Dịch giả: Trạng Khang - Quốc
Chương II
“Ở NƠI ĐÓ VÔ SINH, VÔ TỬ…”

Khi anh bấm chuông, Carroline mở cửa ngay tức khắc. Cách đây không lâu cô đã cắt bỏ cái “đuôi ngựa” trên đầu, hôm nay cô mặc chiếc quần chẽn mầu đen, áo sơ mi trắng. Cô giống như một cậu bé mảnh dẻ và rám nắng.
Chào cậu bé – Joe vuốt bàn tay trên mái tóc cắt ngắn của cô rồi vòng tay ôm lấy cô nhìn một cách chăm chú. Đôi mắt của Carroline vẫn sáng và ánh lên dường như cô mới dậy sau một đêm ngon giấc.
Trông em cứ như là chẳng mất ngủ tí nào cả - Anh hôn cô và mỉm cười – Lạy chúa, Đức Chúa duy nhất của con ơi, cái gì sẽ xẩy ra với khoa học nếu tất cả các nhà nghiên cứu đều giống như em.
Em không hiểu anh nghĩ gì – cô nói một cách nghiêm nghị, nhưng sau một giây lại mỉm cười – Joe, em van anh, hãy ngừng tán dóc một lúc để nghe em nào! Anh phải nghe, tuyệt đối phải nghe toàn bộ câu chuyện. Em không thể nghĩ về cái gì khác được… -Cô gỡ khỏi vòng tay anh đứng ở giữa phòng, hai tay chống vào eo lưng mảnh dẻ, giống con trai của mình – Anh có thể tin em hay không thì tùy, nhưng nếu như những gì em nghĩ về những dòng chữ trên mảnh giấy là sự thật thì cô Caroline Beacon sẽ viết thêm một vài dòng có ý nghĩa vào lịch sử của nền văn minh chúng ta.
Alex gật đầu vẻ hiểu biết.
Sếch xpia đã viết rằng nên nói tốt về mình bởi vì những người khác chẳng bao giờ làm điều này được bằng ta. Tuy nhiên từ trước đến nay anh vẫn nghĩ em là người khiêm tốn và …..
Bởi vì em khiêm tốn! - Carroline nói dài giọng. - Em rất khiêm tốn và rất đói. Cô Beacon xin mời vào phòng ăn
Cô khẽ nghiêng người vòng tay một cách duyên dáng, ngón tay gần như chạm sàn nhà giống như nhà quí tộc đang ngả mũ chào. Sau đó cô biến ngay vào bếp. Alex đứng im lặng một lúc, mỉm cười nhìn theo cánh cửa bếp vừa khép lại sau cô. Anh chậm rãi bước vào phòng ăn, ngồi xuống bàn đã dọn sẵn và nhắm mắt lại. Ở đây ấm áp và yên lặng. Đâu đấy có tiếng radio.
Cánh cửa cọt kẹt mở, Carroline hai tay bê chiếc khay trên có hai ly cà phê đang bốc khói.
Em pha cà phê rất đặc, rất đặc đấy – cô nói và đặt khay lên bàn – mặc dù em biết rằng anh thích nước chè hơn. Nhưng mà em muốn để anh nghe kỹ hơn, và không nhất thiết phải là Joe Alex mới đoán được rằng ai làm việc cả đêm sẽ ngủ quên ngay lặp tức nếu để cho người đó một mình trong một phút. Sau khi nghe xong câu chuyện em kể, anh sẽ tự nhận thấy câu chuyện quả thật là kinh ngạc.
Joe gật đầu và cố nén cái ngáp và nhắm mắt lại. Sau đó anh cố mở mắt ra và mỉm cười.
Đây nhất định sẽ là một trong những buổi sáng thú vị nhất đời anh.
