Chương 7

Những người Mác-xít như Lukács, Louis Althusser đều coi Marx đã xây dựng một lý luận mới về lịch sử làm cơ sở cho chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tuy nhiên sự khác biệt trong quan niệm thế nào là lịch sử đã phân định rõ rệt hai hướng đi của những người thừa kế Marx: một bên là những người chịu ảnh hưởng phương pháp biện chứng Hegel, một bên là những người phủ nhận biện chứng Hegel.
Trong xu hướng thứ nhất, phải kể Lenin, Lukács, K. Korsch, E. Bloch, Henri Lefebvre, Kojève, H. Marcuse với quan điểm không có biện chứng pháp Hegel, không thể có chủ nghĩa duy vật lịch sử Mác-xít. Có thể nói đặc điểm chung của chủ nghĩa Mác phương tây là bắt nguồn từ mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác với Hegel, như Iring Fetscher đã nhái một câu nói của Fichte: "hãy nói cho tôi biết bạn xác định quan hệ giữa Marx và Hegel ra sao, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn đã theo loại chủ nghĩa Mác nào".
Trong xu hướng thứ hai, những người Stalinít như R.O. Gropp, những người Mácxít Ý như G. Della Volpe, Lucio Coletti hay theo cấu trúc luận như Louis Althusser lý giải trong khi phê phán Hegel, Marx đã đối lập với tư tưởng của Hegel. Della Volpe trong Khoa luận lý như một khoa học thực nghiệm/Logica come scienza positiva trích dẫn lời Lenin trong Những người bạn dân là gì và họ đã chiến đấu những người dân chủ xã hội ra sao? đả kích "những lý luận về triết học lịch sử [của những tư tưởng tư sản Anh và tiểu tư sản dân chủ Nga] bùng lên và nổ như những bọt xà bông...[trong khi] Marx đã thực hiện bước tiến vĩ đại trong việc nhận thức được những mối quan hệ xã hội thực rõ ràng ở chỗ ông đã loại bỏ những lý lẽ của họ về xã hội và tiến bộ nói chung trong khi xây dựng một phân tích khoa học về một xã hội và một tiến bộ - tư bản chủ nghĩa", và chống lại lý luận của những nhà duy vật vẫn còn xây dựng phép biện chứng trên cơ sở tam thế [đề-phản đề-hợp đề] là tàn tích của chủ nghĩa Hegel. Della Volpe khái quát phê phán của Marx về phương pháp biện chứng huyền hoặc nơi Hegel đã chỉ ra, một là khái niệm về cái thống nhất nguyên ủy là tiêu chuẩn cơ bản giáo điều của biện chứng Hegel (vì nó dẫn đến khái niệm về một cái thống nhất hình thức, trừu tượng chỉ tạo ra phức hợp hình thức trong quá trình hủy thể của hủy thể), hai là quan niệm giáo điều này về cái thống nhất bất động, thần học huyền bí không là gì khác hơn một phân rã triết lý của thế giới kinh nghiệm. Do đó cần có một biến đổi triệt để trong phương pháp triết lý. Lucio Coletti lý giải nếu Marx có rút ra được những bài học từ nơi Hegel, đó là một cảm quan sâu sắc về sự thống nhất của quá trình luận lý và quá trình thực, nghĩa là nguyên lý về thống nhất của tư duy và hữu thể, điều mà Hegel đã ngăn trở từ khởi đầu về sự khu biệt thực sự. Trong Chủ nghĩa Mác và Hegel/Il Marxismo e Hegel Coletti phê phán quan niệm về "biện chứng vật chất" mà Engels và Lenin lý giải trên tư tưởng Hegel vì khi Lenin thử đọc Hegel trên "bình diện duy vật" ngay trên vị trí mà Hegel phủ nhận vật chất - một sai lầm đã làm cơ sở cho gần một thế kỷ lý luận của chủ nghĩa Mác.
