Chương 11

Mẹ tôi viết thư báo tin mẹ sẽ lên thị trấn ăn tết với gia đình dì Hai và anh em tôi lần nữa giống như năm ngoái. Mẹ còn nói thêm mẹ có chuyện cần nói cho mọi người biết. Ai trong nhà cũng thắc mắc không biết là chuyện gì, nhất là hai anh em chúng tôi. Chúng tôi không biết mẹ có chuyện gì quan trọng đến nỗi không thể viết trong thư mà phải chờ tới Tết để gặp tận mặt. Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi cho Tết mau đến, vừa được nghỉ học ở nhà ăn Tết, vừa được gặp mẹ, vừa thắc mắc muốn biết chuyện mẹ muốn nói là chuyện gì. Còn một chuyện nữa khiến chúng tôi háo hức muốn biết là chuyện mẹ nói sang mùng ba Tết mẹ sẽ dẫn chúng tôi lên Đà Lạt thăm cha. Đây là chuyện ngạc nhiên to lớn nhất của chúng tôi. Bao năm nay từ ngày cha mẹ bỏ nhau, chỉ có cha tôi hàng năm đi thăm anh em chúng tôi chứ mẹ không bao giờ dẫn chúng tôi về Đà Lạt thăm cha. Đối với mẹ, về Đà Lạt chỉ làm mẹ nhớ lại những quá khứ đau buồn. Mẹ vẫn còn giận cha tôi trong lòng và không bao giờ muốn về lại xứ đó, thế mà lần này mẹ lại đột nhiên có ý định dẫn chúng tôi về Đà Lạt thì thật là chuyện trọng hệ.
Mọi người trong nhà dì Hai bàn tán dữ dội. Người đoán thế này kẻ đoán thế kia. Ngay cả dì Hai, người được coi là thấu hiểu mẹ nhất, cũng không thể đoán ra. Anh Quốc Dũng lúc nào cũng lạc quan, đoán mò có lẽ mẹ sẽ về làm hòa với cha. Anh em tôi thì không đoán gì, chỉ chờ đợi.
Chị Bích Phượng cũng đã từ Nha Trang về nhà ăn Tết. Sau chuyến đi Nha Trang về lần này chị trông đã khá hơn nhiều. Tuy vẫn chưa lấy lại nét vui tươi như xưa, nhưng chị đã không còn sầu khổ khóc lóc hay tuyệt vọng như lúc trước. Chị đã chịu ra chợ phụ dì Hai như lúc xưa và không còn trốn ở nhà như lúc chị mới tự tử nữa. Mấy hôm chị mới về, cả thị trấn lại xì xào bàn tán chuyện của chị. Nhưng chỉ vài ngày sau, người ta cũng thôi không nói nữa. Người trong thị trấn nói có một chuyện này suốt mấy tháng nay rồi nghe cũng nhàm tai. Bây giờ người ta đã tìm được những đề tài khác nóng bỏng hơn để nói. Chị Phượng nói với dì Hai sau Tết chị muốn ra ngoài xin việc đi làm. Dì Hai nghĩ như vậy cũng là điều hay cho chị.
Anh Lâm thường hay qua thăm chị Phượng, anh tỏ vẻ lo lắng chăm sóc cho chị thật nhiều. Anh nói với chúng tôi anh Tuấn có nhờ anh sang chăm sóc cho chị Phượng, cho đến khi nào chị Phượng thật sự quên anh Tuấn. Tuy anh Lâm nói như vậy nhưng mấy đứa nhỏ chúng tôi đã nhìn ra bụng dạ của anh. Không biết anh thật tình không muốn nhận hay anh không hiểu chính mình, tất cả chúng tôi đều nhận ra rằng anh thích chị Phượng. Sự lo lắng quan tâm của anh vượt ra khỏi sự nhờ cậy của bạn anh. Những gì anh làm là vì trong lòng anh thật sự thương chị Phượng. Đôi mắt của anh khi nhìn chị Phượng đã tố cáo anh, chúng đã không che dấu tình cảm của anh dành cho chị. Cái nhìn của anh chứa đựng sự thương yêu trìu mến. Cử chỉ của anh thì dịu dàng ân cần.
