Chương 6

Khái niệm vật hóa (Verdinglichung) đã được nói đến trong chương 3 khi bàn về lý luận tha hóa. Nó xuất phát từ quan niệm về hiện tượng sùng bái hàng hóa - như Marx đã chỉ ra trong chương đầu của bộ Tư bản. Tuy tính cách phóng thể của lao động bao hàm khái niệm vật hóa nhưng phải đợi tới khi Georg Lukács phát hiện từ bài học rút ra trong tác phẩm vừa dẫn của Marx, nó trở thành cơ sở cho cái gọi là chủ nghĩa Mác phương Tây. Khái niệm này được đưa vào chủ nghĩa Mác thông qua tác phẩm đánh dấu sự chuyển biến của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ hai mươi cũng như trong chính hành trạng tư tưởng của Lukács: Lịch sử và Ý thức giai cấp (Geschichte und Klassenbewusstsein).
Sau khi Marx và Engels mất, lịch sử tư tưởng của chủ nghĩa Mác thực sự chỉ tiếp nối từ Lukács, mặc dù đó là một bi kịch vì chính tác giả tác phẩm kể trên đã phủ nhận nó dưới một hình thức (lần đầu tiên xuất hiện trong hành trạng lý luận của nhân lọai) - đó là hình thức tự phê qua những áp lực chính trị. Tuy nhiên, cũng như số phận của bất kỳ hình thức sáng tạo nào của con người, tác phẩm vẫn có giá trị tự thân của nó. Đó cũng là ý nghĩa câu nói bất hủ của Galilée: E pur, si muove áp dụng cho bất kỳ sự vật hiện hữu, thể tính hay tinh thần.
Lịch sử và Ý thức giai cấp (GuK) là một tập hợp những bài viết sau khi Lukács gia nhập đảng Cộng sản vào tháng chạp năm 1918, như Chủ nghĩa Mác chính thống là gì?(1919), Rosa Luxemburg với tư cách một người Mácxít (1921), Ý thức giai cấp (1920), Vật hóa và Ý thức của giai cấp vô sản, Chức năng biến đổi của chủ nghĩa duy vật lịch sử (1919), Hợp pháp và bất hợp pháp (1920), Những nhận định phê phán tác phẩm �Phê phán Cách mạng Nga của Rosa Luxemburg (1922), Luận bàn về vấn đề tổ chức (1922) và hai bài tựa. Trong bài tựa lần đầu (1922) khi xuất bản GuK, Lukács xác định mục tiêu của cuốn sách là thúc đẩy cuộc thảo luận về những điểm nào mà những phạm trù của Hegel chứng tỏ nhất định đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng như nhũng sở cứ chung của Hegel và Marx. Lukács nhấn mạnh là “toàn bộ những phạm trù cốt cán thường được sử dụng của phương pháp trực tiếp bắt nguồn từ Luận lý của Hegel”(eine ganze Reihe der stets angewendeten entscheidenden Kategorien der Methode direkt aus der Logik Hegels stammt). Trong khi viện dẫn Engels, Plechanow và Lenin để xác định vị trí của phương pháp biện chứng Hegel, Lukács chỉ ra bản chất của phương pháp này là những khái niệm sai lạc về mặt trừu tượng được thăng hóa. Quá trình thăng hóa này thiết yếu phải triển khai không ngừng những khái niệm phiến diện, trừu tượng và sai lạc này; những khái niệm này đắc thủ ý nghĩa chân thực không phải qua định nghĩa nhưng qua chức năng có phương pháp như những thời khoảng được thăng hóa trong tổng thể (Es gehort zum Wesen der dialektischen Methode, dass in ihr die - in ihrer abstrakten Einseitigkeit - falschen Begriffe zur Aufhebung gelangen. Dieser Prozess des Aufhebens macht aber zugleich notwendig, dass dennoch ununterbrochen mit diesen - einseitigen, abstrakten und falschen - Begriffen operiert wird; dass die Begriffe weniger durch eine Definition, als durch die methodische Funktion, die sie als aufgehobene Momente in der Totalitat erhalten,zu ihrer richtigen Bedeutung gebracht werden). Trong bài tựa tái bản năm 1967 - sau khi GuK đã là cái đích cho những phê phán gay gắt của Cộng sản Quốc tế đánh vào “chủ nghĩa xét lại” ngay từ những