Louis Althusser cũng bắt đầu từ Những người bạn dân là gì của Lenin như Della Volpe khi khẳng định "phương pháp của Marx là đối lập trực diện với phương pháp của Hegel" và sự phi lý của những luận điểm nào quy kết chủ nghĩa Mác vào phép biện chứng của Hegel. Trong những tác phẩm Vì Marx (Pour Marx 1965), Đọc Tư bản (Lire le Capital 1965/68), Lenin và triết học (Lénine et la philosophie 1969) và bài thuyết trình Về quan hệ Marx với Hegel trong Hội luận của Jean Hyppolite năm 1968 Althusser đưa ra năm đề cương nói về mối hợp nhất giữa phong trào công nhân và lý luận mác-xít, phát hiện khoa học của Marx trong xây dựng một khoa học lịch sử làm biến đổi triết học và sự đoạn tuyệt của Marx với chủ nghĩa nhân bản lý thuyết. Những kết luận về một cuộc cách mạng trong khoa học như Marx đã hình thành nên một khoa học lịch sử khả hữu trên phương diện hình thức và cách mạng trong triết học khi chỉ ra khái niệm lịch sử như một quá trình không chủ thể, không phải ngẫu nhiên mà là những thành tựu qua một diễn tiến trí thức lâu dài.
Thật vậy, khởi sự của luận điểm phủ nhận vai trò của Hegel trong quan hệ tư tưởng với Marx và Lenin là công trình đọc và nghiên cứu rốt ráo về tư tưởng của Hegel. Louis Althusser khởi thảo một luận án Về nội dung trong tư tưởng của Hegel vào năm 1947.
Được đào tạo trong trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm, Althusser đã chịu ảnh hưởng của những người thày như J. Hyppolite và đặc biệt là Trần Đức Thảo làm trợ giáo (caiman) trong thời gian Althusser theo học với những bài viết như Biện chứng Hegel và nội dung thực của nó đăng trong Les Temps Modernes (1948). Thảo quan niệm "chính vì nội dung trong tư tưởng Hegel bao dung hầu như toàn bộ lịch sử thế giới bắt nguồn chủ yếu từ thực tại khách quan và nói cho cùng hàm ngụ một chủ nghĩa duy vật dấu mặt mà Hegel có thể phát triển quan niệm về chuyển biến và phương pháp biện chứng làm những tiền đề thực sự cho tư tưởng mác-xít."(C'est précisement parce que le contenu de la pensée hégélienne, enveloppant la presque totalité de l'histoire mondiale, tire son origine essentiellement de la réalité objective et implique en dernière analyse un matérialisme caché que Hegel a pu élaborer la conception du devenir et la méthode dialectique, qui furent les prémisses de fait de la pensée marxiste). Trong luận án nói trên, Althusser muốn chỉ ra rằng mặc dầu vào thời đại ông "Hegel sống lại trong chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện sinh và phát-xít, còn cái hình xác những chân lý của Hegel chỉ là cái thi thể trong lịch sử phơi bày sự tan rữa của nó như 'một hiện hữu không có khái niệm', một nội dung không hình thức". Nỗ lực cách mạng trong phong trào mác- xít có thể coi như sự tái chiếm "những phạm trù kinh tế bằng gia bội vật chất nhân tính nghĩa là chiếm hữu hình thức bằng nội dung". Đó là lý do phong trào mác-xít là một chủ nghĩa duy vật, chủ trương vật chất ngự trị, "nhưng đồng thời cũng là một chủ nghĩa nhân bản, vì vật chất này là vấn đề người, chiến đấu chống những hình thái phi nhân". Tuy nhiên Althusser tiên liệu khi kết luận là tương lai ở nơi những vận động bí mật của nội dung hiện tại, hãy còn trong toàn vùng tăm tối cần được soi sáng.