Anh cứ cười đi, hãy cười không thương xót con người yếu ớt này đi, người mà tí nữa sẽ chăm cho anh ăn hết lòng. Nội dung mảnh giấy của em có thể sẽ thú vị gấp trăm lần so với nội dung của năm nhà xác chất đầy tận nóc những thây ma hạng bét của anh. Đấy là em chưa kể tới những kẻ kế thừa đần độn và sốt ruột mà sau này anh phải khám phá một cách vất vả như báo chí đã viết, mặc dù cái việc này chẳng đòi hỏi tý sức lực nào bởi vì thông thường người nọ giết người kia vì những lý do đơn giản thì chỉ cần nghĩ một lúc là…..
Anh hiểu – Joe gật đầu – Em muốn nói rằng anh là thằng ngốc và anh được nổi tiếng một chút trong các độc giả người Anh chẳng qua là vì kẻ sát nhân mà anh giúp thám tử Parker bắt được còn ngu hơn cả anh có phải không.
Không phải như vậy! Em chỉ muốn giải thích là nhà khảo cổ giỏi phải là nhà thám tử giỏi! Tất nhiên nhà khảo cổ giỏi không chỉ là thám tử mà còn là…
Là đầu bếp – Joe gật đầu tán thưởng – Anh nhìn thấy cà phê rồi. Thế anh được thêm gì nữa để nghe những điều hay ho mà cô Beacon sẽ nói về cô Beacon?
Tất cả những gì anh muốn, sau một giây nữa, nhưng hãy để em nói nốt đã.
Anh đang nghe đây – Alex đứng dậy, bước lại gần cô, nhấc bổng cô lên và đung đưa nhẹ nhàng trên không dường như cô chỉ là con búp bê lớn. Anh hôn cô rồi đặt cô xuống – Có lẽ có gì thú vị thật đây. Anh chưa bao giờ thấy em trong trạng thái này.
Bởi vì chưa bao giờ… À thôi, anh hãy đợi đã. Trước hết là ăn sáng. Mẹ em luôn nói rằng người đàn ông đang đói thì như thú dữ ấy, muốn dụ nó chỉ có thể bằng đĩa thức ăn đầy.
Hãy chuyển đến mẹ em lời chào kính trọng nhất của anh.
Sau bữa sáng, họ ngồi cạnh nhau trong phòng khách nhỏ sáng sủa, cũng đồng thời là phòng ngủ và phòng làm việc của Caroline. Cô nhấc tấm vải trắng đang phủ lên một vật nằm trên cái bàn giấy xinh xắn của cô. Thoạt đầu Alex ngỡ đó là bức tranh dài, khổ nhỏ, nhưng khi Caroline nghiêng nó về phía anh và đưa sát vào mắt thì anh nhận thấy đó là một mảnh giấy màu nâu đã nát, được đặt giữa hai lớp kính, chung quanh dán băng dính như một cái khung vậy.
Hãy nhìn kỹ vật này, Joe. Chỉ xin anh thật cẩn thận.
Alex im lặng xem xét mảnh giấy. Trên mảnh giấy là nhưng hàng chữ Hy lạp đều đặn, đẹp và đã mờ, đôi chỗ hoàn toàn không đọc được. Phía dưới có một hình vẽ. Đó là hình một phụ nữ đứng, mặc váy dài phủ kín bàn chân. Hai tay giang rộng và nắm vật gì trông như những con rắn. Trên đầu là chiêc mũ có con chim xòe hai cánh.
Hình vẽ được giữ tốt hơn chỗ có viết chữ, có lẽ nó được cuộn vào phía trong nên mặc dù chôn dưới đất có đến ngàn năm mà vẫn còn trông khá rõ.
Joe cúi xuống đọc dòng chữ viết dưới hình vẽ người đàn bà: ATANA POTNIA GIÓ BỒ CÂU MÊ CUNG.
Anh ngẩng đầu lên.
Vốn hiểu biết tiếng Hy lạp anh không khá lắm nhưng theo anh đây có lẽ không phải tiếng Hy lạp cổ.