Anh Lâm là một người tốt, tôi thật mong rằng sau này chị Phượng và anh sẽ là một cặp. Tôi lâu nay chưa được gặp mặt hay hiểu rành về con người của anh Tuấn, nhưng tôi lại thấu rõ con người của anh Lâm. Anh Lâm không có bằng cấp cao hay sự nghiệp bằng anh Tuấn, nhưng với tình yêu và cá tánh của mình, anh sẽ mang hạnh phúc cho chị Phượng. Đã đôi lần tôi đem chuyện này gợi ý nói với chị Phượng nhưng chị cứ gạt đi không nghe. Chị nói anh Tuấn và anh Lâm là bạn thân, không thể làm như vậy được. Tôi cũng cảm nhận được sự khó chịu này của chị. Nếu chị cặp với anh Lâm, sau này khi anh Tuấn về nước, mỗi lần hai người bạn họ gặp nhau, có chị đứng giữa, họ biết nhìn nhau ra sao. Tôi vì vậy không nhắc gì chuyện anh Lâm với chị Phượng nữa.
Chúng tôi được nghỉ học từ ngày hai mươi ba tết. Dì Hai gói một nồi bánh tét thật lớn, dì đặt nồi đốt lửa phía sau vườn để nấu bánh. Mấy đứa nhỏ chúng tôi được giao nhiệm vụ canh lửa nồi bánh. Tụi tôi đứa nào cũng thích làm công việc này vì được dịp thức đêm ngồi canh lửa và bỏ củi. Trời mùa đông lạnh, chúng tôi đem mền ra khoác cho ấm rồi ngồi quanh bếp lửa, giống như cắm trại đêm. Anh Quang Hùng rủ thêm anh Quang Cận và anh Trần Bá Kỳ tới coi lửa nồi bánh cho vui. Minh Châu cũng xin phép mẹ sang nhập bọn với chúng tôi, thêm vào có cả anh Quốc Dũng. Đến tối, chúng tôi mang đàn ra vừa hát vừa tán dóc. Minh Châu nấu nồi chè đem sang để chúng tôi ăn khuya. Trời lạnh, ngồi bên bếp lửa chúng tôi không còn cảm thấy lạnh nữa.
Anh Quang Hùng ôm đàn hát bản nhạc Bên Kia Sông của Nguyễn Đức Quang.
“Này người yêu, người yêu anh ơi!
Bên kia sông là ánh mặt trời
Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối
Bên kia núi, núi cao chập chùng
Bên kia suối, suối réo lạnh lùng
Là bài thơ, toàn chữ hư vô
Này người yêu anh ơi!
Cho anh nồng ấm cuộc đời
Hoa thơm có ánh mặt trời
Như núi mừng - vì mây đến rồi
Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ - và nói bên môi
Nói cho vừa.. mình anh nghe thôi!”
 
Tôi biết anh tôi hát bài này để tặng riêng cho Minh Châu, bởi vì khi anh hát, đôi mắt của anh nhìn Minh Châu một cách trìu mến. Khi anh Hùng hát đến câu “Bước nhẹ và nói bên môi, nói cho vừa mình anh nghe thôi.” thì anh hát với giọng nhỏ lại và đôi mắt của anh càng thêm tha thiết. Qua ánh lửa bập bùng, tôi thấy Minh Châu mỉm cười bẻn lẻn sung sướng. Đôi mắt to, sâu, đen, sáng long lanh hàng ngày của nó lúc đó càng thêm sâu, thêm đen và thêm long lanh. Cái hình ảnh dễ thương của một anh trai trẻ ngồi ôm đàn hát thì thầm cho một cô gái mắt đen thăm thẳm trong đêm, dưới ánh lửa bập bùng, trông thật thơ mộng. Đó là một hình ảnh ghi đậm mãi trong tôi không bao giờ quên.
Hát xong bài đó, mọi người vỗ tay nhiệt liệt và yêu cầu anh Hùng hát nữa. Được hứng anh hát tiếp bài Em Đến thăm Anh Đêm Ba Mươi của Vũ Thành An.
“Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”
 
Tiếng hát của anh Hùng nhẹ nhàng và thiết tha như lời của bản nhạc. Dư âm của tiếng đàn như cuộn lẫn vào trong tiếng hát, ngân xa vào trong bóng đêm và cuối cùng tan vào trong khoảng trống phía sau lưng. Tiếng củi cháy lách tách nghe giống như tiếng hoà âm của một loại nhạc khí diệu kỳ. Nó gây cho người nghe một cảm xúc vừa xao xuyến vừa bâng khuâng. Anh Hùng tuy đã ngừng hát ở lời cuối cùng, nhưng những ngón tay của anh vẫn lướt nhẹ trên dây đàn để chuẩn bị chấm dứt. Nốt nhạc nhạc cuối cùng được anh đánh rất chậm và rất nhẹ, để nó ngân dài, bay lãng đãng vào không gian rồi từ từ chấm dứt.