Từ năm 1950 sau khi gia nhập đảng cộng sản, Althusser đưa ra một cái nhìn phê phán về hiện tượng trở về với Hegel khi nhận xét là những lý giải tư sản về Hegel trong hình thái tạo biện chứng trở thành huyền hoặc nhằm biến dạng cái hiện hữu khả dĩ có thể gọi nô dịch là tự do, bóc lột là lương tri, gây chiến là bảo vệ con người, thậm chí nhìn nhận chiến tranh bạo động là cơ sở chân thực của biện chứng huyền hoặc. Althusser bài bác những luận điểm phục hồi ảnh hưởng của Hegel trong chủ nghĩa Mác và đưa ra một lý luận xây dựng chủ nghĩa Mác hoàn toàn lại bỏ những đối chiếu với học thuyết của Hegel. Ông lý luận:
"Con người đi bằng đầu, rốt cuộc đi bằng chân cũng vẫn cùng là một người! Và một triết học dẫu có đảo ngược chỉ có thể coi không gì khác hơn triết học nghịch đảo bởi một ẩn dụ lý luận: quả thực cấu trúc của nó, những vấn đề, ý nghĩa của những vấn đề của
nó vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi cùng vấn tính đề ra (même problématique)."
Để giải quyết những nghịch lý đề ra ngay trong những bản văn của Marx như vấn đề "hạt nhân hợp lý", "vỏ huyền bí" khi liên hệ đến triết học và biện chứng Hegel, Althusser quan niệm phải có "một sự đoạn tuyệt lớn lao với những nguồn gốc, một cuộc đấu tranh anh hùng chống lại những ảo tưởng Marx thừa kế từ nước Đức nơi ông sinh ra". Cái vấn tính Althusser nói đến là cấu trúc tiềm tàng xác định cái thống nhất của một hệ tư tưởng mà sự tách rời một nhân tố cá thể sẽ làm sai lạc ý nghĩa của nó. Sự đoạn tuyệt với tư tưởng "thời Marx trẻ", Althusser gọi là một "đoạn tuyệt nhận thức", nhờ đó Althusser có thể quan niệm khác biệt giữa lý luận của Marx và biện chứng Hegel có tính cách nội tại, nghĩa là một đằng thuần lý còn một đằng là huyền hoặc. Như vậy cấu trúc của biện chứng mác-xít khác với biện chứng của Hegel: những cấu trúc cơ bản của biện chứng Hegel như hủy thể, hủy thể của hủy thể, tính đồng nhất giữa những mặt đối lập, mâu thuẫn... nơi Marx có một cấu trúc hoàn toàn khác. Lấy một thí dụ như khái niệm về mâu thuẫn như luận điểm của Lenin về nước Nga là khâu yếu nhất trong chuỗi những nước đế quốc là vì "nó tích tụ một lượng số lớn nhất những mâu thuẫn có thể khả hữu"(elle cumulait la plus grande somme de contradictions alors possibles). Sự khác biệt giữa mâu thuẫn trong biện chứng Hegel với Marx ở chỗ một đằng đơn giản, còn một đằng có tính siêu quyết định (surdéterminé):
"Mâu thuẫn không thể tách rời với cấu trúc của toàn thể bộ phận xã hội mà nó diễn ra trong đó, không thể tách rời với những điều kiện hình thức về sự hiện hữu của nó cũng như ngay chính những trường hợp nó chi phối,...nó cũng bị ảnh hưởng bởi những trường hợp và điều kiện này ngay trong lòng mâu thuẫn, xác định và bị xác định trong cùng một vận động, và bị xác định bởi những mức độ khác nhau và những trường hợp khác nhau trong hình thái xã hội mà nó điều động: có thể nói nó bị siêu quyết định trong nguyên tắc của nó."(La 'contradiction' est inséparable de la structure du corps social tout entier, dans lequel elle s'exerce, ins“parable de ses conditions formelles d'existence, et des instances même qu'elle gouverne,...elle est donc elle-même, en son coeur, affectée par elles, déterminante mais aussi déterminée dans un seul et même mouvement, et déterminée par les divers niveaux et les divers instances de la formation sociale qu'elle anime: nous pourrions la dire surdéterminée dans son principe).
