng hoảng. Tuy nhiên nếu vượt qua được thì đó là một sự rèn luyện tâm trí hoàn hảo nhất mà con người có thể có được. Thời gian cứ trôi từng giây, từng giây… một ngày có cảm giác dài như hàng thiên thu vậy. Cuối cùng thì cũng đến ngày ra tòa lãnh án, khi có án rồi sẽ được  chuyển qua phòng mới dành cho phạm nhân có án, một dạng phòng chờ để đến một ngày chính thức được đưa đến một nơi gọi là “trại cải tạo”, còn ở đây thì chỉ dùng một từ rất đơn giản là “đi trường”.
Phòng mới có tay Đại Bàng là K.Z, cũng tội buôn ma túy. Lúc ở ngoài đời y còn kiêm thêm nghề cho vay nặng lãi và đòi nợ mướn. Y nhìn cứ như con sói, cặp mắt sắc lạnh, điên dại như cặp mắt sói còn khi cười thì… chẳng biết y có cười hay không nhưng chắc con sói mà cười thì nom cũng tương tự.
Vì thế sau lưng bạn tù còn gọi K.Z là “Sói Điên”.
Y là kẻ nửa điên nửa tỉnh, nổi điên ngay khi có kẻ nào động chạm đến quyền lợi của y, và chỉ tỉnh trong lúc… ngủ.
Y lãnh án chung thân vì mấy tội danh, người bình thường mà ăn cái án chung thân thì “té xỉu” liền chứ đại ca Sói Điên lại mừng húm vì “không lên dĩa là may lắm rồi”. Y có giọng hát thật hay và xăm mình thì cực đẹp, y tuyên bố một câu nổi tiếng “TÙ TỘI LÀ AN TOÀN”. Đại ca “Sói Điên” trịnh trọng viết câu này thật to lên vách tường. Câu châm ngôn này có vẻ cũng đúng vì khá nhiều người trốn nợ bằng cách chui vào trong này, vô đây rồi có mấy lớp cửa sắt bảo vệ, xung quanh lính gác dày đặc, đám chủ nợ có tài thánh cũng không dám mò tới.
Thày Tư cũng là một người như vậy, nghe đâu ông ta làm ăn thua lỗ, vay nóng, hốt hụi non, mất khả năng chi trả lên đến cả mấy tỉ bạc…
Thày nom rất “tiên phong đạo cốt”, nên được làm trật tự trong phòng. Có điều Thày Tư lại nhát gan và hơi bị lịch sự, nhiều chuyện đáng lẽ phải kêu thằng tù lên vả cho mấy cái để dằn mặt thì Thày lại nói chuyện nhỏ nhẹ, ráng khảy cái đàn “đạo đức” vào lỗ tai trâu của mấy thằng bợm nên đám tù đâu có sợ, trong phòng sở dĩ bình yên là nhờ ở Đại ca “Sói Điên”.
Một thằng bị tố ăn cắp, Đại ca “Sói Điên” kêu lên, y chẳng thèm nói gì vả luôn một cái thật mạnh, thằng tù bị trúng cái tát trời giáng, chúi nhủi, đập trán xuống ngay cạnh xà-lảng nghe cái cốp. Trong lúc cái trán bị sưng lên tù vù thì miệng nó lắp bắp “… cho em xin lỗi… đại ca… lần sau em không dám nữa…”.
Đại ca “Sói Điên” cũng nuôi mấy thằng “mồ côi”, nhưng y không cho bọn này ở gần… lúc nào y cũng mặc một bộ đồ thật sạch sẽ, ngồi xếp bằng trên cái chiếu. Buổi chiều nào mát trời thì y bắt cả phòng im lặng, đại ca “Sói Điên”quay mặt ra cửa sổ và hát… Y thuộc cả mười bài “không tên” và hát thật hay, thật truyền cảm “… một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng, nâng sầu thành hơi ấm, xoa dịu tình đau…”.
Trước đây Đại ca “Sói Điên” từng bị QG lôi ra ngoài đánh vì tội “mua bán đổi chác”, không ngờ y bỗng bật dậy chạy tuốt xuống nhà bếp xách được con dao rượt cai ngục và đám chiếu cố chạy vòng vòng, có điều do bị nhốt lâu ngày nên sức yếu, chạy được mấy vòng thì tự ngã nên đám chiếu cố nhảy vào đè bẹp. Lần ấy y bị “giậm” cho một trận “bò lê bò càng”, sau đó bị tống xuống phòng kỷ luật cả nửa năm trời, mãi sau mới được đưa lên phòng lớn trở lại.
Sau này QG cũng dư biết y chuyên cho vay và “mua bán đổi chác” nhưng họ không lôi y ra đánh nữa, có lẽ họ cho rằng K.Z trước sau gì cũng chết trong tù… đánh y chỉ tổ mỏi tay?