Sau khi anh Hùng dứt lời hát, mọi người ngẩn ngơ rơi vào trong im lặng, không ai nói gì. Mãi một lúc lâu, anh Quang Hùng đưa đàn cho mấy anh kia hát. Anh Quốc Dũng thôi không còn hát bài nhạc tủ Cô Hàng Xóm mà anh Quang Hùng dạy anh hát lúc trước nữa. Bây giờ anh đã chuyển sang hát bài hát mới, nhạc trẻ. Hai anh Quang Cận và Kỳ Triết Học cũng góp hát vài bản. Càng khuya trời càng trở lạnh, chúng tôi xích lại sát bếp lửa hồng cho ấm. Anh Kỳ bắt đầu kể chuyện ma rùng rợn. Hai đứa con gái chúng tôi quấn người co ro trong mền sợ hãi. Hết kể chuyện ma đến chơi câu đố, rồi kể chuyện tếu lâm, nói chuyện hiện tại, nói chuyện của tương lai, nói đủ thứ chuyện, chúng tôi thức tới sáng cho đến khi bánh chín.
Chiều ngày hai mươi bảy Tết mẹ tôi lên đến nơi như đã báo trước. Mẹ xách va li bước vào nhà, đi theo sau lưng là một người đàn ông ngoại quốc đứng tuổi. Lúc đó vì sắp Tết mọi người ai cũng có mặt ở nhà. Chúng tôi ai cũng cảm thấy bất ngờ. Dì dượng Hai ngượng ngùng đứng lên chào khách. Anh Quốc Trung và chị Bích Dung thấy người ngoại quốc lạ mặt nên cúi đầu chào lí nhí rồi rút lui lên lầu. Nhưng vì tò mò, hai người đứng núp lấp ló trên cầu thang nhìn xuống coi sự việc gì. Anh Quốc Dũng và chị Bích Phượng lên tiếng chào mẹ tôi nhưng không có thái độ vồn vã như mấy lần trước mẹ lên chơi. Không phải là hai chị em có vấn đề với mẹ tôi nhưng là vì ngượng ngùng trước mặt người lạ. Còn hai anh em tôi thì biết chết trân nhìn không nói được lời nào.
Mẹ tỏ vẻ hơi mắc cở trước thái độ đón tiếp của mọi nên kéo người ngoại quốc lại và giới thiệu cho chúng tôi. Mẹ nói ông tên là William, gọi tắt là Bill. Ông Bill người Canada, là cán sự kỹ thuật của công ty mẹ tôi đang làm. Mẹ sau đó thấp giọng giới thiệu tiếp ông là bạn trai của mẹ. Tuy mẹ nói rất nhỏ nhưng mọi người chúng tôi đều nghe rõ mồn một. Sau lời giới thiệu này, chúng tôi lại càng sửng sốt và lại càng không nói tiếng nào. Để phá tan bầu không khí im lặng nặng nề, mẹ quay qua ông Bill giới thiệu mỗi chúng tôi đến cho ông. Ông Bill giơ tay bắt tay từng người, miệng cười thân thiện và nói vài câu English chào hỏi. Khi đến phiên hai anh em chúng tôi, nghe mẹ tôi giới thiệu là con, ông càng cười tươi hơn nữa, nói một hơi dài tiếng English, dáng điệu càng tỏ vẻ thân thiết. Mẹ tôi thông dịch lại cho chúng tôi nghe:
- “Ổng Bill nói ổng rất hân hạnh gặp hai con. Ổng nghe mẹ nói nhiều về hai con nhưng bây giờ mới gặp mặt.”
Sau những lời chào hỏi thông thường mà mẹ tôi là người làm thông dịch cho đôi bên, mẹ tôi ra mướn khách sạn gần chợ cho ông ngoại quốc ở, còn mẹ quay về ở nhà của dì Hai. Buổi tối, dì Hai mời ông Bill đến nhà ăn cơm. Không khí bữa ăn đã đỡ hơn lúc chiều khi hai người mới tới. Ông Bill chịu khó nói chuyện nhiều và dì dượng Hai cũng đã trả lời hay đối đáp lại nhiều hơn qua trung gian thông dịch của mẹ tôi. Các con dì Hai không ai nói gì, chỉ ăn và lén lút nhìn quan sát ông Bill. Anh em tôi thì cứ cúi gằm mặt, khi nào ông Bill hỏi câu gì qua mẹ, chúng tôi mới lí nhí trả lời.
Sau bữa ăn ông Bill ở lại chơi một lát rồi về lại khách sạn. Mẹ tôi ở lại. Lúc đó cả nhà đều tỏ vẻ như đang nóng lòng chờ đợi câu giải thích của mẹ. Mẹ tôi cười một cách ngượng ngùng:
- “Sao ai cũng nhìn tôi dữ vậy? Bộ chưa thấy người ngoại quốc bao giờ sao?”