Trong thí dụ đề cập nơi trên, Althusser nhận định Lenin đã đúng khi nhận ra những điều kiện khách quan của cuộc cách mạng Nga vì trong hoàn cảnh cách mạng, Nga là khâu yếu nhất trong chuỗi mắt xích đế quốc, đồng thời nó cũng là nước lạc hậu và tiên tiến nhất, nên một mâu thuẫn lớn lao không thể tránh khỏi cũng như không thể giải quyết, giữa một cuộc cách mạng tư sản xảy ra ngày hôm trước cách mạng vô sản, thúc đẩy những điều kiện chủ quan để thực hiện hai cuộc cách mạng. Toàn bộ kinh nghiệm cách mạng mác-xít chứng tỏ mâu thuẫn chung như mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất hiện thể nơi mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng tự nó không đủ để tạo cách mạng, cho nên tất yếu nó phải phối hợp với những mâu thuẫn khác trong một thể thống nhất cấu tạo bởi chính bản chất và kỳ thành của chúng. Mọi mâu thuẫn trong một hình thái xã hội đều có tính siêu quyết định như thế. Mâu thuẫn của Hegel không bao giờ thực sự có tính siêu quyết định vì những hình ảnh của ý thức và những thế giới tiềm tàng tương ứng với những hình ảnh này không là những xác định kỳ thành khác biệt với ý thức mà chỉ là "những tiếng vọng của những gì nó trở thành như thể những dự kiến của chính nó". Lấy thí dụ ngay trong chính Triết học về Lịch sử của Hegel. Mọi xã hội lịch sử được cấu tạo bởi vô số những tất định cụ thể, từ luật lệ chính trị đến tôn giáo qua mọi thể chế kinh tế, phong tục, giáo dục, văn nghệ...nhưng những tất định này chủ yếu không ở ngoài những cái khác vì tất cả cấu thành một tổng thể cơ hữu, được phản ánh trong một nguyên lý tự nội duy nhất, là chân lý của những tất định cụ thể này. Sự giản lược tổng thể này vào một nguyên lý tự nội duy nhất chỉ khả hữu trên điều kiện tuyệt đối là làm tha hóa (Entausserung-Entfremdung) toàn bộ đời sống cụ thể của một dân tộc vào một nguyên lý tinh thần tự nội, hình thái trừu tượng nhất của ý thức của thời đại, chính là hệ tư tưởng của nó. Đó là lý do tại sao cái "vỏ huyền bí" tác động vào "hạt nhân" cũng như tại sao Hegel có thể biểu thị lịch sử hoàn vũ từ cổ đại phương Đông đến hiện tại có tính "biện chứng" điều động bởi một nguyên lý mâu thuẫn "đơn giản". Theo Althusser, Hegel giải thích đời sống vật chất, lịch sử cụ thể của mọi dân tộc bằng một biện chứng của ý thức, trong khi đối với Marx, đời sống vật chất của con người giải thích lịch sử của họ. Với Hegel, chính trị-tư tưởng là bản chất của kinh tế còn đối với Marx, kinh tế là bản chất của chính trị-tư tưởng. Marx không còn sử dụng những từ ngữ theo kiểu Hegel nữa mà cả từ ngữ lẫn quan hệ đều biến đổi từ bản chất lẫn ý nghĩa. Do đó những khái niệm về xã hội công dân không xuất hiện trong tác phẩm của Marx nữa, thực tại kinh tế trừu tượng chỉ là hậu quả của một thực tại cụ thể sâu sắc hơn, đó là phương thức sản xuất của một hình thái xã hội nhất định. Mức độ phát triển của những lực lượng sản xuất, tình trạng của những quan hệ sản xuất từ nay là những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác, cũng như khái niệm về giai cấp xã hội biến đổi bản chất của Nhà nước, bởi đây là công cụ của giai cấp thống trị.Cho nên những khái niệm như "đảo nghịch"(Verkehrung), "thăng hoa"(Aufheben) không mang cùng ý nghĩa nơi Hegel và Marx. Với tính siêu quyết định của bất kỳ mâu thuẫn và nhân tố cấu thành nào của một xã hội hàm ý là một cách mạng trong cấu trúc tự bản thân không biến đổi những thượng từng cấu trúc và đặc biệt là những hệ tư tưởng cùng lúc vì chúng có đủ kiên trì để tồn tại, cũng như xã hội mới do Cách mạng tạo ra có thể vẫn bảo đảm sự tồn tại của những nhân tố này thông qua những thượng từng cấu trúc và những "hoàn cảnh" mới. Một sự phục hoạt như vậy hoàn toàn không thể quan niệm được bởi một biện chứng không có tính siêu quyết định.