năm 1924 và Lukács trong những bài tự phê đã phủ nhận quyển sách và coi nó là “một tổng hợp của nhiều xu hướng “ như chủ nghĩa duy tâm từ Kant đến Hegel, chủ nghĩa công đoàn cực tả hay đánh giá nó là “phản động vì mang tính duy tâm, lý giải sai lạc lý luận phản ánh, bác bỏ biện chứng trong tự nhiên” - Lukács xác định một trong những thành quả lớn lao của GuK là tái lập phạm trù tổng thể vào vị trí then chốt xuyên suốt những công trình của Marx. Lukács dẫn lại trong bài tựa 1967 một đoạn trong bài viết về Rosa Luxemburg: “Không phải ưu thế của những động lực kinh tế trong việc giải thích lịch sử quyết định sự phân biệt chủ nghĩa Mác với khoa học tư sản, mà chính quan điểm về tổng thể tạo ra sự phân biệt này”. Theo ông muốn trở về với những truyền thống cách mạng của Marx bắt buộc phải phục sinh những truyền thống của Hegel:”Lịch sử và Ý thức giai cấp” tiêu biểu cho ý đồ triệt để trong việc phục hoạt cách mạng của Marx thông qua việc phục sinh và triển khai biện chứng và phương pháp luận của Hegel (GuK bedeutet den damals vielleicht radikalsten Versuch, das Revolutionare an Marx durch Erneuerung und Weiterfuhrung der Hegelschen Dialektik und seiner Methode wieder aktuell zu machen). Như vậy là sau gần nửa thế kỷ, Lukács vẫn bảo lưu xu hướng Hegel ban đầu. Ông viết:
“Điều quan trọng là sự tha hóa của con người là một vấn đề cốt cán của thời đại chúng ta và được cả hai phe tư tưởng tư sản cũng như vô sản, cánh tả cũng như cánh hữu nhận rõ…Không còn ngờ vực gì nữa là vấn đề của Hegel và Marx này đã được một người cộng sản đặt lại đã khiến cho quyển sách có ảnh hưởng tác động ngoài những giới hạn của đảng…Trước hết là cái cơ sở triết lý tột cùng của nó là xây dựng chủ thể-khách thể thống nhất tự diễn ra trong quá trình lịch sử. Hiển nhiên là ở nơi Hegel, nó bắt nguồn từ hình thái luận lý triết học khi giai đoạn cao nhất của tinh thần tuyệt đối đạt tới trong triết học thông qua việc thủ triệt tha hóa với việc trở về với chính tự thức để thực hiện thống nhất chủ thể-khách thể. Trái lại trong GuK, quá trình này có tính xã hội-lịch sử và đạt tới cao điểm khi giai cấp vô sản thể hiện được giai đoạn này trong ý thức giai cấp - chuyển biến thành chủ thể-khách thể thống nhất trong lịch sử.”
Trong khi tự đặt mình cách biệt với những tác phẩm thời trẻ như GuK này (nhất là sau khi đã tự phê nhiều lần), Lukács xác định mối quan hệ giữa việc nghiên cứu Hegel thông qua dự phóng công trình nghiên cứu kinh tế và biện chứng dẫn đến việc nghiên cứu một khoa hữu thể luận về bản thể xã hội - đó là kết quả của một tác phẩm di cảo chưa hoàn tất vào cuối đời Zur Ontologie des gesellschaftlichen Seins.
Trường hợp Lukács (sinh năm 1885 tại Budapest, Hung) là một trường hợp đặc biệt, trước khi trở thành một người mác-xít, đã có một quá trình hình thành trí thức chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hoá Đức qua nhiều nguồn tư tưởng như Khoa học tinh thần/Geisteswissenschaft nơi Wilhelm Dilthey, lý luận xã hội học của Max Weber hay Georg Simmel, quan điểm triết học của Heinrich Rickert, Wilhelm Windelband, Emil Lask. Trong giai đoạn này (1909-1920), ông đã viết Lịch sử phát triển kịch hiện đại (A modern dráma fejlódésének torténete, tiếng Hung), Những nhận định về lý luận lịch sử văn học (Megjegyzések az irodalomtorténet elméletéhez, tiếng Hung), Tâm hồn và hình thái (A lélek és a formák, tiếng Hung), Lý luận về tiểu thuyết (Die Theorie des Romans, tiếng Đức).