Dì Hai lên tiếng:
- “Người ngoại quốc thì không phải chưa bao giờ thấy qua, nhưng ai cũng ngạc nhiên vì chưa nghe em nói qua bao giờ.”
- “Em quen với ông Bill chừng hơn một năm nay. Ông là người Canada được công ty gửi sang Việt Nam làm chuyên viên kỹ thuật. Vợ ông chết cách đây mấy năm vì bị ung thư. Ông buồn quá đên tình nguyện xin đi xa để khỏi nhớ thương cảnh cũ. Ông gặp em, thấy em cũng không chồng nên theo đuổi. Em đã có quan hệ với ông chừng một năm nay.”
- “Vậy mà dì Ba dấu kỹ quá. Giờ mới nói.” Dượng Hai nói.
Mẹ đỏ mặt.
- “Em không nói vì không biết quan hệ giữa em và ổng sẽ đi tới đâu. Chỉ sợ được dăm ba tháng là chia tay. Anh chị biết đó, đã lầm lẫn và tan vỡ một lần, em thật không tin tưởng ai.”
- “Vậy sao bây giờ em dẫn ổng lên đây giới thiệu? Có phải quan hệ hai người lên tới mức nghiêm chỉnh rồi phải không?”
Dì Hai hỏi một cách dọ dẫm. Mẹ không trả lời, mẹ ra dấu cho tôi và anh Hùng đến ngồi bên cạnh mẹ. Anh Hùng kéo ghế đến ngồi bên cạnh mẹ, còn tôi thì ngồi xà xuống đất, ôm chân và dựa đầu lên đùi mẹ. Mẹ đưa tay nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và vén những sợi tóc phũ trước trán của tôi qua hai bên mang tai. Mẹ nhìn anh Hùng âu yếm:
- “Ông Bill sắp về nước rồi, ông tỏ ý muốn kết hôn và đưa em theo ổng về Canada. Em đã suy nghĩ mấy tháng nay rồi. Em thật không muốn bỏ xứ đi xa như vậy nhưng vì tương lai của hai cháu, cuối cùng em đã quyết định sẽ theo ổng về Canada.”
- “Hả?”
Dì dượng Hai đều thảng thốt la lên. Anh Quang Hùng thì đứng bật dậy, tôi cũng ngửng đầu lên nhìn mẹ. Những lời mẹ tuyên bố làm mọi người sửng sốt, lời nói tuy ngắn nhưng nó có sức công phá như một quả bom ngàn tấn. Mẹ tôi im lặng một lát để cho mọi người có thời gian thấu hiểu những lời mẹ nói và vượt qua cơn trấn động lúc đầu, sau đó mẹ giải thích thêm:
- “Anh chị biết đó, hai cháu nó đã lớn rồi, nhất là thằng Hùng, hết năm nay nó học xong trung học, em thật lo lắng không biết tương lai của cháu sẽ ra sao. Em không đủ sức lo cho cháu đầy đủ, nhờ cậy dòng họ thì chị biết em không muốn nhờ ai. Cha nó dư sức lo cho cháu nhưng em đương nhiên không muốn. Vả lại nếu em có muốn nhờ cha nó giúp, với tính thằng Hùng chưa chắc nó đã chịu.”
Mẹ ngừng nói, quay qua nhìn anh Hùng chờ sự phản ứng xác nhận của anh. Anh Hùng cúi đầu im lặng chứng tỏ anh không phủ nhận lời mẹ nói về việc nhờ vả cha. Mẹ tôi nói thêm:
- “Con người ta được đi du học phải là con nhà giàu hay phải học rất là giỏi để có học bổng đi nước ngoài. Nhưng hai điều kiện đó em nghĩ con em đều không có. Bây giờ em có dịp lo cho cả hai đứa đi Canada học, anh chị nghĩ em sẽ bỏ qua sao? Em cũng không tính đi luôn đâu. Mang hai cháu qua đó học, sau khi hai cháu đã học xong, nếu tụi nó muốn quay về nước, em sẽ lại đem hai cháu về lại. Nếu nói em lợi dụng ông Bill thì em cũng xin chịu mang tiếng lợi dụng. Em tuy thương ổng thật đấy nhưng em làm bất cứ việc gì cũng là vì các con của em. Em có thể hy sinh cả cuộc đời của mình cho con.”