Để kết thúc cho bài viết về Mâu thuẫn và siêu quyết định trong tập Vì Marx, Althusser nghĩ là một quan niệm chân xác về những khái niệm và sự phát triển của chủ nghĩa Mác cần phải thoát ra những bóng ma, mà "hơn bao giờ hết phải nhìn thấy trong hiện tại một trong những bóng ma đầu tiên là bóng ma Hegel. Cần phải thêm một chút ánh sáng nữa trên Marx để cho bóng ma này trở lại đêm tối."(plus que jamais il importe de voir aujourd'hui qu'un des premiers fantômes est l'ombre de Hegel. Il faut un peu plus de lumière sur Marx, pour que ce fantôme retourne à la nuit).
Sau khi đã loại ảnh hưởng của Hegel khỏi chủ nghĩa Mác, có nghĩa là ảnh hưởng của những tư trào thời đại với những lý luận về tha hóa, nhân bản, Althusser muốn chứng tỏ về mặt lý luận "chủ nghĩa Mác từ cùng một vận động cũng như từ cơ sở đoạn tuyệt nhận thức là một chủ nghĩa chống nhân bản, chống duy sử". Ông coi Spinoza là tiền nhân duy nhất trực tiếp của Marx khi ông chỉ ra là Marx đã áp dụng lối nghiên cứu thuần lý, toán học vào nghiên cứu xã hội, phân biệt đối tượng của tư duy với đối tượng thực (Spinoza đã cảnh báo chúng ta là đối tượng của nhận thức tự nó tuyệt đối phân biệt với đối tượng thực, như ý tưởng của vòng tròn, là đối tượng của nhận thức thì không thể lẫn lộn với vòng tròn, vốn là đối tượng thực). Althusser dẫn ra trong Grundrisse của Marx, phê phán
"Hegel rơi vào ảo tưởng quan niệm cái thực (das Reale) là kết quả của tư tưởng tự thâu tập, tự đào sâu và tự vận động nơi tự thân, trong khi phương pháp đi từ trừu tượng lên đến cụ thể mới chính là phương thức để tư duy chiếm hữu cái cụ thể và tái sản xuất nó như một cụ thể tinh thần (Hegel geriet daher auf die Illusion das Reale als Resultat des sich in sich zusammenfassenden, in sich vertiefenden, und aus sich selbst sich bewegenden Denkens zu fassen, wahrend die Methode vom Abstrakten zum Konkreten aufzusteigen, nur die Art fur das Denken ist, sich das Konkrete anzueignen, es als ein geistig Konkretes zu reproduzieren. Grundrisse der Kritik der Politischen Oekonomie). Để chống lại sự lẫn lộn này, Marx chủ trương phân biệt giữa đối tượng thực (objet réel) (cái tổng thể thực tồn tại trong sự độc lập của nó, trước cũng như sau, bên ngoài đầu óc) với đối tượng của nhận thức, sản phẩm của tư duy tạo ra nó trong chính nó như một tư duy-cụ thể (Gedankenkonkretum), như một tư duy-tổng thể (Gedankentotalitat), nghĩa là như một đối tượng của tư duy (objet de pensée), tuyệt đối phân biệt với đối tượng thực.