Trong bài tựa 1967 GuK, chính Lukács nhìn nhận ở giai đoạn này ông đọc Marx như một nhà xã hội học qua lăng kính Simmel và Max Weber. Cho nên không thể phủ nhận ảnh hưởng của Weber và Simmel (nhất là với tác phẩm Triết lý về tiền/Philosophie des Geldes) trong lý luận vật hóa của Lukács - những khái niệm như “hợp lý hóa”, “khách thể hóa đời sống”(Versachlichung des Lebens), “vật hóa”, lượng lấn át phẩm, phương pháp khoa học mất dần mối quan hệ mật thiết với con người và ngày trở nên khách quan và phi nhân. Sự kết hợp của quá trình đào tạo tri thức và con đường dẫn đến chủ nghĩa Mác đã hình thành một lý luận khá phức tạp trong GuK, và đó cũng là lý do tại sao phải đặt vấn đề lý luận về vật hóa:
Có khác biệt nào giữa tha hóa, vật hóa, ngụy thức và bái vật hóa? Vật hóa có phải là một vấn đề nhận thức của thời quá độ sau chủ nghĩa Mác?
Vật hóa và ý thức vật hóa trong khung cảnh tư tưởng của giai đoạn chuyển tiếp đầu thế kỷ hai mươi diễn ra sao?
Ý thức giai cấp về mặt lý luận và thực tiễn là gì? Tại sao lại gắn liền với vấn đề vật hóa?
Như đã nói đến ở chương 3, không có một định nghĩa nhất định về những khái niệm tha hóa, vật hóa và ngụy thức. Trong GuK, Lukács dẫn một đoạn trong Tư bản tập 1 về “sự huyền bí của hình thái hàng hóa” để chỉ ra là Marx đã miêu tả hiện tượng cơ bản của vật hóa. Trong chính văn của Marx, từ ngữ “vật hóa” chỉ được nói tới một lần trong Tư bản tập 3: “sự huyền bí hóa của phương thức sản xuất tư bản, sự vật hóa của những quan hệ xã hội” (die Mystifikation der kapitalistischen Produktionsweise, die Verdinglichung der gesellschaftlichen Verhaeltnisse). Trong lời tựa 1967, Lukács ghi nhận là hiện tượng vật hóa quan hệ mật thiết với hiện tượng tha hóa, tuy nhiên về mặt xã hội cũng như khái niệm không đồng nhất (Dass auch das Phanomen der Verdinglichung, der Entfremdung nahe verwandt, aber weder gesellschaftlich noch begrifflich mit ihr identisch), nhưng hai từ này được bàn đến hầu như đồng nghĩa khi ông xác định là vấn đề tha hóa lần đầu tiên kể từ Marx đã được coi như vấn đề then chốt đối với việc phê phán có tính cách mạng về chủ nghĩa tư bản và có căn nguyên lý luận cũng như phương pháp rút từ biện chứng của Hegel. Ông cũng nhận xét là mấy năm sau khi tác phẩm Sein und Zeit (Hữu thể và Thời tính) của Heidegger xuất bản vào năm 1927 thì vấn đề này trở thành trung tâm của những tranh luận triết lý. Khi chỉ ra vị thế của tha hóa trong khung cảnh hiện đại, Lukács muốn nhắc đến việc đặt lại vấn đề do Lucien Goldmann nêu ra ảnh hưởng của GuK đối với Heidegger (Goldmann dẫn hai đoạn trong SuZ đề cập đến 'vật hóa của ý thức’: “Tình trạng sự vật hàm ngụ trong vật hóa như vậy phải có nguyên ủy hữu thể luận được chứng thực cho người ta có thể hiểu một cách tích cực bởi hữu thể không bị vật hóa của chủ thể, hồn, ý thức, tinh thần, con người.” Và một đoạn khác cuối sách:”Chúng ta đã biết từ lâu là hữu thể luận cổ điển bàn đến “những khái niệm vật hóa” và mối hiểm nguy của “ý thức vật hóa”). Nhưng vật hóa mang ý nghĩa gì? Nó phát xuất từ đâu? Thực ra khái niệm “vật hóa của ý thức”(Verdinglichung des Bewusstsein) đã là vấn đề được nói tới trong triết học của Emil Lask (người có ảnh hưởng đến cả Lukács và Heidegger) khi Lask nói tới mối đe dọa của vật hóa bắt nguồn từ chủ nghĩa tự nhiên của thế kỷ 19. Từ ngữ “vật hóa” cũng được Max Weber dùng trong tác phẩm Kinh tế và Xã hội (Wirtschaft und Gesellschaft) khi nói đến những khái niệm bị vật hóa. Khái niệm vật hóa như Jacques Lacan chỉ ra là mối quan tâm của thời đại trong Hội luận (Le Séminaire, livre VII, L'éthique de la psychanalyse, 1959-60).