Dì Hai nghĩ về sự mất mát em gái trong tương lai, dì rơi nước mắt:
- “Em đi xa như vậy chị làm sao có dịp gặp lại em. Ở đây ít nhất một năm hai ba lần chị còn có dịp gặp mặt em. Hoặc khi nào có nhớ lắm thì cũng chỉ mất hơn nửa ngày đường xe đò là gặp mặt. Nếu em đi xa nơi xứ lạ quê người như vậy chị làm sao có cơ hội gặp em nữa. Đi nơi xa xôi, người ngoại quốc bắt nạt em làm sao có ai chống đỡ bảo vệ em.”
Mẹ tôi cười nụ cười trấn an dì Hai.
- “Chị thấy đó, bao nhiêu học sinh đi du học, có ai than thở gì đâu. Mấy sinh viên đó đi học xa cha xa mẹ, chỉ có một thân một mình họ còn học cho đến ngày thành tài ra trường. Tụi em có đi cũng có cả ba mẹ con, đùm bọc cho nhau có gì mà phải sợ. Vả lại còn có ông Bill đỡ đầu em cũng yên tâm. Ông Bill nói sẽ tìm cách xin cho em làm việc trong công ty em đang làm, ở bên bển.”
- “Nhưng mà chị sẽ thật là nhớ em.” Dì Hai mếu máo.
Mẹ tôi nghẹn ngào. Nãy giờ mẹ vẫn dùng dáng điệu trầm tĩnh thuyết phục mọi người, bây giờ thấy dì Hai khóc mẹ không khỏi không xúc động:
- “Chị đừng lo, công ty tụi em làm vẫn còn ở bên đây. Mỗi năm ông Bill sẽ qua đây đi công tác một lần, như vậy em sẽ xin đi theo và đưa hai cháu về thăm anh chị.”
- “Nhưng còn ba của tụi nhỏ, ổng có chịu ký giấy cho tụi nó đi không?”
Mẹ im lặng một lát rồi mới nói, giọng không được quả quyết cho lắm:
- “Ba tụi nó mới là người mà em lo sẽ không đồng ý. Cho nên em đợi mùng ba Tết em sẽ dẫn hai cháu lên gặp ổng nói chuyện.”
Bây giờ thì mẹ tôi đã trả lời cho câu hỏi mà mấy hôm nay ai cũng thắc mắc. Anh Quang Hùng từ nãy đến giờ không nói gì, mặt anh trắng xanh. Đến lúc này anh đứng lên giọng lớn tiếng:
- “Trông ra mẹ đã sắp xếp sẵn rồi, không hỏi xem anh em con có muốn đi không.”
Mẹ tôi quay qua anh phân bua.
- “Dĩ nhiên mẹ phải hỏi ý kiến hai con. Đương nhiên nếu hai đứa con không chịu đi thì mẹ sẽ bãi bỏ tất cả. Nhưng vì tương lai của mình, mẹ hy vọng hai đứa con sẽ suy nghĩ cho chính chánh.”
Anh Quang Hùng vùng vằng bước nhanh về phía cửa, vừa đi vừa nói:
- “Bỗng dưng mẹ xuất hiện đem theo một ông ngoại quốc tới nói là bạn trai của mẹ. Rồi lại tuyên bố mẹ sẽ đem tụi con qua Canada. Mẹ còn chuyện mới nào để nói thêm không, con đang sẵn sàng để nghe luôn đây.”
Dì Hai cố khuyên cho anh Hùng nguôi lại:
- “Hùng à, con đừng nói kiểu đó. Để nghe mẹ giải thích đã.”
Anh Hùng không trả lời dì, vẫn hướng về mẹ to tiếng:
- “Mẹ có hiểu cảm giác của con không?”
Nói xong anh lấy xe đạp, bước ra khỏi nhà đạp xe đi khỏi. Mẹ tôi ngồi tấm tức khóc. Dì dượng Hai phải cố dỗ cho mẹ nín. Tôi ngồi lặng yên không biết phải nói gì, cơn sửng sốt vẫn chưa qua.
Dì dượng Hai tiếp tục nói chuyện với mẹ tôi và nghe mẹ phân bày. Tôi lặng lẽ bỏ lên ban công ngồi một mình. Sau đó tôi tránh mặt mẹ đi vào phòng ngủ sớm. Mẹ tôi hôm đó ngủ chung phòng với chị Phượng. Còn anh Quang Hùng thì mãi tới khuya mới về, về đến nhà anh lên thẳng phòng.