Để đọc Marx, Althusser đề nghị một cách đọc mới, ông gọi là đọc theo triệu chứng (lecture symptômale) để chống lại kiểu đọc văn chỉ thấy trong những lý lẽ sự liên tục của bản văn. Khái niệm này Althusser mượn lại của Freud (trong phân tâm học, đó là cách lý giải những giấc mộng và những hiện tượng trong khoa tâm trị liệu của đời sống hàng ngày) vì đọc không phải đi kiểm tra và nhìn mà là xây dựng lại những điều kiện của chính thị giác trong trường của một vấn tính và ghi nhận những nguyên nhân cấu trúc (causes structurales) của giới hạn cũng như sự triển khai của nó:"Chỉ kể từ Freud, chúng ta mới bắt đầu nghi ngờ điều gì nghe cũng như nói (và giữ im lặng) muốn nói gì; và cái muốn nói (vouloir dire) này của nói và nghe vén mở bên dưới cái vô tội của nói và nghe là cái chiều sâu tội lỗi của một diễn ngôn thứ hai, hoàn toàn khác, diễn ngôn của vô thức". Vì vậy trong Đọc bộ Tư bản Althusser ghi nhận:
"Marx không suy nghĩ về mặt lý luận, dưới một hình thức chính đáng và phát triển, khái niệm và những hàm ngụ lý luận trong tiến trình cách mạng về mặt lý luận."
Trong tác phẩm này của Marx có những chỗ khuyết, "những lầm lẫn lý thuyết" cho nên:
"Cần một bản đọc 'có triệu chứng' để những lầm lẫn này dễ nhận ra và để nhận diện" cái diễn ngôn hiển lộ của bản văn là cái diễn ngôn thầm lặng liên kết những "triệu chứng" của vô thức chôn dấu dưới mặt diễn ngôn đầu. Ông phân biệt hai trình độ đọc Marx,
"không những chỉ ở điều Marx nói mà ở điều Marx làm, chúng ta có thể nắm được sự chuyển nhượng từ một ý tưởng và thực tiễn của việc đọc ban đầu sang một thực tiễn đọc mới, cũng như sang một lý luận về lịch sử khả dĩ cung cấp cho chúng ta một lý luận mới về đọc". Cho nên khi Marx đọc Smith hay Ricardo, không phải ông chỉ nhìn ra những quan điểm của họ mà Marx đưa ra một chiều hướng phương pháp luận mới: phê phán, "phê phán kinh tế chính trị học ở đây không có nghĩa là phê phán hay sửa đổi một vài điều không chính xác hoặc một vài chi tiết trong khoa học này...mà là đối đầu nó với vấn tính mới và đối tượng mới, nghĩa là tra hỏi chính đối tượng của kinh tế chính trị học."
Điều đó có nghĩa là mở ra một con đường mới trong việc đặt những vấn đề. Althusser muốn nói đến bản chất sai biệt của đối tượng khi nhận định:"Sự sai biệt này của đối tượng chủ yếu nằm trong nguyên tắc khu biệt cái thực và tư duy" ngõ hầu "thủ tiêu tất cả những gì cho phép lẫn lộn cái thực với cái được tư duy". Khoa học theo quan điểm của Althusser không phải là "phản ánh" đơn giản của thực tại mà là một quá trình diễn ra trong tư duy và mối quan hệ của nó với thực tại là một quan hệ của nhận thức. Ông xác định triết học là "điều kiện tri thức của chính đối tượng của một khoa học/condition d'intelligibilité de l'objet même d'une science." Triết lý có nghĩa là nghiên cứu trong những điều kiện nào và theo những điều kiện nào những vấn đề khoa học được đặt ra.
Bộ Tư bản đối với phái Althusser là một lý luận khoa học về kinh tế chính trị bởi nó bao hàm toàn bộ triết học mác xít vì như chính Marx khẳng định:"phương pháp phân tích của (ông) không khởi sự từ con người mà từ giai đoạn xã hội nhất định về mặt kinh tế". Cho nên phải xây dựng khái niệm mác xít về lịch sử khởi từ "quan niệm mác xít về toàn bộ xã hội". Duy có điều phân biệt với quan niệm toàn bộ xã hội hiểu theo những người phái Hegel như Lukács, toàn bộ đây là "một toàn bộ mà đơn vị thống nhất được cấu thành bởi một loại phức thể, đơn vị của một toàn bộ được cấu trúc, bao gồm những gì có thể gọi là những trình độ hay trường hợp khác nhau và 'tương đối tự trị' cùng tồn tại trong nhất thể cấu trúc phức hợp này, trong khi kết hợp với nhau theo những phương thức xác định đặc biệt, rốt cuộc được cố định qua trình độ hay trường hợp của kinh tế."