Trong GuK, tiểu luận Vật hóa và Ý thức của giai cấp vô sản (Die Verdinglichung und das Bewusstsein des Proletariats) chiếm một phần ba sách ghi một dấu mốc quan trọng trong lý luận mác-xít vì:
Vấn đề vật hóa trở thành một chủ đề đặc sắc của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ hai mươi, phân biệt “chủ nghĩa Mác phương tây” với “chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Quan niệm tự nhiên là một phạm trù xã hội và chỉ có một phương pháp biện chứng lịch sử khả hữu, trái với quan niệm của Engels áp dụng vào tự nhiên.
Chỉ ra những nghịch lý của tư tưởng của giai cấp tư sản vì triết học hiện đại bắt nguồn từ cấu trúc vật hóa của ý thức.
Khái niệm tổng thể là cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và giai cấp vô sản là một thực tại xã hội chủ thể hành động thống nhất hai mặt khách thể-chủ thể.
Khởi từ những phân tích kinh tế của Marx, ý hướng nghiên cứu bản chất của cơ cấu hàng hóa của Lukács không phải ở chính vấn đề kinh tế nhưng từ tính chất sùng bái hàng hóa để phát hiện những vấn đề ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản.
Hiện tượng vật hóa bắt nguồn từ những phân tích cấu trúc hàng hóa - do đó vật hóa là vấn đề cơ cấu then chốt của xã hội tư bản về mọi mặt. Trong xã hội tư bản, những phạm trù kinh tế như hàng hóa và lao động tương ứng với hình thái biểu hiện trực khởi của những điều kiện kinh tế. Trong Tư bản (Kapital I), Marx đã mô tả hiện tượng cơ bản của vận động này qua nhận xét hàng hóa trở thành một sự vật huyền hoặc vì tính cách xã hội trong lao động của con người đối với họ như một tính cách khách thể in dấu ấn trên sản xuất lao động, nên quan hệ của người sản xuất với toàn bộ lao động của họ biểu hiện như một quan hệ xã hội, không phải giữa họ mà là giữa những sản phẩm lao động của họ, nghĩa là hàng hóa và quan hệ con người chỉ là quan hệ sự vật. Như vậy không phải từ một khái niệm về tha hóa được triển khai, mà chính từ ý niệm về tính sùng bái hàng hóa, Lukács đã phân tích vấn đề vật hóa. Trong phát triển khái niệm này, rõ rệt là những phân tích về hợp lý hóa lao động, tha hóa chất thành lượng, thời tính không gian hóa, tha hóa lao động trong vận động trừu tượng của lao động như Lukács ghi nhận:
“Như vậy tính phổ biến của hình thái hàng hóa xác định về cả hai mặt khách quan và chủ quan một sự trừu tượng hóa lao động của con người, hiện thể trong hàng hóa”(Die Universalitat der Warenform bedingt also sowohl in subjektiver wie in objektiver Hinsicht eine Abstraktion der menschlichen Arbeit, die sich in den Waren vergegenstandlicht).