Carroline mắt tròn xoe nhìn anh một cách ngạc nhiên.
Joe, thành thật làm sao anh có thể biết được điều này?
Anh không biết. Anh suy luận thôi. Atlanta là tên gọi cũ của Athena[1]. Chắc không sai đâu. Người có kiểu chữ viết đẹp như thế này hẳn là phải biết cách viết cái tên khá phổ biến đó.
Đúng, tuyệt thật! Thế còn những suy luận khác?
Em đừng đòi  hỏi quá nhiều ở một người viết truyện trinh thám khiêm tốn. Chữ PTONIA, theo anh nghĩ, nhà thơ Homer đã dùng để nói về nữ thần. Có thể dịch chữ này là NỮ THẦN có được không? – Anh lại ngắm nghía kỹ mảnh giấy – Như vậy dòng chữ dưới hình vẽ có nghĩa là: ATLANTA, NỮ THẦN CỦA GIÓ, CHIM CÂU VÀ MÊ CUNG.
Anh ngẩng đầu lên. Một nụ cười rộng lượng xuất hiện trên mặt anh.
Thế  mà em phải mất bao nhiêu thời gian cho cái mảnh giấy này – anh nói với giọng hơi đắc thắng – Tất nhiên, Nữ thần Mê cung là vị thần chính của dân Crêt.
Carroline cầm mảnh giấy lên tay. Cô ngắm nhìn Alex một lúc mà không mảy may thay đổi nét mặt. Rồi bỗng nhiên cô cười phá lên.
Tại sao chẳng bao giờ anh nói với em về điều này?
Về điều gì cơ?
Rằng anh cũng chú ý tới những công việc này này!
Anh không thích thú những công việc về cái nền văn minh Ê giê như em nghĩ. Dân Crêt đối với anh chả là cái gì. Anh chỉ thấy vô cùng hạnh phúc nếu như em trở thành vợ anh và lo công việc khác như nội trợ chẳng hạn. Còn nếu như em không có ý định làm việc này thì hãy đọc mảnh giấy đi và sau đó anh muốn được có thêm một ly cà phê nữa.
Anh sẽ có thậm chí cả một đồn điền cà phê, Joe, nhưng trước hết phải nghe những điều em nói đây – cô do dự một chút  rồi tiếp – Em nghĩ rằng anh sẽ giúp ích cho em – cô giơ tay chỉ vào mảnh giấy – Thực sự mà nói không còn nghi ngờ mảy may gì về tính chính xác của  tài liệu này. Anh không  phải là chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ, nhưng anh sẽ ngạc nhiên giống như khi  em nói với anh về nó. Mảnh giấy này đã có khoảng hai nghìn ba trăm năm trước và được tìm thấy ở Ai cập năm ngoái trong khi khai quật một ngôi làng cổ ven biển của người Hy lạp, trên ranh giới giữa châu thổ sông Nin và sa mạc. Chỗ đó khô ráo nhưng không phải là không bị ẩm. Em cho là phải có phép nhiệm mầu nên mảnh giấy này mới tồn tại được dù chỉ một phần. Họ đã đem nó về nước Anh cùng nhiều thứ khác. Sau đó, hoàn toàn ngẫu nhiên, một nhà cổ ngữ học trẻ tuổi, bạn em từ thời sinh viên, tiến hành đọc nó. Như anh thấy, mảnh giấy này bị nát nhiều chỗ và phải chiếu tia hồng ngoại để đoán được nét bút viết bằng cây sậy trên đó. Nhưng những chi tiết đó để sau đã. Trước tiên, em muốn anh nghe bản dịch ra tiếng Anh của em: có thể nó chưa hay nhưng hoàn toàn trung thực. Hãy nghe đây:
Ở nơi đó vô sinh vô tử
Chẳng kẻ nào dám thử liều mình
Đụng vào mảnh đất thần linh
Trồng cây, bới của cho mình giàu sang
Chỉ vì lòng da tham lam
Hay vì kẻ đó lòng đang hiếu kỳ
Dù kẻ đó muốn gì cũng kệ
Keros này đâu để kẻ trần
Đụng vào những phiến đá thần
Sẽ gây náo động Nữ thần Mê cung
Kẻ đó sẽ khốn cùng tuyệt vọng
Chết chìm trong lòng của biển khơi
Và tên tuổi hắn trên đời
Biến đi mà chẳng một người nào hay
Cô ngừng lại một lúc. Joe im lặng gật đầu giục cô đọc tiếp.