Điều đó có nghĩa là đối với mỗi phương thức sản xuất, có một thời điểm và một lịch sử riêng về phát triển những lực lượng sản xuất cũng như quan hệ sản xuất, về chính trị, triết học, khoa học v.v...Mỗi lịch sử này có nhịp điệu đặc thù của nó, nhưng kết hợp phụ thuộc vào toàn bộ. Một khái niệm lịch sử như vậy có tính sai biệt, nói theo ngôn từ của Althusser là điểm chiến lược số một của triết học mác-xít, như ông xác định trong bài thuyết trình tại Hội luận nói đến ở trên là:
"Tương lai của khoa học chiến lược số một của thời đại mới là khoa học về lịch sử và tương lai của triết học gắn liền với khoa học này là chủ nghĩa duy vật biện chứng."
Trong quan điểm của Althusser, chủ nghĩa Mác bao gồm hai bộ phận: khoa học là chủ nghĩa duy vật lịch sử và triết học là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo đề cương thứ ba, Marx đã xây dựng một khoa học mới: khoa học lịch sử về những hình thành xã hội, đánh dấu một đại lục mới, nếu xét trên phương diện không gian lý luận, so với đại lục toán học của người hy lạp, và đại lục vật lý của Galilée. Tiếp theo đề cương thứ tư, Althusser nhấn mạnh: Mọi phát hiện khoa học lớn đều gây ra một chuyển biến lớn trong triết học như khai sinh ra triết học cổ đại trong đại lục thứ nhất, triết học mới với Descartes trong đại lục thứ hai. Cho nên "triết học mác-xít hay chủ nghĩa duy vật biện chứng không thể trì trệ đối với khoa học lịch sử". Như vậy phát hiện khoa học của Marx ở chỗ nào?
"Không phải con người làm ra lịch sử...mà là quần chúng trong những quan hệ đấu tranh giai cấp", nói đúng ra những quan hệ đã vượt khỏi tầm mức của những cá thể thực nghiệm. Chính vì vậy, Engels hay Lênin không đặt để những vấn đề theo nghĩa lịch sử cá thể mà là lịch sử của những lý luận trên một khán trường với ba nhân vật: triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp.
Nhân vật ở đây như những khái niệm nhân vật của Deleuze-Guattari không phải là con người mà là nhân vật lý luận. Lần đầu tiên Về quan hệ của Marx với Hegel trong những bài viết của Althusser cũng như Trả lời John Lewis, Althusser nói đến quan niệm lịch sử như một quá trình không chủ thể. Ông biện luận như sau: Đối với Hegel, lịch sử là một quá trình tha hóa, nhưng quá trình này không có con người làm chủ thể mà là tha hóa của Tinh thần.
Chủ thể nếu có chính là viễn đích luận (téléologie) của quá trình. Khi bỏ đi quan niệm viễn đích này thì chỉ còn một phạm trù triết học Marx kế thừa Hegel, đó là phạm trù quá trình không chủ thể.
Song kế thừa này chỉ có tính cách hình thức vì xét đến những điều kiện trong quá trình lịch sử thì Marx không chịu ảnh hưởng Hegel khi ông nhận thức là chỉ có quá trình dưới dạng những quan hệ: những quan hệ nói đến ở đây là những quan hệ sản xuất, hay những quan hệ khác như quan hệ chính trị, quan hệ tư tưởng...