Về mặt khách quan, vật hóa có nghĩa là tạo ra một bản chất thứ hai của những sự vật giả này. Về mặt chủ quan, lao động của con người bị tha hóa trong hành tác vật hóa này. Như vậy quan hệ vật hóa và tha hóa mật thiết nhưng không phải là một. Trừu tượng hóa lao động là nguyên lý đích thực quản lý quá trình sản xuất cụ thể ra hàng hóa, còn hợp lý hóa trong công nghiệp hiện đại khởi từ đầu thế kỷ hai mươi là xu hướng thủ tiêu dần dà những thuộc tính cá thể, có phẩm chất con người nơi người lao động (immer starkere Ausschaltung der qualitativen, menschlich-individuellen Eigenschaften der Arbeiters). Thế giới vật hóa là một thế giới của lượng, ở đó nguyên tắc hợp lý hóa xây dựng trên cái gì có thể tính toán được. Như Marx đã chỉ ra trong Sự lầm than của triết học (Misère de la philosophie): Phẩm không còn quan trọng, chỉ có lượng quyết định mọi sự. Khái niệm lao động trừu tượng nơi Marx tương ứng với khái niệm thuần lý hóa hình thức nơi Max Weber. Quá trình hợp lý hóa làm việc có nghĩa là phân tán đối tượng sản xuất, cũng như làm manh mún chủ thể sản xuất, điển hình của thời đại mới này là hệ thống làm việc kiểu Taylor. Cơ hữu hóa, khả năng tính toán, chuyên biệt hóa, thư lại hóa, mọi bộ diện của đời sống được chuẩn tiêu và giản trừ vào những thành tố, có nghĩa là toàn bộ hoạt động của con người như vậy đã bị tha hóa. Quan điểm này phản ảnh phản ứng chung của nhiều xu hướng tư tưởng đầu thế kỷ này. Tuy nhiên Lukács nhìn ra điểm chủ yếu là “trong khi hệ thống tư bản tiếp tục sản xuất và tái sản xuất chính nó về mặt kinh tế trên những cấp độ ngày càng cao hơn thì cấu trúc vật hóa càng chìm ngập sâu xa, thảm hại và nhất định hơn trong ý thức của con người”. Những hiện tượng như công nhân trở thành một người chứng kiến cá thể, thụ động trong quá trình hoạt động manh mún của họ là đối tượng của một quá trình họ chỉ có thể quan sát, chứ không thể kiểm soát hay biến đổi được. Thế giới vật hóa xuất hiện rõ ràng là thế giới khả hữu duy nhất đối với con người. Cũng chính trong viễn quan đó, “triết học phê phán hiện đại bắt nguồn từ cấu trúc vật hóa của ý thức” (aus der verdinglichten Strukture des Bewusstseins ist die moderne kritische Philosophie entstanden) mở đầu phần thứ hai những nghịch lý trong tư tưởng tư sản của bài viết về vật hóa trong GuK. Triết học phê phán hiện đại Lukács nói đến ở đây là triết học khởi từ Kant (trong khung cảnh thời đại của Lukács, triết học tân-Kant đang ngự trị tư tưởng tây phương). Triết học này giới hạn trong việc tìm hiểu “những điều kiện khả hữu”(Bedingungen der Moglichkeit) của giá trị những hình thái ở đó hiện hữu biểu hiện, triết học này ở trong cùng một quan hệ với những khoa học đặc thù, như Lukács nhận định không vượt khỏi giới hạn của thế giới vật hóa, nghĩa là mất tổng thể, mất bản thể có năng động lịch sử. Ở đây mục tiêu của Lukács không phải đi trình bày một lịch sử về triết học hiện đại, nhưng muốn phác thảo mối liên hệ toàn bộ (Zusammenhang) giữa những vấn đề cơ bản của triết học này với cơ sở hữu thể khởi từ đó xuất phát những vấn đề này và nỗ lực quay về bằng phương tiện nhận thức.
Trước tiên là viễn tượng thế giới, một thế giới vật hóa ở đó tính thuần lý như thế lý tính triển khai của thế giới tư bản tạo ra những bái vật, giá cả như thể sinh hoạt của con người. Khi đi phân tích triết học cận hiện đại, Lukács nhằm lý giải mặt khả hữu chủ quan của biện chứng về vật hóa. Những nghịch lý hàm chứa trong triết học này khởi từ Kant với khái niệm vật-tự-thân chỉ ra bản chất không thể xâm nhập của sự vật qua nhận thức và sự bất lực của những phạm trù nhận thức nhằm tổng hợp cái toàn thể thuần lý. Fichte và Hegel đã có những nỗ lực phá bỏ khái niệm chủ thể trong triết học thực tiễn của Kant trong biện chứng lịch sử khi cụ thể hóa chủ thể lịch sử, tuy nhiên cái khái niệm