Đến đây là hết phần thơ – Caroline nói – Tiếp theo là lời do cùng một người viết:
“Những lời cổ xưa này về Đức Bà được chép lại trung thực từ tay ta, thủy thủ Perimos, người cả cuộc đời sống lênh đênh trên biển cả. Ta đã nhìn thấy Keros một lần khi bơi thuyền chở lúa mì và rượu vang tới Bi dăng tin. Ta đã nhìn thấy hòn đảo, nhưng không hướng thuyền về phía đó. Ta đã bơi vòng quanh đảo, cúi chào hòn đảo khi đêm xuống. Ta tự cầm lái khi gia nhân của ta đã ngủ say. Ngôi sao hàng hải đã chiếu trước mặt ta, sau lưng ta, rồi lại trước mặt ta khi ta dâng lễ vật cho thần bằng cách rót rượu vang xuống biển và rắc lúa mì trên sóng. Ta không đánh thức một kẻ nào dậy và không ai trong số chúng nhìn thấy ta làm gì cho đến khi ta lại cho thuyền tiến về phía ngôi sao hàng hải. Ta đã không đánh thức một ai, vì ta không muốn sau này khi chúng lại thấy Keros, chúng sẽ lên đảo quấy rầy sự yên tĩnh của Nữ thần Mê Cung. Trước đó Cụ của ta đã ở đấy, trước đó nữa là cha và ông của Cụ ta, và trước nữa là những người khác trong dòng họ của ta. Cụ của ta đã mất mà không có con trai. Từ đó đảo không có thủ đền, Mẹ của ta, con gái của người đã thuộc và nói cho ta những lời trên về Nữ thần. Ta không có anh em trai cũng như có con trai để nói lại cho họ những lời này. Thời gian của ta đã hết. Ta viết lại những lời này để Đức Bà biết rằng khi ta về cõi hư vô, ta đã dâng Người lễ vật. Cuộn giấy này, được niêm phong bằng triện của ta, sẽ được đặt vào mộ khi chôn, ta dặn phải đặt nó ở trong bàn tay phải của ta để ta trao lại cho Đức Bà khi trông thấy người. Và ta sẽ không còn là người sống nữa khi biết rằng Người đang ở trong Mê Cung. Và khi họ bơi qua đây như là vượt qua một nơi không có bến đỗ, nơi không có gì sinh ra cả. Và dù cho có kẻ nào liều mình tiến vào các mỏm đá hiểm trở, còn sống sót để lên bờ cũng sẽ rơi vào vực thẳm, biến mất cùng với tên tuổi của nó. Đức Bà đã ngủ như những người thường vẫn ngủ và sẽ thức dậy trong ánh hào quang của mình khi tới lúc.”
Carroline dừng lời, đặt mảnh giấy một cách thận trọng lên bàn.