Cả đêm tôi không ngủ được, tôi nằm suy nghĩ những gì mẹ tôi đã nói. Tôi biết chắc chắc ở bên những căn phòng kia mẹ tôi và anh Quang Hùng có lẽ cũng không ngủ được. Cũng giống như anh Quang Hùng, buổi chiều khi thấy mẹ bất ngờ dẫn ông Bill tới giới thiệu là bạn trai, tôi buồn và giận lắm. Thấy một người đàn ông xa lạ làm người tình của mẹ, tôi thật thấy khó chịu. Rồi đến tối khi nghe kế hoạch của mẹ dẫn anh em tôi đi Canada, tôi càng giận thêm. Tôi có cảm tưởng như mẹ tôi đã lừa dối và bỏ rơi anh em chúng tôi. Nhưng bây giờ sau một lúc lâu nằm suy nghĩ, tôi lại thấy thương mẹ tôi thật nhiều. Cả cuộc đời mẹ sống trong cay đắng. Bị nhà chồng khinh khi, bị chồng bỏ lấy vợ hai, bao năm nay mẹ tôi sống trong cô đơn, không bồ bịch với ai, chỉ lo nuôi cho anh em tôi. Tôi thấy mẹ tôi thật là một người mẹ đáng thương. Tôi tự hỏi có phải mẹ ưng chịu ông Bill cũng là chỉ vì muốn hy sinh cho bản thân mình để lo cho anh em tôi được ra ngoại quốc học. Cũng chỉ vì chúng tôi mà mẹ phải từ bỏ quê hương xứ sở và người chị mà mẹ yêu thương nhất để đi theo một người đàn ông ngọai quốc. Cuộc đời của mẹ bao năm nay có được vui thú gì đâu. Mẹ còn quá trẻ, tuổi ngoài ba mươi chưa tới bốn mươi chưa phải là già để bắt mẹ chôn vùi cuộc đời cho chúng tôi.
Càng nghĩ tôi càng thương mẹ và quyết định sẽ làm theo ý mẹ. Vả lại được đi ra nước ngoài du học xưa nay vẫn là ước nguyện của hai anh em chúng tôi. Mơ vậy thôi chứ chúng tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ thành sự thật. Giờ đây chúng tôi có cơ hội để đạt được nguyện ước đó, tuy không phải là bằng sức học xuất sắc của mình hay bằng tài sản giàu có của gia đình, tôi thật không muốn bỏ qua.
Vì gần như suốt đêm không ngủ được, sáng hôm sau tôi đã dậy thật sớm, lúc đó vẫn còn mờ tối, mặt trời chưa lên. Chị Bích Dung vẫn còn ngủ say, tôi rón rén bước khỏi giường và đi xuống nhà. Tôi vào phòng tắm đánh răng một cách nhẹ nhàng sợ làm mọi người trong nhà thức dậy. Thế nhưng khi tôi đi ngang qua bếp, tôi thấy mẹ tôi và dì Hai đã thức dậy từ lúc nào. Hai người đang ngồi ở trên hai cái ghế thấp trong bếp vừa nấu nước vừa nói chuyện. Thấy tôi đi vào bếp dì Hai nói ngay:
- “Vào đây cháu, uống nước trà không dì rót. Dì và mẹ cháu đã dậy từ khi nảo khi nào, vào đây nấu nước pha cà phê uống. Chắc cháu giống mẹ suốt đêm không ai ngủ. Thằng Hùng đêm qua khuya nó mới về.”
Tôi vào trong bếp kéo thêm một cái ghế thấp khác ngồi cạnh xuống bên cạnh mẹ. Mẹ tôi tính nói gì đó với tôi, nhưng tôi đã nhanh chóng chận lời nói trước:
- “Con nghĩ suốt đêm qua rồi. Con nghĩ việc mẹ làm là có lợi cho tương lai anh em chúng con. Bỏ qua cơ hội lần này anh em con chắc khó có cơ hội được đi học nước ngoài.”
Mẹ tôi ngạc nhiên vì sự ưng thuận dễ dàng của tôi. Có lẽ mẹ đã tưởng tôi sắp sửa chống đối dữ lắm. Mẹ tỏ vẻ mừng ra mặt. Dì Hai tiếp lời:
- “Hôm qua khi mới nghe xong dự định của mẹ cháu dì cũng không bằng lòng lắm. Nhưng sau khi có thời gian suy nghĩ lại và sáng nay có dịp nói chuyện rất lâu với mẹ cháu, dì nghĩ các cháu nên theo mẹ qua Canada. Đó là một cơ hội quý giá cho các cháu tiến thân về sau này.”