tinh thần dân tộc (Volkgeister) chỉ là công cụ của một tinh thần thế giới (Weltgeist) mang tính huyền hoặc. Nếu lịch sử là công trình của một chủ thể tuyệt đối thì nó xa lạ với lý trí nhân loại và làm vật hóa chủ thể là con người. Cho nên những nghịch lý trong tư tưởng tư sản dẫn đến những yêu cầu về một khái niệm thuần lý mới. Cũng như Marx và Engels đã nhận định là phong trào công nhân kế thừa di sản của triết học cổ điển Đức, Lukács khi đi phân tích triết học này đã chỉ ra phương pháp biện chứng là phương pháp thực sự đã thống nhất chủ thể và khách thể mà vai trò lịch sử của nó là giai cấp vô sản:
Cái ưu thế lớn lao vượt khỏi Hegel được tạo bởi quan điểm khoa học của giai cấp vô sản thể hiện nơi chủ nghĩa Mác dựa vào việc từ chối xem trong những phạm trù phản ánh như một giai đoạn “thường trực” của tri thức nhân loại và trong việc nhấn mạnh đến điều là những phạm trù này thiết yếu cho mẫu mực của cả tư tưởng và đời sống trong xã hội tư bản, trong vật hóa tư tưởng và đời sống.(Der grosse Schritt, den der Marxismus als wissenschaftlicher Standpunkt des Proletariats hier uber Hegel hinaus vollzieht, besteht darin, dass er die Reflexionsbestimmungen nicht als eine “ewige” Stufe des Erfassens der Wirklichkeit uberhaupt, sondern als die notwendige Existential- und Denkform der burgerlichen Gesellschaft, der Verdinglichung des Seins und des Denkens begreift und damit in der Geschichteselbst die Dialektik entdeckt)
Triết học cổ điển như Lukács chỉ ra là không thể giải quyết những nghịch lý, tuy nhiên sự liên tục của vận động này ít ra về mặt phương pháp đã khởi sự chỉ ra một con đường vượt khỏi những hạn chế, đó là “phương pháp biện chứng như một phương pháp lịch sử thực giành cho giai cấp có thể phát hiện trong nó trên cơ sở kinh nghiệm-đời sống chủ thể-khách thể đồng nhất vốn là, chủ thể của hành động, cái “chúng tôi” của khởi sinh: giai cấp vô sản.”(Die fortsetzung jener Wendung ihres Weges, die wenigstens methodisch uber diese Schranken hinauszuweisen begann, die dialektische Methode als Methode der Geschichte ist jener Klasse vorbehalten geblieben, dia das identische Subjekt-Objeckt, das Subjekt der Tathandlung, das “Wir” der Genesis von ihrem Lebensgrund aus in sich selbst zu entdecken befahigt war: dem Proletariate).
Tại sao lại là vô sản? Bởi vì giai cấp vô sản đúng ở tiêu điểm của quá trình xã hội hóa. Trong khi lao động chuyển hóa thành hàng hóa, những yếu tố người đã bị tước đọat từ sự hiện hữu trực tiếp của giai cấp vô sản; mặt khác cũng sự phát triển này tiêu hủy mọi mối giây liên hệ hữu cơ với tự nhiên. Chính trong sự khách thể hóa, thuần lý hóa và vật hóa mọi hình thái xã hội đã làm nổi bật những quan hệ giữa người với người chỉ ra: một là, con người vốn là cơ sở cốt lõi của mọi quan hệ bị vật hóa chỉ được phát hiện khi thủ tiêu sự trực tiếp của những quan hệ này; hai là những biểu hiện này không phải là những cách thế tư tưởng mà là những hình thái trong đó xã hội tư sản hiện đại bị khách thể hóa, do đó sự xóa bỏ những biểu hiện này phải có tính cách thực tiễn; mặt khác thực tiễn này gắn liền với nhận thức. Nếu như Hegel quan niệm biện chứng là quá trình nội tại của siêu vượt, thì biện chứng ở đây không phải từ bên ngoài đưa vào lịch sử mà bắt nguồn từ lịch sử có ý thức và vô sản thể hiện quá trình ý thức này. Lukács nhận định, giai cấp vô sản như Marx đã nói chỉ việc giải phóng những thành tố của xã hội mới đã có mầm mống từ sự tan rã của xã hội tư bản, mặt khác phải đòi hỏi một thành tố mới, đó là ý thức của giai cấp vô sản phải trở thành hành động. Đối với giai cấp tư sản, thế giới vật hóa xuất hiện như thế vĩnh viễn, còn đối với giai cấp vô sản, vật hóa không là một hạn chế nhất định mà chỉ có tính lịch sử, với mối quan tâm là làm thế nào giải phóng chính nó. Cho nên sự hiện hữu xã hội của giai cấp vô sản hàm chứa khả năng khách quan siêu vượt lên trên vật hóa. Biến ý thức thành hành động một khi ý thức ở đây không phải là nhận thức về một khách thể dối lập mà là tự thức “đem lại một sự biến đổi cấu trúc khách quan trong đối tượng nhận thức” (vollbringt eine gegensatandlische struktive Veranderung am Objekt ihrer Erkenntnis). Lukács nhấn mạnh, chỉ có ý thức giai cấp thực tiễn của vô sản mới có khả năng biến đổi mọi sự:
“Bất kỳ biến đổi nào cũng chỉ có thể là do hành động tự do của chính vô sản”(Diese Verwandlung selbst kann aber nur die - freie - Tat des Proletariats selbst sein),
Lý luận biện chứng về ý thức giai cấp của Lukács đem lại điều gì mới cho chủ nghĩa Mác? Như đã nói đến ở phần trên, khi phân tích hiện tượng vật hóa Lukács đã làm nổi bật một khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác về tha hóa, ngụy thức và khái niệm tổng thể là cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Mặt khác ông đã phân tích những nét cơ bản trong lý luận về giai cấp xã hội mà Marx chưa triển khai trên bình diện hữu thể luận. Lukács xác định: giai cấp trở thành cả chủ thể lẫn đối tượng của nhận thức và trong đường lối đó đã nắm được lý luận trực tiếp và chính đáng trong quá trình cách mạng của xã hội. Lukács cũng phê phán Engels triệt để trong bài Chủ nghĩa Mác chính thống là gì? khi chỉ ra là Engels đã không nhìn ra mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể và khách thể trong quá trình lịch sử. Chính vì thế Engels đã sai lầm khi khai triển phương pháp biện chứng áp dụng vào lãnh vực tự nhiên, trong khi thực ra những thành tố cốt lõi của phương pháp biện chứng không có được từ nhận thức của chúng ta về tự nhiên (in der Naturerkenntnis nicht vorhanden sind). Do đó có sự khác biệt cơ bản giữa lý luận xã hội triệt để và khoa học tự nhiên: Lý tưởng nhận thức của khoa học tự nhiên đem áp dụng vào tự nhiên thực sự đã thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học. Nhưng khi đem áp dụng vào xã hội, nó trở mặt thành một vũ khí tư tưởng cho giai cấp tư sản.(Das Erkenntnisideal der Naturwissenschaften, das auf die Natur angewendet bloss dem Fortschritt der Wissenschaft dient, erscheint auf die gesellschaftliche Entwicklung gerichtet als ideologisches Kampfmittel der Bourgeoisie). Ở đây Lukács muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa phương pháp biện chứng với những chủ nghĩa duy vật thông tục, đặc biệt là chủ nghĩa Mác trong phong trào Quốc tế Hai. việc tách rời khoa học tự nhiên và xã hội, đi ngược với quan niệm của Engels, chịu ảnh hưởng sâu sắc Dilthey và nhiều nhà tư tưởng cùng thời đại. Tuy nhiên trong phần cuối tiểu luận Vật hóa và Ý thức vô sản Lukács trở lại quan điểm của Hegel khi phân định biện chứng tíêu cực với biện chứng tích cực, do đó thiết yếu diễn giải sự tách rời những biện chứng khách quan của tự nhiên với biện chứng của xã hội, bởi vì “trong biện chứng của xã hội chủ thể được bao gồm trong quan hệ hỗ tương, trong đó lý luận và thực tiễn trở thành biện chứng khi đối chiếu lẫn nhau”. Để giải quyết nghịch lý này, Lukács quan niệm “tự nhiên là một phạm trù xã hội”(Natur ist eine gesellschaftliche Kategorie) trong Chức năng biến đổi của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho nên trong đoạn dẫn trên, ông ghi nhận sự phát triển của nhận thức về tự nhiên là một hiện tượng xã hội và như vậy bao gồm trong loại biện chứng xã hội. Một quan niệm như vậy giả định là khoa học tự nhiên như một tri thức gắn liền với xã hội, ở đây là xã hội bị vật hóa - một khi thủ tiêu được hiện tượng vật hóa tất phải có một khoa học mới? Sự biến đổi xã hội cũng như giải quyết những “nghịch lý của tư tưởng tư sản” không thể chỉ bằng một lý luận khác, mà phải nhờ vào cách mạng xã hội cách mạng vô sản để giải quyết những vấn đề tri thức này?