Phía dưới là hình vẽ và dòng chữ mà anh đã được đọc rồi đấy – cô nói khẽ. Rời khỏi ghế, cô đi về phía cửa sổ, đứng im lặng một lúc với đôi mắt nhắm nghiền, trán tì vào kính cửa sổ rồi đột ngột quay lại – Nếu như anh muốn biết điều này có ý nghĩa gì thì hãy nghĩ tới một điều: người Crêt xây dựng vương quốc của mình cách đây đã sáu ngàn năm. Vương quốc hùng mạnh này tồn tại rất lâu và cuối cùng đã sụp đổ vào ba nghìn rưởi năm trước đây. Tất cả đều sụp đổ: các thành phố, tổ chức nhà nước, các thần linh, tiếng nói cũng mất đi, chỉ còn lại những dấu vết mờ nhạt trong thần thoại của người Hy lạp, những người đã phá hủy cái vương quốc này. Và lúc đó, khi triều đại Hy lạp đang đi tới chỗ suy vong thì trong một ngôi làng nhỏ nằm rất xa Hy lạp có một người con của vương quốc bị diệt vong đang hấp hối và viết nên những dòng chữ này. Ông ta kể tằng cụ của ông ta là người thủ đền thờ Nữ  thần Mê Cung, mà việc thờ cúng vị Nữ thần này đã không còn từ ít nhất một nghìn năm trước khi ông ta sinh ra. Mảnh giấy này mô tả kỹ lưỡng Atlanta, Potina, Nữ thần của Gió, Chim Câu, và Mê Cung, vị thần chính của người Crêt. Hơn thế nữa, ông ta còn giải thích rằng đền thờ của vị Nữ thần này nằm ở một nơi hiểm trở, hoàn toàn không phải ở trên đảo Crêt mà là trên hòn đảo nhỏ không có người ở, được giấu kín đến mức không tìm ra được. Điều đó có nghĩa là đền thờ này tồn tại qua hàng nghìn năm, mặc dù người Hy lạp đã ra sức tìm kiếm khắp các đảo vùng Địa trung hải, và có thể nó vẫn còn tồn tại!
Alex gật đầu một cách không tin tưởng mấy.
Chưa hết đâu – Carroline vội lấy tay che miệng anh lại – Một nghìn năm sau khi vương quốc Crêt sụp đổ, nhà sử học Hy lạp Tukidydes đã viết:
“Như chúng ta  đã từng nghe, Minos là người đầu tiên có trong tay hạm đội hùng mạnh. Ông ta đã thống trị phần lớn vùng biển mà ngày nay gọi là biển Hê len, đặt chính quyền lên toàn vùng Cyklad….” Cái từ “Như chúng ta đã từng nghe” có nghĩa là trong các câu chuyện kể của người Hy lạp có chứa dấu vết của những cuộc giao tranh với người Crêt, và cái tên Minos còn tồn tại bởi vì thực tế ông ta đã thống trị đất nước này. Ông ta ta là kẻ thù của các bộ tộc Hy lạp, những người từ những miền sâu trong đất liền ra sinh sống trên bờ biển, bị rơi vào ách thống trị của ông ta. Họ đã cố thoát khỏi ách thống trị này và phá hủy cả cái vương quốc rộng lớn của người Crêt, từ đó mở thông đường biển sang chinh phục các đảo và bờ biển vùng Tiểu Á. Nhưng em muốn nói sang vấn đề khác. Truyền thuyết các cuộc giao tranh với người Crêt có vài truyện có ý nghĩa lịch sử to lớn.
Trước hết là về Mê Cung do Đêdal xây dựng cho quốc vương Minos để nuôi giấu đứa con Minotaur, nửa người nửa bò của mình. Chúng ta cũng biết qua các khu khai quật rằng bò được thờ trên đảo Crêt. Có thể người ta đã cúng lễ nó bằng việc hành hình các tù binh hoặc các con[2] tin người Hy lạp, từ đó có chuyện kể là nó ăn thịt người. Sau đó là truyền thuyết về người Hy lạp tên là Têdê đã tới hòn đảo này, yêu công chúa Ariadna, thâm nhập vào sâu trong mê cung, giết Minotaur và lấy công chúa làm vợ. Có thể Têdê là thủ lĩnh của đội quân Hy lạp đã phá hủy thủ đô  vương quốc Minos và lật đổ tượng đài con bò đáng căm ghét. Ariadna có thể thực là công chúa của vương quốc Crêt mà người thắng trận đã chiếm làm vợ, để có thể hòa hợp với dân tộc này và đứng ở vị tri cao quí hơn là bị coi là kẻ xâm lược. Từ thời điểm này tiếng Hy lạp bắt đầu dùng trên đảo. Qua những công trình nghiên cứu thiên tai của Ventris, chúng ta biết rằng người Crêt dùng chữ khác, nói tiếng khác, đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm được cách đọc.