Đôi mắt của y lúc nào cũng vậy, bất cứ ai đều sẽ phải dừng chân khi đi ngang qua đôi mắt ấy, một đôi mắt rừng rực căm thù…
Để trở thành một “Đại Bàng” không phải là điều dễ dàng, đâu phải là cứ có sức mạnh bắp thịt và liều mạng là được, cái quan trọng là phải biết cách cư xử công bằng và đúng đắn với từng người tù. Phải có cái đầu để đối phó với QG hay giám thị, phải đủ bản lĩnh để trấn áp những kẻ ngu dốt, đói ăn, khát uống, phải thận trọng với mọi âm mưu tạo phản, gài bẫy của đám “nhảy xô” và phải luôn cảnh giác với những kẻ có khả năng “bật số”, phải tiêu diệt ngay từ trong ý tưởng sự phản kháng nếu có. Có nhiều tay hữu dũng vô mưu, cư xử hàm hồ cũng tập tành làm Đại Bàng, kết quả là nhiều khi bị đâm lén bằng một thứ vũ khí cực nguy hiểm là cái bàn chải đánh răng được mài nhọn hoắt vào lỗ tai hay nách trong lúc ngủ, hay vào hõm xương quai sanh từ sau lưng…
Đám giang hồ trong tù nhiều thằng cũng thuộc loại cộm cán, đâu có sợ chết, sở dĩ nó nể mặt là vì “đàn anh” biết cách cư xử công bằng, biết đứng ra đỡ cho cả bọn trong những lúc lâm nguy, ví như khi có chuyện lớn xảy ra trong phòng (xét phòng hay bị chỏ có giấu quẹt ga, kéo nhọn, tiền mặt…) nhiều khi Đại Bàng phải ra nhận thay cả bọn, bị “ăn” ba-trắc đến mức “một đi ba vào”, tức một thằng đi ra nhận đòn nằm chèm bẹp, hai thằng phải khiêng vào.
Đại ca “Sói Điên” xếp ĐHC nằm ngủ ngay bên cạnh để đêm đêm tâm sự về SG, về cái quá khứ huy hoàng của y. K.Z đặc biệt là lúc nào cũng nói năng lịch sự, y không bao giờ chửi thề, và đối xử với Thày Tư rất kính trọng. Ngoài đời y cũng có nhà cửa, vợ con hẳn hòi, có lẽ số trời bắt y phải làm tướng cướp.
Số mệnh là cái gì đó mà con người không thể thay đổi được.
Số mệnh là cái gì đó mà con người ta phải chấp nhận.
Đó cũng là điều mà K.Z đã ngộ ra, đã tâm sự trong những đêm dài… Y kể lần ở phòng kỷ luật, bị cùm chân suốt hàng tháng trời chỉ được ăn cơm không với nước lạnh, tóc bạc hết, mắt mờ dần và chân tay trở nên mập phù… may mà từ cái cửa tò vò nhỏ xíu có một sợi dây bên ngoài dòng vào cho một bịch bột nêm, y nhớ mãi cái “bịch bột nêm” đó và đến tận bây giờ cũng không biết là của ai liều mình cho nữa.
 
Đại ca “Sói Điên” dành khá nhiều thời gian để xăm cho các bạn tù mà y thích, ở đây có nhiều thằng xăm trổ kín cả người… cũng có nhiều hình xăm rất đẹp, rất nghệ thuật và K.Z chính là tác giả của những hình xăm như vậy.
Việc xăm trong tù cũng khá công phu, đầu tiên là phải chuẩn bị mực, thường là dùng dép Lào đốt để lấy muội đen, cách này nguy hiểm ở lúc đốt có mùi rất khét bay xa nên dễ bị lộ. Muội đen này sẽ pha với nước thành một thứ mực đen như mực Tàu, nhưng khi xăm sẽ có màu hơi xanh xanh nên kẻ có kinh nghiệm nhìn một hình xăm sẽ phân biệt đã đâu là hình xăm ở trong tù hay hình xăm lúc còn ở ngoài đời. Kế đến là bẻ một con dao lam làm đôi, sau đó bẻ tiếp để lấy một góc thật nhọn, kẹp góc này vào một cái bàn chải để rạch nét viền. Con dao này phải mua ở bọn chiếu cố, giá cũng khá đắt. Nét viền phải nhờ một người có hoa tay vẽ trước trên giấy, sau đó mới can lên da, hình xăm đẹp hay xấu là ở công đoạn này, đặc biệt K.Z có khả năng vẽ trực tiếp luôn. Rạch nét viền xong rồi thì đến giai đoạn công phu nhất, tức là dùng một cây kim khâu châm liên tục lên hình vẽ, sau đó thoa mực lên, giai đoạn này kéo dài cả mấy ngày tùy theo hình xăm phức tạp như thế nào. Cây kim này xin ở khâu thêu của những người tù có án, do sợ bị lây HIV nên mỗi người đều phải dùng cây kim riêng.
Nói về hình xăm thì muôn màu muôn vẻ, là tất cả những gì mà người tù có thể tưởng tượng ra được. Nó có thể là rồng bay, cọp gầm, đại bàng xòe cánh, rắn ba đầu, cô gái tóc xõa… Là tên của người yêu, là những chữ viết tắt… Nơi xăm đau nhất là phần bụng dưới, còn chỗ ít đau nhất là phần lưng, chỗ eo lưng hay bả vai, nên mấy em dân chơi hay xăm ở chỗ này. Khi bị phát hiện thì QG sẽ cho chiếu cố lấy một cục đá chà thật mạnh lên chỗ xăm đến khi tróc da, lòi mỡ, chỉ cần nghe tiếng gào của người bị xát to còn hơn tiếng gào thét của mấy bà đang đẻ là đủ hiểu nó đau đến cỡ nào.