Những quan hệ sản xuất này không thể giản lược vào quan hệ của con người, vì theo Althusser như thế là làm tổn thương tư tưởng của Marx vì cái sâu sắc trong tư tưởng này chứng tỏ "những quan hệ sản xuất không thể giản lược vào mọi liên chủ thể nhân học
- vì chúng kết hợp những tác nhân và đối tượng trong một cấu trúc đặc thù của phân phối quan hệ, địa điểm và chức năng do những đối tượng và tác nhân sản xuất này chiếm giữ". Ông ví kinh tế như một khán trường không tác giả.
Để biện minh cho một quan niệm đặc sắc này khi chứng tỏ chủ nghĩa Mác có tính chống nhân bản, Althusser dẫn những chứng cớ như trong những bài viết cuối đời của Marx, Những ghi chú bên lề tác phẩm "Lehrbuch der politischen Ökonomie" của Adolph Wagner, Marx viết: Phương pháp phân tích của tôi không khởi sự từ con người nhưng từ giai đoạn xã hội nhất định về mặt kinh tế. Cũng như trong bộ Tư bản, Marx dùng từ Traeger để chỉ con người không là gì khác hơn trợ cụ của những quan hệ sản xuất, hay 'nhân cách hóa' những quan hệ sản xuất xã hội này như một đoạn trong Tư bản: những nhân vật xuất hiện trên sân khấu kinh tế chỉ là những nhân cách hóa quan hệ kinh tế hiện hữu giữa chúng với nhau". Theo Althusser, như vậy không phải con người mà là những quan hệ sản xuất phân phối những vai trò cho con người thực hiện. Chính từ quan niệm này, Althusser được coi như một đại biểu của tư trào cấu trúc luận của thời đại có đặc tính chung là chống nhân bản, loại bỏ những quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh hay trường phái tân Hegel về một biện chứng dựa trên vai trò chủ thể là người.  
Lịch sử có phải là một huyền thoại phương tây, như một nhà phê bình, Vincent Descombes nhận xét. Một phát biểu như vậy là một phê bình lịch sử, hiểu theo nghĩa của xu hướng hiện sinh trong chủ nghĩa Mác liên kết giữa sự tồn tục những biến cố của nhân loại từ lúc có lịch sử đến tận cùng của lịch sử với kinh nghiệm chủ quan của cá thể. Điều đó có nghĩa là chân lý của đấu tranh giai cấp và lẽ tất yếu của cách mạng dựa trên kinh nghiệm cá thể khi ý thức hiện hữu mang tính cách bóc lột hay bị bóc lột và việc tự do lựa chọn mang ý nghĩa đấu tranh diễn ra giữa những ý thức chống hay theo xã hội dựa trên sự nhìn nhận phổ biến. Một quan niệm như vậy không phải chỉ riêng Althusser mà nhiều nhà lý luận cấu trúc luận khác như Lévi-Strauss phê phán loại bỏ. Althusser muốn chỉ ra là có sự phân cách giữa kinh nghiệm (ông gọi là ý thức hệ biểu hiện mối quan hệ sống của con người cá thể với những điều kiện sinh tồn) và nhận thức, sự đối lập giữa ý thức và khái niệm. Khi phân biệt chủ nghĩa duy vật lịch sử như một khoa học với chủ nghĩa duy vật biện chứng như một triết học xây dưng khoa học này, chủ ý của Althusser là chỉ ra điều là triết học phải đáp ứng diễn ngôn khoa học. Ông gọi đó là lý luận thực tiễn. Vòng luẩn quẩn trong lý luận này làm thế nào giữ được tính cách biện chứng trong khi phủ nhận sự kế thừa biện chứng Hegel ngay trong lý luận bộ Tư bản của Marx. Mặt khác Althusser cũng nhìn nhận vòng luẩn quẩn của việc đọc theo triết lý bộ Tư bản chỉ khả hữu như một áp dụng nó chính là đối tượng của việc nghiên cứu triết học mác xít. Đọc Tư bản của Althusser và những người theo ông là một lý giải, nhưng nói như Foucault "lý giải không bao giờ mang đến một chung cuộc, chỉ vì không có gì để lý giải". Những tiền đề của Althusser nằm trong cái chung là tổng thể duy vật lịch sử, nói đến trong chương kế tiếp.