Người Hy lạp chưa thể tiếp quản hết những kho báu của nền văn minh Crêt, và có thể những cuộc xâm chiếm về sau của những bộ tộc Hy lạp nguyên thủy hơn đã phá hủy cả cái nhà nước Hy lạp – Crêt? Nói gọn là hệ chữ đó đã biến mất, hai trăm năm sau khi chinh phục được đảo Crêt, người Hy lạp vẫn mù chữ. Mãi sau này người Hy lạp mới lấy bảng chữ cái của người Phê ních để tạo ra hệ chữ mà ngày này gọi là chữ Hy lạp. Từ những vùng khai quật trong khu vực văn minh Crêt, chúng ta biết rằng họ đã thờ thần chính là Nữ thần Mê Cung, đồng thời cũng là nữ thần của Gió và Chim Câu. Bà ta cũng có tên là Atana. Còn cái tên Atena vẫn được gọi sau này có lẽ là tên vị thần thời kỳ tiền Hy lạp do người Hy lạp truyền lại. Ngược lại người Hy lạp chưa bao giờ thờ Nữ thàn Mê Cung mặc dù họ biết tới nữ thần Persefon và ám chỉ Hades cũng là nơi khó tới được giống như vào Mê Cung…..
Nhưng ông thủy thủ Perimos của chúng ta…. Joe nói nhỏ.
Chính thế! Ông thủy thủ Perimos gọi nữ thần của mình bằng cái tên mà chính ông ta cũng không tự biết bởi vì nó bị lãng quên từ hàng nghìn năm rồi. Khi ông ta viết những giòng chữ này trên giấy, các thành phố Crêt đã bị phá hủy thành đống gạch từ lâu.
Có nghĩa là em muốn nói với anh rằng nếu ông ta biết được cái tên mà chính ông ta không thể tự tìm ra thì đó là chứng cớ rõ nhất về sự tồn tại hòn đảo nhỏ Keros đã được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác của ông ta.
Phải, em coi đó là luận cứ khoa học chắc chắn – Caroline trả lời dứt khoát – Bởi vì một người bình thường không thể biết được tên vị nữ thần này bằng cách khác. Anh có thấy hình vẽ người đàn bà giang hai tay cầm những con rắn không? Trên toàn bộ khu vực văn minh Crêt đều thờ tượng nữ thần này. Perimos có thể tìm được bức tượng này nhưng không tự biết nó là ai nếu không có những thông tin được truyền lại.
Alex nhướng mày.
Khoan đã. Dù cho pho tượng này là ai thì Mê Cung đó vẫn nằm trên đảo Crêt chứ không nằm trên một hòn đảo nhò nào khác, có phải không?
Joe, thế chúng ta đã biết gì về đảo Crêt và dân cư ở đấy? Chúng ta đã khai quật các thành phố của họ, chúng ta biết tới những hình vẽ, đồ gốm họ làm ra, chúng ta cũng biết họ ăn mặc thế nào, xây dựng ra sao, chúng ta có thể suy luận ra họ ăn gì và giải trí thế nào. Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết tí gì về lịch sử của Crêt, bời vì chúng ta chưa biết đọc dạng chữ vạch mà dân tộc đó sử dụng. Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa vượt qua được trở ngại này.