Chúng tôi ngồi nói chuyện tiếp tục với dì Hai thật lâu mãi cho đến khi trời sáng hẳn. Dì Hai và mẹ tôi ít có dịp chị em ngồi nói chuyện tâm tình lâu như vậy. Lần này, cảm giác được sự chia tay sẽ xẩy ra trong tương lai, hai người càng thêm gắn bó, nói chuyện hoài không biết chán. Trời đã sáng hẳn, mọi người trong nhà đã dậy và xuống nhà. Vào đến bếp ai cũng chào mẹ và góp chuyện với chúng tôi. Người mà mẹ tôi kiên nhẫn chờ đợi hoài không thấy xuống là anh Hùng. Anh Dũng nói anh Hùng đã dậy từ sáng sớm và đã ra khỏi phòng. Mãi một lúc lâu, không thể chờ lâu hơn được nữa, mẹ tôi rủ tôi lên lầu tìm anh. Không thấy anh ở trong phòng, chúng tôi ra ban công và thấy anh đang rồi ở đấy một mình. Anh không làm gì cả, chỉ ngồi chống cằm nhìn xuống đường coi xe chạy qua lại. Thấy chúng tôi bước ra, anh không nhìn lên chỉ giả vờ như không thấy.
Mẹ tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh anh tôi, anh vẫn không lên tiếng. Một lúc lâu mẹ nói, giọng thật nhẹ, thật dịu dàng:
- “Mẹ con mình không nhà không cửa, mẹ thì ở nhà mướn, con và em thì ở nhà nhờ. Nếu nhớ anh em con lắm, mấy tháng mẹ mới được gặp một lần. Ngày xưa dẫn anh em con rời Đà Lạt, mẹ tự thề trong lòng mẹ con mình sẽ tự lập không nhờ gia đình bên nội hay cha con đến một đồng. Mẹ thật muốn chứng tỏ cho họ biết không có họ mình vẫn sẽ sống được và cũng sẽ thành công.”
Nói đến đây giọng mẹ nghẹn lại không nói thêm được nữa, mẹ đưa tay chùi giọt nước mắt vừa trào trên khóe mắt. Nghe những lời than thở của mẹ và lại thấy mẹ khóc anh Quang Hùng dường như đã xao động trong lòng nhưng anh vẫn làm cứng chưa lên tiếng. Mẹ đợi một lát cho cơn xúc động đã bớt lại rồi nói tiếp:
- “Đời mẹ thật ra chẳng còn gì mà tiếc nuối, tuổi thanh xuân của mẹ đã qua rồi. Hai con thì khác, còn cả một tương lai trước mặt. Sau này khi hai con đến tuổi lập gia đình hai con sẽ thấy rằng đẹp trai, đánh đàn giỏi và hát hay chưa chắc sẽ khiến mình có thể lấy được người mình ưa thích. Nhà người ta trước tiên nhìn coi mình có bằng cấp gì không, có giàu không, hay có tài sản không họ mới dám gả con cho mình. Mẹ biết các con ở đây có bạn bè thân và có những tháng ngày tươi đẹp, nhưng con sắp tốt nghiệp trung học rồi, con phải biết nhìn vào thực tế. Cuộc vui nào rồi cũng có ngày tàn, những bạn con ngày hôm nay rồi cũng sẽ phải chia tay nay mai, mỗi người rồi sẽ mỗi phương ra đời lập nghiệp. Còn con, con đã suy nghĩ xem sau khi học xong trung học con sẽ làm gì không? Được đi du học là ước mơ của bao nhiêu học sinh. Giờ đây có người đem cơ hội đi du học này để ngay vào tay con, có muốn nắm lấy cơ hội đó để tạo lập sự nghiệp và thay đổi cuộc đời mình hay không là quyết định của con. Khi xưa mẹ bỏ cha mang theo hai con đi theo, mẹ đã khiến hai con không được hưởng những gì tụi con đáng ra được hưởng. Tuy bây giờ mẹ vẫn chưa hề hối hận mẹ đã bỏ cha con nhưng mẹ thấy mẹ thật có lỗi với hai con. Mẹ thấy hai con sắp lớn, nhất là con sắp học xong trung học, mẹ nghĩ đến lúc mẹ phải nghĩ cho hai con.”
Mẹ ngừng lời nhìn anh Hùng. Anh Hùng tránh trả lời và tránh nhìn mẹ. Anh vẫn chống cằm nhìn xuống đường. Một lát mẹ tôi đứng lên đặt tay lên vai anh Hùng:
- “Mẹ sẽ tôn trọng bất cứ quyết định gì của con, mẹ sẽ không ép con làm chuyện gì con không muốn làm. Con cứ từ từ suy nghĩ và cho mẹ hay quyết định của con trước mùng ba Tết. Nếu con quyết định không đi, mẹ sẽ về chia tay ông Bill và mẹ con chúng ta sẽ tiếp tục cuộc sống của chúng ta. Còn nếu như anh em con muốn về ở với cha con, mẹ sẽ gửi hai đứa về Đà lạt. Các con càng lớn, mẹ càng nghĩ được thông suốt, mẹ sẽ làm bất cứ chuyện gì nếu chuyện đó đem lại tương lại và hạnh phúc cho hai con.”