Cứ cho là người thủy thủ Perimos kia đã viết chúng đúng sự thật và nhóm nghiên cứu của em sẽ tìm ra Keros với đền thờ của Nữ thần Mê Cung, nhưng có thể đó chỉ là một trong số những nơi thờ cúng nhỏ bé của địa phương còn tồn tại vì ở cách xa những nơi người Hy lạp chiếm đóng. Hòn đảo nhỏ khó tới gần, từ xa trông không như có người ở và hiếm nước (theo lởi ông ta kể) và không có cây mọc sẽ không thu hút sự chú ý của ai. Những đền thờ như vậy, có thể rất nhiều. Tất nhiên, mảnh giấy này rất thú vị. Nhưng anh không thấy nguyên nhân nào làm cho nó có thể trở thành một tài liệu đặc biết.
Thế mà em lại thấy đấy – Caroline đáp lại bình thản – Nếu như đảo Keros không bị phá phách từ trước và nếu như ở đó tồn tại đền thờ Nữ thần Mê Cung, còn dòng họ người thủ đền trong vòng một nghìn năm đã bí mật tới đó để dâng lễ vật thì chúng ta có thể thực hiện những phát hiện bất ngờ. Hãy nhớ rằng, dòng họ ấy đã tới đảo thường xuyên trong vòng một nghìn năm, họ nhất định phải để lại dấu vết. Tập quán ghi nhận lại những lễ vật hiến tế rất phổ biến ở Hy lạp. Perimos chưa bao giờ đến Keros nhưng lại vẽ được hình Nữ thần Mê Cung giống như người Crêt đã thể hiện, như vậy có khả năng là dòng họ này đã truyền cho nhau kỹ năng viết chữ và ý nghĩa biểu tượng của Nữ Thần. Trong trường hợp những người nói tiếng Hy lạp cổ cũng đến thăm viếng đền thờ nữ thần thì họ sẽ để lại những ký hiệu hoặc văn tự của ngôn ngữ tiền Hy lạp và ta có thể tìm thấy những dòng chữ song ngữ ấy trên tượng, trên tường hay ở đâu đó. Đó chính là cuốn tử điển chuyên ngành khảo cổ học Crêt đang cầu mong. Anh đã hiểu em chưa?
Anh hiểu – Joe nói – Tất cả đều rất có thể xảy ra, mặc dù khẳ năng đó rất bé và thời gian hàng nghìn năm đã trôi qua. Tuy nhiên cho dù em không tìm ra những dòng chữ song ngữ, thì việc phát hiện ra đền thờ Nữ Thần Mê Cung theo những chỉ dẫn trong tài liệu cách đây 2.300 năm cũng làm chấn động thế giới.
Em thèm vào cái chấn động thế giới ấy! – Carroline nhíu mày – Điêu quan trong nhất là có lợi cho khoa học. Em nói điều này có vẻ hơi viễn tưởng về truyền thuyết Mê cung nổi tiến do Đêdal xây dựng. Khi nhà khảo cổ Evans phát hiện ra cố đô Crêt là Knosos và khai quật lâu đài của nhà vua với hàng trăm hành lang, phòng ở, buồng khách, sân chơi thì người ta cho đó là Mê Cung bởi vì người ta có thể lạc ở trong đó. Nhưng điều đó chưa chắc chắn.
Em muốn nói rằng, Cung điện ở Knosos không phải là Mê Cung do Đêdal xây dựng?
Phải.
Tại sao?
Em đã nghĩ như vậy vài năm trước đây khi em đọc những dòng chữ kiểu vạch trên các miếng gạch viết về Nữ thần Mê Cung.
Cô bỗng nhiên ngừng lời, nhìn Alex và mỉm cười.
Nào, xin mời thám tử nổi tiếng cho ý kiến!
Joe gật đầu.
Có phải em định nói rằng nếu như họ viết về Nữ Thần Mê Cung  thì có nghĩa đó phải là mê cung thật sự, chứ không phải là cung điện nhà vua. Người ta có thể gọi là mê cung chứ người dân ở đấy không thể nói như vậy, bởi vì đối với họ đó chẳng có gì bí mật cả. Họ chẳng đời nào gọi Nữ Thần của mình là Nữ thần Mê Cung chỉ vì cung điện nhà vua có nhiều phòng và hành lang. Có phải thế không?
Chính là như thế. Suy luận tiếp theo như sau: ở Knosos cũng như ở những nơi khác thuộc về nền văn minh Crêt không phát hiện ra công trình nào giống như Mê cung trong truyền thuyết của người Hy lạp. Tất nhiên Mê Cung trong đó không nhất thiết phải nằm trên đảo Crêt. Crêt là vương quốc trên biển đã thống trị toàn bộ vùng đông Địa trung hải. Người Crêt có thể chọn bất kỳ hòn đảo nào trong bán kính hàng trăm dặm cách đó là thủ đô để làm trung tâm tín ngưỡng, nhằm mục đích đảm bảo không kẻ nào cướp phá đền thờ của họ. Nếu như những khó khăn như Perimos mô tả thì điều đó càng trở nên đúng hơn. Anh có thể hỏi tại sao một dân tộc giầu có và hùng mạnh lại muốn có đền thờ thần linh của mình ở cách xa trung tâm? Trong khu vực này điều đó không phải là hiếm. Thí dụ Aten và Spac trong suốt một thời gian dài là hai vương quốc hùng mạnh  nhất ở Hy lạp, thế mà những trung tâm tín ngưỡng lớn lại ở cách khá xa hai nơi thành phố này, nhiều đền thờ còn được dựng ở những hòn đảo đông người hoặc những nơi hẻo lánh. Hình như đó chính là tập quán của người Hy lạp, muốn để thần linh của mình ở nơi yên tĩnh cách xa những trung tâm buôn bán, chiến tranh và hỗn độn – cô ngừng lời – Vị vậy có một khả năng dù rất nhỏ nhoi, là mảnh giấy nát tìm thấy trong ngôi mộ cổ kia sẽ chỉ ra cho chúng ta ví trí của một trong những công trình nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại: Mê Cung của đức vua Minos.
Họ im lặng một lúc lâu, cuối cùng Alex nở một nụ cười thoải mái. Anh không còn buồn ngủ nữa.
Tốt – anh nói giọng nghiêm chỉnh – Anh muốn hỏi chỉ một điểu thôi: đảo Keros ở đâu?
Caroline giang tay bất lực.
Năm phút sau khi đã giải mã xong mảnh giấy, em bắt đầu tìm trong tất cả các Atlas và tử điển khảo cổ. Em có ở đây Đại Atlas thế giới cổ đại, em có các tử điển chỉ dẫn với các tên sông ngòi, địa danh, núi, đảo, vịnh, thành phố lớn nhỏ đã nói trong các tài liệu cổ…
Và sao nữa?
Chẳng có gì cả - Caroline giang tay – chẳng ở đâu có đền Keros.
Em đã hỏi ai chưa?
Chưa. Trước hết em có nhiệm vụ phải tường trình lại toàn bộ sự việc cho giáo sư Lee
Alex đứng dậy.
Chúng ta đi thôi – anh nói và tiến về phía cửa.
Đi đâu? – Carroline cũng đứng dậy nhìn anh dò hỏi.
Còn đi đâu nữa? – anh nắm tay trên quả đấm cửa, nét mặt nửa đùa nửa thật – tất nhiên đi tìm đảo Keros!
Ngạc nhiên, cô bước theo anh không nói một lời.
Chú thích:
[1] Atena: - Tên một nữ thần trong thần thoại Hy lạp (ND)
[2] Minos, Đêdal, Minotaur, Têdê, Ariadna, Persefon, Hades: tên những nhân vật trong thần thoại Hy lạp – ND