Sau đó mẹ tôi bỏ đi xuống nhà. Mẹ tôi đi rồi tôi bước tới ngồi xuống chiếc ghế mẹ vừa ngồi, tôi cũng bắt chước anh, chống cằm nhìn xuống đường. Một lát anh Hùng nhìn tôi, tôi nhận ra mắt anh ươn ướt:
- “Em có muốn đi không?”
- “Mẹ con mình bao năm nay vẫn đùm bọc nhau mà sống. Anh với mẹ đi đâu thì em đi đó, em không có ý kiến, em chỉ mong mình được sống chung với nhau.” Tôi trả lời, vẫn tiếp tục nhìn xuống đường không nhìn anh.
- “Như vậy là em giống mẹ, cả hai đều ác, chừa ghánh nặng này cho anh bắt anh quyết định. Nếu quyết định của anh sau này khiến đời mẹ và đời em đều khổ thì anh sẽ ăn năn hối hận dằn vặt suốt đời.”
- “Làm con người, mình phải tự chấp nhận hậu quả của quyết định mình làm. Hôm nay cả mẹ và em đã quyết định làm theo ý của anh thì sau này em và mẹ sẽ không hề oán trách nếu quyết định của anh là sai lầm.”
- “Nhưng quyết định hôm nay của anh có lẽ sẽ khiến cuộc đời của em và mẹ không có lối tiến thân hay nó sẽ làm thay đổi cuộc đời của mọi người. Trách nhiệm đó thật quá to tát và trọng đại, anh thật không dám nhận.” Anh Hùng mím môi.
- “Cuộc đời con người cũng còn tùy thuộc vào số mạng. Nếu như anh đã tận hết sức và khả năng của mình thì không ai có thể trách anh. Bao năm qua anh vẫn thường chăm sóc bảo vệ cho em một cách chu toàn không gì chê trách. Hôm nay em tin tưởng và để anh quyết định cho em. ”
Anh Quang Hùng dường như không chú tâm đến lời tôi nói, anh có vẻ như đang chìm vào suy nghĩ. Trán anh cau lại, mặt anh nghiêm trang. Tôi muốn để cho anh tôi được yên tịnh suy nghĩ nên đứng lên đi vào nhà. Anh Hùng có lẽ đang suy nghĩ dữ lắm cho nên khi tôi đứng lên đi rồi anh cũng không hay biết.
Nguyên ngày hôm đó và ngày hôm sau mẹ tôi không hề đả động gì tới chuyện đi Canada tới anh em tôi nữa. Như mẹ đã nói, những gì mẹ muốn nói mẹ đã nói xong, quyết định bây giờ đang nằm trong tay anh em chúng tôi. Ông Bill chỉ ở chơi có hai ngày thì lên xe về lại Sài Gòn một mình. Mẹ nói ông tế nhị, muốn gia đình chúng tôi được thoải mái ăn tết với nhau mà không phải ngượng ngùng vì sự có mặt ông.
Anh Hùng thì dường như đã suy nghĩ thông suốt và đã có quyết định cho mình. Sau khi ông Bill rời khỏi rồi, tối đó anh cho mẹ hay anh đã quyết định theo mẹ đi Canada. Mẹ tôi mừng lắm, nghẹn ngào không nói lên lời, nước mắt chảy ra, mãi một lúc lâu mới nói được “Mẹ hy vọng ba mẹ con mình đã không làm một quyết định lầm lẫn.”
Anh Hùng đợi khi chỉ còn có hai anh em, anh mới nói với tôi:
- “Từ nhỏ đến lớn anh không làm chuyện gì mà không nghĩ đến em. Em đã để cho người anh Hai này quyết định cho cả ba người thì anh phải làm cho tốt. Từ nay ba người mình một nhà sống chết giàu nghèo sẽ cùng ngồi chung một thuyền.”
Nghe anh tôi nói câu đầy tình nghĩa này tôi thương anh thật nhiều. Có lẽ nếu không vì tôi, anh sẽ quyết định không đi. Anh quá thương tôi và làm việc gì cũng chỉ lo cho hạnh phúc và an bình của tôi.